Search This Blog

Sunday, October 6, 2024

Cuộc đấu tranh giữa hai cha con giúp giữ vững thành công cho IBM

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “The greatest capitalist who ever lived (Nhà tư bản vĩ đại nhất từng sống)”, các tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman kể lại những trận chiến mang đầy tính chất phức cảm Oedipus đã thúc đẩy thành tựu công nghệ của tập đoàn như thế nào trong những năm 1960 và nhiều hơn thế nữa.

Thomas J. Watson Jr., ngay từ khi còn trẻ, dường như được định sẵn sẽ thất bại. Sinh năm 1914, khi nhỏ ông là cậu bé nóng nảy và thường chán nản. Hàng xóm gọi cậu với cái tên “Tommy tồi tệ”. Cậu suýt không lấy được bằng tốt nghiệp trung học sau khi theo học ba trường khác nhau. Cha cậu, ông Watson Sr., người đứng đầu IBM, là người đàn ông độc đoán, khiến cậu con trai phải chịu đựng sự kết hợp điển hình của tình cảm xa cách và tính khí ác nghiệt. Watson con đáp lại bằng cách trở thành kẻ nổi loạn và lưu manh.

“Cậu ta nghịch lửa, bắn động vật ở đầm lầy gần đó, và ăn trộm đồ đạc của hàng xóm,” tác giả Ralph Watson McElvenny và Marc Wortman viết trong cuốn “The greatest capitalist who ever lived,” đây là cuốn sách tiểu sử mới hấp dẫn về Watson con. Anh nói rất rõ mình chưa bao giờ muốn làm việc tại công ty cha anh điều hành. Tuy nhiên, cuối cùng Watson con lại nắm quyền điều hành IBM, đánh bại người em trai ngoan ngoãn hơn, Dick Watson, giành được quyền kiểm soát đế chế của cha mình.

Đây không phải cuốn sách đầu tiên về IBM. Đây cũng không phải cuốn sách đầu tiên về cha con Watson Sr. và Jr. (Năm 1990, Watson con viết cuốn “Father, Son & Co. (Cha, con và công ty),” cuốn hồi ký ăn khách, khẳng định hai cha con ghét nhau đến mức nào, ít nhất là theo lời kể của người con trai.) Nhưng đây có lẽ là cuốn sách kịch tính nhất về IBM từng được xuất bản. Tác giả McElvenny, tình cờ cũng là cháu trai cả của ông Watson Jr., nắm nhiều bí mật “giấy tờ cá nhân và công ty” và, như phần chú thích cuối sách chỉ rõ một cách đầy bí ẩn, cả nhiều “nguồn tin gia đình”. Cùng với Wortman -- nhà sử học quân sự, ông biến các thành viên nhà Watson thành những nhân vật gần giống như kịch Shakespeare, như thể phim “Succession” (Kế nghiệp) lấy bối cảnh thời đại của phim “Mad Men” (Những gã điên). Trong một cảnh tượng khó quên, người em trai bị bỏ rơi Dick Watson, bị đẩy ra khỏi IBM năm 1970, uống quá chén trên máy bay, bắt đầu tấn công tiếp viên hàng không và cuối cùng bất tỉnh trong tình trạng “tay chân dang rộng khắp phòng chờ hạng nhất”. (Khi đó ông ấy là đại sứ Mỹ tại Pháp.)

Cuốn “The greatest capitalist who ever lived” kể về những thách thức trong quá trình kế thừa doanh nghiệp và gia đình, đề tài rất quan trọng vì bản thân IBM là cha đẻ của hầu hết ngành công nghiệp máy tính và công nghệ. Watson cha, “ông già”, là kiểu người quen thuộc với thời đại chúng ta: gã khổng lồ công nghệ điều hành tập đoàn lớn như một phần của chính bản thân mình. (Chiếc máy IBM đánh bại nhà vô địch “Jeopardy!” Ken Jennings mang tên ông.) Trong suốt bốn thập kỷ, IBM là lãnh địa của Watson cha. Tác giả McElvenny và Wortman viết: “Tập đoàn hoạt động hoàn toàn dựa vào ông.” Watson cha “đưa ra tất cả quyết định chiến lược và hầu hết các quyết định nhỏ” và “hầu như không ủy quyền cho ai”.

