Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Bị đánh giá thấp chính là vũ khí bí mật của cô

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong “Flirting With Danger” (“Đùa giỡn với hiểm nguy”), Janet Wallach kể câu chuyện về Marguerite Harrison, người đánh đổi cuộc sống nhiều đặc quyền để trở thành nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ.

Bất kỳ ai phàn nàn về một chuyến bay của hãng hàng không Delta bị hủy sẽ phải thận trọng hơn khi nhìn vào tấm gương Marguerite Harrison. Là nữ điệp viên quốc tế đầu tiên của Mỹ, Harrison dọc ngang khắp thế giới bằng xích lô, máy bay cánh quạt, lạc đà, bè làm bằng da dê thổi căng và toa chở hàng trên tàu hỏa, và từng có lần miêu tả sinh động về chuyến hành trình xuyên Siberia mà cô bị lèn vào giữa những bao trà và yến mạch trên cỗ xe tam mã trong trận bão tuyết, như “một trải nghiệm hiếm có và thú vị”.

Là con gái của ông trùm vận tải biển Thời Phồn vinh giả tạo [1877-1900], Harrison làm tan vỡ những tham vọng xã hội cao ngất của mẹ mình (bà mẹ đã hy vọng có một tước hiệu), đầu tiên là bằng cách kết hôn với chủ ngân hàng địa phương, rồi sau đó – khi cô đột ngột góa chồng ở tuổi 37 – bằng cách thuyết phục để có được chân phóng viên chuyên về sự kiện xã hội và phê bình văn hóa cho tờ The Baltimore Sun. Cuối Thế chiến I, được lòng yêu nước và niềm đam mê du lịch thúc đẩy, cô nhiều lần nộp đơn xin vào Hải quân, rồi Quân đội, để được xem xét bổ nhiệm vào cơ quan tình báo quân sự, dù biết rằng rốt cuộc khi được tuyển dụng, cô sẽ dấn thân vào “sự nghiệp chẳng hứa hẹn gì ngoài nguy hiểm và bấp bênh.”

Do tuổi thơ sống qua những mùa hè ở châu Âu lục địa và được các nữ gia sư châu Âu dạy dỗ, Harrison nói tiếng Đức và tiếng Pháp hoàn hảo; sau này cô học tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng không kém phần quan trọng là việc một gia sư đặc biệt dạy cô cách tán chuyện xã giao: “Hãy cứ ra vẻ trí thức nếu cần thiết, song em phải học cách trở nên quyến rũ. Nó sẽ đưa em đi xa hơn nhiều.”

Là điệp viên, nhà báo, nhà làm phim và nhà thám hiểm dày dạn, Harrison hiện diện trong nhiều thời khắc then chốt của thời kỳ đầy biến động và đầy ý nghĩa giữa hai cuộc thế chiến. Janet Wallach, người viết những cuốn tiểu sử về nhà thám hiểm Gertrude Bell và ông trùm bất động sản Hetty Green, kể lại những chiến tích đáng chú ý của nhân vật chủ đề của mình với sự hồi hộp, nhiệt huyết và khá nhiều sự mê hoặc huyền bí: Hãy nghĩ đến nhân vật điệp viên George Smiley trong chiếc áo khoác cổ lông chồn.

Wallach chủ yếu dựa vào tư liệu do chính Harrison viết, nó cho ta những miêu tả trực tiếp rất thú vị về một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nghiên cứu sâu rộng của Wallach cũng được sử dụng một cách hiệu quả, cho dù bà đang đề cập đến sự nổi lên của binh đoàn lê-dương Freikorps ở Berlin thời hậu chiến hay miêu tả chi tiết việc lựa chọn những con hàu và rượu sâm-panh tại các hộp đêm mờ ám ở thành phố đó.

Trang phục cũng không kém phần quan trọng: Đối với chuyến vượt qua sa mạc Gobi vất vả của Harrison, cô xếp vào va li chiếc áo khoác lông và những đôi tất lụa, và trong chuyến tìm kiếm các bộ lạc du mục ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cô mặc chiếc áo khoác kiểu đi săn bằng nhung kẻ và đội chiếc mũ cát trên vành buộc hờ chiếc khăn phất phới để ăn bữa tối với những người buôn lạc đà, theo lời tác giả kể cho chúng ta.

