Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Cách tiếp cận tôn giáo phi truyền thống giúp định hướng một dân tộc bị chia rẽ ra sao?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Lincoln’s God” (“Đức Chúa Trời của Lincoln”), Joshua Zeitz nghiên cứu phong cách thực hành Cơ đốc giáo dị thường mang tính cá nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 16 này.

Bất kỳ ai từng được đặc ân xem cuốn Kinh thánh của Lincoln – cuốn kinh thánh mà cho đến nay đã có ba vị tổng thống đặt tay lên trong lễ tuyên thệ nhậm chức, bao gồm cả Abraham Lincoln – đều biết rằng các trang kinh sách này không tì vết, như thể chưa từng được mở ra và đọc. Trên thực tế, vào phút cuối Lincoln mượn cuốn kinh thánh này từ một viên lục sự của Tòa án Tối cao cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của mình năm 1861, và chi tiết này gây ấn tượng mạnh, phù hợp với thái độ cách biệt đáng kể của Lincoln với tôn giáo có tổ chức.

Thời trai trẻ, Lincoln hầu như không phải là một tín đồ Cơ đốc theo nghĩa truyền thống. Ông nghi ngờ những phép màu trong Kinh thánh, đọc tác phẩm của những người có tư tưởng tự do như Thomas Paine và thậm chí có lẽ từng là tác giả của một bài tiểu luận công kích tôn giáo. (Chúng ta không biết chính xác, vì nếu nó có từng tồn tại thì một người bạn của ông đã đốt nó rồi.) Nếu nó xuất hiện hồi năm 1860, khi Lincoln lần đầu tiên tranh cử tổng thống, có lẽ giờ đây chúng ta đang sống ở hai quốc gia. Như thực tế cho thấy, ông mất phiếu bầu của một khu vực bầu cử – chỉ có ba trong số 23 mục sư của Springfield bỏ phiếu cho ông.

Cuộc khảo sát mới xóa tên các nam nghệ sĩ ra khỏi danh sách kinh điển phương Tây

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Story of Art Without Men” (“Câu chuyện mỹ thuật thiếu vắng đàn ông”) của Katy Hessel là hợp tuyển về các nữ nghệ sĩ từ những năm 1500 cho đến ngày nay.

Georgia O'Keeffe có lần từng nói: “Đàn ông đánh giá tôi là nữ họa sĩ tài năng nhất. Tôi cho rằng tôi là một trong những họa sĩ tài năng nhất.” Câu nói nổi tiếng đó của nữ họa sĩ trường phái hiện đại Mỹ là đề từ cho Phần 2 cuốn sách đầu tay rất bao quát “The Story of Art Without Men” của Katy Hessel, nhà báo chuyên mục của tờ Guardian. “Đàn bà làm nghệ sĩ không phải là một xu hướng,” Hessel khẳng định; thế nhưng vẫn tồn tại một típ nữ nghệ sĩ gây tranh cãi, không phải là một sự tương phản có ý nghĩa mà đúng hơn là hậu quả của chế độ phụ hệ, một típ nữ nghệ sĩ luôn bị thế giới nghệ thuật do nam giới thống trị hạ thấp giá trị, theo lời O'Keeffe.

Vừa là thể loại xét lại lịch sử, vừa là loại sách có tranh ảnh để trưng bày, vừa là bức chân dung tập thể, vừa là săn lùng kho báu lưu trữ, cuốn chuyên khảo của Hessel bao quát từ giai đoạn những năm 1500 cho đến nay với nỗ lực hiện thực hóa trọn vẹn tiêu đề của nó. Song bất chấp những nỗ lực hết mình của cô, đàn ông vẫn không thể đừng xuất hiện xuyên suốt cuốn sách này với tư cách là những ông chồng giàu có, những gã bạn trai bạo hành, những người cha nghệ sĩ, những đứa con trai túng thiếu, những họa sĩ khao khát nàng thơ, những thể chế và thậm chí là cả cái nhìn chằm chằm của đấng nam nhân tối cao: Đức Chúa trời.

Trong cuốn sách 500 trang này, Hessel – người có tài khoản Instagram @thegreatwomenartists được dẫn nguồn như một phần khởi nguồn của cuốn sách – khéo léo giới thiệu cho chúng ta bức tranh tổng hợp về các họa sĩ, từ những người nổi tiếng như Artemisia Gentileschi, Frida Kahlo, Hilma af Klint, Tracey Emin và Kara Walker cho đến những người ít nổi tiếng hơn như Elisabetta Sirani, Marie Denise Villers và Lady Butler, và thậm chí còn chỉ ra vô số những cái tên mà có lẽ chúng ta chưa từng nghe đến.

