Search This Blog

Thursday, October 10, 2024

Toàn cầu hóa và bất bình đẳng: Làn sóng mới

nguồn: The Economist,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Thật đáng ngạc nhiên khi nguyên nhân của sự bất bình đẳng vẫn ít được biết đến. Một nhà kinh tế người Mỹ gốc Serbia đã đề xuất một giả thuyết thú vị.

Đây là thời đại vàng để nghiên cứu sự bất bình đẳng. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp, đã thiết lập tiêu chuẩn từ năm 2014 khi cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông được xuất bản bằng tiếng Anh và bán rất chạy. Cuốn sách đã chỉ ra những đường nét chính về cuộc khủng hoảng bằng lý thuyết sâu rộng về lịch sử kinh tế. Ông cho rằng sự bất bình đẳng, vốn đã giảm trong khoảng những năm 1930 đến những năm 1970, đã tăng mạnh trở lại lên mức độ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp. Gần đây, Branko Milanovic, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thu nhập Luxembourg và trường Đại học Thành phố New York, đã viết một cuốn sách toàn diện tiếp nối vấn đề trên. Cuốn sách này củng cố thêm rằng chúng ta biết rất ít về các lực kinh tế trong thời gian dài.

Trên một số phương diện, cuốn "Bất bình đẳng toàn cầu" ít tham vọng
hơn cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21". Cuốn sách này ngắn hơn, và được viết như một bài nghiên cứu chứ không nặng về kiến thức uyên thâm chuyên sâu và phù hợp với đối tượng độc giả rộng hơn.

Giống như Piketty, tác giả Branko Milanovic bắt đầu với hàng chồng dữ liệu thu thập qua nhiều năm nghiên cứu. Ông xác định xu hướng của từng quốc gia khác nhau trong bối cảnh toàn cầu. Trong 30 năm qua, thu nhập của người lao động ở khoảng giữa thang phân phối thu nhập toàn cầu—chẳng hạn như công nhân tại công xưởng ở Trung Quốc—đã tăng mạnh, cũng như thu nhập của những người giàu nhất 1% (xem biểu đồ). Đồng thời, thu nhập của tầng lớp lao động trong các nền kinh tế phát triển đã chững lại. Động lực này đã giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều này cũng khiến sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu chững lại, và thậm chí có lẽ còn giảm xuống lần đầu tiên kể từ khi công nghiệp hóa bắt đầu.

Để giúp giải thích vấn đề này, tác giả Milanovic cung cấp cho người đọc rất nhiều mô hình trí tuệ sắc sảo. Ông cho hay, chẳng hạn, vào buổi bình minh của thời công nghiệp hóa, bất bình đẳng trong các quốc gia (hay bất bình đẳng do giai cấp) là nhân tố chính gây nên khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo. Sau công nghiệp hóa, bất bình đẳng giữa các quốc gia (hay bất bình đẳng do vị trí địa lý) trở nên hệ trọng hơn. Nhưng khi khoảng cách giữa các quốc gia hẹp lại, bất bình đẳng do giai cấp sẽ trở nên đáng ngại hơn khi hầu hết những khác biệt về thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ lại một lần nữa là do chênh lệch trong chính các quốc gia. Giữa phần thảo luận, tác giả thêm thắt những nhận xét lý thú, chẳng hạn như làm thế nào thu nhập và bất bình đẳng giảm trong thời Đế chế La Mã.

Đóng góp táo bạo nhất của tác giả Milanovic là về "làn sóng Kuznets" thay thế cho hai lý thuyết hiện hành khác về bất bình đẳng. Simon Kuznets, nhà kinh tế học thế kỷ 20, đã lập luận rằng bất bình đẳng thấp ở mức phát triển thấp, tăng lên trong thời công nghiệp hóa và giảm xuống khi các nước đạt đến mức phát triển kinh tế nhất định; bất bình đẳng cao là tác dụng phụ tạm thời của quá trình phát triển. Nhà kinh tế Piketty đưa ra giải thích khác: bất bình đẳng cao là trạng thái tự nhiên của nền kinh tế hiện đại. Chỉ có những sự kiện bất thường, như hai cuộc thế chiến và Đại suy thoái những năm 1930, mới làm gián đoạn cân bằng bình thường này.

Tác giả Milanovic cho rằng cả hai đều nhầm lẫn. Ông cho rằng: xuyên suốt lịch sử bất bình đẳng có xu hướng theo chu kỳ: Làn sóng Kuznets. Trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các làn sóng này bị chi phối bởi động lực Malthusian: bất bình đẳng sẽ tăng khi các quốc gia thịnh vượng và có thu nhập cao, sau đó sẽ giảm khi chiến tranh hay nạn đói kéo thu nhập trung bình trở lại mức chỉ vừa đủ sống. Cùng với công nghiệp hóa, các lực tạo ra sóng Kuznets cũng thay đổi: do công nghệ, sự cởi mở và chính sách (technology, openness, và policy viết tắt là TOP). Trong sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào thế kỷ 19, toàn cầu hóa và thay đổi chính sách đã cùng tăng cường lẫn nhau đem tới thay đổi kinh tế mạnh mẽ. Người lao động được chuyển từ trang trại sang nhà máy, thu nhập trung bình và bất bình đẳng tăng vọt và thế giới trở nên kết nối theo cách trước đây chưa từng thấy. Sau đó, nhiều lực tác động, một số tiêu cực (chiến tranh và biến động chính trị) và một số tích cực (giáo dục tăng lên) ép bất bình đẳng xuống mức thấp thời những năm 1970.

Kể từ đó, các nước giàu đã trải qua một đợt sóng Kuznets mới, do một kỷ nguyên thay đổi kinh tế khác thúc đẩy. Tiến bộ công nghệ và thương mại liên kết với nhau vắt kiệt người lao động, tác giả lập luận; công nghệ giá rẻ được thực hiện tại nước ngoài, làm suy yếu khả năng thương lượng trực tiếp của công nhân ở các nước giàu, và khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng thay thế con người bằng máy móc. Sức mạnh kinh tế của người lao động suy giảm kéo theo quyền lực chính trị bị mất do giới rất giàu sử dụng tài sản gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên và các cuộc bầu cử.

