Search This Blog

Thursday, October 10, 2024

Thiên hạ: Lịch sử góp phần định hình Trung Hoa mộng về Quyền lực toàn cầu như thế nào?

nguồn: Japan Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Cảnh giác trước giấc mộng trở thành tâm điểm chú ý của Trung Quốc.
bài bình sách của Tyler Rothmar

Hiện nay, ngay cả những người quan sát bình thường nhất về các diễn biến ở châu Á cũng phải chú ý tới vận động địa chính trị hung hãn của Trung Quốc, có kênh thông tin quốc gia đã bắt đầu gọi đó là "trỗi dậy."

Để hiểu cụm từ này thích hợp ra sao, cần nhìn lại quá khứ xa xôi của Trung Quốc. Qua việc
xem xét nguồn gốc từ thời cổ đại về tính tự tôn của Trung Quốc, ta có thể soi rõ bản chất các mối quan hệ của quốc gia này với các nước láng giềng. Đây là nội dung chính của “Everything Under the Heavens: How the Past Helps Shape China’s Push for Global Power,” (tạm dịch "Thiên hạ: Lịch sử góp phần định hình Trung Hoa mộng về Quyền lực toàn cầu như thế nào"), cuốn sách mới của tác giả Howard W. French, từng giữ chức vụ cựu giám đốc văn phòng New York Times (bao gồm việc phụ trách cả Tokyo và Thượng Hải).

Sau hơn một thiên niên kỷ là lực lượng văn hoá thống trị ở châu Á, Trung Quốc đã trải qua thế kỷ 20 trong tình trạng hoặc bị kẹt trong xung đột với thế lực nước ngoài hoặc sa lầy trong tranh chấp nội bộ. Sau khi trở lại ổn định tương đối hồi những năm 1980 sau cơn ác mộng tự hủy diệt của Cách mạng Văn hoá, đất nước này bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, mang lại sự bành trướng ngoạn mục trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự mà hiện vẫn đang tiếp diễn. Lần đầu tiên trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang liều lĩnh giành lại quá khứ vinh quang của mình.

Trong cuốn sách này, tác giả French đã chọn lọc lịch sử quan hệ ngoại giao của Trung Quốc để qua đó thấy được các sự kiện hiện tại, lấy chủ đề thiên hạ như trong tiêu đề làm sợi chỉ xuyên suốt. Trải qua khắp các triều đại và hệ thống chính trị thay đổi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dần coi thế giới là "thiên hạ", thuộc quyền thống trị thiên mệnh của mình. Quan điểm cho rằng quyền lực và sự cai trị của Trung Quốc đơn thuần có nguồn gốc từ một nền văn hoá vượt trội và tư tưởng "thiên mệnh" đã bám rễ rất sâu, theo tác giả French.

Lập luận của tác giả dựa trên nhiều tài liệu tham khảo toàn diện và sâu rộng, ông lần theo dấu tư tưởng vận mệnh này của phương Đông qua lịch sử, qua bang giao của Trung Quốc với các quốc gia và dân tộc khác — từ việc đòi cống nạp và thuần phục từ triều đình Okinawa trong hầu hết thời kỳ Edo ( 1603-1868) đến việc thao túng khiến Việt Nam và Campuchia mâu thuẫn lợi ích trong những năm 1970 — Trung Quốc đã tự coi mình là trung tâm về văn hoá và kinh tế còn tất cả quốc gia khác đều ở ngoại biên.

Đối với Nhật Bản và các quốc gia lân cận, điều này trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Viện dẫn lịch sử cổ đại, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với mọi thứ trong cái gọi là đường-lưỡi-bò thuộc Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông), nơi có những tuyến đường vận tải quan trọng. Ngoài việc không thừa nhận phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố này, Trung Quốc đã bắt đầu các dự án cải tạo đất quy mô lớn gần quần đảo Trường Sa trong đường-lưỡi-bò, và đến năm 2016 đã thiết lập hệ thống chống máy bay và chống tên lửa tại một số hòn đảo nhân tạo này. Trong khi đó, căng thẳng thường xuyên ở mức cao quanh quần đảo Senkaku, nằm gần Okinawa và Đài Loan và được Nhật Bản (hiện đang kiểm soát các đảo này), Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.

"Ngày nay, theo những phương thức ngày càng không thể nhầm lẫn, trò chơi địa chính trị của Trung Quốc dựa trên các khái niệm về thế giới và quyền lực trước đây của họ," tác giả French viết, hiện ông là giáo sư tại Trường Đại học Báo chí Columbia. "Mọi thứ trong ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc cho thấy cách nước này nhìn nhận Tây Thái Bình Dương giống như đã từng nhìn nhận thế giới cổ xưa của mình, thiên hạ của Trung Hoa đế quốc, và họ dự định đưa khu vực này trở lại là nơi vị thế tối cao của Trung Quốc không bị cản trở."

Tác giả French dừng lại ở vài thời điểm trong lịch sử nhằm nghiên cứu thái độ của Trung Quốc. Tác giả nhắc đến Trịnh Hòa, vị đô đốc thái giám thống lĩnh một hạm đội khổng lồ có chuyến hành trình vào đầu những năm 1.400 đi qua Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi và đã được thêm thắt để làm ví dụ về sự kiểm soát trong lịch sử của Trung Quốc đối với các tuyến đường biển và tính nhân văn của văn hóa Trung Quốc. Và ông dành nhiều giấy mực kể chi tiết mối quan hệ cổ xưa và đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.

Đọc những dòng viết của tác giả French về sự chuyển đổi đồng minh bất ngờ của Trung Quốc trong những năm 1970 từ Hà Nội sang Khmer Đỏ của Campuchia, thật khó để không nghĩ đến Bắc Triều Tiên: "Ý thức hệ không giải thích được các lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực. Động cơ thực sự của nước này bắt nguồn từ một hệ phân tích lâu đời và thâm sâu hơn nhiều. Bản năng gốc của Trung Quốc, vẫn còn đến ngày nay, là giữ và che chở những lãnh thổ cư xử như chư hầu và chống lại, lừa phỉnh, lật đổ, và chinh phục những kẻ đang ngáng đường Trung Quốc chiếm giữ thiên hạ như thời cổ đại."

Tác giả French kết thúc bằng tổng kết chi tiết về những diễn biến gần đây và phân tích nhân khẩu học. Ông kết luận, chúng ta có lẽ đang ở đỉnh điểm của thời kỳ căng thẳng nhất từ những nỗ lực kiểm soát khu vực biển của Trung Quốc. Tác giả tin rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực trên trước khi quốc gia này phải chịu những biến chứng do dân số già đi có thể làm nảy sinh những vấn đề tương tự Nhật Bản.

Cuốn sách "Thiên hạ" được hoàn thành ngay trước khi chính quyền Trump lên nắm quyền, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với The Japan Times, tác giả French đã nói như sau về quan điểm của Trung Quốc với lãnh đạo hiện nay của Mỹ: "Tôi nhớ trong thời gian còn làm phóng viên tại Tokyo, tôi đã được một nhà ngoại giao Nhật chia sẻ rằng điều nổi bật nhất ở Mỹ là khả năng sửa sai, đổi mới và kiên định đường lối chính sách. Chắc chắc có những người trong giới trí thức Trung Quốc có cùng suy nghĩ này và cảnh giác với việc đọc quá nhiều tin tức về tình hình hiện tại của Washington. Người ta phải hy vọng rằng năng lực này sẽ luôn nguyên vẹn."

Dù thế nào, cuốn sách này sẽ vẫn là tài liệu có giá trị về tính liên tục trong cách tiếp cận của Trung Quốc theo thời gian mà cuốn sách đã chỉ ra rất rõ. "Điều quan trọng là không bao giờ được quên lãng các khái niệm nền tảng như vậy, bởi chúng mang lại cái nhìn sâu sắc về cách (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình hình dung trật tự thế giới ngày nay và tương lai", tác giả French viết. "Những khái niệm này giúp ta hiểu được chính Trung Hoa mộng."