Một trận chiến quyết liệt [Battle Royale] nữa trong Cuộc chiến Windsor

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Endgame” (“Cuộc cờ tàn”), nhà viết tiểu sử đầy thiện cảm với Harry và Meghan là Omid Scobie đã đối đầu với phía nhà chồng – và cực kỳ quyết liệt.

Mở đầu cuốn “Endgame”, nhà báo và phóng viên chuyên bình luận về hoàng gia Omid Scobie đưa ra hứa hẹn hấp dẫn.

“Trước kia, cũng như ai khác, tôi dè chừng khi tiết lộ một số sự thật ám muội hơn trong bản chất thể chế của chế độ quân chủ Anh”, anh ta viết. “Một phần của cuốn sách này sẽ khiến tôi vĩnh viễn không còn đường lui. Nhưng để kể toàn bộ câu chuyện, thì không thể dè chừng. Không dè chừng được nữa. Chúng ta đang vào lúc cuộc cờ tàn.”

Tuy vậy, những độc giả hy vọng vào một đòn chí mạng cuối cùng của tin tức vỉa hè thì sẽ thất vọng. Trước đây chúng ta không ít lần nghe nói về điều đó. Từ Fergie, từ Diana, từ Charles, từ Harry, từ Harry, từ Harry, lại lần nữa từ Harry.

Ăn thịt bọn nhà giàu ư? Thay vì thế, cùng dùng bữa với họ được không?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Flight of the WASP*” (“Sự bay bổng của WASP”), nhà văn sừng sỏ chuyên bới móc Michael Gross dành cho những gia đình ưu tú của nước Mỹ sự đối xử đặc biệt tận tình.

Phương tiện truyền thông xã hội đã khai tử Danh sách Giới thượng lưu chưa? Hay giới WASP vẫn có thứ gì đó để hiến tặng cho những người còn lại chúng ta?

Do quyền lực và tầm ảnh hưởng của họ ở Mỹ cho dù có đang suy giảm vẫn là cực kỳ to lớn, giới tinh hoa da trắng theo đạo Tin lành [WASP] là một trong số ít nhóm sắc tộc mà người ta cảm thấy có thể chế giễu được. Sự thể đó bắt đầu bằng chính cụm từ viết tắt WASP, có nguồn gốc mơ hồ – một phóng viên của tờ New York Times tìm thấy nó trên tờ The New York Amsterdam News hồi năm 1948 – nhưng nhờ nhà xã hội học E. Digby Balltzell nó đã in sâu vào cách sử dụng thông thường.

Cuốn “The Official Preppy Handbook” (“Cẩm nang chính thức cho sinh viên dự bị”– xuất bản năm 1980), do Lisa Birnbach biên tập, là tác phẩm kinh điển đúng nghĩa về óc hài hước trong quan sát, nhận diện trang phục, đồ vật và tập quán của WASP chẳng hạn như các họa tiết hoa nhí, trang trí hình con vịt và trường nội trú. Cuốn “The WASP Cookbook” (“Sách dạy nấu ăn của WASP” – xuất bản năm 1997) của Alexandra Wentworth đặt công thức chế biến những món tầm tầm như thịt bò thái mỏng phủ kem và cocktail rượu mạnh trong những trang bìa bằng nhung xanh.

Tôi những mong “Flight of the WASP” của nhà báo và tác giả Michael Gross sẽ là tác phẩm mới nhất bước vào đền thờ sự nhạo báng kiểu Muffy này, nhưng không phải. Cuốn sách là phòng trưng bày chân dung trang trọng, chân thật và khá đông đúc gồm hơn chục những cái tên cổ kính quan trọng – những Biddle, Peabody, Whitney, và những cái tên khác – những cái tên lạnh lùng giải thích cho những hành động tệ hại của họ đồng thời cũng liệt kê những hành động cao quý của họ.

