Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Trong tác phẩm 'Airplane Mode', không phải tất cả lữ khách đều đi cùng hướng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Tác giả Shahnaz Habib kể lại “irreverent history” (những chuyện bên lề) dí dỏm nhưng đôi khi tàn nhẫn về việc ai được đi đâu và điều gì bị che giấu trong hành trình của họ.

Giống như việc tập thể dục, đánh răng và học đại học, du lịch từ lâu vẫn được coi là điều tốt đẹp không thể chối cãi — một phần thiết yếu trong trải nghiệm sống hiện đại. Tuy nhiên, gần đây một số người thông minh, và ngay cả những người thường xuyên đi máy bay, bắt đầu có thái độ dè dặt.

Du lịch tại chỗ (staycation), cụm từ này theo từ điển Merriam-Webster bắt nguồn từ quảng cáo thời Thế chiến II, đã hoàn toàn được chấp nhận trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, khi bầu không khí bỗng nhiên trong lành không còn ô nhiễm giao thông và tiếng chim hót líu lo ngay trong sân nhà. Trên tờ The New Yorker mùa hè năm ngoái, nhà triết học Agnes Callard có bài “Lý lẽ phản đối đi du lịch”, dẫn đến một loạt bài đáp trả hăng hái, thậm chí giận dữ, và bị những người thích đi đến những nơi xa lạ gọi là “giật tít câu khách”, một số người còn phẫn nộ viết bài khi đang trên từng cây số.

Và tác phẩm “Airplane Mode” của Shahnaz Habib đến với độc giả, cuốn sách sống động và, đúng vậy, có phạm vi rộng, đặt ra vấn đề với một số quy ước thông lệ và cả những tác giả nổi tiếng nhất viết về thú tiêu khiển này.

Cuốn sách bắt đầu bằng giả định liệu “du lịch” có phải là thú giải trí hay không, hay đó là biến động bạo lực tiềm ẩn, hoặc cuộc chiến với bộ máy chính quyền. “Chỉ có người Mỹ, người Anh, người Úc và người Nhật mới đi du lịch,” một chủ cửa hàng bán thảm nói với tác giả Habib ở Konya, Thổ Nhĩ Kỳ; lời này cũng diễn tả cùng ý với một tuyên bố tác giả từng nghe thấy, với thái độ trịch thượng hơn, ở trường đại học: “Những người từ thế giới thứ ba không đi du lịch; họ đi di cư.”

Habib ưa thích thuật ngữ “thế giới thứ ba” hơn các từ thay thế “phải đạo chính trị” khác, tác giả giải thích rất rõ ràng trong phần lời bạt, ca ngợi “sự táo bạo của vần điệu thú vị chứa trong cụm từ” mà Steely Dan cũng nhận thấy. Tác giả từng làm dịch giả cho Liên Hợp Quốc, và tiếng Anh là nguồn cảm hứng say mê. Habib thấy hành vi thường bị coi là bất hợp pháp “lảng vảng” (loitering), chẳng hạn, “giống với xả rác (littering) hàm ý về thứ không nên có ở đó, đồng thời cũng dễ liên tưởng đến trò xổ số (lottery) và canh bạc chờ đợi điều gì đó xảy ra”.

Những con đường gây tổn hại cho chúng ta và mọi điều xung quanh như thế nào

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn “Crossings” (Những giao lộ), tác giả Ben Goldfarb chỉ ra việc chúng ta phụ thuộc vào đường cao tốc và xa lộ là vấn đề đáng lo ngại cả về môi trường cũng như xã hội.

Đứa con trai lớp bảy của tôi đi bộ từ nhà ở Bronx đến trường phải băng qua đường Henry Hudson Parkway (NY 9A) bằng cây cầu đáng sợ dành cho người đi bộ. Để đến được không gian xanh của Công viên Van Cortlandt cách vài dãy nhà về phía đông bắc, thằng bé phải vượt qua sáu làn đường giao thông kinh hãi. Tôi tin con mình biết quan sát cả hai chiều, nhưng tôi không tin những người lái xe sẽ chú ý đến nó. Tôi rất lo lắng về những con đường của thành phố, hậu quả sức khỏe do không khí ô nhiễm, tiếng ồn không dứt và những tai hại chúng gây ra — với mục đích ác ý —đối với đa số các khu dân cư da đen và da nâu như khu vực của chúng tôi.