Phân tích này mang theo yếu tố dự báo. Tác giả Milanovic dự đoán rằng bất bình đẳng ở các nước giàu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Mỹ, trước khi bắt đầu giảm. Quan trọng hơn, ông cho rằng chiều hướng đi xuống của bất bình đẳng sau một đợt sóng Kuznets là kết quả tất yếu của thời kỳ gia tăng trước đó. Trong khi nhà kinh tế Piketty nhìn nhận các sự kiện lịch sử đầy sự bất bình đẳng đầu thế kỷ 20 là điều ngẫu nhiên, thì tác giả Milanovic lại tin rằng chúng là kết quả trực tiếp do bất bình đẳng tăng cao. Việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư nước ngoài gây nguy hại đến chủ nghĩa đế quốc và đã châm ngòi cho chiến tranh. Có sự tương đồng, tuy không hoàn toàn, với kinh tế hiện đại; các nền kinh tế giàu có dường như chững lại do giới siêu giàu đang gặp khó khăn tìm nơi đầu tư kiếm lợi cho khối tài sản lớn họ sở hữu.

Phân tích của tác giả Milanovic cho thấy một số khả năng xấu khi nhìn về tương lai. Nước Mỹ đang có khả năng rơi vào chế độ tài phiệt phi dân chủ, dựa trên tình trạng an ninh ngày càng mở rộng. Tại châu Âu cánh hữu ủng hộ người bản xứ đang gia tăng. Tin tốt là các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ tiếp tục con đường tiến tới mức thu nhập của các nước giàu—dù vậy, tác giả thừa nhận rằng điều đó không được đảm bảo, và có thể bị đe dọa bởi khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc hay ở các thị trường khác.

Kết luận của cuốn sách có thể khiến độc giả không mấy hài lòng. Lý thuyết về bất bình đẳng gia tăng cuối cùng sẽ dẫn đến những điều chỉnh xã hội bù lại nghe có vẻ đúng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. Khi nào thì chiến tranh, chứ không phải cách mạng, kết quả có thể có của bất bình đẳng, sẽ xảy ra? Liệu các chính phủ có bị động trong các chu kỳ, hay liệu họ có thể hành động trước để san bằng những con sóng và tránh khủng hoảng do bất bình đẳng tăng cao? Những đóng góp của tác giả Milanovic cuối cùng cũng giống như của tác giả Piketty. Các dữ liệu nhà kinh tế này đưa ra cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về những vấn đề kinh tế hóc búa, và lý thuyết táo bạo của ông đã phá bỏ những lý thuyết kinh tế chính thống nhàm chán. Nhưng bên cạnh việc làm sáng tỏ cơ chế của kinh tế toàn cầu, lý thuyết tổng quát này cũng cho thấy rõ mức độ thiếu hiểu biết hiện nay của chúng ta ra sao.

Những bộ óc chiết trung đằng sau sự chuyển mình của châu Á

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Trong vài năm qua, Bill Gross, giám đốc quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới và là một người nhạy bén thị trường, đã so sánh người Mỹ với Blanche DuBois, cô đào luống tuổi người miền nam trong phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng", khi cô nói rằng mình "luôn dựa vào lòng tốt của người lạ."

Ông Gross lo ngại rằng tương lai nền kinh tế của chúng ta cũng đang dần rơi vào tay những người xa lạ. Ông lưu ý rằng Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Các cường quốc châu Á — và, ở một mức độ thấp hơn là hàng xóm của họ như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore — đã cho phép chúng ta vung tay quá trán trong một thời gian bởi các quốc gia này đã tốt bụng mua lại núi nợ của chúng ta.

Sau đây chúng ta sẽ biết rõ thêm về các quốc gia này. Đã có thời chúng ta có thể tự mãn chỉ bảo cho họ về cách điều hành nền kinh tế như thế nào. Giờ đây các chủ nợ châu Á lại có thể sai bảo chúng ta.

Nếu bạn quan tâm đến câu chuyện châu Á đã trở thành một con hổ kinh
tế như thế nào, hãy tìm đọc cuốn “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth” ("Châu Á thần kỳ: Thiên sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của châu Á") (Collins Busines), câu chuyện sống động của tác giả Michael Schuman về sự chuyển đổi kinh tế của khu vực này trong hơn 60 năm qua. Tác giả Schuman có hiểu biết rất gần gũi với đề tài này. Ông là phóng viên kinh tế khu vực châu Á của tạp chí Time; trước đó, ông là phóng viên cho tờ The Wall Street Journal ở Hàn Quốc và Indonesia. Ông Schuman không chỉ là một phóng viên lành nghề — ông cũng là một nhà báo kể chuyện đầy tài năng.

Một số người cho rằng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của châu Á. Suy cho cùng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đều thấm đẫm văn hóa tự lực Nho giáo.

Cũng không nên xem nhẹ yếu tố chính trị. Chính phủ châu Á thường bảo vệ các công ty được ưu tiên tại nội địa để họ có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Độc giả có nhớ khi Lee Iacocca, giám đốc điều hành của Chrysler, nổi giận khi ông cho rằng mình không chỉ phải cạnh tranh với "ngài Honda và ngài Toyota", mà còn với cả bộ máy chính phủ Nhật Bản? Ông Iacocca có thể hơi phóng đại một chút nhằm gây chú ý, nhưng ông không hề hoang tưởng.

Tuy nhiên, tác giả Schuman cho rằng các nhà kinh tế đã bỏ qua yếu tố thứ ba trong sự thần kỳ kinh tế châu Á. Ông lý giải rằng kể từ năm 1950, khu vực này đã "may mắn" có được những chính trị gia vô cùng tài năng và những lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm thành công về mặt kinh tế.

