nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Trong cuốn sách “The greatest capitalist who ever lived (Nhà tư bản vĩ đại nhất từng sống)”, các tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman kể lại những trận chiến mang đầy tính chất phức cảm Oedipus đã thúc đẩy thành tựu công nghệ của tập đoàn như thế nào trong những năm 1960 và nhiều hơn thế nữa.
Thomas J. Watson Jr., ngay từ khi còn trẻ, dường như được định sẵn sẽ thất bại. Sinh năm 1914, khi nhỏ ông là cậu bé nóng nảy và thường chán nản. Hàng xóm gọi cậu với cái tên “Tommy tồi tệ”. Cậu suýt không lấy được bằng tốt nghiệp trung học sau khi theo học ba trường khác nhau. Cha cậu, ông Watson Sr., người đứng đầu IBM, là người đàn ông độc đoán, khiến cậu con trai phải chịu đựng sự kết hợp điển hình của tình cảm xa cách và tính khí ác nghiệt. Watson con đáp lại bằng cách trở thành kẻ nổi loạn và lưu manh.
“Cậu ta nghịch lửa, bắn động vật ở đầm lầy gần đó, và ăn trộm đồ đạc của hàng xóm,” tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman viết trong cuốn “The greatest capitalist who ever lived,” đây là cuốn sách tiểu sử mới hấp dẫn về Watson con. Anh nói rất rõ mình chưa bao giờ muốn làm việc tại công ty cha anh điều hành. Tuy nhiên, cuối cùng Watson con lại nắm quyền điều hành IBM, đánh bại người em trai ngoan ngoãn hơn, Dick Watson, giành được quyền kiểm soát đế chế của cha mình.
Đây không phải cuốn sách đầu tiên về IBM. Đây cũng không phải cuốn sách đầu tiên về cha con Watson Sr. và Jr. (Năm 1990, Watson con viết cuốn “Father, Son & Co. (Cha, con và công ty),” cuốn hồi ký ăn khách, khẳng định hai cha con ghét nhau đến mức nào, ít nhất là theo lời kể của người con trai.) Nhưng đây có lẽ là cuốn sách kịch tính nhất về IBM từng được xuất bản. Tác giả McElvenny, tình cờ cũng là cháu trai cả của ông Watson Jr., nắm nhiều bí mật “giấy tờ cá nhân và công ty” và, như phần chú thích cuối sách chỉ rõ một cách đầy bí ẩn, cả nhiều “nguồn tin gia đình”. Cùng với Wortman -- nhà sử học quân sự, ông biến các thành viên nhà Watson thành những nhân vật gần giống như kịch Shakespeare, như thể phim “Succession” (Kế nghiệp) lấy bối cảnh thời đại của phim “Mad Men” (Những gã điên). Trong một cảnh tượng khó quên, người em trai bị bỏ rơi Dick Watson, bị đẩy ra khỏi IBM năm 1970, uống quá chén trên máy bay, bắt đầu tấn công tiếp viên hàng không và cuối cùng bất tỉnh trong tình trạng “tay chân dang rộng khắp phòng chờ hạng nhất”. (Khi đó ông ấy là đại sứ Mỹ tại Pháp.)
Cuốn “The greatest capitalist who ever lived” kể về những thách thức trong quá trình kế thừa doanh nghiệp và gia đình, đề tài rất quan trọng vì bản thân IBM là cha đẻ của hầu hết ngành công nghiệp máy tính và công nghệ. Watson cha, “ông già”, là kiểu người quen thuộc với thời đại chúng ta: gã khổng lồ công nghệ điều hành tập đoàn lớn như một phần của chính bản thân mình. (Chiếc máy IBM đánh bại nhà vô địch “Jeopardy!” Ken Jennings mang tên ông.) Trong suốt bốn thập kỷ, IBM là lãnh địa của Watson cha. Tác giả McElvenny và Wortman viết: “Tập đoàn hoạt động hoàn toàn dựa vào ông.” Watson cha “đưa ra tất cả quyết định chiến lược và hầu hết các quyết định nhỏ” và “hầu như không ủy quyền cho ai”.
Với uy tín lâu năm, ông ấy thực sự quan tâm đến nhân viên và gia đình họ theo cách tạo nên lòng trung thành sâu sắc. Tuy nói vậy nhưng Watson cha đòi hỏi hoàn toàn thuần phục đồng thời ông có thể thất thường và tàn nhẫn. “Ông ấy coi bạn như người trong gia đình,” một nhân viên sau này kể lại. “Và ông ấy có thể đối xử ngược đãi với gia đình ấy.”
Mặc dù các nhà sáng lập công ty công nghệ ngày nay có thể là người thích áp đặt, nhưng Watson cha vượt lên trên tất cả ở phương diện truyền bá sự sùng bái cá nhân. Mark Zuckerberg có thể từng chi 21 tỷ đô la (và vẫn còn tiếp tục) vào thực tế ảo, nhưng anh ta vẫn chưa nhất quyết bắt buộc các văn phòng Facebook phải treo ảnh chân dung và những câu nói quan trọng nhất của mình theo kiểu Mao Trạch Đông. Theo như tôi biết, hiện cũng không ai ép nhân viên thường xuyên hát những bài tôn vinh sự vĩ đại của người lãnh đạo: “Thomas Watson là nguồn cảm hứng của chúng ta,/Lãnh đạo và linh hồn cho IBM huy hoàng của chúng ta/Chúng ta nguyện theo ông ở mọi quốc gia, /Chủ tịch và người yêu quý nhất của chúng ta.”