Theo dấu toàn cầu hoá trong hơn một thiên niên kỷ qua

nguồn: Washington Post,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Cuốn sách hấp dẫn nhưng có cái tên gây hiểu lầm lạ kỳ này là câu chuyện về "những Con đường tơ lụa" và gần như là về "Lịch sử thế giới”. Peter Frankopan, chuyên gia người Oxford về Byzantium, trình bày khoảng hai chục "con đường" hoặc các giai đoạn trong lịch sử châu Âu và châu Á trong hơn hai thiên niên kỷ, trong đó Con đường tơ lụa chỉ là một giai đoạn. Và trong khi tác giả tuyên bố viết về lịch sử thế giới, toàn bộ các nền văn minh và các lục địa (bao gồm cả châu Phi và châu Mỹ) chỉ xuất hiện trong câu chuyện của ông khi các châu lục này phải chịu ảnh hưởng từ người châu Âu. Nhật Bản hầu như không đáng đề cập đến. Trọng tâm thực sự của tác giả là lục địa Á-Âu, và mục tiêu của ông là thuyết phục người đọc rằng những câu chuyện của châu Á và châu Âu thực ra chỉ là một câu chuyện lớn, và hai châu lục này liên tục tương tác với nhau trong quá khứ và càng như vậy ngày nay.

Được nghiên cứu kỹ và viết rất hay, cuốn sách dày của Frankopan là tác phẩm đáng đọc,
với 2/5 nội dung dành cho những thế kỷ trước thời Columbus, một phần ba dành cho thời cận đại và 2/5 nói về thế kỷ 19 và 20. Cùng lúc đó, tác giả đưa ra nhiều kiến thức gây tranh cãi, ví dụ như tính châu Á trong Kitô giáo, cách thức quân Thập tự chinh kết hợp tôn giáo với thương mại, làm sao mà số vàng dùng để xây lăng Taj Mahal lại có thể truy nguồn từ Tân thế giới và việc người Anh Knox D'Arcy phát hiện ra dầu mỏ ở Ba Tư đã biến đổi chính trị thế giới như thế nào. Chủ đề thường xuyên của Frankopan là cách toàn cầu hoá do mậu dịch thúc đẩy đã là thực tế từ hàng thiên niên kỷ trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Đây không phải là khám phá mới, nhưng là điểm quan trọng, và Frankopan bảo vệ luận điểm này một cách hết sức thuyết phục.

Câu chuyện của ông đi vào nhiều lĩnh vực kì lạ sẽ khiến tất cả mọi người đều sẽ tìm thấy điều thú vị nào đó trong 500 trang sách này. Tuy nhiên, tác giả cũng có đôi chỗ thiên vị. Ông chỉ trích La Mã cổ đại là "nổi tiếng về bạo lực và giết chóc", nhưng lại không đánh giá như vậy khi nói đến nhiều chế độ độc tài phương Đông. Ông theo xu hướng hiện thời khi đánh giá cao chính sách mậu dịch tự do của Mông Cổ đồng thời tán dương việc họ sử dụng bạo lực “một cách có chọn lọc và thận trọng.” Tác giả giảm nhẹ tính nghiệm trọng từ sự tàn phá của quân Mông Cổ đối với toàn bộ những thành phố đã xây dựng và duy trì mậu dịch lục địa hàng thiên niên kỷ, vì ông cho rằng hầu hết các thành phố đã hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trong số các thành phố lớn nhất đã không hồi phục, bởi người Mông Cổ đã hủy hoại hệ thống tưới tiêu và thủy lợi của họ.

Cũng theo tinh thần đó, tác giả đã dành một chương về sự tham gia của người Viking và những người Bắc Âu khác trong buôn bán nô lệ ở châu Á mà không đề cập đến chế độ nô lệ thời trung cổ, cũng giống như chế độ nô lệ hiện đại, được thúc đẩy bởi nhu cầu và rằng trong một thiên niên kỷ trước Vasco da Gama, nhu cầu đến từ các thị trường nô lệ lớn như Hồi giáo Trung Đông và Trung Á. Sự thật là, văn hóa sang trọng của các vị vua cai trị thời trung cổ được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chế độ nô lệ, một thực tế Frankopan bỏ qua.

Khi viết về thời cận đại, ông đưa ra những nhận định có thể khiến nhiều người thấy khó nghe. Tác giả bác bỏ giá trị cuộc Cải cách châu Âu khi "sự cuồng tín và tôn giáo cực đoan đang nhanh chóng trở thành những đặc điểm nổi bật", nhưng ông ít đề cập đến sự phân chia của Hồi giáo Sunni và Shiite và những cuộc chiến tranh đẫm máu cùng với đàn áp tri thức mà nó gây ra, từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ. Tương tự, hàm ý so sánh với chủ nghĩa thực dân Tây Âu, ông lập luận rằng sự mở rộng của Nga sang phía nam và đông đã được thực hiện bằng "sự can thiệp nhẹ nhàng hợp lý". Hãy nói những lời ấy với hàng ngàn người Caucasus đã thiệt mạng do đội quân Nga hoàng tấn công, hoặc 16.000 người Turk thiệt mạng chỉ trong một ngày trong cuộc bao vây Geok Tepe của Nga (hiện nay là Turkmenistan) vào năm 1881. Tác giả cũng miêu tả chiến dịch Liên Xô cướp đoạt ngành công nghiệp Đông Âu và ép các chuyên gia của Đông Âu phục vụ cho quân đội là "hợp lý."

Hết chương này đến chương khác, người châu Âu nổi lên như những kẻ phản diện. Không rõ vì sao, có nhiều điều để biện minh cho quan điểm này, và chúng ta có nhiều nghiên cứu xuất sắc cho thấy các hành động tàn ác của người châu Âu ở Trung Đông, Châu Phi và Tân Thế giới. Nhưng Frankopan không hài lòng với việc chỉ kể lại câu chuyện. Thay vào đó, tác giả kể không ngừng về cách thức các quốc gia hiện đại của châu Âu trỗi dậy như "kẻ mạnh (nghĩa là phương Tây) nuốt chửng kẻ yếu đuối", họ đã thành công như thế nào qua "việc củng cố sức mạnh và tính tham lam", làm thế nào mà phương Tây thành công đặt mình vào trung tâm thế giới nhờ "mối quan hệ chặt chẽ với bạo lực và chủ nghĩa quân phiệt". Như thể sợ chúng ta vẫn chưa hiểu, ông kết luận rằng "đặc điểm của châu Âu là ngày càng hung hăng, không ổn định, và kém hòa bình hơn các khu vực khác trên thế giới và giờ phải trả giá.”

Càng viết càng giận dữ, tác giả bác bỏ giá trị của nghệ thuật châu Âu vào thế kỷ 17 và 18 là "hình thành bởi bạo lực", một dấu hiệu phản đối ông đã không thể hiện đối với hầu hết các tác phẩm được tạo ra dưới cai trị của các bạo chúa từ phương Đông cho đến người Mughal ở Ấn Độ . Ở đây, vấn đề không phải là tác giả đã sai mà là ông không tính đến phần còn lại của câu chuyện, dù đó là sự nổi lên của du mục Seljuks hay những kẻ cực đoan châu Á như Mahmud của Ghazni, Tamerlane hay Babur, đều hoàn toàn xuất phát từ sự tàn bạo. Thật vậy, có rất ít sự khác biệt giữa Nhà nước Hồi giáo ngày nay với sự tàn bạo của những kẻ Hồi giáo cực đoan đối với Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Các trường hợp xấu cá biệt vốn có thể khiến tác giả suy ngẫm về bản chất con người, thì lại khiến ông đưa ra các ưu nhược điểm theo cách vừa phiến diện vừa phải đạo chính trị.

Ta thấy rằng Frankopan đưa ra một loạt những nhận xét gay gắt (và thường tức cười) của người châu Âu về tính dối trá, tàn bạo hoặc bốc mùi của nhiều dân tộc Đông phương mà không động chạm đến những câu nhận xét đáng chú ý tương tự được tìm thấy trong các tác phẩm của Ả Rập và các nhà văn Đông phương khác khi nói về người phương Tây hay, ở phạm trù này, nói về người dân Nga hoặc dân tiểu lục địa Ấn Độ. Khi học giả thế kỷ 11 al-Biruni dám viết một tác phẩm đánh giá cao Hindu giáo, ông đã nêu rõ quan điểm khi đối lập cuốn sách của mình với thái độ thô bạo mà các nhà văn tiếng Ả rập trước đây vẫn dồn lên người Ấn Độ và tôn giáo của họ.