Phải chăng đã đến lúc thu dọn đồ đạc và tiến lên sao Hỏa?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Hẳn là chưa đến lúc, Kelly và Zach Weinersmith tranh luận như vậy trong cuốn “A City on Mars” (“Thành phố trên Hỏa tinh”).

Hãy đối mặt với điều này, hỡi con người. Trái đất đã tận số. Nó đã nóng lên quá mức, chật chội quá mức, nặng gánh vì các quy chế quy định quá mức. Đó là ngôi nhà phải sửa chữa nhiều nhất, một bãi rác chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ mà chúng ta sẽ là những kẻ nhẫn tâm nếu để lại cho con cháu mình. Đã đến lúc thu dọn đồ đạc. Đã đến lúc tiến lên sao Hỏa.

Hoặc có thể là chưa.

Mau chóng chạy trốn đến hệ mặt trời là sự tưởng tượng thú vị, song cuốn “A City on Mars”, tác phẩm mới rất đặc sắc về khoa học phổ thông của các tác giả đã viết cuốn “Soonish” (“Sớm thôi”) Kelly và Zach Weinersmith, đề xuất rằng chúng ta không nên rời bỏ Trái đất mau chóng đến thế. Đầy sức thuyết phục, hấp dẫn và hài hước, cuốn sách này là bài kiểm tra thực tế cần thiết cho bất kỳ ai từng tìm kiếm một ngôi nhà trên bầu trời đêm.

“A City on Mars” phân loại các lập luận ủng hộ việc thuộc địa hóa ngay lập tức thành hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất là ý tưởng cao cả rằng nhân loại phải tản ra các hành tinh khác “trước khi nền văn minh sụp đổ”, như Elon Musk nói với Walter Isaacson. Phạm trù thứ hai là “lập luận ‘nói có sách mách có chứng’”: Du hành vào không gian rất đáng đồng tiền bát gạo vì việc đó thật tuyệt.

Các tác giả triệt phá luận thuyết thứ nhất một cách tài tình. Tự nhận mình là “những kẻ đam mê khoa học”, vợ chồng nhà Weinersmith bắt tay vào cuốn sách này với hy vọng viết nên “một lộ trình xã hội học” dành cho công cuộc xây dựng các thuộc địa trên vũ trụ trong tương lai gần. Song khi đi sâu vào nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng những người ủng hộ nhiệt liệt nhất cho việc định cư trong không gian bị lóa mắt bởi vẻ đẹp của những phương tiện di chuyển có động cơ tên lửa đến nỗi họ gạt phăng sang một bên “những thứ tạo nên cuộc sống bình thường” như ăn uống và sinh đẻ, dân chủ và luật pháp. Vấn đề quan trọng nhất, theo miêu tả của vợ chồng Weinersmith, là “Không gian vũ trụ thật khủng khiếp. Toàn bộ không gian ấy. Thật khủng khiếp”, họ viết thêm:

Mặt trăng không chỉ là một loại sa mạc Sahara xám xịt không có không khí. Bề mặt của nó được cấu tạo từ tinh thể kính và đá lởm chởm tích điện, chúng bám dính vào những bộ quần áo chịu lực và các phương tiện hạ cánh. Sao Hỏa cũng vậy, nó không chỉ là một Thung lũng Chết trong vũ trụ – đất trên đó chứa đầy những hóa chất độc hại, và bầu khí quyển carbon mỏng của nó gây ra những cơn bão bụi khắp thế giới khiến mặt trời bị mờ mịt hàng tuần lễ mỗi lần. Và những hành tinh đó lại là những nơi đủ điều kiện để hạ cánh.

Nó lên đến đỉnh cao tuyệt đối ở trường trung học

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Empire of the Sum” (“Đế chế số học”) sinh động của mình, Keith Houston điểm lại những năm tháng tốt đẹp nhất – và tồi tệ nhất – trong vòng đời của chiếc máy tính bỏ túi.

Đầu năm nay, cậu con trai 7 tuổi của tôi tha về nhà chiếc máy tính bỏ túi TI-89 có chức năng vẽ đồ thị, phiên bản mới nhất của các mẫu huyền thoại do Texas Instruments sản xuất, mà một thời từng là thiết bị phải có của mọi học sinh trung học a-ma-tơ đáng gờm về môn giải tích ở Mỹ. Nó từ đâu đến thì tôi chẳng biết.

