Search This Blog

Wednesday, October 2, 2024

Câu chuyện lịch sử về ẩm thực Trung Hoa, và bữa tiệc mỹ mãn

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn “Invitation to a Banquet” (“Thiệp mời dự tiệc”) của Fuchsia Dunlop là công trình nghiên cứu văn hóa về nền ẩm thực cực kỳ rộng lớn và thường bị hiểu sai.

“Một cuốn sách dạy nấu ăn thực sự hay,” Jan Morris viết, “thì về mặt tri thức nó còn mạo hiểm hơn cả cuốn cẩm nang tình dục Kama Sutra.” Cuốn sách mới vào loại bậc thầy của Fuchsia Dunlop “Invitation to a Banquet: The Story of Chinese Food” (“Thiệp mời dự tiệc: Câu chuyện về ẩm thực Trung Hoa”) thực chất không phải là một cuốn sách dạy nấu ăn. Nhưng nó có sự liên quan trực tiếp đến dục tính gợi cho ta nhớ đến nhận xét trên của Morris.

Khó mà viết về ẩm thực dài hơn một hoặc hai trang sách mà không thêm nếm những so sánh và ám chỉ đến một dạng hành vi tính dục khác. Ẩm thực và tình dục: phương pháp và sự đa dạng của chúng vay mượn từ cùng một nguồn ngôn ngữ. Những gì ta ăn cũng bộc lộ bản thân ta y như những gì ta làm trên giường, và khi ta già đi thì ăn uống là sự bù đắp cho tình dục.

Những mô tả của Dunlop nghiên cứu mối liên kết này. Những chiếc lá xanh thẫm trên cây cải làn “mượt mà và rũ xuống như mái tóc nàng tiên cá”. Các đầu bếp ở Thiểm Tây rất lành nghề trong việc “thọc ngón cái, đùn ra, bấu véo, nhỏ giọt, giằng giật, căng ra, xoa bóp” sợi mì của họ. Những thực đơn nhằm vào khách hàng phương Tây, với những món ăn rõ rành rành, giống như “các cô gái hộp đêm đang xếp hàng khoe chân”. Mô tả kết cấu thành phần trong những cuốn sách dạy nấu ăn của Trung Quốc gợi cho Dunlop nhớ đến những cảnh trong “Fanny Hill”, cuốn tiểu thuyết khiêu dâm kinh điển. Một món hầm bữa sáng đơn giản “mơi khách bằng ớt và dưa chua”. Nếu tôi được một xu cho mỗi lần Dunlop dùng từ “mê mẩn” hoặc “si mê”, tôi hoàn toàn có thể trả tiền cho 40 phút đỗ xe ở bãi đỗ của một thị trấn nhỏ.

Sự hùng hồn này bổ sung thêm nhân tố con người cho cái vốn là một tác phẩm lịch sử ẩm thực nghiêm túc và mạo hiểm. Là một cuộc điều nghiên về văn hóa, tri thức và chính trị, “Invitation to a Banquet” được xếp ngang hàng với cuốn “The Food of France” (“Ẩm thực Pháp” – ra mắt năm 1958) của Waverley Root và cuốn “High on the Hog” (“Sơn hào hải vị” – ra mắt năm 2011) của Jessica B. Harris. Nó là cuốn từ điển chuyên đề về các giác quan. Cuốn sách nâng Dunlop, nhà văn và đầu bếp người Anh tốt nghiệp Đại học Cambridge, lên tầm cao mới với tư cách là nhà bình luận ẩm thực. Văn phong của chị cũng phong phú và sinh động như văn phong của M.F.K. Fisher và Betty Fussell. May thay, chị thiếu sự tự tin của Fisher, và có sự sôi nổi của Fussell.

