Search This Blog

Wednesday, October 2, 2024

Trên TV những loại nấm sát thủ là một kịch bản phim kinh dị. Trong cuốn sách này chúng có thật.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn “Blight” (“Lụi tàn”) của tác giả Emily Monosson ghi chép lại những mối đe dọa mà mầm bệnh nấm gây ra cho con người và động thực vật như những tác nhân gây bệnh khốc hại nhất thế giới.

Trong cuốn tiểu thuyết “White Noise” (“Tiếng ồn trắng”) của Don DeLillo có một cảnh, trong đó nhân vật chính nhớ về người vợ cũ, mà theo lời của chính người vợ này thì cô “cực kỳ mẫn cảm với nhiều thứ”. Anh ta kể: “Ánh sáng mặt trời, không khí, thức ăn, nước uống, tình dục”. Cô ấy đánh đồng hết thảy: "Có khả năng gây ung thư, tất cả những thứ đó."

Sự sống có thể là thứ gây chết chóc – Tôi thấy mình rơi dần vào trạng thái kiểu hoang tưởng bủa vây bốn phía này khi đọc cuốn sách mới khiến người ta lo lắng của Emily Monosson, “Blight: Fungi and the Coming Pandemia” (“Lụi tàn: Nấm và Đại dịch sắp tới”). Nấm có ở khắp mọi nơi và hiện đang ở thời kỳ cực thịnh, với những bộ phim tài liệu như “Fantastic Fungi” (“Những loại nấm kỳ diệu”, trình chiếu năm 2019) của Louie Schwartzberg và những cuốn sách như “Entangled Life” (“Sự sống phức rối”, ra mắt năm 2020) của Merlin Sheldrake cho chúng ta biết về tất cả những gì hữu ích mà nấm có thể làm – mở rộng nhận thức của chúng ta, dọn sạch dầu tràn, giúp cây chia sẻ chất dinh dưỡng dưới tầng đất rừng.

Cuốn sách của Monosson luận bàn đến mặt trái của nấm. Giống như “The Last of Us” (“Những người cuối cùng còn lại trong số chúng ta”), trò chơi điện tử đồng thời là bộ phim truyền hình dài tập của HBO dựa trên giả thuyết một đại dịch nấm biến con người thành những xác sống, cuốn “Blight” nhấn mạnh những điều vô cùng tai hại mà nấm có thể làm: “Nhìn chung, các loại nấm truyền nhiễm và các mầm bệnh dạng nấm là những tác nhân gây bệnh khốc hại nhất mà ai cũng biết trên hành tinh này.”

Bà mở đầu cuốn sách của mình với Candida auris, loại nấm phát triển mạnh trong vài năm gần đây, len lỏi khắp các bệnh viện và lây nhiễm cho những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu bởi các bệnh khác. Các bệnh nhiễm nấm ngoài da thường không nguy hiểm đến tính mạng; nguy hiểm là khi nấm xâm nhập vào máu thì chúng có thể gây chết người. Là loại động vật máu nóng, con người và các động vật có vú khác được ban cho một mức độ bảo vệ nhất định: Hầu hết loại nấm thích nhiệt độ thấp hơn; chúng ta lại tỏa thân nhiệt quá cao trong quá trình hoạt động.

Song sự nóng lên toàn cầu và những tiến bộ y tế đang làm tình hình thay đổi, Monosson cho biết. Một số loại nấm có thể đang tiến hóa để chịu được nhiệt độ cao hơn; bà giải thích cách bệnh nấm sâu Coccidioidomycosis [valley fever], do bào tử nấm trong đất ở miền Tây Nam [nước Mỹ] gây ra, có nhiều khả năng lây lan rộng hơn khi khí hậu thay đổi. Tuy việc cấy ghép nội tạng và điều trị ung thư đang cứu sống nhiều người, nhưng đồng thời cũng đang tạo ra một nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch ngày càng tăng. Monosson viết: “Chúng ta đang sống thọ hơn và khỏe hơn nhưng ngày càng dễ bị nấm xâm nhiễm hơn”. Và bởi vì các tế bào nấm có một số điểm tương đồng về cấu trúc với tế bào của chúng ta nên rất khó để phát triển các loại thuốc nhằm tiêu diệt chúng mà không gây hại cho chúng ta. Amphotericin, loại thuốc kháng nấm ra mắt năm 1959, có tác dụng phụ khủng khiếp và có khả năng gây tử vong đến mức bác sĩ gọi nó là “Ampho tai hại”.

Có lý do để cổ vũ cho tế bào và những loại virus được nuôi bằng chúng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Hai cuốn sách mới khiến người ta chú ý vào những khám phá cũ có tiềm năng chữa khỏi những chứng bệnh nan y và phát lộ những bí mật sinh học.

