Search This Blog

Monday, August 19, 2024

Dân Mỹ đang rất tức giận vì điều gì vậy?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong “The Age of Grievance” (“Thời đại Bất bình”), nhà văn viết cho chuyên mục quan điểm của tờ New York Times là Frank Bruni ghi lại quá trình cả dân tộc rơi vào tình trạng liên tục oán thán.

Trong khi thừa nhận nhiều người có những phàn nàn ​​chính đáng, Frank Bruni miêu tả nước Mỹ đương đại trong cuốn “The Age of Grievance” đang bị tiêu hao bởi sự oán hận cay độc ở cả hai điểm cực của phổ chính trị, khiến các cực của nó ngày càng phân liệt hơn và tưởng thưởng cho sự cường điệu, cay cú, gay gắt và tự thương thân trách phận.

Tôi thì tôi đổ lỗi một cách bản năng cho phe cánh tả về nền văn hóa đã bão hòa những mối bất bình của chúng ta. Nền chính trị bản sắc hiển nhiên đã đẩy các nhóm đến chỗ chống lại nhau, và “sự phân biệt đối xử liên tầng” đã tạo dựng một hệ thống tôn ti nghiêm ngặt cho những ai có thể tuyên bố rằng mình có quyền yêu sách nhiều hơn về việc đã bị đối xử sai trái. Thế nhưng Bruni lại dứt khoát trao giải thưởng có tính bỡn cợt về sự bất bình đó cho phe cánh hữu. Thực tế là cả tác giả lẫn người viết bài đánh giá này đều cảm thấy buộc phải coi căn bệnh tâm trí ấy như một cuộc cạnh tranh và phải lập tức chọn phe trong trò chơi đổ lỗi đó chỉ giúp minh họa vấn đề mà Bruni cố gắng phân tích.

Cuốn sách của ông hay nhất khi nó công bằng nhất, thể hiện một nỗi tuyệt vọng không-phe-phái. Có vô khối tội lỗi đủ để thỏa mãn mọi người, và việc đầu độc nền chính trị quốc gia bằng sự ghê tởm và thái độ đố kỵ với nhau không nhất thiết phải là một cuộc tranh giành. Đối với mọi phe phái, giới tính, chủng tộc, khuynh hướng tình dục hay giai cấp: “Họ cảm thấy bị lừa dối. Họ cảm thấy không được tôn trọng. Nếu họ không nổi trận lôi đình thì họ cũng cáu kỉnh.” Những người bị đối xử bất công ở cả hai bên “đã mất – hoặc không còn hứng thú với – khả năng nhìn xa hơn những gì họ coi thường để thấy được lợi ích chung trong những thứ mà họ không đạt được tất cả những gì họ muốn. Những người đã trưởng thành được cho là phải có khả năng nhượng bộ như thế. Nhưng thời đại chúng ta là một thời đại mà đại đa số còn chưa trưởng thành.”

Bruni nhận xét “những gì phe cánh tả cảm thấy và những gì phe cánh hữu cảm thấy giống hệt như nhau: bị áp bức. Ở đó có sự ngăn nắp trái ngược với hình ảnh phản chiếu, sự nhân nhượng lẫn nhau thô thiển, thậm chí là sự cộng sinh kỳ quặc.” Ông chỉ trích các chính trị gia kích động quần chúng ở cả hai phe vì chẳng đạt được gì ngoài sự ồn ào hơn: “Họ đánh đổi sự chuyển động lấy bạo động. … Họ là tác nhân gây ngưng trệ trong lực cản cách mạng.” Ông thậm chí còn cho rằng những đảng viên Cộng hòa giận dữ hơn bao giờ hết có thể đã nghe theo gợi ý từ thành công của sự phẫn nộ quá mức đối với phe cánh tả.

Tuy nhiên, do Bruni đã công khai quan điểm chính trị của mình từ nhiều năm nay nên việc ông đóng vai người phân xử trung lập – có lẽ đúng hơn phải là từ “trọng tài” – có vẻ giống như một mưu mẹo. “The Age of Grievance” có giọng điệu ôn hòa rất hấp dẫn, trên thực tế nó mang giọng cầu khẩn tích cực nhưng cũng thiên vị phe phái không che giấu. Cuốn sách nhằm vào những người được gọi là người theo chủ nghĩa tự do cổ điển, những người tin rằng phe cánh tả tiến bộ đôi khi đi quá xa, nhưng mối nguy hiểm thực sự đối với sự hưng thịnh của quốc gia lại xuất phát từ phe cánh hữu của Trump.


Thế rồi Bruni bắt đầu với những bản tin xuyên tạc (còn được gọi là tin rởm) trên Fox News về việc những kệ hàng sữa bột trẻ em được chuyển hướng gửi cho những người nhập cư bất hợp pháp; những lời cáo buộc lố bịch của ứng cử viên Thượng viện lúc bấy giờ là J.D. Vance rằng biên giới phía nam hổng hểnh của Tổng thống Biden là một âm mưu có chủ ý nhằm nhập khẩu fentanyl và bằng cách đó triệt tiêu sự đối lập của Đảng Cộng hòa; và vụ bạo loạn ngày 6/1 [năm 2021]. Mặc dù Trump là hình mẫu tối thượng của Nguyên lý Peter, nhưng ông ta đã tự miêu tả mình như nạn nhân tột cùng: “Ông ta là hiện thân của sự oán hận, là mối bất bình trở thành tổng thống.” Chương mở đầu chỉ trích sự thù oán của Josh Hawley và Tucker Carlson, nhưng chỉ thọc vào sự tự thán của Hollywood và Meghan Markle như một lời giải thích muộn màng.

Thế nhưng Bruni hầu như không cho phe cảnh tả quyền tự tung tự tác. Ông chế giễu nỗi ám ảnh vì những hành vi phân biệt đối xử có vẻ nhỏ nhặt “đã không thấy được sự hài hước và điều vô tình bộc lộ trong tiền tố của từ ngữ mới sáng chế ra đó”, sự thanh lọc rất câu nệ đạo đức của ngôn ngữ và sự mẫn cảm thái quá xung quanh vấn đề chủng tộc. Về việc xứ này bị coi là thờ ơ với vụ Nga giam giữ nữ cầu thủ bóng rổ Brittney Griner, ông trích dẫn dòng tiêu đề đầy phẫn nộ trên HuffPost: “Mỹ căm ghét các nữ vận động viên da đen”, mặc dù chính quyền Biden đã đổi một tay buôn vũ khí người Nga đã bị kết án để cầu thủ bóng rổ này được trả tự do.

“Nếu chúng ta không thể liên kết với những người không giống chúng ta,” Bruni tuyên bố với những người theo chủ nghĩa bản sắc [identitarians], “nếu sự đồng cảm là ảo tưởng và việc cố gắng tập hợp nó là xúc phạm, nếu chúng ta là một mớ hổ lốn đầy bất bình thù địch chứ không phải là một đội ngũ thống nhất đầy khát vọng thì làm sao mà thịnh vượng được và làm sao mà tồn tại được?”

Vậy nhưng trong khi vụ bạo loạn Ngày 6/1 xuất hiện từ đầu đến cuối cuốn sách, một chương về bạo lực chính trị lại rõ ràng là bỏ qua lễ hội bất bình kéo dài hơn kia: những cuộc biểu tình Black Lives Matter theo sau vụ sát hại George Floyd. Các cuộc biểu tình đó kéo dài hàng tháng ròng, và mặc dù đại đa số diễn ra trong hòa bình, tại hơn 200 địa điểm chúng đã gây ra thiệt hại lớn về tài sản và dẫn đến thương vong. Sự chọn lọc của Bruni thể hiện sự thờ ơ kỳ cục trong bản chất tự nhiên của ông.

Việc ông tập trung chú ý vào nỗi bất bình, “cái nằm ở hợp lưu của tính bi quan và tính ái kỷ,” rất hữu ích vì nó nhắc tất cả chúng ta – nói theo cách chơi chữ – nhớ xem lại đặc quyền của mình. Trong khi dòng người đổ vào có thể chọc giận phe cánh hữu, ở một đất nước đáng mơ ước đến nỗi người ngoại quốc đang tràn qua biên giới của chúng ta, thì tất cả chúng ta lại đang tức giận nỗi gì?

Bruni vẫn luôn là một giọng nói xoa dịu của lý trí, và thật đáng tiếc là những người cực đoan rất cần được dỗ dành để quay trở lại mục đích chung lại là những người ít khả năng đã đọc sách của ông nhất, trong khi độc giả của ông sẽ là những người đã đồng quan điểm với ông. Đáng buồn là, như thường thấy trong các cuốn sách viết về những gì khiến chúng ta đau khổ, phần yếu kém nhất, ít thỏa mãn nhất lại cho ta phương thuốc chữa lành: sự khiêm tốn.

By Lionel Shriver

Lionel Shriver’s new novel, “Mania,” was published earlier this month.