Cuốn sách “Crossings” của nhà báo môi trường Ben Goldfarb, là góc nhìn thú vị và đầy cảm thông về hậu quả của những con đường, gợi cho chúng ta suy nghĩ lại về việc quy hoạch đường xá thông qua ngành khoa học tương đối mới về sinh thái đường bộ. Tác giả Goldfarb viết, những con đường “không chỉ đơn thuần là triệu chứng của nền văn minh mà còn là căn bệnh đặc thù”. Ông miêu tả ngành sinh thái đường bộ, nghiên cứu về tác động của đường bộ đối với thực vật và động vật, là “sự đồng cảm được thể hiện bằng khoa học”.

Tiên đề chính của ngành học này cho rằng đường sá là “tác nhân gây hỗn loạn” làm biến dạng trái đất ở mọi quy mô. Khoảng hơn 64 triệu km đường bộ bao quanh trái đất, từ những tuyến đường khai thác gỗ bất hợp pháp giăng khắp Amazon cho đến Đường cao tốc xuyên Mỹ chạy khắp lục địa. Nước Mỹ có 10 triệu rưỡi km đường, là mạng lưới đường bộ dài nhất thế giới. “Cuộc cách mạng ô tô giữa thế kỷ của chúng ta tạo ra không chỉ đường cao tốc mà còn cả bãi đậu xe, đường lái xe, những vùng ngoại ô, đường ống, trạm xăng, tiệm rửa xe, cửa hàng bán đồ ăn cho xe hơi, cửa hàng lốp xe và trung tâm thương mại,” Goldfarb viết, “cả một hệ sinh thái tổng hợp được thiết kế phục vụ cho phần tử chủ đạo của hệ, xe hơi.”

Những năm 1960, chỉ có 3% động vật có vú sống trên cạn chết trên những con đường ở Bắc Mỹ. Đến năm 2017, con số đó này tăng gấp bốn lần. Khoảng một trăm người và một triệu động vật hoang dã bị ô tô giết chết mỗi ngày chỉ riêng ở Mỹ. Nhiều loài, thường bị va đụng chết trên đường bộ, phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Tác giả Goldfarb cũng chỉ ra các con đường cản trở việc di cư của động vật bằng đường bộ và đường thủy, góp phần làm mất môi trường sống, làm “ô uế” các dòng sông, làm ô nhiễm đất, “phủ khói bụi” bầu trời, thúc đẩy sự lây lan của các loài xâm lấn và “phá vỡ tính toàn vẹn sinh học ở bất kỳ nơi nào chúng xâm nhập”. Chúng thậm chí còn “điều chỉnh cả mã gen”. Chim én vách đá đã thích nghi với đôi cánh ngắn hơn để nhanh nhẹn tránh bị ô tô đâm.

Tuyến US 93, được xây dựng từ thời Eisenhower, đi qua các vùng đất ngập nước và đồng cỏ ở Montana cũng như Khu bảo tồn người da đỏ Flathead rộng hàng triệu mẫu Anh, nơi sinh sống của các Bộ lạc Salish và Kootenai thuộc Liên minh miền Nam. Những năm 1990, các cơ quan chính phủ đề xuất mở rộng đường liên bang từ hai làn lên bốn làn. Các bộ lạc cùng “thể hiện sức mạnh pháp lý và luân lý của mình,” tác giả Goldfarb viết, và kế hoạch US 93 cuối cùng sửa lại với khoảng 40 điểm qua đường cho động vật hoang dã, bao gồm một cầu vượt trị giá hàng triệu đô la dành cho gấu xám Bắc Mỹ “đi vòng phía trên đường cao tốc với vẻ duyên dáng như ở Trung Địa.”

