Search This Blog

Tuesday, September 3, 2024

Người con gái của Veracruz khởi xướng cuộc bàn luận về những hiểm họa và những bóng ma của thành phố này

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong tuyển tập truyện mới của mình, Fernanda Melchor không chỉ xem xét tình trạng bạo lực mà còn xem xét cách người ta đối phó với nó ra sao ở một khu vực bất ổn.

Fernanda Melchor báo cho chúng ta biết ngay từ đầu tuyển tập truyện mới của chị có tựa đề “This Is Not Miami” (“Đây không phải Miami”) rằng “Tôi không viết về những giọt nước mắt, những gã đàn ông vũ khí đầy mình hay những đứa trẻ bị thương tích ở nơi những thứ này chưa từng tồn tại”. Đầy dẫy những giọt nước mắt và những trẻ em bị thương tích, như một lẽ đương nhiên, ở thành phố và bang Veracruz của Mexico, và khu vực này từ lâu đã nhan nhản kẻ vũ khí đầy mình: Đây lại một chiếc xe bán tải nữa đang đến chở đầy binh lính đeo mặt nạ đen và khoác áo màu xanh bộ đội; họ đặt súng máy trên sàn xe tải, sự hiện diện trong chốc lát của họ cũng thường nhật như những đống trái cây, những quả trứng, những con gà, các phụ tùng bằng kim loại ở khu chợ trời; bóng họ khuất dần trên đại lộ ven sông được đặt theo tên của Phó Đề đốc [Comodoro] Manuel Azueta.

Năm 1914, những kẻ được vũ trang là lính Mỹ (chừng 200 lính Mexico đã bị Hải quân Mỹ tiêu diệt); trong những thế kỷ trước, họ là những tên cướp biển và những kẻ thực dân, tính từ tận năm 1519, khi thành phố Villa Rica de Veracruz được lập ra bởi kẻ chinh phục-tra tấn Hernan Cortés trong bộ giáp trụ có mặt nạ kiểu ma-cà-rồng nặng nề với những kẽ hở cho mắt nhìn dài đến tận mang tai. (Và còn chưa kể đến các đại lãnh chúa Aztec thường tế sinh bằng con người.) Về phần những kẻ được vũ trang ngày nay, ghi lại hành động của họ ở đây là Quý cô Melchor, sinh năm 1982 tại “xứ sở này nơi lời nói dối có cơ hội được chứng minh trước tòa là đúng còn hơn cả chính sự thật”.

Thành phố Veracruz luôn oi ả ngột ngạt vì nó tọa lạc ở chỗ chỉ cao hơn mực nước biển nhiệt đới vài mét. Thủy triều lúc xuống có màu nâu xanh và xám xanh, có mùi tanh của bùn. Những con chó chết bốc mùi hôi thối và ai nấy đều vã mồ hôi hột. Một số trận dịch bệnh mang lại cho nơi này biệt danh bỡn cợt: “nghĩa trang của thế giới”. Tầng lớp thượng lưu Tây Ban Nha ẩn náu trong đất liền, để lại người da đen, người lai và những kẻ cựu-xâm-lăng làm công việc bẩn thỉu.

Giờ đây phần lớn Veracruz đang vã mồ hôi hột với vấn nạn tự thực thi công lý, côn đồ và khủng bố ma túy. Trong tuyển tập “This Is Not Miami”, chúng ta gặp một nhân chứng bất lực của vụ đấu súng đã thấy “ngay bên ngoài ngôi trường Montessori, thi thể bị cắt xẻo của một cô gái trẻ… không mảnh vải che thân ngoại trừ tấm bìa cứng mang thông điệp tàn nhẫn nào đó từ những kẻ đã giết cô.” Câu chuyện thậm chí còn thú vị hơn mà tựa đề được lấy làm tựa đề cuốn sách kể về những người đi lậu vé trên con tàu Dominica nghĩ rằng họ đã đến được Miami. Một trong số họ nói với những công nhân ở bến tàu đang che giấu họ rằng cha anh ta có lần nợ tiền một số người. “Anh không biết cảm giác ấy thế nào đâu,” anh ta nói, “khi đứng nhìn cha anh bị chém chết bằng con dao rựa, đứng nhìn mẹ anh bị cưỡng hiếp.” Điểm đến của anh ta là New York, nơi em gái anh đã lần ra dấu vết những kẻ giết người. Ở đó anh sẽ băm vằm chúng ra để rửa hận cho cha mình.

