Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Charles Dickens: Con người, Huyền thoại, Danh tiếng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong tác phẩm “The Life and Lies of Charles Dickens” (Cuộc đời và những lời nói dối của Charles Dickens), tác giả Helena Kelly xem xét lại hình ảnh được nhà văn tỉ mỉ xây dựng trong suốt cuộc đời mình.

Bóng ma sách tiểu sử từ lâu gieo rắc nỗi sợ trong lòng những huyền thoại còn sống. Martha Washington, Henry James và Somerset Maugham từng cố gắng ngăn cản những người muốn viết tiểu sử bằng cách ném hết tài liệu cá nhân vào lò lửa — hành động phản kháng vô ích đến đau lòng. Những người thân tín hay thư từ qua lại không làm theo lời dặn của James là “đốt, đốt, đốt.”

Tuy vậy Charles Dickens có được kết cục tốt đẹp hơn nhiều trong cuốn tiểu sử ba tập của người bạn John Forster, xuất bản từ năm 1871 đến năm 1874. Theo cuốn sách mới của Helena Kelly, “The Life and Lies of Charles Dickens,” vấn đề chỉ “đơn giản là Forster không phải người viết tiểu sử giỏi.”

Trong nhiều thập kỷ, Forster, nhà văn và nhà phê bình có thành công tương đối khiêm tốn, gần như là bạn đồng hành văn chương của Dickens. Foster lắng nghe những lo lắng của Dickens, đọc bản thảo thô và sắp xếp nhiều vấn đề cuộc đời ông, bao gồm cả vấn đề ly hôn với Catherine Hogarth, mẹ của 10 đứa con ông, người ông rời bỏ để đến với Ellen “Nelly” Ternan, nữ diễn viên kém ông 27 tuổi. Đây là lần đầu tiên Dickens — người "nổi tiếng đến độ đáng kinh ngạc khắp thế giới", Kelly viết, "một sản phẩm, một thương hiệu" — gặp phải điều tiếng trong mắt công chúng.

Và trước khi qua đời năm 1870, Dickens giao cho Forster bản thảo của mình. Luôn là người “trợ lý trung thành”, Forster ghi lại “câu chuyện Dickens kể cho ông” và xuất bản tập đầu tiên “The Life of Charles Dickens” (Cuộc đời Charles Dickens) 18 tháng sau khi nhà văn qua đời, đó quả là thời điểm tốt nhất để tận dụng cơ hội.

Một thế kỷ rưỡi sau, hồ sơ lưu trữ dễ tiếp cận hơn nhiều so với trước đây và tác giả Kelly sẵn sàng thách thức “Ảo thuật gia Dickens” trong cuốn sách có thể được coi là “quản lý thương hiệu sau khi qua đời”. Trong số hàng loạt cáo buộc gian dối, tiết lộ lớn nhất của Forster là: cuốn tiểu thuyết “David Copperfield” mang tính bán tự truyện, lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của Dickens lao động trong nhà máy đánh giày trong khoảng thời gian cha của ông, John, (lần đầu) ngồi tù vì nợ nần. Dickens tự viết thông cáo báo chí cho bản thân, cố gắng che giấu sự thật cơ bản nhất trong lý lịch của mình; giờ đây độc giả đã có Forster “xác nhận” những gì họ nghi ngờ từ lâu.

“Hình ảnh cậu bé Charles khi còn nhỏ bị bỏ bê đến khó tả, khổ sở lao động tại một nhà kho bên bờ sông trong khi cha cậu mòn mỏi trong nhà tù Marshalsea, quả là xúc động sâu sắc,” tác giả Kelly viết, “nhưng chúng ta có chắc được rằng điều đó chính xác hay không?” Đây không phải câu hỏi mới — cũng không phải là câu trả lời cuối cùng của tác giả. Trong số ra năm 1872 của The North American Review, một nhà phê bình từng gọi lời bịa đặt này là “ví dụ điển hình về chỗ kỳ lạ trong tính cách của Dickens, và ông Forster rõ ràng không có khả năng phát hiện ra điểm này”.

Cuộc đời của Milton Friedman: kiếm tìm sắc thái trong triết lý thị trường tự do

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới của tác giả Jennifer Burns mong muốn mang đến góc nhìn phức tạp mới mẻ hơn về nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.

Tác giả Jennifer Burns chắc hẳn gặp phải thách thức lớn khi viết cuốn tiểu sử mới về nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman, ông nổi tiếng suốt cả cuộc đời mình nhiệt thành ủng hộ bãi bỏ quy định và thị trường tự do. Ngẫm thấy chủ đề cuốn sách rất gây tranh cãi, tác giả cho biết một trong những mục tiêu của mình là “khôi phục toàn vẹn tư tưởng của Friedman trong nhận thức của công chúng”. Tác giả miêu tả Friedman, qua đời năm 2006 ở tuổi 94, là nạn nhân của “cuộc tấn công từ hai phía”, bị bủa vây bởi những người cấp tiến ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu, những người chỉ trích “chủ nghĩa tân tự do” được ông nhiệt tình ủng hộ. “Khi ông ấy ngày càng trở thành biểu tượng cho phong trào chính trị,” tác giả viết, “các sắc thái và phức tạp trong tư tưởng của ông cũng mất đi.”