Nếu bạn quan tâm đến ẩm thực, hẳn bạn từng nghe danh Dunlop. Chị là sinh viên kỳ cựu, và là người làm sáng tỏ ý nghĩa của nền ẩm thực Trung Quốc cho độc giả phương Tây. Chị là người phương Tây đầu tiên được đào tạo tại Học viện Ẩm thực Tứ Xuyên. Chị giành được bốn giải thưởng James Beard. (Như tất cả mọi cư dân New York sành sỏi, Beard biết rằng lang thang ở khu phố Tàu để ăn trưa là phần hay ho nhất trong lúc làm nhiệm vụ giám khảo.) Chị viết nhiều cuốn sách, trong đó có “The Food of Sichuan” (“Ẩm thực Tứ Xuyên”), “Every Grain of Rice” (“Từng hạt gạo”) và cuốn hồi ký “Shark’s Fin and Sichuan Pepper.” (“Vi cá mập và ớt Tứ Xuyên”). Cuốn sách mới này là tác phẩm để đời của chị.

Dunlop tiếp cận ẩm thực Trung Hoa với sự hiếu kỳ, lòng tôn trọng và nhiệt huyết hòa quyện với nhau. Lorrie Moore viết: “Bản lĩnh là một phẩm chất đẹp đẽ ở một con người”, và Dunlop có rất nhiều phẩm chất đó. Quan trọng là chị không bị hoang mang lo sợ bởi chủ đề của mình. Chị gọi ra những thủ đoạn mà chị lên án, chẳng hạn như việc Trung Quốc rất thèm muốn các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Thế nhưng, chị viết:

Nhiều năm khéo léo cân bằng giữa “phương Tây” và Trung Quốc biến tôi thành một nhà ngoại giao dày dạn, người theo chủ nghĩa tương đối về văn hóa, người luôn giữ thái độ trung lập và hết lòng kìm nén những lời phán xét. Đó là cái mà sự hòa nhập vào nền văn hóa khác gây ra cho ta. Đó có lẽ là lý do vì sao những người như tôi làm thế: phá vỡ những quan điểm không gì lay chuyển nổi của chúng ta và nhìn mọi thứ qua con mắt hình lăng kính của một con côn trùng, từ nhiều góc độ.

Dunlop chia cuốn sách của mình thành bốn phần: Lò sưởi, Trang trại, Nhà bếp và Bàn ăn. Các phần này lại được chia nhỏ thành 28 chương, hầu hết các chương đều phân tích một công thức hoặc một phương pháp: Gà Trùng Khánh xào ớt khô, Mì xắt bằng dao, Đậu phụ Tứ Xuyên, Cùi bưởi nấu với trứng tôm, Thịt kho tàu, Cá vược thái lát và Canh Thủy khiên, Tiểu long bao hấp, v.v… Đa phần các chương đều bắt đầu bằng một bữa ăn, hay một chuyến thăm trang trại hoặc nhà máy sản xuất rượu vang, hoặc thăm một đầu bếp đáng kính. Rồi từ đó chị mở rộng ra lịch sử của những gì nằm trên đĩa ăn của chị.

Muốn hiểu khủng hoảng khí hậu thực chất là gì, hãy hỏi loài vật

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


“The End of Eden” (“Thiên đường sắp mất”) là khúc bi ca đầy xúc cảm và rùng rợn của Adam Welz cho sự đa dạng sinh học như chúng ta từng biết.

Bạn sẽ không thấy cái kết có hậu từ cuốn sách này.

Loài này nối tiếp loài khác. Quần xã này nối tiếp quần xã khác. Lục địa này nối tiếp lục địa khác. Cái thế giới mà nhà báo Nam Phi chuyên viết về môi trường là Adam Welz mô tả đang ở giai đoạn cuối của sự sụp đổ. Giọng điệu của cuốn sách – ít nhất là cho đến chương cuối mang tính tự bạch – rất đắn đo cân nhắc và chính xác, khí độ điềm tĩnh, không thể hiện sự phẫn nộ mà thay vào đó là sự cẩn trọng chú ý đến tính chính xác trong mô tả và phân tích. Welz ngắm nhìn những lò xo và bánh xe của cơ-thể-trái-đất quay tách khỏi nhau thành rời rạc vô dụng. Và hiệu ứng tích tụ lại rất tàn khốc.