Theo một số ước tính, chúng ta sẽ có hai tỷ phương tiện lưu thông trên đường vào năm 2030 và thêm 24 triệu km đường cao tốc vào năm 2050. Goldfarb giải thích: “Tương lai của giao thông vận tải toàn cầu gần như chắc chắn sẽ có nhiều ô tô hơn chứ không ít hơn.” Đường sá trở thành chủ đề lớn đối với hàng trăm nhà khoa học trên thế giới. Trong cuốn “Crossings”, Goldfarb kể lại một vài trong số đó và liệt kê nhiều biện pháp khắc phục tai nạn giao thông của động vật, bao gồm cả “những sợi dây trông mỏng manh” mắc giữa các tán rừng để loài vượn ở Đài Loan và khỉ ở Brazil có thể đu qua xa lộ.

Cuốn tiểu sử tiết lộ về cuộc đời người anh hùng Brazil vô danh

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Into the Amazon” (Hành trình Amazon) của tác giả Larry Rohter tôn vinh cuộc phiêu lưu của Cândido Rondon, nhà thám hiểm, nhà khoa học, chính khách tiên phong và còn hơn thế nữa.

Muốn thực sự tiến bộ, ta buộc phải nhìn về quá khứ. Gần đây, có nhiều cuốn sách tiết lộ câu chuyện phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta được dạy — về những nhân vật ẩn danh và những dân tộc từng bị gạt ra ngoài lề xã hội nhưng họ góp phần định hình nên thế giới chúng ta. Trong “Into the Amazon”, nhà báo Larry Rohter kể câu chuyện được nghiên cứu kỹ lưỡng về nhân vật quan trọng, đáng suy ngẫm, nhưng thế giới nói tiếng Anh thường ít biết đến.

Những thăng trầm trong cuộc đời nhà thám hiểm, nhà khoa học và người bảo vệ dân tộc bản địa này làm nổi bật lên sự thật thú vị: Luôn có nhà tư tưởng chống lại thái độ thành kiến của thời đại. Trong câu chuyện về Cândido Rondon, ông xuất sắc chơi trò tay trong, dùng quyền lực để bảo vệ những người không thể tự vệ.

W.E.B. Du Bois và Di sản — cùng sự Phản bội — về những người lính da đen

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn sách “The Wounded World” (Thế giới bị thương), tác giả Chad Williams nghiên cứu cuộc đấu tranh của học giả-nhà hoạt động xã hội Du Bois để hoàn thành cuốn sách kể lại trải nghiệm của quân đội da đen trong Thế chiến I.

Tháng 02.1938, W.E.B. Du Bois mừng sinh nhật lần thứ 70 của mình bằng buổi lễ vinh danh ông tại trường Cao đẳng Spelman ở Atlanta. Trong trang phục tiến sĩ Harvard, ông có bài phát biểu kể lại cuộc đời và sự nghiệp với tư cách học giả và nhà hoạt động xã hội. Theo nhà sử học Chad Williams miêu tả trong câu chuyện thú vị, Du Bois kể cho bạn bè và những người nổi tiếng tới tham dự về việc ông bị ảnh hưởng và phiền muộn sâu sắc như thế nào bởi Thế chiến I.

“Trong một khoảnh khắc hồi chiến tranh, tôi cảm thấy mình có thể là một người Mỹ yêu nước không chút dè dặt”, Du Bois nói. “Tôi không tin vào chiến tranh, nhưng tôi nghĩ trong cuộc chiến cùng nước Mỹ chống lại chủ nghĩa quân phiệt vì dân chủ, chúng tôi sẽ đấu tranh giải phóng nòi giống người da đen nói chung.”

Niềm hy vọng ấy sớm tan thành bọt nước. Du Bois tới Pháp sau hiệp định đình chiến để phỏng vấn đội quân người da đen. “Tôi thấy bùn đất của chiến hào; tôi nghe từ miệng những người lính về cách đối xử người da đen phải chịu trong quân đội Mỹ,” ông nói. “Tôi bị thuyết phục và đã phát biểu các sĩ quan da trắng Mỹ hăng hái chiến đấu chống lại người da đen trong hàng ngũ của chính mình hơn là chống lại quân Đức. Tôi vẫn tin điều này phần lớn là sự thật.”

