Search This Blog

Friday, November 1, 2024

Giả mạo, lừa đảo và bí ẩn vĩnh viễn của rượu absinthe

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Những nghệ sĩ ở thế kỷ 19 như Viktor Oliva biến “nàng tiên xanh” thành bất tử, vừa như nàng thơ vừa như cô nhân tình hay ghen, gây nghiện.


Cuốn “The Absinthe Forger” (“Kẻ làm giả rượu Absinthe”) của Evan Rail dẫn người đọc vào chuyến đi kiểu du thủ du thực xuyên qua thế giới của những nhà sưu tập rượu cổ điển để truy đuổi một kẻ lừa đảo.

“Nếu bạn nếm thử loại rượu absinthe mà người ta cho là đã được cất cách đây một thế kỷ hoặc hơn, bạn thậm chí có biết mình phải trông đợi điều gì không?” Evan Rail hỏi. Đây là câu hỏi then chốt khiến anh viết cuốn sách mới “The Absinthe Forger: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit” (“Kẻ làm giả rượu absinthe: Câu chuyện có thật về sự lừa dối, phản bội và loại rượu nguy hiểm nhất thế giới”), cuốn sách mà, cùng với câu chuyện trinh thám đầy hứa hẹn, dẫn đến cuộc hội thảo độc lập sôi nổi về sự cám dỗ – cũng như văn hóa và lịch sử của loại rượu rất hiểm độc này và tai tiếng gây ra sự điên loạn và giết người của nó.

Được đặt cho biệt danh là Nàng tiên xanh vì màu sắc thường thấy nhất của nó, rượu absinthe đã truyền cảm hứng cho Oscar Wilde, Vincent van Gogh, Henri de Toulouse-Lautrec, Ernest Hemingway và nhiều tác gia, nghệ sĩ khác, những người tìm thấy ở nó một nàng thơ bằng chất lỏng – chưa kể đến một đám đông công chúng chỉ thích uống. Cách truyền thống của Pháp để thưởng thức món đồ uống pha chế đặc biệt (thêm hương vị hồi, thì là và loại ngải tây Artemisia absinthium) thường bao gồm nghi thức liên quan đến đồ dùng chuyên dụng lấy cảm hứng từ phong cách Art Nouveau [Tân Nghệ thuật]: Người uống rượu khui hương vị của rượu absinthe bằng nước đá chảy nhỏ giọt tưới lên một viên đường, đặt trên một chiếc thìa có khe thủng trên mặt ly rượu.

Bị cấm ở Pháp sau năm 1915, rượu absinthe bấy lâu đã trở thành nguồn gốc của huyền thoại và nỗi ám ảnh.


Rượu absinthe đã bị pháp luật cấm tại Mỹ và một số vùng của châu Âu hầu như suốt thế kỷ 20, do tin bài trên phương tiện truyền thông nói về những hậu quả ghê gớm và thứ khoa học vô căn cứ liên quan đến thujone, loại độc tố thần kinh hóa học được tìm thấy trong cây ngải tây. Áp lực từ các nhà sản xuất rượu vang đối thủ (muốn có đông người uống hơn) và các nhà hoạt động vì cữ rượu (muốn hoàn toàn không có người uống) đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống-absinthe.

Còn như cái tai tiếng rượu absinthe gây ra chứng loạn óc thì sao? Khoa học ngày nay chứng minh rằng có lẽ chẳng phải cây ngải tây khiến mọi người phê pha hoặc có hành vi sai quấy, mà chính là nồng độ cồn cực cao của thứ rượu này. Thế nhưng, nhiều biến thể hiện đại đang giảm bớt chất thujone.

Những người hâm mộ tận tụy với loại rượu màu ngọc lục bảo táo bạo này coi những chai rượu được sản xuất trước lệnh cấm năm 1915 của Pháp là đặc biệt đáng mơ. Chính những người chuộng rượu absinthe này và nền văn hóa nhánh gắn kết chặt chẽ của họ (bao gồm, như lẽ đương nhiên, các nhóm trên Facebook) – cũng như thông tin đầu vào từ các nhà chưng cất hiện đại – đã thúc đẩy câu chuyện khi Rail cố gắng liên lạc với kẻ làm giả nhãn hiệu này, một chuyên gia bị cáo buộc đã làm giả những thứ pha trộn hiện đại thành rượu mạnh cổ điển.

Vậy thì những người ở hạng thấp trong số những người biết thưởng thức rượu absinthe có thể tìm thấy những gì trong cuốn sách này – chẳng hạn như những người từng nếm thử sau khi xem bộ phim "Moulin Rouge!" (trong phim này Kylie Minogue đóng vai Nàng Tiên Xanh) và cho rằng rượu absinthe có mùi vị giống nước súc miệng hương cam thảo? May thay, "The Absinthe Forger" động chạm đến nhiều vấn đề chứ không chỉ hương vị mà người ta dần dần mới thích đối với một loại rượu mạnh được uống theo cách đầy nghi lễ.

“Tôi muốn biết thêm về tâm lý của nhà sưu tầm, điều gì khiến người ta mua những chai rượu cũ với giá hàng nghìn đô-la, và đồng thời tôi cũng cố gắng để hiểu vì sao Christian, cho dù anh ta là ai, lại làm những việc anh ta đã làm,” Rail viết. Những tội lỗi của Christian – kẻ làm giả trong tựa đề cuốn sách này sinh sống tại London – sớm được tiết lộ. Câu chuyện của Rail là câu chuyện lớn hơn – là câu chuyện về một người đam mê tận tụy với việc tìm hiểu lịch sử và bản chất của sự ám ảnh.

Là nhà báo sống và làm việc tại Prague và là cộng tác viên thường trực của tờ New York Times thường xuyên viết về ẩm thực và du lịch, hiển nhiên Rail có đủ kỹ năng cần thiết để kể câu chuyện này; thậm chí anh đã có lần viết một bài đặc biệt về rượu absinthe cho tờ The Times.

Trong quá trình lang thang nghiên cứu của mình, anh bắt gặp một người phụ nữ có dính líu đến “thế giới rượu absinthe ngầm” của những nhà sưu tập ở thị trường phi chính thức, bà này có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi vì sao có người trả giá cao cho một chai rượu bụi bặm được cất giấu trong tường hoặc chôn trong hầm rượu cả một thế kỷ. “Mọi người mua những chai rượu có niên đại trước-lệnh-cấm là vì họ muốn uống chúng,” bà nói với Rail. “Họ muốn biến nó thành một phần cuộc sống của họ, một phần cơ thể của chính họ.”

Niềm ham muốn có tính thể xác đó để kết nối với quá khứ nghe có vẻ cực đoan, song nó cũng là một khúc bi ca cho sự quá vãng của một kỷ nguyên văn minh hơn, dẫu nó có bị lý tưởng hóa đến đâu chăng nữa. Như Rail nhận xét: "Tôi nhận ra rằng thế giới này đã đánh mất văn hóa uống rượu absinthe, đến mức hầu hết mọi người thậm chí không biết cách phục vụ nó và bản thân những người sành rựou cũng phải chật vật nắm bắt cách sử dụng dụng cụ."

“The Absinthe Forger” sử dụng tội lỗi của Christian như một phương tiện để khám phá thế giới rượu mạnh, nhưng cuốn sách cũng giống như một cuộc tìm kiếm xuyên thời gian, cuộc tìm kiếm với ý định đi sâu vào cách thức rất ám ảnh của nhà sưu tầm. Như một tín đồ rượu absinthe nhiệt thành đã chỉ trích một cách đầy mỉa mai: “Về mặt nào đó, rượu absinthe quả thực đã dẫn đến sự điên loạn.”

THE ABSINTHE FORGER: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit | By Evan Rail | Melville House | 368 pp. | $32

J.D. Biersdorfer has been writing about consumer technology for The Times since 1998. She also creates the weekly interactive literary quiz for the Book Review and occasionally contributes reviews.

Forgery, Fraud and Absinthe’s Enduring Mystique

https://www.nytimes.com/2024/10/18/books/review/the-absinthe-forger-evan-rail.html

Thursday, October 31, 2024

Đối mặt với “những kẻ quái vật” của nền văn hóa

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn sách tỉ mỉ và thâm thúy của Claire Dederer phát lộ “tình thế tiến thoái lưỡng nan của người hâm mộ” đối với những nhân vật như Vladimir Nabokov, Woody Allen, Willa Cather và Roman Polanski.

Những bậc thềm của những ngôi nhà bằng sa thạch ở khu Brooklyn, trên đó cư dân thường để những món quà tặng miễn phí cho người qua đường, là một thước đo xác thực cho sự yêu thích văn chương hiện thời – và cả sự chán ghét nữa. Vào mùa hè cuồng nhiệt năm 2018 đó, khi khắp nơi nơi người ta công khai cáo buộc những người đàn ông lỗi lạc là có hành vi bỉ ổi, tôi thấy trên những bậc thềm đó được đặt kề bên nhau là cuốn “Side Effects” (“Hiệu ứng phụ”) của Woody Allen và “Lake Wobegon Days” (“Những tháng ngày ở Lake Wobegon”) của Garrison Keillor, khiến người ta bật cười theo cách mà những nhà văn hài hước đó không bao giờ chủ định. Ngay gần đó, ai đó đã giận dữ vứt bỏ cuốn sách dạy nấu ăn “Molto Italiano” của Mario Batali. Kệ sách vụ-bê-bối của tôi đang bị nhồi chặt hơn một trong những con sò origano nướng ngon lành của ông này.

