nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong cuốn “The Furies” (“Những cơn thịnh nộ”), nhà báo Elizabeth Flock thuật lại câu chuyện về ba người phụ nữ đã phản đòn – để bảo vệ chính họ, những người phụ nữ khác hoặc người dân của họ.
Khi Elizabeth Flock 20 tuổi, cô làm một chuyến du lịch đến Rome cùng bạn bè và cả nhóm đăng ký chuyến tham quan có hướng dẫn viên. Đêm đến, họ lang thang từ quán bar này sang quán bar khác cùng với nam hướng dẫn viên trước khi đến Đài phun nước Trevi, nơi họ ném những đồng xu qua vai xuống nước -- nghi lễ địa phương đảm bảo rằng một ngày nào đó họ sẽ quay lại thành phố này. Đó là những điều cuối cùng Flock nhớ được về buổi tối hôm đó. Cô tỉnh dậy trong căn phòng ánh sáng lờ mờ và phát hiện mình đang bị gã hướng dẫn viên du lịch kia cưỡng hiếp. Cô tê cứng cả người. “Tôi đã để điều đó xảy ra,” cô viết.
Flock, nay là nhà báo, không trình báo vụ cưỡng hiếp đó với cảnh sát vì cô “không mong gì họ sẽ giúp tôi”. Nếu tối hôm đó cô có con dao hoặc khẩu súng trong tầm tay, cô có sử dụng nó không? cô tự hỏi. Và điều gì sẽ xảy ra nếu cô sử dụng nó? Liệu cô có bị bắt và tống giam không? Nhiều năm sau, cô bền bỉ tìm kiếm gã hướng dẫn viên kia và phát hiện ra rằng gã sống cùng thành phố với cô, nơi gã sở hữu một cửa hàng nội thất. Cô tưởng tượng đến việc phóng hỏa cửa hàng đó, nhưng thay vì thế, kết cục cô lại gửi cho gã một tin nhắn trên Facebook, hỏi gã có nhớ đã gây ra những gì cho cô và bao nhiêu phụ nữ khác mà gã đã làm hại không. Cô chẳng bao giờ nhận được câu trả lời.
Cô bắt tay vào cuộc tìm kiếm mới, lần này là tìm những người phụ nữ đã làm điều mà cô không thể lấy hết dũng khí để làm: phản đòn. “Những cơn thịnh nộ” trong tựa đề của Flock là ba người phụ nữ “tự mình giải quyết vấn đề không trông chờ vào ai khác”, tự bảo vệ mình “ở nơi mà các thể chế không bảo vệ được họ”.
Tại bang Alabama, cô gặp Brittany Smith, cô này bắn chết gã đàn ông cưỡng hiếp cô. Tại Tirwa, thị trấn thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, cô tìm được Angoori Dahariya, người thuộc đẳng cấp Dalit , sau khi bị chủ nhà thuộc đẳng cấp cao hơn đuổi khỏi nhà, cô này lập ra băng nhóm toàn phụ nữ cầm gậy để đối phó với những gã đàn ông bạo hành và vô đạo đức. Và tại quận Afrin ở phía bắc Syria, cô bất chợt gặp Cicek Mustafa Zibo, người tham gia lực lượng dân quân toàn nữ để bảo vệ vùng Rojava mới tự trị với đa số dân là người Kurd, chống lại phiến quân ISIS. Trong các nghiên cứu tỉ mỉ về tính cách của ba nhân vật chính, Flock tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà cô đã tự hỏi mình: Việc phản đòn có dẫn đến thay đổi không?
Cuốn sách của cô không phải là lời kêu gọi vũ trang kiểu lạc quan tếu. Những câu chuyện của những người phụ nữ này không thích hợp với kiểu đạo đức dễ dãi. Smith bị một người quen cưỡng hiếp và đánh đập, gã này giam cô tại nhà cô cho đến khi cô bắn gã bằng khẩu súng của anh trai cô. Cô bị buộc tội giết người, và dự định viện dẫn lời biện hộ “kiên quyết không lùi” – đạo luật cho phép sử dụng vũ lực có thể làm chết người để chống lại các mối đe dọa chết người. Yêu cầu sử dụng lời biện hộ đó của cô bị một vị thẩm phán từ chối. Mặc dù giám định viên y tế liệt kê ra 33 vết thương trên thân thể Smith, bao gồm cả những vết cắn, khi một điều tra viên của cảnh sát được hỏi trên bục nhân chứng về mức độ nghiêm trọng trên những vết thương của cô, anh ta trả lời: "Thực tình, tôi muốn nói, tôi những tưởng phải nặng hơn thế."
Một nhà hoạt động cho Flock biết rằng vụ hiếp dâm Smith ở tỉnh đó của Alabama là nạn dịch lan tràn, và trong “The Furies”, các vụ việc chồng chất lên nhau, vụ này trội hơn vụ khác về mức độ tàn bạo. Vợ cũ của kẻ hiếp dâm Smith kể rằng gã đàn ông này từng trói cô ta vào ghế và dọa dìm chết cô ta, trong khi một người phụ nữ khác kể lại rằng chồng cũ đã “dậm mạnh” lên đầu cô cho đến khi cô ngất đi. Cảnh sát trưởng của tỉnh này nhún vai coi khinh những câu chuyện được kể lại như vậy. “Người ta phấn khích, và say sưa,” anh nói với Flock.