Cuộc đua giành vai nhân vật phản diện chính của Frankopan rất hấp dẫn, nhưng ít nhất người Mỹ có thể sánh ngang với người Huns, Tamerlane, Cortes và Anh. Tác giả bắt đầu nhẹ nhàng, dẫn dắt chúng ta rằng lễ Tạ ơn đầu tiên của Những người hành hương, vào năm 1621, đã được tổ chức "để đánh dấu việc cập bến an toàn tới vùng đất rộng lớn đồng thời còn là sự tưởng niệm chiến dịch chống lại toàn cầu hóa". Khi viết đến thế kỷ 20, ông rất hăng say, cho rằng — không phải không có cơ sở — với Iran, nước Mỹ luôn sẵn sàng "chơi trò hai mặt và lừa gạt" ở mọi thời điểm, và lên án các cuộc tấn công vào Afghanistan và Iraq, nhưng không có sự phân biệt giữa hai trường hợp này hoặc tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh trong nước ở cả hai quốc gia trên. Frankopan sau đó, một cách hợp lý, cáo buộc Washington về việc "thỏa thuận và giao kèo theo kiểu được chăng hay chớ, giải quyết các vấn đề trước mắt mà không lo lắng về hậu quả tương lai."

Đây không phải cuốn sách đầu tiên coi cư dân đa dạng của khối lục địa Âu Á như một thể duy nhất chứ không phải là tập hợp các tiểu vùng và dân tộc tự trị lớn. Tuy nhiên, điểm mạnh chính yếu của nó là ở chỗ tập trung trực tiếp và nhất quán vào mậu dịch như là động cơ chính cho hội nhập trong khu vực. Frankopan nhấn mạnh luận điểm quan trọng này với sự kiên trì và tính rõ ràng. Người ta có thể châm chọc hoặc cười khẩy một số thành kiến và tính lập dị của tac giả, nhưng rút cuộc ông cũng đã đem lại ích không nhỏ cho chúng ta.

Người của họ ở Washington

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Cuốn sách "In Confidence" ("Đặc biệt tin cậy") của Anatoly Dobrynin
chắn chắn là cuốn tài liệu nhiều tiết lộ nhất được xuất bản ở Nga về 40 năm chiến tranh lạnh. Dựa trên trải nghiệm cá nhân là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ông Dobrynin tiết lộ động cơ và các tính toán sai lầm của các nhà lãnh đạo Liên Xô từ Nikita Khrushchev cho tới Mikhail Gorbachev. Là đại sứ Liên Xô tại Washington trong suốt 24 năm (1962-1986), ông viết về vai trò của mình như là trung gian hòa giải giữa điện Kremlin và Nhà Trắng trong tất cả các cuộc khủng hoảng chính, bao gồm Berlin, Cuba và vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Không một đại sứ nào khác thời hiện đại đóng góp một phần quan trọng và lâu dài như vậy trong vấn đề quốc tế hoặc sẵn sàng viết về chủ đề này với thái độ tự do như vậy. Giữ chức vụ Bí thư Cục Quốc tế ở Moscow sau nhiều năm ở Washington, cũng giúp ông lý giải vì sao "Liên Xô bất ngờ tan rã chỉ trong vài ngày vào năm 1991."

Tầm quan trọng của vị trí của ông Dobrynin ở Washington so với đại diện các nước khác là không phải bàn cãi. Căn cứ vào mối bận tâm về chính sách đối ngoại của Mỹ với Liên Xô trong thời kỳ ấy, sự quan tâm này đối với ông Dobrynin không đáng ngạc nhiên. "Đây là đất nước có thể quét sạch chúng ta trong 30 phút," George Shultz viết.

Nhiều người ở Washington nghi ngờ ông Dobrynin, vì sợ rằng ông lợi dụng các mối quen biết chặt chẽ và bảo mật của mình với lãnh đạo Mỹ, chưa kể đến nguồn gốc Slav của ông, để lừa phỉnh họ về các ý định của Liên Xô. Cách ông giành tình cảm của họ là không thể phủ nhận. Là con trai của một thợ sửa ống nước và một người mẹ "về cơ bản không biết chữ", theo như ông kể về bà, ông được đào tạo thành kỹ sư điện và, theo lời kể của Alexander Haig, đã "lọt mắt xanh nhiều phụ nữ ở Washington." Ông chơi cờ vua với Zbigniew Brzezinski, người miêu tả ông là "một chú gấu đáng yêu," nhưng là người "có thể bỗng nhiên trở thành một kẻ khó chơi." Ánh mắt sắc như dao này cũng được nhiều người khác nhận ra. Theo cách nói riêng của mình, ông "chấp nhận hệ thống của Liên Xô với tất cả khiếm khuyết và thành công của hệ thống này."

Ronald Reagan bị ông Dobrynin mê hoặc theo cách nói lên nhiều điều về cả vị Tổng thống cũng như ngài Đại sứ. "Rõ ràng Dobrynin là một đảng viên cộng sản, nhưng tôi không thể không thích ông ấy với tư cách là một con người," ông viết. Phải nói rằng sự nhiệt tình của Tổng thống được đáp lại hoàn toàn bởi ông Dobrynin, người hứng thú với ông Reagan hơn bất kỳ ai trong năm vị Tổng thống mà ông biết.

Ông Dobrynin có ý định dùng cuốn "Đặc biệt tin cậy" làm tư liệu lịch sử và là lời "cảnh báo ngăn chặn bất kỳ sự tái diễn nào những sai lầm đáng buồn của thế kỷ này." Ông thường xuyên phàn nàn về thái độ chống Liên Xô điền cuồng của một số chính trị gia Mỹ, và thấy sai lầm trong quyết định của Mỹ năm 1973, thời điểm xung đột Ả Rập-Israel, khi đưa lực lượng vũ trang vào tình trạng cảnh báo chiến đấu cao. Nhưng với sự thẳng thắn đáng kinh ngạc, ông lên án các nhà lãnh đạo Liên Xô về hầu hết những sai lầm nghiêm trọng trong 40 năm qua.

Khrushchev bị chỉ trích vì nỗ lực đẩy phương Tây ra khỏi Berlin. Đó là một cú lừa phỉnh. Ông ta không có ý định đi đến chiến tranh. Khi ông Dobrynin lần đầu đến Washington làm Đại sứ năm 1962, Khrushchev "rõ ràng nói với tôi rằng tôi phải luôn nhớ chiến tranh với Mỹ là không thể chấp nhận được." Tuy nhiên, trong vòng vài tháng Tổng bí thư đã đe dọa lắp đặt tên lửa tấn công ở Cuba.

Việc Tổng bí thư Khrushchev tin rằng ông có thể hoàn thành quá trình lắp đặt mà không bị Mỹ phát hiện, theo ông Dobrynin, là một "tính toán sai lầm chết người." Mục đích của ông ta là gây sức ép bằng tên lửa với tất cả các thành phố của Mỹ tới tận biên giới với Canada. Cuộc khủng hoảng được giải quyết qua các kênh liên lạc bí mật của ông Dobrynin với lãnh đạo ở Washington và Moscow. Kênh bí mật đó trở thành tuyến liên lạc ngoại giao chính thức giữa Washington và Moscow trong thời kỳ Henry Kissinger là Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Richard Nixon. Việc này rất thỏa mãn tính thích bí mật của Nixon, và chắc chắn nó đã góp phần tháo gỡ những nút thắt éo le nhất, tuy nhiên, có thể thấy được qua sự tham gia của ông trong cuộc đàm phán giữa bốn cường quốc, việc sử dụng kênh bí mật rất dễ gây nhầm lẫn và mâu thuẫn.

Ông Dobrynin vẫn sốc trong nhiều năm bởi cách chính phủ của ông lừa dối ông về vấn đề Cuba. Hậu quả lâu dài là cuộc khủng hoảng Cuba đã thúc đẩy chạy đua vũ trang. Hai bên đã chi hàng nghìn tỷ cho đến khi, vào năm 1993, sau những thay đổi sâu sắc tại Nga, đạt được thỏa thuận nhằm giảm hai phần ba sức mạnh hạt nhân chiến lược – xuống mức độ thời Kennedy.

Ông Dobrynin chỉ trích quyết định "ngu ngốc" của Liên Xô khi triển khai tên lửa SS-20 với tính linh động và chính xác cao ở vùng tây Liên Xô, rõ ràng nhằm đe dọa Tây Âu. Hành động này dẫn đến quyết định của Mỹ năm 1979 triển khai tên lửa đạn đạo hai tầng mang đầu đạt hạt nhân Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu, là báo động lớn đối với Moscow. "Tính toán sai lầm tệ hại" của điện Kremlin đã dịch chuyển cán cân hạt nhân sang có lợi cho Mỹ, ông Dobrynin viết.

