Search This Blog

Sunday, October 6, 2024

Một Fox News "xấu xí" trong cuốn sách ‘Network of Lies’ (Mạng truyền thông dối trá) của tác giả Brian Stelter

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách của tác giả Stelter là bản tường thuật ly kỳ về âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020, cuộc tấn công vào Điện Capitol, vụ sa thải Tucker Carlson và hơn thế nữa.

Người ta dễ mất hứng với thông tin mới phơi bày về Fox News. Đã có rất nhiều cuốn sách như vậy, chí ít từ thời cuốn sách bán chạy nhất năm 2003 của Al Franken “Lies (And the Lying Liars Who Tell Them): A Fair and Balance Look at the Right” (Dối trá (Và những kẻ nói dối): cái nhìn công bằng và cân bằng về Cánh hữu). Ở thời điểm này, Fox News giống như chiếc xe ô tô dán dày đặc giấy phạt giao thông trên kính chắn gió. Thế nhưng, chiếc xe này (chắc chắn là xe Hummer) vẫn có thể lao đi mỗi ngày, đâm vào thêm sáu hộp thư, năm rào chắn đường, bốn nhà khoa học lớn tuổi, ba doanh nghiệp xã hội, hai trẻ em chuyển giới và một tấm pin mặt trời.

Hai cuốn sách mới về Fox vừa được phát hành. “The Fall: The End of Fox News and the Murdoch Dynasty” (Sụp đổ: Sự kết thúc của Fox News và Triều đại Murdoch) của Michael Wolff, xuất bản đầu mùa thu năm nay, đã có bài bình luận trên báo này. Giờ đây, chúng ta đến với cuốn “Network of Lies: The Epic Saga of Fox News, Donald Trump, and the Battle for American Democracy” (Mạng lưới dối trá: Giải ảo Fox News, Donald Trump và cuộc chiến vì nền dân chủ Mỹ” của tác giả Brian Stelter.

Các tác giả và sách của họ tạo thành một nghiên cứu tương phản. Tác giả Wolff bước lên trang giấy với tư cách đại sứ của Ác quỷ, người tự mình thực hiện phần giao kèo với quỷ dữ, người hiểu biết sâu sắc “thuyết quyền mưu” của Tôn Tử. Dường như ông ta có linh hồn của một tên hải tặc. Cuốn sách của ông chứa đầy những lời bóng gió. Nhiều khi cuốn sách giống như đoạn độc thoại táo bạo, thông minh, như cách thức truyền đạt của Eric Bogosian.

Bill Gates tuyên bố mình đang làm việc tốt. Tác giả này hoàn toàn không đồng ý.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “The Bill Gates Problem” (Những vấn đề ở Bill Gates) của tác giả Tim Schwab chỉ trích nhà tỷ phú từ thiện và quỹ từ thiện của ông ta.

Một phần tư thế kỷ trước, Bill Gates trở thành biểu tượng quốc tế cho tính tham lam, kiêu căng và ngạo mạn do vai trò lãnh đạo không giới hạn của ông ở Microsoft.

Rồi không lâu sau khi chính phủ Mỹ kiện tập đoàn Microsoft vì lạm dụng quyền lực độc quyền, Gates có sự chuyển đổi lớn. Ông gác lại tham vọng kinh doanh và dành toàn bộ sức lực phát nguyện cho đi khối tài sản khổng lồ. Ông ta biến từ nhân vật doanh nhân phản diện trở thành nhà từ thiện cứu thế giới — hoặc ít nhất câu chuyện được truyền tụng như vậy.

Trong cuốn sách mới, “The Bill Gates Problem”, nhà báo Tim Schwab phủ nhận sự thay đổi đó, cho là câu chuyện hoang đường. Theo tác giả Schwab, Gates thực sự vẫn là một kẻ khát quyền lực, thích kiểm soát đến độ tự cao tự đại, còn Quỹ Bill và Melinda Gates ngày càng mở rộng không khác gì phương tiện giúp ông ta tích lũy và sử dụng ảnh hưởng trên quy mô lớn hơn nhiều so với những gì ông ta có thể làm khi chỉ là tỷ phú phần mềm. Tác giả Schwab cho rằng điều này cực kỳ phi dân chủ và tạo ra bất bình đẳng.

