Search This Blog

Thursday, November 14, 2024

NGÀY TA ĐÃ YÊU



(Khởi chiếu từ mai 15/11 - nếu là tôi, sẽ dịch là Ta sống trong đời - vừa nghĩ ra thêm: Đời ta đã sống)

Trước khi nhận được thư mời, tôi còn không biết đến sự tồn tại của phim này. Thích Florence Pugh nên ra rạp, hóa ra lại được xem một trong những phim đẹp đẽ nhất năm 2024. Nửa vô tri nửa hữu tri. Dĩ nhiên, đó là nhận xét của riêng tôi.

John Crowley từng đạo diễn Brooklyn (tôi rất thích), màu của We Live In Time cũng tượng tự. Một phim slice of life điển hình, thong thả, chậm rãi, với những khuôn hình giản dị nhưng đẹp, đẹp kiểu đời thường, đẹp kiểu ấm áp, đẹp kiểu yêu thương.

We Live In Time đúng kiểu đưa một cuộc đời từ cuộc đời vào màn ảnh. Nó là những chuỗi ngày bình lặng, là những trải nghiệm giống với trải nghiệm của bao người. Tuy nhiên, nó cũng dạy ta cách đương đầu với biến cố, dạy ta biết thế nào là đồng cảm, dạy ta biết trân trọng từng khoảnh khắc của sự tồn tại.

We Live In Time khiến tôi nhớ đến hai phim “hai người”, nghĩa là tập trung hoàn toàn vào hai nhân vật chính. Một là Marriage Story, một là Nine Songs. Phim này nằm đâu đó ở lưng chừng. Hơn đứt hai phim kia ở những miếng hài thông minh, dí dỏm và thuyết phục.

Xưa nay tôi vẫn luôn thích những phim slice of life kiểu này. Như Paterson. Như Columbus. Như Past Lives. Bởi như tôi vẫn hay chém, cuộc đời của hầu hết chúng ta nó cứ nhàn nhạt vậy thôi, diễn đạt được sự nhàn nhạt đó thế nào để khán giả thấy hay ho mới là thách thức.

Cái sự hay của We Live In Time thật khó viết ra cho đúng để lôi mọi người đến rạp. Nó là một sự thấu cảm bên trong, tôi nghĩ vậy. Còn nếu phải mô tả kiểu xôi thịt, tôi sẽ nói, “phim này độc đáo lắm mọi người ơi. Lần đầu tiên chúng ta được xem Nhện nhọ chén Black Widow hoặc ngược lại, hoặc Nhện nhọ và Black Widow chén nhau. Nhiều lần”.

Tối về xem review, thấy điểm trung bình là 7,1/10. Tôi chấm hẳn 8,5/10. Và tổng kết bằng hai chữ “đáng xem”. Nhưng vẫn chống chỉ định với người thiếu kiên nhẫn, người thích nhanh, kịch tính, người không thích lối kể chuyện phi tuyến tính và người dị ứng với chuyện chửa đẻ.

Vậy thôi.

shared from facebook Hoàng Cương,

Wednesday, November 6, 2024

Những kẻ nhái lại đã tạo ra một số video game nổi tiếng nhất thế giới

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Khách tham quan đang chơi StarCraft II của Blizzard tại hội chợ thương mại Gamescom ở Cologne, Đức, năm 2012.


Cuốn "Play Nice" (“Chơi đẹp”) của Jason Schreier kể câu chuyện về Blizzard Entertainment từ thời kỳ hoàng kim kiêu ngạo và phóng đãng của hãng này trong thập kỷ 90 cho đến đỉnh điểm dư thừa doanh nghiệp của nó.

Cuộc đời văn phòng rất nhọc nhằn. Thậm chí là giữa thế kỷ 19, khi văn phòng hiện đại lần đầu tiên trở thành xu hướng, nó đã tệ rồi: rất nhiều những kẻ thụ động khép kín như nhân vật Bartleby cứ sao chép và sao chép mãi cho đến khi công việc làm họ suy sụp, đến tận thâm tâm họ. "Không giống như việc đồng áng hay nhà máy, công việc văn phòng chẳng tạo ra bất kỳ thứ gì", Nikil Saval viết trong "Cubed" (“Làm việc trong ô ngăn”), cuốn sách lịch sử xuất bản năm 2014 của anh viết về cuộc sống của những người làm công việc văn phòng. "Nhìn từ khía cạnh lạc quan nhất, có vẻ nó tái tạo mọi thứ".

Bạn có thể biến văn phòng thành nơi vui vẻ không? Có lẽ bằng cách sao chép một thứ gì đó thú vị, như một video game chẳng hạn? Theo như gợi ý của Jason Schreier trong "Play Nice" – cuốn biên niên sử chặt chẽ của anh về hãng video game Blizzard Entertainment đang bị khốn khó bủa vây – đó chính là điều mà những người sáng lập mới-tốt-nghiệp-đại-học của hãng là Allen Adham và Mike Morhaime đã nghĩ khi lần đầu tiên khai trương một cơ sở bé tí gần Đại học California, Irvine, hồi năm 1991.

Những lập trình viên ở độ tuổi 20, lười tắm rửa, đôi khi quá khích, thường say xỉn mà họ tuyển dụng không chịu bắt tay vào việc ngay với các game đình đám mà nhờ đó họ nổi tiếng – những cuộc giao tranh kiểu khoa-học-viễn-tưởng trong StarCraft, những vương quốc ảo giả tưởng trong World of Warcraft, những màn đấu súng hoành tráng trong Overwatch. Thay vì thế, họ chấp nhận hợp đồng từ các công ty khác để mua những trò chơi đã nổi tiếng được tạo ra cho một hệ điều hành (ví dụ Windows) và điều chỉnh chúng cho thích hợp với một hệ điều hành khác (ví dụ Commodore 64), quá trình được gọi là quá trình điều chỉnh phần mềm thường liên quan đến việc tái tạo trò chơi đó bằng một ngôn ngữ lập trình khác.

Là phóng viên của Bloomberg, Schreier là người săn tin đầy nhiệt huyết được nhiều người kính trọng trong ngành, với nguồn tin ở mọi ngóc ngách của giới phát triển game, từ những ô ngăn làm việc thiếu ánh sáng đến những văn phòng sáng loáng ở góc tòa nhà cho đến những đấu trường thể-thao-điện-tử nơi các đội mọt máy tính trình chiếu những trận chiến ảo của họ cho đám khán giả náo nhiệt.

Cuốn sách đầu tay “Blood, Sweat, and Pixels” (“Máu, mồ hôi và những điểm ảnh – xuất bản năm 2017) của anh là hợp tuyển tin bài về các nhà phát triển video game lớn và nhỏ, dựa trên hàng loạt cuộc phỏng vấn và moi được những cái nhìn thấu thị đích thực từ các lập trình viên và nghệ sĩ. Ví dụ, nhiều người chơi game, dù họ đang đào hầm ngục để tìm kho báu hay nhấp vào những viên ngọc trên màn hình smartphone, đều chẳng bận tâm nếu thành công của họ phụ thuộc vào may rủi. Một cú nhấp ngẫu nhiên cũng giúp kích thích hormone dopamine tiết ra chẳng khác gì máy đánh bạc ở Las Vegas; nhưng sau nhiều lần thử nghiệm và lỗi hỏng, các nhà phát triển game Diablo III của Blizzard phát hiện ra rằng, do không có giải độc đắc, tốt hơn hết là đảm bảo để nhà cái không phải lúc nào cũng thắng.

Trong cuốn “Play Nice”, Schreier bao gồm toàn bộ lịch sử của Blizzard và dùng ít thời gian hơn để đi sâu vào các lựa chọn thiết kế riêng biệt. Tuy vậy, một cái nhìn thấu thị duy nhất, hoặc một tá, là không đủ để tạo ra một game đình đám từ con số 0, và những nhân vật chính của Schreier cứ loay hoay khi họ cố gắng quá mức để tạo ra tính độc đáo mới mẻ. “Play Nice” chỉ rõ ra rằng Blizzard trở nên lớn mạnh không phải bằng cách chấp nhận may rủi với những ý tưởng mới, mà bằng cách để các nghệ sĩ khác nỗ lực mạo hiểm với hàng trăm quyết định hầu như không thể giải thích được khi thảo luận sâu một game bom tấn và sau đó nhào vào sau lưng họ để nhái lại cái hay nhất – dĩ nhiên là với những tính năng, câu chuyện và nghệ thuật mới.

