nguồn: New York Times,
biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,
Trong cuốn sách rất phong cách “Intimate History of How We Keep Things Close” (Chi tiết về lịch sử cách thức chúng ta giữ đồ đạc sát mình), tác giả Hannah Carlson mở ra những quy luật đằng sau vấn đề ai có đặc quyền được giấu đồ của bản thân, và giấu ở đâu.
Bài điểm sách nghiên cứu văn hóa của Hannah Carlson về những chiếc túi bị trì hoãn khá lâu. Vì sao ư? Người điểm sách của bạn lại… làm mất chìa khóa rồi. À không, chìa khóa không được gắn AirTag.
Trước khi xác định được vị trí của chùm chìa khóa leng keng nhỏ bé này, vốn bị nhét vào ngăn bên cạnh chiếc lồng gia đình tôi từng dùng để vận chuyển mèo khi nhận nuôi hai chú mèo con nghịch ngợm, tôi cứ đoan chắc chìa khóa bị rơi ở bãi đậu xe của trung tâm cứu trợ động vật, cách hai giờ đi xe ra ngoại ô, và tôi rất lo lắng nghĩ phương cách thuyết phục các nhân viên cực kỳ bận rộn giúp tôi tìm lại.
Nhưng một người bạn có cô vợ luôn đánh mất đồ trấn an tôi chìa khóa nhất định sẽ được tìm thấy ở gần nhà tôi mà thôi. “Thường ở trong túi quần áo,” anh ấy nói với vẻ bình tĩnh tự nhiên của một người mặc quần áo chưa từng thiếu túi. Nói cách khác, một người đàn ông.
“Chiếc túi phân biệt giới tính” là nguyên lý trung tâm trong tác phẩm của Carlson, dù chủ đề này nghe có vẻ tầm thường như trò giễu nhại, như vở nhạc kịch về những chiếc ghế đẩu trong kiệt tác năm 1996 của Christopher Guest “Waiting for Guffman” (Chờ đợi Guffman). Hệt như phong bì và ống nghiệm, giá trị của những chiếc túi được xác định bằng không gian trống bên trong. Thiếu đi những món đồ, chúng chỉ còn là tiềm năng: một chiếc túi để trang trí, khá nhất thì cũng đẹp, còn tệ nhất thì gây khó chịu vô cùng. Những chiếc túi đang chờ đợi những món đồ.
Tác giả Carlson, giảng viên về lịch sử trang phục tại Trường Thiết kế Rhode Island, tỉ mỉ theo dõi quá trình những chiếc túi quần áo là — và ở mức độ nào đó vẫn vậy — một nghi thức trong văn hóa phương Tây dành cho riêng con trai. “Con bé có ĐỒ VẬT CẦN CẤT GIỮ, như mấy viên đá và siêu nhân Power Rangers,” tác giả trích lời một bà mẹ cầu xin các nhà sản xuất quần áo trong một dòng tweet lan truyền nhanh chóng về khuyết điểm trong trang phục của con gái cô. “Con bé đành phải bỏ đồ vào áo mình.”
Trong ít nhất 100 năm, nhiều tạp chí, tiểu thuyết và hội họa Mỹ mô tả với thái độ kinh ngạc trìu mến về những món đồ kỳ quặc các chàng trai trẻ có thể nhét vào trong túi quần mình theo cách của Tom Sawyer, từ những chiếc còi và con dao, đến viên bi và nắp chai, hoặc còn có thể là một con chuột hoặc con rùa còn sống. Nhưng không được cho bàn tay vào túi quần, các nhà chức trách la mắng, vì như thế sẽ để tay quá gần bộ phận sinh dục — dù rằng cử chỉ đó rốt cuộc lại trở thành biểu hiện “thái độ ngông và ngoài vòng pháp luật thật ngầu.”
Tôi lập tức nghĩ ngay đến James Dean và chiếc quần bò của anh ấy! Điều đó không nằm trong những trang sách này, trí tuệ và sâu sắc hơn nhiều so với những chuyên khảo thời trang thông thường bạn gặp; cũng không có thành viên của Hiệp hội Kẹo mút trong “The Wizard of Oz”, nhét ngón tay cái vào túi chiếc quần ống tiện dụng sau khi nhóm bạn nhảy nữ, Liên đoàn Bài hát ru, quay vòng trong chiếc váy xòe thanh tú.
Walt Whitman có ở đây, đảo lộn và chế giễu những người thời Victoria cứng nhắc với bức chân dung mang tính cách mạng trên trang bìa cho “Leaves of Grass (Lá Cỏ)”, tay đút túi một cách đầy thách thức. Robinson Crusoe của Daniel Defoe cũng vậy, bơi trong bộ quần áo nhồi đầy bánh quy. Không giống như chuột túi cái, phụ nữ (và các công dân hạng hai khác trong lịch sử) luôn gặp khó khăn hơn trong việc giữ túi đựng đồ gần sát người. Emily Dickinson là một trong số ít người tranh luận thắng người thợ may quần áo của mình để có được ngăn đựng bút chì và giấy. Cô ấy “có phòng riêng — và một chiếc túi đáng tin cậy,” Carlson viết.
Những sửa đổi trang phục như vậy rất hiếm ở Mỹ, ở nơi này hình dáng nữ tính trở nên bất khả xâm phạm đến mức ngay cả áo khoác của Quân đoàn Nữ trong Thế chiến II cũng không có đủ ngăn đựng đồ. “Có phải chỉ một bao thuốc lá cũng có khả năng làm hỏng hình dáng bộ ngực, khiến nó trông gồ ghề biến dạng, một dạng ẩn dụ cho nỗi sợ hãi lớn nhất của quân nhân — rằng sau khi gia nhập quân đội, phụ nữ sẽ không còn được coi là phụ nữ nữa?” tác giả đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, chỉ một chút sửa đổi nhỏ thêm chiếc túi có thể tượng trưng cho sự tự do theo nghĩa đúng nhất. Tác giả kể về những nô lệ bỏ trốn may quần áo của mình theo cách giảm nguy cơ bị bắt lại: thêm “không gian tiện dụng hữu ích trong di chuyển đồng thời biến đổi căn bản một bộ đồ nô lệ tầm thường — áo khoác không túi — thành trang phục đáng trọng, hợp thời hơn.”