Chẳng hạn như người thừa kế ngành đường sắt và nhà cổ sinh vật học Henry Fairfield Osborn, vị chủ tịch lâu năm của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, là người nhiệt thành ủng hộ thuyết ưu sinh. Vị chính khách đầu thế kỷ 19 Lewis Cass là người tận tâm khởi xướng điều mà ông ta gọi là “di dời dân da đỏ”. (Thoáng chút hả lòng khi đọc đoạn nói về ông ta “mất mặt khi một con đường đắp cao bị sụt xuống tại một sự kiện và ông ta bị rơi tõm xuống sông Hudson, rồi ngoi lên mặt nước mà thiếu mất mớ tóc giả.”) Và “giai cấp thống trị đầu tiên của nước Mỹ”, như tiêu đề phụ của Gross gọi nó, dĩ nhiên cũng phạm phải và duy trì “tội lỗi nguyên bản của nước Mỹ”: chế độ nô lệ.

Bất chấp những điều này, tác giả lập luận rằng tầng lớp quý tộc WASP đã tiến tới chỗ ủng hộ những lý tưởng nhất định – “sự khiêm tốn, tinh thần trách nhiệm, phép lịch sự đơn thuần,” ông liệt kê, hai lần – là những lý tưởng đáng được hồi sinh, cho dù Donald Trump “biểu trưng cho vận bĩ của thị tộc” và Joe Biden, “mẫu mực của sự đứng đắn,” tình cờ lại là người theo Công giáo.

Những hành tinh dị thường của vũ trụ lấp lánh sao và những điều chúng phát lộ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Things That Go Bump in the Universe” (“Những thứ dị thường trong vũ trụ”, nhà thiên văn học C. Renée James viết về những điều chúng ta có thể học được từ những hình dạng và âm thanh kỳ lạ hơn trong vũ trụ.

Có một ẩn tinh đặc biệt, một loại tử tinh quay nhanh đang giữ kỷ lục về tốc độ quay nhanh nhất so với bất kỳ thiên thể nào trong vũ trụ mà ta đã biết: nó quay 716 lần mỗi giây. Để dễ hình dung, lưỡi dao của máy xay sinh tố Vitamix có thể quay 333 lần mỗi giây, nhưng chiếc máy xay thì khá nhỏ có thể đặt trên bàn được, còn ẩn tinh là trái cầu neutron có kích thước bằng một thành phố trôi nổi trong không gian và có khối lượng bằng một nửa của một triệu Trái đất.

“Người ta có thể đọc những con số như thế này và nghĩ: ‘Ồ, thú vị thật’,” nhà thiên văn học C. Renée James viết trong cuốn sách mới “Things That Go Bump in the Universe” của chị. Người ta cũng có thể cảm thấy rằng “nắm bắt được thực tế này là điều bất khả”. Song chị bảo rằng “Bạn vẫn nên thử.”

Các ẩn tinh có vẻ bí ẩn khôn lường, nhưng chúng đáng được nghiên cứu vì chính bản thân chúng thú vị – chúng là một trong những thứ dị thường nhất trong vũ trụ – và vì chúng có thể cho ta những hiểu biết sâu sắc. Chúng có thể giúp ta đo khoảng cách giữa các mặt trời và nâng cao kiến thức về vật lý hạt nhân. Một ẩn tinh giống như ẩn tinh PSR J1748-2446ad đã lập kỷ lục mới, mà James đã đổi tên thành Zippy cho dễ gọi, là công cụ có tính then chốt trong lĩnh vực tương đối mới là thiên văn học nhất thời: nghiên cứu về các hiện tượng xảy ra nhanh chóng, dữ dội và tồn tại trong thời gian ngắn trong cái mà về mặt khác chúng ta thường coi là một vũ trụ phần lớn rỗng không và không lấp lánh.