Những chính trị gia và lãnh đạo ấy thật ra vốn rất khác nhau. Một số người là nhà độc tài như Park Chung Hee của Hàn Quốc và Suharto của Indonesia; một số khác thì xây dựng lại Chủ nghĩa Cộng sản như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc.

Ngoài ra, đã có những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc như Soichiro Honda của Nhật Bản, công ty sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên mở nhà máy ở Mỹ; Stan Shih của Đài Loan, người sáng lập công ty máy tính Acer; và Azim Premji của Ấn Độ, một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách đi tiên phong trong ngành công nghiệp gia công phần mềm.

Cuốn "Châu Á thần kỳ" sẽ được phát hành vào ngày 30 tháng 6, là câu chuyện về những đại gia Gatsby của châu Á và nhiều điều khác nữa. Và không phải tất cả họ đều là thánh nhân. Vài người trong số đó đã cho hoạt động những xưởng gia công bóc lột gây nhiều tranh cãi. Những người khác thì đàn áp đối thủ khác ý thức hệ. Nhưng, tác giả Schuman viết rằng, "tất cả họ đều chia sẻ mục tiêu chung là: đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, xây dựng quốc gia mới từ các thuộc địa bị phân tách, đưa châu Á vào đúng chỗ của mình trên trường quốc tế."

Tác giả Schuman khiến người đọc khó mà không ủng hộ hầu hết các cá nhân đáng chú ý ấy.

Ông kể lại bản thân mình đã kinh hãi thế nào khi lần đầu tiên ông đến thăm Ấn Độ vào năm 1991 và chứng kiến mọi người đánh răng trong dòng nước bẩn thỉu của sông Hằng. Giờ đây ông say sưa kể lại cách châu Á "những người vốn sẽ mãi ngập gối sâu trong cánh đồng lúa lầy lội, sống trong những túp lều tranh với chế độ ăn chỉ đủ qua ngày giờ đây làm việc trong những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép có điều hòa không khí, sống xa hoa trong những tòa cao ốc với tủ lạnh chất đầy đồ ăn và nhâm nhi những chén cà phê cappuccino Starbucks."

Nhưng sự thịnh vượng của châu Á đã khiến chúng ta phải trả giá, và cuốn sách không bàn đầy đủ về điều này. Tác giả Schuman cho rằng điều thần kỳ của châu Á cũng mang lại lợi ích cho người Mỹ. Ông chỉ ra rằng nhờ vào phép lạ ấy mà chúng ta có thể mua được quần jean giá rẻ tại Wal-Mart. Ông cho rằng hiện giờ chúng ta có quan hệ tốt với Trung Quốc do hai nền kinh tế đang thắt chặt với nhau.

Ông Gross lại đưa ra một luận điểm tinh tế hơn. Một số các quốc gia trong số đó đang bỏ vốn bù thâm hụt của chúng ta và cung cấp cho chúng ta rất nhiều hàng hóa sản xuất sang trọng giá rẻ. (Bạn nghĩ ai đang lắp ráp những chiếc iPhone cho Apple? Là người Trung Quốc, tất nhiên rồi).

Đúng vậy, là do chúng ta tự chuốc lấy. Nhưng giờ đây khi Mỹ đang gắn chặt với Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao chúng ta lại nghĩ họ sẽ đối xử nhẹ nhàng với chúng ta? Nếu các ông chủ châu Á đang sở hữu trái phiếu Mỹ bắt đầu bán các khoản nợ của chúng ta, thì tình hình nước Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Cuốn sách bỏ qua điều này.

Hãy nhớ rằng Blanche DuBois rõ ràng đã lao đầu vào rắc rối ở phần cuối phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng." Đó là điều sẽ xảy đến khi bạn dựa vào lòng tốt của người lạ. Hy vọng chúng ta sẽ không có số phận tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ cần điều thần kỳ của riêng mình để có thể tồn tại.

Lịch sử kinh tế Mỹ: Gia tốc

nguồn: The Economist, 

biên dịch: Quỳnh Anh,
   
Vì sao tăng trưởng kinh tế vọt lên ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20, và vì sao nó sẽ không sớm tăng trở lại.

Ngày 20 tháng 1, những người tự coi mình là tầng lớp thượng lưu của
thế giới sẽ tập trung ở thị trấn nghỉ mát Alpine tại Davos để chiêm ngưỡng "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", chủ đề được chọn bởi ông Klaus Schwab, người cầm trịch tại sân khấu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ lớn hơn hết thảy những gì thế giới đã chứng kiến trước đây, ông cho biết. Đây sẽ là một cơn sóng thần nếu so với những cơn gió trước đó. Và sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn. Nó sẽ liên thông nhiều hơn; thực chất, cuộc cách mạng sẽ diễn ra "bên trong một hệ sinh thái phức tạp". Cuộc cách mạng sẽ không chỉ thay đổi những việc con người làm mà còn thay đổi chính bản chất con người.

Bất kỳ ai thấy hứng thú với ý kiến này hãy đọc cuốn sách mới rất tuyệt vời của Robert Gordon. Là một nhà kinh tế học người Mỹ giảng dạy tại Đại học Northwestern, tác giả Gordon từ lâu đã nổi tiếng trong giới học thuật do thúc đẩy ba lập luận công kích vào niềm tin của đa số. Thứ nhất là cuộc cách mạng internet đã bị thổi phồng. Thứ hai là cách tốt nhất đánh giá mức độ thổi phồng là nhìn vào những thập kỷ sau cuộc nội chiến, khi nước Mỹ biến đổi nhờ các phát minh như xe có động cơ và điện. Thứ ba là thời hoàng kim của sự tăng trưởng Mỹ có thể đã qua.