Những cá thể con người hầu hết không có mặt trong câu chuyện này. Chẳng có những nhà khoa học anh hùng hay những chủ giếng dầu tệ hại. Thế vào chỗ của họ, những sinh vật khác chiếm vị trí trung tâm, và động lực chi phối là thế này: Cái thế giới sống này đã tiến hóa theo nhiều cách phức tạp để thích nghi và hưởng lợi từ các điều kiện hiện hành của hành tinh. Những điều kiện đó vẫn luôn thay đổi linh hoạt, song việc đốt nhiên liệu hóa thạch của chúng ta trong hai thế kỷ qua đột nhiên đẩy tất cả hệ thống rơi vào hỗn loạn. Suốt chiều dài lịch sử nhiều tỷ năm, Trái đất chưa bao giờ đổi khác nhiều hơn là vào cuối kỷ băng hà sau cùng –trùng vào lúc chúng ta bắt đầu đời sống hoang dã của mình khoảng 11.700 năm trước – và chúng ta hiện đang sống trong tình trạng hỗn loạn mà chúng ta tạo ra. Chúng ta đã uổng phí sự hoàn hảo mà quá trình tiến hóa truyền lại cho chúng ta.

Tầm phủ sóng xa rộng của Madona

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn tiểu sử do Mary Gabriel viết thấu đáo thế nào thì chủ thể của nó cũng quy củ y như vậy. Nhưng trong việc không ngừng bảo vệ siêu sao đó, tinh thần tự giải phóng khỏi mọi chuẩn mực của Madona ở đâu?

“Tôi muốn ở một mình” là câu nói nổi tiếng của nhân vật vũ nữ do Greta Garbo thủ vai trong bộ phim “Grand Hotel”, câu trích dẫn thường xuyên và nói đúng ra thì chỉ phần nào gắn liền với nữ diễn viên này sau khi cô rút lui khỏi cuộc sống người của công chúng. Garbo đứng đầu danh sách các minh tinh Thời Hoàng kim của Hollywood trong bài hát “Vogue”, một trong những bài hát thành công nhất của Madonna, nhưng đã lâu nay ngôi sao nhạc pop này dường như là hiện thân ngược lại hoàn toàn của câu châm ngôn trên. Nàng muốn được mọi người vây quanh, cứ như thể với âm thanh vòm nổi Dolby.

Giám đốc phòng thu Seymour Stein nhận xét: “Thậm chí trước khi Madonna có người quản lý, cô ấy đã có cả một đoàn giúp việc và ca sĩ hát phụ tháp tùng cô đi khắp nơi”.

Mặc dù là ca sĩ solo đúng nghĩa, nhưng Madonna được các vũ công trợ giúp từ khi bắt đầu sự nghiệp hồi đầu thập kỷ 1980. Nàng có sáu người con: hai con đẻ, bốn con nuôi gốc Malawi. Nhiều người khác tự coi mình là đứa con tinh thần của nàng: những người đồng tính nam mà nàng là bà mẹ bảo trợ của họ; những nữ nghệ sĩ trẻ hơn mà nàng đã truyền cảm hứng cho họ.

Và nàng đã đi vòng quanh thế giới với đoàn tùy tùng linh hoạt gồm bạn bè, nhà văn, nhà sản xuất, đạo diễn, nhà quản lý, nhiếp ảnh gia, chuyên gia quảng cáo, phóng viên và người hâm mộ, tất cả đều tề tựu đông đủ một cách hữu ích trong cuốn tiểu sử mới đồ sộ và đầy khiêu khích do Mary Gabriel viết về nàng: bức tường thành kiên cố được xây từng viên gạch một ngăn cản bất kỳ kẻ phỉ báng nào đang loi ngoi trong con hào bao quanh lâu đài của nàng.

“Madonna: A Rebel Life” (“Madona: Một đời nổi loạn”) là một trong những cuốn sách bạn phải tính độ dài bằng cân chứ không phải trang: nặng gần 1,5 cân, trọng lượng này sẽ nặng hơn nếu nhà xuất bản không quyết định đăng chú thích và thư mục trực tuyến thay vì in kèm. Nó sẽ không đặt vừa chiếc kệ nhỏ trên máy tập StairMaster ở phòng tập gym – máy tập thể dục cổ điển của Madonna – tuy nhiên rốt cuộc bạn có thể nâng nó lên để tập tạ tay.