Bên phía Bờ Tây, ở Seattle, tác giả Claire Dederer phát hiện ra hiện tượng tương tự: một Thư viện Nhỏ Miễn phí “ních chặt đến tận nóc những cuốn sách của và về” Allen, mà bà quyết định thu thập làm nghiên cứu. “Một cuốn sách của Woody Allen kiếm chác được là cuốn sách mà tôi không trả tiền để mua – cách hoàn hảo để hủy hoại tài nghệ của một người mà ta nghi ngờ về đạo đức,” bà viết trong cuốn sách mới của bà là “Monsters: A Fan's Dilemma” (“Những kẻ quái vật: Tình thế tiến thoái lưỡng nan của người hâm mộ”), một sự xem xét liên-ngành về những nhân vật phân cực như vậy, và về đạo đức của một cuộc đời sáng tạo.

“Tất cả những người còn đang sống,” Dederer viết, “đều bị xóa sổ hoặc sắp bị xóa sổ.” Nhưng bà rất không thích dùng thuật ngữ “xóa sổ văn hóa”, nó thiên vị, như thực tế là thế, cái người bị ô danh bởi dấu ấn chính thức của sự buộc tội, thay vì người lên tiếng về những hành vi sai trái. Và dẫu rằng như vậy bà vẫn muốn tìm cách dung hòa lòng ngưỡng mộ thứ nghệ thuật tuyệt vời đó của bà với những hành vi sai trái trong đời thực của những người sáng tạo ra nó.

Mở rộng bài tiểu luận nổi tiếng đăng trên tạp chí The Paris Review một tháng sau khi sự bạo lực tình dục của Harvey Weinstein bị phơi bày, “Monsters” duy trì giọng văn tiểu luận, đôi khi mang tính cách ngôn trong suốt 250 trang có lẻ. Điểm xuyết những chi tiết về cảnh vật cụ thể của bà – chiếc phà, tiệm bánh crepe, buổi biểu diễn nhạc rock khiến những hàng mi lấp lánh – “Monsters” một phần là hồi ký, một phần là chuyên luận và toàn bộ là sự thú vị. Dederer liên tục cố thử – không phải theo nghĩa tính từ của từ này, mà theo nghĩa phân từ hiện tại của nó: cho chúng ta thấy quá trình tư duy của bà, đồng thời hiệu chỉnh trong khi bà tiến hành và thử nghiệm các hình thức khác nhau.

Ví dụ, bà miêu tả cuộc tranh luận với một “nam văn sĩ” hàn lâm mà bà không nêu tên về bộ phim “Manhattan” năm 1979 của Allen, như một “vở kịch nhỏ” lấy bối cảnh trong nhà hàng lát đá cẩm thạch ở viện bảo tàng Met Breuer (bản thân nó là một bối cảnh “Manhattan” thực thụ), quan sát “tiếng lanh canh của đồ ăn bằng bạc xung quanh căn phòng, như thể những con dao và những chiếc dĩa đang có cuộc trò chuyện khác, cuộc trò chuyện rõ ràng hơn và lành mạnh hơn, ở bên dưới hoặc bên trên tiếng ồn ào xôi thịt của con người.”

Dederer, “nữ văn sĩ” – và là nữ văn sĩ tinh nhanh, hóm hỉnh – tin rằng sự lãnh đạm vô tình khi nhân vật của Allen hẹn hò với một học sinh trung học làm hỏng bộ phim, điều luôn khiến bà ít nhiều khó chịu, đặc biệt là kể từ khi nhà đạo diễn này bỏ nữ minh tinh Mia Farrow để lấy cô con gái Soon-Yi Previn của chị. Nam văn sĩ kia giữ quan điểm của trường phái Phê bình Mới (New Criticism) cho rằng bà nên đánh giá “Manhattan” chỉ về mặt thẩm mỹ học thôi, và đó là một kiệt tác.


Woody Allen đã chiếm quá nhiều chỗ trong sự đánh giá này. Kẻ được gọi là quái vật – một từ mà, rất tiện lợi, có thể biểu thị sự thành công, tầm cỡ cũng như sự biến thái – có cách để làm điều đó.

Dederer lướt qua cả một dàn những kẻ không đáng tin cậy, gồm vô số đàn ông nhưng cũng có một số lượng đáng kinh ngạc là phụ nữ: J.K. Rowling, dĩ nhiên, bộ truyện Harry Potter của bà này đã khiến cả gia đình Dederer thích mê trước khi bà phát biểu về vấn đề chuyển giới; nhưng còn có Virginia Woolf, nhật ký của bà này “lỗ chỗ” những “lời nhận xét khiếm nhã bài Do Thái” mặc dù bà kết hôn với một người Do Thái; có Willa Cather, người biến những người Da đen thành những kẻ không có tính người trong cuốn tiểu thuyết “My Ántonia”; có Laura Ingalls Wilder, người biến người Mỹ bản địa thành những kẻ không có tính người trong bộ truyện “Little House” (“Ngôi nhà nhỏ”); và Doris Lessing, người bỏ lại hai đứa con khi chuyển từ Rhodesia đến London sống cùng đứa con thứ ba.

“Đây là điều mà tính quái vật của phụ nữ có vẻ rất giống: bỏ rơi con cái. Bao giờ cũng vậy,” là lời tuyên bố của Dederer, bà mẹ hai con vẫn cảm thấy có lỗi về việc uống rượu cả một thập kỷ và một cuộc ẩn dật suốt năm tuần lễ ở Marfa, bang Texas. Ở điểm này tôi muốn tranh luận với bà (và tôi không nghĩ bà sẽ phiền lòng: bà vẫn đang liên tục tranh luận với chính mình). Trừ phi việc không có con, như Virginia Woolf, là một kiểu bỏ rơi?

“Quái vật” té ra chỉ là một trong số nhiều từ mà tác giả thăm khám một cách kỹ lưỡng, phát hiện ra nó là “nam giới, tinh hoàn, thế giới cũ. Đó là một từ có lông lá, và có răng”. Nó gợi lên nỗi sợ hãi và hình ảnh tưởng tượng thời thơ ấu, giống như những sinh vật trong cuốn truyện tranh “Where the Wild Things Are” (“Nơi có những loài vật hoang dã”), tác giả của nó là Maurice Sendak bị một số người coi là quỷ quái một cách lố bịch, hoặc các tác phẩm của Roald Dahl: ít bị coi là quỷ quái một cách lố bịch hơn, vì chủ nghĩa bài Do Thái không đến nỗi khiếm nhã. (“Nếu chúng ta từ bỏ những người bài Do Thái,” một trong những người bạn của Dederer nhận xét bằng câu thực chất giống như câu khôi hài kiểu Woody Allen, “chúng ta sẽ phải từ bỏ tất thảy mọi người”.)

“Tôi có phải là một kẻ Quái vật không?” là tiêu đề Dederer đặt cho một chương sách, để đánh giá thái độ đúng đắn một cách tương đối của bà. Nhưng liền sau đó, bà đánh giá sự nghiệp của chính mình – bà đã xuất bản những cuốn sách về yoga và tình dục được đón nhận nồng nhiệt – "có lẽ tôi không đủ tính quái vật." Nghệ thuật đòi hỏi sự ích kỷ; những thiên tài được “cho phép vi phạm quy tắc ứng xử” khi phải tuân theo những kỳ vọng của xã hội. Giá như con người ta có thể giữ được phần nóng nảy, háu đói của trạng thái quái vật mà không để lại dấu răng trên người khác.

“Vết nhơ” là một từ khác thuộc ngữ vựng mà Dederer thấy là hữu ích, mặc dù cuốn “The Human Stain” (“Vết nhơ của nhân loại”) của Philip Roth không nằm trong số rất nhiều tác phẩm được phân tích ở đây, và Roth chỉ được đề cập thoáng qua, bất chấp vụ việc rất thú vị về những cáo buộc hành vi tình dục sai trái chống lại người viết tiểu sử của Roth đã gây nguy hại cho di sản của ông.

Có lẽ là do “tiểu sử”, đối với Dederer, dường như không phải là một thể loại ưu tú mà đúng hơn là mối phiền toái hiện diện khắp nơi, “thứ phá hoại niềm vui của chính tôi”: chỉ là tập hợp các chi tiết về cá nhân mà ta có thể tìm kiếm trên thực thể quái vật hiện đại nhất kia, internet. “Chúng ta ngập trong tiểu sử; chúng ta phát ốm vì tiểu sử,” bà viết. Nó “từng là thứ bạn tìm kiếm, khát khao và hăng hái đeo đuổi. Giờ đây nó đổ xuống đầu bạn suốt ngày”.

Hậu quả tất yếu đối với “kẻ quái vật”, ở thể thụ động hơn, là “vết nhơ”: một tính xấu nào đó tô điểm cho cuộc đời của ai đó mà ta không muốn biết, tuy nhiên nó vẫn lan truyền và có thể làm xấu đi nhận thức về tác phẩm của người đó. Vết nhơ thẩm thấu qua thời gian, đến những người đã làm tổn thương nghệ sĩ đó và những người mà nghệ sĩ đó đã làm tổn thương, và trong thời buổi này khi các mối quan hệ xã hội ảo được đề cao, những người mà anh ta hoặc chị ta làm tổn thương bao gồm cả chúng ta: những người hâm mộ biết quá nhiều.