Một "tính toán sai lầm tệ hại" khác là cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan, hoạt động đối lập của quân đội Nga và dường như không mang bất kỳ mục đích có lợi nào về chiến lược hay kinh tế . Leonid Brezhnev cam đoan với ông Dobrynin vào tháng 1 năm 1980, rằng "Nó sẽ kết thúc trong 3-4 tuần." Trên thực tế, nó đã trở thành "phiên bản chiến tranh Việt Nam của chúng tôi", một "thất bại nhục nhã" "làm rung chuyển chế độ Xô Viết nói chung," ông Dobrynin miêu tả. Ông buồn bực nói thêm rằng cuộc xâm lược đó cũng giúp ông Reagan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, và là sự trừng phạt thích đáng cho Jimmy Carter, người đã trắng trợn phóng đại cuộc xâm lược là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình kể từ Thế chiến II."

Ông Dobrynin cho rằng phản ứng mềm dẻo của phương Tây đối với cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 đã khuyến khích Moscow tấn công Afghanistan. Điều này tương đồng với Munich 30 năm trước đó, khi sự nhu nhược của Anh và Pháp về mối đe dọa đối với Tiệp Khắc đã khuyến khích Hitler gây chiến với Ba Lan vào năm 1939.

Ông Dobrynin viết nhiều về những cơ hội bị bỏ lỡ trong các cuộc đàm phán vũ khí, nhưng những vấn đề này, chẳng khác nào dự báo thời tiết quá khứ, khó mà hấp dẫn. Ông cũng tiết lộ phần quan trọng trong việc thống nhất nước Đức của Tổng bí thư Gorbachev, người đích thân thực hiện tất cả các cuộc đàm phán. Bộ Chính trị không đồng tình với những gì ông Gorbachev đã làm từ trước cho tới khi đó khi họ biết được hành động của ông. Đặc biệt hơn hết là cách ông Gorbachev ban đầu nhận thức cần phải lồng ghép thỏa thuận về Đức với việc thành lập một cấu trúc an ninh mới cho toàn bộ châu Âu, nhưng rồi từ bỏ kế hoạch lớn này, chấp nhận nước Đức thống nhất và gia nhập NATO mà không hề có bất kỳ điều kiện trao đổi nào.

Trong nhiều năm dưới thời Brezhnev, tổ hợp công nghiệp quân sự của Liên Xô trở nên ngày càng có ảnh hưởng và không điều khiển được, ngay cả với Bộ Chính trị. Điều này dẫn đến chạy đua vũ trang theo hình xoắn ốc, dẫn tới hủy hoại cả quan hệ với Mỹ và "sự phát triển kinh tế và xã hội của chúng tôi." Tuy nhiên, ông Dobrynin bác bỏ ý kiến của những người ủng hộ ông Reagan, rằng vấn đề chạy đua về mặt quân sự với Mỹ, đặc biệt là với "Chiến tranh giữa các vì sao" là giọt nước làm tràn ly dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Điều đó có vẻ là do ông không thể chịu được ý nghĩ rằng quốc gia khác có thể có quyết định gây ảnh hưởng đến các vấn đề nội bộ của Nga.

Ngược lại, ông Dobrynin cho rằng, chính ông Reagan đã thay đổi, chấp nhận lập trường "mang tính xây dựng hơn" đối với Liên Xô trong nhiệm kỳ thứ hai, và điều này cho phép ông Gorbachev khởi xướng cải cách. Tuy nhiên, với người quan sát bên ngoài thì không có nghi ngờ gì về việc ngân sách quốc phòng, dù có hay không việc bị thúc đẩy bởi nhu cầu bắt kịp ông Reagan, có liên quan rất nhiều tới sự lạc hướng trong đầu tư và nhân lực kỹ thuật của Liên Xô mà theo ông Dobrynin là sai lầm chí mạng.

Ông Gorbachev nổi bật lên qua lời kể của ông Dobrynin là người chịu trách nhiệm chính cho sự sụp đổ nhanh chóng của đế quốc Liên Xô. Ông ta đã nhận thức đúng rằng thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên, ông đã quá vội vàng. "Thất bại cơ bản của ông ta là không thực sự hiểu vấn đề kinh tế và các chính sách để đối phó." Sau khi mở chiếc hộp Pandora về glasnost (công khai), ông ta "ngày càng bất lực khi đối mặt với những vấn đề thực tại."

Trước khi bắt đầu cuốn sách này, người đọc có thể tự hỏi những gì ông Dobrynin viết liệu có phải sự thật. Cuối cùng, không có gì để nghi ngờ ông; đây là phân tích quan trọng về tất cả các vấn đề Đông Tây chủ đạo thời điểm đó, và là phân tích thẳng thắn của ông Dobrynin về sự sụp đổ của ông Gorbachev. "Đặc biệt tin cậy" rõ ràng là một tác phẩm với những tiết lộ mới, hấp dẫn trong lịch sử kín như bưng của Liên Xô.

IN CONFIDENCE By Anatoly Dobrynin. Edited by Lawrence Malkin. 672 pp. New York: Times Books/ Random House. $30.

'Hồi ký' của David Rockefeller: Sinh ra đã ôn hòa

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Ngày nay, chúng ta thấy nhiều hồi ký của những người có tính cách
lưỡng cực, nhưng đã có thời, trước khi chúng ta để tính tự ái lan ra khắp nơi, thì những người Mỹ nổi bật nhất thường có tính cách hoàn toàn tương phản. Đây là những người tâm tình thường ở nhiệt độ phòng và hiếm khi nổi nóng tới mức lãnh đạm, những người không bao giờ mất bình tĩnh, hay thậm chí lên giọng cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu. Nếu những điều viết trong tự truyện ''Hồi ký'' là đúng sự thật, thì David Rockefeller chính là một con người như vậy, như là Mozart của loại âm nhạc ôn hòa.

Ông không bao giờ tức giận, mặc dù thi thoảng có lúc ''căng thẳng.'' Một sự việc với ông không bao giờ là kinh khủng, nó là ''không chấp nhận được''. Khi chứng kiến cuộc biểu tình của Đức Quốc xã tại nước Đức thời trước chiến tranh, ông ghi chú trong cuốn tự truyện rằng ông cảm thấy ''một cảm giác khó chịu chế ngự.'' Đối mặt với đám đông giận dữ biểu tình năm 1960, ông buồn bã nhận xét họ là ''không đúng mực.''

Dưới đây là đoạn mở đầu đầy cảm xúc của David Rockefeller. Để mô tả một chuyến thăm sớm tới biển Galilee: ''Sự liên kết của vùng đất này tới Kinh Thánh và đoàn mục sư của Chúa Giêsu Kitô khiến đây là phần sâu sắc trong chuyến đi của Đức Cha và, tôi thú nhận, cũng là đối với tôi.'' Để mô tả tình cảm của ông với vợ: ''Tán tỉnh Peggy McGrath cho tôi sự lãng đãng rất dễ chịu và cuối cùng là mối quan hệ quan trọng nhất cuộc đời tôi.'' Để mô tả cuộc đối đầu với đối thủ cay đắng nhất của ông tại ngân hàng Chase Manhattan: "Nếu bất đồng lên đến đỉnh điểm thì chúng tôi có thể đã tiến rất gần tới mức bất lịch sự với nhau."

Rất gần tới mức bất lịch sự! Đây không phải thế giới theo kiểu người Ý hay người Do Thái thường lớn giọng nói chuyện trong bàn ăn. Đây không phải thế giới của Oprah hoặc Camille Paglia hay Elizabeth Wurtzel. Đây là tiếng nói từ thế giới đã mất của sự trầm mặc. Hay nói cách khác, đây là tiếng nói từ thế giới đã mất của Hội Tin Lành.