Những người thân thiết nhất với ông đều biết trong gần hai thập kỷ, Du Bois cố gắng viết xong cuốn lịch sử đồ sộ về cuộc chiến, “The Black Man and the Wounded World” (Người da đen và thế giới bị thương). Williams gọi bản thảo dang dở này là “tác phẩm quan trọng nhất của Du Bois chưa bao giờ đến được với công chúng”. Câu chuyện với giọng kể sắc sảo, được nghiên cứu sâu sắc của tác giả xoay quanh những đấu tranh của Du Bois để hoàn thành bản thảo này và đối mặt với di sản của cuộc chiến.

Charles Dickens: Con người, Huyền thoại, Danh tiếng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong tác phẩm “The Life and Lies of Charles Dickens” (Cuộc đời và những lời nói dối của Charles Dickens), tác giả Helena Kelly xem xét lại hình ảnh được nhà văn tỉ mỉ xây dựng trong suốt cuộc đời mình.

Bóng ma sách tiểu sử từ lâu gieo rắc nỗi sợ trong lòng những huyền thoại còn sống. Martha Washington, Henry James và Somerset Maugham từng cố gắng ngăn cản những người muốn viết tiểu sử bằng cách ném hết tài liệu cá nhân vào lò lửa — hành động phản kháng vô ích đến đau lòng. Những người thân tín hay thư từ qua lại không làm theo lời dặn của James là “đốt, đốt, đốt.”

Tuy vậy Charles Dickens có được kết cục tốt đẹp hơn nhiều trong cuốn tiểu sử ba tập của người bạn John Forster, xuất bản từ năm 1871 đến năm 1874. Theo cuốn sách mới của Helena Kelly, “The Life and Lies of Charles Dickens,” vấn đề chỉ “đơn giản là Forster không phải người viết tiểu sử giỏi.”

Trong nhiều thập kỷ, Forster, nhà văn và nhà phê bình có thành công tương đối khiêm tốn, gần như là bạn đồng hành văn chương của Dickens. Foster lắng nghe những lo lắng của Dickens, đọc bản thảo thô và sắp xếp nhiều vấn đề cuộc đời ông, bao gồm cả vấn đề ly hôn với Catherine Hogarth, mẹ của 10 đứa con ông, người ông rời bỏ để đến với Ellen “Nelly” Ternan, nữ diễn viên kém ông 27 tuổi. Đây là lần đầu tiên Dickens — người "nổi tiếng đến độ đáng kinh ngạc khắp thế giới", Kelly viết, "một sản phẩm, một thương hiệu" — gặp phải điều tiếng trong mắt công chúng.

Và trước khi qua đời năm 1870, Dickens giao cho Forster bản thảo của mình. Luôn là người “trợ lý trung thành”, Forster ghi lại “câu chuyện Dickens kể cho ông” và xuất bản tập đầu tiên “The Life of Charles Dickens” (Cuộc đời Charles Dickens) 18 tháng sau khi nhà văn qua đời, đó quả là thời điểm tốt nhất để tận dụng cơ hội.

Một thế kỷ rưỡi sau, hồ sơ lưu trữ dễ tiếp cận hơn nhiều so với trước đây và tác giả Kelly sẵn sàng thách thức “Ảo thuật gia Dickens” trong cuốn sách có thể được coi là “quản lý thương hiệu sau khi qua đời”. Trong số hàng loạt cáo buộc gian dối, tiết lộ lớn nhất của Forster là: cuốn tiểu thuyết “David Copperfield” mang tính bán tự truyện, lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của Dickens lao động trong nhà máy đánh giày trong khoảng thời gian cha của ông, John, (lần đầu) ngồi tù vì nợ nần. Dickens tự viết thông cáo báo chí cho bản thân, cố gắng che giấu sự thật cơ bản nhất trong lý lịch của mình; giờ đây độc giả đã có Forster “xác nhận” những gì họ nghi ngờ từ lâu.