Kính viễn vọng Không gian James Webb và các anh chị em của nó đã phát lộ những bức chân dung hấp dẫn về một vũ trụ lấp lánh những vì sao, những đám mây bụi, những sợi khí gas và những cánh tay quay tít của các thiên hà. “Things That Go Bump in the Universe” giới thiệu một số nhân vật vũ trụ kỳ lạ nhất trong những lĩnh vực này, bao gồm các hạt cực kỳ phong phú và siêu nhiên được gọi là neutrino, dường như không tương tác với bất kỳ cái gì sau khi chúng được sinh ra, cho dù chúng nảy sinh ra trong cơn quằn quại dữ dội khủng khiếp của những ngôi sao đang chết hoặc trong sự phân hủy tự nhiên của kali trong những quả chuối. Chúng ta cũng gặp các ẩn tinh “góa phụ đen” (hàng triệu năm nay chúng vẫn ăn những ngôi sao kép mờ nhạt hơn của chúng) và chứng kiến các lỗ đen hợp nhất. Một vụ va chạm như vậy cách đây 1,2 tỷ năm đã khiến không-thời gian quanh Trái đất rung chuyển vào năm 2015.

Thiên văn học nghiên cứu về sóng hấp dẫn mở ra mô hình hoàn toàn mới của vật lý thiên văn. Các nhà nghiên cứu hiện có thể khảo sát các lý thuyết về cách thức vũ trụ giãn nở sau Vụ nổ lớn, theo dõi các chấn động giống như người chỉnh đàn piano lắng nghe âm thanh phát ra từ chiếc âm thoa của mình khi nhấn một phím đàn. Bằng cách kết hợp dữ liệu âm thanh từ khắp vũ trụ – các lỗ đen hợp nhất có xu hướng phát ra một nốt trong khóa âm trầm, ẩn tinh Zippy xướng lên 1,5 quãng tám cao hơn nốt Đô trung – với các phương pháp cũ hơn khi quan sát tất cả ánh sáng mà ta có thể và không thể nhìn thấy dọc theo quang phổ điện từ, các nhà thiên văn học có thể phác họa ra lịch sử của vũ trụ.

Hành trình của James xuyên qua công cuộc nghiên cứu những vật thể này rất thú vị, đôi khi khó khăn, nhưng rốt cuộc rất đáng đọc nhờ cách hành văn vui vẻ, dễ chịu; chị giỏi hơn hầu hết các nhà vật lý thiên văn khi giải thích công việc đôi khi khó hiểu của họ. Mặt trời là “một ngôi sao loàng xoàng”. Những thay đổi có thể nhận thấy trong áp suất không khí sau vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883 – mà James sử dụng để giới thiệu quy mô của các vụ nổ sao – “thì thầm những bí mật về nguồn gốc gây tai họa của chúng”. Đài thiên văn vô tuyến Parkes nổi tiếng ở Australia, hiện được gọi là Murriyang, “chỉ bằng một kính viễn vọng đã phát hiện ra” khoảng một nửa số ẩn tinh mà chúng ta đã biết.

Chị cũng sử dụng phép ẩn dụ và phép loại suy; khoảng không giữa các ngôi sao kép nhất định là “ô cửa” dành cho “anh em họ hàng thân thiết hôn nhau” mà hoạt động của chúng “hoàn toàn không giống việc dùng vòi tưới vườn phun đầy một cái xô”.

Những kẻ nổi loạn bất đắc dĩ, với động cơ rất chính đáng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The Exceptions” (“Những biệt lệ”) của Kate Zernike kể lại câu chuyện đáng phẫn nộ và thú vị về sự phân biệt giới tính mà các nhà khoa học nữ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phải đương đầu – và họ đã chống trả ra sao.

Từ “biệt lệ” hàm ý các quy tắc, và như chúng ta biết, các quy tắc được đặt ra là để bị vi phạm. Nhưng trong đời thực, đó có thể là một việc khó chịu – đặc biệt nếu bạn là phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khoa học, đặc biệt là trong những thập kỷ trước thềm thế kỷ 21 và đặc biệt là nếu bạn không phải kiểu người vi phạm quy tắc.

Trong khoa ấy của Viện Công nghệ Massachusetts có 16 người vi phạm quy tắc. Và nói một cách chính xác, các phụ nữ này đã phải chịu đựng những gì để được quyền làm công việc của mình là chủ đề trong cuốn sách mới xuất sắc và gây phẫn nộ của Kate Zernike.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện mà Zernike (hiện là phóng viên của tờ The New York Times) tiết lộ cho tờ The Boston Globe hồi năm 1999, “The Exceptions” là câu chuyện hậu trường bí mật về cách các nhà khoa học này tiến hành nghiên cứu kéo dài bốn năm dẫn đến kết quả là MIT phải thừa nhận có lịch sử lâu dài về phân biệt giới tính ra sao.