Nhưng chính tác giả Burns cũng phải thừa nhận việc chú trọng vào những “sắc thái và phức tạp” là điều Friedman nỗ lực ngăn cản. Ông dành nhiều thập kỷ tạo dựng hình ảnh người nổi tiếng trước công chúng, đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về phép màu của thị trường, trong các chuyên mục của ông trên tờ Newsweek và trong loạt chương trình truyền hình năm 1980 “Free to Choose” (Tự do lựa chọn). Một cảnh quay nổi tiếng có nội dung Friedman đầu hói nhỏ bé cầm cây bút chì, kinh ngạc vì có hàng nghìn người không hề quen biết nhau cùng giúp tạo ra chiếc bút chì ấy. Những nguyên tắc cơ bản đằng sau sự hợp tác phức tạp như vậy “thực sự rất đơn giản”, ông nói. Hiệu quả và sự hài hòa có thể xuất hiện thông qua “phép màu của hệ thống giá cả”.

Để hiểu sâu hơn về Friedman người phổ biến ý tưởng ra công chúng, tác giả Burns — nhà sử học tại Stanford cũng từng viết tiểu sử về Ayn Rand — dành phần nhiều cuốn sách này phân tích công trình của Friedman trước năm 1970, khi ông vẫn đang chỉ trích học thuyết Keynes chính thống thời đó. Tại Đại học Chicago, nơi Friedman dành phần lớn cuộc đời giảng dạy, ông đã vượt mặt các học giả cánh tả tập hợp trong Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Cowles, khéo léo thuyết phục Quỹ Rockefeller rút kinh phí cho ủy ban và thay vào đó tài trợ cho hội thảo của Friedman.

Cực kỳ cuốn hút trên giảng đường, Friedman không chỉ dạy học; ông còn tạo ra những môn đệ trung thành. Hệ quả là đội ngũ giảng viên được tác giả Burns miêu tả là “tư tưởng đồng thuận đến bất thường”. Dù Friedman phải chờ đợi thời cơ ở phạm vi nằm ngoài lĩnh vực của mình, nhưng bên trong Đại học Chicago, xung quanh ông có rất nhiều nhà kinh tế cùng chí hướng. Ông là một trong số ít nhà kinh tế học dự đoán được tình trạng lạm phát đình trệ thập kỷ 1970, khi bộ công cụ của Keynes dường như bất lực với mức lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

“Mô hình hồi quy càng phức tạp, tôi càng hoài nghi”, Friedman thường nói. Dù tác giả Burns hứa hẹn tiết lộ sự tinh tế tiềm ẩn trong ý tưởng của ông, điều rõ ràng trong cuốn sách này là ông thường bị thu hút bởi tính đơn giản nhất quán. Có khía cạnh chính trị ở điểm này. Mô hình kinh tế lượng phức tạp cho thấy có thể hoạch định một nền kinh tế phức tạp. Nhưng lý thuyết về giá cả — coi giá cả là cơ chế hiệu quả nhất điều phối hoạt động kinh tế — cho rằng việc hoạch định sẽ mang tính phá hoại hoặc vô nghĩa.

Quan điểm lạc quan tin vào một thị trường không ràng buộc sẽ là thế giới tốt nhất khả dĩ, hoàn toàn phù hợp với tính cách luôn lạc quan của Friedman. Friedman là đứa con trai duy nhất của cha mẹ nhập cư từ Đế quốc Áo-Hung, khi còn nhỏ ở New Jersey ông tự coi mình như “một hoàng tử nhỏ sôi nổi và tự tin,” tác giả Burns viết. Ông kết hôn với người yêu thời học cao học, Rose, bà từ bỏ sự nghiệp kinh tế đầy hứa hẹn của mình để nuôi dạy hai đứa con của họ. Theo mọi nguồn tin, họ dường như có cuộc hôn nhân hạnh phúc, đầy yêu thương và thậm chí còn cùng viết chung cuốn hồi ký, “Two Lucky People” (Hai người may mắn). Cuốn sách có nội dung được tác giả Burns gọi là “phiên bản làm sạch” về sự kiện khủng khiếp diễn ra một đêm năm 1955 khi Milton đi công tác ở Ấn Độ. Một kẻ đột nhập đã xâm nhập vào ngôi nhà của gia đình ở Chicago và cưỡng hiếp Rose.

David Mamet, còn gọi là 'Dave hay gắt gỏng', muốn chia sẻ đôi lời

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn hồi ký mới, nhà làm phim và nhà viết kịch bản chia sẻ suy nghĩ của ông về Hollywood xưa và nay.

Những vở kịch hay nhất của David Mamet đều có tựa đề rất xuất sắc: “American Buffalo”, “Glengarry Glen Ross”, “Speed-the-Plow”, “Oleanna”. Cuốn sách phi hư cấu hay nhất của ông, “Writing in Restaurants” (Viết trong nhà hàng) cũng vậy. Giờ đây, ở giai đoạn cuối sự nghiệp, ông cho trình làng tập tản văn mang tựa đề “Everywhere an Oink Oink” (Ụt ịt khắp nơi). Ôi trời, hay rồi. Chúng ta cùng xem nào.