THE AGE OF GRIEVANCE | By Frank Bruni | Avid Reader Press | 269 pp. | $28

https://www.nytimes.com/2024/04/29/books/review/age-of-grievance-frank-bruni.html

Học cách nghe những gì người chết cần nói

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Still Life With Bones” (“Tĩnh vật với xương cốt”), Alexa Hagerty kể lại quá trình chị được đào tạo về khoa học khai quật pháp y tại các ngôi mộ tập thể ở Guatemala và Argentina – và công việc đó có ý nghĩa thế nào đối với gia đình các nạn nhân.

Thật trùng hợp một cách đáng buồn là tôi đang ở Santiago, Chile khi đọc cuốn “Still Life With Bones” của Alexa Hagerty. Đây là thành phố nơi nhiều bạn bè của tôi đã biến mất trong suốt 17 năm chế độ độc tài của tướng Augusto Pinochet. Một số thi thể của họ vẫn không thể được tìm thấy, nhưng những thi thể khác, nhờ khoa học pháp y mà Hagerty khám phá chi tiết trong cuốn sách rất xúc động của chị, đã được xác định danh tính và hoàn trả cho gia đình. Là nhà nhân chủng học người Mỹ, mặc dù Hagerty chú trọng vào Guatemala và Argentina, nơi chị đã trải qua hàng tháng trời được các nhóm pháp y đào tạo, song những câu chuyện chị kể – nỗi đau thương đó, cuộc tìm kiếm công lý đó của những người thân, việc rơi vào vòng xoáy của bạo lực diệt chủng và khủng bố đó – hỡi ôi, đều quá quen thuộc.

Điều ít quen thuộc hơn là tính mới mẻ trong cách tiếp cận chủ đề của Hagerty, cách chị để cho độc giả đồng hành cùng chị trong cuộc hành trình và tìm hiểu, cùng với chị, ý nghĩa của việc khai quật những người đã chết đó và khiến họ từ bên kia thế giới lên tiếng về một ngôi mộ tập thể mà họ bị ném vào, mà người ta cho rằng sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy, không bao giờ được bàn tay con người chạm vào nữa.

Thế nhưng, đôi bàn tay rất con người của Hagerty sẽ chạm vào những người đã chết đó và xương cốt của họ. Đôi tay đó sẽ đào sâu vào lòng đất, chúng sẽ run rẩy vì đau thương và phấn khích khi bất chợt chạm vào một vật gì đó cứng rắn mà có thể thuộc về một người đàn ông, một phụ nữ hay một đứa trẻ, họ sẽ dùng bàn chải đánh răng cẩn thận chải sạch bụi bẩn và phóng thích một cái xương đùi hoặc một hộp sọ, họ sẽ chuyển mảnh xương đó đến phòng thí nghiệm và ghép nó với những mảnh khác, họ sẽ đăng ký phát hiện đó bằng những con số để DNA của nó có thể khớp với nhau và, rất có thể, sẽ được trả về cho một gia đình đã chờ đợi hàng thập kỷ để nhận một mẩu xương về chôn cất, một nghi lễ phải được tổ chức, một vật tượng trưng cho sự khép lại.

Mỗi mẩu xương xuất hiện đều gắn liền với một câu chuyện: một bé gái được xác định danh tính vì con chó của em được chôn theo em; một người tận mắt chứng kiến vụ thảm sát gia đình mình mà lời khai bị một quan chức quan liêu bác bỏ vì anh ta không biết chữ; một người cha trở về với con gái mình trong nhiều tháng trời, từng mảnh xương một; một người phụ nữ có người chồng xuất hiện trong một giấc mơ để nói với chị rằng anh ấy được chôn gần một con mương, và rồi anh được phát hiện trong một con mương thật; một người mẹ khi nhận được hài cốt của con trai mình thì bắt đầu “hôn tất cả xương cốt của con, chạm vào con và vuốt ve con”.


Những đôi tay khác đã đến trước đôi tay của Hagerty. Các nhà khoa học pháp y – những người thầy và bạn bè của chị – đã rà soát các địa điểm chôn cất tập thể trong nhiều năm, trong tình trạng tài chính thiếu hụt và bị đe dọa bởi những thủ phạm vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các chuyên gia này dạy chị cách diễn giải những gì họ tìm lại được từ những hầm hố, giếng và cánh đồng: “Mịn màng, thô ráp, rỗ, ở dạng hạt, sạn, lởm chởm, có gờ, gợn sóng, có rãnh, sắc nhọn, có nếp gấp, cong – hình dạng và kết cấu của xương mang thông điệp cho những người có thể đọc chúng. Nghệ thuật sờ nắn theo kiểu pháp y được mài giũa qua nhiều năm thực hành”.

Những câu chuyện về những người khai quật quá khứ này được kể một cách rất hấp dẫn trong “Still Life With Bones”, cùng với câu chuyện về những người sẵn sàng – bất chấp bị đe dọa giết và bị dọa dẫm – thách thức những thế lực đã bắt cóc và sát hại người thân của họ. Hagerty hiểu rằng xương cốt của những người chết vì bạo lực đó không thì thầm hay hát vào tai chúng ta trừ phi những người sống không ngừng đấu tranh chống lại sự lãng quên, chống lại sự miễn trừng phạt tội ác cho những bàn tay loại khác cũng nhan nhản trong cuốn sách của chị. Những bàn tay bóp cò, ném các hài nhi vào tường và bóp nát hộp sọ của các bé, những bàn tay châm điện vào bộ phận sinh dục và đốt cháy da thịt, những bàn tay ném những thân thể xuống biển, những thân thể bị đánh thuốc mê nhưng vẫn còn sống. Độc giả được mời gọi khảo sát lịch sử của các chế độ đàn áp đã thực hiện những hành động tàn bạo hàng loạt như vậy: 200.000 người bị tàn sát trong Vụ Bạo lực [La Violencia] ở Guatemala, có tới 30.000 người mất tích [desaparecido] trong cuộc “Chiến tranh Bẩn” của Argentina, một cuộc chiến tranh hủy diệt được thực hiện với sự đồng lõa của Mỹ.

Trong suốt quá trình sàng lọc những câu chuyện về những người đã khuất và gia đình họ, về các nhà hoạt động và những kẻ thủ ác, cũng như về lịch sử kinh hoàng của những đất nước này, Hagerty ngày càng nhận thức rõ hơn rằng người ta không thể dấn thân vào xứ sở của những người đã chết mà không phải mạo hiểm. Cái ác mà chị phải đối mặt đã xói mòn niềm tin của chị vào nhân tính và khiến chị phát ốm. Nhân chủng học dường như không thể mang lại trạng thái cân bằng cho chị khi chị thăm dò bí mật của các nạn nhân. Thay vào đó, chị phải đương đầu với hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, những suy ngẫm lãng mạn đan xen với những ám chỉ đến thần thoại Hy Lạp và Freud, đến Hannah Arendt, Roland Barthes và Borges.

Với một dàn những chủ đề và viễn cảnh như vậy, Hagerty sáng suốt lựa chọn cách tháo gỡ manh mối cho cuộc phiêu lưu của mình bằng những miêu tả ngắn gọn mang tính trực giác. Ngoài lợi ích là có thể giải phóng tiếng nói của mình để du hành xuôi ngược thời gian và không gian, câu chuyện kể của chị, bị đứt đoạn như thế, tái hiện lại trải nghiệm đau buồn, bị phân tán khắp nơi của chính những xương cốt đó, và những cuộc sống bị gián đoạn của những người sống sót. Nhưng chiến lược như thế cũng có thể khiến chị kết thúc một số phân đoạn với kịch tính và những ẩn dụ nhiều hơn mức cần thiết: “Một ngôi mộ tập thể là một vụ nổ triệu-tấn của sự đau buồn. Một hố va chạm của sự mất mát.”

Những khoảnh khắc này không làm giảm đi sức mạnh của cuốn sách đầy ám ảnh và thu hút này. Điều đọng lại khi tôi đọc xong cuốn sách tại thành phố Santiago khi tôi thương tiếc những người thân của tôi đã mất mà không thể tìm lại được là những lời an ủi cuối cùng của chị: “Những người đã chết ấy thì thầm với tôi rằng điều đó có thể thay đổi. Những vụ thảm sát, những nhà tù bí mật và những ngôi mộ bị che giấu, tất cả nỗi khiếp sợ và sự mất mát đó. Một thế giới khác là điều khả thể.”

Ariel Dorfman is the author of “Death and the Maiden” and “Voices From the Other Side of Death,” and the forthcoming novel “The Suicide Museum.”

STILL LIFE WITH BONES: Genocide, Forensics, and What Remains | By Alexa Hagerty | 300 pp. | Crown | $28

https://www.nytimes.com/2023/03/16/books/review/still-life-with-bones-alexa-hagerty.html

Sunday, August 18, 2024

Đã xảy ra điều gì khi Thuyền trưởng Cook nổi khùng?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “The Wide Wide Sea” (“Mênh mông biển cả”), Hampton Sides cho ta bức tranh đầy đủ hơn về chuyến hải hành cuối cùng của nhà thám hiểm người Anh đến những hải đảo trên Thái Bình Dương.