Theo chỗ tôi biết, thằng con tôi chưa một lần rút cái thứ ấy ra khỏi hộp, chưa thoáng liếc qua cái màn hình pixel hay cái dãy gồm 50 phím dễ sợ bên dưới. Loại máy tính bỏ túi TI đó đã đánh dấu đỉnh cao nhất trong nỗ lực làm chủ khả năng tính toán của con người đến tận gần đây. (Bạn cũng có thể chơi các game như Astrosmash trên đó.) Thế nhưng chúng đang trở thành di tích trong thời đại kỹ thuật số.

Khi niềm hân hoan chiến thắng cho cảm giác thực sự hân hoan

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Big Time” (“Thời khắc huy hoàng”) của Michael MacCambridge lật lại [trang lịch sử thể thao] thập kỷ 1970, khi những nhân vật nổi tiếng thích phô trương và những cuộc ganh đua ngoạn mục đã biến thể thao thành trò giải trí đại chúng.

Hệ thống hóa lịch sử nước Mỹ theo từng thập kỷ là việc ngớ ngẩn và tùy tiện – và ngày càng lỗi thời. Nhưng kỳ lạ thay việc ấy cũng đem lại sự thỏa mãn, giống như sắp xếp lại một ngăn kéo toàn đồ vớ vẩn.

Những năm 1970, hiện đã hoặc đang tiến gần đến con số 50 năm tròn trĩnh đáng ngẫm ngợi, đặc biệt tràn ngập những thứ tạp nham: chiến tranh, lạm phát đình đốn, mốt nuôi thú cưng là viên đá. Các nhà văn, bao gồm cả David Frum và Bruce J. Schulman, cố gắng động chạm tới toàn bộ mớ bòng bong này. Trong cuốn sách mới “The Big Time” của mình, Michael MacCambridge bám vào những môn thể thao theo cách thận trọng, và thường là làm sáng tỏ, những môn thể thao mà ông lập luận rằng đã trở thành lực lượng sinh lợi áp đảo trong thời kỳ polyester thịnh hành đó mà ngày nay chúng ta được biết.

Tuy vậy, cuốn sách này khá lan man, gồm nhiều phân đoạn chồng chéo như quần vợt, bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, quyền Anh, golf, khúc côn cầu, và những cuộc thi đấu ít được biết đến hơn được trình diễn tại Thế vận hội Olympics. “Anh ấy thực sự có thể xuất hiện rất ấn tượng,” nhà sản xuất chương trình truyền hình Roone Arledge dự đoán về vận động viên mười môn điền kinh phối hợp mà lúc đó được biết đến với tên Bruce Jenner (1) tại Thế vận hội Montreal mùa hè năm 1976. “Anh ấy có sức hút rất mạnh. Tôi nghĩ anh ấy có thể là một Dorothy Hamill (2) khác.”

Cuốn “The Big Time” đầy sinh động với những tính cách như vậy và khơi gợi nỗi nhớ mong về thời mà các sự kiện thể thao ít phải theo kịch bản, ít bị săm soi và ít bị tư nhân hóa hơn. Những người đàn ông có ảnh hưởng đến mọi thứ là những kẻ vênh vang khoe mẽ, ồn ào với cái tôi: tiền vệ bóng bầu dục Joe Namath và chiếc áo khoác lông chồn của anh; trung vệ bóng bầu dục John Fuqua và con cá vàng ta có thể nhìn thấy đang tung tăng bơi bên trong đôi gót giày trong suốt của anh; golf thủ Jack Nicklaus và sự giảm cân của anh; tay vợt tennis Jimmy Connors và những cú túm đũng quần của anh; cầu thủ bóng chày Reggie Jackson và thanh kẹo mang tên anh. (“Khi bạn bóc một thanh kẹo Reggie! Bar,” cầu thủ ném bóng chày Catfish Hunter nói đùa, “nó sẽ nói cho bạn biết nó ngon đến thế nào”.)

Trong cuộc chiến hiểm nghèo của Facebook giữa tính liêm chính và sự tham gia [của người dùng]

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “Broken Code” (tạm dịch “Mật mã bị phá giải”) của Jeff Horwitz sử dụng 25.000 trang tài liệu nội bộ để khám phá những hoạt động nội bộ náo nhiệt của tập đoàn này – và tác động hủy hoại của chúng đối với nhân loại.