Khi quyết định nhái lại cái gì, những nhà đồng sáng lập và nhân viên của họ đã theo đuổi những ám ảnh của riêng mình. Hồi giữa thập kỷ 90, họ mua một game mà mọi người hay chơi tại văn phòng, nó là game dành cho một người chơi mô phỏng chiến thuật khoa-học-viễn-tưởng trong Dune II của Westwood Studios, về các gia tộc thù địch khai thác gia vị trên một hành tinh sa mạc, và biến nó thành game dành cho nhiều người chơi mô phỏng chiến thuật giả tưởng trong Warcraft. Phiên bản Blizzard có loài orc và con người khai thác vàng trong một khu rừng, nhưng về căn bản nó y hệt như nhau. "Nếu nhái lại là cách tâng bốc chân thành nhất," một trong những người đồng sáng lập Westwood nói với Schreier, "thì họ đã tâng bốc chúng tôi rất nhiều".

Mỗi bản sao của Blizzard đều mang phong cách riêng – hãng này, mở rộng đến hàng nghìn nhân viên vào giữa thập kỷ 2000, sẽ trở nên nổi tiếng vì thiết kế thông minh của nó mang những khái niệm quen thuộc. Nhưng chiến lược thị trường đầy cảm tính của họ đã chứng tỏ là một mô hình kinh doanh mong manh về lâu về dài. Khi hãng lớn hơn và các nhà phát triển già đi, họ ngày càng xa rời thực tế. Giữa thập kỷ 2010, một lập trình viên của Blizzard đã nghi ngờ rằng game của anh ta là một sự thất bại chỉ vì em trai anh ta nói rằng không có người bạn tuổi teen nào của cậu quan tâm đến nó.

Công ty cũng phải chịu áp lực bởi thứ văn hóa nảy sinh từ những hành vi sai quấy lộn xộn của cánh nhân viên trẻ, đa số là nam giới, cánh này ngủ trên những tấm nệm trong văn phòng và không bao giờ về nhà. Những cảnh mô phỏng Guitar Hero và các trận đấu súng phun bọt Nerf lúc đêm khuya dường như lặp lại cái năng lượng vui nhộn kỳ quặc đã biến Facebook và Google thành những công ty tỷ đô, nhưng câu chuyện mở ra lại phát lộ một thứ gì đó nghịch hành hơn: giống loạt phim truyền hình "Mad Men" (“Những kẻ điên loạn”), nhưng thiếu sự sạch sẽ hoặc bài trí đẹp mắt. Nói một cách lãng mạn, "hầu như mọi lãnh đạo cấp cao nhất tại Blizzard đều bị dính líu với một người nào đó thấp cấp hơn họ trong công ty," Schreier thuật lại. Và trong những năm đầu, chẳng có gì là lạ khi thấy bãi nôn trong những phòng lớn của Blizzard Entertainment hoặc rời khỏi máy tính của bạn và quay lại thì thấy một màn hình đầy nội dung khiêu dâm, như một trò chơi khăm hay ho. Đã có lúc có quá nhiều thứ đổ nát đến nỗi chỉ còn một nửa số ghế văn phòng là có thể sử dụng được.

Nhiều phụ nữ trong câu chuyện này phải đối mặt với sự thù địch và (bất ngờ sao!) mức lương thấp hơn. Xuyên suốt 30 năm và hơn 300 trang sách, Schreier rải rắc những câu chuyện về quấy rối như những vụn bánh mì, cho đến năm 2021 khi một vụ kiện phân biệt giới tính và hành vi tình dục sai trái đẩy hãng này đến chỗ vừa phải đánh giá hành vi cá nhân về mặt đạo đức vừa phải chịu rất nhiều rắc rối về tài chính. Microsoft rình rập đã hàng thập kỷ. Sau cuộc khủng hoảng đó, nó đã nuốt trọn Blizzard là một phần của vụ mua lại trị giá 69 tỷ USD – vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử video game.

Một trong những điểm mạnh rất hay của Schreier là anh có thể kiểm soát một đám đông [nhân vật]. Anh duy trì một cách rất thông minh nhiều mạch truyện khác nhau – doanh nghiệp, cá nhân, nghệ thuật – cùng lúc khen ngợi rất nhiều lập trình viên, các nhà thiết kế và các giám đốc chỉ quan tâm đến tiền bạc, tất cả mà không đặt quá nhiều áp lực lên đà phát triển của cuốn sách.

Cái còn thiếu trong câu chuyện bay bổng này là ý thức về trọng lực. Những ông trùm trong ngành và những lập trình viên dày dạn kinh nghiệm của Schreier di chuyển qua một thế giới gần như không có bối cảnh, nơi dường như không có gì tồn tại bên ngoài văn phòng của Blizzard, chẳng có phong trào #MeToo (chất xúc tác hiển nhiên cho vụ kiện kia) hay phản ứng đối với cuộc chiến văn hóa mà trung tâm là dân mọt máy tính được gọi là GamerGate (một ảnh hưởng thấy rõ đến giao diện và thiết kế của video game Overwatch cực kỳ thành công). Câu chuyện này kém hay đi vì cách thuật lại vấn đề đã cản trở Blizzard nhiều năm ròng: Nó phải chật vật để hình dung ra bất kỳ thứ gì ngoài những phòng làm việc và phòng lớn, nơi những người này trải qua mọi ngày đêm trong cuộc đời họ. Đọc một câu chuyện lịch sử bao la như vậy, tôi cứ cảm thấy rằng nếu xóa bớt một số điểm mờ mịt khỏi tấm bản đồ thì hay biết bao.

Tuy nhiên, vẫn có tính cảm động trong đó. Ở một trong những cảnh buồn nhất của cuốn sách, năm 2016 Adham quay lại công ty mà anh đã giúp thành lập, sau 12 năm gián đoạn do kiệt sức. Anh cố gắng dẫn dắt một dự án có tên là Odyssey, phiên bản Minecraft hoặc Rust của Blizzard. Những game này thả người chơi vào một vùng hoang dã hoặc một vùng đất bỏ hoang để tìm thức ăn và chiến đấu. Sự hấp dẫn ở game này là bạn bắt đầu từ con số 0 và dần dần thăng tiến.

Trước đây, Blizzard có thể bỏ ra nhiều năm để hoàn thiện một trò chơi như Odyssey, nhưng vào lúc đó hãng này đã trở thành một gã khổng lồ, được tiếp quản bởi người được nhà phát triển sòng bạc Las Vegas là Steve Wynn bảo trợ, người có phong cách tuyển dụng bảo thủ thiên vị những thành tựu đã được chứng minh của Blizzard, ưa chuộng những sao chép nội tại chứ không phải từ bên ngoài hãng.

Hơn nữa, Odyssey tốn quá nhiều thời gian. Khi nào thì phần tiếp theo của game Diablo ra mắt? Còn bản mở rộng World of Warcraft kế tiếp thì sao? Càng lúc càng nhanh. Blizzard đã trở thành bản sao nhợt nhạt của chính nó. Các game trở nên nhàm chán. Doanh thu giảm sút. Một sự thấu thị nữa nảy ra: Nếu bạn muốn phát triển mạnh, trong video game hoặc trong tự nhiên, việc tái tạo là điều tốt, nhưng thường thì thoát khỏi tổ hợp gen của chính bạn vẫn tốt hơn.

PLAY NICE: The Rise, Fall, and Future of Blizzard Entertainment | By Jason Schreier | Grand Central | 376 pp. | $30

The Copycats Who Made Some of the Biggest Video Games in the World
https://www.nytimes.com/2024/10/10/books/review/play-nice-jason-schreier.html

Sự đột nhập của một người vào khu vực đầu não của phe cực hữu

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Quan ngại trước sự chia rẽ chính trị của nước nhà, Jeff Sharlet dấn thân vào cuộc tìm kiếm đầy thống khổ nhằm hiểu được nguyên nhân sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan phản dân chủ. Trong cuốn “The Undertow” (“Sóng dội”), ông ghi lại những điều ông đã khám phá ra.