Với uy tín lâu năm, ông ấy thực sự quan tâm đến nhân viên và gia đình họ theo cách tạo nên lòng trung thành sâu sắc. Tuy nói vậy nhưng Watson cha đòi hỏi hoàn toàn thuần phục đồng thời ông có thể thất thường và tàn nhẫn. “Ông ấy coi bạn như người trong gia đình,” một nhân viên sau này kể lại. “Và ông ấy có thể đối xử ngược đãi với gia đình ấy.”

Mặc dù các nhà sáng lập công ty công nghệ ngày nay có thể là người thích áp đặt, nhưng Watson cha vượt lên trên tất cả ở phương diện truyền bá sự sùng bái cá nhân. Mark Zuckerberg có thể từng chi 21 tỷ đô la (và vẫn còn tiếp tục) vào thực tế ảo, nhưng anh ta vẫn chưa nhất quyết bắt buộc các văn phòng Facebook phải treo ảnh chân dung và những câu nói quan trọng nhất của mình theo kiểu Mao Trạch Đông. Theo như tôi biết, hiện cũng không ai ép nhân viên thường xuyên hát những bài tôn vinh sự vĩ đại của người lãnh đạo: “Thomas Watson là nguồn cảm hứng của chúng ta,/Lãnh đạo và linh hồn cho IBM huy hoàng của chúng ta/Chúng ta nguyện theo ông ở mọi quốc gia, /Chủ tịch và người yêu quý nhất của chúng ta.”

Cánh hoa hồng và bộ não con công: Điều kiện trở thành 'Hoàng đế La Mã'

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Học giả Hy Lạp và La Mã cổ đại Mary Beard nghiên cứu những thái quá và tẻ nhạt trong việc cai trị đế quốc, nhặt ra sự thật giữa những chuyện tầm phào và hoang đường.

Nếu có thể tin được mạng xã hội, ta sẽ thấy đàn ông không cách nào ngừng nghĩ về Đế chế La Mã, đặc biệt là các yếu tố mang tính “người đàn ông Alpha”. Bất kỳ ai say mê những điều như thế cũng nên tìm đọc cuốn “Emperor of Rome” (Hoàng đế Lã Mã), cuốn sách mới uyên bác và thú vị của vị học giả đáng nể chuyên nghiên cứu Hy Lạp và La Mã cổ đại và cũng là nhà nữ quyền Mary Beard.

Tác giả Beard, trước đó có cuốn “SPQR” và “The Fires of Vesuvius” (Ngọn lửa Vesuvius), chỉ ra vai trò rõ ràng của phụ nữ trong lịch sử các vị hoàng đế được truyền lại qua nhiều thời đại. Lâu dài nhất là “hình mẫu người phụ nữ đầy mưu mô”, người (được cho là) thao túng những người đàn ông quyền lực thực hiện mệnh lệnh của mình (hoặc nếu không thì đầu độc họ khi họ không làm theo). Tác giả Beard, trích dẫn những ví dụ gần đây hơn về những phụ nữ bị lên án do hành vi của chồng, có nhận xét việc “đổ lỗi cho vợ” vẫn là mốt.

Cuốn “Emperor of Rome ” bắt đầu với Julius Caesar, nhân vật bản lề nối giữa Cộng hòa La Mã và Đế chế La Mã, và kết thúc gần ba thế kỷ sau với Alexander Severus, cái chết của ông năm 235 kéo theo các cuộc nội chiến và triều đại ngắn ngủi. Kế vị Alexander là Maximinus Thrax, một kẻ mù chữ — hoặc có lẽ ông chỉ bị người ta nói là mù chữ, tác giả Beard viết, đặt ra khả năng lời nói này “có thể là lời nhục mạ có chủ đích”.

Trong cuốn sách, tác giả thỉnh thoảng dừng lại lưu ý độc giả những gì chúng ta cho là mình biết về các hoàng đế La Mã thường liên quan rất nhiều đến những tuyên truyền tô điểm hoặc cố tình bôi đen (hoặc hủy hoại) danh tiếng. Những vị hoàng đế “tốt” luôn khôn ngoan, nhân hậu, thận trọng và rộng lượng, trong khi những vị “xấu” thì đần độn, ghê tởm, suy đồi và keo kiệt. Caligula có thực sự định bổ nhiệm con ngựa của ông vào thượng viện hay không? Elagabalus có thực sự lên kế hoạch sát hại những vị khách dự tiệc của mình bằng cách thả cánh hoa hồng từ trần nhà xuống hay không? Tác giả Beard khuyến khích chúng ta nên hoài nghi về tất cả “những giai thoại phi lý”, ngay cả khi tác giả khẳng định việc bôi xấu như vậy có thể cho chúng ta biết điều gì đó về cách thức hoạt động của quyền lực.