Người lãnh đạo không ai ngờ tới của nhóm 16 nhà khoa học này là Nancy Hopkins, một người không có căn cốt gây kích động trong mình. Là nhà sinh học phân tử và nhà nghiên cứu ung thư được đào tạo tại Đại học Harvard, Hopkins là mẫu người cực kỳ thông thái – từ một đứa trẻ được nhận học bổng đã nhảy cóc lớp 10, lên học ở Đại học Radcliffe và tin rằng – vì chỉ duy có điều này là hợp lý – chỉ cần cô chuyên tâm với toàn bộ trí tuệ, sự tò mò và niềm đam mê của mình, cô sẽ thành công.

Cầu thủ huyền thoại: Câu chuyện về hậu vệ dẫn bóng vĩ đại nhất trong lịch sử Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ [NBA]

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn tiểu sử lớn về Magic Johnson [Johnson Huyền thoại] của tác giả Roland Lazenby cho ta thấy vô vàn chi tiết, dàn nhân vật khổng lồ và, ở mức độ nhất định, bức tranh phong phú sắc màu của thời đại chúng ta.

Có lần tôi hỏi một nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung rằng vì sao không một ai mỉm cười trong những bức ảnh chị chụp, và chị trả lời: “Nụ cười là một cái mặt nạ”.

Tôi liên tưởng đến câu nói có tính cách ngôn này khi đọc cuốn tiểu sử dày 800 trang về Magic Johnson của Roland Lazenby. Tạp chí Sports Illustrated tuyên bố rằng nụ cười của anh là một trong hai nụ cười đẹp nhất thế kỷ 20. (Nụ cười kia là của Louis Armstrong.) Như Missy Fox, con gái vị huấn luyện viên thời trung học của anh, nói trong cuốn sách: “Đó là cái duy nhất anh ấy luôn mang, nụ cười đó”.

Nụ cười này biểu lộ từ rất sớm ở thành phố Lansing, bang Michigan “Cậu con trai mới sinh của Christine Johnson hay cười khúc khích và toe toét khiến tất cả những ai chứng kiến đều vui thích đến nỗi chẳng thể nào coi những nụ cười ấy chỉ là vu vơ,” Lazenby viết. Ít lâu sau, “hầu hết mọi người đều muốn chào đón cậu bé bằng cách làm mặt cười hoặc gây tiếng động ồn ào hoặc tung cậu lên xuống cho đến khi cậu ré lên và cười khúc kha khúc khích.”

Johnson là đứa trẻ gầy và cao lêu nghêu, có khả năng phối hợp phi thường và bị ám ảnh với bóng rổ. Khi bắt đầu học lớp bảy cậu cao 1,83m, khi bắt đầu học lớp mười cậu cao 1,98m. “Cậu thường có những ngày nghỉ hè say sưa với bóng rổ và cực kỳ phấn khích với môn này.” Tuy vậy, khi lên cấp trung học cơ sở, có điều gì đó sai sai. Cậu đọc kém, và “những người biết cậu lúc đó miêu tả cậu là người nói năng không rành mạch, tình trạng được giảm nhẹ và phần nào được che giấu bằng nụ cười và phong thái của cậu”. Vấn đề khả năng đọc của cậu, “được định nghĩa là chứng đọc khó”, khiến cậu “hết sức lúng túng ngượng ngùng”.

Song cậu có những kỹ năng khác, những niềm đam mê và kế hoạch khác. Con cái nhà Johnson chắc mẩm sẽ học tại một trường trung học gần đó, nơi là “trung tâm của cộng đồng này”. Nhưng các trường ở thành phố Lansing đã nghĩ ra một kế hoạch “thúc đẩy sự hòa nhập chủng tộc bằng cách dùng xe bus đưa đón học sinh da đen”. Những anh chị em lớn hơn trong gia đình Johnson được đưa xuyên thành phố đến trường Everett High, nơi chúng nhập vào nhóm khoảng 100 học sinh da đen trong ngôi trường có 2.500 học sinh “mà thời điểm đó 99% là học sinh da trắng”. Những chuyến xe bus đầu tiên đã được chào đón bằng những hòn đá ném.