Kệ sách vụ-bê-bối của mỗi người hâm mộ, những cuốn sách được len lén cầm đi từ bậc thềm, không có vẻ giống nhau. Kệ sách của Dederer: nhẹ về sách của Roth, nặng về sách của Vladimir Nabokov. Lời biện minh sắc sảo một cách tinh tế của bà về tác phẩm “Lolita” đã khiến tôi nhỏ lệ biết ơn.

Song tôi cũng thấy mình không đồng tình với hoặc rất hồ nghi, đồng thời phản kháng cái “chúng ta” chung chung của bà (một đại từ mà chính bà cũng tự vấn). Tôi không nghĩ đến bài phát biểu phân biệt chủng tộc năm 2006 của diễn viên hài Michael Richards mỗi khi tôi thoáng thấy anh ta lao qua cửa trong bộ phim dài tập “Seinfeld”. (Tôi có nên nghĩ đến không?) Ắt hẳn cũng không với diễn viên hài trẻ vui nhộn Troy Bond, người thường xuyên thực hiện một chương trình nhại kiểu hiện đại trên TikTok.

Tôi không còn nghĩ từ “tham vọng” gắn với phụ nữ là miệt thị nữa. Tôi không nghĩ những phụ nữ hoàn thành công việc của mình – Dederer gọi họ là “những người về đích” – lại là quái vật hoặc có thể so sánh với những gã đàn ông quái vật theo bất kỳ cách nào. Họ là học sinh hạng A! Hoặc chỉ đơn giản là chuyên nghiệp.

Và tôi chắc chắn không nghĩ, như bà khẳng định, rằng “có thai là hết chuyện”. Câu này từ một người dành nhiều trang sách chìm đắm một cách tội lỗi vào cuốn “Rosemary's Baby” (“Hài nhi của Rosemary”), cố gắng giải quyết “vấn đề của Roman Polanski”. Thế còn “Couples” (“Những cặp vợ chồng”) của John Updike thì sao? (Đừng bắt tôi phải mở đầu bằng bài Tạp chí London Review of Books đã quái vật hóa Updike ra sao, phía trên bài luận của Patricia Lockwood, như một “robot tình dục hỏng hóc”.)

Đối với một tác giả rùng mình một cách chân thực trước sự bị rẻ rúng của từ “bị ám ảnh” để sử dụng cụm từ “làm việc” – cụm từ “làm tình” mới? – và “chủ nghĩa tư bản mới đây” khiến tôi cảm thấy, theo cách diễn đạt của chính Dederer, “hơi buồn nôn”.

Nhưng, nhưng… đây là cuốn sách mạnh dạn từ vách đá nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn bên dưới và nhảy ngay xuống, làm bắn tóe ra xung quanh một cách vui thích, không sợ ướt. Thật hào hứng biết bao.

MONSTERS: A Fan’s Dilemma | By Claire Dederer | 288 pp. | Alfred A. Knopf | $28

Alexandra Jacobs is a book critic and the author of “Still Here: The Madcap, Nervy, Singular Life of Elaine Stritch.”

https://www.nytimes.com/2023/04/23/books/monsters-review-claire-dederer.html

Sam Shepard và nghệ thuật biểu đạt những điều không nói được thành lời

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


“True West” là cuốn tiểu sử mới về một kịch tác gia kiêm diễn viên, bản thân ông là người kiệm lời nhưng tác phẩm của ông lại nói lên rất nhiều.

Nguyên tắc đầu tiên để làm bạn với Bob Dylan, như người ta đồn, là không được nói về Bob Dylan. Một thứ luật im lặng [omertà] tương tự dường như được áp dụng đối với Sam Shepard, kịch tác gia kiêm diễn viên, và nó đã được giữ nguyên kể từ khi ông qua đời năm 2017. Rất nhiều người đã xếp hàng để không nói chuyện với nhà văn mới nhất viết tiểu sử về ông, đa phần những người đó đã xếp hàng để không nói chuyện với những nhà văn trước đó viết tiểu sử về ông.

“True West: Sam Shepard's Life, Work, and Times” (“Miền Tây đích thực: Thân thế, sự nghiệp và thời đại của Sam Shepard”) của tác giả Robert Greenfield là cuốn tiểu sử thứ tư về Shepard, sau cuốn tiểu sử của Don Shewey xuất bản năm 1985, cuốn của Ellen Oumano xuất bản năm 1986 và cuốn của John J. Winters xuất bản năm 2017. Theo ghi chú về nguồn tin của Greenfield, tác giả đã thuyết phục được 38 người chịu cho ông phỏng vấn. Con số đó không có gì đáng hổ thẹn, nhưng đây không phải cái tài siêu thám tử của nhà văn viết tiểu sử lừng danh Robert Caro.

Theo quan niệm cũ, đánh giá một bữa tiệc không phải bởi những người hiện diện tại đó, mà bởi những người không hiện diện. Những người không hiện diện [ở cuộc phỏng vấn] gồm có người vợ đầu tiên của Shepard là O-Lan Jones, người bạn đời lâu năm của ông là Jessica Lange; những người tình của ông là Patti Smith, Brooke Adams và Joni Mitchell (bài hát “Coyote” của bà là về ông); và vô số bạn bè và những người cộng tác, trong đó có Terrence Malick, Keith Richards, Ed Harris, Peter Coyote, Wim Wenders, John Malkovich, T Bone Burnett, Diane Keaton, Ethan Hawke và cả Dylan, cùng với ông này Shepard đã viết những ca từ bất hủ trong bài hát “Brownsville Girl”: “Ngay cả những cuộc tụ họp mua bán trao đổi quanh đây cũng đang trở nên khá bất lương.”

Cuốn sách của Greenfield trung thực với cuộc đời của Shepard, mặc dù nó nhảy cách quãng như một viên đá lướt trên mặt nước. Shepard dành nhiều thời gian để hạ bức màn che và hướng tới câu chuyện thần thoại về chính bản thân ông. Ông trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn về việc không thích trả lời phỏng vấn. Cũng như Dylan, bản thân ông là người kiệm lời; trái lại, trong tác phẩm của mình, từ ngữ của ông tuôn tràn như xô nước đầy. Cũng như Dylan, ông đã ném ra hàng triệu ý tưởng và hình ảnh và để chúng lại cho những người khác cố gắng nhặt nhạnh.

Shepard đã nói dối về cuộc đời mình một cách bản năng, vì vậy có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Ông đẹp trai, thanh nhã, rắn chắc và chân tay dài rộng, đến mức người ta thấy choáng khi ở cạnh ông – ông khiến mọi người trở nên ngu ngốc, hoặc muốn khóc, hoặc tức giận hoặc khao khát được chạm vào, đôi khi là tất cả các cảm xúc này cùng một lúc. Hầu như đi đâu ông cũng chỉ đội những chiếc mũ John Deere, nhay nhay những chiếc tăm và thốt ra những lời bình phẩm kiểu một-gã-bình-dân: “Tôi học được từ trường đua nhiều hơn là từ Shakespeare” và “Tôi ở lại với ngành điện ảnh chỉ để nuôi những con ngựa của mình”. Bạn những muốn phần ảnh lồng vào cuốn sách (tại sao chỉ có một?) kéo dài khoảng vài chục trang.

“True West” là cuốn tiểu sử đầu tiên của Shepard kể từ khi ông qua đời ở tuổi 73, do biến chứng của bệnh xơ cứng teo cơ một bên, hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig. Cơ thể của ông đã bị tấn công bất ngờ theo những cách khác nữa. Việc hút thuốc gây hậu quả nghiêm trọng cho ông. Ông phải đặt một stent để thông một động mạch bị tắc. Ông mang theo bên mình một máy thở ôxy.

Những năm gần đến 70 tuổi, ông đột ngột suy sụp. Năm 72 tuổi, ông bị bắt giữ lần hai vì lái xe trong tình trạng say xỉn. Về mặt vai diễn của ông, ông hiếm khi lựa chọn phù hợp, song gần cuối đời ông có cần phải xuất hiện trên bộ phim truyền hình dài tập “Klondike” của Discovery Channel không?


Greenfield là nhà văn viết tiểu sử lành nghề có nhiều tác phẩm, ông đã viết về cuộc đời của Jerry Garcia, Bill Graham, Timothy Leary và Burt Bacharach, cùng nhiều người khác. Cuốn tiểu sử Shepard của ông thiếu độ phức tạp nhất định, và thiếu nhận thức phê phán, nhưng nó có cấu trúc hợp lý và được viết rất mạch lạc. Nó bao quát mọi góc độ một cách khéo léo.

Tên khai sinh của Richard Hell là Richard Meyers, và tên khai sinh của Iggy Pop là Jim Osterberg. Thế còn Ramblin' Jack Elliott? Tên thật của ông là Elliot Adnopoz. Năm 1963, khi Sam Shepard đến Manhattan, ở tuổi 19, anh được gọi là Steve Rogers, mặc dù tên đầy đủ của anh là Samuel Shepard Rogers III.

Cha Shepard là phi công lái chiến đấu cơ B-24 Liberator trong Thế chiến II. Thói rượu chè và khí độ trượng phu, ngang tàng của người cha đã tái hiện ở các nhân vật trong một số vở kịch hay nhất của Shepard, gồm cả vở “Fool for Love” (“Khờ dại vì yêu” – 1983). Shepard lớn lên ở Nam California, Nam Pasadena và sau đó là ở Duarte, trong một nông trại trồng bơ, mặc dù cha mẹ anh đều dạy ở các trường trung học dành riêng cho giới nhà giàu. Chàng trai trẻ Shepard nghĩ mình có thể trở thành bác sĩ thú y. Chàng bắt đầu sáng tác những vở kịch khi còn học đại học cộng đồng, trước khi bỏ học.

