Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Đối với phóng viên này, cuộc chiến ở Ukraine cũng là cuộc chiến của cá nhân ông

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Yaroslav Trofimov sinh trưởng ở Kyiv. Cuốn “Our Enemies Will Vanish” ( “Sẽ tan bóng giặc”) ghi lại trải nghiệm của ông với vai trò là nhà báo của tờ The Wall Street Journal được chỉ định đưa tin về cuộc chiến này.

“Kyiv vẫn đang là một thành phố yên bình,” Yaroslav Trofimov viết về buổi chiều ngày 23.2.2022, một ngày trước khi quân Nga xâm chiếm Ukraine. Mặt trời đang tỏa nắng, các quán bar đầy khách; ông không thấy cảnh tượng mua bán hoảng loạn ở các cửa hàng hay xếp hàng vòng trong vòng ngoài ở các máy ATM.

Song cũng giống như nhan đề cuốn sách mới của ông, “Our Enemies Will Vanish,” đoạn miêu tả của Trofimov về một Kyiv yên ả chỉ làm nổi bật hơn những thực tại tàn khốc của cuộc chiến xảy ra ngay sau đó. Trofimov là người đứng đầu bộ phận tin nước ngoài của tờ The Wall Street Journal và là tác giả của hai cuốn sách trước cuốn này: “Faith at War” (“Đức tin trong chiến tranh”, xuất bản năm 2005) và “The Siege of Mecca” (“Cuộc phong tỏa Mecca”, xuất bản năm 2007). Lần này, vì là người gốc Kyiv, ông có mối liên quan cá nhân sâu sắc với chủ đề của mình.

Trofimov viết: “Có cảm giác sai sai khi đi trên đường phố quê hương mà lại phải mang áo chống đạn và chiếc mũ sắt mà tôi đã mang hàng trăm lần ở Iraq, Afghanistan và các vùng chiến sự khác”, khi ông lái xe đi qua những nơi thân quen hồi niên thiếu từ thời Liên Xô cũ, gồm cả rạp chiếu phim nơi ông xem những bộ phim của đạo diễn Fellini và vườn bách thảo nơi ông đã hôn nụ hôn đầu tiên.

Trước cuộc xâm lược khá lâu, Vladimir Putin đã gọi Ukraine là một quốc gia “giả tạo” mà căn bản thuộc về Nga. Ông ta càng thêm nung nấu những tham vọng về lãnh thổ trong thời kỳ đại dịch, khi dùng nhiều tháng trời tự cách ly để “đọc những cuốn sách lịch sử không đúng sự thực”, như Trofimov cáo buộc một cách gay gắt. (Trofimov còn có mối liên quan cá nhân khác với cuộc chiến của Putin: phóng viên Evan Gershkovich đồng nghiệp của ông bị Nga giam giữ gần 300 ngày, đang chờ phiên tòa xét xử về những cáo buộc làm gián điệp mà tờ Wall Street Journal và chính phủ Mỹ kiên quyết bác bỏ.) Trofimov thẳng thắn bày tỏ cảm giác phẫn nộ của mình đối với quân đội Nga: “Tôi nghĩ, sao họ dám thế.”

“Our Enemies Will Vanish” hiển nhiên chẳng phải là câu chuyện của người ngoài cuộc, dù là một phóng viên đầy kinh nghiệm, Trofimov hầu như luôn tránh được hai sự cám dỗ song song là cá nhân hóa và khoa trương, thay vào đó ông bám chặt vào những gì quan sát thấy. Ông cũng đưa ra một số bối cảnh lịch sử cần thiết. Ngày cuộc chiến này thực sự nổ ra, theo lời ông, là từ hồi năm 2014, tám năm trước cuộc xâm lược năm 2022, khi Putin tuyên bố rằng miền đông và miền nam Ukraine phải được gọi là Novorossiya, hay “Nước Nga Mới” và chiếm quyền kiểm soát Crimea và Donbas.

Putin đã rút ra bài học sai lầm từ những chiến thắng ban đầu đó. Hồi năm 2022, Moscow cho rằng sẽ hoàn thành thắng lợi toàn bộ chiến dịch đó trong 10 ngày – điều rất có thể đã xảy ra nếu Putin hài lòng với việc giới hạn những chiến thắng của Nga ở miền đông Ukraine, thay vì dòm dỏ toàn bộ đất nước này.

Sẽ thế nào khi một người phụ nữ bị đối xử sai trái phải viện đến bạo lực?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “The Furies” (“Những cơn thịnh nộ”), nhà báo Elizabeth Flock thuật lại câu chuyện về ba người phụ nữ đã phản đòn – để bảo vệ chính họ, những người phụ nữ khác hoặc người dân của họ.

Khi Elizabeth Flock 20 tuổi, cô làm một chuyến du lịch đến Rome cùng bạn bè và cả nhóm đăng ký chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Đêm đến, họ lang thang từ quán bar này sang quán bar khác cùng với nam hướng dẫn viên trước khi đến Đài phun nước Trevi, nơi họ ném những đồng xu qua vai xuống nước -- nghi lễ địa phương đảm bảo rằng một ngày nào đó họ sẽ quay lại thành phố này. Đó là những điều cuối cùng Flock nhớ được về buổi tối hôm đó. Cô tỉnh dậy trong căn phòng ánh sáng lờ mờ và phát hiện mình đang bị gã hướng dẫn viên du lịch kia cưỡng hiếp. Cô tê cứng cả người. “Tôi đã để điều đó xảy ra,” cô viết.