Thay vì tập tạ tay, nếu bạn ngẫu nhiên bước vào một lớp thể dục nhịp điệu, không những có khả năng cao là giáo viên hướng dẫn sẽ phát một bài hát trong danh mục của Madonna mà có thể cô giáo đó còn đeo một chiếc mic có tai nghe – và đó cũng là đúng kiểu Madonna. Như Gabriel lưu ý, dù công nghệ này được các phi công và Kate Bush sử dụng trước đó, nhưng chính nhân vật của chị đã biến nó thành công nghệ đại chúng trong chuyến lưu diễn “Blond Ambition” năm 1989.

Tuy nhiên, người phụ nữ ra đời năm 1958 với tên khai sinh là Madonna Louise Ciccone, cùng năm với Prince và Michael Jackson, lại chẳng phát ngôn gì dành cho cuốn sách này. Tiếng nói của nàng được dẫn truyền từ nhiều cuộc phỏng vấn trước đó, từ những buổi biểu diễn được thu âm và bài đăng không thường xuyên trên Instagram, nơi mà ngay từ những ngày đầu đại dịch nàng cực lực phản đối video “Imagine” của Gal Gadot bằng video quay cảnh nàng khỏa thân trong bồn tắm giữa những cánh hoa hồng bồng bềnh, tuyên bố rằng Covid-19 là “sự cân bằng tuyệt vời.”

Lần Gabriel tiếp cận gần nhất với Madonna bằng xương bằng thịt là nửa tá cuộc trò chuyện với anh trai nàng, Christopher Ciccone, tác giả cuốn hồi ký “Life With My Sister Madonna” (“Sống với em gái Madona của tôi”) bán rất chạy năm 2008; cuốn hồi ký này chí ít đã gây ra sự bất hòa nhất thời giữa hai anh em, những người cộng tác chuyên nghiệp lâu năm. (Cảm giác bị phản bội của Madonna khó có thể đi đôi với sự bảo vệ đầy nhiệt huyết của nàng đối với quyền tự do biểu đạt cá nhân.)

Gabriel cũng nói chuyện với hơn 30 nguồn tin khác, thật ngạc nhiên là rất ít nguồn liên quan đến phạm vi tác phẩm, và đào bới ra vài mẩu thông tin thú vị được lưu trữ, chẳng hạn như Norman Mailer, tại bản thảo đầu tiên trong số hơn 200 bản mà ông viết cho mục tiểu sử của tạp chí Esquire năm 1994, mô tả Madonna là người Mỹ gốc Ý “bé tẹo” (ông dùng một từ có tính miệt thị dân tộc thay vì từ này) “với trái tim được hình thành từ sự táo bạo của hàng trăm tổ tiên nông dân”.

Làm cách nào một khẩu súng được chế tạo để chiến đấu lại tìm đường đến được với hàng triệu gia đình?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn “American Gun” (“Khẩu súng Mỹ”) của Cameron McWhirter và Zusha Elinson kể lại chi tiết lịch sử khốc liệt của khẩu súng trường AR-15 mà không hề tô vẽ.

Theo lời kể của Cameron McWhirter và Zusha Elinson trong “American Gun”, câu chuyện về khẩu súng trường AR-15 khét tiếng này là một phiên bản của Frankenstein, với nhà phát minh lỗi lạc tên là Eugene Stoner trong vai Victor Frankenstein, người tạo ra con quái vật đó. Là “người thợ nghiệp dư thích mày mò” không có bằng đại học, Stoner có trí tưởng tượng không ngơi nghỉ và năng khiếu trực quan về kỹ thuật, thôi thúc ông phác thảo thiết kế ở khắp mọi nơi, kể cả trên khăn trải bàn ở nhà hàng. Vào thập kỷ 1920, sống ở Thung lũng Coachella của California khi còn thơ ấu, cậu bé Stoner đi săn cùng cha và bị ám ảnh bởi “đủ loại vật thể có thể bắn ra được”.

Dù cuối cùng Stoner đã thai nghén một loại vũ khí làm thay đổi thế giới, song ông không thể tìm tòi để hiểu được những hậu quả tiềm ẩn của nó. Ông muốn binh lính Mỹ có loại súng hiệu quả nhất có thể có được, loại súng có khả năng giúp họ nhanh chóng tiêu diệt một nhóm Cộng sản. Câu chuyện về thành tựu vĩ đại của ông và hậu quả hủy diệt của nó tạo thành tâm điểm cho cuốn sách của McWhirter và Elinson, một tác phẩm bậc thầy về tường thuật lịch sử và phóng sự nguyên bản.