Bên cạnh đó, những câu chuyện kỳ lạ không thể phủ nhận là điều khiến người ta ghi nhớ mãi, và tác giả Beard, vốn là người kể chuyện tài năng, cảm thấy “những câu chuyện phiếm thời cổ đại” khó mà cưỡng lại được. Những câu chuyện ấy cũng giúp tác giả có thêm thời gian theo đuổi đề tài theo phân loại chủ đề thay vì theo trình tự thời gian, không những chỉ ra sự khác biệt giữa các hoàng đế mà còn cả những điểm tương đồng. Vấn đề trọng tâm là người thừa kế, và bởi Đế chế La Mã không phải hệ thống cha truyền con nối nghiêm ngặt — hoàng đế có thể nhận người ông ta muốn làm người kế vị — "sự linh hoạt" này cũng đồng nghĩa "có cuộc chiến tiềm tàng mỗi khi quyền lực đổi chủ", tác giả Beard viết. “Đế chế La Mã là một thế giới giết chóc” trong đó tàn sát là một phương pháp giải quyết vấn đề.

Vùng đất đầy nắng cho những con người bất minh

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Once Upon a Time World” (Thế giới ngày xửa ngày xưa) của Jonathan Miles là cuộc phiêu lưu quay cuồng thú vị đi qua vùng đất là nàng thơ quyến rũ nhất thế giới: vùng Riviera nước Pháp.

Đọc câu chuyện ly kỳ về những biến đổi của vùng Riviera nước Pháp trong suốt hai thiên niên kỷ chẳng khác nào ngồi ghế phụ cạnh lái với một tay đua ở giải Monaco Grand Prix.

Với mỗi vòng lặp thời gian, người quan sát sẽ thay đổi — từ nhà tự nhiên học và các vị vua cho đến vũ công, nhà văn, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ, triết gia, chính khách, ban nhạc Rolling Stones và khách du lịch. Bối cảnh thay đổi theo mạch kể, gợi lại những giấc mơ từng được ghép vào khung cảnh hiểm trở nơi đây: lâu đài, sòng bạc, du thuyền.

Tại thị trấn La Turbie, Tượng đài chiến thắng dãy Alps, cao 35 mét, được dựng lên năm 6 TCN để kỷ niệm chiến thắng của Hoàng đế Augustus khi chinh phục dân địa phương. (Trong cuộc rượt đuổi bằng ô tô trong bộ phim “To Catch a Thief” của Hitchcock, Cary Grant và Grace Kelly lướt qua quá nhanh không kịp chiêm ngưỡng cho kỹ tượng đài.) Các tượng đài khác ít được người ta thấy hơn, và nhà sử học văn hóa người Anh Jonathan Miles kể lại câu chuyện của những tượng đài ấy.

Hiện tượng ‘Lan truyền nhanh chóng’ (Viral) bắt đầu như thế nào?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “Traffic” (‘’Lưu lượng truy cập’’), nhà báo Ben Smith kể chuyện những người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông có sức lan tỏa trên Internet, những người sở hữu bộ óc thiên tài, tham vọng mãnh liệt, và tinh thần thử nghiệm đạo đức.

Ngày 13.2.2014, trên mạng internet lan truyền bài trắc nghiệm BuzzFeed mọi người thường chơi lúc nhàm chán ở công sở: “Bạn thực sự thuộc về bang nào?”

Từ “thực sự” dường như hứa hẹn câu trả lời chắc chắn và đáng tin cậy dựa trên dữ liệu.

Chắc bạn còn nhớ những bài trắc nghiệm này như thế nào. Bạn chọn bài hát nhịp điệu tưng bừng (“YMCA”), hoặc chọn phẩm chất của người yêu lý tưởng (“ham ăn”) và úm ba la: mái ấm tinh thần của bạn. Những bài trắc nghiệm này khá giải trí, và thời gian đầu, người ta chia sẻ nhau như truyền tay điếu thuốc lá hay que pháo hoa.