Flock, nay là nhà báo, không trình báo vụ cưỡng hiếp đó với cảnh sát vì cô “không mong gì họ sẽ giúp tôi”. Nếu tối hôm đó cô có con dao hoặc khẩu súng trong tầm tay, cô có sử dụng nó không? cô tự hỏi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu cô sử dụng nó? Liệu cô có bị bắt và tống giam không? Nhiều năm sau, cô bền bỉ tìm kiếm gã hướng dẫn viên kia và phát hiện ra rằng gã sống cùng thành phố với cô, nơi gã sở hữu một cửa hàng nội thất. Cô tưởng tượng đến việc phóng hỏa cửa hàng đó, nhưng thay vì thế, kết cục cô lại gửi cho gã một tin nhắn trên Facebook, hỏi gã có nhớ đã gây ra những gì cho cô và bao nhiêu phụ nữ khác mà gã đã làm hại không. Cô chẳng bao giờ nhận được câu trả lời.

Cô bắt tay vào cuộc tìm kiếm mới, lần này là tìm những người phụ nữ đã làm điều mà cô không thể lấy hết dũng khí để làm: phản đòn. “Những cơn thịnh nộ” trong tựa đề của Flock là ba người phụ nữ “tự mình giải quyết vấn đề không trông chờ vào ai khác”, tự bảo vệ mình “ở nơi mà các thể chế không bảo vệ được họ”.

Tại bang Alabama, cô gặp Brittany Smith, cô này bắn chết gã đàn ông cưỡng hiếp cô. Tại Tirwa, thị trấn thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, cô tìm được Angoori Dahariya, người thuộc đẳng cấp Dalit , sau khi bị chủ nhà thuộc đẳng cấp cao hơn đuổi khỏi nhà, cô này lập ra băng nhóm toàn phụ nữ cầm gậy để đối phó với những gã đàn ông bạo hành và vô đạo đức. Và tại quận Afrin ở phía bắc Syria, cô bất chợt gặp Cicek Mustafa Zibo, người tham gia lực lượng dân quân toàn nữ để bảo vệ vùng Rojava mới tự trị với đa số dân là người Kurd, chống lại phiến quân ISIS. Trong các nghiên cứu tỉ mỉ về tính cách của ba nhân vật chính, Flock tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà cô đã tự hỏi mình: Việc phản đòn có dẫn đến thay đổi không?

Cuốn sách của cô không phải là lời kêu gọi vũ trang kiểu lạc quan tếu. Những câu chuyện của những người phụ nữ này không thích hợp với kiểu đạo đức dễ dãi. Smith bị một người quen cưỡng hiếp và đánh đập, gã này giam cô tại nhà cô cho đến khi cô bắn gã bằng khẩu súng của anh trai cô. Cô bị buộc tội giết người, và dự định viện dẫn lời biện hộ “kiên quyết không lùi” – đạo luật cho phép sử dụng vũ lực có thể làm chết người để chống lại các mối đe dọa chết người. Yêu cầu sử dụng lời biện hộ đó của cô bị một vị thẩm phán từ chối. Mặc dù giám định viên y tế liệt kê ra 33 vết thương trên thân thể Smith, bao gồm cả những vết cắn, khi một điều tra viên của cảnh sát được hỏi trên bục nhân chứng về mức độ nghiêm trọng trên những vết thương của cô, anh ta trả lời: "Thực tình, tôi muốn nói, tôi những tưởng phải nặng hơn thế."

Một nhà hoạt động cho Flock biết rằng vụ hiếp dâm Smith ở tỉnh đó của Alabama là nạn dịch lan tràn, và trong “The Furies”, các vụ việc chồng chất lên nhau, vụ này trội hơn vụ khác về mức độ tàn bạo. Vợ cũ của kẻ hiếp dâm Smith kể rằng gã đàn ông này từng trói cô ta vào ghế và dọa dìm chết cô ta, trong khi một người phụ nữ khác kể lại rằng chồng cũ đã “dậm mạnh” lên đầu cô cho đến khi cô ngất đi. Cảnh sát trưởng của tỉnh này nhún vai coi khinh những câu chuyện được kể lại như vậy. “Người ta phấn khích, và say sưa,” anh nói với Flock.

Bạn có thể thoát khỏi thuật toán không? 'Filterworld' làm một phép thử.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuộc thử nghiệm nhằm thoát khỏi sự ràng buộc với kỹ thuật số thôi thúc Kyle Chayka tìm hiểu xem công nghệ thu hẹp các lựa chọn của chúng ta và làm lu mờ văn hóa ra sao.

Sự thôi thúc này bắt đầu từ một địa điểm trong khu vực phía trên thành phố của Dig (trước đây là Dig Inn), chuỗi nhỏ các nhà hàng “ăn nhanh tự phục vụ” có trụ sở chính tại Thành phố New York. Những bức tường gạch sơn trắng, những chiếc bàn đá cẩm thạch và những chiếc bát giấy bìa đóng đầy những đồ ăn đầy màu sắc, tốt cho sức khỏe. Duy chỉ thứ nhạc pop tẻ ngắt phát ra từ những chiếc loa mới ngăn thực khách nán lại.