Khi đến lúc Earvin Johnson phải đi học ở trường Everett, trực giác mách bảo cho cậu biết cách vượt qua vấn đề nhạy cảm là chơi cho một huấn luyện viên mà anh trai cậu (và bạn cùng phòng) rất ghét, cậu đạp xe xuyên suốt thành phố Lansing để tập ném bóng trúng rổ, mà không báo trước, trên đường lái xe vào nhà của huấn luyện viên.

Một nhận xét của Missy Fox về sự nghiệp trung học của Johnson, khi nhớ lại khung cảnh ồn ào trong các trận đấu của cậu, thì bật ra: “Cậu ấy lúc nào cũng vui vẻ. Mọi thứ đều rất hay ho thú vị và việc cậu lôi kéo mọi người tham gia khiến mọi thứ càng thú vị hơn. Cú chuyền bóng không cần nhìn mà cậu ấy sẽ thực hiện, họ gọi đó là cú chuyền bậc thầy vì cậu rất thích sáng tác một số lối chơi hấp dẫn dị thường”.

Có điều gì đó vừa háo hức vừa thân mật khi chị nhấn mạnh vào niềm vui. Giống như nhiều đối tượng được trích dẫn trong cuốn sách, chị đang nhìn lại câu chuyện lịch sử này sau nhiều thập kỷ, khi huyền thoại và lịch sử như tấm lưới dày đặc bao trùm Magic Johnson, Larry Bird và Michael Jordan cũng như sự ra đời của ngành kinh doanh và hiện tượng mang tính văn hóa là NBA. Có lẽ sự nhấn mạnh của chị vào niềm vui là một cách khác để nói rằng đây là lần cuối cùng Magic Johnson là một con người bình thường, một đứa trẻ trong đội bóng trường trung học được thành phố Lansing yêu quý, còn chưa phải là người nổi tiếng thế giới.

Cuốn sách hướng dẫn về rượu vang cho một thế giới đang thay đổi (dù tốt lên hay xấu đi)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “The World in a Wineglass” (“Thế giới trong ly rượu vang”) của Ray Isle là công trình khảo sát sâu rộng về những người trồng nho, tập trung vào sự phát triển bền vững và các phương pháp hữu cơ.

Chủ nhân của các nhà máy rượu vang dường như sống cuộc đời đầy ân sủng nhiệm màu. Các nhà văn và nhà phê bình viết về rượu vang cũng vậy, nếu những câu chuyện phiếm và những bài đăng trên Instagram của họ là đáng tin cậy. Có vẻ như chúng liên quan đến rất nhiều những lâu đài, những khung cảnh tráng lệ, những hồ bơi vô cực, những ly cốc tinh xảo và bữa tối dưới ánh nến trong phòng riêng. Những người trong giới rượu vang, vì lý do nghề nghiệp, thường đã ngà ngà từ lúc 11 giờ sáng.

Quay trở lại bàn làm việc mới là phần gian nan. Việc giải mã những ghi chú được ghi lại trong lúc “mệt mỏi và xúc động” – cách dùng uyển ngữ của người Anh để chỉ trạng thái say xỉn – đâu phải chuyện chơi. Gian nan hơn nữa là tìm cho ra những cách độc đáo để diễn đạt nghĩa “thơm ngon”. Ngôn từ viết về rượu vang đã bị nhai đi nhai lại có lẽ kể từ tác gia Pliny the Elder nhưng chắc chắn là từ năm 1937, khi tờ The New Yorker xuất bản bức tranh biếm họa của James Thurber vẽ người đàn ông giơ cao chiếc ly đen như mực trên bàn ăn. Dưới chân bức tranh viết: "Đó là một loại Burgundy thuần khiết chưa gây giống tràn lan, song tôi nghĩ các vị sẽ thích thú với tính ngạo mạn của nó". Nhà thơ Tony Hoagland đã châm chọc tính phô trương của ngôn ngữ rượu vang một cách thâm thúy hơn khi ông viết trong bài thơ đẹp lạ lùng sáng tác năm 2003 “When Dean Young Talks About Wine” (“Khi Dean Young nói về rượu vang”):

Nhưng đâu là rượu Cabernet của hóa đơn thuê nhà và thuốc hen?