Người mẹ của tác giả nói lên sự thật trước cường quyền, cho đến khi bà bị sát hại

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Daphne Caruana Galizia cống hiến cả cuộc đời mình để vạch trần nạn tham nhũng tràn lan ở Malta, con trai bà, nhà báo Paul Caruana Galizia, kể lại câu chuyện ấy trong cuốn sách “A Death in Malta” (Cái chết ở Malta).

Daphne Caruana Galizia vừa nổi tiếng vừa khét tiếng ở Malta, bà là nhà báo thẳng thắn từng viết “kẻ thù lớn nhất của tự do ngôn luận” là nỗi sợ hãi, bởi nó dẫn đến “tình trạng nguy hiểm khi các cá nhân bị bịt miệng”. Bị bịt miệng là điều cuối cùng Caruana Galizia có thể chịu đựng được. Rốt cuộc, sự dũng cảm ấy khiến bà bị sát hại.

Bà viết bằng tiếng Anh cho các tờ báo, và rõ ràng hơn, viết cho blog cá nhân có tên “Running Commentary”, để vạch trần nạn tham nhũng ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội và chính phủ Malta. Hàng trăm nghìn người chú ý đến lời bà viết, đây là lượng độc giả đặc biệt lớn đối với một quốc gia chỉ có nửa triệu dân. Người ta theo dõi bà không chỉ vì những bài báo, có lẽ còn hơn thế nữa, vì những quan điểm không khoan nhượng của bà đối với giới tinh hoa chính trị. Bà ấy gọi một thủ tướng tại vị lâu năm là “kẻ hoàn toàn tâm thần vô cảm xã hội”, kẻ lãnh đạo một “chính phủ vô năng” và vây quanh hắn là lũ “thiểu năng trí tuệ”. Các nhà báo đồng nghiệp có thể bị nói là “nhu nhược, ngớ ngẩn và thậm chí ngu ngốc”. Người Malta bình thường cũng không được tha; “ngu dốt”, “vô đạo đức” và “hám lợi” là một vài từ được dùng để miêu tả họ.

Saturday, October 5, 2024

Người giữ túi (và bí mật) cho nhóm nhạc The Beatles

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn tiểu sử mới làm sống lại cuộc đời bi thảm đầy màu sắc của Mal Evans: người quản lý chuyến lưu diễn, bạn tâm giao, kẻ mối lái, và người chơi nhạc cụ cowbell.

Evans là kiểu “gã khổng lồ hiền lành”. Là chú “gấu bông” từng chụp ảnh với con gấu kola. Là “anh chàng đáng yêu, âu yếm”. Trong số tất cả nhân viên thuộc đoàn lưu diễn của The Beatles, không thể chối cãi Mal Evans là người giống chú rối Muppet nhất.

Bạn có thể trông thấy Evans cao 1m9 đứng thấp thoáng trong phim “Get Back”, bộ phim tài liệu bom tấn năm 2021 của Peter Jackson. Anh ta mặc chiếc áo khoác có tua rua bằng da lộn màu xanh lá cây, đang giúp Paul McCartney chuẩn bị cho bài “The Long and Winding Road”, và đập lên đe bằng “Maxwell's Silver Hammer” (Chiếc búa bạc của Maxwell) với niềm vui trẻ thơ trong đôi mắt đằng sau cặp kính.