Những năm 1910, hơn một thập kỷ trước khi phát hiện ra penicillin, Felix d'Herelle, nhà vi trùng học có phong cách tự-thân, đang nuôi cấy vi khuẩn gây tiêu chảy trong phòng thí nghiệm. Là nhà khoa học ít bằng cấp và xuất thân mơ hồ – chẳng ai biết ông là người Pháp, người Bỉ hay người Canada – d'Herelle hy vọng gây ra bệnh dịch tiêu chảy giữa nạn dịch châu chấu đang hoành hành ở Mexico và bằng cách đó tiêu diệt chúng.

Trong khi nuôi cấy món súp vi khuẩn chết người của mình, ông nhận thấy thứ gì đó lạ lùng. Một thực thể bí ẩn để lại những lỗ hổng trên một trong những mảng vi khuẩn mỏng của ông. Ông lấy mẫu từ bên trong các lỗ, phết chúng lên những đĩa vi khuẩn khác và thu được kết quả tương tự. Nhiều lỗ hơn! Ông biết mình đã nắm được cái gì đó, nhưng nó là gì? Thủ phạm, mà hồi sau mới biết, là một thể thực khuẩn, một loại virus “ăn thịt” vi khuẩn.

Trong khi các sự kiện gần đây cho chúng ta lời nhắc nhở đau đớn về những loại virus vô cùng độc hại làm chúng ta khốn đốn, cuốn “The Good Virus” (“Virus hữu ích”) của Tom Ireland là câu chuyện sinh động mang tính cứu rỗi về thể thực khuẩn cực kỳ phong phú song thường bị phớt lờ, và về tiềm năng của nó có thể dập tắt mối đe dọa hiện hữu của sự kháng thuốc kháng sinh, sự kháng thuốc mà các nhà khoa học ước tính đến năm 2050 có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Là nhà báo khoa học từng đoạt giải thưởng, Ireland tiếp cận chủ đề cuốn sách đầu tay của mình với sự tò mò và đam mê, mang đến cho độc giả câu chuyện kể tài tình, phong phú và dễ tiếp cận.

Trong tay của d’Herelle và những người khác, thể thực khuẩn này đã trở thành công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống lại dịch tả. Thế nhưng vào những năm 1940, khi việc phát hiện ra các phương pháp sản xuất penicillin ở quy mô công nghiệp dẫn đến “kỷ nguyên kháng sinh”, liệu pháp thực khuẩn bắt đầu bị coi là thủ đoạn lang băm ở châu Âu và châu Mỹ, mà theo giả thuyết của Ireland, một phần là bởi, không giống như các thể thực khuẩn, thuốc kháng sinh phù hợp với khuôn mẫu của xã hội tư bản chủ nghĩa,.

Các nhà tư bản rất thích bằng sáng chế. Một sự châm biếm tức cười của hệ thống bằng sáng chế là ta không thể cấp bằng sáng chế cho tất thảy những thứ ở dạng thiên nhiên, nhưng đôi khi ta có thể cấp bằng sáng chế cho phương thức ta chiết xuất các sản phẩm phụ của chúng. Các loại thuốc kháng sinh đầu tiên, là những chất tiết ra từ nấm, dễ dàng được cấp bằng sáng chế ở Mỹ hơn so với các thể thực khuẩn, vốn là virus toàn phần.

Các nhà vi trùng học thời kỳ đầu thường thu hoạch các thể thực khuẩn từ một bệnh nhân và đưa chúng vào một bệnh nhân khác mắc bệnh tương tự, song chẳng có cách nào là dễ dàng để tách loại virus có ích ra khỏi mọi chất có thể gây ô nhiễm khác. Các thể thực khuẩn cũng chỉ cho kết quả tốt nhất đối với các loài vi khuẩn riêng biệt, vì vậy chúng kém hiệu quả hơn so với các loại thuốc kháng sinh như penicillin, những loại thuốc có thể tấn công những mầm bệnh trên phổ rộng hơn nhiều.

Liệu pháp thể thực khuẩn tạo được danh tiếng tốt đẹp hơn ở Liên Xô hầu như chỉ vì tư tưởng hận thù, đặc biệt là sau khi các siêu cường kình địch với nhau đã biến các phương pháp sản xuất penicillin của phương Tây thành một bí quyết trong Chiến tranh Lạnh. Độc dược từ thể thực khuẩn phát triển mạnh ở Tbilisi, Georgia, nơi công trình của d’Herelle truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu thành lập một viện nghiên cứu do nhà nước tài trợ. Ireland kể câu chuyện hấp dẫn về sự kiện các thể thực khuẩn thu được từ xác chết của lính Đức giúp Liên Xô đánh bại Đức quốc xã khi dịch tả bùng phát trong cuộc bao vây Stalingrad ra sao.