Cho đến thời Chiến tranh Triều Tiên, lính Mỹ vẫn sử dụng khẩu M1 nặng nề khủng khiếp, loại vũ khí chính xác cần có băng đạn tám viên và bắn ra những viên đạn to. Năm 1950, sau một trận đánh hồi đầu cuộc chiến, khi lính Mỹ bị áp đảo bởi lực lượng đông hơn của Bắc Triều Tiên, hiển nhiên khẩu súng trường này không còn hữu dụng nữa.

Stoner, người từng là lính thủy đánh bộ trong Thế chiến II, đầu quân cho một tập đoàn sản xuất van máy bay, nơi một kỹ sư thiết kế chăm nom dạy dỗ anh, cho anh học việc. Tình trạng không được đào tạo chính quy biến anh thành người sáng tạo hơn và bớt thủ cựu hơn những đồng nghiệp được đào tạo. Khi có thời gian rảnh rỗi, anh lao vào sứ mệnh trong gara của mình là cải tiến khẩu M1 thô vụng. Năm 1954, cuộc gặp gỡ tình cờ với một doanh nhân lắm mưu nhiều kế dẫn đến việc thành lập Armalite, hãng sản xuất súng đạn này dưới sự chỉ đạo của Stoner sẽ chế tạo khẩu AR-15 và cố gắng thuyết phục quân đội sử dụng nó.

Loại vũ khí bắn rất nhanh này được cấu thành từ nhôm, sợi thủy tinh và nhựa, nặng khoảng 2,5 kg khi chưa nạp đạn. Nó có một hệ thống nạp đạn kiểu mới hoạt động bằng khí nén của chính khẩu súng và một báng súng độc đáo giữ cho khẩu súng nhằm đúng mục tiêu. Nó có thể chuyển đổi giữa cài đặt bán tự động và hoàn toàn tự động. Đạn của nó nhỏ và bắn ra với tốc độ cao. Khi một viên bắn trúng cơ thể con người, theo lời các tác giả, “nó sẽ chậm tốc độ lại và giải phóng năng lượng”. Không giống như viên đạn cỡ nòng lớn của khẩu M1 có xu hướng xuyên thẳng qua người, viên đạn của khẩu AR-15 trở nên dễ thay đổi về lý tính khi găm vào và “xé nát cơ thể như một cơn lốc xoáy, xoắn ốc và xoay nghiêng khi nó phá hủy các cơ quan, mạch máu và xương cốt”.

Bất chấp sự tàn khốc hiển nhiên của loại vũ khí này, Armalite không kiếm được hợp đồng quân sự lớn nào. Năm 1959, hãng sản xuất súng Colt mua lại quyền sản xuất và cấp giấy phép con cho khẩu AR-15 của Stoner và hệ thống nạp đạn bằng khí nén của anh. Colt may mắn hơn với phiên bản khẩu súng trường của mình, phiên bản mà các lực lượng vũ trang gọi là M16. Nó được trang bị băng đạn 20 viên, và hồi năm 1966 quân đội đặt mua hơn 400.000 khẩu súng loại này cho binh lính.

Với cách diễn đạt điềm tĩnh, chính xác cho phép nghiên cứu toàn diện của các tác giả tỏa sáng, cuốn “American Gun” làm sáng rõ rằng chức năng quan trọng nhất của khẩu AR-15 là tiêu diệt kẻ thù với khả năng nhanh nhất. Khẩu súng này không dùng cho mục đích dân sự. Điều đó không ngăn cản hãng Colt tiếp thị tới những người săn bắn một phiên bản bán-tự-động – khẩu "Sporter" – có ổ đạn năm viên. Khẩu súng này không được ưa chuộng và hãng chỉ sản xuất vài nghìn chiếc mỗi năm. Nhưng năm 1977, khi bằng sáng chế của Stoner hết hạn, quan điểm đó đã thay đổi.

