nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong tuyển tập truyện mới của mình, Fernanda Melchor không chỉ xem xét tình trạng bạo lực mà còn xem xét cách người ta đối phó với nó ra sao ở một khu vực bất ổn.
Fernanda Melchor báo cho chúng ta biết ngay từ đầu tuyển tập truyện mới của chị có tựa đề “This Is Not Miami” (“Đây không phải Miami”) rằng “Tôi không viết về những giọt nước mắt, những gã đàn ông vũ khí đầy mình hay những đứa trẻ bị thương tích ở nơi những thứ này chưa từng tồn tại”. Đầy dẫy những giọt nước mắt và những trẻ em bị thương tích, như một lẽ đương nhiên, ở thành phố và bang Veracruz của Mexico, và khu vực này từ lâu đã nhan nhản kẻ vũ khí đầy mình: Đây lại một chiếc xe bán tải nữa đang đến chở đầy binh lính đeo mặt nạ đen và khoác áo màu xanh bộ đội; họ đặt súng máy trên sàn xe tải, sự hiện diện trong chốc lát của họ cũng thường nhật như những đống trái cây, những quả trứng, những con gà, các phụ tùng bằng kim loại ở khu chợ trời; bóng họ khuất dần trên đại lộ ven sông được đặt theo tên của Phó Đề đốc [Comodoro] Manuel Azueta.
Năm 1914, những kẻ được vũ trang là lính Mỹ (chừng 200 lính Mexico đã bị Hải quân Mỹ tiêu diệt); trong những thế kỷ trước, họ là những tên cướp biển và những kẻ thực dân, tính từ tận năm 1519, khi thành phố Villa Rica de Veracruz được lập ra bởi kẻ chinh phục-tra tấn Hernan Cortés trong bộ giáp trụ có mặt nạ kiểu ma-cà-rồng nặng nề với những kẽ hở cho mắt nhìn dài đến tận mang tai. (Và còn chưa kể đến các đại lãnh chúa Aztec thường tế sinh bằng con người.) Về phần những kẻ được vũ trang ngày nay, ghi lại hành động của họ ở đây là Quý cô Melchor, sinh năm 1982 tại “xứ sở này nơi lời nói dối có cơ hội được chứng minh trước tòa là đúng còn hơn cả chính sự thật”.
Thành phố Veracruz luôn oi ả ngột ngạt vì nó tọa lạc ở chỗ chỉ cao hơn mực nước biển nhiệt đới vài mét. Thủy triều lúc xuống có màu nâu xanh và xám xanh, có mùi tanh của bùn. Những con chó chết bốc mùi hôi thối và ai nấy đều vã mồ hôi hột. Một số trận dịch bệnh mang lại cho nơi này biệt danh bỡn cợt: “nghĩa trang của thế giới”. Tầng lớp thượng lưu Tây Ban Nha ẩn náu trong đất liền, để lại người da đen, người lai và những kẻ cựu-xâm-lăng làm công việc bẩn thỉu.
Giờ đây phần lớn Veracruz đang vã mồ hôi hột với vấn nạn tự thực thi công lý, côn đồ và khủng bố ma túy. Trong tuyển tập “This Is Not Miami”, chúng ta gặp một nhân chứng bất lực của vụ đấu súng đã thấy “ngay bên ngoài ngôi trường Montessori, thi thể bị cắt xẻo của một cô gái trẻ… không mảnh vải che thân ngoại trừ tấm bìa cứng mang thông điệp tàn nhẫn nào đó từ những kẻ đã giết cô.” Câu chuyện thậm chí còn thú vị hơn mà tựa đề được lấy làm tựa đề cuốn sách kể về những người đi lậu vé trên con tàu Dominica nghĩ rằng họ đã đến được Miami. Một trong số họ nói với những công nhân ở bến tàu đang che giấu họ rằng cha anh ta có lần nợ tiền một số người. “Anh không biết cảm giác ấy thế nào đâu,” anh ta nói, “khi đứng nhìn cha anh bị chém chết bằng con dao rựa, đứng nhìn mẹ anh bị cưỡng hiếp.” Điểm đến của anh ta là New York, nơi em gái anh đã lần ra dấu vết những kẻ giết người. Ở đó anh sẽ băm vằm chúng ra để rửa hận cho cha mình.
Nếu truyện đó vẫn chưa đủ khiến bạn phấn chấn, hãy đọc về vụ hành quyết kiểu lynch kẻ hiếp dâm-giết người ở một thị trấn nhỏ, hắn bị bắt quả tang đang dìm nạn nhân đã chết của hắn úp mặt xuống sông. Hoảng sợ trước những người dân địa phương đang giận điên lên, vị “quan chức đại diện của thị trấn” nói với họ: “Tôi và các đồng nghiệp của tôi, chúng tôi đã làm phần việc của mình và thị trấn đã đưa ra quyết định của mình, vì vậy chúng tôi không thể phủ quyết quyết định đó của các người. … Vậy các người có định hành quyết hắn ta hay không?” Lẽ đương nhiên (bạn đọc, chả lẽ bạn lại không làm thế?) họ thiêu sống hắn ta.