Nhưng riêng bài trắc nghiệm này có chút vấn đề. Rất nhiều người ra kết quả Wyoming — thậm chí còn nhiều hơn cả số người thực sự sinh sống tại Wyoming — và sự kiện này thú vị đến nỗi mọi người đổ xô lên Facebook phản đối. Sau đó, theo lời Ben Smith kể lại trong cuốn sách hấp dẫn và hồi hộp, “Traffic: Genius, Rivalry, and Delusion in the Billion-Dollar Race to Go Viral” (Lưu lượng truy cập: Trí tuệ, Ganh đua và Ảo tưởng trong cuộc đua hàng tỷ đô la để lan truyền nhanh chóng), đội ngũ BuzzFeed phát hiện ra điều làm thay đổi truyền thông mãi m —

À thì, không phải mãi mãi. Dù sao, đây là Ben Smith mà. Là con người của truyền thông, tính tình thích châm biếm bẩm sinh và do nghề nghiệp đòi hỏi. Đồng sáng lập Semafor, cựu nhà báo chuyên mục truyền thông của tờ New York Times, từng là tổng biên tập của BuzzFeed News. Khi kể lại câu chuyện về Gawker, HuffPost và BuzzFeed — những công ty truyền thông mới cùng nhau phát minh ra sự lan truyền nhanh trên mạng — Smith phải cưỡng lại cám dỗ muốn khẳng định có thứ nằm trong trải nghiệm của ông làm thay đổi thế giới mãi mãi. Đó lại là câu chuyện cho sách tiểu sử về nhân vật lớn của Silicon Valley. Thay vào đó, “Traffic” là dạng chuyện phiêu lưu du đãng, bối cảnh đặt giữa những người thích bới móc chỉ trích, nhóm Jezebel, lũ ngốc vô dụng, đám nghiện và kẻ điên khùng của Silicon Alley, khu công nghệ nổi tiếng của Thành phố New York trên lý thuyết kéo dài từ tòa nhà Flatiron đến khu gầm cầu Manhattan.

Nhưng dù tác giả Smith từ chối phong thánh cho nhân vật chính trong cuốn sách của mình, Nick Denton (nhà sáng lập Gawker Media) và Jonah Peretti (nhà đồng sáng lập HuffPost và BuzzFeed), đôi khi họ cũng bắt gặp khoảnh khắc eureka kỳ lạ mà nhà văn nghiêm chỉnh hơn có thể nói đó là điều thay đổi thế giới. Đôi khi tác giả Smith thậm chí cũng trở thành nhà văn như thế: “Chúng tôi đang phát minh ra truyền thông kỹ thuật số,” ông viết về BuzzFeed.

Một Fox News "xấu xí" trong cuốn sách ‘Network of Lies’ (Mạng truyền thông dối trá) của tác giả Brian Stelter

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách của tác giả Stelter là bản tường thuật ly kỳ về âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020, cuộc tấn công vào Điện Capitol, vụ sa thải Tucker Carlson và hơn thế nữa.

Người ta dễ mất hứng với thông tin mới phơi bày về Fox News. Đã có rất nhiều cuốn sách như vậy, chí ít từ thời cuốn sách bán chạy nhất năm 2003 của Al Franken “Lies (And the Lying Liars Who Tell Them): A Fair and Balance Look at the Right” (Dối trá (Và những kẻ nói dối): cái nhìn công bằng và cân bằng về Cánh hữu). Ở thời điểm này, Fox News giống như chiếc xe ô tô dán dày đặc giấy phạt giao thông trên kính chắn gió. Thế nhưng, chiếc xe này (chắc chắn là xe Hummer) vẫn có thể lao đi mỗi ngày, đâm vào thêm sáu hộp thư, năm rào chắn đường, bốn nhà khoa học lớn tuổi, ba doanh nghiệp xã hội, hai trẻ em chuyển giới và một tấm pin mặt trời.

Hai cuốn sách mới về Fox vừa được phát hành. “The Fall: The End of Fox News and the Murdoch Dynasty” (Sụp đổ: Sự kết thúc của Fox News và Triều đại Murdoch) của Michael Wolff, xuất bản đầu mùa thu năm nay, đã có bài bình luận trên báo này. Giờ đây, chúng ta đến với cuốn “Network of Lies: The Epic Saga of Fox News, Donald Trump, and the Battle for American Democracy” (Mạng lưới dối trá: Giải ảo Fox News, Donald Trump và cuộc chiến vì nền dân chủ Mỹ” của tác giả Brian Stelter.