“Hình ảnh cậu bé Charles khi còn nhỏ bị bỏ bê đến khó tả, khổ sở lao động tại một nhà kho bên bờ sông trong khi cha cậu mòn mỏi trong nhà tù Marshalsea, quả là xúc động sâu sắc,” tác giả Kelly viết, “nhưng chúng ta có chắc được rằng điều đó chính xác hay không?” Đây không phải câu hỏi mới — cũng không phải là câu trả lời cuối cùng của tác giả. Trong số ra năm 1872 của The North American Review, một nhà phê bình từng gọi lời bịa đặt này là “ví dụ điển hình về chỗ kỳ lạ trong tính cách của Dickens, và ông Forster rõ ràng không có khả năng phát hiện ra điểm này”.

Cuộc đời của Milton Friedman: kiếm tìm sắc thái trong triết lý thị trường tự do

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới của tác giả Jennifer Burns mong muốn mang đến góc nhìn phức tạp mới mẻ hơn về nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.

Tác giả Jennifer Burns chắc hẳn gặp phải thách thức lớn khi viết cuốn tiểu sử mới về nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman, ông nổi tiếng suốt cả cuộc đời mình nhiệt thành ủng hộ bãi bỏ quy định và thị trường tự do. Ngẫm thấy chủ đề cuốn sách rất gây tranh cãi, tác giả cho biết một trong những mục tiêu của mình là “khôi phục toàn vẹn tư tưởng của Friedman trong nhận thức của công chúng”. Tác giả miêu tả Friedman, qua đời năm 2006 ở tuổi 94, là nạn nhân của “cuộc tấn công từ hai phía”, bị bủa vây bởi những người cấp tiến ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu, những người chỉ trích “chủ nghĩa tân tự do” được ông nhiệt tình ủng hộ. “Khi ông ấy ngày càng trở thành biểu tượng cho phong trào chính trị,” tác giả viết, “các sắc thái và phức tạp trong tư tưởng của ông cũng mất đi.”

Nhưng chính tác giả Burns cũng phải thừa nhận việc chú trọng vào những “sắc thái và phức tạp” là điều Friedman nỗ lực ngăn cản. Ông dành nhiều thập kỷ tạo dựng hình ảnh người nổi tiếng trước công chúng, đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về phép màu của thị trường, trong các chuyên mục của ông trên tờ Newsweek và trong loạt chương trình truyền hình năm 1980 “Free to Choose” (Tự do lựa chọn). Một cảnh quay nổi tiếng có nội dung Friedman đầu hói nhỏ bé cầm cây bút chì, kinh ngạc vì có hàng nghìn người không hề quen biết nhau cùng giúp tạo ra chiếc bút chì ấy. Những nguyên tắc cơ bản đằng sau sự hợp tác phức tạp như vậy “thực sự rất đơn giản”, ông nói. Hiệu quả và sự hài hòa có thể xuất hiện thông qua “phép màu của hệ thống giá cả”.

Để hiểu sâu hơn về Friedman người phổ biến ý tưởng ra công chúng, tác giả Burns — nhà sử học tại Stanford cũng từng viết tiểu sử về Ayn Rand — dành phần nhiều cuốn sách này phân tích công trình của Friedman trước năm 1970, khi ông vẫn đang chỉ trích học thuyết Keynes chính thống thời đó. Tại Đại học Chicago, nơi Friedman dành phần lớn cuộc đời giảng dạy, ông đã vượt mặt các học giả cánh tả tập hợp trong Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Cowles, khéo léo thuyết phục Quỹ Rockefeller rút kinh phí cho ủy ban và thay vào đó tài trợ cho hội thảo của Friedman.

Cực kỳ cuốn hút trên giảng đường, Friedman không chỉ dạy học; ông còn tạo ra những môn đệ trung thành. Hệ quả là đội ngũ giảng viên được tác giả Burns miêu tả là “tư tưởng đồng thuận đến bất thường”. Dù Friedman phải chờ đợi thời cơ ở phạm vi nằm ngoài lĩnh vực của mình, nhưng bên trong Đại học Chicago, xung quanh ông có rất nhiều nhà kinh tế cùng chí hướng. Ông là một trong số ít nhà kinh tế học dự đoán được tình trạng lạm phát đình trệ thập kỷ 1970, khi bộ công cụ của Keynes dường như bất lực với mức lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

“Mô hình hồi quy càng phức tạp, tôi càng hoài nghi”, Friedman thường nói. Dù tác giả Burns hứa hẹn tiết lộ sự tinh tế tiềm ẩn trong ý tưởng của ông, điều rõ ràng trong cuốn sách này là ông thường bị thu hút bởi tính đơn giản nhất quán. Có khía cạnh chính trị ở điểm này. Mô hình kinh tế lượng phức tạp cho thấy có thể hoạch định một nền kinh tế phức tạp. Nhưng lý thuyết về giá cả — coi giá cả là cơ chế hiệu quả nhất điều phối hoạt động kinh tế — cho rằng việc hoạch định sẽ mang tính phá hoại hoặc vô nghĩa.