Shepard quen biết con trai của Charles Mingus là Charles Mingus III ở trường trung học. Cậu Mingus con đã giúp Shepard kiếm được công việc dọn bàn ở Village Gate, hộp đêm ở Greenwich Village. Tài năng ngôn ngữ của Shepard từ đâu mà ra? Greenfield không thể lý giải được điều đó. Nhưng những vở kịch bắt đầu tuôn tràn từ anh, hàng tá trong số đó.

Những tác phẩm đầu tay của Shepard, với những nhan đề như “Shaved Splits” và “Back Bog Beast Bait”, là những tuyên ngôn quả quyết tuôn ào ào như những dòng thác huyền ảo và chúng đã phá vỡ hầu như mọi quy ước. Mọi thứ Shepard viết đều trần trùi trụi và hơi xộc xệch; các kịch tác gia Beckett và Pinter đang dõi mắt canh chừng qua vai anh. Đã qua rồi bất kỳ tàn tích nào của chủ nghĩa nhân văn tẻ ngắt hay những cú đâm vào “độ sâu” theo kiểu Arthur Miller. Các vở kịch của anh được trình diễn tại các rạp thử nghiệm mới mẻ ở trung tâm thành phố như Café La MaMa, Theater Genesis và Caffe Cino.

Thỉnh thoảng anh cho một ban nhạc rock lên sân khấu, một sự tấn công vào cảm xúc giả tạo của những bài hát trong vở kịch. Đôi khi ban nhạc đó là Holy Modal Rounders, anh chơi trống cùng ban nhạc này. (Hồi năm 1968, tại Avalon Ballroom ở San Francisco, ban nhạc Rounders đã mở màn cho Pink Floyd.) Shepard chính là người đã thuyết phục Patti Smith, khi đó là một nữ thi sĩ, thử đứng trước một nhóm nhạc sĩ ồn ào và sôi động, để rồi trở thành một ngôi sao nhạc rock.

Năm 1967 anh giành được Giải thưởng Obie đầu tiên cho vở kịch “La Turista”. Elizabeth Hardwick bình luận về vở này trên tạp chí The New York Review of Books và gọi nó là “một tác phẩm đáng quan tâm bậc nhất”. Anh mới 24 tuổi khi Michelangelo Antonioni đưa anh đến Rome để giúp viết kịch bản cho phim “Zabriskie Point”. Cuối năm đó, anh sống trong điền trang ở vùng thôn dã của Keith Richards trong khi viết một kịch bản cho ban nhạc Rolling Stones. Anh lưu trú ở khách sạn Chateau Marmont khi ở Los Angeles và mua đất ở Cape Breton, Nova Scotia, gần nhà soạn nhạc Philip Glass và nhà sản xuất phim tài liệu Robert Frank.

Bạn bè chốn cũ của Shepard ở New York cho rằng anh đang trở nên kiêu ngạo thái quá. Họ đã cố thử bắt cóc anh vào một đêm khai mạc, như một kiểu can thiệp chữa bệnh. Điều họ không biết là tài năng của anh vẫn chưa hoàn toàn nở rộ. Từ năm 1977 đến 1985, anh đã viết nên những tác phẩm hay nhất và chín muồi nhất của mình: các vở kịch gồm “Curse of the Starving Class” (“Lời nguyền đeo đẳng tầng lớp chết đói”), “Buried Child” (“Đứa con được chôn cất”), “True West” (Miền Tây đích thực”), “Fool for Love”( “Khờ dại vì yêu”) và “A Lie of the Mind” (“Sự dối trá của tâm trí”), nhiều vở kịch về gia đình tan rã. Diễn tiến của hầu hết trong số những vở này chỉ vừa phát triển. Chúng vẫn khiến bạn diễn giải lại trải nghiệm của mình.

Trong số các nhà soạn kịch, anh có tài năng hiếm thấy là có thể biểu đạt rõ ràng những gì không nói được thành lời ngay bên cạnh những gì đã nói. Anh không thích đi lại bằng máy bay và viết một số vở kịch khi đang lái xe trên đường, ghim giấy viết của mình vào vô lăng.

Danh tiếng của Shepard lên đến đỉnh điểm vào năm 1983, khi anh xuất hiện với vai viên phi công thử nghiệm kiệm lời Chuck Yeager từ Tây Virginia trong bộ phim ăn khách nhất “The Right Stuff” (“Phẩm chất lý tưởng”) của đạo diễn Philip Kaufman dựa trên cuốn sách cùng tên của Tom Wolfe. Anh nhận được đề cử Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, nhưng thua Jack Nicholson trong “Terms of Endearment” (“Những cái tên âu yếm).

Greenfield xem xét kỹ lưỡng tư liệu này trong mối quan hệ với một loạt cảnh quay đình đám. Chúng gồm các cuộc đụng độ với những nhân vật rất uy tín trong đó có Antonioni; Dylan, người mà anh cảm thấy rất thẳng thắn; đạo diễn kịch Joe Papp; và đạo diễn Robert Altman, người đã làm bộ phim “Fool for Love”.

Những đoạn kể về thời gian Shepard ở bên Smith thật đáng yêu. Họ bị thứ tình yêu tội lỗi đầy phấn khích cuốn trôi qua các hành lang của khách sạn Chelsea, một bức ảnh của Robert Doisneau khơi lại cuộc sống phóng túng. Shepard vừa mới kết hôn với O-Lan Jones khi anh va phải Smith. Jones biết, và anh biết, rằng anh là một người-hùng-phản-bội. Những quy tắc thông thường phải chừa anh ra. Hồi năm 1985, anh phát biểu với Newsweek về những năm đầu ở thành phố này: “Tôi điều khiển mọi thứ theo ý muốn”.

Anh gặp Lange trên trường quay bộ phim “Frances” năm 1982. Cô trẻ hơn anh sáu tuổi và vừa sinh một đứa con với Mikhail Baryshnikov. Dẫu rằng cô và Shepard chưa bao giờ kết hôn nhưng họ đã ở bên nhau gần ba thập kỷ, phần lớn thời gian đó họ ở trang trại nuôi ngựa rộng 107 mẫu Anh gần Charlottesville, bang Virginia.

Những vở kịch về sau của Shepard không thuộc về những vở kịch hay nhất của ông, nhưng tầm cỡ của ông cao đến mức khán giả thiên về cảm giác rằng thất bại đó là của chính họ vì đã không hiểu hết giá trị của chúng.

Cuộc đời của Shepard thật khó mà bóp méo được, và Greenfield đã không làm thế. Phần ông viết về những năm cuối đời của kịch tác gia này rất chi tiết và cảm động. Bất chấp những vụ bị bắt giữ vì lái xe trong tình trạng say xỉn và những chương trình truyền hình xoàng xĩnh, chúng ta vẫn thấy chân giá trị con người Shepard. Cứ như thể ông đang noi theo chỉ đạo của Shakespeare trên sân khấu: “Hãy giữ chút trang nghiêm trên lối ra của cậu, và biến đi”.

TRUE WEST: Sam Shepard’s Life, Work and Times | By Robert Greenfield | Illustrated | 432 pp. | Crown | $30

Dwight Garner has been a book critic for The Times since 2008. His most recent book is “Garner’s Quotations: A Modern Miscellany.”

https://www.nytimes.com/2023/04/03/books/review/sam-shepard-biography-robert-greenfield.html

Tuesday, October 29, 2024

Hồi ký chính trị đa phần là đồ bỏ. Nhà phê bình này tìm thấy những thứ hấp dẫn và thú vị.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Trong “The Washington Book” (“Sách Washington”), nhà phê bình đoạt giải Pulitzer Carlos Lozada đã khai thác thể loại nổi tiếng do thứ văn xuôi đã được tinh lọc để tạo hiệu ứng khám phá.

Thủ đô nước ta là nơi bắt nguồn của một thể loại văn học buồn tẻ – loại sách Washington: hồi ký chính trị, tiểu sử các ứng viên tranh cử tổng thống, chuyên luận về chính sách và các tác phẩm khác của các chính trị gia, quan chức chính phủ và những kẻ theo đóm ăn tàn ở thủ đô Washington. Những thứ này thường là tự tô vẽ bản thân, viết kém hoặc cực kỳ nhàm chán. Nhiều người mua và bàn luận về những cuốn sách này, song thực tế ít người đọc chúng (ngoại trừ việc đọc lướt phần mục lục để tìm tên của họ).

Trò chơi đố chữ đó đã thu hút sự chú ý hồi năm 1985 khi Michael Kinsley, thời đó là nhà biên tập của tạp chí The New Republic, cài một tờ giấy lưu ý sâu bên trong các ấn bản của những cuốn sách chính trị nổi tiếng tại một hiệu sách ở khu vực Washington, treo giải thưởng 5 USD cho bất kỳ ai tìm thấy tờ lưu ý ấy. Chẳng ai gọi đến để đòi phần thưởng.