Trong cuốn “The Rise and Fall of American Growth” ("Sự thăng trầm của tăng trưởng kinh tế ở nước Mỹ"), tác giả Gordon hướng tới độc giả bình dân—và ông viết với phong cách tự tin đặc biêt, củng cố các lập luận của mình bằng nhiều ví dụ sinh động cũng như các dữ liệu kinh tế lượng, trong khi vẫn thận trọng về tác động của thay đổi kinh tế đối người dân Mỹ bình thường. Ngay cả khi lịch sử đổi hướng, và thuyết thăng-trầm của ông Gordon có vẻ sai, cuốn sách này vẫn sẽ tồn tại như một sự tái hiện tuyệt vời về đời sống vật chất ở Mỹ trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Các cuộc cách mạng công nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đã thay đổi thế giới. Không thể nhận ra cuộc sống của người Mỹ thời kỳ trước đó. Ý niệm của họ về tốc độ được xác định bằng ngựa. Nhịp điệu hằng ngày được quyết định bằng chuyển động của mặt trời. Nhiệm vụ cơ bản nhất hằng ngày—lấy nước để tắm hoặc giặt quần áo—là công việc chân tay vô cùng vất vả. Như tác giả Gordon cho thấy, một loạt các cuộc cách mạng đã thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Phát minh ra điện mang lại ánh sáng cho buổi tối. Phát minh ra điện thoại đã giết chết khoảng cách. Việc phát minh ra điều General Electric gọi là "đầy tớ chạy bằng điện" đã giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng việc nhà. Tốc độ thay đổi cũng rất đáng chú ý. Trong khoảng 30 năm từ năm 1870 đến năm 1900, các công ty đường sắt xây thêm 20 dặm đường mỗi ngày. Bước sang thế kỷ mới, Sears Roebuck, công ty đặt hàng qua thư thành lập năm 1893, hoàn thành 100.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ cuốn ca-ta-lô dày 1.162 trang. Giá xe giảm mạnh 63% từ năm 1912 đến năm 1930, trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ sở hữu một chiếc xe tăng từ 2% đến 89,8%.

Mỹ nhanh chóng đi trước phần còn lại của thế giới trong hầu hết tất cả các công nghệ mới—như tốc độ của một đầu máy so với tốc độ như ốc sên của châu Âu, theo lời Andrew Carnegie. Năm 1900, người Mỹ có số điện thoại trên đầu người gấp bốn lần người Anh, gấp sáu lần so với người Đức và 20 lần so với người Pháp. Chỉ riêng thành phố Chicago của Mỹ có tới gần một phần sáu lưu lượng giao thông đường sắt toàn thế giới đi qua. Ba mươi năm sau người Mỹ sở hữu hơn 78% xe ôtô toàn thế giới. Cho đến năm 1948 người Pháp mới tiếp cận được xe ôtô và điện như người Mỹ đã có từ năm 1912.

Cuộc Đại suy thoái đã một phần làm chậm đà nước Mỹ. Nhưng khu vực tư nhân tiếp tục đổi mới. Theo một số tính toán, những năm 1930 là thập kỷ có năng suất cao nhất về số lượng phát minh và sáng chế được cấp tương ứng với kích cỡ của nền kinh tế. Chính phủ Franklin Roosevelt đầu tư vào năng lực sản xuất bằng Cơ quan phát triển kinh tế khu vực Thung lũng Tennessee và đập Hoover.

Thế chiến II đã chứng minh sức mạnh đáng kinh ngạc của cỗ máy sản xuất nước Mỹ. Sau năm 1945, Mỹ củng cố tính ưu việt toàn cầu của mình thông qua việc xây dựng một trật tự thế giới mới, với Kế hoạch Marshall và các định chế Bretton Woods, và đổ tiền vào giáo dục đại học. Những năm 1950 và 1960 là thời kỳ vàng son thịnh vượng đến mức ngay cả những người chỉ học xong trung học cũng có thể có một công việc ổn định, một ngôi nhà ở ngoại ô và chế độ hưu trí an toàn.

Nhưng giọng văn của tác giả Gordon ảm đạm dần khi đi vào những năm 1970. Bất ổn kinh tế gia tăng khi các công ty nổi tiếng của Mỹ bàng hoàng trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, và giá nhiên liệu tăng do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng giá dầu. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng do nhóm người giàu vượt xa phần còn lại. Năng suất tăng trưởng đã giảm: từng đạt bình quân 2,82% mỗi năm từ năm 1920 đến năm 1970, sản lượng mỗi giờ giữa năm 1970 và năm 2014 tăng với tỷ lệ hàng năm không quá 1,62%. Nước Mỹ ngày nay phải đối mặt với những cơn gió ngược rất mạnh mẽ: dân số lão hóa, chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng cao, gia tăng bất bình đẳng và tệ nạn xã hội.

Liệu có cơ hội nào để đất nước khôi phục động lực đã mất? Tác giả Gordon không có thời gian cho những người tin vào thế giới công nghệ không tưởng với ý nghĩ rằng cuộc cách mạng thông tin sẽ cứu rỗi nước Mỹ khỏi "sự trì trệ kinh niên". Thái độ của ông với cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) cũng tương tự như của Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm, người nổi tiếng với câu nói: "Chúng ta muốn xe bay được nhưng thay vào đó chúng ta có 140 ký tự." Nước Mỹ đã thu hoạch hết thành quả của cuộc cách mạng CNTT. Tốc độ tăng trưởng tăng lên mỗi năm trong thập kỷ sau năm 1994, nhưng đà tăng không kéo dài được bao lâu và đã giảm trở lại kể từ đó.

Hiện nay tác giả Gordon cho rằng định luật Moore đang bắt đầu lu mờ dần và nền kinh tế mới đang trở thành ảo ảnh. Có thể hiểu được khi Gordon không mấy để ý đến những người kiểu Davos vốn không hiểu gì về lịch sử: ngay từ đầu xe không người lái sẽ chẳng thể thay đổi thế giới là bao so với phát minh xe hơi. Chắc chắn Gordon cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn bất thường trong tương lai.