Nếu truyện đó vẫn chưa đủ khiến bạn phấn chấn, hãy đọc về vụ hành quyết kiểu lynch kẻ hiếp dâm-giết người ở một thị trấn nhỏ, hắn bị bắt quả tang đang dìm nạn nhân đã chết của hắn úp mặt xuống sông. Hoảng sợ trước những người dân địa phương đang giận điên lên, vị “quan chức đại diện của thị trấn” nói với họ: “Tôi và các đồng nghiệp của tôi, chúng tôi đã làm phần việc của mình và thị trấn đã đưa ra quyết định của mình, vì vậy chúng tôi không thể phủ quyết quyết định đó của các người. … Vậy các người có định hành quyết hắn ta hay không?” Lẽ đương nhiên (bạn đọc, chả lẽ bạn lại không làm thế?) họ thiêu sống hắn ta.

Nhiều năm sau, khi Quý cô Melchor đến thăm nơi này, “chẳng ai muốn đưa chúng tôi xuống dòng sông đó,” nơi mà hành động hung tàn – hoặc việc thực thi công lý, nếu bạn sính dùng từ này hơn – vẫn in hằn trong ký ức chẳng khác gì những cái đầu được điêu khắc bằng đá của nền văn minh Olmec ở thành phố này: những hộp sọ hình cầu khổng lồ được đục đẽo từ nham thạch thô tối màu, nhìn chằm chằm xuống chúng ta trên con đường cao tốc cạnh sân bay hoặc trong sân bảo tàng, ám ảnh chúng ta bằng sự xa lạ lạnh lùng của chúng.

Những câu chuyện này chính xác đến mức nào, những câu chuyện mà tác giả thích gọi bằng tiếng Tây Ban Nha là relatos ấy? Chúng “dựa trên những sự kiện xảy ra trên thực tế,” cô viết trong lời giới thiệu. Khi tôi yêu cầu thêm thông tin, cô trả lời qua đại diện báo chí: “Chúng hoặc là những lời khai trước tòa của cá nhân… hoặc là kết quả của những cuộc phỏng vấn dài với nhân chứng và người cung cấp thông tin, tất cả đều được ghi vào hồ sơ.” Không có chi tiết khủng khiếp nào được bịa ra. Tuy vậy, lời giới thiệu của cô bổ sung thêm: “tâm điểm của những văn bản này không phải là bản thân các sự việc đó mà là tác động của chúng lên những người đã chứng kiến chúng”. Sự dè dặt này là khôn ngoan, thứ nhất, vì trong hầu hết trường hợp, tác giả không phải là nhân chứng mà là người lắng nghe nhân chứng một cách thận trọng và kiên nhẫn, và hai là, vì một số sự việc xảy ra có tính siêu nhiên.

“Trung tâm thành phố Veracruz đầy những hồn ma,” cha Melchor thường nói với cô, và chắc chắn ở đó có rất nhiều ngôi nhà cổ đầy cây cối, dây leo, nấm mốc và những kẻ chiếm dụng nhà sinh sống. Khám phá vài tàn tích như vậy đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện ma quỷ của chính tôi – sau khi những nhà hàng xóm kể cho nghe rất nhiều giai thoại rõ rành là rợn tóc gáy (chẳng chuyện nào giống chuyện nào) về thế lực ma quỷ bên trong những ngôi nhà đó. Theo Melchor, văn hóa dân gian Veracruz “liên tưởng tất cả cái chết vì bạo lực với sự xuất hiện của những linh hồn 'không an nghỉ'". Trong truyện dài “The House on El Estero” (“Ngôi nhà ở El Estero”) có phần trữ tình, một trong những truyện mà tôi rất thích trong tuyển tập này, cô kể lại trải nghiệm siêu nhiên kinh dị của người chồng đầu tiên. Theo lời cô, anh này là “một gã trai Veracruz điển hình… được đào tạo trong một nền văn hóa nhạo báng văn viết và coi thường văn thư lưu trữ, thích… việc trò chuyện vui vẻ hơn”.

Tác giả, mặc dù giờ đây là người theo chủ nghĩa hoài nghi đầy thông cảm, nhưng cũng là người con gái đích thực của Veracruz. Chúng ta đọc được rằng ngày 07.11.1991, khi cô mới chín tuổi, Tiểu đoàn bộ binh 13 bắn chết bảy thành viên của Cảnh sát Tư pháp Liên bang, có lẽ (chúng ta chả bao giờ biết nguyên nhân thực sự) là để ngăn chặn việc bắt giữ hai kẻ buôn lậu cocaine người Colombia trên một chiếc máy bay Cessna – mà đèn hiệu hạ cánh của nó khiến cô bé Fernanda Melchor những mong đó là UFO. Tại sao không? Nó chắc chắn sẽ đẹp hơn sự thật.