Với sự chuyển hướng thú vị từ những câu chuyện thể loại phụ về Facebook, cuốn sách “Broken Code” của Jeff Horwitz không mở đầu bằng cảnh trong căn phòng ký túc xá của trường Harvard. Khai triển những khám phá trong loạt phóng sự bom tấn “Hồ sơ Facebook” trên tờ The Wall Street Journal, cuốn sách tập trung trực tiếp vào thập kỷ vừa qua. Nó mở đầu khi Facebook đã là một tập đoàn khổng lồ toàn cầu với số lượng người dùng lên tới hàng tỷ người – và với một giá trị tinh thần đặc trưng của công ty, cái giá trị còn chưa bao gồm khả năng tạo ra sự thay đổi chính trị và xã hội vô cùng to lớn.

Một vị cựu phó chủ tịch của Facebook nói với Horwitz: “Xây dựng thứ gì đó thì thú vị hơn nhiều so với đảm bảo an ninh và an toàn cho thứ đó. Ta sẽ không phải động chạm gì đến nó cho đến khi bị cơ quan quản lý hoặc báo chí chỉ trích.”

Là một câu trình bày luận điểm, nó thật rõ ràng hết mức. Hết lần này đến lần khác, bất chấp sự phản đối của những nhân viên được tuyển dụng để khiến Facebook thành một nơi an toàn cho người dùng, vị CEO Mark Zuckerberg và những phụ tá thân cận nhất của anh ta quyết ưu tiên tăng trưởng và sự tham gia hơn bất kỳ mục tiêu nào khác. Điều đó là sự thật hiển nhiên ngay cả khi chẳng ai lạ gì rằng những quyết định đó gây hại cho người dùng. Horwitz dựa trên vô số bằng chứng để chứng minh rằng, xét về mặt chính sách nhất quán, Facebook thà đi dọn dẹp sau những thảm họa thậm chí là nghiêm trọng nhất còn hơn ngăn chặn chúng.

Chi tiết kiểu báo chí trong cuốn sách này ở mức độ đáng khâm phục. “Broken Code” được phát triển dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ của Facebook, phần lớn trong số đó được chia sẻ bởi một nhân viên duy nhất: giám đốc sản phẩm Frances Haugen. Sự hợp tác của cô với cuộc điều nghiên của Horwitz rất phi thường: Trước khi rời khỏi tập đoàn này hồi tháng 5.2021, Haugen dành nhiều tháng trời gửi cho Horwitz những bức ảnh chụp màn hình lờ mờ từ chiếc điện thoại rác chụp các tập tin được lấy trên chiếc laptop ở nơi làm việc của cô.

Tài liệu mà cô và những người khác cung cấp là những tài liệu thiết yếu để đảm bảo độ chính xác mà “Broken Code” dùng để mổ xẻ những thất bại chiến lược của Facebook khi đề cập đên vai trò của tập đoàn này trong việc truyền bá thông tin sai lệch, sự rạn nứt chính trị và thậm chí là nạn diệt chủng. Cuốn sách chứa đầy những số liệu thống kê và giai thoại khiến người đọc mắt tròn mắt dẹt, đôi khi tàn khốc như George Orwell đã miêu tả trong cuốn tiểu thuyết “Nineteen Eighty-Four” (“Năm 1984”) của ông, những thứ mà chỉ có thể từ nội bộ đưa ra. Chẳng hạn, ta có thể hả hê với sự trớ trêu này: khoảng năm 2018, tập đoàn này thực hiện hơn 140 thay đổi khác nhau đối với hệ thống xác định bài đăng được hiển thị trên News Feed của bạn, nó đã thành công trong việc loại trừ tận gốc rễ những nhà xuất bản tin tức giả mạo trắng trợn nhất – thế nhưng Facebook không nhận được sự khen ngợi nào của công chúng về chiến thắng này sau khi Zuckerberg khăng khăng một mực rằng vấn đề do những kẻ chơi khăm đó gây chẳng có gì to tát.

“Broken Code” đôi khi cho cảm giác phức tạp chẳng kém gì bộ máy quan liêu của tập đoàn mà nó miêu tả. Đa phần cuốn sách nhảy từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và từ tính cách này sang tính cách khác – có thể kể ra một số trong những điểm rắc rối nhất là vai trò của nền tảng này trong việc quảng bá chứng biếng ăn, phổ biến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, khích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Ngày mùng 6.1.2021, khơi mào cuộc thanh lọc sắc tộc ở Myanmar và mở đường cho tình trạng nô lệ trong gia đình – mà không có cốt truyện rõ ràng hoặc thậm chí không có đến cả tiêu đề chương để làm cho văn bản bớt phức rối hơn. Facebook là tập đoàn khổng lồ, và những cuộc chiến Horwitz miêu tả thường liên quan đến các ưu tiên cạnh tranh của các nhóm khác nhau mà mối quan hệ giữa chúng khó có thể tránh khỏi tình trạng rối ren. Rõ ràng là sau một số năm viết những bài báo về Facebook, Horwitz đã có sẵn sơ đồ tổ chức kiểu ống kính vạn hoa rất ấn tượng trong đầu mình; nếu làm ghi chú cho nó thì sẽ rất hữu ích cho người đọc, như những bản đồ vùng Trung Địa trong các tiểu thuyết của Tolkien ấy.