Đôi lúc bạn có thể đánh giá cuốn sách qua tựa đề. James Hamilton-Paterson viết trong “Cooking With Fernet Branca” (Nấu ăn cùng Ferrnet Branca), cuốn tiểu thuyết bằng tranh dí dỏm của ông từ năm 2004: “Đối tượng độc giả của cuốn sách càng ngớ ngẩn, tựa đề càng phải dễ thương đến mức hài hước”. Cuốn sách mới của Mamet không ngớ ngẩn. Chỉ là những suy nghĩ ngẫu hứng, xáo trộn. Cuốn sách lập luận thiếu chặt chẽ, điên cuồng bài xích tư tưởng “woke” và viết hơi lộn xộn. Quan điểm của tác giả Mamet về sự chuyển đổi ngày nay là, “Dù sao thìzzzz (theo kiểu vịt Daffy nói trong hoạt hình).” Đọc cuốn này không khác gì ngồi cạnh ông chú Alvin thích xem kênh Fox News của bạn trong Lễ Tạ ơn.

Tuy nhiên, tác giả Mamet không giống các nhà bình luận bảo thủ điển hình sau thời kỳ Trump. (Mamet, hiện đang viết cho National Review, tự cho mình là “người theo chủ nghĩa tự do cải cách.”) Điểm khác biệt là Mamet có chiều sâu. Ông từng viết nên những vở kịch và kịch bản điện ảnh rất đáng chú ý; ông có khối óc phong phú; và khiếu hài hước thích tự giễu. Tôi sẵn sàng chấp nhận phong cách xuề xòa của tác giả, tiếng ợ hơi, gàu trên tóc và thói quen lặp đi lặp lại vì ít nhất nhiều lúc ông ấy rất thú vị và hài hước.

Bạn có thể không chấp nhận được quan điểm của Mamet. Nếu những lời bình luận qua loa về “Diversity Capos” (những người theo chủ nghĩa đa dạng quá khích) và “phiền toái thời Covid”, những đùa cợt châm biếm chính sách tự do về nhập cư và người vô gia cư, và lời tuyên bố ngày nay chúng ta nhận biết nhân vật phản diện trong phim nhờ “làn da trắng” khiến bạn khó chịu, thì cũng là chuyện dễ hiểu. Tác giả Mamet thừa nhận bản thân đánh mất phần lớn sự nghiệp của mình vì vấn đề này, “bị gạt sang một bên vì quan điểm chính trị của tôi (tôn trọng Hiến pháp, v.v.).”

Cách thưởng thức bữa ăn ngồi cạnh người mà bạn hầu như không đồng quan điểm, đặc biệt nếu họ lớn tuổi (Mamet sinh năm 1947) và gắt gỏng, là nhìn vào những điểm tốt nhất ở họ — tìm kiếm điểm chung. Vì vậy, phần còn lại bài đánh giá này sẽ là lời tán dương nho nhỏ cỡ cây bonsai, vì tôi có thiện cảm với loại sách đọc một lần, dạng giống như chương trình giải trí tạp kỹ, thể loại này Willie Nelson cũng từng viết vài cuốn.

Giống như Nelson, Mamet cũng phẫn nộ với những ông trùm công ty và tay sai của họ, những gã luôn kéo valy đi khắp nơi. Ít nhất 1/4 cuốn sách của Mamet dành để tấn công các “nhà sản xuất” phim, những người chỉ biết xen ngang và đóng dấu logo của họ lên tác phẩm của người khác, chẳng khác nào người vẽ graffiti. Trong cuốn “The Tao of Willie” (2006), Nelson có câu nói đùa về ông trùm công ty hay hơn ở cuốn sách này. “Điểm chung giữa giám đốc điều hành hãng thu âm và tinh trùng là gì?” Nelson hỏi. “Cả hai đều có cơ hội một phần triệu trở thành con người.”

Trong cuốn sách “Everywhere an Oink Oink ”, có tiêu đề phụ là “Lời kể cay đắng, đau ruột và chính xác về 40 năm ở Hollywood,” Mamet hết sức cố gắng để trào phúng dí dỏm. Tác giả có lúc thành công: “Làm đạo diễn phim cũng giống như vừa đánh cờ vừa đấu vật”; “Tôi luôn sẵn lòng nghĩ xấu về người khác, nên tôi cho rằng mình có tư tưởng cởi mở”; “Tiếng cười cũng như ánh mắt gợi tình, không thể nào thu lại được”; “Hollywood là Suối nguồn vô vọng”; “Nếu bạn cho rau mùi vào, người dân California sẽ ăn thịt cả mèo [tục tĩu]”; “Tôi luôn thấy Thái Bình Dương thật nhàm chán”; “Đừng bao giờ tin tưởng một người Do Thái đeo nơ.” Tác giả hào hiệp dành cho vợ vài câu bông đùa hay nhất. Ông kể rằng bà ấy gọi tiền là “phiếu giảm giá giày”. Bà ấy muốn nuôi giống chó nào? Giống chó mà “nếu bà dắt nó đi dạo thì nó ngỏm củ tỏi ấy”.