Tháng 1.1779, khi nhà thám hiểm James Cook người Anh cho thuyền bơi vào một vịnh do núi lửa tạo thành được người dân Hawaii gọi là “Lối đi của Thần linh”, ông trông thấy hàng ngàn người có vẻ như đang đợi ông trên bờ. Khi ông cập bến, mọi người phủ phục xuống đất và hô vang “Lono”, là tên một vị thần Hawaii. Cook ngạc nhiên bối rối.

Cứ như thể nhà hàng hải từ châu Âu này “bước vào một kịch bản cổ điển của hoạt cảnh mang tính vũ trụ mà ông không hay biết gì về nó”, Hampton Sides viết trong “The Wide Wide Sea”, câu chuyện lịch sử có tiết tấu nhanh, hấp dẫn và sinh động về chuyến hải hành vòng quanh địa cầu lần thứ ba và cũng là lần cuối của Cook.

Như Sides miêu tả về cuộc chạm trán bất thình lình này, Cook tình cờ đến đó trong thời gian diễn ra một lễ hội tôn vinh thần Lono, ông bơi thuyền quanh hòn đảo theo chiều kim đồng hồ là điều mà vị thần này ưa thích, việc này có lẽ khiến ông bị nhận nhầm là vị thần kia.

Là tác giả của một số cuốn sách về chiến tranh và thám hiểm, bản thân Sides đã dàn dựng hoạt cảnh mang tính biểu tượng về chuyến hải hành cuối cùng của Cook, ông tìm thấy trong đó “câu chuyện phức tạp về mặt đạo đức để lại rất nhiều điều để những tri giác hiện đại làm sáng tỏ và phê bình”, bao gồm cả “những mầm mống lịch sử” của các cuộc tranh luận về “thuyết Âu tâm luận”, “nam tính độc hại” và “chiếm dụng văn hóa”.

Hai chuyến thám hiểm địa cầu trước đó của Cook tập trung vào các mục tiêu khoa học – đầu tiên là để quan sát đường đi của Sao Kim băng qua Thái Bình Dương và sau đó là để chắc chắn không có thêm lục địa nào ở giữa đại dương này. Tuy nhiên, chuyến hải hành cuối cùng của ông có mối liên quan mật thiết với chủ nghĩa thực dân: Trong chuyến thám hiểm thứ hai của nhà thám hiểm này, một thanh niên người Polynesia tên Mai đã thuyết phục vị thuyền trưởng trên một trong những con tàu của Cook đưa anh ta đến London với hy vọng kiếm súng ống để giết những kẻ thù của anh ta trên các hải đảo Thái Bình Dương.

Vài năm sau đó, vua George III ủy thác cho Cook đưa Mai trở lại Polynesia trên đường tìm kiếm tuyến đường thông Bắc Cực nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Mai mang theo một lô cây cối và bầy vật nuôi được nhà vua ban tặng, ngài hy vọng rằng Mai sẽ biến những hòn đảo bản địa thành những nơi mô phỏng vùng nông thôn nước Anh.


“The Wide Wide Sea” không hẳn là một câu chuyện về “lần tiếp xúc đầu tiên” mà đúng hơn là câu chuyện về Cook có tính đến hệ quả của những gì ông và những người khác gây ra khi mở rộng bản đồ quyền lực của châu Âu. Quay lại những vùng trong những chuyến hải hành trước đây trong lúc chở Mai đi, Cook buộc phải đối mặt với sự thật rằng ảnh hưởng của ông đối với các nhóm mà ông giúp “đi khám phá” nhìn chung không phải là tích cực. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục do các thủy thủ của ông đem về trong những chuyến thám hiểm trước đó đã lây lan rộng. Một số nhóm dân bản địa từng chào đón ông trở thành những người mặc cả mặc lẽ keo cú chi li, dường như chỉ quan tâm đến người châu Âu vì súng ống và đồ trang sức rẻ tiền.

Sides viết rằng Cook “tự xem mình là nhà thám hiểm kiêm nhà khoa học”, người “cố gắng noi theo đạo lý quan sát khách quan bắt nguồn từ thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Khoa học” và là người có “những miêu tả về người bản địa rất khoan dung và thường là khá đồng cảm” theo “tiêu chuẩn của thời đại mà ông đang sống”.

Ở Hawaii, ông đi vòng quanh hòn đảo này với nỗ lực vô ích để giữ cho thủy thủ đoàn của ông không lên bờ, tìm nhân tình và làm lây lan thêm bệnh lậu. Và bất chấp thực tế là tàu của ông đang chở Mai và những khẩu súng của anh này quay trở lại Thái Bình Dương, Cook vẫn nghĩ rằng nhìn chung tránh được “những cuộc tranh cãi chính trị” giữa các nền văn minh mà ông tình cờ đụng phải thì hay hơn.

Song những hành động của Cook trong chuyến hải hành cuối cùng này đã làm dấy lên những nghi ngờ về việc ông giữ vững nguyên tắc quan sát khách quan. Ông trả đũa vụ trộm một con dê bằng cách phái các thủy thủ của mình trong cơn cuồng nộ phá phách nhiều ngày đốt cháy cả ngôi làng để buộc họ trả lại nó. Những người của ông e rằng “khả năng phán đoán – và cả sự điềm tĩnh đã đi vào huyền thoại – của vị thuyền trưởng của họ đã bắt đầu chùn nhụt, nao núng”, Sides viết. Khi chuyến hải hành tiếp tục, Cook trở nên hào phóng đến mức kinh ngạc về việc sử dụng roi đòn kỷ luật đối với thủy thủ đoàn của mình.

“The Wide Wide Sea” miêu tả sự suy biến đạo đức của Cook như một điều bí ẩn. Sides trích dẫn lập luận của các nhà sử học khác cho rằng những căn bệnh thể chất kéo dài – một nhà sử học cho rằng ông đã nhiễm một loại ký sinh trùng từ một con cá ươn nào đó – có thể đã khiến tâm trạng của Cook trở nên u ám. Nhưng những ghi chép hằng ngày và nhật ký hải trình của ông, những thứ đã dành hàng trăm ngàn từ cho dữ liệu đại dương, lại chẳng giúp được là mấy trong việc làm sáng tỏ bí ẩn đó. “Trong tất cả những trang đó, chúng ta hiếm khi nhìn thấy dù chỉ là thoáng qua cái thế giới cảm xúc của Cook,” Sides lưu ý trong lúc miêu tả nhà thám hiểm này là “một nhà chuyên môn, một cyborg [nửa người nửa máy], một cái máy điều hướng”.

Những khoảng trống trong hành trình nội tâm của Cook nổi bật lên nhờ công việc đáng kinh ngạc mà Sides đã làm khi ông miêu tả rất sinh động hành trình thực tế của Cook. New Zealand, Tahiti, Kamchatka, Hawaii và London trở nên sống động với những miêu tả như-thể-bạn-đang-ở-đó về những cơn gió bão, những tảng băng trôi như muốn đè bẹp và khói súng, những cảnh ấn tượng về cuộc thám hiểm và sức chịu đựng đã khiến những câu chuyện này như thôi miên khi chúng xuất hiện lần đầu. Câu chuyện then chốt ra mắt sớm nhất về chuyến thám hiểm Thái Bình Dương đầu tiên của Cook là một trong những ấn phẩm nổi tiếng nhất của thế kỷ 18.

Song Sides không chỉ quan tâm đến việc kể lại một câu chuyện phiêu lưu. Ông còn muốn trình bày nó dưới góc nhìn của thế kỷ 21. “The Wide Wide Sea” hoàn toàn phù hợp với một thể loại đang phát triển bao gồm cuốn “The Wager” (“Con tàu Wager”) của David Grann và “River of the Gods” (“Dòng sông của các vị thần”) của Candice Millard, trong đó những chuyến thám hiểm nổi tiếng, từng có thời được kể lại như những câu chuyện phiêu lưu ly kỳ hấp dẫn, đang được tái hiện trong lịch sử bi thảm về chủ nghĩa thực dân. Sides thêu dệt những câu chuyện lịch sử truyền miệng để cho thấy người dân Hawaii và các nhóm dân bản địa khác nhìn nhận thế nào về Cook, và cố gắng làm sống lại nền văn hóa Polynesia cổ đại cũng hệt như đế quốc Anh.

Thế nhưng, những dị bản mới hiện đại như thế cũng buộc chúng ta phải đặt câu hỏi rằng chúng thực sự khác biệt như thế nào so với những bản có trước, đặc biệt nếu phần lớn sức hấp dẫn của chúng nằm chính xác ở những hành động táo bạo y như vậy đã mê hoặc các khán giả hồi trước. Các phần của “The Wide Wide Sea” chắc chắn lặp lại cách kể chuyện của các câu chuyện thêu dệt trước đó, dù rằng Sides tự phê bình chúng một cách đầy chủ ý. Cũng giống như Cook, khi hồi tưởng những chuyến hải trình trước đó đã bị mắc míu vào những hậu quả đáng ngờ của những chuyến thám hiểm trước đó của ông, sự hồi tưởng mới nhất này về câu chuyện của ông cũng bị mắc míu với những điều trớ trêu trong lịch sử mà nó tìm cách vượt qua.

