nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Cuốn tiểu sử mới làm sống lại cuộc đời bi thảm đầy màu sắc của Mal Evans: người quản lý chuyến lưu diễn, bạn tâm giao, kẻ mối lái, và người chơi nhạc cụ cowbell.
Evans là kiểu “gã khổng lồ hiền lành”. Là chú “gấu bông” từng chụp ảnh với con gấu kola. Là “anh chàng đáng yêu, âu yếm”. Trong số tất cả nhân viên thuộc đoàn lưu diễn của The Beatles, không thể chối cãi Mal Evans là người giống chú rối Muppet nhất.
Bạn có thể trông thấy Evans cao 1m9 đứng thấp thoáng trong phim “Get Back”, bộ phim tài liệu bom tấn năm 2021 của Peter Jackson. Anh ta mặc chiếc áo khoác có tua rua bằng da lộn màu xanh lá cây, đang giúp Paul McCartney chuẩn bị cho bài “The Long and Winding Road”, và đập lên đe bằng “Maxwell's Silver Hammer” (Chiếc búa bạc của Maxwell) với niềm vui trẻ thơ trong đôi mắt đằng sau cặp kính.
Anh ta gắn bó với ban nhạc từ những ngày đầu — đầu tiên là người bảo vệ tại Câu lạc bộ Cavern ở Liverpool, sau đó là tài xế, nhân viên đoàn lưu diễn và nhân viên đa năng như anh chàng Thứ Sáu (nhân vật trong truyện Robinson Crusoe) — cho đến tận kết cuộc cay đắng. Chẳng mấy ai gọi anh là thành viên Beatle thứ năm, như người ta gọi người đồng nghiệp cũng đa năng của anh là Neil Aspinall, nhưng chắc chắn anh đủ tiêu chuẩn làm thành viên thứ sáu hoặc thứ bảy.
Thế nhưng, không giống như Aspinall và rất nhiều cộng sự khác của Beatles, Evans không được cáo phó trên tờ The New York Times khi qua đời ở tuổi 40 ngày 4 tháng 1 năm 1976. Cũng không có bản tin nào về nguyên nhân tử vong giật gân: do loạt đạn của cảnh sát, họ được gọi đến vì anh ta, kẻ luôn thần tượng các chàng cao bồi và ngôi sao nhạc rock, khua khắng khẩu súng trường Winchester đã lên đạn trong căn hộ của cô bạn gái tại Los Angeles.
Thời điểm đó, Evans đang có hợp đồng với Grosset & Dunlap để viết cuốn hồi ký đã lên kế hoạch từ lâu (và được Beatles đồng ý) về khoảng thời gian anh ta làm việc cùng nhóm, ban đầu tựa sách tên là “200 Miles to Go” (200 dặm phía trước) sau cái đêm anh đấm vỡ kính chắn gió bị nứt nguy hiểm và lái xe hàng giờ chở mọi người đi trong cái lạnh thấu xương.
Gần 50 năm sau, sau khi bản thảo và nhiều tài liệu khác được nhân viên xuất bản phát hiện bị bỏ quên trong tầng hầm lưu trữ và trả lại cho gia đình Evans với sự trợ giúp của Yoko Ono, tác giả Kenneth Womack mới hoàn thành nốt cuốn sách, với thái độ nghiêm túc và cẩn thận bằng phong cách văn xuôi sắc sảo. (Trong các trang sách, cảm xúc luôn đạt đến mức độ “phát sốt” và thực sự có thể thấy “làn gió đổi mới” đang thoáng qua.) Là nhà nghiên cứu Beatles kinh nghiệm, tác giả lau sàn sạch bong rất khéo léo nhưng không nhảy múa với cây lau nhà.
“Living the Beatles Legend” (Sống trong huyền thoại Beatles), tựa đề hơi ảm đạm này có lẽ lấy từ phần sau kế hoạch trong dự án Evans, là nghiên cứu điển hình thú vị về hai vấn đề: tổn hại đi kèm danh tiếng và quá trình khó khăn khi viết tiểu sử cuộc đời. Các trang nhật ký và những bức ảnh trước đây chưa từng thấy (ít nhất là đối với tôi) được in lại, chẳng hạn như cảnh McCartney tắm nắng trên một chiếc ô tô ở dãy núi Rocky, mang lại cảm giác kích thích như khi lục lọi cuốn sổ kỷ niệm riêng tư, mặc dù nhiều câu chuyện chỉ là chuyện thông thường.
Sinh năm 1935, Evans lớn hơn và bảnh tỏn hơn một chút so với bốn thành viên Beatles. Gia đình anh trải qua trận Blitz ở xứ Wales; anh được cấp cho chiếc mặt nạ phòng độc hình chuột Mickey. Hồi đi học Evans nhút nhát có biệt danh “Hà mã” — “Tôi không bận tâm,” anh ta viết, “bởi vì dường như nó luôn là loài động vật ăn cỏ đáng yêu, không làm hại ai cả” — anh có một vợ, đứa con mới biết đi và có vị trí đáng trọng làm kỹ sư viễn thông cho Tổng cục Bưu điện khi mới đến Cavern.
Ở đó, anh thường yêu cầu hát lại nhạc Elvis và The Beatles thể hiện với thái độ hết sức trêu chọc — ngẫm lại khá là ác ý — dành cho “Malcontent”, “Malfunctioning” hoặc “Malodorous”(chơi chữ tên Mal của Evans, nghĩa là “Kẻ bất mãn”, “Thứ hỏng hóc” hoặc “Người nặng mùi”) thời trước khi thuê anh làm việc với mức lương 25 bảng mỗi tuần, không chi trả cho nhiều khoản chi phí.