Những gì ấm áp trong cuốn sách này xuất phát từ tình yêu và kiến thức sâu rộng của tác giả đối với những bộ phim cũ, đặc biệt là phim noir. Mamet sẽ khiến bạn muốn tìm xem hoặc xem lại những bộ phim như phim giật gân về Chiến tranh Lạnh “Fail Safe” (1964) của Sidney Lumet, phim siêu trộm “Rififi ” (1955) của Jules Dassin và phiên bản năm 1946 của “Razor's Edge”, có Tyrone Power và Gene Tierney và Anne Baxter. Lần cuối cùng Mamet khóc là bộ phim “Random Harvest”, với sự góp mặt của Ronald Colman và Greer Garson. Tác giả nói thêm: “Quay phim năm 1942, rơi nước mắt năm 1970.”

Tác giả kể lại, lạ lùng nhưng có thật, những bài hát sân khấu âm nhạc thời Thế chiến I ông yêu thích. Ông trích dẫn nhận xét của Tolstoy là một cuộc hôn nhân đang gặp rắc rối khi hai người bắt đầu phát âm thật là rõ ràng. Cuốn sách còn có những nhánh rẽ kể về Dorothy Parker, Preston Sturges, Frances Farmer, Barbara Loden, nhà thơ Donald Hall và Frederick Law Olmsted.

Trong cuốn sách, tác giả hồi tưởng lại quá trình làm những bộ phim cũ của ông. Ông nhớ công việc đạo diễn. Ông ví nó giống như dẫn dắt đội quân ra chiến trận. Ông đã đạo diễn 10 bộ phim, viết lách, và có khoảng 40 kịch bản, dù chỉ một nửa được dựng phim. Tác giả liệt kê cả những bộ phim ông bị sa thải. Ông cũng hối hận vì từ chối lời đề nghị viết kịch bản cho Martin Scorsese và Sergio Leone.

Mamet chơi piano bốn tay với Randy Newman. Ông bay cùng Harrison Ford trên máy bay riêng. Stanley Kubrick thường cùng ông trò chuyện trên điện thoại. Ông viết về những ván bài blackjack đặt cược cao của Debra Winger với đội nhân viên trên phim trường, và còn châm chọc họ rằng dường như khi làm việc họ chỉ có ba kiểu phản ứng: “Ồ, Này và Được rồi.” Cuốn sách tiết lộ nhiều điều về người bạn ảo thuật gia Ricky Jay của ông. Tác giả cũng miêu tả những cảnh đáng nhớ, như lúc Ridley Scott và Dino De Laurentiis bay đến gặp ông ở Martha's Vineyard để nhờ viết kịch bản cho “Hannibal”.

Mamet tự nhận mình là “người chính trực” trên phim trường. Tức là ông chưa bao giờ có quan hệ tình ái với diễn viên nữ. Tác giả kể Mike Nichols khuyên thế này: Ngủ với diễn viên thì được, nhưng ngừng không ngủ nữa thì không được.

Mamet không thích nhân vật nam trong phim ngày trước uống nhiều sữa như vậy. Ông cũng không thích thẩm phán trong phim luôn dọa sẽ dẹp phiên tòa nhưng lại không bao giờ làm. Vì sao trong phim người ta không bao giờ đậy nút chai lại? Ông cho rằng thay đổi “Anh trợ lý kỹ thuật” thành “Trợ lý quay phim” trên phim trường là woke không cần thiết. Những kẻ ồn ào tự coi mình là nạn nhân, biến đi cho khuất mắt tôi! Tác giả đánh giá đàn ông qua cái bắt tay. Về sở thích này, ông viết: “Bánh thế nào thì đám cưới cũng thế ấy”.

Tác giả tự viết về thái độ thiếu bình tĩnh của mình, “Ôi, Dave gắt gỏng, gắt gỏng quá.” Ông tự gọi mình là “Ẩn sĩ của Santa Monica, trốn tránh một thế giới đã phát triển, và tên tuổi tôi giờ đây chẳng khác nào nhắc đến Herodotus với giới trẻ mù chữ.” Herodotus biết rằng tuổi tác làm mất đi những thứ mình yêu thích là điều khủng khiếp. Tác giả Mamet viết, đau khổ cay đắng nhất là “biết quá nhiều mà không kiểm soát được gì”. Herodotus có lẽ cũng ghét những đứa trẻ mới đến thị trấn vì chúng ở đó để thay thế ông.

EVERYWHERE AN OINK OINK: An Embittered, Dyspeptic, and Accurate Report of Forty Years in Hollywood | By David Mamet | Simon & Schuster | 237 pp. | $27.99

Friday, October 4, 2024

Bị đánh giá tệ à? Kiện nhà phê bình đi. Whistler từng làm như thế.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Falling Rocket” (Pháo hoa) của Paul Thomas Murphy tập trung vào phiên tòa đầy kịch tính gây chia rẽ giới nghệ thuật London.