Kết cục, Mai đem được súng ống về quê nhà và bắn chết kẻ thù, và người Hawaii rốt cuộc đã nhận ra Cook không phải là một vị thần. Sau khi đòi hỏi một cách quá đáng nguồn lực của họ để trang bị cho những con tàu, Cook đã cố gắng bắt cóc vua Hawaii để buộc trả lại một chiếc thuyền bị đánh cắp. Sau đó xảy ra cuộc đối đầu và nhà thám hiểm bị nện bằng gậy và bị đâm chết, có lẽ bằng một con dao găm được chế từ mỏ cá kiếm.

Người Anh đã dùng súng tàn sát nhiều người Hawaii, bêu đầu lên cọc và đốt nhà. Khi những câu chuyện về những chiến công này đến được Anh quốc, chúng được nhân lên nhờ các máy in và lan truyền khắp đế chế trải dài trên toàn thế giới của họ. Người Hawaii khắc cốt ghi xương những tổn thất của mình. Và dù phiên bản mới nhất này của câu chuyện về Cook bao gồm cả câu chuyện về họ, đó vẫn là câu chuyện về Cook mà chúng ta sẽ kể lại với mỗi thời đại mới.

By Doug Bock Clark

Doug Bock Clark is the author of “The Last Whalers: Three Years in the Far Pacific with a Courageous Tribe and a Vanishing Way of Life.”

THE WIDE WIDE SEA: Imperial Ambition, First Contact and the Fateful Final Voyage of Captain James Cook, | By Hampton Sides | Doubleday | 408 pp. | $35

https://www.nytimes.com/2024/04/09/books/review/the-wide-wide-sea-hampton-sides.html

Những nhân vật ẩn danh truyền bá Phúc âm

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “God’s Ghostwriters” (“Những người chấp bút cho Chúa”), nhà sử học Candida Moss nghiên cứu số đông những người đã viết nên Kinh thánh.

Gần cuối bức Thư gửi các tín hữu ở Galati, Tông đồ Phao-lô [Paul] thêm vào một nhận xét về lối viết thô vụng của mình: “Hãy xem những chữ do chính tay tôi viết cho anh em mới to làm sao”.

Nói một cách hoa mỹ, đây là dấu ấn của tính xác thực. Các văn bản giả mạo rất phổ biến trong thời kỳ đầu đầy biến động của Cơ đốc giáo, vì vậy đây là bằng chứng cho thấy tông đồ Phao-lô (có khả năng ngài bị cận thị) chứng thực thông điệp này. Đây cũng là lời nhắc nhở khiến người ta phải chú ý rằng Thư gửi các tín hữu đó quả thực là một bức thư, và Kinh thánh quả thực là một biblion – cuốn sách được viết bằng mực trên giấy cói, được viết ra (ít nhất là thế) chỉ riêng bởi bàn tay con người.

Trong cuốn “God’s Ghostwriters: Enslaved Christians and the Making of the Bible” (“Những người chấp bút cho Chúa: Các Cơ đốc nhân bị nô lệ và việc sáng tạo Kinh thánh”), Candida Moss nhấn mạnh những hàm ý sâu xa hơn trong nhận xét đó của tông đồ Phao-lô, những hàm ý thường không được lưu ý đến. Chị chỉ ra rằng, giống như hầu hết các tác giả ở thế giới La Mã, tông đồ Phao-lô hầu như chẳng viết gì. Ý nghĩa trong lời nhận xét ngẫu nhiên của ngài bắt nguồn từ việc ngài không thường xuyên cầm bút; ngài đang thực hiện một nỗ lực đặc biệt như một dấu hiệu cho thấy đức tin của ngài. Thay vì thế, ngài đọc chính tả cho những phụ tá lành nghề, những người – mặc dù được gọi một cách văn vẻ là "thư ký" hoặc "trợ lý" – có thể rất giống những kẻ bị nô lệ.

Moss, vị giáo sư thần học tại Đại học Birmingham, lập luận rằng những người làm công việc như vậy đóng vai trò quan trọng hơn những người phát ngôn đơn thuần, họ là “đồng tác giả, người tạo ra ý nghĩa, những nhà truyền giáo và tông đồ vì năng lực của chính họ”.

Tại Rome, cảnh nô lệ ở khắp mọi nơi. Khoảng thời Chúa Giê-su, áng chừng 1/4 dân số ở Ý bị bắt làm nô lệ. Ở nông thôn, người dân bị nô lệ canh tác trên những trang trại được hợp nhất ngày càng lớn. Ở thành phố, họ đảm nhận vô số vai trò được tạo ra bởi sự yêu thích xa hoa, khao khát địa vị và đặc tính nham hiểm trong việc phân loại thứ bậc của người La Mã: đầu bếp, vú em, kế toán viên, colorator (thợ đánh bóng đồ nội thất), tabulis (người bảo quản tranh), ab argento (người trông coi đồ bạc), nomenclator (người ghi nhớ tên khách khứa) và hàng tá loại khác nữa. Trong số đó có những người ghi chép, người đọc và người đưa tin là các đối tượng chính của Moss.

Thật trớ trêu, một người xuất hiện đích danh trong Thư gửi tín hữu Rô-ma của tông đồ Phao-lô: “Tôi, Tertius, người viết thư này, chào mừng anh em trong Chúa”. “Tertius” có hơi hướng vị lợi của một cái tên nô lệ, Moss lưu ý: Nó có nghĩa là “Thứ ba”. Nhưng chúng ta chẳng có thêm được gì ngoài cái nhìn thoáng qua này, mà bản thân nó đã là rất hiếm. Trong xã hội La Mã, nô lệ không phải là con người, họ sống trong tình trạng mà nhà sử học Keith Bradley mô tả là kiểu án tử hình treo tùy thuộc vào ý thích của chủ nhân.

Bằng chứng trực tiếp về cách những người lao động như vậy tạo ra Phúc âm và sự công nhận điều đó rất ít, vì vậy câu chuyện mà Moss kể tất là, và phải thừa nhận là, mang tính suy đoán. Song những diễn giải giàu trí tưởng tượng của chị căn cứ vào việc đọc kỹ các văn bản phi tôn giáo và tôn giáo cũng như những sự thật kinh hoàng về chế độ nô lệ cổ xưa nói chung.

Những người lao động bị nô lệ đã sao chép các bản thảo của Cơ đốc giáo, lập thư mục cho chúng trong các thư viện và giúp biên soạn các chỉ dẫn tham khảo, mục lục và các tài liệu hỗ trợ khác để đọc. Họ âm thầm sửa chữa lỗi trong các văn bản và tìm ra những câu trích dẫn trong những cuộn giấy da cồng kềnh.

Moss lập luận rằng ngay cả khi được đọc chính tả cho viết, họ vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác. Chị trích dẫn một đoạn khác do tông đồ Phao-lô viết, sách Rô-ma 5:1, một số bản thảo ghi là “chúng ta được bình an bên Đức Chúa Trời” và những bản khác viết “hãy để chúng ta được bình an bên Đức Chúa Trời”. Sự khác biệt nằm ở một ký tự duy nhất trong tiếng Hy Lạp – omega đối lại với omicron. Vấn đề là, theo nhận định của Moss, hai chữ này, trước đó khác nhau, đã được phát âm giống nhau vào thời điểm sách Rô-ma được chép lại. “Cho dù cách diễn giải nào là văn bản viết 'nguyên bản', quyết định vẫn thuộc về thư ký của tông đồ Phao-lô", một phần không được thừa nhận về sự "cộng tác" giữa tác giả được nêu tên và kẻ ghi chép bị nô lệ của ngài.

Suy đoán xa hơn, chị lưu ý đến “ngôn ngữ sách vở thấm nhuần” trong bức thư gửi các tín hữu ở Galati, trong đó những người bị nô lệ được đề cập đến hai lần bằng một từ cũng có thể có nghĩa là các chữ cái trong bảng chữ cái. Chị gợi ý rằng đây có thể là một cách để người ghi chép cho tông đồ Phao-lô “đưa chính bản thân họ vào bức thư”, một kiểu đùa riêng trong bọn họ. “Có lẽ họ đã hé một nụ cười giễu cợt khi viết những chữ đó.”

Những người bị nô lệ đã góp sức vào việc truyền bá Phúc âm cũng như diễn đạt nó bằng từ ngữ. Những người chuyên giảng đạo đã đọc – trình diễn – các đoạn Kinh thánh cho những người theo đạo Cơ đốc tập hợp lại để nghiên cứu và thờ phụng. Moss đưa ra giả thuyết rằng sự ứng biến tài tình của người giảng thậm chí có thể giải thích phần kết thay thế cho sách Phúc âm Máccô đã được ghi lại trong một số bản thảo.