Tiền đề của “The Undertow”, cuốn sách phóng sự mới đầy thống khổ của Jeff Sharlet, là Hợp chúng quốc đang “tan rã”. Sự tan rã là về mặt chính trị. Nó liên quan đến sự nổi dậy của Donald Trump có khuynh hướng chuyên quyền, đến nỗ lực của các thành viên Đảng Cộng hòa nhằm lật ngược kết quả bầu Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1/2021 và, trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, liên quan đến việc Tòa án Tối cao lật ngược lại phán quyết về vụ Roe kiện Wade.

Sự thao túng cực đoan của các quan chức cánh hữu, nếu có thể nói rằng thế, chỉ càng thêm mãnh liệt. Trong vài tuần vừa qua, các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã đưa ra các dự luật quy định, thật chứ chẳng bỡn, xóa sổ Đảng Dân chủ ở Florida và tử hình những phụ nữ phá thai ở Nam Carolina. Tòa án Tối cao yêu cầu cung cấp thêm thông tin tóm tắt trong vụ án về “học thuyết cơ quan lập pháp bang độc lập”, một học thuyết pháp lý-chính trị sai trái, mà nếu được thông qua thành luật, sẽ cho phép các cơ quan lập pháp của Đảng Cộng hòa (được phân chia gian lận để giành phần thắng trong bầu cử) thực sự chấm dứt các cuộc bầu cử liên bang dân chủ ở các bang của họ. Nghị sĩ Hạ viện Marjorie Taylor Greene, thành viên Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện, đã đề xuất ý tưởng về một cuộc “chia tách quốc gia” dọc theo giới tuyến các bang đỏ và xanh. Tiền đề của Sharlet xem ra có vẻ có cơ sở vững chắc.

Sharlet thừa nhận cách đây chưa lâu ông không chịu miêu tả mối đe dọa đối với nền Cộng hòa là “chủ nghĩa phát xít”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự ​​phản đối việc miêu tả chủ nghĩa Trump hiếu chiến là phát xít dần dà biến mất. Ngoài “nhân cách” của Trump, phong trào mà nhiệm kỳ tổng thống của ông ta đẩy mạnh hiện đang nuôi dưỡng các lực lượng bán quân sự và tôn vinh bạo lực như phương tiện thanh lọc, phát triển mạnh mẽ nhờ việc phân biệt chủng tộc đối với kẻ thù, tuyên bố mình bị ngược đãi vì là “Da trắng”, chẩn đoán nước nhà là suy đồi và ôm chặt lấy huyền thoại của chủ nghĩa xét lại về một quá khứ HÃY LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI THÊM LẦN NỮA.

Thế sự thu hút của chủ nghĩa phát xít này đối với hàng triệu người Mỹ bình thường sẽ được lý giải bằng cái gì? Đây là câu hỏi quan trọng, đặc biệt là vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa cuồng tín phản dân chủ của cánh hữu ở Mỹ không có tiền lệ chính đáng. Chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và các quốc gia hậu thuộc địa hồi sinh là phản ứng đối với sự suy sụp kinh tế xã hội và tình trạng nghèo đói thảm khốc. Trái lại, phiên bản Mỹ phát triển mạnh mẽ trong một xã hội rất giàu có theo các tiêu chuẩn lịch sử và toàn cầu. Đảng phái chính trị của nó – Đảng Cộng hòa – đang hưởng quyền lực đã được củng cố vững bền, và những kẻ ủng hộ nó cùng các đồng minh doanh nghiệp khó lòng là nạn nhân của tình trạng xã hội hiện tại. Các yếu tố phi vật chất – văn hóa, chủng tộc, địa lý, hệ tư tưởng – phải tham gia vào. Những yếu tố này có thể là gì? “Thuyết thần học” về nguyên nhân đó, phỏng theo thuật ngữ của Sharlet, là gì?

Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, ông lao vào cuộc thám hiểm nhân chủng học một-mình kéo dài nhiều năm vào khu vực đầu não của phe cực hữu. Là tác giả của hai cuốn sách về những mối nguy hiểm chính trị do chủ nghĩa Toàn thống Thiên chúa giáo gây ra, ông hiểu rõ lĩnh vực của mình. Ông tham dự các cuộc vận động tranh cử cho Trump (với tư cách là ứng cử viên và tổng thống); ông lái xe khắp đất nước với nỗ lực lần theo dấu vết di sản chính trị-tinh thần của Ashli ​​Babbitt, người nổi dậy bị bắn chết tại Điện Capitol vào Ngày 6/1; ông giao thiệp với các mục sư, những kẻ cuồng súng ống, những tín đồ của phong trào QAnon, các loại lực lượng dân quân và những nghi phạm thông thường khác. Kết quả là một bức tranh cắt dán tỉ mỉ sinh động và hấp dẫn về sự rối loạn chính trị và đạo đức ở Mỹ, một bức tranh phù hợp một cách kinh hoàng với nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của những người theo chủ nghĩa tự do.



Hầu hết các cuộc gặp gỡ của Sharlet đều theo cùng một kiểu cấu trúc cơ bản: ông tiếp cận đối tượng cánh hữu của mình với sự khiêm nhường, thân thiện và tinh thần rộng lượng. Cuộc tương tác là ví dụ minh họa ngắn gọn cho lý tưởng xưa về sự đồng quan điểm đầy thiện chí với nhau; và sau đó là những tín điều của người đối thoại với ông (về ý Chúa, về những đảng viên Đảng Dân chủ thích ấu dâm, về những quyền lực của Trump mà người ta không biết đến, về sự cần thiết của vũ trang tự vệ, v.v.) tự bộc lộ trong lối suy nghĩ tuyệt đối khoan nhượng, đe dọa và ảo tưởng của họ. Sharlet rời khỏi nơi gặp gỡ đó mà cảm thấy rúng động và bi quan hơn bao giờ hết.

Một cốt truyện phụ của cuốn sách là trạng thái thể chất và tinh thần yếu ớt của tác giả. Là người đàn ông trung niên đã trải qua hai cơn nhồi máu cơ tim, ông bị huyết áp cao khi lo lắng và khi đi lại phải mang theo những viên thuốc chữa bệnh tim mạch. (Ông cũng đang cư tang người mẹ kế mà ông yêu quý, tro cốt của bà này được ông chở theo trong ô tô của mình.) Ông thoải mái thừa nhận tình trạng yếu ớt và những nhược điểm của mình, nói không với quan điểm ngạo mạn đặc trưng của các bậc tiền bối văn chương như Joan Didion và V.S. Naipaul. Thật vậy, là một nhà viết tiểu luận, tính chân thực và nghiêm túc của Sharlet bắt nguồn từ tính cách sợ sệt, dễ bị tổn thương của ông, điều này mang lại cho ông sự tín nhiệm về mặt đạo đức mà một nhà văn có vẻ trung lập có lẽ không có.

Sharlet đưa ra một số ý tưởng, hay ho nhất là Chủ nghĩa Trump, với việc nó theo đuổi các thuyết âm mưu, với việc nó không tin tưởng vào kiến ​​thức khoa học và học thuật, với việc nó phân chia thế giới thành những tín đồ và phi tín đồ, tương đồng với hoặc cùng dự phần vào truyền thống Ngộ đạo, với việc nó nhấn mạnh vào ảo tưởng và sự giác ngộ, vào sự thông thái nghịch lý, vào sự thấu thị bí truyền. Song rốt cục ông không bị sa đà vào bất kỳ cái gì trong số đó. Cứ như thể chủ đề của ông không mang quá nhiều suy ngẫm về khái niệm, nên những thách thức chính trị thực tế mà nó gợi ra rất nghiêm trọng và cấp bách.

Như tiêu đề cuốn sách của ông ngụ ý, Sharlet tin rằng những gì ông đang ghi lại có thể chẳng là gì khác ngoài “sóng dội lại từ cuộc nội chiến”. Ông phát hiện ra rằng dự đoán về cuộc nội chiến đã khích động mạnh các nhóm cực hữu. Mặc dù giữ vững lòng tin vào tấm gương đạo đức và chính trị của các ca sĩ kiêm nhà hoạt động Harry Belafonte và Lee Hays (những người mà ông lần lượt dành toàn bộ chương đầu tiên và cuối cùng tuyệt đẹp của cuốn sách này viết về họ), Sharlet thừa nhận ông vẫn quan ngại sâu sắc.