“Trước đây tôi đã chứng kiến, và nghe thấy nhiều điều về sự trơ tráo của Cockney; nhưng chưa từng ngờ được sẽ nghe đến chuyện một gã hợm hĩnh đòi những 200 đồng guinea để hất lọ sơn vào mặt công chúng.” Những lời này là của John Ruskin, nhà phê bình nổi tiếng thời Victoria ở Anh, viết năm 1877 nhận xét về “Nocturne in Black and Gold— The Falling Rocket” (Khúc đêm đen và vàng: Pháo hoa), bức tranh của James Abbott McNeill Whistler, họa sĩ hào hoa nhất thời bấy giờ.

Và việc này dẫn đến phiên tòa nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật, khi Whistler quyết định có bước đi gây sốc là kiện nhà phê bình vì bài đánh giá của ông ta — vừa thu hút sự chú ý của công chúng vừa đòi bồi thường một nghìn guinea.

Bắt hàng trăm người làm nô lệ, nhưng rồi để lại di chúc trả tự do cho họ. Có lẽ vậy.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Lời tuyên bố đầy tranh cãi lúc lâm chung; nhiều ý nguyện trái ngược nhau; những lời cáo buộc tâm thần: Đây là những vấn đề trọng tâm trong cuốn sách A Madman's Will (Di chúc của một người điên), cuốn sách là lời kể của Gregory May về một chính khách Virginia, người giam giữ nhiều đàn ông và phụ nữ trong vòng nô lệ suốt cuộc đời của mình để rồi trả tự do cho họ khi ông hấp hối.

Vì sao một người bảo vệ quyền sở hữu nô lệ khét tiếng trong chính quyền, một nghị sĩ Mỹ và là một trong những người sở hữu nô lệ nhiều nhất đất nước, lại lựa chọn thực hiện một trong những sự kiện giải phóng nô lệ lớn nhất lịch sử là phóng thích tất cả nô lệ ông sở hữu? Ông ấy có bị điên không? Điều quan trọng không kém là người dân và đất nước của ông có sẵn sàng chấp nhận lựa chọn ấy và những hậu quả từ đó hay không? Đây là một vài câu hỏi khiến những mong muốn cuối cùng của người chủ nô trở thành câu chuyện xôn xao ở thời điểm đó và thúc đẩy cuốn sách nghiên cứu mới mở rộng tầm mắt và đầy nhiệt huyết của tác giả Gregory May , “A Madman's Will”.

Người chủ nô là John Randolph vùng Roanoke — một chính khách lâu năm ở Virginia nổi tiếng sắc sảo, xanh xao, tính dục không rõ ràng, chưa bao giờ kết hôn hay có con nên không có người thừa kế hợp pháp khi ông qua đời năm 1833. Randolph từng thừa kế nợ nần cũng như đất đai và tài sản con người, nhưng nhờ khai thác lao động nô lệ cẩn trọng và có hệ thống, ông tạo dựng được khối tài sản khổng lồ.

Khi làm việc tại Quốc hội, có lúc ông từng xông vào Hạ viện cùng với bầy chó săn và thường xuyên gây ồn ào như thế bằng ngôn từ châm chọc — truyền tải qua “giọng nói nữ tính chói tai”, có thể do bất thường di truyền hoặc bệnh tật ở tuổi vị thành niên — nên đồng nghiệp của ông thường né tránh. Sau khi Henry Clay, khi đó là ngoại trưởng, bắn xuyên áo khoác của Randolph trong hiệp đấu tay đôi thứ hai, Randolph bắn súng của mình vào không trung rồi tuyên bố: “Anh nợ tôi một chiếc áo khoác, anh Clay.” Là nhân vật gây tranh cãi trong suốt cuộc đời mình, khi qua đời Randolph gieo rắc nhiều nỗi hoang mang bằng một loạt di chúc cho thấy không chỉ nhiều điểm mâu thuẫn điên rồ của ông, mà theo như tác giả May chứng minh hết sức thuyết phục, cả những mâu thuẫn của một thời đại và quốc gia.

Lúc lâm chung, Randolph nói với bác sĩ đang điều trị cho ông mong muốn “xác nhận mọi ý định trong di chúc của tôi, đặc biệt là tôn trọng nô lệ của tôi, là những người được tôi trả tự do và tôi đã có dự phòng cho họ.” Và rồi buổi sáng hôm ấy, trước nhiều nhân chứng, Randolph tuyên bố: “Tôi mong muốn những điều khoản trong di chúc của tôi, đặc biệt là điều khoản về nô lệ của tôi, được thực thi, và nhất là việc chu cấp cho người đàn ông này.” Người đàn ông được đề cập đến là John White, một trong số ít những người bị bắt làm nô lệ được Randolph coi là “bạn thân nhất” của mình, nhưng người này bị ông bỏ tù sau khi cố gắng bỏ trốn, và chẳng bao lâu trước còn bị đánh đòn vì cáo buộc “cờ bạc bằng tiền ăn cắp.”