Bói lá trà xem cái kết cuộc chiến ở Ukraine

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong một số cuốn sách gần đây, các chuyên gia về Nga và Ukraine cân nhắc tầm quan trọng của Tập đoàn Wagner và cố gắng tiên đoán cuộc xâm lược của Putin sẽ diễn tiến ra sao.

Cuộc xâm lược của Nga vào đất Ukraine khởi đầu từ Tháng Hai năm ngoái đã dẫn đến cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thế hệ. Thậm chí trước khi Tập đoàn Wagner – lực lượng bán quân sự với 50.000 lính tinh nhuệ trước đó từng chiến đấu sát cánh cùng binh lính Nga – tuần trước giành quyền kiểm soát các địa điểm quân sự ở thành phố Rostov trên sông Đông ở phía tây nam nước Nga, với mục đích tuyên bố ra ngoài là để lật đổ bộ chỉ huy quân sự của Moscow, thì cuộc xâm lược Ukraine có vẻ như là một thất bại lớn đối với kẻ châm ngòi chiến tranh: Tổng thống Vladimir Putin. Trong vòng một tháng kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, nó đã trở thành “sai lầm có tầm vóc lịch sử”, như cách diễn đạt của một phóng viên kỳ cựu của Ukraine gần đây. Thế nên chẳng lấy gì làm lạ khi năm nay đã xuất hiện một số cuốn sách mới nhằm tóm lược cuộc xung đột đó và suy ngẫm xem cái kết của nó có thể sẽ như thế nào.

Khi cân nhắc xem cuộc chiến sẽ đi đến đâu, thật hữu ích nếu bắt đầu bằng cách ghi nhớ cho đến nay nhiều nhà quan sát Nga đã sai lầm đến thế nào về diễn biến của nó. Quay lại thời điểm cuộc chiến mới bắt đầu, tờ báo Nga Izvestia đảm bảo Ukraine sẽ thất bại trong vòng năm ngày kể từ cuộc tấn công đầu tiên. Năm tuần sau cuộc xâm lược đó, người phát ngôn của Putin tuyên bố rằng quân đội Ukraine “đã bị tiêu diệt phần lớn”.

Song một cuộc chiến nhằm làm suy yếu các nhà lãnh đạo của Ukraine và NATO trái lại đã khiến cả hai trở nên mạnh mẽ hơn. Bulgaria, Romania và ba quốc gia vùng Baltic đều lên tiếng cực lực phản đối những hành động của Putin. Một thực tế ít được phương Tây chú ý hơn là cuộc chiến của Nga cũng khiến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan và Kazakhstan trở nên kém thân thiện với Nga đến mức nào.

Công bằng mà nói, nhiều nhà phân tích không phải của Nga cũng đoán trật lất. Ngay trước cuộc chiến này, nhà sử học người Mỹ gốc Scotland Niall Ferguson viết rằng Ukraine sẽ "không nhận được sự hỗ trợ quân sự đáng kể nào từ phương Tây" và phỏng đoán về địa điểm diễn ra lễ duyệt binh mừng chiến thắng của Putin. Khi cuộc xâm lăng mở màn, có tin là vị Bộ trưởng tài chính Đức và cũng là một sĩ quan trong Lực lượng Dự bị Không quân Đức nói với vị đại sứ Ukraine rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc chỉ sau vài giờ. Vị đại sứ đã rơi nước mắt.

Vậy thì bây giờ xem ra ai là người đoán trúng?

Cuốn sách kích thích tư duy nhất trong loạt sách mới về cuộc chiến ở Ukraine là cuốn RUSSIA AGAINST MODERNITY (NƯỚC NGA CHỐNG LẠI SỰ HIỆN ĐẠI), cuốn sách ngắn gọn và sâu sắc của Alexander Etkind (NXB Polity, 166 trang, bìa mềm, giá 19.95 USD). Cuốn sách được đặt vào bối cảnh tương lai và được coi là phân tích hậu chiến về nguyên nhân vì đâu Nga bị chiến bại ở Ukraine. Etkind, giáo sư tại Đại học Trung Âu ở Vienna, phát triển những phỏng đoán của mình từ những khiếm khuyết của xã hội mà Putin xây dựng – một quốc gia phản dân chủ, sống nhờ vào dầu mỏ với bề dày lịch sử 2/3 kim ngạch xuất khẩu dựa vào nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt. Việc khai thác dầu khí chủ yếu được kiểm soát ở Nga bởi các chính trị gia và cựu nhân viên an ninh, những người coi trọng lòng trung thành chính trị hơn năng lực quản lý rất nhiều.