Anh ta gắn bó với ban nhạc từ những ngày đầu — đầu tiên là người bảo vệ tại Câu lạc bộ Cavern ở Liverpool, sau đó là tài xế, nhân viên đoàn lưu diễn và nhân viên đa năng như anh chàng Thứ Sáu (nhân vật trong truyện Robinson Crusoe) — cho đến tận kết cuộc cay đắng. Chẳng mấy ai gọi anh là thành viên Beatle thứ năm, như người ta gọi người đồng nghiệp cũng đa năng của anh là Neil Aspinall, nhưng chắc chắn anh đủ tiêu chuẩn làm thành viên thứ sáu hoặc thứ bảy.

Thế nhưng, không giống như Aspinall và rất nhiều cộng sự khác của Beatles, Evans không được cáo phó trên tờ The New York Times khi qua đời ở tuổi 40 ngày 4 tháng 1 năm 1976. Cũng không có bản tin nào về nguyên nhân tử vong giật gân: do loạt đạn của cảnh sát, họ được gọi đến vì anh ta, kẻ luôn thần tượng các chàng cao bồi và ngôi sao nhạc rock, khua khắng khẩu súng trường Winchester đã lên đạn trong căn hộ của cô bạn gái tại Los Angeles.

Thời điểm đó, Evans đang có hợp đồng với Grosset & Dunlap để viết cuốn hồi ký đã lên kế hoạch từ lâu (và được Beatles đồng ý) về khoảng thời gian anh ta làm việc cùng nhóm, ban đầu tựa sách tên là “200 Miles to Go” (200 dặm phía trước) sau cái đêm anh đấm vỡ kính chắn gió bị nứt nguy hiểm và lái xe hàng giờ chở mọi người đi trong cái lạnh thấu xương.

Gần 50 năm sau, sau khi bản thảo và nhiều tài liệu khác được nhân viên xuất bản phát hiện bị bỏ quên trong tầng hầm lưu trữ và trả lại cho gia đình Evans với sự trợ giúp của Yoko Ono, tác giả Kenneth Womack mới hoàn thành nốt cuốn sách, với thái độ nghiêm túc và cẩn thận bằng phong cách văn xuôi sắc sảo. (Trong các trang sách, cảm xúc luôn đạt đến mức độ “phát sốt” và thực sự có thể thấy “làn gió đổi mới” đang thoáng qua.) Là nhà nghiên cứu Beatles kinh nghiệm, tác giả lau sàn sạch bong rất khéo léo nhưng không nhảy múa với cây lau nhà.

“Living the Beatles Legend” (Sống trong huyền thoại Beatles), tựa đề hơi ảm đạm này có lẽ lấy từ phần sau kế hoạch trong dự án Evans, là nghiên cứu điển hình thú vị về hai vấn đề: tổn hại đi kèm danh tiếng và quá trình khó khăn khi viết tiểu sử cuộc đời. Các trang nhật ký và những bức ảnh trước đây chưa từng thấy (ít nhất là đối với tôi) được in lại, chẳng hạn như cảnh McCartney tắm nắng trên một chiếc ô tô ở dãy núi Rocky, mang lại cảm giác kích thích như khi lục lọi cuốn sổ kỷ niệm riêng tư, mặc dù nhiều câu chuyện chỉ là chuyện thông thường.

Sinh năm 1935, Evans lớn hơn và bảnh tỏn hơn một chút so với bốn thành viên Beatles. Gia đình anh trải qua trận Blitz ở xứ Wales; anh được cấp cho chiếc mặt nạ phòng độc hình chuột Mickey. Hồi đi học Evans nhút nhát có biệt danh “Hà mã” — “Tôi không bận tâm,” anh ta viết, “bởi vì dường như nó luôn là loài động vật ăn cỏ đáng yêu, không làm hại ai cả” — anh có một vợ, đứa con mới biết đi và có vị trí đáng trọng làm kỹ sư viễn thông cho Tổng cục Bưu điện khi mới đến Cavern.