Có thể nói rằng bất cứ ai dành quá nhiều thời gian với những kẻ cực đoan chính trị sẽ nảy ra nỗi lo sợ quá mức về chủ nghĩa cực đoan chính trị. Nhưng cũng có thể nói rằng sự tự mãn đã là một nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta phải đối mặt với tình huống một trong hai đảng chính trị của chúng ta không còn tận tâm với nền dân chủ tự do nữa. Jeff Sharlet không đề xuất một giải pháp thiết thực nào cho vấn đề này, song cuốn sách này là cách ông gióng lên tiếng chuông cảnh báo.

THE UNDERTOW: Scenes From a Slow Civil War | By Jeff Sharlet | Illustrated | 337 pp. | W.W. Norton & Company | $28.95

Joseph O’Neill’s novels include “Netherland,” which received the PEN/Faulkner Award for fiction, and “Godwin,” forthcoming next year.

https://www.nytimes.com/2023/03/21/books/review/the-undertow-jeff-sharlet.html

Saturday, November 2, 2024

Mỹ đã thắng Cuộc chiến thời trang (hoặc, chí ít là Trận chiến quần nỉ bo gấu) như thế nào?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Quần áo thể thao giống như bộ trang phục năm 1952 này của Claire McCardell đã được thiết kế cho lối sống Mỹ năng động, ít trang trọng hơn.

Trong cuốn “Empresses of Seventh Avenue” (“Những nữ hoàng của Đại lộ Thời trang”), nhà văn chuyên viết về thời trang Nancy MacDonell kể câu chuyện về những người phụ nữ New York đã tạo ra phong cách hiện đại.

“Thanh lịch nghĩa là biết cự tuyệt”, Coco Chanel được cho là đã nói thế. Pierre Balmain nhắc nhở khách hàng của mình rằng “Khắt khe, luôn khắt khe”, trong khi Karl Lagerfeld chỉ rõ, khi nhằm vào những người không khắt khe, rằng: “Quần nỉ bo gấu là dấu hiệu của sự thất bại”. Thế còn Sonia Rykiel thì sao? “Làm sao bạn có thể sống cuộc sống thời thượng nếu không mang giày cao gót?”

Uy quyền của các nhà thiết kế thời trang vĩ đại của Pháp từ lâu không chỉ nằm ở những sáng tạo quyến rũ mà còn ở những tuyên ngôn giáo điều của họ thường hay được người ta trích dẫn. Và trong khi phản ánh sự đánh đồng mặc nhiên của người Pháp giữa cái đẹp với sự chịu đựng, những tuyên ngôn này đồng thời cho rằng kỷ luật – thậm chí là khó chịu – là điều kiện tiên quyết tất yếu của phong cách thanh lịch.

May mắn làm sao cho những ai trong số chúng ta nghiện quần áo nỉ và giày đế bằng vì các nhân vật nữ chính trong cuốn sách mới rất hấp dẫn của Nancy MacDonell là “Empresses of Seventh Avenue: World War II, New York City, and the Birth of American Fashion” (“Những nữ hoàng của Đại lộ Thời trang: Thế chiến II, Thành phố New York và Sự ra đời của Thời trang Mỹ”) đã ra mắt và giải phóng phụ nữ Mỹ khỏi sự chuyên chế của phong cách thời trang đẳng cấp của Pháp.

Trước Thế chiến II, sự chuyên chế đó là toàn trị ở New York, nơi là trung tâm thương mại hàng may mặc của Mỹ, cũng như ở Paris, nơi ra đời và là kinh đô ngành thời trang cao cấp của Pháp. Ngành này của Pháp đã cung cấp (và vẫn đang cung cấp) những tác phẩm thời trang lộng lẫy được chế tạo công phu, đắt đến chóng mặt và chủ yếu là lễ phục được thửa riêng cho nhóm khách hàng tinh hoa chỉ gồm vài trăm người trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng là nguồn cảm hứng cho các bản sao thời trang cao cấp được sản xuất hàng loạt đã thống trị thị trường trang phục nữ ở Mỹ sau khi Thế chiến I chấm dứt.

Theo nhận xét của MacDonell, điều này chẳng mấy quan trọng đối với những nhà quản lý ngành may mặc ở Mỹ khi “những người phụ nữ đặt mua cả tủ quần áo từ các hãng thời trang cao cấp sống một cuộc sống hoàn toàn khác, với những nhu cầu hoàn toàn khác, so với những phụ nữ mua sắm quần áo may sẵn với ngân sách hạn hẹp”. Nó cũng chẳng khiến họ quan ngại về việc chiếc váy mà một nữ hầu tước mặc đến “những cuộc đua ngựa ở Auteuil” – một phụ nữ với ngân sách không giới hạn, có đầy tớ và “được miễn trừ khỏi những mối lo lắng thường nhật như công việc” – không có ý nghĩa gì mấy đối với “một nhân viên đánh máy ở Brooklyn” đang trên đường đến đảo Coney. Vậy là, cho đến khi lịch sử can thiệp vào, ngành may mặc Mỹ đã nhồi cho các nữ khách hàng những món quần áo đều đều vô vị mà họ không muốn hoặc không cần, gợi ý cho nhà thiết kế người Mỹ Elizabeth Hawes đặt ra một châm ngôn đáng nhớ của bà hồi năm 1938: “Thời trang là món rau chân vịt [nhạt nhẽo]."

Cách mà Hawes và một số phụ nữ Mỹ có tư duy tiến bộ khác làm cho đồng bào của họ dần từ bỏ trang phục màu xanh lá là câu chuyện đặc sắc mà MacDonell, nhà báo giữ chuyên mục thời trang của tờ The Wall Street Journal, kể lại bằng giọng văn sống động và những tình tiết lịch sử phong phú. Sự kiện mở đầu là cuộc xâm lược Paris của Đế chế Thứ Ba vào tháng 6 năm 1940, và tiếp theo sau đó việc thành phố này bị Đức Quốc xã chiếm đóng bốn năm liền. Thời kỳ này là thời kỳ đen tối đối với các nhà thiết kế thời trang Pháp, những người buộc phải đóng cửa các hãng thời trang của mình hoặc phải may đồ cho vợ một tên sĩ quan Đức Quốc xã thỉnh thoảng mới ghé thăm.



Sự kiện này cũng dẫn đến lệnh cấm vận đối với hàng xuất khẩu từ Paris đi Mỹ và các phóng viên Mỹ ở Paris: hai nguồn mà ngành may mặc của Mỹ trước đây dựa vào để tạo ra hàng nhái. Năm 1940, sự kiện Paris thất thủ dường như báo hiệu sự cáo chung của “thời trang” ở Mỹ, cho đến khi một nhóm những người có ý tưởng táo bạo ở New York phát triển giải pháp thay thế của-nhà-trồng-được hấp dẫn khó cưỡng: “thứ quần áo thoải mái, dễ mặc, tiện lợi, hầu như tùy tiện, có thể mặc được cho nhiều mục đích khác nhau”, được đặc trưng bởi “sự thanh lịch không giả tạo”. Thứ quần áo này đã tạo nên nền tảng của một thể loại hoàn toàn mới, rất Mỹ, được gọi là trang phục thể thao. Được lan tỏa trên quy mô lớn nhờ năng lực sản xuất hùng mạnh của Đại lộ Thời trang (Seventh Avenue), nó nhanh chóng cách mạng hóa trang phục của phụ nữ.

Những nhà thiết kế dẫn đầu cuộc cách mạng này là Hawes và Claire McCardell, một người cũng là nhà tiên phong về trang phục thể thao như bà, nhưng như MacDonell nhấn mạnh, họ đã nhận được sự hỗ trợ cốt yếu từ những nhân vật có tầm nhìn xa trông rộng giống họ trong nhiều lĩnh vực liên quan. Các nhân vật khác trong dàn toàn phụ nữ và đa dạng của bà gồm từ những biên tập viên tạp chí như Carmel Snow và Diana Vreeland, những người đấu tranh không mệt mỏi vì xu hướng thẩm mỹ mới “đơn giản hơn, phong cách hơn và đỡ rườm rà hơn”, cho đến các phóng viên thời trang như Virginia Pope và Lois Long, cả hai đều là “những người ủng hộ thời trang Mỹ rất trung thành.” Chúng ta sẽ gặp những nhà bán lẻ sáng tạo như Dorothy Shaver của chuỗi cửa hàng bách hóa Lord & Taylor, người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ kiếm được mức lương sáu con số, và những chuyên gia PR sáng tạo như Eleanor Lambert, người phát minh ra Danh sách mặc đẹp nhất quốc tế và Lễ hội thời trang Met Gala.