Một người xa lạ giàu có muốn cho bạn toàn bộ số tiền của anh ta. Cạm bẫy đấy.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Trong cuốn Anansi's Gold (“Vàng của Anansi”), Yepoka Yeebo đào sâu đến tận gốc rễ một vụ lừa đảo lừng danh – và người đàn ông đã trốn thoát được sự trừng phạt hàng thập kỷ.

Hãy bảo tôi đừng kể nữa nếu bạn đã nghe chuyện này: Một người xa lạ cần thu hồi khoản tiền bị mắc kẹt trong một ngân hàng. Nhưng để tiếp cận được số tiền khổng lồ này, anh ta cần tiền tàu xe đi lại. Và để đáp ứng khoản chi phí này cũng như các phí tổn hành chính cần thiết khác nhằm mở khóa gia tài này, bạn có vui lòng giúp anh ta một khoản đầu tư nhỏ được không? Bạn sẽ được đền đáp xứng đáng cho sự hào phóng của mình.

Trò này được gọi là lừa đảo tạm ứng chi phí, hoặc “419”.

Ngày nay, các vụ lừa đảo kiểu này thường nhằm vào người già và người không-hiểu-biết-gì-về-mạng. Nhưng hồi xưa có một người đàn ông tên là John Ackah Blay-Miezah đã lừa được một cơ số đáng kể những người lõi đời vào một vụ điên rồ như vậy, họ hết lòng trông đợi khi vụ đầu tư kết thúc, khoản tiền đầu tư ban đầu sẽ được nhân 10 lần.

Nạn nhân gồm cả các nguyên thủ quốc gia, chính trị gia và doanh nhân. “Những người tin rằng Blay-Miezah là kẻ lừa đảo”, vị đại sứ Mỹ tại Ghana viết cho Henry Kissinger, “đang lo rằng hắn ta rất có thể có tiền và thế thì họ có vẻ sẽ là những kẻ cực kỳ ngu ngốc”.

Câu chuyện “Anansi’s Gold” hấp dẫn của Yepoka Yeebo phác thảo những nét chính về cuộc đời của Blay-Miezah, làm sáng tỏ cách hắn ta thực hiện những hành vi lừa đảo nhiều năm trời trong lúc sống xa hoa một cách đáng kinh ngạc ra sao. Là nhà báo tự do, tác giả đào sâu những kho lưu trữ tài liệu khắp Đại Tây Dương, bới tung những vụ án hình sự và thực hiện những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân cũng như các cộng sự của hắn, bằng vào đó chị kể cho chúng ta không chỉ về Blay-Miezah mà còn về cái thế giới đã tạo điều kiện cho hắn phát đạt. Yeebo viết: “Họ nhìn thấy Blay-Miezah, trong trang phục một ông chủ sang trọng, đang thêu dệt một câu chuyện về châu Phi đen tối nhất, khối tài sản nhiều vô kể và một nhà lãnh đạo tham nhũng. Và bởi vì câu chuyện đó – và người đàn ông đó – vừa khớp với những ý niệm có sẵn trong đầu họ như khớp mộng, nên họ đã bịa nốt phần còn lại của câu chuyện cho chính mình.”

Tuy có một số phiên bản về cách dàn dựng vụ lừa đảo đầu tiên, nhưng đây là phiên bản phổ biến nhất: Năm 1972, trong phút lâm chung – chuyện là thế đấy – vị tổng thống đầu tiên của Ghana là Kwame Nkrumah tiết lộ ông ta đã giấu hàng chục ngàn thỏi vàng và lượng tiền mặt lên đến nhiều triệu đồng trong những hầm chứa tại ngân hàng ở Thụy Sĩ. Kho báu này được ủy thác mà chỉ riêng người bạn tâm giao của ông ta là Blay-Miezah mới có thể tiếp cận được. Một khi các điều kiện ủy thác được đáp ứng, khoản tiền đó sẽ được lấy ra, phần lớn dành để phát triển quốc gia Ghana. Phần còn lại sẽ thuộc về Blay-Miezah trung thành – và các nhà đầu tư của hắn.