Những người đưa tin đã mang tin từ các tông đồ để giữ cho các cộng đồng Cơ đốc nhân non trẻ ở xa cùng thống nhất quan điểm, nói theo Kinh thánh. Moss viết rằng giống như các mục sư trên bục giảng, những sứ giả này là “người hướng dẫn diễn giải”, những tông đồ không chính thức, họ sử dụng cử chỉ và ngữ điệu để bổ sung và giải thích văn bản họ mang đi.

Các nghệ nhân, phụ nữ và những người bị nô lệ cũng truyền bá thông điệp Cơ đốc giáo qua những câu chuyện phiếm; không phải vô cớ mà những người ngoại đạo đã chê bai Cơ đốc giáo là “sự mê tín của 'đàn bà và nô lệ'”. Moss tiếp tục trích dẫn một cảnh trong sách Công vụ Tông đồ, trong đó hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống các tông đồ gợi lại những câu chuyện phúng dụ cổ điển kiểu ngồi lê đôi mách lan truyền như cơn gió không thể kiểm soát.

Những đoạn như thế không phải là tình cờ, chị viết, mà phản ánh “nguồn gốc nhất quán của căn tính Cơ đốc giáo thời kỳ đầu trong các cơ cấu nô lệ”. Là một Cơ-đốc nhân trung thành tức là làm “nô lệ cho Đấng Christ” giống như tông đồ Phao-lô. Thậm chí những hình ảnh địa ngục trong Kinh thánh, theo cách hiểu của Moss, là chịu ảnh hưởng bởi điều kiện làm việc tàn khốc dành cho những người lao động bị nô lệ trong hầm mỏ.

Quan trọng hơn hết, có thể thấy những phương diện “nô lệ” nơi Chúa Giêsu, từ thói quen nói bằng ngụ ngôn (một hình thức văn học tầm thường giống những truyện ngụ ngôn của người nô lệ Aesop) cho đến nguồn gốc cha mẹ mơ hồ của Ngài (đã được nhấn rất mạnh bởi thánh Mark, chính vị thánh này đôi khi cũng bị coi là nô lệ). Người Philippi đi xa hơn, họ mô tả rõ ràng Chúa Giê-su “mang thân phận nô lệ” từ khi giáng sinh. Moss cho thấy kể từ đó các Cơ đốc nhân đã áp dụng những biện pháp tu từ như vậy một cách có chọn lọc, nhẹ nhàng biến tình trạng nô lệ thành một phép ẩn dụ ra sao.

Quan điểm của Moss về sự dễ dàng đến mức đáng ngại khi một số người sử dụng các cụm từ như “người đầy tớ trung thành”, mà không chú ý đến sự phức tạp về ý thức hệ của Cơ đốc giáo và tình trạng nô lệ làm nền tảng cho những cụm từ đó, được diễn đạt rất hay. Nhưng đôi khi chị có thể quá háo hức muốn đem quá khứ buộc vào hiện tại. Mở đầu cuốn sách chị đã tuyên bố rằng chị không ngại gì sự sai lầm niên đại, vì cớ “lịch sử không thiên vị đôi khi cũng lơ đễnh về mặt đạo đức”.

Tuy vậy, những lời hùng biện hiện đại xen vào của chị (“những người lao động thiết yếu”, “người lao động tình cảm”, “tình trạng bấp bênh”) cho cảm giác kém tinh tế hơn so với những phân tích xung quanh chúng. “God’s Ghostwriters” cũng chẳng phải là một lập luận tích lũy mà đúng hơn là một chuỗi các nghiên cứu điển hình.

Song cuốn sách này làm cho thế giới nô lệ cổ xưa trở nên sống động một cách nghiệt ngã, và kết nối các vấn đề lớn hơn về sự cộng tác và sự công nhận đối với các dữ kiện quan trọng của tác phẩm cổ điển, khiến ta không thể không để ý đến sự nỗ lực ẩn giữa các dòng.

By Timothy Farrington

Timothy Farrington is a former editor at Harper’s Magazine and The Wall Street Journal.

GOD’S GHOSTWRITERS: Enslaved Christians and the Making of the Bible | By Candida Moss | Little, Brown | 336 pp. | $30

https://www.nytimes.com/2024/03/24/books/review/candida-moss-gods-ghostwriters.html

Vụ ngoại tình, một thi thể bị cá sấu ăn thịt và khoản bồi thường bảo hiểm một triệu đô-la

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Một vụ án hình sự đích thực chỉ có thể xảy ra ở Florida là tâm điểm cuốn sách “Guilty Creatures” (“Những sinh vật tội lỗi”) của Mikita Brottman.

Denise Williams, trong ảnh này chụp tại phiên tòa xử cô ta năm 2019, là người của một gia đình có vẻ hoàn hảo như tranh vẽ trước khi chồng cô ta mất tích một cách đáng ngờ.

Giả sử cuốn “Guilty Creatures” của Mikita Brottman là một tác phẩm hư cấu thì cốt truyện sẽ bị coi là khuôn sáo: một vụ ngoại tình, một thi thể mất tích được cho là đã bị cá sấu ăn thịt, một khoản bảo hiểm nhân thọ trị giá một triệu đô-la đã được chi trả và một góa phụ xinh đẹp nhanh chóng tìm được tình yêu trong vòng tay người bạn thân mới ly hôn của người chồng vừa quá cố.

“Chẳng một ai tin rằng Mike đã chết đuối ở hồ Seminole,” tác giả đồng thời là nhà phân tâm học Brottman khẳng định, trước khi gạt sang một bên thi thể mất tích như phần kém thú vị nhất của câu chuyện này và thay vào đó chuyển sự quan tâm của bà sang khoảng thời gian 17 năm kể từ khi Mike Williams mất tích cho đến khi những kẻ giết anh bị kết án – công lý (phần lớn) đã được thực thi.


Cuốn sách mở đầu bằng những kiểu tóc mái tỉa lô xô và những khẩu súng săn: cuốn kỷ yếu năm 1988 của trường North Florida Christian High, trường tư thục dòng Baptist, “trước đây là một học viện phân biệt chủng tộc và hầu hết toàn học sinh da trắng”. Đây là nơi chúng ta thấy những nhân vật chính thoáng hiện lần đầu – nạn nhân xấu số, “tiền vệ Jerry Michael Williams, luôn được gọi là Mike”; Denise Merrell bạn gái anh ngồi phía trên anh ba hàng ghế; và bên trái anh là “cậu bạn thân chí cốt” Brian Winchester của anh, cùng bạn gái của Brian là Kathy.

“Các cậu trai chơi bóng bầu dục, các cô gái cổ vũ cho họ,” Brottman kể cho chúng ta. Thế giới của họ hạn hẹp như cuốn kỷ yếu, các quy tắc của nó được áp đặt bởi giáo lý nghiêm ngặt của nhà thờ và gia đình bảo thủ của họ. Sau khi tốt nghiệp trung học, cả bốn người đều theo học tại Đại học Bang Florida, sống ở nhà cho đến khi câu chuyện tình yêu là điều tất yếu xảy ra. “Cả hai đôi này kết hôn năm 1994. Lễ cưới ở nhà thờ. Bánh ga-tô và nước chanh.”

Cũng hồi đó, mỗi cặp vợ chồng đã có một đứa con. Và sau đó, ngày 16.12.2000 – kỷ niệm sáu năm ngày cưới – Mike biến mất trong chuyến đi săn vịt trời ở Hồ Seminole. Thoạt đầu, cá sấu bị coi là nghi phạm, hoặc ít nhất bị đổ lỗi cho việc không tìm thấy thi thể.

Tại thời điểm này, câu chuyện quay ngược lại lộ trình, nhằm mục đích phát lộ những sự thật khó coi đằng sau vẻ ngoài ngoan đạo của “vùng ngoại ô của thế hệ đầu tiên, một hệ sinh thái gồm những ngôi nhà xây gạch dưới bóng cây sồi, những ngõ cụt, những xa lộ vành đai, những nhà thờ lớn, trung tâm mua sắm và cửa hàng lớn – sạch sẽ, thịnh vượng, riêng tư, an toàn và khép kín”.

Trên thực tế, sau khi cùng được nuôi dạy theo giáo lý Tin lành Baptist miền Nam, hai cặp vợ chồng trẻ đã buông thả theo kiểu rumspringa[1] của những người theo trào lưu chính thống; “Họ bỏ đi lễ nhà thờ, thử ma túy, lui tới các câu lạc bộ thoát y vũ”. Sau khi uống rượu cả ngày, “Brian sẽ bảo Kathy và Denise cởi quần áo và nô giỡn trong khi anh ta chụp những bức ảnh Polaroids”.

Rốt cuộc, hai người trong số họ – Kathy và Mike – đã thấy quá đủ với chủ nghĩa tự do tương đối này. Một câu trích lời khai trong phiên tòa năm 2018 của Kathy đã nói lên điều đó chính xác nhất: “Mike và tôi đã nói kiểu như, dù thế này là vui vẻ hay gì đi nữa, nhưng chúng ta sắp sửa có con”.