Chỉ trong vòng vài năm, những người phụ nữ này đã tạo dựng nên ngành thời trang Mỹ như ngày nay chúng ta vẫn biết về nó. Ít hình thức và cầu kỳ, nó vẫn là thành trì của phong cách thanh lịch thoải mái, phóng khoáng, hoàn toàn hiện đại, và mặc dù đã phát triển thành một ngành kinh doanh hàng tỷ đô-la, nó vẫn hoạt động trên nguyên tắc rằng thời trang có thể “vừa đẹp đẽ vừa dân chủ”.

Việc những người phụ nữ đằng sau câu chuyện thành công vĩ đại này đến nay hầu hết bị lãng quên là một sai sót mà MacDonell đã sửa lại với sự nhiệt tình và, tôi dám nói rằng, sự thanh lịch – đơn giản là cự tuyệt cái tiền đề đã lỗi thời rằng người Pháp là “những quan tòa duy nhất khả dĩ về phong cách”.

EMPRESSES OF SEVENTH AVENUE: World War II, New York City, and the Birth of American Fashion | By Nancy MacDonell | St. Martin’s | 358 pp. | $32

Caroline Weber, a professor of French and comparative literature at Barnard College and Columbia University, is a frequent contributor to the Book Review.

How America Won the Fashion War (or, at Least, the Sweatpants Battle)

https://www.nytimes.com/2024/09/01/books/review/nancy-macdonell-empresses-of-seventh-avenue.html

Một trại tị nạn ở Hy Lạp bị cháy rụi. Hậu quả thậm chí còn tai hại hơn.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,




Trận hỏa hoạn thảm khốc năm 2020 trên đảo Lesbos là cú huých để suy ngẫm về những câu chuyện về nguồn gốc, biên giới và cuộc di cư trong cuốn sách “A Map of Future Ruins” (“Bản đồ tàn tích tương lai”) của Lauren Markham.

Hơn ba năm sau sự cố đó, chúng ta vẫn chẳng biết gì nhiều về vụ việc đã xảy ra ngày 8/9/2020 ở trại di tản có tên Moria trên hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Đêm đó, một ngọn lửa bùng phát ở Khu 6 của trại Moria, một trong những khu vực tạm thời tiếp giáp các bức tường của khu trại chính. Ngọn lửa thiêu rụi những căn lều, than hồng bị gió cuốn đi, khiến hầu hết trong số 11.000 cư dân của Moria trở thành vô gia cư.

Gần như mọi thứ khác về vụ hỏa hoạn này đều gây tranh cãi. Chỉ trong vài ngày, chính quyền Hy Lạp bắt giữ sáu thanh niên Afghanistan, kết án họ trong hai phiên tòa gấp gáp trong vòng chín tháng tiếp theo. Trong một phiên tòa, các thẩm phán nghị án chỉ chưa đầy 10 phút trước khi đưa ra phán quyết có tội; trong phiên tòa còn lại, nhân chứng duy nhất của chính phủ, lời khai của người này vốn đã hổng lỗ chỗ, thậm chí còn chẳng có mặt tại tòa.

Theo lời Lauren Markham, thời điểm đó do những cấm chế vì đại dịch Covid, nên đây là những tháng cô phải “theo dõi vụ án từ xa”. Cô đã đến trại Moria hồi năm 2019, trải nghiệm mà cô miêu tả trong “A Map of Future Ruins”, cuốn sách mới đầy suy tư của cô về biên giới và danh tính. Năm 2021, cô quay trở lại Hy Lạp, nơi các giới chức “hết lần này đến lần khác từ chối cung cấp bằng chứng hoặc sự thật về vụ án”, ngăn chặn nỗ lực tường thuật của cô. (Phiên phúc thẩm của các bị cáo, ban đầu được lên lịch vào năm ngoái, nay được cho là ​​​​sẽ diễn ra vào tháng Ba.) Cô kết luận rằng sáu bị cáo “không phóng hỏa – tuyệt đối không có bằng chứng”.

Vụ hỏa hoạn ở trại Moria hóa ra chỉ là một phần của câu chuyện cô muốn kể. Markham là tác giả của “The Far Away Brothers” (“Anh em từ viễn xứ” – xuất bản năm 2017), câu chuyện tuyệt hay được kể một cách hùng hồn về cặp anh em song sinh người Salvador đã đến Mỹ khi còn niên thiếu, chạy trốn bạo lực ở quê hương. “A Map of Future Ruins” tham vọng hơn và cũng lan man hơn, đan xen các bối cảnh từ Hy Lạp đương đại với câu chuyện lịch sử về cuộc di cư của chính gia đình Markham từ Hy Lạp một thế kỷ trước, cùng chuyến vòng vèo đến một khách sạn băng ở vùng biên giới giữa Nga và Na Uy và một chương ngắn viết về những gì con người có thể học được từ cây cối.

“Rốt cuộc câu chuyện về trại tị nạn Moria không chỉ kết nối với mà còn là trung tâm giữa cuộc điều tra sâu rộng hơn của tôi về cơ chế thuộc về, loại trừ và da trắng trong một thế giới dầy đặc những đường biên giới, là cuộc điều tra đã đưa tôi đến Hy Lạp ngay từ đầu – và là trung tâm cho cuốn sách mà cuối cùng tôi sẽ viết, chính là cuốn sách này mà bạn đang cầm trên tay, khác xa so với những gì thoạt đầu tôi tưởng tượng về nó,” Markham giải thích ngay đầu cuốn sách. Đây là câu văn phức rối, truyền tải những hiểm họa của cách tiếp cận mở rộng đến thế. Khi cô miêu tả những gì mình chứng kiến, những quan sát của cô rất sinh động; khi cô bắt đầu suy tưởng, câu văn trở nên lê thê. Trong khi cuốn sách trước của cô đầy sức sống bởi một nét đặc trưng kiên định, thì “A Map of Future Ruins” đôi khi lại vòng vèo quá xa đến nỗi mất phương hướng.



Hy Lạp là chủ đề phong phú không cần phải bàn cãi, với tư cách một địa điểm cũng như tư cách một phép ẩn dụ. Là “nơi khai sinh ra nền dân chủ” được ngợi ca, xứ sở này, với quá khứ thần thoại của mình, đã trở thành chất liệu cho sự hoài cổ, hình tượng của nó trở thành chất liệu cho sự kính ngưỡng. Bọn Đức Quốc xã và những kẻ ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng đã đưa ra những phiên bản bị bóp méo của Hy Lạp cổ đại để khẳng định tính ưu việt của phương Tây. Thế nhưng như Markham ám chỉ, những rắc rối hiện tại của xứ sở này khiến toàn bộ sự thần thoại hóa dường như càng vô vọng và kỳ quái hơn.

Cô viết: “Hy Lạp, với nạn tham nhũng không gì kiềm chế được, nghèo đói lan rộng và ngày càng ngả sang khuynh hướng chuyên quyền, giờ đây đã coi thường câu chuyện về nguồn gốc của chính nó”. Markham thấu hiểu những sự đảo ngược, những nghịch lý và những khác biệt về ý nghĩa. Thế giới càng trở nên toàn cầu hóa thì “rất nhiều người trong chúng ta càng nhiệt tình khao khát một hệ thống gốc rễ ràng buộc chúng ta”. Tuy vậy, rất nhiều thứ cô tình cờ bắt gặp là “phi lý”: những con hồng hạc (“những thứ ngớ ngẩn màu hồng rực rỡ trên hòn đảo khô cằn này của Hy Lạp”); đề xuất xây bức tường nổi trên mặt biển Aegea (“thứ gì đó từ một cuốn tiểu thuyết phi lý”); phản ứng của chính cô khi ai đó nói rằng trông cô như người Hy Lạp (“câu nói đó, thật phi lý, khiến tôi hởi dạ”).