Etkind mô tả cuộc xâm lược của Putin là "cuộc chiến tranh giữa các thế hệ", ông lưu ý rằng nội các Ukraine được cấu thành với đa số là những người dưới 50 tuổi, trong khi đó hầu hết thành viên trong nội các Nga đều lớn tuổi hơn. Ông ám chỉ rằng các quan chức điều hành nước Nga của Putin biết rõ họ không thể cạnh tranh trong một thế giới hậu-dầu-mỏ, và bởi vậy họ thấy bị sự hiện đại đe dọa về mọi mặt, từ nền dân chủ đến biến đổi khí hậu cho đến sự khoan dung đối với giới đồng tính luyến ái. Etkind mô tả các nhà lãnh đạo Nga như những hóa thạch sống đang sống nhờ vào nhiên liệu hóa thạch. Quan điểm của ông có lý: Lần cuối cùng người ta mua một con chip máy tính do Nga sản xuất là khi nào vậy?


Góc nhìn hay nhất về cuộc chiến thực sự có lẽ là cuốn OVERREACH: The Inside Story of Putin’s War Against Ukraine (MƯU CAO: Câu chuyện nội tình về cuộc chiến của Putin chống lại Ukraine) (NXB Mudlark, 414 trang, bìa mềm, gia 21.99 USD) của nhà báo Owen Matthews. Ông cho chúng ta góc nhìn bao quát trung thực, sáng rõ về các cấp độ khác nhau của cuộc xung đột này, từ mặt trận đến lập trường của các chính phủ tham chiến cho đến tác động lên thường dân.

Matthews, phóng viên thường trú ở Nga của tạp chí tuần tin tức The Spectator, trước đây từng làm việc ở Nga cho cả tờ The Moscow Times và tạp chí tuần tin tức Newsweek. Cuộc bàn luận bi quan của ông về nguyên nhân vì sao hầu hết người Nga ủng hộ cuộc chiến của Putin, chí ít là cho đến gần đây, đang dóng hồi chuông cảnh tỉnh. Sự phụ thuộc của quân đội Nga vào bọn lính đánh thuê cấu thành Tập đoàn Wagner là then chốt của vấn đề. Wagner chiêu mộ tân binh trong số “những tên trộm cắp và những kẻ giết người, những đứa trẻ nghèo từ các tỉnh vùng xa và lính tráng từ các nước cộng hòa dân tộc thiểu số hẻo lánh”, Matthews viết. “Việc dành riêng thương vong cho một đội quân cảm tử đã làm giảm khả năng xảy ra phản ứng dữ dội của quần chúng.”

Một nỗ lực báo chí khác, không triệt để bằng nỗ lực của Matthews, là cuốn THE WAR CAME TO US: Life and Death in Ukraine (CUỘC CHIẾN ĐÃ ĐẾN CHỖ CHÚNG TÔI: Sống và chết ở Ukraine) (NXB Bloomsbury, 374 trang, giá 28 USD) của Christopher Miller. Miller, phóng viên thường trú ở Ukraine của tờ The Financial Times, dành hơn một thập kỷ cho việc đưa tin từ đất nước này. Cuốn sách cho tôi cảm tưởng giống như “bản sắp xếp lại sổ tay ghi chép” của một phóng viên, mà trong đó tác giả đơn giản chỉ ném những ghi chú hiện trường cũ vào bản thảo mới. Cũng như nhiều cuốn sách khác về chiến tranh, Miller không đi sâu vào cuộc xâm lược của Nga ở quy mô toàn diện cho đến hơn một nửa cuốn sách của anh – nhưng khi đã đi sâu vào, anh đặc biệt tài tình trong việc kể lại những ngày đầu hỗn loạn, bấp bênh của cuộc chiến. Theo tường thuật của Miller, một số quan chức an ninh Ukraine đang hợp tác với người Nga và các phần tử nằm vùng của Nga ở Kyiv được kích hoạt để tiến hành những vụ ám sát và phá hoại.


Cuốn THE RUSSO-UKRAINIAN WAR: The Return of History (CUỘC CHIẾN TRANH NGA- UKRAINE: Lịch sử lặp lại) (NXB Norton, 376 trang, giá 30 USD) của nhà sử học Ukraine Serhii Plokhy có phần khô khan hơn, dù ông chắc hẳn đã đúng khi lưu ý rằng một tác động của cuộc xâm lược đó đã nhìn thấy rõ: “Dân tộc Ukraine sẽ trỗi dậy sau cuộc chiến này đoàn kết hơn và chắc chắn về bản sắc của mình hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử hiện đại của dân tộc ấy”.