Tuy nhiên, tác giả đi quá xa khi xem thường cuộc cách mạng CNTT hiện nay. Nửa đầu cuốn sách rất xuất sắc, nửa sau có thể hơi gây thất vọng. Tác giả Gordon xem nhẹ khả năng CNTT thay đổi cuộc sống của con người và ông không nói nhiều về mức độ trí thông minh nhân tạo sẽ củng cố điều này. Ông cũng không chấp nhận mức độ mà, nhờ công nghệ in 3D và kết nối internet mọi vật, cuộc cách mạng thông tin đang lan rộng từ thế giới ảo đến thế giới vật chất thực. Tác giả Gordon có thể đúng khi cho rằng cuộc cách mạng CNTT sẽ không khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như nước Mỹ từng chứng kiến. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng chắc chắn ông đã sai khi đánh giá thấp mức độ cuộc cách mạng đang làm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Làn sóng toàn cầu hóa thứ ba có lẽ là làn sóng dữ dội nhất

nguồn: The Economist, 

biên dịch: Quỳnh Anh,

Sailing from Dublin Port. Photo courtesy William Murphy.

Kinh tế toàn cầu trong quá khứ và tương lai: Trước tiên là tự do trao đổi hàng hóa, sau đó sẽ đến tự do trao đổi thông tin. Nhưng đà này có thể sẽ dừng lại ở việc tự do trao đổi con người.

Bill Clinton từng gọi toàn cầu hóa là "lực đẩy kinh tế tương đương với lực
tự nhiên, giống như gió và nước". Nó thúc đẩy các quốc gia chuyên môn hóa và trao đổi, khiến các quốc gia giàu có hơn, và thế giới nhỏ hơn. Trong cuốn "The Great Convergence" ("Cuộc hội tụ vĩ đại"), Richard Baldwin, nhà kinh tế học tại Geneva, cho biết thêm một chi tiết quan trọng: như gió và nước, toàn cầu hóa rất mạnh mẽ, nhưng có thể có tính chất hay thay đổi hoặc thậm chí là phá hoại. Trừ khi những khái niệm được yêu thích bắt kịp với thực tế, nếu không các chính trị gia sẽ bị thúc đẩy thực hiện nhiều sai lầm nghiêm trọng.

Trong thế giới mơ ước của một nhà kinh tế học, hàng hóa, thông tin và con người sẽ tự do di chuyển qua mọi biên giới. Thực tế khó khăn phức tạp hơn nhiều, và mọi thứ đều ít tính di động hơn—đến mức tổ tiên loài người bị mắc kẹt trong các nền kinh tế làng xã. Các hạn chế về thương mại đã từng bó buộc cả tiêu thụ và sản xuất, hạn chế cả hai phát triển.

Lý thuyết tổng quát của tác giả Baldwin về toàn cầu hoá là một loạt hành động tháo dỡ những bó buộc, được thúc đẩy dần dần do chi phí vận chuyển hàng hóa và thông tin từ nơi này sang nơi khác giảm. Từ việc thuần hóa lạc đà khoảng 1.000 năm trước Công nguyên cho đến động cơ hơi nước thương mại đầu tiên vào năm 1712, làn sóng lớn đầu tiên của toàn cầu hóa đã cởi trói cho sản xuất và tiêu thụ. Từ năm 1820, giá cả ở Anh đã được điều chỉnh theo nhu cầu quốc tế, và thực khách ngồi quán nước có thể nhâm nhi trà Trung Quốc pha bằng đường Jamaica.

Mặc dù vận chuyển hàng hóa đã trở nên rẻ hơn, cho đến cuối thế kỷ 20 việc trao đổi thông tin vẫn rất đắt đỏ. Tác giả Baldwin muốn các độc giả trên 50 tuổi nhớ lại những cuộc gọi quốc tế giá 5 USD một phút, hoặc giá gửi chỉ một tài liệu bằng chuyển phát qua đêm là 50 USD. Điều này đã khuyến khích các ngành công nghiệp tụ thành cụm. Các trung tâm về hoạt động kinh tế nổi lên tại các quốc gia hiện giờ chúng ta biết đến với cái tên G7. Trong hình thức toàn cầu hóa này, các nhóm có thông tin và nhân công của quốc gia đấu tranh giành thị phần, và qua quá trình đó trở nên giàu có. Tác giả Baldwin đưa ra so sánh tương tự như hai đội thể thao trao đổi cầu thủ để cải thiện khả năng thi đấu của họ.

Nhưng từ những năm 1990, toàn cầu hóa đã thay đổi hoàn toàn, bởi internet đã loại bỏ chi phí trao đổi thông tin, và thúc đẩy quá trình tháo dỡ bó buộc thứ hai. Hiện nay phối hợp sản xuất quốc tế đã rẻ hơn, nhanh hơn và an toàn hơn, các chuỗi cung ứng đã vượt qua khỏi biên giới và vươn ra toàn thế giới. Một nhà sản xuất máy bay tại Canada có thể điều hành một nhóm các kỹ sư Mexico. Apple có thể kết hợp thiết kế của Mỹ với dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc. Với các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi, ngành thương mại hiện đã không còn trong phạm vi quốc gia.

Tốc độ thay đổi và các công ty giàu có trên thế giới cùng khả năng mới dễ dàng thuê gia công đã loại bỏ các ranh giới cũ xung quanh điều đã biết và tạo ra một cảnh quan thương mại mới đáng lo ngại hơn. Có thời, công nhân nhà máy dệt ở Nam Carolina có độc quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ. Mặc dù có vẻ như họ thua trong cạnh tranh với công nhân Mexico, nhưng chính xác hơn là họ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm hơn: Công nhân Mexico đã làm việc hiệu quả hơn bằng bí quyết làm việc của Mỹ.