Sau khi đọc cuốn sách mới “Filterworld” (“Thế giới qua bộ lọc”) của Kyle Chayka, tôi thấu hiểu một cách tiếc nuối hơn nguyên nhân vì sao tôi lại chọn hoặc nghĩ rằng mình đã chọn để đến đó – chứ không phải, nói ví dụ, đến quán Eli có phong cách riêng hơn ở gần nhà, ngay cuối phố, với món gà tây ngon lành dù là quá đắt, không có Wi-Fi, và những bà hàng xóm trang nghiêm và kỳ cục đang sột soạt gói giấy bóng kính.

Không có bóng tối của sự chê bai nào tỏa xuống Dig (dù sao cũng không thể có bóng tối được nếu xét đến tất cả chiếc đèn treo có chụp màu vàng kia) nhưng mọi thứ về nơi này, bao gồm cả việc cắt đi cách chơi chữ sắc sảo khỏi tên của nó, đã được tối ưu hóa cho điện thoại: thiết bị mà hầu hết chúng ta đã thôi cố gắng cưỡng lại hoặc từ bỏ nó vì một thứ gì đó ít quyền năng hơn và chỉ nhẫn nhục chấp nhận nó như một phần mở rộng của bộ não và thân thể chúng ta. Đồ ăn của Dig, “tính năng feed” của chúng ta; những món khai vị của họ, ứng dụng của chúng ta – tất cả đều phát âm giống nhau.

Chayka đã đến thăm rất nhiều cơ sở có phong cách thẩm mỹ tương tự, mà anh đặt cho cái tên là AirSpace (“Không phận”), giống như tên đôi giày thể thao của hãng Nike, vì sự tiện nghi trung tính về mặt địa lý của nó. Cuốn sách trước của anh về chủ nghĩa tối giản là một phản ứng trước sự hỗn loạn của thế giới; cùng với việc tìm hiểu các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc và doanh nhân, nghiên cứu của anh gồm cả việc đến thăm những khu vườn đá ở Kyoto và thả mình trong bể cô lập giác quan trong một giờ.

Ở cuốn này, anh thử một thứ gì đó cực đoan hơn: “thanh tẩy thuật toán”, trong suốt cuộc thử nghiệm đó anh đoạn tuyệt hoàn toàn với Twitter, Instagram, Spotify và những ứng dụng khác trong vài tháng. “FOMO là cụm từ quá nhẹ,” Chayka viết về nỗi lo sợ anh đã lường trước. “Bất chấp mọi bằng chứng ngược lại, tôi đã sợ rằng việc không sử dụng mạng xã hội như tôi thường vẫn làm, bằng cách luôn tham gia vào nguồn cung cấp thông tin chung, sẽ không tồn tại.”

Tiết lộ trước [spoiler alert]: Anh đã vượt qua được. Và bây giờ cũng đã tham gia vào mạng xã hội Threads. (Thì, nhà văn cũng phải kiếm sống chứ. Mạng xã hội này là thước đo đấy.)

Nhưng thậm chí việc gõ chữ “spoiler alert” cũng là ví dụ về sự xuống cấp của ngôn ngữ, về tiếng lóng và những lời sáo rỗng mà các mạng xã hội đã tăng nhanh một cách chóng mặt. “Filterworld” – cái tên nghe như có vẻ một quán cà phê AirSpace – là thuật ngữ của Chayka để chỉ cách các ông lớn về công nghệ [Big Tech] định hình và giới hạn những quan tâm của chúng ta, tập hợp những thứ hỗn độn của thế giới thành một “trải nghiệm người dùng” thú vị. Amazon, Netflix và những hãng bằng vai phải lứa với họ thu thập dữ liệu từ chúng ta, những người Chấp nhận Mọi Cookie mà chỉ biết lơ mơ về chúng, sau đó nhai nghiền dữ liệu và, giống như những con chim mẹ khổng lồ đang lượn trên tổ, mớm lại nhiều hơn những gì họ tính toán là chúng ta sẽ thích. Những mẩu vụn, thứ thức ăn sền sệt vớ vẩn: khiến cuộc sống của chúng ta có lẽ dễ dàng hơn, song lại tồi tệ hơn rất nhiều.

Sự thăng trầm của một Đại Long thuộc hội kín Ku Klux Klan (KKK)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn sách mới, Timothy Egan miêu tả sự bành trướng của hội kín Klan hồi thập kỷ 1920 ra khắp đời sống chính trị và dân sự ở Mỹ. Thủ lĩnh của hội này thời bấy giờ là David C. Stephenson đã phạm tội giết người.

Về mặt nào đó, cảnh này không thể bình thường hơn được. Ngày 04.7.1923, tại công viên bên cạnh con lạch ở thành phố Kokomo thuộc tiểu bang Indiana, các gia đình đang tổ chức Ngày Độc lập với quốc kỳ và cờ đuôi nheo, dưa hấu và bánh nướng, những bài hát yêu nước và cuộc diễu hành. Rất đỗi bình thường – ngoại trừ việc các gia đình này – mà con số lên đến nhiều ngàn người – đội những chiếc mũ trắng trùm đầu và khoác những chiếc áo choàng trắng của Ku Klux Klan. Những biểu ngữ tuyên bố hùng hồn rằng “Nước Mỹ dành cho người Mỹ”; những chiếc xe diễu hành có hoạt cảnh thành viên của Klan đang bảo vệ phụ nữ chống lại người da đen và tín đồ Công giáo. Khi diễn giả chính của ngày hôm đó – David C. Stephenson, Đại Long* của Lãnh địa Indiana – bước ra từ phía sau buồng lái của chiếc máy bay hai tầng cánh mang nhãn hiệu Klan, các hội viên trong đám đông đó quỳ xuống và chìa tay ra trong cơn phấn khích. “Hỡi các thần dân xứng đáng của tôi,” Stephenson hoan hỉ nói.