Thêm vào việc dũng cảm phơi bày những sự thật đen tối, Melchor còn viết với tấm lòng nhân hậu. Tôi ngưỡng mộ sự tôn trọng đầy trắc ẩn của cô đối với những người như El Fito, nhân viên hải quan mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính. Sau khi đậu cuộc phỏng vấn tuyển dụng của băng đảng Zetas (bao gồm cả một cú đánh bằng súng lục), anh trở thành người pha trộn cocaine để có thể chu cấp cho gia đình; thỉnh thoảng, anh gửi những tin nhắn thận trọng cho những người bạn cũ để họ biết “rằng đầu anh vẫn ở đúng nơi đúng chỗ, không nằm trên bàn của nhà điều tra án mạng hay thối rữa trong đám cỏ dại”.

Mạnh mẽ – và tàn độc – hơn kiếm sắc

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn “Penning Poison” (“Ngòi bút độc địa”) của Emily Cockayne, câu chuyện lịch sử về những bức thư nặc danh, khám phá những cách mà chúng ta đã và đang dùng để tra tấn lẫn nhau, bằng lời nói, trong nhiều thế kỷ.

Lâu lắm rồi, trong một khoảnh khắc bất bình của tuổi trẻ, tôi tình cờ bắt gặp một bài viết dạng liệt kê sơ bộ trên web mà giờ đây đã bị lãng quên, nó khuyên người đọc cách đối phó với cảm giác căm ghét.

Bên cạnh những lời khuyên sáo rỗng có thể đoán trước – nhìn xa hơn, tự vấn nội tâm, chạy bộ – tác giả gợi ý gửi một món quà xa xỉ, nặc danh. Hiển nhiên là không thể căm ghét một người mà bạn tặng món quà hào phóng đến thế.

Lời khuyên này thật kỳ cục, chưa kể là tốn kém và mất thời gian, đến mức một phần trong tôi muốn làm theo tức thì. Tôi tưởng tượng cảnh làm choáng ngợp những kẻ bình luận ác khẩu trên mạng bằng những bó hoa theo mùa và những hộp trái cây loại cam quýt được đóng gói cực kỳ đẹp đẽ. Có thể là bánh xà phòng đẹp – loại xà phòng hình khối lập phương, điểm hoa oải hương lấm tấm và toát lên vẻ sang trọng trong sự mộc mạc. Lời khuyên này cũng có chỗ hay của nó: Thậm chí ý nghĩ xâm nhập vào cuộc sống của người nhận bằng hình thức hữu hình như vậy cũng cho tôi ảo tưởng kỳ lạ về quyền lực.

“Sự nặc danh sinh ra cách hành xử không kiềm chế,” Emily Cockayne viết trong cuốn “Penning Poison”, công trình khảo sát sinh động về thủ đoạn gửi những bức thư nặc danh “với mục đích, hoặc mục đích biểu kiến, khiến người nhận được chúng phải bối rối lo lắng”. Tác giả cuốn sách này, nhà sử học có tác phẩm trước cuốn này tập trung vào những người láng giềng và mùi hôi thối (trong số những vấn đề khác), hiển nhiên có đủ năng lực để khám phá hiện tượng này, làm sáng tỏ động lực có tính cộng đồng ngay cả khi những hận thù cá nhân của những kẻ gửi thư vẫn còn là điều gì đó bí ẩn.

Chẳng hạn như, năm 1894, điều gì có thể thúc đẩy một người nào đó ám chỉ qua bức thư nặc danh rằng một người mẹ đau buồn sắp sửa chôn sống con trai mình, một cha phó xứ đã chết đứ đừ? Bức thư đó – mà với nó tác giả mở ra câu chuyện trải dài theo dòng lịch sử – kết hợp một số đặc điểm chung của thể loại này: Nó bí hiểm, nó nham hiểm và nó liên quan đến một giáo sĩ. (Chúng ta biết được rằng những kẻ được gọi là nhà văn ngòi-bút-độc-địa ở Anh trong khoảng thời gian từ 1760 đến 1939 bị ám ảnh bởi các cha xứ.)

Cockayne kết thúc công trình nghiên cứu thấu đáo của mình ở chỗ đó vì một vài lý do – một phần vì công nghệ hiện đại thực sự khiến thể loại ngòi-bút-độc-địa trở nên lỗi thời; phần nữa để tránh xúc phạm những người viết thư vượt qua được công nghệ đó (hoặc, như người ta có thể nghĩ, là để tránh kích động họ khởi kiện). Chẳng cần phải nói rằng nó cũng miễn cho người viết và người đọc khỏi phải làm cái việc bất khả thi là lội qua vũng lầy không đáy của thứ nọc độc kỹ thuật số.

Ngay cả khi bị giới hạn trong thời đại sử dụng mực và giấy, đây vẫn là một chủ đề sâu rộng, và – vì thực tế không phải ai cũng nâng niu những nỗ lực tống tiền như báu vật gia truyền của gia đình – là một chủ đề đòi hỏi phải có một biện pháp đào xới bằng học thuật không hề nhỏ. Nhưng quy mô mẫu của chị đủ lớn để cung cấp cho độc giả phép phân loại sơ bộ, bằng cách chia chủ đề thành các danh mục như “Những mối đe dọa”, “Lời lẽ tục tĩu”, “Phỉ báng” và “Những dấu hiệu cảnh báo”.