Tiếp tục bằng lối ví von về thể thao, tác giả Baldwin kể rằng thương mại ngày nay cũng giống như các huấn luyện viên của một đội bóng hàng đầu được phép cung cấp dịch vụ của mình cho các đội yếu hơn. Huấn luyện viên làm giàu từ thị trường nay lớn gấp đôi đối với dịch vụ của mình, trong khi đội mạnh hơn nhận được ngạc nhiên bất ngờ từ đối thủ cạnh tranh mới có kỹ năng tốt. Tác giả cho rằng bất mãn với toàn cầu hóa bắt nguồn một phần từ "ý thức mơ hồ rằng đây không phải là sân chơi cho các đội tuyển quốc gia".

Hành động xoa dịu cử tri bằng cách tăng thuế là cách giải quyết vấn đề toàn cầu hóa của thế kỷ 21 bằng các công cụ vốn thích hợp hơn cho thế kỷ 20 (hoặc thậm chí là thế kỷ 19). Với thế giới mới của các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đánh thuế bảo hộ chẳng khác nào dựng một bức tường ở giữa nhà máy. Các chính sách thế kỷ 21 mà tác giả Baldwin đề xuất bao gồm việc thiết lập quy tắc và tiêu chuẩn chung nhằm đảm bảo các công ty cảm thấy an toàn rằng các chuỗi cung ứng của họ sẽ hoạt động. Đây là mục tiêu của các giao dịch thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hoặc tư cách thành viên của Vương quốc Anh trong liên minh hải quan của Liên minh châu Âu—hiện đều đang bị đe dọa. Nhưng ông không nói nhiều về vấn đề làm thế nào để làm hài lòng các cử tri bất mãn, để giữ một vài hỗ trợ cho người lao động chứ không giữ việc làm, và một lời kêu gọi mơ hồ về chia sẻ lợi ích giữa người thắng và kẻ thua.

Tác giả Baldwin đầy hy vọng về chính trị của toàn cầu hóa. Viễn cảnh màu hồng của ông về tương lai hình dung rằng toàn cầu hóa sẽ tháo bỏ được mối ràng buộc thứ ba, bởi lao động hiện giờ đã có tính di động nhờ có robot cho phép người ta cung cấp dịch vụ từ xa. Trong một thế giới khác, có lẽ vậy. Lời nói dí dỏm trong kết luận của ông, được viết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chứa sức nặng bất ngờ. "Ngay cả tương lai cũng không phải tương lai của ngày xưa."

'Nước Đức năm 1923': Khi nền dân chủ ngăn chặn chủ nghĩa phát xít

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,


Trong cuốn sách mới nhất, nhà sử học người Đức Volker Ullrich mô tả một đất nước bị vùi dập bởi nghèo đói, siêu lạm phát và chủ nghĩa cực đoan chính trị, nhưng — trong một khoảng thời gian — ngăn chặn được sự trỗi dậy của Hitler.

Cuộc nổi dậy thất bại. Chế độ chính trị ngăn được— ít nhất là trong một khoảng thời gian. Tháng 11 năm 1923, khi ấy kẻ mị dân trẻ tuổi có tên Adolf Hitler cố gắng khởi động cách mạng Đức Quốc xã từ một quán bia ở Munich, nỗ lực đảo chính của ông ta vô tổ chức đến độ nhanh chóng biến thành hỗn loạn tai hại. Một người tham gia về sau kể lại hoạt động này là trò hề đến mức anh ta thì thầm với những người khác là, “Hãy cứ chơi cùng vở hài kịch này đi.”

Thay vì chiếm được quyền kiểm soát, Hitler lại bị trật khớp vai và phải ngồi tù một thời gian ngắn. Nhưng trong cuốn “Germany 1923”, nhà sử học Volker Ullrich nhắc nhở chúng ta những diễn biến lộn xộn trong sự kiện gọi là Đảo chính quán bia “cực kỳ nghiêm trọng.” Một thập kỷ sau, Hitler được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức, và Cộng hòa Weimar — nền dân chủ thử nghiệm đầu tiên của đất nước — sẽ chấm dứt. Tháng 11 năm 1933, bài báo trên tờ The Times mô tả cuộc tụ họp ăn mừng của Đức Quốc xã: “Các nhà lãnh đạo hân hoan ở Munich trước sự hồi sinh của Phong trào 'bị giết' ở đó 10 năm trước — Vui mừng vì Steins."

Ullrich là tác giả của cuốn tiểu sử hai tập xuất sắc viết về Hitler. Trong cuốn “Eight Days in May” (‘Tám ngày tháng 5’, xuất bản năm 2021), tác giả viết về khoảng thời gian một tuần giữa thời điểm Hitler tự sát và Đức đầu hàng vô điều kiện. “Germany 1923,” được Jefferson Chase dịch sang tiếng Anh rõ ràng súc tích, kể lại một “năm then chốt” bắt đầu trong khủng hoảng và kết thúc, bất chấp mọi khó khăn, ở mức độ ổn định. Như nhà sử học Mark William Jones viết trong “1923”, cuốn sách kỷ niệm trăm năm khác được xuất bản mùa hè này, thì một trăm năm trước “dân chủ đã chiến thắng.”

Đó là một năm bắt đầu không mấy suôn sẻ, với sự kiện Pháp và Bỉ tiến vào khu vực công nghiệp Thung lũng Ruhr của Đức sau khi Đức không trả được tiền bồi thường chiến tranh cho Thế chiến I. Tình trạng chiếm đóng này khơi dậy khoảnh khắc hòa hợp giữa cánh tả và cánh hữu, từng có nhà công nghiệp nhận xét “Tất cả đang bắt đầu đoàn kết với nhau trong nỗi đau khổ và căm hờn chung.” Nhưng “làn sóng đoàn kết của người Đức” ấy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi. Thủ tướng Đức vào thời điểm đó đáp lại sự chiếm đóng bằng chính sách “phản kháng thụ động”, khuyến khích người Đức ở Thung lũng Ruhr không làm việc và in thêm tiền để trả lương cho họ khi các doanh nghiệp đóng cửa.