D.C. Stephenson, nhân vật trung tâm trong sự bành trướng của Klan khắp vùng Trung Tây nước Mỹ thập kỷ 1920, trong sự thống trị tuyệt đối của nó đối với đời sống công dân và quyền lực chính trị cũng như trong sự sụp đổ cuối cùng của nó, là tâm điểm của “A Fever in the Heartland” (“Cơn náo loạn ở vùng tâm điểm”, cuốn sách mới rất ấn tượng của Timothy Egan. Câu chuyện về Đại Long chẳng phải là chưa ai kể: Suốt thế kỷ vừa qua, nó thu hút cả sự quan tâm của giới học thuật lẫn sự quan tâm đến bạo lực man rợ. Song Egan – người có thời phụ trách một chuyên mục của tờ New York Times và là tác giả cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia xuất bản năm 2006 viết về sự kiện Dust Bowl [Cơn bão Đen] với nhan đề “The Worst Hard Time” (“Thời kỳ gian khổ tồi tệ nhất”) – đã viết với sự tự tin sắc bén và để mắt đến từng chi tiết sống động và bất an. Có rất nhiều thứ trong cuốn sách này, mà đọc lên đôi khi giống một kịch bản phim hình sự, đôi khi giống như một bộ phim kinh dị.

Thập niên 1920 biểu trưng cho điều mà nhà sử học Linda Gordon, trong cuốn sách xuất sắc về chủ đề này, gọi là “sự tái lai của KKK”. Hội Klan mới lợi dụng cùng một nguồn thù hận chủng tộc sâu sắc, cùng một huyền thoại về người da trắng là nạn nhân, giống như tiền thân của nó hồi thế kỷ 19. Các phương pháp của nó cũng có nguồn gốc từ thời kỳ Tái thiết [1861-1900]: tra tấn, đánh đập, hành hình kiểu lynch. Nhưng Klan thứ hai mưu cầu, và ở mức độ đáng kinh ngạc đạt được sức hấp dẫn vượt xa Hợp bang miền Nam. Nó đề xuất khuynh hướng hận thù rộng rãi hơn, cung cấp nhiều điểm tiếp nhận hơn cho những người theo đạo Tin lành da trắng bị tổn hại. Những kẻ theo chủ nghĩa thuần chủng được trang bị học thuyết ưu sinh và bị kích động bằng nỗi lo sợ bị thay thế bởi những người Công giáo và Do Thái “điên rồ, bệnh hoạn”. Những người theo chủ nghĩa đạo đức thuần túy và những người theo chủ nghĩa truyền thống được kêu gọi rời bục giảng để khởi sự cuộc chiến chống lại sự hiện đại – gia nhập các đội hành pháp của KKK chuyên đánh đập những kẻ ngoại tình và đập phá những quán rượu, hộp đêm.

Nhưng trong giai đoạn này Klan làm được nhiều việc hơn là giơ cao cây thánh giá rực lửa. Đối với lượng lớn người Mỹ nhiều đến kinh ngạc, Egan viết, Klan “đem đến ý nghĩa, hình thái và mục đích cho thời đại đó”. Bạn có thể mua sắm tại các cửa hàng được Klan chấp thuận và nấu nướng bằng các công thức nấu ăn được Klan phê duyệt, có thể đăng ký cho con trai vào tổ chức Junior KKK (KKK Trẻ) và con gái vào Câu lạc bộ Tri-K (3-K), và tối tối hát những bài hát của Klan bên chiếc dương cầm. KKK, theo cách nói sau này, là một hệ sinh thái. “Mọi người nhận tin tức từ các biên tập viên trung thành với Klan,” Egan giải thích, hoặc từ mạng lưới thông tin sai lệch lan truyền những lời dối trá với tốc độ nhanh. Nạn tham nhũng tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động và phát triển: Cảnh sát và chính trị gia bị mua chuộc; doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Do Thái, Công giáo hoặc người da đen bị tống tiền; các lãnh đạo và những kẻ chiêu mộ – bao gồm cả các mục sư – được nhận một phần phí gia nhập, hội phí và tiền bán áo choàng.


Cuộc đời một công chúa Ấn Độ, bị phủ trong tấm màn bí ẩn

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Tình cờ bắt gặp bức ảnh chụp năm 1924 của Công chúa Rani Shri Amrit Kaur Sahib trong một bảo tàng ở Mumbai, một nhà báo người Ý bắt tay vào cuộc khám phá xem vị công chúa ấy là ai.

Năm 2007, nhà báo người Ý Livia Manera Sambuy tình cờ bắt gặp điều đáng mơ ước đối với một nhà văn phi hư cấu trong một bảo tàng ở Mumbai: một câu chuyện có thật đầy phấn khích mà thế giới chưa ai biết đến. Kế bên bức ảnh chụp một công chúa Ấn Độ năm 1924 – “cao lớn, da ngăm ngăm, mái tóc vấn cao”, mặc “chiếc sari trong mờ như voan, các mép thêu viền chỉ vàng hoặc bạc” – chú thích của bức ảnh xác định nàng là “Công chúa Rani Shri Amrit Kaur Sahib”. Chú thích này ghi rằng nàng bị Gestapo bắt giữ trong Thế chiến II tại Paris bị chiếm đóng, bị buộc tội bán nữ trang của mình để giúp người Do Thái rời khỏi nước Pháp, và đã mất trong khi bị giam cầm.