Yeebo giải thích: “Ngay sau khi giành độc lập, trên thực tế đã có âm mưu mang kho vàng dự trữ của Ghana ra khỏi đất nước này”. Chị kể chi tiết về cách quản lý quỹ sai lầm vô phương cứu chữa của chính quyền thuộc địa Anh. Cảnh khốn cùng khiến người ta nảy ra câu hỏi tất cả tiền bạc đã đi đâu – cũng chừa lại vừa đủ lý do để nghi ngờ rằng câu chuyện của Blay-Miezah có thể là sự thật.

Minh tinh màn bạc người Mỹ gốc Hoa đầu tiên và cái giá của danh vọng chói ngời

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


“Daughter of the Dragon” (“Long nữ”), cuốn tiểu sử mới về Anna May Wong nữ diễn viên chính trong bộ phim cùng tên, được dự định như một hình thức phục hồi và lật lại.

Theo nhà sử học điện ảnh Kevin Brownlow, đây là “một trong những bộ phim phân biệt chủng tộc nhất từng được sản xuất ở Mỹ”. Bộ phim “Old San Francisco” (“San Fransisco thời xưa”, trình chiếu năm 1927) có một nam diễn viên da trắng đóng vai một nhân vật phản diện Trung Hoa đội lốt một người đàn ông da trắng (bạn hiểu chứ?) định bán một cô gái da trắng vô tội làm gái mại dâm da trắng trước khi hắn bị đè bẹp bởi một trận động đất rất đúng lúc. Trước khi cái kết khủng khiếp của hắn xảy ra, kế hoạch hiểm độc của hắn được một nhân vật châu Á mà ta chỉ biết mỗi biệt danh là “đóa hoa phương Đông” trợ giúp, nhân vật này do diễn viên chuyên đóng vai cô gái ngây thơ có tên là Anna May Wong thủ vai.

Như Yunte Huang nhận định trong cuốn “Daughter of the Dragon” – câu chuyện ông kể về cuộc đời của Wong và thời đại mà cô sống – Hollywood bị phong cách ngoại lai của khu phố Tàu ám ảnh, tuy vậy vai diễn dành cho diễn viên châu Á lại cực kỳ ít ỏi; vì vậy khi Wong, một cô gái sinh ra ở tiệm giặt là của cha mình tại Los Angeles năm 1905, được phân nhiều vai như thế là điều lại càng đặc biệt hơn. Sự nghiệp của cô trải dài từ phim câm, phim nói và cuối cùng là truyền hình. Cô biểu diễn tại các chương trình tạp kỹ và sân khấu trình diễn. Cô sống ở châu Âu một thời gian ngắn hồi cuối những năm 1920, nơi cô gặp triết gia và nhà phê bình văn hóa Walter Benjamin (người gọi đùa cô là “một phong cách Trung Hoa xuất xứ Miền Tây”) và được chụp ảnh cùng Leni Riefenstahl và Marlene Dietrich (người sau đó sẽ xuất hiện cùng Wong trong bộ phim “Shanghai Express” (“Chuyến tàu tốc hành đi Thượng Hải”). Wong thậm chí còn biểu diễn tại nhà hát West End ở London, gây ấn tượng với các nhà phê bình bằng vũ điệu của cô trong khi bạn diễn của cô – chàng diễn viên Laurence Olivier trẻ tuổi – bị chỉ trích vì diễn xuất dở tệ.

August Wilson, người khổng lồ kịch nghệ đã quay tơ thành vàng trong các quán ăn

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn tiểu sử lớn đầu tiên về nhà viết kịch này thuật chuyện về cuộc đời và tầm nhìn vô hạn của ông.

Năm 1986, David Mamet xuất bản cuốn sách hay nhất của mình, một chuyên luận mỏng kiểu bán-trinh-thám về kịch nghệ sân khấu và đời sống có tựa đề “Writing in Restaurants” (“Viết lách trong nhà hàng”). Đó là câu chuyện hàng thập kỷ trước khi ông trở thành “Kanye West của giới văn chương Mỹ”, theo cách diễn đạt của hãng truyền thông The Forward hồi năm ngoái. Hỡi ôi, cuốn sách chỉ loáng thoáng đề cập đến các nhà hàng.