Nước Đức trước đó đã in tiền để trang trải cho cuộc thế chiến nước này không thể giành chiến thắng. Nhưng năm 1923 là thời điểm siêu lạm phát dường như cực kỳ nghiêm trọng khó kiểm soát. Tác giả Ullrich tận dụng có chủ đích ghi chép nhật ký của nhiều người để truyền tải những trải nghiệm đầy hoang mang của nhân dân khi giá cả tăng không phải theo ngày mà theo từng giờ. “Vấn đề tiền tệ ngày càng đen tối và không thể hiểu nổi,” nhà ngữ văn học và chuyên viết nhật ký Victor Klemperer viết vào tháng 2 năm 1923, trong tháng ấy tỷ giá hối đoái đạt mức kinh ngạc là 42.240 mác đổi một đô la. Đến tháng 6, con số này tăng gần gấp ba lần lên tới 114.250. Với mỗi số 0 thêm vào, một rào chắn tâm lý lại đổ vỡ. “Đồng mác đột ngột lao dốc,” nhà văn Stefan Zweig sau này nhớ lại, “không dừng lại cho đến khi đạt tới những con số điên rồ đến độ kinh ngạc, hàng triệu, hàng tỷ và hàng nghìn tỷ.”

Sunday, October 6, 2024

Nhiệm kỳ đầu tiên của Joe Biden và huyễn tưởng phim 'West Wing (Cánh Tây)' của nền Chính trị Mỹ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,


Trong cuốn “The Last Politician (Chính trị gia cuối cùng)”, tác giả Franklin Foer kể lại nửa đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden theo cách trình bày như loạt khoảnh khắc trên truyền hình nhằm truyền cảm hứng cho những người còn nghi ngờ và xoa dịu những người chỉ trích.

Lịch sử về chính quyền Biden sẽ được viết ra sao: là bước ngoặt nước Mỹ bắt đầu hồi phục hay là khoảng gián đoạn giữa những thời điểm bế tắc và khó khăn? Cuốn “The Last Politician” của Franklin Foer, kể về hai năm đầu cầm quyền của Biden, là bản nháp đầu tiên cho câu trả lời. Cuốn sách đầy kịch tính. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng. Vấn đề là, từ lễ nhậm chức ảm đạm của Biden đến kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chúng ta đã biết trước câu chuyện sẽ thế nào.

Tác giả Foer, cây bút của tờ The Atlantic, khơi lại những thời điểm được nhắc tới trong những tiêu đề quen thuộc với nhiều câu trích dẫn mới mà các cố vấn và thành viên nội các kể cho ông chủ yếu về bối cảnh đằng sau, nhưng cần có người viết hiểu biết về những diễn biến khó diễn tả của lịch sử hơn tác giả Foer mới truyền tải được thật thuyết phục cơn lốc xoáy khi đó đã nhấn chìm chính quyền Biden. Trừ khi, như đôi khi tác giả dường như muốn ám chỉ, cảm giác có dàn dựng theo lối mòn mà cuốn sách của ông thể hiện là sự thật về chính quyền hiện tại.

Theo tác giả Foer, Biden rất thích “địa vị Nhà lãnh đạo của Thế giới tự do”. Ông đã chờ đợi đằng đẵng cả cuộc đời dài để có được cơ hội này. Một trong những khách mời tiết lộ nhiều hơn trong cuốn sách kể chuyện Phòng Bầu dục đã thực sự được sắp xếp lại để tạo sân khấu cho câu chuyện tổng thống của Biden. Bức chân dung khổng lồ Franklin Roosevelt giờ đây chiếm “vị trí danh dự” phía trên lò sưởi văn phòng. Nếu Trump làm tổng thống theo phong cách công ty đấu vật giải trí, thì mọi người sẽ có cảm giác thư ký và trợ lý của chính quyền Biden đang sống trong phiên bản làm lại của bộ phim “The West Wing (Cánh Tây)”.

Trong bối cảnh được sắp xếp kỹ càng này, ít nhất là theo lời kể của Foer, các sự kiện bên ngoài xen vào như những tập phim được giải quyết gọn gàng. Ở Trung Đông, “Bibi” trả đũa các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas bằng cách tấn công Gaza và phá hủy một tòa nhà cao tầng là nơi đặt văn phòng của các nhà báo thuộc Al Jazeera và Associated Press. Trong vài ngày căng thẳng, Biden bằng năng lực cá nhân đã thành công xoa dịu người Israel. “Này, chúng ta chệch hướng rồi,” Biden nói với Bibi qua điện thoại. Kết quả là một lệnh ngừng bắn được cam kết. Vấn đề thực tế về tương lai của Palestine hầu như không được tính đến.

Sau đó là việc Nga đổ bộ vào Ukraine. Tác giả Foer nhận xét có phần rụt rè, khi Volodymyr Zelensky nhậm chức năm 2019, Biden có lẽ hiểu rõ bối cảnh chính trị Ukraine hơn là vị tổng thống mới của nước này, một kẻ nghiệp dư chính trị. Ngay từ đầu cuộc xung đột, Biden không muốn bị lôi kéo vào Thế chiến III và ông không ngại truyền đạt như vậy cho Zelensky. Tuy nhiên, với tác giả Foer, chiến lược chung không phải chủ đề chính. Điều quan trọng là thái độ thiếu biết ơn của Zelensky khi được tặng món quà đạn dược vũ khí và cách “Joe từ Scranton” khiến Kyiv phải nói lời cảm ơn nước Mỹ qua một dòng tweet.

Những ‘Chiếc túi’ này không chỉ nhét kẹo cao su và những đồng xu lẻ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách rất phong cách “Intimate History of How We Keep Things Close” (Chi tiết về lịch sử cách thức chúng ta giữ đồ đạc sát mình), tác giả Hannah Carlson mở ra những quy luật đằng sau vấn đề ai có đặc quyền được giấu đồ của bản thân, và giấu ở đâu.