Bước chân vào vụ ngoại tình. Denise và Brian tiếp tục gặp nhau một cách bí mật. “Giống như bọn thiếu niên mới lớn, họ làm việc đó trong ô tô, tìm ra những nơi họ không bị quấy rầy. Trớ trêu thay, bãi đậu xe của nhà thờ lại thuận tiện cho việc đó.”

Brottman cho rằng đức tin của họ đã khiến việc ly hôn không khả thi, nhưng điều này hầu như không thuyết phục; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá triệu đô-la mà Brian đã bán cho người bạn thân nhất của mình vài tháng trước khi anh mất tích dường như là động cơ thuyết phục hơn nhiều.

Brottman xuất sắc khi miêu tả mẹ của nạn nhân, bà Cheryl – bận rộn với việc “điều hành dịch vụ chăm sóc ban ngày, trông nom cháu gái và cho 20 con mèo hoang ăn” – người không chấp nhận việc con trai mình biến mất bị chìm vào quên lãng và được thể hiện là một trong số ít những nhân vật thực sự phức tạp trong cuốn sách này.

Và cách Brottman xử lý thông tin từ các diễn đàn Reddit, Websleuths và những lời bình luận từ các chuyên gia tự phong trên YouTube đã vẽ nên một bức chân dung đặc biệt đáng nguyền rủa của sự sử dụng tội phạm trong văn hóa của chúng ta – mặc dù điểm này lẽ ra đã được khắc họa sắc nét hơn nếu tác giả gán những trích dẫn này vào văn bản thay vì xác định nguồn gốc của chúng trong ghi chú.

Trong những cuốn sách trước đây của Brottman, bà sử dụng các xác chết như thấu kính để phản ánh câu chuyện bao quát hơn: cuốn “An Unexplained Death” (“Cái chết bí ẩn”) khám phá mối liên hệ giữa sự vô hình và tự sát, còn cuốn “Couple Found Slain” (“Tìm thấy một đôi bị giết hại”) tập trung vào thảm họa tại các phòng pháp y tâm thần của nước ta. Trong cả hai cuốn đó, nỗi ám ảnh và sự gần kề của bà với tội phạm chính lái câu chuyện đi – một nạn nhân được tìm thấy trong tòa nhà chung cư Brottman đang ở; bà gặp kẻ sát nhân trong nhóm đọc sách mà bà giám sát tại bệnh viện tâm thần nơi hắn điều trị. Thế nhưng trong “Guilty Creatures”, mức độ của sự ám ảnh cá nhân này không lúc nào được phát huy, ngoại trừ việc sắp xếp bằng chứng theo kiểu bản đồ giết người (việc gần như là tẻ nhạt). Ta chẳng bao giờ thấy rõ vì sao bà lại bị cuốn hút vào tội ác cụ thể này, hoặc bà muốn kể câu chuyện nào bao quát hơn.

Quan hệ đa ái, hôn nhân không hạn chế, ham muốn mở rộng và ly hôn đều là những văn liệu thô bán chạy nhất hiện nay, khiến những cuộc vui tay-tư đầy khiêu dâm kiểu dị-tính-tưởng-tượng-thông-thường cho cảm giác kỳ lạ hơn là dâm ô tục tĩu. Quyền lực của Nhà thờ Baptist hầu như không được xét đến, độc tố của giấc mơ Mỹ chỉ được ám chỉ, sự độc đáo của Florida chỉ được phác họa ngắn gọn.

Trong phần giới thiệu tuyển tập bậc thầy “Killings” (“Những vụ giết chóc”), Calvin Trillin viết: “Những câu chuyện này nhằm nói về cách người Mỹ sống ra sao hơn là về việc một số người trong số họ đã chết như thế nào”. Trạng thái bất ổn của sự gian dâm, trào lưu chính thống và những trò ăn tinh nghịch dại của hình tượng Người đàn ông Florida kỳ quặc là một hứa hẹn về những màn khiêu dâm ướt át; rốt cuộc “những con cá sấu đó đã tạo nên một điểm thắt nút tuyệt vời”. Nhưng, thật đấy, những con bò sát này chỉ đơn giản là để đánh lạc hướng khỏi con quái vật máu lạnh đích thực ở đây, mà bản thân nó có thể là áp lực của sự hoàn hảo.

[1] Rumspringa: nghi thức chuyển tiếp và giai đoạn trưởng thành ở tuổi thiếu niên đối với một số thanh thiếu niên Amish, trong thời gian đó họ ít bị hạn chế hơn về hành vi của mình và không phải tuân theo Ordnung (tiếng Đức: “quy củ”), tức là hệ thống đặc trưng của các chuẩn mực cộng đồng bất thành văn chi phối giáo phái của họ.

By Kelly McMasters

Kelly McMasters is the author of “The Leaving Season.”

GUILTY CREATURES: Sex, God and Murder in Tallahassee, Florida | By Mikita Brottman | Atria/One Signal | 288 pp. | $28.99

Adultery, a Corpse Eaten by Alligators and a $1 Million Insurance Payout

https://www.nytimes.com/2024/07/23/books/review/mikita-brottman-guilty-creatures-sex-god-and-murder-in-tallahassee-florida.html

Một cuốn sách mới coi cuộc khủng hoảng biên giới là vấn đề nghiêm trọng, vì toàn bộ sự phức tạp của nó

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ


Trong cuốn “Everyone Who Is Gone Is Here” (“Những ai đã ra đi đều đến đây”), Jonathan Blitzer tìm ra mối quan hệ giữa chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Mỹ với cuộc khủng hoảng di cư.

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía Nam [nước Mỹ] đã trở thành vấn đề mang tính quyết định của cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Đối với những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người Mỹ ngày càng lo lắng về làn sóng di cư gia tăng, Tổng thống Biden đã thay đổi đường lối đúng hướng khi cầu xin đảng Cộng hòa ký một thỏa thuận lưỡng đảng, thỏa thuận này sẽ chấp thuận cho họ phần lớn danh sách mong muốn nhập cư, bao gồm cả việc hạn chế quyền tị nạn. Với mong muốn này, ông nói rằng ông định sẽ “đóng cửa biên giới ngay lúc này và nhanh chóng khắc phục nó [hệ thống nhập cư]”. Donald Trump, người biến chính sách chống nhập cư thành xu hướng chủ đạo trong chiến dịch tranh cử lần thứ nhất, hứa hẹn sẽ nắm quyền kiểm soát bằng cách thực hiện “vụ trục xuất lớn nhất trong lịch sử” nếu ông này tái đắc cử.


Như Jonathan Blitzer chỉ ra trong “Everyone Who Is Gone Is Here”, câu chuyện lịch sử kịp thời và mang tính khai sáng của anh về cuộc khủng hoảng nhập cư, tình trạng bất ổn ở biên giới khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, bởi vì nó là kết quả của tình trạng rối ren lâu ngày và gây nhiều tranh cãi giữa Mỹ và các nước láng giềng phía Nam. Trong thập kỷ vừa qua, thành phần những người vượt biên đã chuyển đổi từ người Mexico tìm việc làm sang người Trung Mỹ và người các nước khác xin tị nạn. Những hệ quả tệ hại bao gồm trẻ em không có người đi kèm, gia đình ly tán và các trại tị nạn.

Khai thác phóng sự của mình với vai trò một phóng viên cơ hữu của tờ The New Yorker, Blitzer miêu tả dàn diễn viên bao gồm những người di cư, các nhà hoạt động và chính trị gia; anh trình bày một cách nghệ thuật câu chuyện của họ qua nửa thế kỷ trong ba hồi: những cuộc phản công chống nổi dậy trong Cuộc Chiến tranh Lạnh ở El Salvador, Guatemala và Honduras khiến hàng triệu người phải di dời và góp phần làm mới chính sách nhập cư của Mỹ; sự phát triển của các băng đảng ở Trung Mỹ, được tăng cường bởi sự trục xuất; và sự gia tăng số người xin tị nạn như một phong trào đại chúng của những kẻ bị hạ bệ.

Juan Romagaoza là một sinh viên y khoa theo cánh tả và là nhân vật chính diện trung tâm của cuốn sách, anh là nhân chứng vụ đàn áp khủng khiếp của quân đội Salvador được Mỹ hậu thuẫn trong thập kỷ 1980. Sau khi bị binh lính tra tấn đến tàn tật, anh trốn sang Mexico và cuối cùng đến Mỹ, nơi anh tham gia vào cuộc đấu tranh của những người Trung Mỹ mưu cầu sự bảo vệ khỏi bị trục xuất. Những làn sóng di cư đầu tiên gồm các nhà hoạt động và những người đào ngũ được nối tiếp bởi những người di cư chạy trốn đói nghèo và bạo lực khi “đường ranh giới giữa Mỹ và Trung Mỹ ngày càng mờ nhạt”. Có thời điểm gần 1/4 dân số El Salvador sống ở Mỹ.