Các tác giả và sách của họ tạo thành một nghiên cứu tương phản. Tác giả Wolff bước lên trang giấy với tư cách đại sứ của Ác quỷ, người tự mình thực hiện phần giao kèo với quỷ dữ, người hiểu biết sâu sắc “thuyết quyền mưu” của Tôn Tử. Dường như ông ta có linh hồn của một tên hải tặc. Cuốn sách của ông chứa đầy những lời bóng gió. Nhiều khi cuốn sách giống như đoạn độc thoại táo bạo, thông minh, như cách thức truyền đạt của Eric Bogosian.

Bill Gates tuyên bố mình đang làm việc tốt. Tác giả này hoàn toàn không đồng ý.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “The Bill Gates Problem” (Những vấn đề ở Bill Gates) của tác giả Tim Schwab chỉ trích nhà tỷ phú từ thiện và quỹ từ thiện của ông ta.

Một phần tư thế kỷ trước, Bill Gates trở thành biểu tượng quốc tế cho tính tham lam, kiêu căng và ngạo mạn do vai trò lãnh đạo không giới hạn của ông ở Microsoft.

Rồi không lâu sau khi chính phủ Mỹ kiện tập đoàn Microsoft vì lạm dụng quyền lực độc quyền, Gates có sự chuyển đổi lớn. Ông gác lại tham vọng kinh doanh và dành toàn bộ sức lực phát nguyện cho đi khối tài sản khổng lồ. Ông ta biến từ nhân vật doanh nhân phản diện trở thành nhà từ thiện cứu thế giới — hoặc ít nhất câu chuyện được truyền tụng như vậy.

Trong cuốn sách mới, “The Bill Gates Problem”, nhà báo Tim Schwab phủ nhận sự thay đổi đó, cho là câu chuyện hoang đường. Theo tác giả Schwab, Gates thực sự vẫn là một kẻ khát quyền lực, thích kiểm soát đến độ tự cao tự đại, còn Quỹ Bill và Melinda Gates ngày càng mở rộng không khác gì phương tiện giúp ông ta tích lũy và sử dụng ảnh hưởng trên quy mô lớn hơn nhiều so với những gì ông ta có thể làm khi chỉ là tỷ phú phần mềm. Tác giả Schwab cho rằng điều này cực kỳ phi dân chủ và tạo ra bất bình đẳng.

Người mẹ của tác giả nói lên sự thật trước cường quyền, cho đến khi bà bị sát hại

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Daphne Caruana Galizia cống hiến cả cuộc đời mình để vạch trần nạn tham nhũng tràn lan ở Malta, con trai bà, nhà báo Paul Caruana Galizia, kể lại câu chuyện ấy trong cuốn sách “A Death in Malta” (Cái chết ở Malta).

Daphne Caruana Galizia vừa nổi tiếng vừa khét tiếng ở Malta, bà là nhà báo thẳng thắn từng viết “kẻ thù lớn nhất của tự do ngôn luận” là nỗi sợ hãi, bởi nó dẫn đến “tình trạng nguy hiểm khi các cá nhân bị bịt miệng”. Bị bịt miệng là điều cuối cùng Caruana Galizia có thể chịu đựng được. Rốt cuộc, sự dũng cảm ấy khiến bà bị sát hại.

Bà viết bằng tiếng Anh cho các tờ báo, và rõ ràng hơn, viết cho blog cá nhân có tên “Running Commentary”, để vạch trần nạn tham nhũng ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội và chính phủ Malta. Hàng trăm nghìn người chú ý đến lời bà viết, đây là lượng độc giả đặc biệt lớn đối với một quốc gia chỉ có nửa triệu dân. Người ta theo dõi bà không chỉ vì những bài báo, có lẽ còn hơn thế nữa, vì những quan điểm không khoan nhượng của bà đối với giới tinh hoa chính trị. Bà ấy gọi một thủ tướng tại vị lâu năm là “kẻ hoàn toàn tâm thần vô cảm xã hội”, kẻ lãnh đạo một “chính phủ vô năng” và vây quanh hắn là lũ “thiểu năng trí tuệ”. Các nhà báo đồng nghiệp có thể bị nói là “nhu nhược, ngớ ngẩn và thậm chí ngu ngốc”. Người Malta bình thường cũng không được tha; “ngu dốt”, “vô đạo đức” và “hám lợi” là một vài từ được dùng để miêu tả họ.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...