Bài điểm sách nghiên cứu văn hóa của Hannah Carlson về những chiếc túi bị trì hoãn khá lâu. Vì sao ư? Người điểm sách của bạn lại… làm mất chìa khóa rồi. À không, chìa khóa không được gắn AirTag.

Trước khi xác định được vị trí của chùm chìa khóa leng keng nhỏ bé này, vốn bị nhét vào ngăn bên cạnh chiếc lồng gia đình tôi từng dùng để vận chuyển mèo khi nhận nuôi hai chú mèo con nghịch ngợm, tôi cứ đoan chắc chìa khóa bị rơi ở bãi đậu xe của trung tâm cứu trợ động vật, cách hai giờ đi xe ra ngoại ô, và tôi rất lo lắng nghĩ phương cách thuyết phục các nhân viên cực kỳ bận rộn giúp tôi tìm lại.

Nhưng một người bạn có cô vợ luôn đánh mất đồ trấn an tôi chìa khóa nhất định sẽ được tìm thấy ở gần nhà tôi mà thôi. “Thường ở trong túi quần áo,” anh ấy nói với vẻ bình tĩnh tự nhiên của một người mặc quần áo chưa từng thiếu túi. Nói cách khác, một người đàn ông.

“Chiếc túi phân biệt giới tính” là nguyên lý trung tâm trong tác phẩm của Carlson, dù chủ đề này nghe có vẻ tầm thường như trò giễu nhại, như vở nhạc kịch về những chiếc ghế đẩu trong kiệt tác năm 1996 của Christopher Guest “Waiting for Guffman” (Chờ đợi Guffman). Hệt như phong bì và ống nghiệm, giá trị của những chiếc túi được xác định bằng không gian trống bên trong. Thiếu đi những món đồ, chúng chỉ còn là tiềm năng: một chiếc túi để trang trí, khá nhất thì cũng đẹp, còn tệ nhất thì gây khó chịu vô cùng. Những chiếc túi đang chờ đợi những món đồ.

Tác giả Carlson, giảng viên về lịch sử trang phục tại Trường Thiết kế Rhode Island, tỉ mỉ theo dõi quá trình những chiếc túi quần áo là — và ở mức độ nào đó vẫn vậy — một nghi thức trong văn hóa phương Tây dành cho riêng con trai. “Con bé có ĐỒ VẬT CẦN CẤT GIỮ, như mấy viên đá và siêu nhân Power Rangers,” tác giả trích lời một bà mẹ cầu xin các nhà sản xuất quần áo trong một dòng tweet lan truyền nhanh chóng về khuyết điểm trong trang phục của con gái cô. “Con bé đành phải bỏ đồ vào áo mình.”

Trong ít nhất 100 năm, nhiều tạp chí, tiểu thuyết và hội họa Mỹ mô tả với thái độ kinh ngạc trìu mến về những món đồ kỳ quặc các chàng trai trẻ có thể nhét vào trong túi quần mình theo cách của Tom Sawyer, từ những chiếc còi và con dao, đến viên bi và nắp chai, hoặc còn có thể là một con chuột hoặc con rùa còn sống. Nhưng không được cho bàn tay vào túi quần, các nhà chức trách la mắng, vì như thế sẽ để tay quá gần bộ phận sinh dục — dù rằng cử chỉ đó rốt cuộc lại trở thành biểu hiện “thái độ ngông và ngoài vòng pháp luật thật ngầu.”

Tôi lập tức nghĩ ngay đến James Dean và chiếc quần bò của anh ấy! Điều đó không nằm trong những trang sách này, trí tuệ và sâu sắc hơn nhiều so với những chuyên khảo thời trang thông thường bạn gặp; cũng không có thành viên của Hiệp hội Kẹo mút trong “The Wizard of Oz”, nhét ngón tay cái vào túi chiếc quần ống tiện dụng sau khi nhóm bạn nhảy nữ, Liên đoàn Bài hát ru, quay vòng trong chiếc váy xòe thanh tú.

Walt Whitman có ở đây, đảo lộn và chế giễu những người thời Victoria cứng nhắc với bức chân dung mang tính cách mạng trên trang bìa cho “Leaves of Grass (Lá Cỏ)”, tay đút túi một cách đầy thách thức. Robinson Crusoe của Daniel Defoe cũng vậy, bơi trong bộ quần áo nhồi đầy bánh quy. Không giống như chuột túi cái, phụ nữ (và các công dân hạng hai khác trong lịch sử) luôn gặp khó khăn hơn trong việc giữ túi đựng đồ gần sát người. Emily Dickinson là một trong số ít người tranh luận thắng người thợ may quần áo của mình để có được ngăn đựng bút chì và giấy. Cô ấy “có phòng riêng — và một chiếc túi đáng tin cậy,” Carlson viết.

Những sửa đổi trang phục như vậy rất hiếm ở Mỹ, ở nơi này hình dáng nữ tính trở nên bất khả xâm phạm đến mức ngay cả áo khoác của Quân đoàn Nữ trong Thế chiến II cũng không có đủ ngăn đựng đồ. “Có phải chỉ một bao thuốc lá cũng có khả năng làm hỏng hình dáng bộ ngực, khiến nó trông gồ ghề biến dạng, một dạng ẩn dụ cho nỗi sợ hãi lớn nhất của quân nhân — rằng sau khi gia nhập quân đội, phụ nữ sẽ không còn được coi là phụ nữ nữa?” tác giả đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, chỉ một chút sửa đổi nhỏ thêm chiếc túi có thể tượng trưng cho sự tự do theo nghĩa đúng nhất. Tác giả kể về những nô lệ bỏ trốn may quần áo của mình theo cách giảm nguy cơ bị bắt lại: thêm “không gian tiện dụng hữu ích trong di chuyển đồng thời biến đổi căn bản một bộ đồ nô lệ tầm thường — áo khoác không túi — thành trang phục đáng trọng, hợp thời hơn.”

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...