Trong số họ có Eddie Anzora, đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động lớn lên “nửa muốn làm nhà nhân chủng học, nửa muốn làm kẻ côn đồ” ở Nam Los Angeles, nơi văn hóa băng đảng lan truyền một cách nguy hiểm phản ánh phép biện chứng của Mỹ giữa nhà tù và cuộc sống đường phố. Suốt những năm cuối thập kỷ 1980, khi cuộc chiến chống tội phạm băng đảng ngày càng tăng tốc, thành phố của cậu trở thành tâm điểm của cuộc chống nổi dậy trong nước, là “đội quân tiên phong quốc gia về hoạt động cảnh sát chống băng đảng”. Cảnh sát California đi tiên phong trong việc hợp tác với các giới chức quản lý nhập cư để “làm sạch” các nhà tù ở thành phố và tiểu bang, một thực tiễn sau này được nhân rộng trên quy mô toàn quốc: “Trục xuất một người dễ hơn nhiều so với việc kết án anh ta vì phạm tội”.

Tại khu vực Trung Mỹ hậu-xung-đột đang phải chịu sự thống trị tham nhũng của những kẻ từng tham chiến, các băng nhóm tội phạm đã chắc chân. Cuối cùng, bộ máy trục xuất của Mỹ cũng tóm được Anzora sau khi cậu bị bắt giữ vì tàng trữ ma túy, và kết cục cậu quay trở lại El Salvador, nơi cậu phải lẩn lút tránh né các thành viên băng đảng bị trục xuất khỏi đường phố Los Angeles. Chạy trốn khỏi nghèo đói và bạo lực của bọn tội phạm, người Trung Mỹ bắt đầu xin tị nạn với số lượng nhiều hơn bao giờ hết ở biên giới phía nam, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo mà hiện tại chúng ta đang thấy ở nơi đó – bắt đầu từ năm 2014 với làn sóng trẻ em nhập cư không có người đi kèm.

Cuộc cải cách nhập cư lớn mới nhất được Quốc hội thông qua là vào năm 1990; kể từ đó, vùng biên giới này chủ yếu được quản lý bởi sắc lệnh hành pháp đặc biệt và các tòa án liên bang. Như Blitzer minh họa, hệ thống nhập cư của Mỹ là nạn nhân của sự rối loạn chức năng của chính nó. Số đơn xin tị nạn chưa được giải quyết ngày càng nhiều lên khuyến khích số người lợi dụng tình trạng đó để ở lại đất nước này càng nhiều hơn; luật pháp hà khắc và sự kiểm soát biên giới nghiêm ngặt làm tăng số lượng người nhập cư không có giấy tờ “bị kẹt lại”; các quy định nhằm bảo vệ trẻ em ở biên giới đó khuyến khích các bậc cha mẹ gửi chúng đi một mình.

Với những chi tiết đôi khi rất toàn diện, Blitzer kể về cơ quan ban hành chính sách được ví với nhà máy sản xuất xúc xích ở Washington, D.C., so sánh để làm nổi bật sư tương phản giữa những nhân vật như Cecilia Muñoz, người trước kia từng là nhà hoạt động đã miễn cưỡng gia nhập chính quyền Obama, với vị cố vấn về vấn đề nhập cư có ảnh hưởng nhất của Trump là Stephen Miller, người “giữ vai phản diện chính.”

Thế nhưng ngay cả khi Blitzer kịch tính hóa những trận chiến phe phái này và hậu quả của chúng đối với cuộc sống của người dân – chẳng hạn như hồi năm 1998 khi Muñoz và những nhà tổ chức khác vận động hành lang cho “175.000 trẻ em nhập cư” được có lại phiếu thực phẩm – ông đã vạch trần những mối quan hệ qua lại bí ẩn giữa chính quyền Dân chủ và chính quyền Cộng hòa. Chắc chắn và khó phá vỡ nhất là sự ám ảnh về việc “răn đe” những người nhập cư trái phép với những hậu quả ngày càng khắc nghiệt, được thể hiện bằng những chiến lược mang những cái tên như Hệ thống Phân phát Hậu quả, “ngăn ngừa bằng cách răn đe” và Sáng kiến ​​Hậu quả Hình sự.

Hiển nhiên là những người di cư càng liều lĩnh thì sự răn đe mà họ phải chịu càng khắc nghiệt hơn. Trên thực tế, việc này chung quy là làm tăng thêm mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi vượt biên trái phép, rất có thể bị giam giữ nếu bị bắt, và khó khăn trong cuộc sống sau này nếu không bị trục xuất. Một số người thực thi các chính sách này một cách miễn cưỡng, số khác lại rất sốt sắng.

Trong khi dưới thời Tổng thống Barack Obama, một đề xuất của các viên chức nhập cư đòi tách cha mẹ khỏi con cái – biện pháp răn đe "đau đớn" nhưng "chẳng chết ai" – bị bác bỏ vì "vô nhân đạo", thì chính quyền Trump, với sự hăm hở của mình, dò dẫm thực hiện việc chia tách một cách hỗn loạn hàng nghìn người trước khi một cuộc phản đối kịch liệt trên toàn quốc buộc họ phải lùi bước. Blitzer trích dẫn một cuộc thảo luận về hậu quả do Miller triệu tập: “Chúng ta cần phải thông minh hơn nếu muốn thực hiện điều gì đó ở quy mô này một lần nữa”.

Các cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ thường là đáng để ý vì tính chất địa phương hẹp hòi của chúng, và vì vậy có lẽ chẳng ngạc nhiên gì khi Blitzer chỉ đề cập loáng thoáng đến kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, nơi các cuộc tranh luận về người xin tị nạn, các thử nghiệm răn đe “nhân đạo” và sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy chống-nhập-cư đã diễn ra trước Mỹ. Những nhà tù trên đảo dành cho người tị nạn ở Australia, hay các hệ thống tương đối khoan dung và hào phóng của Nam Mỹ đều không được nhắc đến.

Tuy nhiên, bất chấp những câu thần chú của các chính trị gia hứa hẹn phục hồi sự toàn vẹn của biên giới và quốc gia có chủ quyền, di cư là một hiện tượng ngày càng mang tính toàn cầu, và những người di cư từ châu Á và châu Phi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong số những người bị bắt ở biên giới kia. Giống như biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng di cư ở các nước giàu có không được hiểu đúng nghĩa ở quy mô quốc gia. Thay vì thế, nó đặt ra những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của việc làm một công dân có đạo đức.

Những xung đột về vấn đề nhập cư thường nảy sinh từ sự giống nhau hơn là từ sự khác nhau, và những người ngoại quốc ở biên giới của chúng ta có một câu chuyện quen thuộc đã đi vào lịch sử được Blitzer kể lại bằng những chi tiết tỉ mỉ và sinh động. Nó là câu chuyện của chính chúng ta.

By Matthieu Aikins

Matthieu Aikins is the author of the “The Naked Don’t Fear the Water: An Underground Journey With Afghan Refugees.” He is a fellow at the Harvard Radcliffe Institute and Type Media Center.

EVERYONE WHO IS GONE IS HERE: The United States, Central America, and the Making of a Crisis | By Jonathan Blitzer | Penguin | 523 pp. | $32

https://www.nytimes.com/2024/02/05/books/review/jonathan-blitzer-everyone-who-is-gone-is-here.html

Người phụ nữ đi tiên phong trước các chàng trai thuộc trào lưu phim nghệ thuật Làn sóng mới của Pháp (French New Wave)

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ



Cuốn tiểu sử mới nghiên cứu sự nghiệp tiên phong và nhiều thành quả của nhà làm phim Agnès Varda.

Nhà làm phim người Pháp Agnès Varda, qua đời năm 2019 ở tuổi 90, được tôn sùng đến đỗi thập kỷ cuối cùng trong đời bà là chuỗi chiến thắng dài dằng dặc với những giải thưởng danh dự, những cuộc triển lãm tác phẩm hồi tưởng quá khứ và các cuộc phỏng vấn. Thậm chí bà cũng dần cảm thấy mệt mỏi khi nghe nói về bản thân mình. "Thôi. Thôi! Thế đủ rồi! Tôi đâu phải là một thánh tích. Tôi vẫn đang sống đây,” bà nói trên sân khấu, sau lời giới thiệu cực kỳ tâng bốc.

Varda rất ghét phải làm một huyền thoại sống, ngoại trừ những lúc bà yêu thích nó, mà những lúc đó lại thường xuyên hơn. Ai mà chẳng cảm thấy như thế chứ? Sự nghiệp dài dằng dặc của bà phần nào giải thích cho sự tôn sùng kia.