Và rồi đến mối quan hệ dường như đầy cảm xúc của cô với chính cuốn sách của mình. “Tôi biết sẽ là phi lý và vô nhân đạo nếu cố đem so sánh câu chuyện của chính gia đình tôi với câu chuyện của những người tị nạn ngày nay,” cô viết, và cô (sáng suốt) không cố làm bất kỳ điều gì như vậy. Thế nhưng cuốn sách của cô lại bao gồm những tình tiết từ câu chuyện của gia đình cô và nó cũng bao gồm những tiết đoạn về những người tị nạn ngày nay. Cô bày tỏ rằng cô khước từ việc vạch ra các mối liên kết như một vấn đề nguyên tắc, đồng thời tuyên bố tại một số điểm rằng cô ngày càng thất vọng với ngành báo chí, “một ngành moi móc”, và cái “logic trình tự” chi phối cách kể chuyện tuyến tính.

Thế nên cô đưa ra một loạt các cảnh có chủ đề theo quy ước nhằm tạo ấn tượng, một số trong số đó là những đoản văn từ những chuyến đi của cô ở Hy Lạp – nơi chốn cô khao khát được biết rõ và thấy một phần của mình trong đó, trong khi nó dường như khiến cô bối rối ở mỗi lối rẽ. Cô thấy một người phụ nữ đang nói chuyện với một con vịt và gặp một người đàn ông nói rằng anh ta biết cách “nói tiếng chim”. Chồng cô bị một con lừa cắn, và ngay sau đó họ phát hiện ra một vài con rắn đang quằn quại trên mặt đất. “Con lừa bị phù phép này, những con rắn xoay tròn này, giống như những bức thư cần giải mã,” cô viết, “nhưng tôi lại ở đây lần nữa, cố nắm bắt ý nghĩa.”

Bị lạc lối là một chủ đề. Sự hoài cổ được thúc đẩy bởi những kiểu lạc lõng khác cũng vậy. Markham thường hay trích dẫn Svetlana Boym, nghệ sĩ và học giả: cuốn “The Future of Nostalgia” (“Tương lai của sự hoài cổ” – xuất bản năm 2001) của chị rõ ràng là nguồn cảm hứng cho cô. Tuy nhiên, ở nơi mà những suy ngẫm của Boym được củng cố bằng lập luận tài tình và độc đáo của chị về những cách mong nhớ khác nhau về một quá khứ có thể chưa từng tồn tại, Markham lại lạc lối trong sự lạc lõng của mình. “A Map of Future Ruins” là bức tranh cắt dán mà các mảnh ghép chẳng bao giờ hoàn toàn ăn khớp với nhau. Ngay cả vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria, mà cô gọi là “trung tâm” cho cuộc điều tra của mình, cũng không cung cấp được là mấy về mặt chỉ dẫn.

“Bất kỳ ai phóng hỏa – nếu quả thực đó là vụ phóng hỏa có chủ ý – hẳn là đã cố gắng phá hoại một trật tự nào đó của vạn vật đã được nhận biết, nghĩa là, để viết lại câu chuyện.” Lời khẳng định đó đáng tin cậy. Nhưng đây là cảm nghĩ chung chung đầy dè dặt đến nỗi nó khiến bạn giống như Markham trong những chuyến du hành của cô: nắm bắt ý nghĩa mà chẳng biết đi đâu.

A MAP OF FUTURE RUINS: On Borders and Belonging | By Lauren Markham | Riverhead | 259 pp. | $28

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.

https://www.nytimes.com/2024/02/14/books/review/lauren-markham-a-map-of-future-ruins.html

Friday, November 1, 2024

Các vị sếp cảnh sát này đang hành động để thay đổi nhận thức

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong “Walk the Walk” (“Nói là làm”), Neil Gross miêu tả ba sở cảnh sát nước nhà đang thử nghiệm một cuộc cải cách thực thụ.

Khi nói đến hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự an ninh của cảnh sát, đất nước này không dành cho những người lạc quan: Dường như rất ít người Mỹ tin vào hứa hẹn cải cách.

Ở phía cánh tả, những cảnh sát theo chủ nghĩa bãi nô nhấn mạnh rằng hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự an ninh của cảnh sát ở Mỹ gắn kết hết sức chặt chẽ với nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực đến nỗi những nỗ lực cải cách nhìn vào mặt tích cực nhất là không thích đáng và nhìn vào mặt tiêu cực nhất là bất chính, vì nó được sử dụng để biện minh cho một thể chế hung tàn bạo ngược. Ở phía cánh hữu, những người tự thể hiện mình là người ủng hộ “bộ cảnh phục xanh lam” khẳng định những cải cách mang tính chất “cảnh giác trước thành kiến chủng tộc và phân biệt chủng tộc” dẫn đến tình trạng các sở cảnh sát không được cung cấp tài chính đầy đủ và bị sa ngã, buộc phải bất lực ngồi nhìn ​​tội phạm bạo lực gia tăng.

Thế còn phía trung dung thì sao? Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ cải cách cảnh sát, nhưng chưa đến 1/3 cho biết họ lạc quan là sẽ có tiến bộ. Tại Quốc hội, những nỗ lực lớn về cải cách của ngành cảnh sát đã dậm chân tại chỗ, và tình trạng này dường như khó có khả năng thay đổi.

Giữa mọi hoài nghi này xuất hiện cuốn sách mới của Neil Gross, giáo sư xã hội học của Đại học Colby. Trong cuốn “Walk the Walk: How Three Police Chiefs Defied the Odds and Changed Cop Culture” (“Nói là làm: Ba vị sếp cảnh sát đã vượt qua nghịch cảnh và thay đổi văn hóa cảnh sát ra sao”), Gross trình bày một luận cứ sáng suốt và nhiệt thành ủng hộ giá trị của những thay đổi nho nhỏ về văn hóa, lần lượt từng sở cảnh sát một.

Gross cảm thấy ngã lòng trước bầu không khí bi quan đang lan rộng trong các nhà hoạch định chính sách. Cứ như thể, ông viết, họ “không thể tưởng tượng được hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự an ninh của cảnh sát một cách đạo đức, hiệu quả và dân chủ sẽ có tác dụng thế nào”. Song nếu những cuộc cải cách đã không mang lại kết quả trong quá khứ, theo lập luận của ông, chẳng phải là vì chúng không thể mang lại kết quả, mà là bởi những nhà cải cách chưa quan tâm đủ mức đến sự cần thiết phải làm thay đổi triệt để văn hóa cảnh sát, vốn “khét tiếng là khép kín” và “nghi ngờ người ngoài”. Việc bắt buộc tiến hành cải cách ở các sở cảnh sát đầy rẫy những sĩ quan chai sạn, luôn hoài nghi cũng giống như gieo hạt giống cỏ lên tấm kim loại: Nếu cỏ không mọc, ta không thể đổ lỗi tại hạt giống.

Nhưng mặc dù văn hóa hành pháp thiển cận có thể khiến các sở cảnh sát cực lực phản đối cải cách, Gross – người từng là sĩ quan cảnh sát một thời gian ngắn hồi đầu những năm 1990 ở Berkeley, California – khăng khăng rằng việc thay đổi triệt để hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự an ninh của cảnh sát vừa là cần thiết vừa có thể thực hiện được. Chính hàng ngũ lãnh đạo, theo lập luận của ông, là những người có ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi: Văn hóa hành pháp có thể thay đổi khi các sở cảnh sát có những vị lãnh đạo sáng tạo có “đầu óc tổ chức, kỹ năng giao tiếp với các cảnh sát và người dân, nhận thức lịch sử, tính khiêm tốn và sự kiên trì”.