Carlos Lozada, nhà báo chuyên mục của tờ New York Times, nguyên là nhà phê bình và biên tập của tờ Washington Post, cho rằng loại sách Washington đã bị mang tiếng xấu. Ông lập luận rằng, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng bằng con mắt tinh tường phù hợp, những cuốn sách đó có thể cho ta những hiểu biết sâu sắc bất ngờ về nền chính trị Mỹ và những người bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Ông đề cao không chỉ việc đọc hết những cuốn sách như vậy mà cả việc lục lọi ra những chi tiết gây ấn tượng, những thói khoa trương, những thứ mà các chính trị gia có thể không muốn bị để ý đến – và là những thứ mà họ thậm chí không nhận ra ở chính bản thân họ. Trong tuyển tập mới của mình, “The Washington Book: How to Read Politics and Politicians” (“Sách Washington: Cách đọc vị các hoạt động chính trị và các chính trị gia”), Lozada tập hợp các bài tiểu luận ông viết từ năm 2013 đến năm 2023, một số trong các bài đó đã mang về cho ông Giải Pulitzer về phê bình năm 2019.

Ông có lợi thế đặc biệt về thập kỷ này: cảm nhận của người trong cuộc về động lực chính trị và tính khách quan của một nhà phê bình văn học. Những quan sát mang dấu ấn của ông – về các chủ đề khác nhau từ George H. W. Bush cho đến Vladimir Putin và Ron DeSantis – đều là những sự “vạch trần” ở cấp độ cao, mang tính trí tuệ.

“Cho dù các chính trị gia này có cẩn thận làm sạch kinh nghiệm, vị trí và hồ sơ của họ đến mức nào, cho dù họ có siêng năng trình diện bản thân với vẻ ngoài đẹp nhất, an toàn nhất, được lòng dân nhất hoặc dễ xác minh thật giả nhất ra sao – rốt cuộc hầu hết bọn họ cũng luôn tự bộc lộ bản thân,” ông viết. “Dù họ có ý định làm thế hay không, trong những cuốn sách của họ, họ cho chúng ta biết họ thực sự là ai.”

Lấy ví dụ lời giải thích của Donald Trump, trong cuốn sách xuất bản năm 2004, về lý do vì sao mái tóc của ông ta luôn gọn gàng chải chuốt như vậy. Bởi vì ngày ngày ông ta chỉ đi lại giữa nhà mình – cũng là văn phòng của ông – và một chiếc xe limo dài, câu lạc bộ dành riêng, máy bay phản lực và trực thăng, theo những lời huênh hoang của Trump, nên ông ta hiếm khi ra ngoài. Lozada nhận ra ẩn ý ở đây: Trump đã sống trong vỏ bọc tự tạo từ rất lâu trước khi bước chân vào Nhà Trắng. “Trong một đoạn độc thoại về mái tóc, Trump bộc lộ sự cô lập hoàn toàn được tạo ra một cách có chủ ý của mình – kiểu cô lập cho phép ta đưa ra bất kỳ câu chuyện nào ta đã sáng tác cho chính mình,” là nhận định của Lozada, tác giả cuốn sách “What Were We Thinking: A Brief Intellectual History of the Trump Era” (“Chúng ta đang nghĩ gì: Lược sử trí tuệ về thời đại Trump”) ra mắt năm 2020, cuốn sách là sự đọc kỹ có phân tích diễn giải hàng chục cuốn sách do Trump viết hoặc viết về Trump.

Trong cuốn hồi ký “So Help Me God” (“Xin Chúa giúp con” – xuất bản năm 2022) của Mike Pence, hành vi bộc lộ nằm ở những gì chưa được nói ra. Pence sử dụng đoạn trích dẫn bị cắt xén từ những bình luận của Trump ngày 6/1 để che giấu sự đồng cảm của ông ta đối với những kẻ bạo loạn ở Điện Capitol. Pence muốn được khen ngợi vì đã kháng lệnh của Trump đòi lật ngược cuộc bầu cử nhưng đưa ra chẳng được mấy bằng chứng về việc chống lại Trump trong bốn năm làm Phó tổng thống. Lozada phát hiện và vạch trần ông ta: “Ông không nên nhận sự vinh quang vì đã kéo nền dân chủ ra khỏi bờ vực nếu ngay từ đầu ông đã chung tay đưa nó đến đó.”

Điều hiếm thấy trong số những người bình sách là đôi khi Lozada quay lại những cuốn sách cũ hơn mà đột nhiên có được sự quan tâm mới. Đọc cuốn tự truyện về chiến dịch tranh cử năm 2019 của Kamala Harris khá lâu sau khi bà từ bỏ việc tranh cử tổng thống, ông phát hiện ra lý do thất bại của bà này nằm trong mấy từ: bà liên tục lên án “những lựa chọn sai lầm” trong chính sách và chính trị. Lozada coi cụm từ này như thứ dùng để che đậy cho sự miễn cưỡng của bà khi phải chọn phe phái trong những vấn đề hiểm hóc. Điều đó không ngăn cản Biden chọn bà làm người đồng tranh cử với mình nhưng có thể giúp lý giải những nỗ lực lớn của bà trong việc tìm kiếm một chỗ đứng thích hợp như vị trí phó tổng thống.

Tổng kết lại cách tiếp cận của mình, Lozada viết: “Nếu nghệ thuật chính trị có thể loại trừ ý nghĩa ra khỏi ngôn ngữ, để tạo ra ngày càng nhiều từ được nói ngày càng ít, mục đích của tôi là cố gắng tìm ra ý nghĩa đó và đem nó trở lại. ”

Lozada đáp ứng các độc giả rất tốt khi ông nỗ lực xử lý một đống sách về một chủ đề duy nhất để cung cấp bối cảnh rộng hơn. Điều này đặc biệt được hoan nghênh khi ông xem xét các báo cáo của chính phủ mà hiếm khi được đọc từ đầu đến cuối, chẳng hạn như việc ông so sánh ba báo cáo điều tra về Trump: báo cáo của Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016; báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện năm 2019 về việc ông ta gây áp lực buộc Ukraine điều tra Hunter Biden; và báo cáo của Ủy ban Chuyên môn của Hạ viện năm 2022 về vai trò của ông ta trong cuộc tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol.

Tài liệu gộp đó là biên niên sử phong phú về một vị tổng thống, người mà theo thời gian, ngày càng trở nên lành nghề và toan tính trong việc sử dụng các cơ chế của chính phủ để đạt được lợi ích chính trị. Những vụ bê bối của Trump được coi là những câu chuyện chồng chéo: Vụ bê bối Ukraine năm 2019, với mục đích làm mất uy tín của Joe Biden thông qua con trai ông ta, là nỗ lực nhằm thao túng cuộc bầu cử năm 2020 cũng chắc chắn như vụ bạo loạn ngày 6/1.

“The Washington Book’’ có nguy cơ là toàn bộ hợp tuyển của các bài báo đã xuất bản trước đó. Một số có vẻ hơi lỗi thời hoặc kém hấp dẫn hơn so với khi chúng ra mắt lần đầu. Giờ còn ai quan tâm đến “Người ẩn danh”, tác giả của bài báo đột phá nêu quan điểm chống Trump năm 2018 không? Chúng ta có thực sự cần phải đọc lại cả đống sách cay nghiệt tấn công Hillary Clinton hồi năm 2016 không?

“The Washington Book” đã không thuyết phục tôi đọc thêm loại sách Washington. Nhưng nó đã khuyến khích tôi đọc thêm Carlos Lozada và thấy biết ơn rằng, như người ta thường nói với ông, “Ông đọc những cuốn sách đó nên chúng tôi không cần phải đọc nữa!”

THE WASHINGTON BOOK: How to Read Politics and Politicians | By Carlos Lozada | Simon & Schuster | 390 pp. | $28.99

https://www.nytimes.com/2024/02/24/books/review/the-washington-book-carlos-lozada.html

Đoán sai thời điểm, một đế chế áo nịt ngực phá sản

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Trong cuốn “Selling Sexy” (“Bán sự gợi tình”), hai nhà báo kỳ cựu chuyên về thời trang tìm hiểu sự thất sủng của Victoria's Secret đã diễn ra như thế nào.


Thời kỳ đỉnh cao hồi thập kỷ 1990, buổi trình diễn thời trang Victoria's Secret là một sự kiện truyền hình vào khung giờ vàng quy tụ vô số ngôi sao.

Bạn có biết rằng chiếc áo lót hiện đại là một kỳ công kỹ thuật mềm ngang ngửa với trình độ của nhà thiết kế kiêm sáng chế Buckminster Fuller, nó đòi hỏi khoảng 30 đến 40 mảnh phụ kiện từ những nguồn cung cấp riêng rẽ, “bao gồm cả gọng áo và móc điều chỉnh dây đeo”?

Đây là một trong nhiều thực tế thú vị trong các trang sách của cuốn “Selling Sexy: Victoria’s Secret and the Unraveling of an American Icon” (“Bán sự gợi tình: Victoria’s Secret [Bí mật của Victoria] và bật mí về một biểu tượng của nước Mỹ”), một biên niên sử sống động, sắc bén của Lauren Sherman và Chantal Fernandez về đế chế bán lẻ toàn cầu được xây dựng trên những mảnh vải ren và tơ nhân tạo lãng mạn đáng yêu. Song nếu nói đây là một cuốn sách về áo nịt ngực thì có khác gì bảo “Citizen Kane” là một bộ phim về xe trượt tuyết – nghĩa là hoàn toàn chẳng phải.

Ngay cả người quan sát thờ ơ nhất thì lúc này cũng có thể biết rằng thương hiệu VS [Victoria’s Secret], một chàng Icarus trong lĩnh vực đồ lót, đã xuống dốc từ đỉnh cao của thời kỳ hoàng kim trong những thập kỷ 1990 và 2000. Loạt phim tài liệu ba phần “Victoria’s Secret: Angels and Demons” (“Victoria’s Secret: Những thiên thần và ác quỷ”) đã trở thành một bộ phim phát trực tuyến rất thành công trên Hulu hồi năm 2022, phần lớn bởi nó gây hồi hộp gay cấn khi khám phá mối quan hệ mờ ám giữa nhà tỷ phú chủ sở hữu và CEO của công ty là Les Wexner với nhà tài phiệt ô danh đã quá cố là Jeffrey Epstein.