Cuốn sách PUTIN’S WAR ON UKRAINE: Russia’s Campaign for Global Counter-Revolution (CUỘC CHIẾN CỦA PUTIN VỚI UKRAINE: Chiến dịch phản cách mạng toàn cầu của Nga (NXB Đại học Oxford, 603 trang, giá 29,95 USD) của Samuel Ramani là cuốn sách khó đọc, nhưng những mô tả bách khoa của nó có thể cho ta những chi tiết thú vị và phân tích chiến thuật đáng tin cậy nào đó. Thật thú vị khi anh lưu ý rằng sự phụ thuộc của Putin vào Tập đoàn Wagner “cho phép ông ta tạo ra một quyền lực từ trên xuống để thay thế , quyền lực này củng cố sự kiểm soát của cá nhân ông ta đối với chính sách an ninh” và “che chở cho Putin khỏi một cuộc đảo chính nội bộ khi chiến tranh không diễn tiến theo đúng kế hoạch”.

Là chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Oxford, Ramani lập luận rằng các đồng minh kém hiệu quả nhất của Nga trong cuộc chiến là các đơn vị Chechnya. Điểm yếu của quân Chechnya, như anh nói, là họ đã quen với việc đàn áp dân thường và không chiến đấu với các đối thủ có vũ trang trên chiến trường. Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine vẫn sống sót sau hàng chục vụ mưu sát. Thật may cho ông này, nhiều vụ trong số đó, như tin đã đưa, là do các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Chechnya được Putin giao nhiệm vụ ám sát thực hiện, trong khi những vụ khác do Tập đoàn Wagner tiến hành.

Một câu hỏi cứ ám ảnh mọi nơi là liệu Nga cuối cùng có sẽ chiến bại hay không. Tuyên ngôn chính thức trong chính quyền Putin là Nga sẽ thắng thế nhờ “các quá trình lịch sử khách quan”, theo cách diễn đạt của Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Kết luận của Ramani cũng tờ mờ gần như thế: “Nga không thể chiến thắng và không thể để mình chiến bại trong cuộc chiến này.”

Matthews, sáng tỏ hơn chút ít, lập luận rằng cuộc chiến tranh này chỉ có thể kết thúc bằng một cuộc thương lượng hòa giải, mà Putin sẽ tô hồng là một chiến thắng. Ông cũng phỏng đoán dẫu rằng sau đó Putin có bị hạ bệ, thì ông ta có thể sẽ bị thay thế bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu cứng rắn, hàm ý một Putin bị tổn hại còn tốt hơn một Putin bị lật đổ.

Plokhy, bất chấp dự đoán của mình về dân tộc Ukraine đoàn kết lại, lập luận rằng Ukraine sẽ mất một phần lãnh thổ của mình vào phạm vi ảnh hưởng của Trung-Nga, với đường phân chia tượng trưng cho Bức màn sắt của thế kỷ 21.

Etkind, người có sức thuyết phục nhất trong số này, dự đoán một kết quả khác xa: Không những Putin sẽ thua mà hậu quả là Liên bang Nga sẽ tan rã, hàm ý rằng Chechnya và các khu vực khác sẽ lơi lỏng quan hệ với Moscow hoặc trở nên hoàn toàn độc lập. Tôi đồ rằng ông đoán đúng. Năm 2005, ai cũng biết là Putin đã than thở rằng sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị vô cùng to lớn” của thế kỷ 20. Sẽ thật mỉa mai nếu cuộc chiến của ông ta hoàn tất sự tan rã của Liên Xô.

Song cuộc chiến ở Ukraine cho tới giờ đã bỡn cợt nhiều nhà quan sát và những người tham gia, vậy nên chúng ta cần cẩn trọng đừng đặt quá nhiều niềm tin vào bất kỳ lời tiên đoán nào.

Tuesday, September 3, 2024

Khi xã hội sụp đổ, những nhà giao dịch này vớ bẫm

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Chaos Kings” (“Những ông vua thời hỗn loạn”), Scott Patterson tóm lược tiểu sử các nhà tài chính xây dựng danh mục đầu tư dựa trên những khoản lỗ hằng ngày, và – khi thảm họa xảy đến – gặt hái những khoản lãi khủng.

Đa phần mọi người đều biết có những người dường như cảm thấy thích thú một cách tai quái khi tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Trong cuộc sống, đây thường là chiến thuật đối phó được tạo ra để xoa dịu những cú choáng váng vì thất vọng. Trên thị trường, đó là một cách để kiếm hàng tỷ đô la.