Mặc dù gia đình ông là mới giàu so với nhiều người, David Rockefeller lớn lên theo đạo lý và cách cư xử của tầng lớp thượng lưu khu vực Bờ Đông. Sinh năm 1915, ông sống trong tư gia lớn nhất thành phố New York, được hầu hạ bởi cả một đội quân đầy tớ, người hầu, bảo mẫu và hầu phòng. Ông và các anh em thường trượt pa-tanh đi học ở Đại lộ số 5, với một chiếc limousine tháp tùng phía sau để đón họ lên khi mệt. Khi David đi từng nhà tặng giỏ đồ ăn lễ Tạ ơn cho người nghèo, có một tài xế riêng mặc chế phục ở bên cạnh giúp ông xách đồ. Gia đình ông vẫn theo phong tục cũ. Cha của Rockefeller đeo cà vạt đen ăn tối mỗi ngày, còn mẹ ông mặc một chiếc váy lịch sự.

Đúng điển hình theo tầng lớp của ông, thời thơ ấu David Rockefeller có nhiều bất động sản hơn là bạn bè. Ngày nghỉ cuối tuần ở biệt thự Pocantico ở Westchester và nghỉ hè ở Maine. Hầu như cả ngày ông ở một mình giữa những vùng đất tuyệt vời. Như thể để hoàn thành hình mẫu cậu bé giàu có đáng thương, cậu David nhỏ sưu tập bọ cánh cứng và vui thích nhất với những con bọ của mình.

Ông đi học ở Harvard, hẳn nhiên, nơi mọi người có cảm giác ông là người ít nói và rụt rè ở các buổi vũ hội sôi nổi chiếm phần lớn thời gian đời sống xã hội của ông. Ông không bao giờ được một điểm A nào ở trường (dù ông được một điểm A- môn côn trùng học (entomology)), nhưng ông là một thanh niên rất nghiêm túc, rồi ông có bằng tiến sĩ kinh tế trước khi bắt đầu sự nghiệp tại Chase, là ngân hàng có quan hệ với gia đình ông từ lâu đời.

Ông đã chứng minh bản thân, theo cách nói của tầng lớp ông, là "ngon lành". Và ông rất giỏi ở hình thức giao lưu đúng mực tại các phòng họp thường được lát gỗ sẫm màu và các khuy măng-sét tinh tế. Với tên tuổi, tài sản và thái độ của mình, ông có thể thân quen với những nhân vật vĩ đại và tử tế, như George C. Marshall, Henry Kissinger, Anwar el-Sadat, v.v. Qua thời gian Rockefeller biến mình thành chính khách doanh nhân hàng đầu thời đại ông. Bất kỳ nơi nào tổ chức thảo luận, với những chai nước được xếp thật đều nhau và những bài thuyết trình đáng nghe về sự cần thiết tăng cường đối thoại quốc tế, Rockefeller đều có mặt. Ông đã có có mặt tại buổi thành lập Ủy ban ba bên, Hội Bilderberg, và Nhóm Pesenti. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế. Khả năng chịu đựng sự nhàm chán của ông chắc hẳn chưa từng có trong lịch sử.

Phần hay nhất của cuốn sách này lần theo con đường Rockefeller đi từ sự cô đơn và thiếu tự tin lên đỉnh cao giới kinh doanh, và vị trí đứng đầu gia tộc. Ông lớn lên không chỉ dưới cái bóng tiền tài và danh tiếng của gia đình mà còn dưới cái bóng của anh trai ông là Nelson. "Tôi thần tượng Nelson,'' ông viết về bản thân khi còn là cậu bé. ''Vào những dịp hiếm hoi khi anh tôi nhớ tới sự tồn tại của tôi và rủ tôi tham gia vào một trong những cuộc phiêu lưu của anh, cuộc đời tôi ngay lập tức biến thành một cái gì đó lớn hơn, tốt hơn và thú vị hơn.''

Nhưng qua sự kiên trì tuyệt đối, qua sự tích lũy không ngừng các mối quan hệ và ảnh hưởng, David đã đạt được thành công sánh ngang với anh trai mình. Không giống Nelson, ông không bao giờ đi lạc khỏi lối sống không thể chê trách, không bao giờ đi một bước nào thiếu thận trọng. Khi Nelson đi lệch đường, qua việc ly dị vợ và kết hôn với Happy, David đã không hề tha thứ. ''Tôi không còn coi anh tôi là người hùng không bao giờ làm điều gì sai, mà là một người đàn ông sẵn sàng hy sinh gần như tất cả mọi thứ cho tham vọng lớn của bản thân.'' David nói rõ, khi cả hai gần đến tuổi nghỉ hưu, ông đã thay thế Nelson đứng đầu gia tộc.

Nhưng cũng có mặt xấu xí trong sự đi lên của Rockefeller. Ông dành cuộc đời mình trong câu lạc bộ giai cấp thống trị và vẫn luôn trung thành với các thành viên của câu lạc bộ, bất chấp những việc họ đã làm. Ông cố gắng bao che cho Alger Hiss khỏi rắc rối khi ông này bị cáo buộc là điệp viên Cộng sản. Ông cũng cố gắng tìm nơi trú ẩn cho vị Shah của Iran sau khi ông ta bị lật đổ. Đôi khi lòng trung thành của ông với các thành viên cùng câu lạc bộ là rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ông thường lạnh lùng lánh xa những chuyện kinh hoàng mà bạn bè và những mối quen biết của ông gây ra bên ngoài cánh cổng cung điện kia. Ông dành phần lớn sự nghiệp tại Chase làm ăn với các bạo chúa -- tỏ lòng tôn kính với các nhà độc tài giàu dầu mỏ, ngồi qua các cuộc họp lê thê với những người Trung Quốc gây ra Cách mạng Văn hóa (có người từng giao chiếc vali chứa 50.000 đô-la tiền mặt cho người Trung Quốc để Rockefeller có thể họp với đại sứ của họ), và gặp gỡ với những người đứng đầu đảng Cộng sản Liên Xô. Những mối quen biết này thường dẫn đến các thỏa thuận có lợi cho Chase. Và các thỏa thuận ấy thường đem lại lợi ích cho bè phái cầm quyền ở các quốc gia đó. Nhưng theo cách mà ngày nay chính ông đã lãng quên, Rockefeller đã bị vấy bẩn bởi sự thân thiết của ông với những kẻ bạo chúa côn đồ ấy. Khi các lực lượng dân chủ chiến đấu với các lực lượng độc tài chuyên chế, Rockefeller luôn cùng phe với bất kỳ ai đang nắm được quyền lực.

Cuối cùng, cuốn sách này không đưa ra lời giải cho một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20: điều gì xảy ra với Hội Tin Lành? Trong 200 năm qua một số loại người nhất định thuộc một nền văn hóa nhất định chiếm những đỉnh cao chỉ huy của xã hội Mỹ. Sau đó, đột nhiên vào khoảng những năm 1960. . . bụp! . . . họ biến mất. Chỉ trong một chớp mắt lịch sử hầu hết các mạng lưới quyền lực, quy tắc ứng xử và các tổ chức mà Hội Tin Lành đã xây dựng đều bị loại bỏ hoặc chuyển đổi không thể nhận ra nổi. Và điều đáng kinh ngạc là thành viên của hội thậm chí không hề chống lại.

Cuộc cách mạng diễn ra trong gia đình của Rockefeller cũng như toàn xã hội. Tất cả con ông đều bác bỏ giáo hội ông từng tham gia. Một người con của ông trở thành người ''phân biệt giới tính'' (theo lời tạp chí New York); người khác thì giúp tài trợ cho The Real Paper, tờ tuần báo khác ở Boston. Rockefeller không thể tự bảo vệ mình chống lại các cuộc tấn công, không thể bảo vệ đạo lý sống, dịch vụ công và văn hóa doanh nghiệp vốn đã tạo dấu ấn riêng lên cuộc đời ông.

Và lý do ông không thể tự bảo vệ mình, trước hết, là cảm giác mãnh liệt tránh xung đột. Chống lại không phải cách cư xử tốt. Nhưng cơ bản hơn, mặc dù Rockefeller với thế giới có vẻ là một ông chủ ngân hàng bảo thủ, ông tự xem bản thân, cuốn sách đã cho thấy rõ điều này, như một tác nhân tiến bộ cho sự thay đổi. Không hề gắn bó với quá khứ và đạo lý cũ, David Rockefeller, và thực sự là tất cả người họ Rockefeller, luôn thích những điều mới. Họ chấp nhận mọi lý thuyết giáo dục mới, mọi phong cách nghệ thuật mới, từng xu hướng kiến trúc mới, từng mốt kinh doanh mới. Và thế nên khi thập kỷ 1960 đến và dường như lại đại diện cho một tương lai mới tươi sáng, nhiều người nhà Rockefeller trẻ cũng nắm lấy cơ hội, thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc hủy diệt vị trí của mình trong xã hội, và những người lớn tuổi không nói gì.