Di sản gớm guốc của Epstein được đề cập một cách thích đáng trong “Selling Sexy”: Lần đầu tiên hắn xuất hiện một cách đểu cáng trên Page 4, nhưng tội ác của hắn chỉ là phụ trợ cho một câu chuyện tầm thường hơn về những kẻ đồi bại và những thất bại về chiến lược.

Và sự thật chả có gì mới lạ là rất hiếm doanh nghiệp tồn tại được lâu như doanh nghiệp này. Bán lẻ là một con quái vật luôn thay đổi như Sherman và Fernandez – cả hai đều là nhà biên niên sử lâu năm về ngành này – diễn đạt thẳng tuột trong phần mở đầu của họ: “Hầu hết các thương hiệu thời trang đều có thời hạn sáng tạo thành công từ 10 đến 15 năm trước khi bốc mùi nhàm chán, sự thổi phồng xẹp dần và người mua sắm chuyển sang thứ mới kế tiếp.”

Nếu bạn đang muốn biết, Victoria không hề có thật. Nhân vật này, và phong cách phóng túng sang chảnh kiểu Anh của nàng, là sự hư cấu được cặp vợ chồng ở San Francisco là Gaye và Roy Raymond dựng lên cuối thập kỷ 1970: đôi vợ chồng này mơ ước bán những loại đồ lót cho giới trưởng thành sành điệu, mà không gợi ra cái màu be phi giới tính kiểu công nghiệp của hầu hết những thứ bày bán ở cửa hàng bách hóa cũng như những thứ mỏng dính mang tính khiêu dâm của những quảng cáo in trên túi giấy màu nâu.

Cửa hàng đầu tiên của đôi vợ chồng này, tọa lạc ở Palo Alto, mô phỏng một chốn khuê phòng mờ ảo và thanh lịch, tràn ngập những chiếc áo nội tẩm bằng lụa mỏng như sa và những chiếc nịt tất ở mức giá xa xỉ. (Một món đồ đặc biệt trị giá 1.200 USD: một cặp kimono dành cho chàng-và-nàng được thiết kế bởi Eleanor, bà vợ nghệ sĩ của nhà đạo diễn phim ảnh Francis Ford Coppola.)

Đây là khái niệm mau chóng trở nên thịnh hành giữa những người có tư tưởng tự do giàu có ở Vùng Vịnh, và thậm chí còn trở thành một thứ mốt đình đám trên toàn quốc với sự ra đời của catalog đặt-hàng-qua-thư gợi tình theo cách trang nhã. Nhưng sự nhạy bén về kinh doanh của Roy Raymond không tương xứng với tham vọng sáng tạo của ông – câu chuyện về ông được lưu danh muôn thuở như một câu chuyện mang tính cảnh báo trong bộ phim tiểu sử về Facebook “The Social Network” (“Mạng xã hội”) năm 2010 – và rốt cuộc Les Wexner đã nhảy vào, mua lại công ty đang trầy trật này với giá 1 triệu USD (bằng quyền chọn cổ phiếu) hồi năm 1982.

Là ông vua ngành bán lẻ hầu như ôn tồn một cách dè dặt nguyên quán ở thành phố Dayton, bang Ohio, trước đó Wexner đã đạt được thành công với nhãn hàng The Limited – tiền thân của thời-trang-nhanh phong cách thoải mái – và ông ta hầu như đã không bỏ phí thời gian để mở rộng phạm vi bán lẻ của Victoria's Secret, đồng thời đánh đổi tầm nhìn tinh tế của Raymonds lấy thứ gì đó dễ tiếp cận và giả tạo hơn.

Như vậy, công ty đã từ một nguồn cung cấp ngách cho chỗ thân quen trở thành gã khổng lồ toàn cầu với những chiếc túi màu hồng-và-đen có mặt ở khắp nơi, những phòng trưng bày hào nhoáng và những siêu mẫu mang đôi cánh đã trở thành kim chỉ nam về tình dục và thương mại cho nhiều thế hệ các cô gái và phụ nữ trẻ.

Mục đích chính của “Selling Sexy” là kể lại chi tiết cuộc biến chuyển đó, việc kể lại này diễn tiến một cách có phương pháp, dù là hời hợt, thông qua sự thăng tiến không ngừng nghỉ cũng như sự xuống dốc nhanh chóng, hỗn loạn của công ty này. Thực tế nhiều nhà lãnh đạo mảng sáng tạo và chiến lược ở đó là phụ nữ, dù rằng những lãnh đạo cấp cao nhất vẫn là nam giới: Wexner và cấp phó trung thành lâu năm của ông ta là Ed Razek.

Wexner và Razek không phát biểu công khai ở đây, song rất nhiều phụ nữ trong số đó thì có, cùng với các nhân viên cũ và hiện tại cũng như nhiều người trong ngành. Những độc giả chỉ chăm chăm bới lông tìm vết của Epstein có thể vẫn thích chương trình truyền hình Hulu năm 2022, chương trình này có xu hướng nhanh hơn, lỏng lẻo hơn và gợi dục hơn. (Chắc chắn nó không đi kèm với 12 trang chú thích có phông chữ nhỏ.)

Thay vì thế, bằng lối văn xuôi chuyện phiếm mà chính xác, Sherman và Fernandez phát triển một câu chuyện pháp lý, có nguồn gốc rõ ràng thường thấy trên các trang chuyên đề kinh doanh của một tờ báo, mặc dù nó là câu chuyện làm rõ vai trò tiếp diễn mà chủ nghĩa phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và thành kiến về kích thước đang đóng trong quá trình suy sụp của công ty. (Ngoài những điều khác nữa, Wexner kiên quyết giữ vững triết lý “bán hy vọng, không bán sự giúp đỡ”, nghĩa là không một món đồ nào – những thứ dành cho thời kỳ thai sản, phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc kích cỡ cúp ngực lớn hơn DDD – có thể làm lu mờ ảo tưởng đó.)

Wexner có thể đã ra đi, nhưng ngay cả trong tình trạng bị sa sút, Victoria's Secret vẫn tiếp tục tồn tại. Một buổi trình diễn trên sàn runway được dự kiến ​​​​vào ngày 15/10, với dàn diễn viên đa thế hệ gồm các siêu mẫu là cựu sinh viên và khách mời âm nhạc, bao gồm cả nữ ca sĩ Cher, và công ty tiếp tục bán số lượng lớn áo nịt ngực và đồ lót. Dường như phụ nữ lúc này không còn mua giấc mơ đó nữa.

SELLING SEXY: Victoria’s Secret and the Unraveling of an American Icon | By Lauren Sherman and Chantal Fernandez | Holt | 320 pp. | $29.99

Misreading the Moment, a Bra Empire Goes Bust https://www.nytimes.com/2024/10/09/books/review/selling-sexy-lauren-sherman-chantal-fernandez.html

Thursday, October 24, 2024

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã vượt xa những ranh giới vốn đã bị xóa mờ của sự quảng cáo thổi phồng trên thị trường nghệ thuật và “tham gia một cách có chủ ý” vào một âm mưu lừa đảo, đã có lần bán cổ phần của một bức tranh lên đến 220% giá trị tác phẩm.

Cuốn hồi ký của một cựu thương nhân buôn bán những tác phẩm đắt giá nhất miêu tả một ngành hầu hết không bị quản lý, nơi sự chơi ngông của các đại gia thường đi đôi với thủ đoạn xảo quyệt và gian manh.

Chẳng ai thích thú với việc bị coi là kẻ ngu ngốc, nhưng trong số chúng ta có vô khối người thích thú với những câu chuyện về những kẻ lợi dụng lòng tin để thực hiện việc lừa đảo: bọn lừa đảo và bọn bịp bợm đồng lõa lập mưu với nhau để trở thành những kẻ vô cùng giàu có – đặc biệt nếu những câu chuyện đó cho chúng ta một kết cục thỏa mãn về một sự sụp đổ ngoạn mục.

Hồi tháng 10/2019, khi một thương nhân trẻ tuổi kinh doanh các tác phẩm mỹ thuật có cái tên rất kịch nghệ là Inigo Philbrick bị buộc tội lừa đảo hàng triệu đô-la của các nhà đầu tư, nhà sưu tập và người cho vay, gã đã trốn khỏi Miami đến đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương. Từ nơi đó, gã bắt đầu gửi tin nhắn và tài liệu cho Orlando Whitfield, bạn học cũ ở trường mỹ thuật, và cũng là đối tác kinh doanh một thời gian ngắn.

“Tôi không biết liệu mình có bị liên can đến những cáo buộc chống lại anh ta hay không,” Whitfield viết trong “All That Glitters” (“Những gì lóng lánh”), cuốn hồi ký thú vị về tình bạn kỳ lạ và ngoắt ngoéo của họ. Ngoài “mối quan tâm bè bạn”, Whitfield – người tự nhận trong tiểu sử là “một thương nhân mỹ thuật thất bại” – cũng thừa nhận cảm thấy hãnh diện khi một kẻ chạy trốn đã gửi tin nhắn trên Telegram cho mình từ “nơi ẩn náu trên đảo hoang của anh ta”. “Thật ly kỳ gay cấn,” Whitfield nhớ lại, “cứ như được mời vào hội kín vậy”.