Nhưng biến sự lo lắng của thị trường thành lợi ích cá nhân một cách ngoạn mục – bằng cách bán khống cổ phiếu đề phòng trường hợp nền kinh tế chao đảo – có thể là một chiến lược đáng ghê tởm, và chẳng phải chỉ vì nó có nghĩa là thu lợi từ những thảm họa như Ngày 11/9 và đại dịch Covid. Theo quan điểm của Nassim Taleb, nguyên là nhà giao dịch chứng khoán phái sinh và là tác giả của thuyết “Black Swan” (“Thiên nga đen”), việc đặt cược vào thảm họa đòi hỏi phải chấp nhận thực tế là chúng ta không bao giờ biết được khi nào nó sẽ ập đến. Mặc dù điều này nghe có vẻ như một chân lý hiển nhiên chả có gì là thú vị, song nó hầu như đối nghịch với sự thông thái truyền thống ở Phố Wall, sự thông thái vẫn luôn cho rằng với những mô hình thống kê phù hợp, hầu như mọi kết quả đều có thể định lượng được. Giải pháp thay thế đáng sợ sẽ là thừa nhận rằng sự hỗn loạn đang ngự trị.

Dĩ nhiên, đó là sự hỗn loạn mà nhờ vào đó Taleb tận hưởng thành công. Ông ta không biết mình là nhân vật chính trong cuốn sách “Chaos Kings” của Scott Patterson phóng viên tờ The Wall Street Journal, biên niên sử được quan sát chặt chẽ về những kẻ săn-bão chúa hay khoe mẽ trong làng tài chính và những nhà phê bình họ thường đụng độ.

Tấn kịch này mở màn trên những giảng đường, trong những phòng hội nghị và trên những sàn giao dịch, những nơi cố nhiên là phù hợp với kịch tính. Trong màn mở đầu, chàng Taleb trẻ tuổi thấy “đôi bàn tay núc ních” của một giao dịch viên nóng nảy trên sàn chứng khoán quấn quanh cổ anh ta. Những người đàn ông hợp thành dàn diễn viên cho màn này đều táo bạo và lập dị. Họ lái mô-tô với “tốc độ tự sát”, và thuê những võ sư kung fu để học tán thủ [qinna], kỹ thuật võ thuật phức tạp nhằm tiêu hao năng lực thể chất của đối thủ. Và họ học cách yêu thích việc thua lỗ mỗi ngày, để sau này họ có thể thắng lớn.

Britney Spears mạnh miệng chưa từng thấy trong cuốn hồi ký của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn hồi ký “The Woman in Me” (“Người đàn bà trong tôi”) tiết lộ vô số thứ về cuộc đời cô dưới ánh đèn sân khấu, đồng thời làm dịu đi nỗi cay đắng đáng phải có bằng một tinh thần lạc quan bền bỉ, kiên định.

Hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc là sự tri ân khi cuốn hồi ký mới “The Woman in Me” của Britney Spears có cùng tựa đề với một trong những album bán chạy nhất của Shania Twain; xét cho cùng, cô là một cô gái miền Nam, và Twain đã giúp cô viết “Don’t Let Me Be the Last to Know” (“Đừng để tôi biết sau cùng”) – một trong những bản hit đầu tiên của cô. Cuốn “Woman” mời chúng ta đọc câu chuyện quen thuộc về cuộc đời minh tinh đầy trắc trở, quay cuồng, được viết nên bằng những đĩa bạch kim và những bóng đèn flash. Nhưng ở đây nó có nhịp điệu và nghệ thuật dàn dựng của bài nhạc đồng quê: gắng gỏi, can trường, đầy rẫy những sự phản bội và bất hạnh gần như kịch tính. Đây cũng là câu chuyện chiến thắng vừa tầm, tuy đi kèm phần lời bạt xui xẻo. (Cuốn sách The New York Times có trên tay trước khi nó được phát hành chính thức đã không được biên tập kịp thời để đưa thêm vụ ly hôn đang trong quá trình thụ lý của cô với người chồng thứ ba là Sam Asghari.)

Cụm từ “hãy nói thật lòng mình” từ lâu trở thành câu nói sáo rỗng khiến người nghe bực mình, là chất liệu cho những lời thú tội ngạo nghễ trên TikTok và những món đồ khiến người ta khao khát trên website của hãng thương mại điện tử Etsy. Thế nhưng Spears có lý do đích thực để sử dụng nó: Cô ấy vẫn đang nổi dần lên, mà ai cũng biết đấy, từ hố đen của tình trạng bị giam cầm rõ ràng một cách kỳ lạ mà những điều kiện của nó, được tiết lộ trong các phiên tòa gần đây, có vẻ vô nhân đạo và nói thẳng ra là phi lý trong thế kỷ 21 này. Suốt 13 năm dưới sự giám hộ nghiêm ngặt do cha cô là ông Jamie Spears trông nom, cô không được gặp hai con trai nếu không được phép hoặc không được tự chọn đồ ăn; cô bị cấm lái xe, uống cà phê hoặc tháo vòng tránh thai. Có lẽ điều kinh khủng nhất là cô bị ép buộc phải duy trì lịch trình biểu diễn nghiêm ngặt – gồm cả một loạt buổi biểu diễn ở Las Vegas thu về hàng chục triệu USD, từ khoản này cô được phép chi tiêu tối đa 2.000 USD mỗi tuần. (Chẳng ngạc nhiên gì khi cha cô và một số cộng sự của ông ta lĩnh mức lương cao hơn thế nhiều.)