Những bộ phim bà đạo diễn bao gồm tác phẩm kinh điển thuộc trào lưu French New Wave “Cléo From 5 to 7” (“Cleo từ 5 giờ đến 7 giờ”, trình chiếu năm 1962), và kiệt tác “Vagabond” (“Kẻ phiêu bạt”, trình chiếu năm 1985), bộ phim là sự hồi tưởng lại cuộc đời của một phụ nữ trẻ, một người ngoài cuộc vẫy xe quá giang, người được tìm thấy đã chết trong một con mương ngay khi bộ phim mở đầu.

Bộ phim tài liệu được tôn vinh đúng mức của bà, “The Gleaners and I” (“Những người mót lúa và tôi”, trình chiếu năm 2000), nói về những người nghèo ở nông thôn ở Pháp và những người lục lọi kiếm lương thực thuộc nhiều thành phần khác nhau. Varda dẫn chuyện và xuất hiện trong bộ phim ấn tượng không phai mờ đó, chính là cách mà Michael Moore đã thực hiện trong phim “Roger and Me” (“Roger và tôi”).

Với kiểu tóc ngắn đến gáy, khổ người bé nhỏ (Varda chỉ cao tầm 1,5m), dáng vẻ ranh mãnh và cách tương tác không trịch thượng với nhân vật chủ đề của mình – tác phong mà tất cả những người làm phỏng vấn nên nghiên cứu – bà đã gây ấn tượng rất mạnh. Khá nhiều người rời rạp ra về đã rất yêu thích bà.

Trong cuốn tiểu sử mới rất cô đọng “A Complicated Passion” (“Niềm đam mê phức tạp”), nhà phê bình điện ảnh Carrie Rickey bày tỏ những hiểu biết sâu rộng về những bộ phim của Varda, và bà miêu tả Varda phải vật lộn thế nào trong thế giới phim ảnh bị nam giới thống trị để những bộ phim đó được thực hiện.

“Những thứ tốt đẹp dù không dài nhưng lại tốt gấp đôi,” kịch tác gia Tom Stoppard đã nói. Ông không nói về Varda. Nhưng có lẽ ông đã nói về cuốn tiểu sử này. Cuốn sách sinh động có tiết tấu nhanh của Rickey có 224 trang. Nên có nhiều hơn những cuốn tiểu sử với độ dài thế này thôi.

Rời máy quay ra, Varda có cuộc sống bận rộn và tự do phóng túng. Bà tự may quần áo; ngủ với cả đàn bà và đàn ông; miệng luôn phì phèo điếu thuốc. Bà không chịu được những kẻ ngu xuẩn.

Với “đôi mắt kiểu Picasso và mái tóc kiểu tu sĩ”, theo lời Rickey, Varda giống một nhân vật trong nhật ký của nữ văn sĩ Anaïs Nin, và trên thực tế bà biết rõ Nin và nhà văn Henry Miller. Ngôi nhà Varda mua năm 1951 ở quận 14 mà lúc bấy giờ còn nhếch nhác bao gồm hai bất động sản mà bà đã hợp nhất. Một bên để làm việc, một bên để sống. Đó là một salon phản văn hóa, và nó có chiều hướng rất thu hút người khác. Bà đã sống ở đó cho đến khi qua đời, và như cách người chủ phòng trưng bày của bà diễn đạt, ngôi nhà đó luôn là “một công trình đang thi công”.


Varda dường như quen biết hết thảy mọi người. Ví dụ, bà rất thân với Jim Morrison, cựu sinh viên điện ảnh và là ca sĩ chính của nhóm The Doors mà bà đã gặp ở Los Angeles. Khi anh qua đời vì quá liều ma túy ở Paris năm 1971, bà là một trong những người đầu tiên đến căn hộ của anh. Bà sử dụng những mối quan hệ của mình để giữ kín cái chết của anh với báo giới cho đến khi có thời gian tổ chức lễ tang trọng thể.

Vì Varda làm rất nhiều phim – bà đã làm hơn 40 bộ phim truyện và phim ngắn – nên cách kể chuyện của Rickey đôi khi có nguy cơ biến thành một tác phẩm điện ảnh có chú thích. Song tôi đã nghiến ngấu cuốn “A Complicated Passion” một cách sung sướng và tôi cho rằng độc giả cũng sẽ thế. Nó khiến tôi phải lao ngay ra bật kênh Criterion Channel để xem lại phim của Varda.

Những phần hay nhất của cuốn sách này là các chương từ đầu đến giữa, giống như hầu hết các cuốn tiểu sử khác. Chúng ta chứng kiến ​​Varda đã trở thành Varda như thế nào.

Bà được sinh ra ở Belgium, là con thứ ba trong gia đình có năm con. Không một ai trong số những người con khác có thiên hướng nghệ thuật. Gia đình bà chạy khỏi Belgium trước cuộc xâm lược của Đức Quốc xã, họ trốn đi bằng ô tô và sau đó bằng thuyền. Họ chuyển đến Paris trước khi thành phố này được giải phóng hồi năm 1944, lúc đó bà 16 tuổi.

Cha bà đăng ký được bằng sáng chế cho một loại cần cẩu công nghiệp và trở nên giàu có. Ông và Varda chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt nhau, họ đã thất vọng vì nhau. Tuy nhiên, mẹ Varda đã khích lệ sự sáng tạo của Varda. Khi Agnès bày tỏ sự quan tâm đến nhiếp ảnh, mẹ bà đã đem cầm cố một món trang sức để mua cho bà một chiếc máy ảnh Rolleiflex cực xịn.

Nhờ vào cha mẹ của một người bạn thời thơ ấu mà Varda kiếm được việc làm nhiếp ảnh gia cho một công ty độc lập tổ chức biểu diễn tại rạp rất quan trọng ở Paris. Bà thực hiện bộ phim đầu tiên “La Pointe Courte” của mình năm 1955. Bộ phim này là tiền thân của trào lưu French New Wave, nói về một cặp vợ chồng đang trục trặc đến thăm một làng chài nhỏ.

Alain Resnais, người bạn và đôi khi là người tình của bà, người mà vài năm sau đó sẽ đạo diễn phim “Hiroshima, Mon Amour” (“Hiroshima tình yêu của tôi”), đã cho bà mượn thiết bị và giúp bà biên tập “La Pointe Courte”. Bộ phim chưa bao giờ được phát hành một cách hợp thức, nhưng các buổi chiếu đã trở thành một thứ cực kỳ hấp dẫn đối với các nghệ sĩ và trí thức Pháp. Nói cách khác, không phải ai cũng xem bộ phim đó, nhưng những người xem lại rất đúng người đúng việc.

Một số đoạn nổi bật trong cuốn sách của Rickey miêu tả mối quan hệ thân ái nhưng rất cạnh tranh của Varda với các nhà làm phim mà bà gọi theo tên tạp chí điện ảnh Cahiers du Cinéma là “Các cậu con cưng của Cahiers”. Các nhà làm phim này gồm Resnais, Jean-Luc Godard và Francois Truffaut. Phải mất hàng thập kỷ thế giới điện ảnh mới nhận ra rằng Varda đã đi tiên phong trước họ về mặt tạo ra thể loại phim mới mẻ, sinh động, kinh phí thấp, thể loại phim đã định hình trào lưu French New Wave.

Varda kết hôn với đạo diễn Jacques Demy năm 1962; nhan đề cuốn sách này bắt nguồn từ miêu tả của Varda về khoảng thời gian họ bên nhau. Năm 1964 ông phát hành bộ phim nổi tiếng nhất của mình là “The Umbrellas of Cherbourg” (“Những chiếc ô ở Cherbourg”). Bà và Demy có một con trai. (Varda đã có một con gái từ một mối quan hệ trước đó.) Năm 1979, ông bỏ bà để chung sống với một người đàn ông khác, tuy vậy Varda và Demy vẫn thân thiết với nhau. Sau khi ông qua đời vì bệnh AIDS, bà đã làm một bộ phim về thân thế và sự nghiệp của ông.

Phong cách riêng của Varda là không có phong cách lộ liễu. Các bộ phim của bà đều có kịch bản nhẹ nhàng nếu chúng có chút kịch bản nào. Bà tin tưởng vào những sự may mắn ngẫu nhiên và biết cách tận dụng chúng. Bà đã tuyển dụng rất nhiều phụ nữ để cùng bà thực hiện những bộ phim, và nhiều người trong số này sau đó đã có được sự nghiệp quan trọng của riêng họ.

Bà kiên quyết đưa những người phụ nữ có sắc thái riêng chứ không phải những hình mẫu tiêu biểu lên màn ảnh. “Bạn có biết người phụ nữ thông minh nào không?” bà hỏi trong một cuộc phỏng vấn năm 1977 với The Times. “Họ có thật, phải không? Vì sao họ chẳng bao giờ xuất hiện trong phim ảnh?”

A COMPLICATED PASSION: The Life and Work of Agnès Varda | By Carrie Rickey | Norton | 272 pp. | $27.99

Dwight Garner has been a book critic for The Times since 2008, and before that was an editor at the Book Review for a decade.

The Woman Who Beat the Boys of the French New Wave to the Punch

https://www.nytimes.com/2024/07/29/books/review/carrie-rickey-complicated-passion.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...