Quan điểm lạc quan tin vào một thị trường không ràng buộc sẽ là thế giới tốt nhất khả dĩ, hoàn toàn phù hợp với tính cách luôn lạc quan của Friedman. Friedman là đứa con trai duy nhất của cha mẹ nhập cư từ Đế quốc Áo-Hung, khi còn nhỏ ở New Jersey ông tự coi mình như “một hoàng tử nhỏ sôi nổi và tự tin,” tác giả Burns viết. Ông kết hôn với người yêu thời học cao học, Rose, bà từ bỏ sự nghiệp kinh tế đầy hứa hẹn của mình để nuôi dạy hai đứa con của họ. Theo mọi nguồn tin, họ dường như có cuộc hôn nhân hạnh phúc, đầy yêu thương và thậm chí còn cùng viết chung cuốn hồi ký, “Two Lucky People” (Hai người may mắn). Cuốn sách có nội dung được tác giả Burns gọi là “phiên bản làm sạch” về sự kiện khủng khiếp diễn ra một đêm năm 1955 khi Milton đi công tác ở Ấn Độ. Một kẻ đột nhập đã xâm nhập vào ngôi nhà của gia đình ở Chicago và cưỡng hiếp Rose.

David Mamet, còn gọi là 'Dave hay gắt gỏng', muốn chia sẻ đôi lời

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn hồi ký mới, nhà làm phim và nhà viết kịch bản chia sẻ suy nghĩ của ông về Hollywood xưa và nay.

Những vở kịch hay nhất của David Mamet đều có tựa đề rất xuất sắc: “American Buffalo”, “Glengarry Glen Ross”, “Speed-the-Plow”, “Oleanna”. Cuốn sách phi hư cấu hay nhất của ông, “Writing in Restaurants” (Viết trong nhà hàng) cũng vậy. Giờ đây, ở giai đoạn cuối sự nghiệp, ông cho trình làng tập tản văn mang tựa đề “Everywhere an Oink Oink” (Ụt ịt khắp nơi). Ôi trời, hay rồi. Chúng ta cùng xem nào.

Đôi lúc bạn có thể đánh giá cuốn sách qua tựa đề. James Hamilton-Paterson viết trong “Cooking With Fernet Branca” (Nấu ăn cùng Ferrnet Branca), cuốn tiểu thuyết bằng tranh dí dỏm của ông từ năm 2004: “Đối tượng độc giả của cuốn sách càng ngớ ngẩn, tựa đề càng phải dễ thương đến mức hài hước”. Cuốn sách mới của Mamet không ngớ ngẩn. Chỉ là những suy nghĩ ngẫu hứng, xáo trộn. Cuốn sách lập luận thiếu chặt chẽ, điên cuồng bài xích tư tưởng “woke” và viết hơi lộn xộn. Quan điểm của tác giả Mamet về sự chuyển đổi ngày nay là, “Dù sao thìzzzz (theo kiểu vịt Daffy nói trong hoạt hình).” Đọc cuốn này không khác gì ngồi cạnh ông chú Alvin thích xem kênh Fox News của bạn trong Lễ Tạ ơn.

Tuy nhiên, tác giả Mamet không giống các nhà bình luận bảo thủ điển hình sau thời kỳ Trump. (Mamet, hiện đang viết cho National Review, tự cho mình là “người theo chủ nghĩa tự do cải cách.”) Điểm khác biệt là Mamet có chiều sâu. Ông từng viết nên những vở kịch và kịch bản điện ảnh rất đáng chú ý; ông có khối óc phong phú; và khiếu hài hước thích tự giễu. Tôi sẵn sàng chấp nhận phong cách xuề xòa của tác giả, tiếng ợ hơi, gàu trên tóc và thói quen lặp đi lặp lại vì ít nhất nhiều lúc ông ấy rất thú vị và hài hước.