Lúc này đa số những người hâm mộ và thậm chí cả những người tình cờ theo dõi tin tức đều biết những chi tiết luôn gây phẫn nộ về những sự việc đó, hoặc có thể dễ dàng tìm thấy chúng trên mạng. Chắc họ cũng biết những nét chính về cách Spears được nuôi dạy ở thị trấn Kentwood thôn dã thuộc tiểu bang Lousiana, nơi cô nuôi dưỡng tình yêu ca hát và khiêu vũ từ rất sớm, cái tình yêu đã dẫn dắt cô, ở lứa tuổi 11, trở thành diễn viên chính thức trong phiên bản mới của bộ phim “The Mickey Mouse Club” hồi thập kỷ 1990 cùng với dàn minh tinh tương lai gồm Christina Aguilera, Justin Timberlake, Keri Russell và Ryan Gosling. Những gì Spears thêm vào cho đủ, bằng giọng văn trò chuyện tâm sự và đôi khi sắc sảo, là nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn trong gia đình diễn ra đều đều – cha cô là người nghiện rượu đang chật vật vì tiền bạc, và bà Lynne Spears mẹ cô thường xuyên nổi khùng khi ông ta uống rượu và thường xuyên biến mất – hoàn cảnh đó khiến cô phải tìm chốn nương thân trong nghiệp diễn.

Khi cái tôi gặp phải sự dối trá, hậu quả có thể là mất mạng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn sách “His Majesty’s Airship” (“Khí cầu của Đức ngài”), S.C. Gwynne kể câu chuyện về định mệnh thảm khốc của chiếc khí cầu có điều khiển R101 và người đàn ông là nguyên nhân của thảm họa đó.

Chiếc khí cầu khổng lồ của Anh quốc là một thứ tuyệt đẹp để ngắm. Dài hơn 214 mét, R101 là cỗ máy biết bay lớn nhất thời đó, với phòng ăn có chỗ cho 60 người ngồi, những lối đi dạo có cửa sổ và thậm chí có cả phòng hút thuốc, một lựa chọn thiết kế kỳ lạ đối với một chiếc khí cầu chứa đầy khí hydro dễ nổ. Tuy vậy đâu cần phải lo lắng – căn phòng được bọc lót bằng amiăng, một trong rất nhiều lý do khiến người ta cho rằng đây là chiếc khí cầu an toàn nhất từng được chế tạo.

Chừng đó dĩ nhiên chưa nói lên gì mấy. Những mối nguy hiểm cố hữu của những chiếc khí cầu có khung vỏ cứng được gọi là khí cầu có điều khiển đã được biết đến rộng rãi vào năm 1930, khi chiếc R101 cởi cột neo của nó tại Cardington, Anh quốc, và khởi chuyến hành trình đầu tiên đến Karachi lúc đó còn là đất của Ấn Độ dưới quyền cai trị của Anh quốc. Chỉ cần nói là chuyến đi ấy đã kết thúc rất thê thảm, như những chuyến bay khí cầu có điều khiển thường vẫn thế. Mặc dù vậy cũng phải còn sáu năm rưỡi nữa mới đến sự cáo chung hoành tráng của kỷ nguyên khí cầu, khi chiếc Hindenburg chìm trong biển lửa trong lúc cố gắng hạ cánh ở New Jersey. Chiếc R101 nhanh chóng bị lãng quên, chí ít là ở Mỹ.

Chúng ta có thể biết ơn S.C. Gwynne khi hồi sinh chiếc khí cầu đó trong cuốn sách mới “His Majesty’s Airship” rất cuốn hút và được nghiên cứu tỉ mỉ. Là nhà báo trở thành nhà văn, tác giả của cuốn sách “Empire of the Summer Moon” (“Đế chế Trăng mùa hạ”) xuất bản năm 2010 lọt vào vòng chung kết Giải Pulitzer, Gwynne dệt nên câu chuyện phong phú về công nghệ, về sự táo bạo và điên rồ vượt xa chủ đề giả định của nó. Giống như bất kỳ câu chuyện lịch sử cực hay nào khác được nhiều người ưa chuộng, nó cũng là bức chân dung của một thời đại – trong trường hợp này là thời đại của một đế chế trên bờ vực suy tàn.