Ở đó, anh thường yêu cầu hát lại nhạc Elvis và The Beatles thể hiện với thái độ hết sức trêu chọc — ngẫm lại khá là ác ý — dành cho “Malcontent”, “Malfunctioning” hoặc “Malodorous”(chơi chữ tên Mal của Evans, nghĩa là “Kẻ bất mãn”, “Thứ hỏng hóc” hoặc “Người nặng mùi”) thời trước khi thuê anh làm việc với mức lương 25 bảng mỗi tuần, không chi trả cho nhiều khoản chi phí.

Người hứng chịu nhiều chỉ trích bào chữa cho di sản đời mình (và có một vài điều hối tiếc)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn hồi ký “The Controversialist” (Kẻ gây nhiều tranh cãi), Martin Peretz ngẫm lại quãng thời gian lâu dài ông làm xuất bản và biên tập tờ The New Republic.

Nhà phê bình Irving Howe nói: “Khi nói về chính trị, anh phải có lập trường”. Martin Peretz trích dẫn dòng này trong phần đầu cuốn “The Controversialist”, cuốn hồi ký mới của ông, theo nghĩa đó là lối răn dạy ông chưa bao giờ ưa thích. Nhưng lời nhận xét ấy phù hợp với ông. Peretz viết như thể ông đang đi đi lại lại quanh bàn ăn, cái tôi và thái độ ghê tởm bản thân đang đấu tranh cho ra lẽ trong đầu ông.

Trong gần bốn thập kỷ, Peretz (mọi người gọi ông là Marty) là nhà xuất bản và tổng biên tập thích xía vào chuyện của người khác của tờ The New Republic, tạp chí xã luận quan trọng nhất nước Mỹ trong suốt những năm 1980 và 1990. Ông giảng dạy trong 5 thập kỷ tại Harvard, nơi ông coi như chỗ phát triển nhân sự cho tạp chí của mình.

Ông biết gần như tất cả những người quan trọng trong thế giới đan xen giữa báo chí, giới hàn lâm và chính phủ. Martin Luther King Jr. đến nhà ông ăn tối; ông là người đầu tiên Al Gore gọi điện sau khi Gore, người được ông bảo trợ, chính thức thua trong cuộc bầu cử năm 2000; Yo-Yo Ma chơi trong bữa tiệc sinh nhật của ông; Norman Mailer đấm ông trong một nhà hàng ở Provincetown. Đây chỉ mới là chạm đến bề mặt của bề mặt.

Peretz kết hôn với Anne Devereux Labouisse, người thừa kế gia sản của công ty máy may Singer. Khi không được mời đến những cuộc tranh luận hay nhất, ông bỏ tiền để tìm cách tham gia. Ông thích những bức thư ngỏ và những lời kiến nghị nảy lửa. Ông mang cái mác Chủ nghĩa phục quốc Do Thái gây tranh cãi của mình như thể chỉ đang đội một chiếc mũ nồi. Ông là kiểu người mà nếu buổi lễ tưởng niệm yêu cầu chỉ nói trong năm phút thì sẽ nói liên tục đến 20 phút.

Tôi thấy mình đang nói chuyện về quá khứ. Peretz, ở thời điểm hiện tại, đã mất đi ít nhất 64%. Cái kết chính thức đến vào năm 2010, khi ông đang viết blog (“một sai lầm”, ông viết). Ông đưa ra một số nhận xét thiết thực, trong bối cảnh một cuộc tranh luận lớn hơn, trong đó có nội dung người Hồi giáo có thể không xứng đáng được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất và rằng “tính mạng của người Hồi giáo thật rẻ mạt”. Sự phẫn nộ nổi lên không nguôi trong suốt thời gian dài. Ông viết về hậu quả như sau:

Cuộc xâm lược Iraq mà tôi ủng hộ là một thảm họa; hệ thống tài chính mà bằng hữu của tôi giúp xây dựng đã sụp đổ; vợ chồng tôi thì ly hôn; tờ New Republic bị bán sau khi tôi lo sợ sẽ phá sản — và giờ tôi ở đây trong bộ vest trắng đi trong Sân Harvard, xung quanh là các sinh viên hô: “Harvard, Harvard, thật đáng xấu hổ, tôn vinh một kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc.” Kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc rõ ràng là tôi. Đây là một kết cục ảm đạn, một cái kết tôi không hiểu hoặc không tin được.