Bạn có thể không chấp nhận được quan điểm của Mamet. Nếu những lời bình luận qua loa về “Diversity Capos” (những người theo chủ nghĩa đa dạng quá khích) và “phiền toái thời Covid”, những đùa cợt châm biếm chính sách tự do về nhập cư và người vô gia cư, và lời tuyên bố ngày nay chúng ta nhận biết nhân vật phản diện trong phim nhờ “làn da trắng” khiến bạn khó chịu, thì cũng là chuyện dễ hiểu. Tác giả Mamet thừa nhận bản thân đánh mất phần lớn sự nghiệp của mình vì vấn đề này, “bị gạt sang một bên vì quan điểm chính trị của tôi (tôn trọng Hiến pháp, v.v.).”

Cách thưởng thức bữa ăn ngồi cạnh người mà bạn hầu như không đồng quan điểm, đặc biệt nếu họ lớn tuổi (Mamet sinh năm 1947) và gắt gỏng, là nhìn vào những điểm tốt nhất ở họ — tìm kiếm điểm chung. Vì vậy, phần còn lại bài đánh giá này sẽ là lời tán dương nho nhỏ cỡ cây bonsai, vì tôi có thiện cảm với loại sách đọc một lần, dạng giống như chương trình giải trí tạp kỹ, thể loại này Willie Nelson cũng từng viết vài cuốn.

Giống như Nelson, Mamet cũng phẫn nộ với những ông trùm công ty và tay sai của họ, những gã luôn kéo valy đi khắp nơi. Ít nhất 1/4 cuốn sách của Mamet dành để tấn công các “nhà sản xuất” phim, những người chỉ biết xen ngang và đóng dấu logo của họ lên tác phẩm của người khác, chẳng khác nào người vẽ graffiti. Trong cuốn “The Tao of Willie” (2006), Nelson có câu nói đùa về ông trùm công ty hay hơn ở cuốn sách này. “Điểm chung giữa giám đốc điều hành hãng thu âm và tinh trùng là gì?” Nelson hỏi. “Cả hai đều có cơ hội một phần triệu trở thành con người.”

Trong cuốn sách “Everywhere an Oink Oink ”, có tiêu đề phụ là “Lời kể cay đắng, đau ruột và chính xác về 40 năm ở Hollywood,” Mamet hết sức cố gắng để trào phúng dí dỏm. Tác giả có lúc thành công: “Làm đạo diễn phim cũng giống như vừa đánh cờ vừa đấu vật”; “Tôi luôn sẵn lòng nghĩ xấu về người khác, nên tôi cho rằng mình có tư tưởng cởi mở”; “Tiếng cười cũng như ánh mắt gợi tình, không thể nào thu lại được”; “Hollywood là Suối nguồn vô vọng”; “Nếu bạn cho rau mùi vào, người dân California sẽ ăn thịt cả mèo [tục tĩu]”; “Tôi luôn thấy Thái Bình Dương thật nhàm chán”; “Đừng bao giờ tin tưởng một người Do Thái đeo nơ.” Tác giả hào hiệp dành cho vợ vài câu bông đùa hay nhất. Ông kể rằng bà ấy gọi tiền là “phiếu giảm giá giày”. Bà ấy muốn nuôi giống chó nào? Giống chó mà “nếu bà dắt nó đi dạo thì nó ngỏm củ tỏi ấy”.

Những gì ấm áp trong cuốn sách này xuất phát từ tình yêu và kiến thức sâu rộng của tác giả đối với những bộ phim cũ, đặc biệt là phim noir. Mamet sẽ khiến bạn muốn tìm xem hoặc xem lại những bộ phim như phim giật gân về Chiến tranh Lạnh “Fail Safe” (1964) của Sidney Lumet, phim siêu trộm “Rififi ” (1955) của Jules Dassin và phiên bản năm 1946 của “Razor's Edge”, có Tyrone Power và Gene Tierney và Anne Baxter. Lần cuối cùng Mamet khóc là bộ phim “Random Harvest”, với sự góp mặt của Ronald Colman và Greer Garson. Tác giả nói thêm: “Quay phim năm 1942, rơi nước mắt năm 1970.”