Tại tâm điểm cuốn sách của Gwynne là câu chuyện ngắn gọn, tập trung mật thiết vào chuyến bay đầu tiên và cũng là cuối cùng của chiếc khí cầu R101, khiến mạch truyện liên tục sang trang khi ông phóng to góc nhìn để kể câu chuyện bao quát hơn về những chiếc khí cầu và những giấc mơ đế quốc. Anh quốc trong thập kỷ 1920 cai trị nhiều thần dân trên thế giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, tuy nhiên cai trị bao lâu nữa thì chẳng ai biết được.

Mặc dù có tầm ảnh hưởng không quốc gia nào sánh được, đế chế này bắt đầu bị áp lực từ các phong trào dành độc lập ở Ấn Độ và những nơi khác. Khoảng cách quá xa khiến việc cai trị càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, năm 1924, Anh quốc khởi động “Kế hoạch khí cầu đế quốc”, kế hoạch mường tượng ra mạng lưới tuyến đường cho khí cầu có điều khiển để liên kết quốc gia này với những xứ thuộc địa xa xôi.

Đây là viễn cảnh làm say đắm lòng người: Thay vì mất cả tháng trời trên biển, một người đi từ Úc sang Anh có thể hoàn tất cuộc hành trình trong 11 ngày, thưởng thức rượu vang đỏ và xì gà hảo hạng trong khi bồng bềnh bên trên đại dương, núi non và rừng rậm. Với những người ủng hộ kế hoạch này, khí cầu là dự đoán về lâu về dài tốt hơn so với máy bay, thứ phương tiện vào thời điểm đó chỉ có thể bay những quãng đường ngắn trước khi hạ cánh để tiếp nhiên liệu, với giả định là thời tiết hoặc lỗi động cơ không buộc chúng phải tiếp đất trước.

Logic của dự đoán này là một trong nhiều giả định sai lầm làm nền tảng cho câu chuyện của Gwynne. Một giả định sai lầm nữa là những chiếc khí cầu có điều khiển bằng cách nào đó có thể được chế tạo đảm bảo an toàn. Trong một chương có tựa đề “Lược sử về một ý tưởng tồi”, Gwynne kể câu chuyện quen thuộc nhưng thiết yếu về Bá tước Ferdinand von Zeppelin, nhà quý tộc Đức có phát minh được đặt theo tên mình và được sử dụng làm vũ khí khủng bố trong Thế chiến I, khi những chiếc khí cầu zeppelin được triển khai như máy bay ném bom lên khắp lãnh thổ Anh quốc.

Song khí cầu zeppelin lại có những khiếm khuyết chết người. Một tia lửa mồi duy nhất có thể biến một khí cầu này thành quả cầu lửa, như các phi công lái máy bay chiến đấu của Anh đã phát hiện ra khi họ bắt đầu trang bị cho máy bay của mình những viên đạn gây cháy. Ngoài đặc tính dễ nổ ra, các khí cầu có điều khiển hầu như không thể kiểm soát được trong những cơn gió mạnh và phải vật lộn để trụ được ở trên không khi mưa ngấm ướt lớp vỏ bằng vải của chúng, làm tăng thêm hàng tấn trọng lượng.

Cách tiếp cận tôn giáo phi truyền thống giúp định hướng một dân tộc bị chia rẽ ra sao?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Lincoln’s God” (“Đức Chúa Trời của Lincoln”), Joshua Zeitz nghiên cứu phong cách thực hành Cơ đốc giáo dị thường mang tính cá nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 16 này.

Bất kỳ ai từng được đặc ân xem cuốn Kinh thánh của Lincoln – cuốn kinh thánh mà cho đến nay đã có ba vị tổng thống đặt tay lên trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bao gồm cả Abraham Lincoln – đều biết rằng các trang kinh sách này không tì vết, như thể chưa từng được mở ra và đọc. Trên thực tế, vào phút cuối Lincoln mượn cuốn kinh thánh này từ một viên lục sự của Tòa án Tối cao cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình năm 1861, và chi tiết này gây ấn tượng mạnh, phù hợp với thái độ cách biệt đáng kể của Lincoln với tôn giáo có tổ chức.

Thời trai trẻ, Lincoln hầu như không phải là một tín đồ Cơ đốc theo nghĩa truyền thống. Ông nghi ngờ những phép màu trong Kinh thánh, đọc tác phẩm của những người có tư tưởng tự do như Thomas Paine và thậm chí có lẽ từng là tác giả của một bài tiểu luận công kích tôn giáo. (Chúng ta không biết chính xác, vì nếu nó có từng tồn tại thì một người bạn của ông đã đốt nó rồi.) Nếu nó xuất hiện hồi năm 1860, khi Lincoln lần đầu tiên tranh cử tổng thống, có lẽ giờ đây chúng ta đang sống ở hai quốc gia. Như thực tế cho thấy, ông mất phiếu bầu của một khu vực bầu cử – chỉ có ba trong số 23 mục sư của Springfield bỏ phiếu cho ông.

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...