Bị đánh giá thấp chính là vũ khí bí mật của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong “Flirting With Danger” (“Đùa giỡn với hiểm nguy”), Janet Wallach kể câu chuyện về Marguerite Harrison, người đánh đổi cuộc sống nhiều đặc quyền để trở thành nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ.

Bất kỳ ai phàn nàn về một chuyến bay của hãng hàng không Delta bị hủy sẽ phải thận trọng hơn khi nhìn vào tấm gương Marguerite Harrison. Là nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ, Harrison dọc ngang khắp thế giới bằng xích lô, máy bay cánh quạt, lạc đà, bè làm bằng da dê thổi căng và toa chở hàng trên tàu hỏa, và từng có lần miêu tả sinh động về chuyến hành trình xuyên Siberia mà cô bị lèn vào giữa những bao trà và yến mạch trên cỗ xe tam mã trong trận bão tuyết, như “một trải nghiệm hiếm có và thú vị”.

Là con gái của ông trùm vận tải biển Thời Phồn vinh giả tạo [1877-1900], Harrison làm tan vỡ những tham vọng xã hội cao ngất của mẹ mình (bà mẹ đã hy vọng có một tước hiệu), đầu tiên là bằng cách kết hôn với chủ ngân hàng địa phương, rồi sau đó – khi cô đột ngột góa chồng ở tuổi 37 – bằng cách thuyết phục để có được chân phóng viên chuyên về sự kiện xã hội và phê bình văn hóa cho tờ The Baltimore Sun. Cuối Thế chiến I, được lòng yêu nước và niềm đam mê du lịch thúc đẩy, cô nhiều lần nộp đơn xin vào Hải quân, rồi Quân đội, để được xem xét bổ nhiệm vào cơ quan tình báo quân sự, dù biết rằng rốt cuộc khi được tuyển dụng, cô sẽ dấn thân vào “sự nghiệp chẳng hứa hẹn gì ngoài nguy hiểm và bấp bênh.”

Do tuổi thơ sống qua những mùa hè ở châu Âu lục địa và được các nữ gia sư châu Âu dạy dỗ, Harrison nói tiếng Đức và tiếng Pháp hoàn hảo; sau này cô học tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không kém phần quan trọng là việc một gia sư đặc biệt dạy cô cách tán chuyện xã giao: “Hãy cứ ra vẻ trí thức nếu cần thiết, song em phải học cách trở nên quyến rũ. Nó sẽ đưa em đi xa hơn nhiều.”

Là điệp viên, nhà báo, nhà làm phim và nhà thám hiểm dày dạn, Harrison hiện diện trong nhiều thời khắc then chốt của thời kỳ đầy biến động và đầy ý nghĩa giữa hai cuộc thế chiến. Janet Wallach, người viết những cuốn tiểu sử về nhà thám hiểm Gertrude Bell và ông trùm bất động sản Hetty Green, kể lại những chiến tích đáng chú ý của nhân vật chủ đề của mình với sự hồi hộp, nhiệt huyết và khá nhiều sự mê hoặc huyền bí: Hãy nghĩ đến nhân vật điệp viên George Smiley trong chiếc áo khoác cổ lông chồn.

Wallach chủ yếu dựa vào tư liệu do chính Harrison viết, nó cho ta những miêu tả trực tiếp rất thú vị về một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nghiên cứu sâu rộng của Wallach cũng được sử dụng một cách hiệu quả, cho dù bà đang đề cập đến sự nổi lên của binh đoàn lê-dương Freikorps ở Berlin thời hậu chiến hay miêu tả chi tiết việc lựa chọn những con hàu và rượu sâm-panh tại các hộp đêm mờ ám ở thành phố đó.

Trang phục cũng không kém phần quan trọng: Đối với chuyến vượt qua sa mạc Gobi vất vả của Harrison, cô xếp vào va li chiếc áo khoác lông và những đôi tất lụa, và trong chuyến tìm kiếm các bộ lạc du mục ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cô mặc chiếc áo khoác kiểu đi săn bằng nhung kẻ và đội chiếc mũ cát trên vành buộc hờ chiếc khăn phất phới để ăn bữa tối với những người buôn lạc đà, theo lời tác giả kể cho chúng ta.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...