Cuốn “In Search of Amrit Kaur” (“Đi tìm Amrit Kaur”) ghi lại hành trình tiếp theo kéo dài nhiều năm của Sambuy nhằm khám phá sự thật đằng sau những dòng chú thích nọ trong viện bảo tàng. Lao mình vào thế giới vàng son của hoàng gia Ấn Độ dưới sự cai trị của Anh quốc, chị theo đuổi mọi manh mối, sưu tầm hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, trong khi câu chuyện tâm điểm mà chị định kể vẫn ngoài tầm với.

Amrit Kaur sinh năm 1904, là con thứ năm của vị phiên vương [maharajah] xứ Kapurthala, một bang ở Punjab. Gia đình nàng rất mực giàu có – cha nàng ủy thác cho kiến trúc sư người Pháp xây cho ông một lâu đài Versailles màu hồng – và rất quyền lực; Con gái của Amrit Kaur nói với Sambuy rằng họ tự phát hành tiền tệ của mình và “có thể treo cổ bất kỳ ai”. Đồng thời, hoàng tộc này, giống như những hoàng tộc khác của tiểu lục địa đó, nằm dưới sự kiểm soát của Ấn Độ thuộc Anh.

Mỹ đang nhặt nhạnh những mảnh vụn của một trật tự toàn cầu bị phá vỡ như thế nào?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,




Trong cuốn “New Cold Wars” (“Những cuộc chiến tranh lạnh mới đây”), David E. Sanger lần theo dấu vết những biến chuyển trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại một lần nữa nảy sinh trong thế kỷ 21.

Những năm gần đây, mức độ tổn thất con người vì bệnh tật và chiến tranh thật đáng đau lòng. Song biến động địa chính trị và cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đang quay trở lại cũng đã mang lại sự hồi sinh thú vị cho những câu hỏi phải đặt lên hàng đầu: Việc răn đe có hiệu quả ra sao? Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có làm giảm đi khả năng xảy ra chiến tranh giữa các quốc gia không? Sự phồn vinh ngày càng tăng có buộc các chế độ độc tài phải cải cách không?

Cuốn “New Cold Wars” của David E. Sanger, được viết cùng với nhà nghiên cứu lâu năm của ông là Mary K. Brooks, kể câu chuyện về cách những cuộc tranh luận trừu tượng đó dẫn đến những hậu quả trong thế giới thực ra sao. Sanger, phóng viên kỳ cựu của tờ The New York Times và là người rất thành thạo trong giới nghiên cứu chiến lược bí mật, đã viết nên câu chuyện rất thuyết phục và có tính mặc khải về cách một thế hệ quan chức ở Mỹ vật lộn với những diễn biến nguy hiểm trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh – sự trỗi dậy của một Trung Quốc kiên trì độc tài, sự trở lại của tình trạng xung đột giữa các quốc gia ở châu Âu – đã tạo ra sự kết hợp địa chính trị giữa cái cũ và cái mới.

Lấy cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2022 làm ví dụ. “Chiến tranh chiến hào!” Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley nói vậy với Sanger khi cuộc chiến diễn ra được khoảng sáu tháng. “Có lúc chúng tôi đã nghĩ đây sẽ là một cuộc chiến tranh mạng. Rồi chúng tôi lại nghĩ nó có vẻ giống một cuộc chiến xe tăng kiểu Thế chiến II cũ rích. Và rồi, có những ngày tôi nghĩ họ đang tiến hành [chêm vào lời rủa] cuộc Thế chiến I.” Như Sanger viết: “Milley xác định một trong những nét đặc trưng đáng lo ngại nhất của kỷ nguyên địa chính trị mới: nó vừa là 1914, vừa là 1941 và vừa là 2022. Tất cả dồn vào làm một.”

Thế nên, dù cuốn sách có tiêu đề như vậy, những gì Sanger miêu tả ít gợi lại cuộc Chiến tranh Lạnh hơn so với các giai đoạn cạnh tranh địa chính trị trước kia, mà trong những giai đoạn này lợi ích quan trọng hơn nhiều so với ý thức hệ và những người tham gia phụ thuộc lẫn nhau thay vì chia thành các khối.

Sanger bắt đầu câu chuyện của mình với sự sụp đổ của cái gọi là Đồng thuận Washington bắt đầu có ảnh hưởng mạnh vào thập kỷ 1990: niềm tin rằng việc toàn cầu hóa kinh tế và mở rộng thị trường tự do sẽ tăng cường sự ổn định và đảm bảo sự thống trị của Mỹ đối với một trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ”.

Lúc bấy giờ Bill Clinton lập luận rằng việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và sự bùng nổ của World Wide Web sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước này. George W. Bush cho rằng việc cùng chung một kẻ thù trong cuộc chiến chống khủng bố có thể lôi kéo Vladimir Putin đến gần phương Tây hơn, trong lúc NATO triển khai lực lượng đến biên giới Nga. Nhưng “hầu như mọi giả định từ chính quyền này sang chính quyền kia đều trật lất,” một cố vấn ẩn danh của Tổng thống Biden thừa nhận. “Tôi cũng đáng trách như bất kỳ ai khác.”