Các vị sếp giỏi biết khi nào nên thúc giục, và khi nào nên tạo áp lực một cách nhẹ nhàng. Họ cho làm quen với những cải cách tăng dần, thay vì bắt buộc phải thay đổi trước khi các sĩ quan sẵn sàng thay đổi – và khi các sở cảnh sát trở nên cởi mở hơn với việc thay đổi, những cải cách tăng dần đó có thể bắt đầu gia tăng. Khi chúng ta có thêm nhiều sự hợp tác chặt chẽ của cảnh sát với cộng đồng, thêm nhiều sự sẵn lòng giảm bớt việc dừng phương tiện giao thông đối với những vi phạm nhỏ, thêm nhiều lựa chọn thay thế cho việc giam giữ và thêm nhiều nỗ lực hơn để tuyển dụng lực lượng cảnh sát đa dạng, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn đối với các cộng đồng này. Sẽ có ít vụ lạm quyền của cảnh sát hơn, ít vụ bắt giữ hơn – và ít tội phạm hơn.

Gross dàn ý cuốn sách của mình xoay quanh ba nghiên cứu điển hình: Stockton, tiểu bang California; Longmont, tiểu bang Colorado; và LaGrange, tiểu bang Georgia. Ở một số phương diện, ba thành phố đó khó mà khác nhau hơn được nữa, song theo lời Gross, mỗi thành phố đều được hưởng lợi vì có vị sếp cảnh sát tận tâm, giàu sáng tạo mà mọi sở cảnh sát đều cần có.

Tại Stockton, vị sếp sở cảnh sát là Eric Jones ủng hộ khái niệm “công lý tố tụng”, phương thức hoạt động nghiệp vụ của cảnh sát nhấn mạnh vào tính minh bạch, công bằng, vô tư và sẵn sàng cho phép công dân lên tiếng. Ông hỗ trợ các sĩ quan khi họ phát triển chương trình đào tạo mới về công lý tố tụng; ông thành lập ban cố vấn cộng đồng và tổ chức các hội thảo xây dựng lòng tin với những người chỉ trích cảnh sát. Nhưng ông cũng chiếm được lòng tin từ các sĩ quan của mình bằng cách lắng nghe những mối quan tâm của họ. Ông kiếm được khoản tài trợ cho các thiết bị mới đắt tiền và quan tâm đến việc tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với công đoàn của cảnh sát.

Ở LaGrange, vị sếp sở cảnh sát là Lou Dekmar cũng đầu tư như vậy vào thiết bị mới và tăng lương cho các sĩ quan, song ông cũng đưa ra các chính sách bắt buộc phải giảm bạo lực và xung đột và cải thiện việc đào tạo sĩ quan. Trong thời gian làm sếp sở cảnh sát, ông tăng đáng kể tỷ lệ giải quyết các vụ án mạng của Sở Cảnh sát và giảm việc sử dụng vũ lực của cảnh sát. Năm 2017, Dekmar thành tin nóng trên báo đài toàn quốc khi công khai xin lỗi về sự đồng lõa của sở cảnh sát trong vụ hành hình kiểu lynch một thanh niên da đen hồi năm 1940.

Ở Longmont, vị sếp sở cảnh sát là Mike Butler ủng hộ “công lý phục hồi”, phương pháp tiếp cận tội phạm – khi có sự đồng ý của nạn nhân – cho phép thủ phạm thừa nhận tổn thương mà chúng gây ra, xin lỗi và bồi thường thay vì phải đối mặt với việc bị truy tố và bỏ tù. Ông cũng áp dụng phương pháp giảm thiểu tác hại đối với việc sử dụng ma túy. Thay vì cố gắng “ngăn chặn việc sử dụng ma túy bằng cách truy tố hình sự các nhà sản xuất, người buôn bán và người sử dụng”, Butler tập trung vào việc liên kết cảnh sát với các dịch vụ xã hội “để điều trị chứng nghiện và cải thiện các nguyên nhân cốt lõi của nó”. Phương pháp này thừa nhận rằng mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn tội phạm liên quan đến ma túy là phi thực tế, nhưng việc đảm bảo rằng người sử dụng ma túy gây “tổn hại ở mức ít nhất cho bản thân họ và cho cộng đồng” nằm trong khả năng của chúng ta.

Với tư cách một câu chuyện, “Walk the Walk” không thành công trọn vẹn. Gross nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, ông thường giới thiệu những nhân vật và giai thoại mới không hoàn toàn gắn kết với lập luận trọng tâm của cuốn sách. Tác giả cố gắng miêu tả các sĩ quan cảnh sát là những người nhân đạo bằng cách tập trung vào Jones, Dekmar và Butler, nhưng các nhân vật chính của ông vẫn tẻ nhạt – những nhân vật thể hiện đức hạnh trong một vở kịch đạo đức, thay vì những con người phức tạp.

Độc giả mà Gross nhằm đến cũng có phần không rõ ràng. Mặc dù ông đưa chuyên môn của một học giả vào chủ đề của mình, song thỉnh thoảng ông cố gắng đạt được sự dễ hiểu thì lại làm hỏng sắc thái, và văn phong của ông ngoặt sang lối đơn giản thái quá. Có lúc ông lao vào sự khuôn sáo: “Đất nước này như một thùng thuốc súng đang chờ nổ tung”.

Nghiêm trọng hơn, Gross không giải quyết được đầy đủ luận đề con-gà-và-quả-trứng, luận đề khiến cho sự thay đổi triệt để của cảnh sát trở nên rất khó nắm bắt: Những thay đổi về chính sách sẽ không hiệu quả trừ phi văn hóa cảnh sát thay đổi, nhưng không rõ văn hóa cảnh sát có thay đổi được hay không nếu không thay đổi chính sách. “Walk the Walk” dựa dẫm hơi nhiều quá vào vị Sếp Cảnh sát tốt bụng như một vị cứu tinh bất ngờ xuất hiện. Nhưng những nhà lãnh đạo mang đến sự thay đổi triệt để này ở đâu ra? Liệu đội ngũ lãnh đạo như vậy có thể được bồi dưỡng, hay đó chỉ là tình huống hoàn toàn ngẫu nhiên? Liệu những cải cách từ trên xuống có mang lại kết quả nếu không có thay đổi từ dưới lên? Không phải lúc nào Gross cũng đặt câu hỏi – hoặc có sẵn câu trả lời.

Dù sao mặc lòng, “Walk the Walk” vẫn là cuốn sách sâu sắc và quan trọng. Vào thời điểm đất nước này quả thực là một thùng thuốc súng đang chờ nổ tung, sự lạc quan của Gross về cải cách cảnh sát mang lại liều thuốc giải độc cho sự hoài nghi và u ám thâm nhập hầu khắp các cuộc thảo luận như vậy. Cuốn sách của ông đầy sự đồng cảm và tính thực dụng. “Chúng ta không thể xóa sổ lực lượng cảnh sát, không phải trong tương lai gần,” ông cảnh báo – nhưng mặc dù những viễn cảnh không tưởng về một thế giới không có hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự trị an của cảnh sát có thể rất xa tầm với, cũng chẳng có lý do gì để từ bỏ những cải cách nhỏ hơn.

Gross chưa từng tuyên bố thẳng thừng điều đó, nhưng cách ông tiếp cận hoạt động bảo vệ pháp luật và giữ gìn trật tự trị an của cảnh sát – chẳng khác gì phương pháp tiếp cận việc sử dụng ma túy của vị sếp sở cảnh sát Butler kia – tập trung vào việc giảm thiểu tác hại. Gross thừa nhận rằng việc tạo ra một văn hóa cảnh sát tốt đẹp hơn không phải là “cái thay thế cho sự thay đổi về cơ cấu trong hệ thống tư pháp hoặc trong xã hội Mỹ nói chung”, và những cuộc cải cách sẽ không hủy bỏ được di sản độc hại của nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực. Tuy nhiên, một số sở cảnh sát tốt hơn những sở khác, và mọi sở cảnh sát đều có thể tốt hơn lên.

Nếu chúng ta có thể “thúc giục các cơ quan ở địa phương chúng ta thay đổi suy nghĩ về văn hóa và hoạt động của họ” và hỗ trợ các lãnh đạo cảnh sát sáng suốt như Jones, Dekmar và Butler, các cộng đồng của chúng ta có thể trở thành những nơi an toàn hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đơn giản thái quá ư? Chắc thế. Nhưng nó còn tốt hơn rất nhiều so với không có gì.