Đó là thứ tình cảm có thể cũng diễn tả phần lớn mối quan hệ của họ qua năm tháng: Philbrick bảnh bao lịch lãm dẫn dắt Whitfield dễ bị ấn tượng vào những bí ẩn của thị trường mỹ thuật đương đại. Chí ít thì đó là cách Whitfield kể câu chuyện này – đa phần là thuyết phục, dẫu rằng bức chân dung tự họa tô đậm sắc màu vẽ anh ta như một kẻ Hồn nhiên Vô tội [Innocent Naïf] được cường điệu hơi quá mức. Whitfield biết rằng anh ta không thể khẳng định một cách đáng tin rằng anh ta hoàn toàn mù tịt về cách thức thị trường mỹ thuật vận hành ra sao. Cha anh ta là giám đốc điều hành của Christie’s, nhà đấu giá danh tiếng của Anh quốc; ngay sau khi gặp Philbrick, Whitfield đã có một kỳ thực tập mùa hè tại Christie's ở New York.

Song sự tinh thông thành thạo của người cha “về đồ nội thất cổ và đồ đồng thời Phục hưng” chẳng mang lại lợi thế nào cho “sự phi lý sến súa tầng tầng lớp lớp và chủ nghĩa tư bản muộn phù phiếm mà bối cảnh mỹ thuật quốc tế hiện nay đang thể hiện”, theo lời Whitfield. Anh ta đến Goldsmiths, ngôi trường ở London nổi tiếng với các chương trình nghệ thuật, với mong muốn thoát khỏi thế giới lỗi thời của “những Tarquin[1] mặc quần đỏ và những Camilla ở Home Counties có bộ ngực nở nang”. Khi gặp Philbrick lần đầu hồi năm 2007, Whitfield vẫn đang tìm hiểu về sở thích của chính mình. “Tôi hầu như chẳng biết cái tôi thích là gì,” anh ta viết trong khi hồi tưởng lại những bất an và bối rối thời đầu xanh tuổi trẻ của mình. “Tôi đã luôn khao khát sự tự tin mà Inigo dường như đã có sẵn.”

Philbrick tạo ra một vẻ ngoài thật hấp dẫn: một người Mỹ có quan hệ với những người quan trọng và quyền lực, có dòng dõi tổ tiên và sở hữu giọng nói vùng Trung Đại Tây Dương cho phép gã qua lại với giới nhà giàu ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Mẹ gã là một nghệ sĩ; cha gã là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Aldrich ở Connecticut. Philbrick và Whitfield nhanh chóng chuyển từ việc hít cocaine trên bìa một cuốn tiểu thuyết của Edward St. Aubyn sang môi giới các vụ giao dịch thông qua một hãng tồn tại không lâu mà họ đặt tên là I & O Fine Art.

Whitfield kể lại một cách tài tình những chiến công của họ khi di chuyển các tác phẩm nghệ thuật và tiền bạc vòng quanh thế giới, cũng như những nỗ lực rất ngớ ngẩn của họ để mua được một tác phẩm của Banksy. (Một tác phẩm được vẽ bằng khuôn giấy stencil trên một cánh cửa kim loại lem nhem; một tác phẩm khác trên tường của một cửa hàng xe scooter.) Thậm chí sau khi họ giải thể đại lý ủy quyền của mình, Philbrick vẫn thuê Whitfield làm việc tại một công ty kinh doanh tác phẩm nghệ thuật mua đi bán lại được thành lập bởi Jay Jopling, nhà sáng lập phòng trưng bày White Cube ở London.

“Tôi hoàn toàn không đủ trình độ,” Whitfield nói về công việc mà Philbrick thuê anh ta làm, công việc này đòi hỏi phải quản lý danh mục tác phẩm và các cuộc triển lãm. Nhưng Whitfield có thể bám trụ được khi kinh qua những tình huống cực kỳ căng thẳng. Một phân cảnh hấp dẫn cho thấy anh ta toát mồ hôi tại sân bay Heathrow, bộ âu phục của anh ta dính chặt vào một vết thương không đúng lúc trên ống chân. Anh ta được giao nhiệm vụ mang lậu một bức tranh của Lucien Freud trên chuyến bay đến New York (bức tranh không có giấy tờ chứng nhận) và buộc phải băng bó vết thương của mình dưới ánh mắt nghi ngờ của một sĩ quan cảnh sát rất to con.

Từ đầu đến cuối cuốn sách, Whitfield liên tục tỏ ý cho độc giả biết trước về “sự miễn cưỡng và nỗi lo âu” của anh ta, mặc dù anh ta đã tự mình mở phòng trưng bày của riêng mình cùng với một người bạn, mà biết chắc rằng sẽ chẳng cho Philbrick hay đến tận phút cuối. Chẳng mấy chốc Whitfield sẽ nói dối Philbrick và một bên khác để tạo điều kiện thuận lợi cho một vụ mua bán trị giá hàng trăm nghìn đô-la.

Song toàn bộ việc này đã trở nên quá mức đối với Whitfield, người không thể nhượng bộ những thỏa thuận miệng và sự lừa dối thường nhật khiến anh ta cảm thấy tròng trành như người đi biển, chao đảo từ vận may sắp đến tới sự phá sản lơ lửng trên đầu. Năm 2018, anh ta phải vào khoa tâm thần điều trị sau một cơn suy sụp tinh thần. Ở đó, khi đang vật lộn với việc cai thuốc Xanax, anh gặp một bệnh nhân tóc bạc, tình cờ lại là một “nghệ sĩ rất nổi tiếng”. Lắng nghe những điều phiền muộn trong thế giới mỹ thuật của Whitfield, nghệ sĩ ấy nói với anh ta – bằng câu nói hầu như khuôn sáo dành cho bản chuyển thể thành phim HBO hình như đang được sản xuất – “Hãy thoát ra khi cậu vẫn còn có thể”.

Ở một phương diện, “All That Glitters” là câu chuyện về cách thức hoạt động của một thị trường không bị quản lý. Gã Philbrick khôn ngoan lọc lõi, kẻ luôn có khả năng nắm bắt các cơ hội và phần thưởng, đã định vị được những điểm yếu trong hệ thống và nhấn lên đó một cách thích hợp. “Một số hành động của anh ta – lúc này bị nhiều người chỉ trích – là thói thường xưa nay vẫn thế, thậm chí còn được khuyến khích,” Whitfield nhận xét. Những gì thị trường mỹ thuật coi là “sự khôn ngoan cẩn trọng” thường có nghĩa là “cố tình tung hỏa mù hoặc hoàn toàn dối trá”. Song Philbrick cuối cùng đã thú nhận trước tòa rằng anh ta đã vượt xa những ranh giới vốn đã bị xóa mờ của sự quảng cáo thổi phồng trên thị trường nghệ thuật và “tham gia một cách có chủ ý” vào một âm mưu lừa đảo, đã có lần bán cổ phần của một bức tranh lên đến 220% giá trị tác phẩm – “điều đó dĩ nhiên có nghĩa là vẽ thêm vào đó 120% so với giá trị thực,” Whitfield lưu ý một cách châm biếm.

Về phần mình, Whitfield không thể chịu đựng được hiện tượng bong bóng của một thị trường mỹ thuật đã không còn có lý nữa. Sau khi ra viện, anh ta học nghề với một nhà bảo tồn và phục chế, thấy tĩnh tâm và thích thú khi xử lý những mảnh giấy bị ố vàng chỉ bằng tay không và cạo sạch phân côn trùng bằng dao mổ. Anh ta đã để lại trò phù thủy về tài chính cho những kẻ thích bày đặt ra những cách mới để “buôn bán những thứ trừu tượng trong nghệ thuật”.

Rốt cuộc, Whitfield đã biết cái mình thích là gì: “Tôi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật và chỉ ngắm nhìn thôi”.

[1]Có thể ám chỉ: Lucius Tarquinius Priscus, vị vua huyền thoại thứ năm của Rome (616–578 TCN) hoặc Lucius Tarquinius Superbus, vị vua huyền thoại thứ bảy và cuối cùng của Rome (534–510 TCN)

ALL THAT GLITTERS: A Tale of Friendship, Fraud, and Fine Art | By Orlando Whitfield | Pantheon | 323 pp. | $29

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.

Talent, Glamour, Money, Fraud: Welcome to the Art World https://www.nytimes.com/2024/08/07/books/review/all-that-glitters-orlando-whitfield.html

Saturday, October 19, 2024

Lướt qua kệ sách là niềm vui trong câu chuyện lịch sử về hiệu sách

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,

Chọn sách ở những kệ sách hư cấu tại Vroman’s, một hiệu sách lâu đời ở Pasadena, California.

“Người ta có cảm nhận về hiệu sách khác với cảm nhận của họ về cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng điện tử,” Evan Friss viết như vậy khi ca ngợi truyền thống bán lẻ đã bị Internet đè bẹp.

Chúng ta ai cũng biết về những nơi được gọi là “sa mạc lương thực”: những khu vực không thể tiếp cận được sản phẩm tươi sống, chỉ có một vài tiệm fastfood Taco Bell. Những “hoang mạc sách” thì ít khiến người ta quan ngại hơn.