Đây là trích dẫn ẩn danh hiếm hoi trong cuốn sách được phát triển dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu rộng được-công-khai với dàn chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại đang thuật lại những nỗ lực của chính mình nhằm điều chỉnh khi thực tế không còn phù hợp với những kỳ vọng thông thường.

Sanger không chỉ chú ý đến những nhân vật chính có danh vọng lớn mà còn chú ý đến cả nhóm người ở Washington được gọi là “các đại biểu”: những người gánh vác trọng trách an ninh quốc gia, những người thỉnh thoảng vận động hành lang cho những chính sách dưới mức tối ưu về mặt chính trị nhưng về thực chất là hợp lý – và là những người đôi khi bị bài bác, chỉ để nhận ra rằng bản thân họ được chứng minh là đúng bởi các sự kiện.

Hãy xem trường hợp Kurt Campbell, chuyên gia kỳ cựu về châu Á và là người sớm tỏ ra hoài nghi về sự đồng thuận của giới tinh hoa trong nhiều thập kỷ rằng việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và đưa nước này vào trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu là, theo sự diễn đạt của ông, “một điều gần như huyền hoặc cần phải được duy trì”. Campbell phục vụ trong chính quyền Clinton và Obama; dần dà, ông ủng hộ cách tiếp cận công kích hơn với Trung Quốc. Nhưng những lập luận của ông hầu như không được ai để ý – cho đến thời Trump, thật kỳ lạ.

Một chủ đề nổi bật trong “New Cold Wars” là tính liên tục đáng ngạc nhiên giữa chính quyền Trump và chính quyền Biden khi đề cập đến Trung Quốc. Với Campbell là cố vấn hàng đầu về Trung Quốc, cho đến nay Biden phần lớn vẫn giữ nguyên các mức thuế chiến-tranh-thương-mại của Donald Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, tăng cường các hạn chế xuất khẩu từ thời Trump để làm chậm tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và tuyên bố cứng rắn về vấn đề Đài Loan (dù không huênh hoang như Trump). Thật trớ trêu, Sanger viết, “một số trợ lý của Trump đã đặt nền móng cho một trong những nỗ lực ghi dấu ấn của chính quyền Biden”.

Nói thế nhưng Sanger đã phác họa sự tương phản rõ ràng giữa hai vị tổng thống đó. Biden tập trung cao độ vào tính nghiêm trọng của các mối đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tại bữa tiệc dành cho các nhà tài trợ hàng đầu hồi năm 2022, ông suy tưởng một cách u ám – và rất chi tiết – về những phương thức Putin có thể châm ngòi cho trận quyết chiến hạt nhân [Armageddon]. (“Phòng tiệc bỗng im phăng phắc,” Sanger viết.)

Trump lại có những mối bận tâm khác. Năm 2019, ông yêu cầu Randall Stephenson, khi đó là giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T, tóm tắt cho ông về mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc. Theo Stephenson, Trump dành 45 phút để “vui vẻ nói về cách đàn ông gặp rắc rối như thế nào”, Sanger viết. “Toàn bộ chuyện đó đều là về phụ nữ và máy bay riêng”. Vài phút sau bài thuyết trình của Stephenson, Trump kết luận: “Cái này chán thật”.

Sanger cũng khéo léo giải thích những thách thức của việc răn đe. Mùa thu năm 2022, khi Mỹ đang lo sợ tột đỉnh về kế hoạch hạt nhân của Putin ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Lloyd Austin cảnh báo người đồng cấp của Nga là Sergei Shoigu rằng nếu phía Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp và phá hủy, như lời một quan chức kể lại với Sanger, “những gì còn lại của quân đội các ông ở Ukraine”.

Shoigu đùng đùng nổi giận, nhưng lời cảnh cáo đó dường như có tác dụng. Tất nhiên, cho đến nay chưa có cuộc tấn công hạt nhân nào và, như một trợ lý của Biden chỉ ra cho Sanger, chưa có cuộc tấn công nào của Nga vào bất kỳ căn cứ nào ở Ba Lan mà Mỹ sử dụng để chuyển giao vũ khí đến Ukraine. Mặt khác, “không thể biết liệu Putin có tin vào lời đe dọa đó hay không,” Sanger viết. Và có lẽ có lý do chính đáng: Một số trợ lý của Biden thừa nhận với Sanger rằng họ không dám chắc liệu tổng thống Mỹ có sẽ thực sự thực hiện lời đe dọa đó hay không.

Để viết nên bản thảo đầu tiên toàn vẹn và hấp dẫn của câu chuyện lịch sử, Sanger tập trung chủ yếu vào các nhân vật chính người Mỹ của ông. Nhưng ông cũng nói về một số quan điểm từ những người không phải là người Mỹ, chẳng hạn như việc các quan chức Đài Loan giải thích cảm giác của họ khi bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Và ông nhận định rằng phần đông thế giới đang sôi sục trước “sự đạo đức giả của một nước Mỹ thường tỏ ra quan tâm nhiều đến số phận của người châu Âu da trắng” ở những nơi như Ukraine hơn là quan tâm đến người dân ở những nơi như dải Gaza, nơi dân thường đang bị đồng minh của Mỹ là Israel sát hại với số lượng đáng kinh ngạc. Trong câu chuyện phần lớn là ca ngợi chính sách đối ngoại của Biden này, cuộc chiến ở dải Gaza là lĩnh vực duy nhất mà Sanger đưa ra lời chỉ trích bất lợi. Sự do dự của Biden trong việc sử dụng đòn bẩy Mỹ để kiềm chế Israel “có vẻ như và cho cảm giác giống như sự thiếu khả năng lãnh đạo sáng suốt”, ông viết.