Nhà báo chuyện gì cũng viết

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn “Bartleby and Me (Bartle và tôi)”, tác giả Gay Talese nhớ lại những đồng nghiệp nghề viết lách, chia sẻ bí mật trong ngành và đào sâu những gì sót lại của cuộc hôn nhân từng rất bùng nổ ở Manhattan.

Gay Talese có chút tật. Tôi muốn làm rõ vấn đề này vì nhìn chung, tôi vô cùng ngưỡng mộ con người ông: con người tài hoa đáng kính của thời kỳ Báo chí Mới ngày trước, ông vừa là biểu tượng sống động của Manhattan vừa là nhân vật xuất sắc nhất của chính mình.

Đó là tật của người viết văn, thói quen cũ thường gọi phụ nữ bằng màu tóc của họ, nhưng dưới dạng danh từ thay vì tính từ. “Tóc nâu mảnh khảnh quyến rũ.” “Tóc vàng mật ong mảnh khảnh và sành điệu buộc đuôi ngựa.” “Tóc nâu trẻ tuổi thích giao du.” “Tóc nâu vui tươi và thơm ngát trong chiếc váy cocktail màu đỏ.”

Ít ra hình ảnh lũ cáo bạc, trong đó có cả Talese đỏm dáng 91 tuổi, là ví dụ điển hình được lịch sự so sánh với loài vật thông minh.

Nếu thỉnh thoảng cảm thấy như thể bạn mắc kẹt trong bộ phim hoạt hình của Peter Arno là cái giá phải trả khi đọc tác phẩm mới của Talese, hãy cho tôi tham gia. Nhưng chỉ có một đoạn trong cuốn sách mới nhất của ông, “Bartleby and Me”, chứa những trích dẫn trên, có thể được coi là khá mới. Đó là Phần 3, câu chuyện về Nicholas Bartha, người nhập cư gốc Romania và là bác sĩ đã cho nổ tung ngôi nhà phố trị giá hàng triệu đô la của mình ở khu Upper East Side năm 2006, rồi tự sát, còn hơn bán nhà để cho vợ cũ hưởng số tiền thu được theo lệnh của thẩm phán.

Điều gì đã xảy ra sau khi tổng cộng hơn 408 tấn mảnh vụn được dọn sạch liên quan đến “một tóc vàng 40 tuổi quyến rũ gốc Nga có tên Janna Bullock”, nhà phát triển bất động sản và cố vấn của Page Six mà Talese, cũng là cư dân Upper East Sider, ban đầu thường gọi là “phu nhân chân vịt bơi”. Đó quả là câu chuyện rất đáng chú ý, và xảy ra ngay sân sau nhà tác giả.

Cuốn sách được đặt tên để tỏ lòng kính trọng với truyện ngắn kinh điển của Herman Melville, “Bartleby and Me” có hàm ý tự thấy địa vị của Talese giống như “người viết văn cũ” và những nhân vật khiêm tốn hơn lại thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của tác giả trong suốt sự nghiệp lâu dài: người gác cửa, tài xế, đầu bếp, nhân viên, người dọn dẹp, cảnh sát, mèo trong ngõ, người diễu hành cuối cùng trong cuộc diễu hành. (Đây là một nhà văn dường như chuyên tập hợp hồ sơ tiểu sử ngay cả tiểu sử của mảnh đá vôi.) Jack Vergara — bồi bàn kỳ cựu tại Câu lạc bộ Links gần đó, nghe mùi gas tỏa ra từ ngôi nhà phố tồi tàn, có tên Con Ed, và khăng khăng chỉ phục vụ bữa sáng nguội cho các thành viên câu lạc bộ vào sáng hôm đó — là kiểu “nhân vật phụ” không thể xóa nhòa mà tác giả Talese chuyên viết về.