Tác giả kể lại, lạ lùng nhưng có thật, những bài hát sân khấu âm nhạc thời Thế chiến I ông yêu thích. Ông trích dẫn nhận xét của Tolstoy là một cuộc hôn nhân đang gặp rắc rối khi hai người bắt đầu phát âm thật là rõ ràng. Cuốn sách còn có những nhánh rẽ kể về Dorothy Parker, Preston Sturges, Frances Farmer, Barbara Loden, nhà thơ Donald Hall và Frederick Law Olmsted.

Trong cuốn sách, tác giả hồi tưởng lại quá trình làm những bộ phim cũ của ông. Ông nhớ công việc đạo diễn. Ông ví nó giống như dẫn dắt đội quân ra chiến trận. Ông đã đạo diễn 10 bộ phim, viết lách, và có khoảng 40 kịch bản, dù chỉ một nửa được dựng phim. Tác giả liệt kê cả những bộ phim ông bị sa thải. Ông cũng hối hận vì từ chối lời đề nghị viết kịch bản cho Martin Scorsese và Sergio Leone.

Mamet chơi piano bốn tay với Randy Newman. Ông bay cùng Harrison Ford trên máy bay riêng. Stanley Kubrick thường cùng ông trò chuyện trên điện thoại. Ông viết về những ván bài blackjack đặt cược cao của Debra Winger với đội nhân viên trên phim trường, và còn châm chọc họ rằng dường như khi làm việc họ chỉ có ba kiểu phản ứng: “Ồ, Này và Được rồi.” Cuốn sách tiết lộ nhiều điều về người bạn ảo thuật gia Ricky Jay của ông. Tác giả cũng miêu tả những cảnh đáng nhớ, như lúc Ridley Scott và Dino De Laurentiis bay đến gặp ông ở Martha's Vineyard để nhờ viết kịch bản cho “Hannibal”.

Mamet tự nhận mình là “người chính trực” trên phim trường. Tức là ông chưa bao giờ có quan hệ tình ái với diễn viên nữ. Tác giả kể Mike Nichols khuyên thế này: Ngủ với diễn viên thì được, nhưng ngừng không ngủ nữa thì không được.

Mamet không thích nhân vật nam trong phim ngày trước uống nhiều sữa như vậy. Ông cũng không thích thẩm phán trong phim luôn dọa sẽ dẹp phiên tòa nhưng lại không bao giờ làm. Vì sao trong phim người ta không bao giờ đậy nút chai lại? Ông cho rằng thay đổi “Anh trợ lý kỹ thuật” thành “Trợ lý quay phim” trên phim trường là woke không cần thiết. Những kẻ ồn ào tự coi mình là nạn nhân, biến đi cho khuất mắt tôi! Tác giả đánh giá đàn ông qua cái bắt tay. Về sở thích này, ông viết: “Bánh thế nào thì đám cưới cũng thế ấy”.

Tác giả tự viết về thái độ thiếu bình tĩnh của mình, “Ôi, Dave gắt gỏng, gắt gỏng quá.” Ông tự gọi mình là “Ẩn sĩ của Santa Monica, trốn tránh một thế giới đã phát triển, và tên tuổi tôi giờ đây chẳng khác nào nhắc đến Herodotus với giới trẻ mù chữ.” Herodotus biết rằng tuổi tác làm mất đi những thứ mình yêu thích là điều khủng khiếp. Tác giả Mamet viết, đau khổ cay đắng nhất là “biết quá nhiều mà không kiểm soát được gì”. Herodotus có lẽ cũng ghét những đứa trẻ mới đến thị trấn vì chúng ở đó để thay thế ông.

EVERYWHERE AN OINK OINK: An Embittered, Dyspeptic, and Accurate Report of Forty Years in Hollywood | By David Mamet | Simon & Schuster | 237 pp. | $27.99

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...