Vấn đề là: Những gì người sắp chết nói hoàn toàn khác với nội dung di chúc cuối cùng của ông. Một số di chúc trước đó, được ghi lại từ năm 1800 đến năm 1821, với nhiều bản bổ sung khác nhau thêm vào nhiều lần sau đó, đã có nội dung trả tự do cho nô lệ của ông và hứa cấp tài sản hỗ trợ họ. Tuy nhiên, bản di chúc cuối cùng được biết đến, từ năm 1832, lại đảo ngược hết nội dụng. Trong đó, Randolph hủy bỏ nguyện vọng trả tự do cho nô lệ và để lại phần lớn tài sản của mình cho đứa con trai 2 tuổi của cháu gái ông.

Cộng đồng da đen kiên cường 'Xây nên từ ngọn lửa' của một vụ thảm sát

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới đầy quyết tâm của tác giả Victor Luckerson kể lại lịch sử vùng Greenwood, bang Oklahoma, từ những ngày đầu thịnh vượng cho đến vụ thảm sát chủng tộc năm 1921 và hậu quả sau đó.

Nếu từng dọn lò sưởi, hoặc tệ hơn là phải rải hài cốt hỏa táng của người thân, bạn có lẽ đã nín thở. Bạn không muốn hít phải hạt tro màu xám nào bay quanh bạn. Nhưng tro tàn là thứ dai dẳng. Nó bám vào da, tìm cách chui vào mũi và dính nhằng nhẵng lên quần áo bạn như dây kim tuyến rẻ tiền treo cây thông Noel. Tro tàn — dù trong lò sưởi hay trong hũ cốt — khiến bạn nhớ lại những gì từng tồn tại và chế nhạo bạn vì điều ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Trong cuốn sách mới rất cuốn hút, “Built From the Fire: The Epic Story of Tulsa’s Greenwood District, America’s Black Wall Street “ (Xây nên từ ngọn lửa: Câu chuyện hào hùng về Quận Greenwood vùng Tulsa, Phố Wall Đen của nước Mỹ), tác giả Victor Luckerson lục tìm trong những lớp bồ hóng và tro bụi, tàn tích về thể chất và tâm lý của vụ thảm sát chủng tộc Tulsa, điều tiếp tục ám ảnh cộng đồng người da đen của thành phố hơn một thế kỷ sau khi sự việc xảy ra.

Trong vòng hai ngày mùa xuân năm 1921, quận Greenwood vùng Tulsa bị phá hủy và hàng trăm cư dân ở đây bị sát hại. Được coi là hình mẫu về thành công trong kinh doanh và quyền tự quyết của người da đen ở thời đại Jim Crow, Greenwood trở thành mục tiêu bạo lực khi có tin đồn lan truyền thiếu niên da đen có tên Dick Rowland tấn công tình dục một phụ nữ da trắng trong thang máy. Cuộc phô trương vũ lực của người Greenwood nhằm ngăn cản Rowland bị hành hình kiểu lynch đã leo thang thành cuộc tấn công tổng lực nhắm vào người Tulsan da đen của nhóm người da trắng là thành viên ban trật tự, trong đó có một số người được cảnh sát giao vũ khí. Theo tác giả Luckerson kể lại, “Hơn 1.200 ngôi nhà bị san bằng, gần như mọi cơ sở kinh doanh bị thiêu rụi và số người không xác định — ước tính lên tới 300 người — bị sát hại.”

Tác giả Luckerson, là nhà báo ở Tulsa, khéo léo đưa chúng ta đi qua lịch sử vùng Greenwood, dằn lại thôi thúc muốn tôn vinh những người thành lập nên quận này hoặc tán đồng ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp do người da đen sở hữu hơn có thể khắc phục những tàn phá của chủ nghĩa tư bản chủng tộc. Thay vào đó, tác giả giới thiệu một loạt nhân vật đang tìm cách thoát khỏi miền Nam thời hậu Tái thiết, đến Tulsa đầu những năm 1900 và giúp đưa Greenwood trở thành “Địa đàng phía Tây.”

Cơ hội dường như rộng mở ở bang mới Oklahoma thu hút các nhà tư bản không nao núng, những người đàn ông tự tin, những người vợ cần cù và những người mẹ chung thủy đến nơi trước đây được gọi là Lãnh thổ Da đỏ, nơi sinh sống của tập hợp của những người bản xứ trong khu vực và các bộ lạc bị ép buộc chuyển đến đó. Mục tiêu là tạo ra “nơi trú ẩn cho tầng lớp trung lưu da đen đang phát triển… nơi vẫn có thể khai khẩn đất đai, vẫn xây dựng được của cải, quyền lực chính trị vẫn được đảm bảo, ngay cả khi quốc gia quay lưng lại với các quyền tự do đẫm máu thỏa thuận được trong thời Nội chiến.”

