nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Trong cuốn hồi ký “The Controversialist” (Kẻ gây nhiều tranh cãi), Martin Peretz ngẫm lại quãng thời gian lâu dài ông làm xuất bản và biên tập tờ The New Republic.
Nhà phê bình Irving Howe nói: “Khi nói về chính trị, anh phải có lập trường”. Martin Peretz trích dẫn dòng này trong phần đầu cuốn “The Controversialist”, cuốn hồi ký mới của ông, theo nghĩa đó là lối răn dạy ông chưa bao giờ ưa thích. Nhưng lời nhận xét ấy phù hợp với ông. Peretz viết như thể ông đang đi đi lại lại quanh bàn ăn, cái tôi và thái độ ghê tởm bản thân đang đấu tranh cho ra lẽ trong đầu ông.
Trong gần bốn thập kỷ, Peretz (mọi người gọi ông là Marty) là nhà xuất bản và tổng biên tập thích xía vào chuyện của người khác của tờ The New Republic, tạp chí xã luận quan trọng nhất nước Mỹ trong suốt những năm 1980 và 1990. Ông giảng dạy trong 5 thập kỷ tại Harvard, nơi ông coi như chỗ phát triển nhân sự cho tạp chí của mình.
Ông biết gần như tất cả những người quan trọng trong thế giới đan xen giữa báo chí, giới hàn lâm và chính phủ. Martin Luther King Jr. đến nhà ông ăn tối; ông là người đầu tiên Al Gore gọi điện sau khi Gore, người được ông bảo trợ, chính thức thua trong cuộc bầu cử năm 2000; Yo-Yo Ma chơi trong bữa tiệc sinh nhật của ông; Norman Mailer đấm ông trong một nhà hàng ở Provincetown. Đây chỉ mới là chạm đến bề mặt của bề mặt.
Peretz kết hôn với Anne Devereux Labouisse, người thừa kế gia sản của công ty máy may Singer. Khi không được mời đến những cuộc tranh luận hay nhất, ông bỏ tiền để tìm cách tham gia. Ông thích những bức thư ngỏ và những lời kiến nghị nảy lửa. Ông mang cái mác Chủ nghĩa phục quốc Do Thái gây tranh cãi của mình như thể chỉ đang đội một chiếc mũ nồi. Ông là kiểu người mà nếu buổi lễ tưởng niệm yêu cầu chỉ nói trong năm phút thì sẽ nói liên tục đến 20 phút.
Tôi thấy mình đang nói chuyện về quá khứ. Peretz, ở thời điểm hiện tại, đã mất đi ít nhất 64%. Cái kết chính thức đến vào năm 2010, khi ông đang viết blog (“một sai lầm”, ông viết). Ông đưa ra một số nhận xét thiết thực, trong bối cảnh một cuộc tranh luận lớn hơn, trong đó có nội dung người Hồi giáo có thể không xứng đáng được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất và rằng “tính mạng của người Hồi giáo thật rẻ mạt”. Sự phẫn nộ nổi lên không nguôi trong suốt thời gian dài. Ông viết về hậu quả như sau:
Cuộc xâm lược Iraq mà tôi ủng hộ là một thảm họa; hệ thống tài chính mà bằng hữu của tôi giúp xây dựng đã sụp đổ; vợ chồng tôi thì ly hôn; tờ New Republic bị bán sau khi tôi lo sợ sẽ phá sản — và giờ tôi ở đây trong bộ vest trắng đi trong Sân Harvard, xung quanh là các sinh viên hô: “Harvard, Harvard, thật đáng xấu hổ, tôn vinh một kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc.” Kẻ ngu xuẩn phân biệt chủng tộc rõ ràng là tôi. Đây là một kết cục ảm đạn, một cái kết tôi không hiểu hoặc không tin được.