Theo đoạn hồi ký điềm tĩnh chưa tiết lộ này cho thấy, sẽ không bao giờ có một người như David Rockefeller, người đại diện đạo lý của Hội Tinh Lành và thu hút nhiều nhất các thuyết âm mưu. Vào những năm 1960, một thế hệ mới xuất hiện phá vỡ thế giới của ông, và để đáp lại, ông sẵn sàng gần như tiến tới mức bất lịch sự.

Toàn cầu hóa và bất bình đẳng: Làn sóng mới

nguồn: The Economist,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Thật đáng ngạc nhiên khi nguyên nhân của sự bất bình đẳng vẫn ít được biết đến. Một nhà kinh tế người Mỹ gốc Serbia đã đề xuất một giả thuyết thú vị.

Đây là thời đại vàng để nghiên cứu sự bất bình đẳng. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp, đã thiết lập tiêu chuẩn từ năm 2014 khi cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông được xuất bản bằng tiếng Anh và bán rất chạy. Cuốn sách đã chỉ ra những đường nét chính về cuộc khủng hoảng bằng lý thuyết sâu rộng về lịch sử kinh tế. Ông cho rằng sự bất bình đẳng, vốn đã giảm trong khoảng những năm 1930 đến những năm 1970, đã tăng mạnh trở lại lên mức độ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp. Gần đây, Branko Milanovic, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thu nhập Luxembourg và trường Đại học Thành phố New York, đã viết một cuốn sách toàn diện tiếp nối vấn đề trên. Cuốn sách này củng cố thêm rằng chúng ta biết rất ít về các lực kinh tế trong thời gian dài.

Trên một số phương diện, cuốn "Bất bình đẳng toàn cầu" ít tham vọng
hơn cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21". Cuốn sách này ngắn hơn, và được viết như một bài nghiên cứu chứ không nặng về kiến thức uyên thâm chuyên sâu và phù hợp với đối tượng độc giả rộng hơn.

Giống như Piketty, tác giả Branko Milanovic bắt đầu với hàng chồng dữ liệu thu thập qua nhiều năm nghiên cứu. Ông xác định xu hướng của từng quốc gia khác nhau trong bối cảnh toàn cầu. Trong 30 năm qua, thu nhập của người lao động ở khoảng giữa thang phân phối thu nhập toàn cầu—chẳng hạn như công nhân tại công xưởng ở Trung Quốc—đã tăng mạnh, cũng như thu nhập của những người giàu nhất 1% (xem biểu đồ). Đồng thời, thu nhập của tầng lớp lao động trong các nền kinh tế phát triển đã chững lại. Động lực này đã giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều này cũng khiến sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu chững lại, và thậm chí có lẽ còn giảm xuống lần đầu tiên kể từ khi công nghiệp hóa bắt đầu.

Để giúp giải thích vấn đề này, tác giả Milanovic cung cấp cho người đọc rất nhiều mô hình trí tuệ sắc sảo. Ông cho hay, chẳng hạn, vào buổi bình minh của thời công nghiệp hóa, bất bình đẳng trong các quốc gia (hay bất bình đẳng do giai cấp) là nhân tố chính gây nên khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo. Sau công nghiệp hóa, bất bình đẳng giữa các quốc gia (hay bất bình đẳng do vị trí địa lý) trở nên hệ trọng hơn. Nhưng khi khoảng cách giữa các quốc gia hẹp lại, bất bình đẳng do giai cấp sẽ trở nên đáng ngại hơn khi hầu hết những khác biệt về thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ lại một lần nữa là do chênh lệch trong chính các quốc gia. Giữa phần thảo luận, tác giả thêm thắt những nhận xét lý thú, chẳng hạn như làm thế nào thu nhập và bất bình đẳng giảm trong thời Đế chế La Mã.

Đóng góp táo bạo nhất của tác giả Milanovic là về "làn sóng Kuznets" thay thế cho hai lý thuyết hiện hành khác về bất bình đẳng. Simon Kuznets, nhà kinh tế học thế kỷ 20, đã lập luận rằng bất bình đẳng thấp ở mức phát triển thấp, tăng lên trong thời công nghiệp hóa và giảm xuống khi các nước đạt đến mức phát triển kinh tế nhất định; bất bình đẳng cao là tác dụng phụ tạm thời của quá trình phát triển. Nhà kinh tế Piketty đưa ra giải thích khác: bất bình đẳng cao là trạng thái tự nhiên của nền kinh tế hiện đại. Chỉ có những sự kiện bất thường, như hai cuộc thế chiến và Đại suy thoái những năm 1930, mới làm gián đoạn cân bằng bình thường này.

Tác giả Milanovic cho rằng cả hai đều nhầm lẫn. Ông cho rằng: xuyên suốt lịch sử bất bình đẳng có xu hướng theo chu kỳ: Làn sóng Kuznets. Trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các làn sóng này bị chi phối bởi động lực Malthusian: bất bình đẳng sẽ tăng khi các quốc gia thịnh vượng và có thu nhập cao, sau đó sẽ giảm khi chiến tranh hay nạn đói kéo thu nhập trung bình trở lại mức chỉ vừa đủ sống. Cùng với công nghiệp hóa, các lực tạo ra sóng Kuznets cũng thay đổi: do công nghệ, sự cởi mở và chính sách (technology, openness, và policy viết tắt là TOP). Trong sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào thế kỷ 19, toàn cầu hóa và thay đổi chính sách đã cùng tăng cường lẫn nhau đem tới thay đổi kinh tế mạnh mẽ. Người lao động được chuyển từ trang trại sang nhà máy, thu nhập trung bình và bất bình đẳng tăng vọt và thế giới trở nên kết nối theo cách trước đây chưa từng thấy. Sau đó, nhiều lực tác động, một số tiêu cực (chiến tranh và biến động chính trị) và một số tích cực (giáo dục tăng lên) ép bất bình đẳng xuống mức thấp thời những năm 1970.

Kể từ đó, các nước giàu đã trải qua một đợt sóng Kuznets mới, do một kỷ nguyên thay đổi kinh tế khác thúc đẩy. Tiến bộ công nghệ và thương mại liên kết với nhau vắt kiệt người lao động, tác giả lập luận; công nghệ giá rẻ được thực hiện tại nước ngoài, làm suy yếu khả năng thương lượng trực tiếp của công nhân ở các nước giàu, và khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng thay thế con người bằng máy móc. Sức mạnh kinh tế của người lao động suy giảm kéo theo quyền lực chính trị bị mất do giới rất giàu sử dụng tài sản gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên và các cuộc bầu cử.

Phân tích này mang theo yếu tố dự báo. Tác giả Milanovic dự đoán rằng bất bình đẳng ở các nước giàu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Mỹ, trước khi bắt đầu giảm. Quan trọng hơn, ông cho rằng chiều hướng đi xuống của bất bình đẳng sau một đợt sóng Kuznets là kết quả tất yếu của thời kỳ gia tăng trước đó. Trong khi nhà kinh tế Piketty nhìn nhận các sự kiện lịch sử đầy sự bất bình đẳng đầu thế kỷ 20 là điều ngẫu nhiên, thì tác giả Milanovic lại tin rằng chúng là kết quả trực tiếp do bất bình đẳng tăng cao. Việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư nước ngoài gây nguy hại đến chủ nghĩa đế quốc và đã châm ngòi cho chiến tranh. Có sự tương đồng, tuy không hoàn toàn, với kinh tế hiện đại; các nền kinh tế giàu có dường như chững lại do giới siêu giàu đang gặp khó khăn tìm nơi đầu tư kiếm lợi cho khối tài sản lớn họ sở hữu.

Phân tích của tác giả Milanovic cho thấy một số khả năng xấu khi nhìn về tương lai. Nước Mỹ đang có khả năng rơi vào chế độ tài phiệt phi dân chủ, dựa trên tình trạng an ninh ngày càng mở rộng. Tại châu Âu cánh hữu ủng hộ người bản xứ đang gia tăng. Tin tốt là các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ tiếp tục con đường tiến tới mức thu nhập của các nước giàu—dù vậy, tác giả thừa nhận rằng điều đó không được đảm bảo, và có thể bị đe dọa bởi khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc hay ở các thị trường khác.