WALK THE WALK: How Three Police Chiefs Defied the Odds and Changed Cop Culture | By Neil Gross | 259 pp. | Metropolitan Books | $27.99

Rosa Brooks is a professor at Georgetown University Law Center and the author of “Tangled Up in Blue: Policing the American City.”

https://www.nytimes.com/2023/03/21/books/review/walk-the-walk-neil-gross.html

Giả mạo, lừa đảo và bí ẩn vĩnh viễn của rượu absinthe

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Những nghệ sĩ ở thế kỷ 19 như Viktor Oliva biến “nàng tiên xanh” thành bất tử, vừa như nàng thơ vừa như cô nhân tình hay ghen, gây nghiện.


Cuốn “The Absinthe Forger” (“Kẻ làm giả rượu Absinthe”) của Evan Rail dẫn người đọc vào chuyến đi kiểu du thủ du thực xuyên qua thế giới của những nhà sưu tập rượu cổ điển để truy đuổi một kẻ lừa đảo.

“Nếu bạn nếm thử loại rượu absinthe mà người ta cho là đã được cất cách đây một thế kỷ hoặc hơn, bạn thậm chí có biết mình phải trông đợi điều gì không?” Evan Rail hỏi. Đây là câu hỏi then chốt khiến anh viết cuốn sách mới “The Absinthe Forger: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit” (“Kẻ làm giả rượu absinthe: Câu chuyện có thật về sự lừa dối, phản bội và loại rượu nguy hiểm nhất thế giới”), cuốn sách mà, cùng với câu chuyện trinh thám đầy hứa hẹn, dẫn đến cuộc hội thảo độc lập sôi nổi về sự cám dỗ – cũng như văn hóa và lịch sử của loại rượu rất hiểm độc này và tai tiếng gây ra sự điên loạn và giết người của nó.

Được đặt cho biệt danh là Nàng tiên xanh vì màu sắc thường thấy nhất của nó, rượu absinthe đã truyền cảm hứng cho Oscar Wilde, Vincent van Gogh, Henri de Toulouse-Lautrec, Ernest Hemingway và nhiều tác gia, nghệ sĩ khác, những người tìm thấy ở nó một nàng thơ bằng chất lỏng – chưa kể đến một đám đông công chúng chỉ thích uống. Cách truyền thống của Pháp để thưởng thức món đồ uống pha chế đặc biệt (thêm hương vị hồi, thì là và loại ngải tây Artemisia absinthium) thường bao gồm nghi thức liên quan đến đồ dùng chuyên dụng lấy cảm hứng từ phong cách Art Nouveau [Tân Nghệ thuật]: Người uống rượu khui hương vị của rượu absinthe bằng nước đá chảy nhỏ giọt tưới lên một viên đường, đặt trên một chiếc thìa có khe thủng trên mặt ly rượu.

Bị cấm ở Pháp sau năm 1915, rượu absinthe bấy lâu đã trở thành nguồn gốc của huyền thoại và nỗi ám ảnh.


Rượu absinthe đã bị pháp luật cấm tại Mỹ và một số vùng của châu Âu hầu như suốt thế kỷ 20, do tin bài trên phương tiện truyền thông nói về những hậu quả ghê gớm và thứ khoa học vô căn cứ liên quan đến thujone, loại độc tố thần kinh hóa học được tìm thấy trong cây ngải tây. Áp lực từ các nhà sản xuất rượu vang đối thủ (muốn có đông người uống hơn) và các nhà hoạt động vì cữ rượu (muốn hoàn toàn không có người uống) đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống-absinthe.

Còn như cái tai tiếng rượu absinthe gây ra chứng loạn óc thì sao? Khoa học ngày nay chứng minh rằng có lẽ chẳng phải cây ngải tây khiến mọi người phê pha hoặc có hành vi sai quấy, mà chính là nồng độ cồn cực cao của thứ rượu này. Thế nhưng, nhiều biến thể hiện đại đang giảm bớt chất thujone.

Những người hâm mộ tận tụy với loại rượu màu ngọc lục bảo táo bạo này coi những chai rượu được sản xuất trước lệnh cấm năm 1915 của Pháp là đặc biệt đáng mơ. Chính những người chuộng rượu absinthe này và nền văn hóa nhánh gắn kết chặt chẽ của họ (bao gồm, như lẽ đương nhiên, các nhóm trên Facebook) – cũng như thông tin đầu vào từ các nhà chưng cất hiện đại – đã thúc đẩy câu chuyện khi Rail cố gắng liên lạc với kẻ làm giả nhãn hiệu này, một chuyên gia bị cáo buộc đã làm giả những thứ pha trộn hiện đại thành rượu mạnh cổ điển.

Vậy thì những người ở hạng thấp trong số những người biết thưởng thức rượu absinthe có thể tìm thấy những gì trong cuốn sách này – chẳng hạn như những người từng nếm thử sau khi xem bộ phim "Moulin Rouge!" (trong phim này Kylie Minogue đóng vai Nàng Tiên Xanh) và cho rằng rượu absinthe có mùi vị giống nước súc miệng hương cam thảo? May thay, "The Absinthe Forger" động chạm đến nhiều vấn đề chứ không chỉ hương vị mà người ta dần dần mới thích đối với một loại rượu mạnh được uống theo cách đầy nghi lễ.

“Tôi muốn biết thêm về tâm lý của nhà sưu tầm, điều gì khiến người ta mua những chai rượu cũ với giá hàng nghìn đô-la, và đồng thời tôi cũng cố gắng để hiểu vì sao Christian, cho dù anh ta là ai, lại làm những việc anh ta đã làm,” Rail viết. Những tội lỗi của Christian – kẻ làm giả trong tựa đề cuốn sách này sinh sống tại London – sớm được tiết lộ. Câu chuyện của Rail là câu chuyện lớn hơn – là câu chuyện về một người đam mê tận tụy với việc tìm hiểu lịch sử và bản chất của sự ám ảnh.

Là nhà báo sống và làm việc tại Prague và là cộng tác viên thường trực của tờ New York Times thường xuyên viết về ẩm thực và du lịch, hiển nhiên Rail có đủ kỹ năng cần thiết để kể câu chuyện này; thậm chí anh đã có lần viết một bài đặc biệt về rượu absinthe cho tờ The Times.

Trong quá trình lang thang nghiên cứu của mình, anh bắt gặp một người phụ nữ có dính líu đến “thế giới rượu absinthe ngầm” của những nhà sưu tập ở thị trường phi chính thức, bà này có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi vì sao có người trả giá cao cho một chai rượu bụi bặm được cất giấu trong tường hoặc chôn trong hầm rượu cả một thế kỷ. “Mọi người mua những chai rượu có niên đại trước-lệnh-cấm là vì họ muốn uống chúng,” bà nói với Rail. “Họ muốn biến nó thành một phần cuộc sống của họ, một phần cơ thể của chính họ.”

Niềm ham muốn có tính thể xác đó để kết nối với quá khứ nghe có vẻ cực đoan, song nó cũng là một khúc bi ca cho sự quá vãng của một kỷ nguyên văn minh hơn, dẫu nó có bị lý tưởng hóa đến đâu chăng nữa. Như Rail nhận xét: "Tôi nhận ra rằng thế giới này đã đánh mất văn hóa uống rượu absinthe, đến mức hầu hết mọi người thậm chí không biết cách phục vụ nó và bản thân những người sành rựou cũng phải chật vật nắm bắt cách sử dụng dụng cụ."

“The Absinthe Forger” sử dụng tội lỗi của Christian như một phương tiện để khám phá thế giới rượu mạnh, nhưng cuốn sách cũng giống như một cuộc tìm kiếm xuyên thời gian, cuộc tìm kiếm với ý định đi sâu vào cách thức rất ám ảnh của nhà sưu tầm. Như một tín đồ rượu absinthe nhiệt thành đã chỉ trích một cách đầy mỉa mai: “Về mặt nào đó, rượu absinthe quả thực đã dẫn đến sự điên loạn.”

THE ABSINTHE FORGER: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit | By Evan Rail | Melville House | 368 pp. | $32

J.D. Biersdorfer has been writing about consumer technology for The Times since 1998. She also creates the weekly interactive literary quiz for the Book Review and occasionally contributes reviews.

Forgery, Fraud and Absinthe’s Enduring Mystique

https://www.nytimes.com/2024/10/18/books/review/the-absinthe-forger-evan-rail.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...