“New Cold Wars” miêu tả một cách sinh động quan điểm của Washington. Nhưng, như Sanger diễn giải rõ ràng, với việc Mỹ không còn là bá chủ không-thể-thách-thức, số phận của nền trật tự do Mỹ lãnh đạo hơn bao giờ hết phụ thuộc vào ý tưởng, niềm tin và cảm xúc của người dân ở xa bên ngoài Chính phủ. Người đọc kết thúc cuốn sách này với mong muốn có được những miêu tả sinh động toàn diện tương tự về quan điểm của những nơi khác, đặc biệt là Moscow và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bạn không cần phải nín thở: Cơ quan chính sách đối ngoại của Mỹ đã nhiều lần mắc sai lầm, nhưng những kẻ độc tài mà nó đương đầu với (và những kẻ độc tài mà nó nâng đỡ) sẽ không bao giờ cho phép một phóng viên như Sanger săm soi vào bên trong hệ thống của họ và phát lộ những gì anh ta thấy.

NEW COLD WARS: China’s Rise, Russia’s Invasion, and America’s Struggle to Defend the West | By David E. Sanger with Mary K. Brooks | Crown | 511 pp. | $33

Chúng ta đã học nói như thế nào?

nguồn: nytimes

biên dịch: takya đỗ



Trong cuốn "The Language Puzzle" ("Nan đề ngôn ngữ"), nhà khảo cổ học Steven Mithen đặt ra câu hỏi rằng đích xác thì loài người chúng ta bắt đầu sự nói như thế nào.

Theo lập luận của Steven Mithen, việc nghiên cứu sự tiến hóa của ngôn ngữ đòi hỏi nhiều mảnh ghép, kết nối các chứng cứ từ ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học, di truyền học, khoa học thần kinh, tâm lý học và hành vi động vật học.

Nếu đứng trên tảng đá ở Lâu đài Edinburgh vào một ngày trời quang mây tạnh và nhìn về hướng bắc phía cửa sông Firth of Forth, ta có thể nhìn thấy hòn đảo nhỏ Inchkeith, khoảng ba dặm ngoài khơi. Năm 1493, vị vua Scotland là James IV trục xuất hai đứa trẻ sơ sinh đến chính hòn đảo này, chỉ có một người y tá câm làm bạn đồng hành, để chúng được nuôi dạy trong tình trạng cô lập không một tiếng nói. Nhà vua hy vọng rằng, khi những đứa trẻ đó đến tuổi trưởng thành, cuộc thử nghiệm này sẽ phát lộ thứ ngôn ngữ nguyên thủy trên Địa đàng của Adam và Eve, chưa bị nhiễm những tiếng lảm nhảm thời hiện đại.

Phải nói rằng kết quả của cuộc thử nghiệm đó chẳng dẫn đến kết luận nào. Một nhà sử học thời đầu, viết bằng tiếng Scotland, đề xuất câu nói kiểu ngồi lê đôi mách đương đại – "một số người nói rằng họ nói tiếng Do Thái chuẩn" – trước khi mau chóng chối bỏ bất kỳ quan điểm chắc chắn nào về vấn đề này.

Đây chỉ là một trong một số thử nghiệm gần-như-tương-đồng về việc tước đoạt ngôn ngữ được thực hiện bởi nhiều nhà cai trị chuyên chế khác nhau trong nhiều thế kỷ. Nhiều câu chuyện trong số này có lẽ là hư cấu, nhưng chúng chỉ rõ ra sự tò mò muôn thuở mà lại rất thực tế. Ngôn ngữ trước tiên xuất xứ từ đâu và ngôn ngữ đầu tiên giống cái gì? Những câu hỏi này được nhà khảo cổ học Steven Mithen giải quyết trong "The Language Puzzle".

Suy đoán về vấn đề này đầy rẫy, và thường là rất hoang đường, đến nỗi ngày 8.3.1866, Hội Ngôn ngữ học Paris (Société de Linguistique de Paris) ban hành bộ quy chế với tuyên bố nhấn mạnh rằng họ sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động trao đổi thông tin nào liên quan đến nguồn gốc của ngôn ngữ nữa. Lệnh cấm này được ghi nhận là đặt một lĩnh vực nghiên cứu cổ đại vào chế độ bất hoạt trong hơn một thế kỷ – một sự cường điệu, có lẽ thế, nhưng là sự cường điệu mang mầm mống sự thật.

Nhiều học giả đã bắt đầu nhận ra rằng câu hỏi về việc ngôn ngữ tiến hóa như thế nào bản thân nó vốn đã rất phức tạp, và đan xen rất nhiều chuyên ngành mà giới học thuật tự phân chia thành, đến nỗi bất kỳ ai tuyên bố có câu trả lời đều có khả năng là một kẻ bịp bợm.

Thế nhưng, kể từ cuối thế kỷ trước, chúng ta bước đầu thấy những cách tiếp cận nghiêm túc, đa thành phần đối với chủ đề này, tập hợp bằng chứng từ các nhánh nghiên cứu khác nhau. Mithen có một phép ẩn dụ hữu ích cho cách giải quyết câu hỏi đó: Nan đề trong tiêu đề cuốn sách của ông là một trò chơi ghép hình. Bức tranh mà chúng ta đang khao khát tìm kiếm, về sự tiến hóa ngôn ngữ, sẽ chỉ tự phát lộ nếu chúng ta đặt tất cả mảnh ghép khác nhau vào đúng vị trí mặc định, kết nối các chứng cứ từ ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học, di truyền học, khoa học thần kinh, tâm lý học và hành vi động vật học (khoa học nghiên cứu hành vi động vật) .