Nếu được sở hữu một siêu năng lực…

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “Invisibility” (Tàng hình), giáo sư vật lý và khoa học quang học Gregory J. Gbur đi sâu nghiên cứu lịch sử và tương lai của một kỹ thuật dẫn truyện được nhiều người yêu thích.

Câu chuyện lịch sử của tác giả Gregory J. Gbur không nhắc câu nào đến động cơ thường thấy trong tiểu thuyết và phim ảnh đại chúng khi người ta theo đuổi năng lực tàng hình: khả năng nhìn lén người khác khỏa thân. Ngay từ thời tác phẩm “The Invisible Spy” (Điệp viên vô hình) (1754) của Eliza Haywood, các nhà văn đã lo lắng, hoặc mừng rỡ, với khả năng sử dụng năng lực tàng hình để rình mò “phòng thay đồ, tủ quần áo và nơi riêng tư”; thậm chí cả Người Vô Hình kiêu ngạo của H.G.Wells cũng không ngại ăn trộm quần áo của những kẻ quấy phá, khiến họ phải khỏa thân truy đuổi anh ta khắp quảng trường. Cuốn “Invisibility” cũng không đi sâu vào cám dỗ muốn thực hiện những hành vi trộm cắp và tống tiền mà không bị phát hiện — liên quan đến gián điệp — nhưng có đề cập đến một trong những câu chuyện ngụ ngôn sớm nhất về năng lực tàng hình trong văn minh phương Tây.

Trong “The Republic” (Cộng Hòa), Plato kể câu chuyện người chăn cừu Gyges, người này tìm thấy chiếc nhẫn vàng khiến người đeo trở nên vô hình. Ngay khi Gyges chứng minh được chiếc nhẫn có tác dụng, hắn ta liền hành động: Hắn xâm nhập vào hoàng cung, quyến rũ hoàng hậu, âm mưu cùng bà ta, giết hại đức vua và chiếm lấy vương quốc. Plato viết, “Không người nào,” nếu được ban tặng khả năng tàng hình, “có tâm hồn đủ vững chắc sắt đá để giữ vững công lý.” Lời kể của Plato là câu chuyện ngụ ngôn về những giằng xé giữa đạo đức và ý chí tự do, nhưng có thể hiểu theo nghĩa hẹp là kết luận của ông về thái độ của nhân loại đối với năng lực tàng hình. Nếu có thể tìm ra cách tàng hình, bạn có thể thống trị thế giới.


Tác giả Gbur, giáo sư vật lý và khoa học quang học tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, bắt đầu kể lại lịch sử bằng cách tiết lộ thông tin có thể khiến những độc giả không quen thuộc với nghiên cứu về khả năng tàng hình cảm thấy kinh ngạc: “Những bài báo khoa học đầu tiên mô tả tính chất vật lý của áo choàng tàng hình công bố vào năm 2006, được khắp mọi nơi công nhận xác đáng là cuộc cách mạng đối với ngành vật lý”. Tác giả Gbur khép lại cuốn sách, sau khi độc giả theo dõi qua từng trang, bằng một tiết lộ bất ngờ nữa: “Đừng mong đợi sớm có áo choàng tàng hình.” Tác giả nói thêm, vô số những thử thách phức tạp liên quan có thể “sẽ không bao giờ hoàn toàn khắc phục được”. Giữa hai lời khẳng định mâu thuẫn, thậm chí có phần trái ngược này, là lịch sử khoa học nghiêm túc, cùng một số thảo luận ngắn hữu ích về những hư cấu xung quanh năng lực tàng hình. Độc giả bình thường ngậm ngùi nhận ra khoa học về năng lực tàng hình chính là khoa học ánh sáng.

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...