Kết luận của cuốn sách có thể khiến độc giả không mấy hài lòng. Lý thuyết về bất bình đẳng gia tăng cuối cùng sẽ dẫn đến những điều chỉnh xã hội bù lại nghe có vẻ đúng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. Khi nào thì chiến tranh, chứ không phải cách mạng, kết quả có thể có của bất bình đẳng, sẽ xảy ra? Liệu các chính phủ có bị động trong các chu kỳ, hay liệu họ có thể hành động trước để san bằng những con sóng và tránh khủng hoảng do bất bình đẳng tăng cao? Những đóng góp của tác giả Milanovic cuối cùng cũng giống như của tác giả Piketty. Các dữ liệu nhà kinh tế này đưa ra cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về những vấn đề kinh tế hóc búa, và lý thuyết táo bạo của ông đã phá bỏ những lý thuyết kinh tế chính thống nhàm chán. Nhưng bên cạnh việc làm sáng tỏ cơ chế của kinh tế toàn cầu, lý thuyết tổng quát này cũng cho thấy rõ mức độ thiếu hiểu biết hiện nay của chúng ta ra sao.

Những bộ óc chiết trung đằng sau sự chuyển mình của châu Á

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Trong vài năm qua, Bill Gross, giám đốc quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới và là một người nhạy bén thị trường, đã so sánh người Mỹ với Blanche DuBois, cô đào luống tuổi người miền nam trong phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng", khi cô nói rằng mình "luôn dựa vào lòng tốt của người lạ."

Ông Gross lo ngại rằng tương lai nền kinh tế của chúng ta cũng đang dần rơi vào tay những người xa lạ. Ông lưu ý rằng Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Các cường quốc châu Á — và, ở một mức độ thấp hơn là hàng xóm của họ như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore — đã cho phép chúng ta vung tay quá trán trong một thời gian bởi các quốc gia này đã tốt bụng mua lại núi nợ của chúng ta.

Sau đây chúng ta sẽ biết rõ thêm về các quốc gia này. Đã có thời chúng ta có thể tự mãn chỉ bảo cho họ về cách điều hành nền kinh tế như thế nào. Giờ đây các chủ nợ châu Á lại có thể sai bảo chúng ta.

Nếu bạn quan tâm đến câu chuyện châu Á đã trở thành một con hổ kinh
tế như thế nào, hãy tìm đọc cuốn “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth” ("Châu Á thần kỳ: Thiên sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của châu Á") (Collins Busines), câu chuyện sống động của tác giả Michael Schuman về sự chuyển đổi kinh tế của khu vực này trong hơn 60 năm qua. Tác giả Schuman có hiểu biết rất gần gũi với đề tài này. Ông là phóng viên kinh tế khu vực châu Á của tạp chí Time; trước đó, ông là phóng viên cho tờ The Wall Street Journal ở Hàn Quốc và Indonesia. Ông Schuman không chỉ là một phóng viên lành nghề — ông cũng là một nhà báo kể chuyện đầy tài năng.

Một số người cho rằng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của châu Á. Suy cho cùng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đều thấm đẫm văn hóa tự lực Nho giáo.

Cũng không nên xem nhẹ yếu tố chính trị. Chính phủ châu Á thường bảo vệ các công ty được ưu tiên tại nội địa để họ có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Độc giả có nhớ khi Lee Iacocca, giám đốc điều hành của Chrysler, nổi giận khi ông cho rằng mình không chỉ phải cạnh tranh với "ngài Honda và ngài Toyota", mà còn với cả bộ máy chính phủ Nhật Bản? Ông Iacocca có thể hơi phóng đại một chút nhằm gây chú ý, nhưng ông không hề hoang tưởng.

Tuy nhiên, tác giả Schuman cho rằng các nhà kinh tế đã bỏ qua yếu tố thứ ba trong sự thần kỳ kinh tế châu Á. Ông lý giải rằng kể từ năm 1950, khu vực này đã "may mắn" có được những chính trị gia vô cùng tài năng và những lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm thành công về mặt kinh tế.

Những chính trị gia và lãnh đạo ấy thật ra vốn rất khác nhau. Một số người là nhà độc tài như Park Chung Hee của Hàn Quốc và Suharto của Indonesia; một số khác thì xây dựng lại Chủ nghĩa Cộng sản như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc.

Ngoài ra, đã có những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc như Soichiro Honda của Nhật Bản, công ty sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên mở nhà máy ở Mỹ; Stan Shih của Đài Loan, người sáng lập công ty máy tính Acer; và Azim Premji của Ấn Độ, một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách đi tiên phong trong ngành công nghiệp gia công phần mềm.

Cuốn "Châu Á thần kỳ" sẽ được phát hành vào ngày 30 tháng 6, là câu chuyện về những đại gia Gatsby của châu Á và nhiều điều khác nữa. Và không phải tất cả họ đều là thánh nhân. Vài người trong số đó đã cho hoạt động những xưởng gia công bóc lột gây nhiều tranh cãi. Những người khác thì đàn áp đối thủ khác ý thức hệ. Nhưng, tác giả Schuman viết rằng, "tất cả họ đều chia sẻ mục tiêu chung là: đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, xây dựng quốc gia mới từ các thuộc địa bị phân tách, đưa châu Á vào đúng chỗ của mình trên trường quốc tế."

Tác giả Schuman khiến người đọc khó mà không ủng hộ hầu hết các cá nhân đáng chú ý ấy.

Ông kể lại bản thân mình đã kinh hãi thế nào khi lần đầu tiên ông đến thăm Ấn Độ vào năm 1991 và chứng kiến mọi người đánh răng trong dòng nước bẩn thỉu của sông Hằng. Giờ đây ông say sưa kể lại cách châu Á "những người vốn sẽ mãi ngập gối sâu trong cánh đồng lúa lầy lội, sống trong những túp lều tranh với chế độ ăn chỉ đủ qua ngày giờ đây làm việc trong những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép có điều hòa không khí, sống xa hoa trong những tòa cao ốc với tủ lạnh chất đầy đồ ăn và nhâm nhi những chén cà phê cappuccino Starbucks."

Nhưng sự thịnh vượng của châu Á đã khiến chúng ta phải trả giá, và cuốn sách không bàn đầy đủ về điều này. Tác giả Schuman cho rằng điều thần kỳ của châu Á cũng mang lại lợi ích cho người Mỹ. Ông chỉ ra rằng nhờ vào phép lạ ấy mà chúng ta có thể mua được quần jean giá rẻ tại Wal-Mart. Ông cho rằng hiện giờ chúng ta có quan hệ tốt với Trung Quốc do hai nền kinh tế đang thắt chặt với nhau.

Ông Gross lại đưa ra một luận điểm tinh tế hơn. Một số các quốc gia trong số đó đang bỏ vốn bù thâm hụt của chúng ta và cung cấp cho chúng ta rất nhiều hàng hóa sản xuất sang trọng giá rẻ. (Bạn nghĩ ai đang lắp ráp những chiếc iPhone cho Apple? Là người Trung Quốc, tất nhiên rồi).

Đúng vậy, là do chúng ta tự chuốc lấy. Nhưng giờ đây khi Mỹ đang gắn chặt với Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao chúng ta lại nghĩ họ sẽ đối xử nhẹ nhàng với chúng ta? Nếu các ông chủ châu Á đang sở hữu trái phiếu Mỹ bắt đầu bán các khoản nợ của chúng ta, thì tình hình nước Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Cuốn sách bỏ qua điều này.

Hãy nhớ rằng Blanche DuBois rõ ràng đã lao đầu vào rắc rối ở phần cuối phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng." Đó là điều sẽ xảy đến khi bạn dựa vào lòng tốt của người lạ. Hy vọng chúng ta sẽ không có số phận tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ cần điều thần kỳ của riêng mình để có thể tồn tại.

Lịch sử kinh tế Mỹ: Gia tốc

nguồn: The Economist, 

biên dịch: Quỳnh Anh,
   
Vì sao tăng trưởng kinh tế vọt lên ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20, và vì sao nó sẽ không sớm tăng trở lại.