Đâu là rượu Burgundy của những đôi giày chỉnh hình?

Đâu là rượu Chablis của những đầu gối trầy da và bánh mì kẹp mứt?

với dư vị là những huấn luyện viên tàn nhẫn của Little League ?

và âm thanh trầm đục của chiếc xe ô tô wagon rỉ sét?

Người chuyên phục vụ rượu vang hợm hĩnh tại các nhà hàng sẽ trả lời câu hỏi của Hoagland như thế này: Thưa ông, chúng có mặt ở khắp nơi, chính là những chai Chardonnays của Úc trị giá 7,99 đô la với những con kangaroo trên nhãn.

Robert M. Parker Jr. thay đổi kiểu bình phẩm rượu vang và việc kinh doanh rượu vang hồi thập niên 1980 bằng cách bỏ qua mọi ngôn từ. Ông ta sử dụng hệ thống đánh giá bằng số cho mỗi chai. Cái giá cho sự thành công của Parker là trở thành kẻ không sành điệu sánh ngang với Robert Moses (cả hai đều là những người cào bằng và đơn giản hóa) đối với các thế hệ trẻ đam mê rượu vang. Tên ông ta được nhắc đến với một cái nhún vai.

Ở đầu cuốn sách hướng dẫn mới đồ sộ “The World in a Wineglass: The Insider’s Guide to Artisanal, Sustainable, Extraordinary Wines to Drink Now” (“Thế giới trong ly rượu vang: Hướng dẫn của người trong ngành về các loại rượu thủ công, ít gây tác động đến môi trường, rất đặc sắc để uống thời nay”) – cuốn sách khiến người đọc ngồi còng cả lưng của Ray Isle – tác giả dừng lại để phàn nàn về những hương vị nếm thử ăn-theo-trái-cây mà các nhà văn viết về rượu vang thường sử dụng. “Bạn có thực sự tưởng tượng được thứ rượu đó sẽ có hương vị như thế nào trong miệng mình từ một danh sách liệt kê như ‘xoài, dứa, lê, mơ và gỗ sồi’ không?”, anh đặt câu hỏi. Những thứ này khiến anh nhớ đến danh mục đồ uống của một quán sinh tố.

Những từ ngữ miêu tả kiểu đó có thể là tất yếu phải có. Sau lời ta thán ban đầu, Isle hăng hái ủng hộ chúng. Thú vị hơn khi anh gạt ly trái cây kia sang một bên. Theo quan điểm của anh, ai mà không muốn nếm thử loại rượu vang Burgundy sở hữu “một kiểu tính chất nghiêm ngắn của lính tráng” chứ? Thế còn loại rượu có “hệ thống cơ bắp như vũ công” thì sao? Rồi sau đó, có loại rượu vang đỏ phối trộn xuất xứ từ Central Valley của California mà Isle đề cập đến như một thí dụ cho loại rượu vang "làm sao mà ly của tôi lại cạn nhanh đến thế?" Thật kỳ lạ: Hầu như mọi chai tôi mở đều khớp với miêu tả đó.

Một số nhà sản xuất rượu mà anh phỏng vấn giỏi hơn ở trò chơi chữ này. Một người ở Oregon so sánh thứ rượu vang pinot noir của mình với bản ballad đầy nhục dục của Barry White. Một nhà sản xuất rượu ở miền Bắc nước Ý khoe khoang rằng rượu vang gewürztraminer của ông ta không thuộc loại rượu vang “Miami Vice” đáng sợ: “Không có độn vai!” Người sản xuất loại rượu vang Barbera có vị chát vừa phải đề cao loại rượu của mình (và cũng có thể anh ta đang nói về cuốn sách này): “Nó hơi giống với việc ném uỵch bộ bách khoa toàn thư lớn lên bàn.”

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...