Nước Mỹ qua lăng kính truyền hình thực tế của Donald Trump và Mark Burnett

nguồn: nytimes

biên dịch: nguyễn quỳnh anh


Năm 2004, phóng viên mảng giải trí Setoodeh khi đó 22 tuổi, được giao nhiệm vụ theo dõi chương trình "The Apprentice" (Người học việc). Cách kết hợp độc đáo giữa quảng cáo sản phẩm và những màn cảm xúc mãnh liệt của chương trình nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng. Nhiều năm sau, Setoodeh trở thành tổng biên tập tạp chí Variety, còn Donald Trump dĩ nhiên trở thành tổng thống Mỹ — thành công này có thể nói phần lớn nhờ vào hình ảnh doanh nhân thành đạt, cứng rắn trong lòng công chúng được ông Trump xây dựng trên truyền hình.

Vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi Setoodeh, giống như nhiều người khác từng làm việc liên quan đến Trump, lại viết thêm một đầu sách cho kho tàng sách không ngừng mở rộng về Trump. Tác giả Setoodeh thừa nhận chương trình "The Apprentice" được "phân tích, tranh luận, tham khảo và công nhận là yếu tố chính" trong chiến thắng năm 2016 của Trump. Tác giả hứa hẹn cuốn "Apprentice in Wonderland" (Người học việc ở xứ sở diệu kỳ) sẽ mang đến góc nhìn mới: "những điều còn thiếu khi người ta nói về chương trình — không chỉ là biểu tượng, mà còn là dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn hóa đại chúng."

Lời nói này của tác giả cũng giống như bao lời 'cuốn sách của tôi đặc biệt' thường thấy, nghe có vẻ chủ quan bình thường, thế nhưng hóa ra thật sự cũng không có gì khác biệt. Chương trình "The Apprentice" được coi là "dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn hóa đại chúng" hoàn toàn nhờ ngôi sao của chương trình trở thành tổng thống. Bản thân "chương trình" này, theo chính lời kể của tác giả Setoodeh, chỉ là một sản phẩm truyền hình thực tế như bao chương trình khác: cực kỳ cuốn hút, được dàn dựng công nghiệp có thể sản xuất hàng loạt với chi phí thấp. Quãng thời gian tham gia chương trình truyền hình thực tế của Trump đã được khai thác quá nhiều, khó mà tìm thêm được ý nghĩa gì từ đây. Cuốn sách này có thể tiết lộ điều gì chúng ta chưa biết?

Tác giả Setoodeh rất nỗ lực thu thập thông tin. Setoodeh phỏng vấn Trump sáu lần từ tháng 05.2021 đến tháng 11.2023, đồng thời trò chuyện với nhiều người từng làm việc hoặc tham gia chương trình. Nói cách khác, tác giả có thể tiếp cận người trong cuộc. Tuy nhiên, các mối quan hệ tiếp cận được — nhất là về chương trình truyền hình thực tế từ 20 năm trước, với nội dung xoay quanh những con người hay chuyện thèm khát được chú ý — cũng chỉ mang đến chừng ấy nội dung.

Phần lớn nguồn tin tác giả Setoodeh có được là biến thể của những câu chuyện về chương trình "The Apprentice" trong suốt những năm qua. Chúng ta nghe đi nghe lại Trump là người thiếu quyết đoán đồng thời diễn đạt kém lưu loát thuyết phục chứ không như trên chương trình biên tập, và ông ta có nhiều bình luận khiếm nhã đối với phụ nữ. (Chưa kể gần đây Trump bị một bồi thẩm đoàn buộc tội tấn công tình dục và phỉ báng, phải bồi thường cho người cáo buộc ông, nhà báo E. Jean Carroll, khoản tiền 83,3 triệu đô la) Một người tham gia chương trình, Jennifer Murphy, kể lại ông Trump từng hôn cô, nhưng cô không cảm thấy bị xúc phạm. "Tôi thấy ông Trump nhìn tôi giống như nhìn con gái ông ấy," cô kể cho tác giả Setoodeh. "Nhưng tôi cũng nghĩ ông ấy có chút thích tôi."


Đó là dạng lời kể — vô tình vừa hài hước vừa phản cảm — có thể đi theo hướng khai thác lý thú trong tay tác giả khác, nhưng Setoodeh lại bỏ qua và viết tiếp chuyện khác. Tác giả có thiên hướng trích dẫn nhiều hơn mức cần thiết, khiến câu văn bị nhấn chìm trong những lời tẻ nhạt. Cuốn sách nhàm chán nhất ở những phần phỏng vấn với Trump. Ông ta thao thao bất tuyệt lan man kể lại những ký ức trên trường quay cách đây hơn một thập kỷ, xen lẫn những lời nói dối trắng trợn về chiến thắng năm 2020. Phương pháp phỏng vấn của Setoodeh là cho Trump xem lại các cảnh quay trích từ chương trình "The Apprentice" để khuyến khích Trump nhớ lại quá khứ.