Ngày 20 tháng 1, những người tự coi mình là tầng lớp thượng lưu của
thế giới sẽ tập trung ở thị trấn nghỉ mát Alpine tại Davos để chiêm ngưỡng "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", chủ đề được chọn bởi ông Klaus Schwab, người cầm trịch tại sân khấu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ lớn hơn hết thảy những gì thế giới đã chứng kiến trước đây, ông cho biết. Đây sẽ là một cơn sóng thần nếu so với những cơn gió trước đó. Và sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn. Nó sẽ liên thông nhiều hơn; thực chất, cuộc cách mạng sẽ diễn ra "bên trong một hệ sinh thái phức tạp". Cuộc cách mạng sẽ không chỉ thay đổi những việc con người làm mà còn thay đổi chính bản chất con người.

Bất kỳ ai thấy hứng thú với ý kiến này hãy đọc cuốn sách mới rất tuyệt vời của Robert Gordon. Là một nhà kinh tế học người Mỹ giảng dạy tại Đại học Northwestern, tác giả Gordon từ lâu đã nổi tiếng trong giới học thuật do thúc đẩy ba lập luận công kích vào niềm tin của đa số. Thứ nhất là cuộc cách mạng internet đã bị thổi phồng. Thứ hai là cách tốt nhất đánh giá mức độ thổi phồng là nhìn vào những thập kỷ sau cuộc nội chiến, khi nước Mỹ biến đổi nhờ các phát minh như xe có động cơ và điện. Thứ ba là thời hoàng kim của sự tăng trưởng Mỹ có thể đã qua.

Trong cuốn “The Rise and Fall of American Growth” ("Sự thăng trầm của tăng trưởng kinh tế ở nước Mỹ"), tác giả Gordon hướng tới độc giả bình dân—và ông viết với phong cách tự tin đặc biêt, củng cố các lập luận của mình bằng nhiều ví dụ sinh động cũng như các dữ liệu kinh tế lượng, trong khi vẫn thận trọng về tác động của thay đổi kinh tế đối người dân Mỹ bình thường. Ngay cả khi lịch sử đổi hướng, và thuyết thăng-trầm của ông Gordon có vẻ sai, cuốn sách này vẫn sẽ tồn tại như một sự tái hiện tuyệt vời về đời sống vật chất ở Mỹ trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Các cuộc cách mạng công nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đã thay đổi thế giới. Không thể nhận ra cuộc sống của người Mỹ thời kỳ trước đó. Ý niệm của họ về tốc độ được xác định bằng ngựa. Nhịp điệu hằng ngày được quyết định bằng chuyển động của mặt trời. Nhiệm vụ cơ bản nhất hằng ngày—lấy nước để tắm hoặc giặt quần áo—là công việc chân tay vô cùng vất vả. Như tác giả Gordon cho thấy, một loạt các cuộc cách mạng đã thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Phát minh ra điện mang lại ánh sáng cho buổi tối. Phát minh ra điện thoại đã giết chết khoảng cách. Việc phát minh ra điều General Electric gọi là "đầy tớ chạy bằng điện" đã giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng việc nhà. Tốc độ thay đổi cũng rất đáng chú ý. Trong khoảng 30 năm từ năm 1870 đến năm 1900, các công ty đường sắt xây thêm 20 dặm đường mỗi ngày. Bước sang thế kỷ mới, Sears Roebuck, công ty đặt hàng qua thư thành lập năm 1893, hoàn thành 100.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ cuốn ca-ta-lô dày 1.162 trang. Giá xe giảm mạnh 63% từ năm 1912 đến năm 1930, trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ sở hữu một chiếc xe tăng từ 2% đến 89,8%.

Mỹ nhanh chóng đi trước phần còn lại của thế giới trong hầu hết tất cả các công nghệ mới—như tốc độ của một đầu máy so với tốc độ như ốc sên của châu Âu, theo lời Andrew Carnegie. Năm 1900, người Mỹ có số điện thoại trên đầu người gấp bốn lần người Anh, gấp sáu lần so với người Đức và 20 lần so với người Pháp. Chỉ riêng thành phố Chicago của Mỹ có tới gần một phần sáu lưu lượng giao thông đường sắt toàn thế giới đi qua. Ba mươi năm sau người Mỹ sở hữu hơn 78% xe ôtô toàn thế giới. Cho đến năm 1948 người Pháp mới tiếp cận được xe ôtô và điện như người Mỹ đã có từ năm 1912.

Cuộc Đại suy thoái đã một phần làm chậm đà nước Mỹ. Nhưng khu vực tư nhân tiếp tục đổi mới. Theo một số tính toán, những năm 1930 là thập kỷ có năng suất cao nhất về số lượng phát minh và sáng chế được cấp tương ứng với kích cỡ của nền kinh tế. Chính phủ Franklin Roosevelt đầu tư vào năng lực sản xuất bằng Cơ quan phát triển kinh tế khu vực Thung lũng Tennessee và đập Hoover.

Thế chiến II đã chứng minh sức mạnh đáng kinh ngạc của cỗ máy sản xuất nước Mỹ. Sau năm 1945, Mỹ củng cố tính ưu việt toàn cầu của mình thông qua việc xây dựng một trật tự thế giới mới, với Kế hoạch Marshall và các định chế Bretton Woods, và đổ tiền vào giáo dục đại học. Những năm 1950 và 1960 là thời kỳ vàng son thịnh vượng đến mức ngay cả những người chỉ học xong trung học cũng có thể có một công việc ổn định, một ngôi nhà ở ngoại ô và chế độ hưu trí an toàn.

Nhưng giọng văn của tác giả Gordon ảm đạm dần khi đi vào những năm 1970. Bất ổn kinh tế gia tăng khi các công ty nổi tiếng của Mỹ bàng hoàng trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, và giá nhiên liệu tăng do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng giá dầu. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng do nhóm người giàu vượt xa phần còn lại. Năng suất tăng trưởng đã giảm: từng đạt bình quân 2,82% mỗi năm từ năm 1920 đến năm 1970, sản lượng mỗi giờ giữa năm 1970 và năm 2014 tăng với tỷ lệ hàng năm không quá 1,62%. Nước Mỹ ngày nay phải đối mặt với những cơn gió ngược rất mạnh mẽ: dân số lão hóa, chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng cao, gia tăng bất bình đẳng và tệ nạn xã hội.

Liệu có cơ hội nào để đất nước khôi phục động lực đã mất? Tác giả Gordon không có thời gian cho những người tin vào thế giới công nghệ không tưởng với ý nghĩ rằng cuộc cách mạng thông tin sẽ cứu rỗi nước Mỹ khỏi "sự trì trệ kinh niên". Thái độ của ông với cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) cũng tương tự như của Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm, người nổi tiếng với câu nói: "Chúng ta muốn xe bay được nhưng thay vào đó chúng ta có 140 ký tự." Nước Mỹ đã thu hoạch hết thành quả của cuộc cách mạng CNTT. Tốc độ tăng trưởng tăng lên mỗi năm trong thập kỷ sau năm 1994, nhưng đà tăng không kéo dài được bao lâu và đã giảm trở lại kể từ đó.

Hiện nay tác giả Gordon cho rằng định luật Moore đang bắt đầu lu mờ dần và nền kinh tế mới đang trở thành ảo ảnh. Có thể hiểu được khi Gordon không mấy để ý đến những người kiểu Davos vốn không hiểu gì về lịch sử: ngay từ đầu xe không người lái sẽ chẳng thể thay đổi thế giới là bao so với phát minh xe hơi. Chắc chắn Gordon cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn bất thường trong tương lai.

Tuy nhiên, tác giả đi quá xa khi xem thường cuộc cách mạng CNTT hiện nay. Nửa đầu cuốn sách rất xuất sắc, nửa sau có thể hơi gây thất vọng. Tác giả Gordon xem nhẹ khả năng CNTT thay đổi cuộc sống của con người và ông không nói nhiều về mức độ trí thông minh nhân tạo sẽ củng cố điều này. Ông cũng không chấp nhận mức độ mà, nhờ công nghệ in 3D và kết nối internet mọi vật, cuộc cách mạng thông tin đang lan rộng từ thế giới ảo đến thế giới vật chất thực. Tác giả Gordon có thể đúng khi cho rằng cuộc cách mạng CNTT sẽ không khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như nước Mỹ từng chứng kiến. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng chắc chắn ông đã sai khi đánh giá thấp mức độ cuộc cách mạng đang làm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...