Bây giờ có thể đi thăm nhiều địa điểm trong quốc gia dân chủ vĩ đại của chúng ta mà bất kỳ nơi đâu cũng không đến gần một hiệu sách nào. (Các thư viện công cộng vẫn đang kiên trì bám trụ ở đó – trong thời điểm hiện tại – mặc dù lớp người trẻ hơn không cưỡng lại được trải nghiệm thư viện bằng điện thoại thông minh.)

Lẽ dĩ nhiên, cùng với các đơn đặt hàng số lượng lớn cà phê Folgers và giấy vệ sinh Cottonelle, người ta có thể đặt thêm nhiều đầu sách thú vị để được giao hàng với giá rẻ – thậm chí chỉ ngày một ngày hai là nhận được! – từ cái thực thể trực tuyến đáng kinh ngạc này được đặt tên theo một con sông ở Nam Mỹ. Có lẽ bạn đã nghe đến tên nó. …

Hoàn toàn không thỏa đáng, Evan Friss – nhà sử học đồng thời là chồng của một cựu nhân viên bán hàng tại hiệu sách Three Lives ở Manhattan – khẳng định như vậy trong cuốn “The Bookshop” (“Hiệu sách”), một sự bảo vệ hăng hái cho danh mục bán lẻ quan trọng, khác biệt và bất chấp mọi thách thức này của Mỹ. (Trước cuốn này anh viết về xe đạp, một lợi ích cộng đồng khác cần được hỗ trợ nhiều hơn.)

Một cuốn sách viết về hiệu sách có nguy cơ trở thành một trò chơi chữ, giống như cuốn sách ảnh để trưng bày trên bàn cà phê của Kramer có nội dung về những chiếc bàn cà phê. Nó có vẻ như sự sắp đặt được đảm bảo từ trước với những chiếc túi vải có quai, những chiếc cốc sứ và các mặt hàng không thiết yếu khác mà các cửa hàng trữ sẵn để tăng tỷ suất lợi nhuận thường là ảm đạm của họ.

Thế nhưng đã có rất nhiều cuốn hồi ký hấp dẫn được viết bởi những người bán sách, gần đây nhất là hồi ký của Paul Yamazaki trưởng phòng mãi vụ hiệu sách huyền thoại City Lights ở San Francisco, và một cuốn khác của nhà bán sách cổ Marius Kociejowski. Người ta cũng không nên bỏ qua tác phẩm kinh điển ở dạng thư từ là cuốn 84, Charing Cross Road (“Số 84 Đường Charing Cross”) của Helene Hanff.

Không chỉ đơn giản vì những người dành nhiều thời gian bên văn chương chắc chắn sẽ hấp thụ được phần nào khả năng viết bằng sự thẩm thấu, mà còn vì nơi làm việc của họ – như nhà văn Christopher Morley vĩ đại đã được chuỗi cửa hàng bách hóa Marshall Field ở Chicago trả 300 USD để viết – là “những chốn nhiệm màu”, nơi cuộc sống có thể được thay đổi thông qua những cuộc gặp gỡ tình cờ của cả trang sách lẫn con người mà không cần thuật toán. (Marshall Field có gian hàng sách khổng lồ của riêng nó – “cái siêu thị sách đầu tiên,” như Friss viết – được điều hành trong thời gian rất dài bởi bà Marcella Burns Hahner nhỏ nhắn nhưng đáng gờm, nổi tiếng với biệt danh “Czarina” [“Hoàng hậu”] và là một nhân vật quan trọng trong ngành xuất bản Mỹ.)

Như Friss thừa nhận, hiệu sách là “nơi để đánh mất và tìm lại chính mình” và do đó thường là bối cảnh cho những bộ phim hài lãng mạn “sến súa và sáo mòn”. Fred Astaire đang âu yếm Audrey Hepburn trong phim “Funny Face” (“Khuôn mặt khôi hài”) khi họ cùng được xếp ngăn nắp trên kệ ở West Village. Hugh Grant, trong vai chủ hiệu sách có tên William Thacker, đang giúp Julia Roberts lướt qua những cuốn sách trong phim “Notting Hill”. Nữ nhân vật Sally của nhà văn kiêm nhà sản xuất phim Nora Ephron tình cờ gặp Harry tại một hiệu sách của Shakespeare & Co. ở Upper West Side (“ai đó đang nhìn chằm chằm vào cậu từ kệ sách Phát triển Cá nhân kìa!”). Và nổi tiếng nhất là bộ phim “You’ve Got Mail” (“Bạn có thư mới”) của Ephron, nó đã biến một chuỗi hiệu sách khổng lồ kiểu Barnes & Noble thành quỷ dữ. Ai đó nên bật đèn xanh cho tập tiếp theo về cảnh khách hàng bắt đầu cầu xin cứu lấy những hiệu sách Barnes & Noble tại địa phương của họ sau khi Jeff Bezos an cư lạc nghiệp với triều đại trường tồn của loại hộp carton cán sóng.

Chắc hẳn do chủ ý, cuốn sách của Friss được cấu trúc giống như cửa hiệu xịn nhất trong số những cửa hiệu văn chương như vậy: hơi lộn xộn một chút, với những chuyển hướng bất ngờ chỗ này chỗ kia. Anh xem xét một cách tán thành tường nhà của Books Are Magic trên Instagram, cửa hàng của tiểu thuyết gia Emma Straub ở khu phố Cobble Hill của Brooklyn, và ít tán thành hơn là mùi hương của sách [bibliosmia] được đóng chai bởi chuỗi hiệu sách Powell's, dấu ấn của Portland, Oregon.

Có những đoạn ngắn về những thứ hấp dẫn như WonTon, chú mèo tuxedo đã ngự trị trong một cửa hàng tại Richmond, Virginia, từng là nhân vật trong tiểu thuyết “Lake Success” của Gary Shteyngart. Những con mèo trong các hiệu sách, trong những ngày làn sóng chính trị đột ngột dâng cao này, có thể là cả một cuốn sách khác; “The Bookshop” nhất thiết phải là cuốn sách chọn lọc cẩn thận, và tôi đã tìm kiếm mà không thấy những con mèo như Bartleby, Mr. Eliot và Skimbleshanks – những nhân viên lười biếng của hiệu sách E. Shaver ở Savannah, Georgia.

Sự thất vọng khi không tìm được những thứ bạn yêu thích trong danh mục phong phú của anh, như Friss viết, nói lên tầm quan trọng của các cơ sở này: “Việc rất nhiều người có cảm nhận về hiệu sách khác với cảm nhận của họ về cửa hàng tạp hóa, cửa hàng điện tử hoặc bất kỳ cửa hàng nào khác là một phần của vấn đề đó”.

Một trong nhiều chức năng của hiệu sách mà Amazon không thể thực hiện được, kể từ khi các cửa hàng hữu hình của nó đóng cửa, là tổ chức một buổi họp mặt chính thức. Friss kể câu chuyện đằng sau bức ảnh nổi tiếng của một nhóm gồm hầu hết các nhà thơ trong một bữa tiệc ở hiệu sách Gotham Book Mart được nhiều người nhớ đến, với Gore Vidal chen vào và William Carlos Williams không được vào ảnh. (W.H. Auden, leo lên vị trí cao nhất, “là một trong vài người có vẻ vui thích”.) Và anh đã làm sống lại Burt Britton, một người Brooklyn có bộ râu kỳ cục và là một người không chắc đã quen giao tế, ông này từng làm việc ở tầng hầm của hiệu sách Strand và đã có bữa tiệc vui cuồng nhiệt nhớ đời của riêng mình sau khi ông đã thuyết phục được rất nhiều tác giả vẽ chân dung tự họa và biên soạn chúng thành sách.

Những người quảng bá cho chữ nghĩa bản thân họ không chỉ là những “nhân vật” đáng kinh ngạc mà đôi khi còn là những nhà cách mạng, bắt đầu từ Benjamin Franklin. Friss ghi lại cách các hiệu sách hiện đã đóng cửa như Drum & Spear ở Washington, D.C., đã hướng tới độc giả da đen và giới L.G.B.T.Q ra sao. Hiệu sách Oscar Wilde trên Phố Mercer từng là nơi tụ tập của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị tước quyền công dân. Anh cũng tái hiện lại những hang ổ của lòng thù hận như Hiệu sách Aryan ở Los Angeles. Giờ đây, những tư tưởng dù tốt hay xấu đều được giao đến cho khách hàng trong cùng một lớp giấy gói trơn một màu nâu.

Dẫu vậy, không thể đổ lỗi cho Amazon về sự sa sút chung trong nền văn chương Mỹ, cũng như về sự phát cuồng công nghệ ngày càng tăng. Friss chỉ ra rằng, nếu ngành kinh doanh sách là thứ đã tàn được phục hồi một cách kém ngoạn mục hơn một chút so với rạp hát, thì chí ít về tổng thể nó vẫn cơ động và nhanh nhẹn hơn, và đó là lý do để lạc quan. Từ Caravan Bookshop (Hiệu sách Lưu động) của Bertha Mahony năm 1920 – “chiếc xe tải có động cơ với hai tấm bạt căng rộng xòe ra như đôi cánh” – đến quầy sách ngoài đường VorteXity của Jen Fisher trên Đại lộ A, cuốn “The Bookshop” cân nhắc xem để thỏa mãn cơn đói kiến ​​thức cơ bản của con người đòi hỏi chi phí ít đến mức nào.

THE BOOKSHOP: A History of the American Bookstore | By Evan Friss | Viking | 416 pp. | $30

Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010.

Browsing Is a Pleasure in This History of the Bookstore https://www.nytimes.com/2024/08/04/books/review/the-bookshop-evan-friss.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...