Tiêu đề cuốn sách của Mamet trở lại với tôi khi tôi đang đọc cuốn tiểu sử của Patti Hartigan về August Wilson, một nhà viết kịch quan trọng khác của Mỹ. Wilson, qua đời năm 2005, đã bỏ ra nhiều thời gian nấn ná ở các quán ăn đến mức “Writing in Restaurants” là phụ đề hợp lý có thể lựa chọn để thay thế cho “August Wilson: A Life” (“August Wilson: Một cuộc đời”) của Hartigan.

Wilson là người đàn ông to lớn, để râu, thường mặc com-lê vải tuýt-xi và đội mũ cát-két. Ông thường ngồi ở phía trong cùng với tách cà phê và chiếc gạt tàn đầy ắp. (Ông hút năm bao thuốc mỗi ngày và không ngừng hút kể cả khi đang tắm.) Ông viết lên giấy ăn hoặc hóa đơn, bất kỳ thứ gì thuận tay vớ được.

Một trong những vở kịch đầu tay của ông là “Jitney” (“Taxi dù”) được viết trong nhà hàng fast-food Arthur Treacher’s Fish & Chips. Khi danh tiếng của ông ngày càng lên, ông tìm một địa điểm ở mỗi thành phố nơi các vở kịch của ông được trình diễn. Ông gọi chỗ này là “the Spot” (“Nơi chốn”). Ở thành phố New York, ông thích vẻ đẹp hoang tàn của quán cà phê tại Hotel Edison, nơi thường được những vị khách hàng thân thiết gọi là Phòng trà Ba Lan. Ở Boston là quán Ann's Cafeteria. Ở Seattle là Caffe Ladro. Ông mang theo mấy tờ báo, và đôi khi là một người bạn. Suốt bữa sáng, ông nói năng hùng hồn thú vị khiến mọi người vây quanh chăm chú lắng nghe bốn hoặc năm giờ mỗi bận. Đó là phần sân khấu thể nghiệm hằng ngày của ông.

Wilson là người có tài kể chuyện, có óc tò mò nhanh nhạy của một người tự học. Ông sinh ra ở Pittsburgh năm 1945, con của một bà mẹ da đen đơn thân, người đã nuôi nấng ông và các anh chị em ruột của ông chủ yếu bằng tiền phúc lợi. Ông khai thác thành phố đó, đặc biệt là Quận Hill với bề dày lịch sử của người Mỹ gốc Phi, như thể nó là mỏ than; ông đang bòn rút một vỉa than. Ngôi nhà đầu tiên của gia đình ông không có nước nóng và có một nhà vệ sinh ở sân sau. Wilson bỏ trường trung học và tại ngũ một thời gian ngắn. Ông tự học trong các thư viện ở Pittsburgh theo cùng một cách mà Ta-Nehisi Coates kể về việc anh tự học ở Đại học Howard: “ba phiếu mượn sách mỗi lần”.

Ông nghĩ mình có thể là một nhà thơ. Bài thơ đầu tiên của ông rất hoa mỹ và nhờ ơn Dylan Thomas; nó biến ông thành nhân vật bị chế nhạo nhẹ nhàng. Ông phát hiện ra ca sĩ Bessie Smith và dòng nhạc blues, và ông bất chợt rẽ ngang sang kịch nghệ sân khấu. Amiri Baraka là người có ảnh hưởng quan trọng; nhà thơ kiêm nhà soạn kịch và nhà hoạt động này đến Pittsburgh năm 1968, vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào Quyền lực cho người Da đen, và đọc một bài diễn văn đầy khích động. Khi đó Wilson 23 tuổi.

Baraka thành lập Nhà hát/Trường Nghệ thuật Kịch mục Da đen ở Harlem năm 1965. Wilson và những người bạn trong giới nghệ thuật của ông quyết định khởi lập nhà hát của riêng họ, gọi là Black Horizons (Những chân trời Đen). Không ai tình nguyện lãnh đạo nó, và Wilson mặc nhiên được chọn. Có bột mới gột nên hồ, và Wilson bắt đầu viết. Lời thoại hoàn toàn có sẵn đó rồi; tiếng nói người Mỹ gốc Phi của cả một thành phố tuôn trào từ ông. Ông có một sức tưởng tượng tự-làm-đầy.

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...