Nhiều năm sau, khi Quý cô Melchor đến thăm nơi này, “chẳng ai muốn đưa chúng tôi xuống dòng sông đó,” nơi mà hành động hung tàn – hoặc việc thực thi công lý, nếu bạn sính dùng từ này hơn – vẫn in hằn trong ký ức chẳng khác gì những cái đầu được điêu khắc bằng đá của nền văn minh Olmec ở thành phố này: những hộp sọ hình cầu khổng lồ được đục đẽo từ nham thạch thô tối màu, nhìn chằm chằm xuống chúng ta trên con đường cao tốc cạnh sân bay hoặc trong sân bảo tàng, ám ảnh chúng ta bằng sự xa lạ lạnh lùng của chúng.
Những câu chuyện này chính xác đến mức nào, những câu chuyện mà tác giả thích gọi bằng tiếng Tây Ban Nha là relatos ấy? Chúng “dựa trên những sự kiện xảy ra trên thực tế,” cô viết trong lời giới thiệu. Khi tôi yêu cầu thêm thông tin, cô trả lời qua đại diện báo chí: “Chúng hoặc là những lời khai trước tòa của cá nhân… hoặc là kết quả của những cuộc phỏng vấn dài với nhân chứng và người cung cấp thông tin, tất cả đều được ghi vào hồ sơ.” Không có chi tiết khủng khiếp nào được bịa ra. Tuy vậy, lời giới thiệu của cô bổ sung thêm: “tâm điểm của những văn bản này không phải là bản thân các sự việc đó mà là tác động của chúng lên những người đã chứng kiến chúng”. Sự dè dặt này là khôn ngoan, thứ nhất, vì trong hầu hết trường hợp, tác giả không phải là nhân chứng mà là người lắng nghe nhân chứng một cách thận trọng và kiên nhẫn, và hai là, vì một số sự việc xảy ra có tính siêu nhiên.
“Trung tâm thành phố Veracruz đầy những hồn ma,” cha Melchor thường nói với cô, và chắc chắn ở đó có rất nhiều ngôi nhà cổ đầy cây cối, dây leo, nấm mốc và những kẻ chiếm dụng nhà sinh sống. Khám phá vài tàn tích như vậy đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện ma quỷ của chính tôi – sau khi những nhà hàng xóm kể cho nghe rất nhiều giai thoại rõ rành là rợn tóc gáy (chẳng chuyện nào giống chuyện nào) về thế lực ma quỷ bên trong những ngôi nhà đó. Theo Melchor, văn hóa dân gian Veracruz “liên tưởng tất cả cái chết vì bạo lực với sự xuất hiện của những linh hồn 'không an nghỉ'". Trong truyện dài “The House on El Estero” (“Ngôi nhà ở El Estero”) có phần trữ tình, một trong những truyện mà tôi rất thích trong tuyển tập này, cô kể lại trải nghiệm siêu nhiên kinh dị của người chồng đầu tiên. Theo lời cô, anh này là “một gã trai Veracruz điển hình… được đào tạo trong một nền văn hóa nhạo báng văn viết và coi thường văn thư lưu trữ, thích… việc trò chuyện vui vẻ hơn”.
Tác giả, mặc dù giờ đây là người theo chủ nghĩa hoài nghi đầy thông cảm, nhưng cũng là người con gái đích thực của Veracruz. Chúng ta đọc được rằng ngày 07.11.1991, khi cô mới chín tuổi, Tiểu đoàn bộ binh 13 bắn chết bảy thành viên của Cảnh sát Tư pháp Liên bang, có lẽ (chúng ta chả bao giờ biết nguyên nhân thực sự) là để ngăn chặn việc bắt giữ hai kẻ buôn lậu cocaine người Colombia trên một chiếc máy bay Cessna – mà đèn hiệu hạ cánh của nó khiến cô bé Fernanda Melchor những mong đó là UFO. Tại sao không? Nó chắc chắn sẽ đẹp hơn sự thật.
Thêm vào việc dũng cảm phơi bày những sự thật đen tối, Melchor còn viết với tấm lòng nhân hậu. Tôi ngưỡng mộ sự tôn trọng đầy trắc ẩn của cô đối với những người như El Fito, nhân viên hải quan mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Sau khi đậu cuộc phỏng vấn tuyển dụng của băng đảng Zetas (bao gồm cả một cú đánh bằng súng lục), anh trở thành người pha trộn cocaine để có thể chu cấp cho gia đình; thỉnh thoảng, anh gửi những tin nhắn thận trọng cho những người bạn cũ để họ biết “rằng đầu anh vẫn ở đúng nơi đúng chỗ, không nằm trên bàn của nhà điều tra án mạng hay thối rữa trong đám cỏ dại”.