Cái mà Vua James không nhận ra – nhưng là cái dường như hiển nhiên đối với chúng ta trong một thế giới hậu-Darwin – là ngôn ngữ không xuất hiện ở dạng thức hoàn chỉnh như một mục trong một menu nhỏ gồm các tùy chọn có sẵn. "Ngôn ngữ hiện đại toàn diện," theo cách gọi của Mithen, là điểm kết thúc của quá trình tiến hóa kéo dài từ những tiếng bập môi, tiếng hú và tiếng chút chít chúm môi của tinh tinh và các loài linh trưởng khác. Trong quá trình đó, nó đạt đến khả năng kết hợp những âm thanh hú hét đa dạng thành các cụm từ, khả năng mô tả những thứ không hiện diện trực tiếp và sử dụng ẩn dụ.

Đồng thời, những phát triển trong thanh quản đã cho phép tạo ra một tập hợp các âm thanh tiềm năng tăng lên vô kể. Tiếng Anh sử dụng 44 âm vị riêng biệt; tiếng Taa của Botswana có 144 âm vị.

Một mảnh ghép quan trọng trong trò chơi ghép hình của Mithen là sự khác biệt giữa vượn người và tinh tinh. Bằng chứng hóa thạch về những sự khác nhau về kích thước não và hình dạng thanh quản giữa Người tinh khôn (Homo sapiens), người Neanderthal, Người đứng thẳng (Homo erectus), v.v. theo cây phả hệ cho phép suy đoán niên đại của một số bước nhảy vọt về ngôn ngữ đó. Mithen đặc biệt tài ba trong việc mô tả sự khác biệt và sự di cư của loài người trong ba triệu năm qua, và chương đầu tiên này là một thành tựu xuất sắc về sự rõ ràng súc tích, đầy lôi cuốn.

Đáng tiếc là không thể nói như vậy về tất cả các chương sách. Trong trò chơi ghép hình của Mithen có rất nhiều lĩnh vực chuyên môn nhất thiết phải được giải mã cho người đọc không chuyên. Tuy nhiên, đôi khi ông cung cấp nhiều chi tiết hơn những gì chúng ta cần sau đó. "The Language Puzzle" bao hàm nhiều đoạn văn đáng nhớ, nhưng tôi phải chật vật lắm để nhớ lại chính xác cách thức các nucleotide tạo mô hình cho các protein, hoặc sự khác biệt chính xác giữa các công cụ cầm tay thời Sơ kỳ Đá cũ.

Thỉnh thoảng, người ta có cảm giác các mảnh ghép hình bị xén bớt một chút hoặc bị nhồi nhét vào để khớp với bức tranh; nhiều chuyên ngành trong số này vẫn chưa đạt đến sự nhất trí ở mức độ tác giả đề xuất.

Lấy ví dụ ý tưởng về biểu tượng âm thanh, lời tuyên bố rằng một số âm thanh nhất định trong từ ngữ có mối quan hệ không-tùy-tiện với ý nghĩa của chúng: từ tượng thanh. Chắc chắn là ý tưởng này, vốn bị nghi ngờ hầu như suốt thế kỷ 20, giờ đây nhận được sự ủng hộ đáng kể với chứng cứ đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu có người đề nghị làm cuộc thăm dò không chính thức ý kiến của các nhà ngôn ngữ học hàn lâm xem họ coi trọng biểu tượng âm thanh ra sao, người đó sẽ thấy rằng vấn đề hoàn toàn không được giải quyết một cách nhất trí theo cách mà Mithen cần. Song về tổng thể, ông là một nhà bình luận trung thực.

Mithen không phản đối việc chọn phe trong các cuộc tranh luận vẫn còn bỏ ngỏ. Các cụm từ như "Tôi đồng tình với" hoặc "theo quan điểm của tôi" rải rắc khắp văn bản. Hệ quả là, bức tranh phát lộ ở chương cuối chỉ là giả định – "bức tranh đẹp nhất của tôi," theo cách diễn đạt của Mithen. Tuy vậy, đây là tác phẩm sống động, xuất sắc: một bức tranh ghép từ tiếng hú và tiếng ầm ừ của các loài linh trưởng sống trong rừng đến ngôn ngữ viết đúng ngữ pháp mà bạn đang đọc lúc này.

Chắc chắn một điều là có những khía cạnh trong bức tranh của Mithen sẽ cần phải được vẽ lại. Theo sự thừa nhận của chính ông, đó mới chỉ là bức ảnh chớp nhanh một khoảnh khắc trong cuộc tranh luận sẽ còn tiếp diễn khi các ngành khoa học cơ bản có được định nghĩa rõ ràng hơn. May mắn thay, lần này các hiệp hội học giả ở Paris sẽ không cấm cuộc thảo luận này tiếp diễn.
_____
From The New York Times:

How Did We Learn to Talk? We Can't Say for Sure.

In "The Language Puzzle," the archaeologist Steven Mithen asks exactly how our species started speaking.

https://www.nytimes.com/2024/06/18/books/review/the-language-puzzle-piecing-together-the-six-million-year-story-of-how-words-evolved-steven-mithen.html

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...