Ông Trump dường như rất thích hồi tưởng lại quãng thời gian tham gia chương trình. "Có vẻ nói về 'The Apprentice' khiến ông ấy thoải mái, giống như bôi dầu làm dịu cho bệnh nhân viêm phổi," Setoodeh viết. Và rồi so sánh hoài niệm vui vẻ của Trump với những cơn giận dữ bùng nổ mỗi khi ông nhớ lại năm tháng ở Nhà Trắng. Văn phòng của Trump được mô tả giống như chiếc hộp thời gian, trên tường treo những bài báo được đóng khung từ thời kỳ hoàng kim của ngành báo in. Tác giả Setoodeh so sánh Trump với bà Havisham mặc bộ váy cưới mục nát trong tác phẩm văn học "Những kỳ vọng lớn lao," và văn phòng của Trump giống như "Grey Gardens nhưng không có mèo" và cũng giống "một cửa hàng bách hóa lỗi thời." Cảnh tượng ấy trông thật thảm hại và buồn bã. Nhưng rồi Trump bất ngờ phá vỡ bầu không khí đó, bắt đầu tràng giang đại hải ca thán về Hunter Biden.

Nói cách khác, Trump luôn nhắc chúng ta nhớ ông ấy là người thế nào — cũng là vấn đề tác giả Setoodeh gặp khó khăn, ngay cả khi tác giả không thực sự biết cách khai thác hết nguồn thông tin có được. Tác giả trích dẫn nhiều câu nói sai lệch hoặc chỉ đúng một nửa của Trump, dẫn đến phải liên tục đính chính thông tin không chính xác. "Không thể thực sự phỏng vấn Trump với tư cách chính trị gia," tác giả Setoodeh viết. "Ông ấy không phải là chính trị gia. Không có cách nào hỏi ông ấy về điều hành đất nước. Ông ấy không thể điều hành được."

Setoodeh cố gắng tập trung vào chi tiết chương trình "The Apprentice", còn Trump liên tục đi chệch hướng. Mặc dù tác giả Setoodeh không coi Trump là "chính trị gia", nhưng ông vẫn là tổng thống Mỹ. Bốn năm cầm quyền của Trump có hậu quả thực sự đối với nước Mỹ. Những câu chuyện thị phi hậu trường của "The Apprentice" trở nên thật nhỏ bé khi mang ra so sánh.

Những chi tiết kỳ lạ nhất trong cuốn sách không hợp thành điều gì thú vị hơn ngoài những chuyện điên rồ theo phong cách "Alice ở xứ sở diệu kỳ" như tựa đề sách ám chỉ. Lần đầu tiên Setoodeh gặp Mark Burnett, nhà sản xuất chịu trách nhiệm chương trình "The Apprentice," Burnett "đưa tay phải ra để bắt tay tôi trong khi tay trái ông ấy bất ngờ véo mạnh vào núm vú tôi." Một người tham gia chương trình nhớ lại kỳ khám sức khỏe bắt buộc cho "The Apprentice" có tình huống "một cái ống" được "đưa vào dương vật của bạn rồi người ta xoay, cạo cạo và rút ra." Một cú nhéo núm vú của Burnett? Một cái ống trong dương vật? Nghe khá kỳ quặc! Nhưng nếu thiếu đi tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu cuốn sách, những chi tiết ấy chỉ lơ lửng ở đó, mông lung trong gió.

"Văn hóa người nổi tiếng lấy đi rất nhiều thứ của đất nước này và thế giới, nhưng mặt tích cực — ít nhất trên lý thuyết — là nó cho phép người ta có mơ ước lớn." Tác giả Setoodeh tự nhủ điều này khi ngồi trong "biệt thự Goop" hai phòng ngủ tại một khách sạn boutique ở Florida, cơ sở thuộc thương hiệu mở rộng của Gwyneth Paltrow, trên chiếc ghế sofa đắt đỏ đến mức khiến tác giả "nghĩ về giấc mơ Mỹ." Đó là lúc tác giả đi gần nhất đến một ý tưởng độc đáo, bao quát về những gì muốn truyền tải cho độc giả. Nhưng rồi tác giả lại thu hẹp, quay về những ý tứ mông lung ám chỉ việc bán cho đại chúng một lối sống mơ ước cũng không tệ, "trừ khi thương hiệu đó nuốt chửng cả thế giới."

Tuy nhiên, Trump lại thường thể hiện khả năng nắm bắt nhạy bén hơn, so với các nhà quan sát truyền thông, về những mặt tối trong chính trị và xã hội. Ông phủ nhận ảo tưởng cho rằng văn hóa người nổi tiếng thực sự thúc đẩy bất kỳ điều gì có ý nghĩa hoặc tốt đẹp. "Tất cả chỉ xoay quanh một thứ: tỷ suất người xem," Trump nói với Setoodeh, khi nhớ lại những lần đàm phán với đài NBC. "Nếu có tỷ suất người xem, anh có thể là người tồi tệ nhất, độc ác nhất trên đời."

APPRENTICE IN WONDERLAND: How Donald Trump and Mark Burnett Took America Through the Looking Glass | By Ramin Setoodeh | Harper | 255 pp. | $32

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times. More about Jennifer Szalai
_____
From The New York Times:

Millions of Americans Watched 'The Apprentice.' Now We Are Living It.

As a new book by Ramin Setoodeh shows, Donald Trump brought the vulgar theatrics he honed on TV to his life in politics.

https://www.nytimes.com/2024/06/14/books/review/apprentice-in-wonderland-ramin-setoodeh.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...