Là những đồng minh “khó tin”, họ truyền bá Phúc âm Bảo-vệ-môi-trường

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “Guardians of the Valley” (“Những người bảo vệ Thung lũng Yosemite”), Dean King kể lại câu chuyện lich sử về tình bạn giữa nhà tự nhiên học John Muir và nhà báo Robert Underwood Johnson.

Phải rất can đảm mới dám viết về John Muir.

Trước nhất, bạn có nguy cơ tác phẩm của mình bị đối chiếu với tác phẩm của ông, và thứ nữa là tác phẩm của ai có thể đem so sánh với tác phẩm của ông kia chứ? Muir phát triển từ ngữ của ông thành thứ văn xuôi trữ tình, thâm thúy về mọi thứ, từ những đồng cỏ đầy hoa dại cho đến những con lừa thồ đi San Francisco. Hơn một thế kỷ sau, tác phẩm của ông vẫn làm say đắm lòng người: Khi đến California, sau khi rời khỏi nhà và rời bỏ công việc ở nhà máy gỗ ở Wisconsin, Muir viết rằng chuyến đi bộ qua Thung lũng Yosemite của ông là “cả một biển hoa đang nở màu vàng và đỏ tía, tươi thắm và rậm rạp đến mức khi đi qua nó, mỗi bước đi ta có thể dẫm đè lên hơn một trăm bông hoa”.

May thay, chất thơ của Dean King rất hợp với chất thơ của Muir: “Ông đã nhìn thấy Chúa trong dòng suối vỡ ra từng mảnh và trong những tia nắng xuyên qua để tạo nên những hạt cầu vồng lung linh”, ông viết về Muir. “Ông đã nhìn thấy Chúa trong sự tái sinh của dòng suối đột nhiên trào ra từ mặt đất, khi cái chết và sự sống mới, cuộc hành trình mới, đồng thời hiển hiện.”

Và cũng thật bạo gan khi dấn thân vào chủ đề Muir vì rất nhiều sách về chủ đề này đã được xuất bản; còn có thể nói thêm bao nhiêu nữa về các chiến tích và sự ủng hộ của nhà bảo tồn môi trường thiên nhiên được kính trọng nhất nước Mỹ này? Song cuốn “Guardians of the Valley” cho ta thêm góc nhìn hấp dẫn: nghiên cứu về mối quan hệ và tình bạn của Muir với nhà biên tập Robert Underwood Johnson, người đưa tác phẩm của Muir đến với đại chúng.

Đây cũng là cuốn sách về sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện theo đúng nghĩa. Suốt từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, Muir viết về Thung lũng Yosemite và Johnson đem tác phẩm đó đến với độc giả (chủ yếu là người thành thị, ở Miền Đông) của tạp chí Century nơi ông làm việc. Theo câu chuyện của King, chính Johnson là người cùng với Muir “châm ngòi cho hoạt động tuyên truyền tích cực về luật pháp và môi trường kéo dài 1/4 thế kỷ, hoạt động làm thay đổi hình thế quốc gia và sự quản lý thiên nhiên ở khắp mọi nơi.”

King cho rằng mối quan hệ của Johnson và Muir là “khó tin” – Johnson là cư dân “tao nhã” ở Manhattan, xuất thân từ gia đình quyền thế, dẫu giao tiếp xã hội vụng về và thường bị “nôn nao trong dạ”. Muir, tuy có nhiều bạn bè, song lại thích cô đơn trong rừng thẳm, ăn chế độ ăn kiêng khổ hạnh đến tức cười và ghét thành phố. Khi Johnson làm việc cho tạp chí Century (trước đây là Scribner's Monthly), ông được giao nhiệm vụ thuyết phục Ulysses S. Grant viết cho tạp chí (mà ông đã thuyết phục được) và luôn “theo sát John Muir”.

Mối quan hệ của họ mang đến một câu chuyện rất thuyết phục, nó dẫn dắt người đọc qua những thập kỷ đã diễn ra những gì mà về mặt khác có thể được coi là lịch sử lập pháp và nghệ thuật quản lý nhà nước phức tạp. King không đi theo hướng đó, ông khéo léo đối chiếu việc vận động hành lang của Johnson với chiến công của Muir để làm nổi bật những điểm tương phản. Chúng ta cùng Muir đi đến các nhà máy gỗ và thực hiện những chuyến đi bộ đường dài đến những túp lều hẻo lánh trong rừng; chúng ta cùng đứng với Johnson khi Chicago bị cháy năm 1871. Chúng ta lội suối cùng Muir khi ông đi lùa bầy cừu; chúng ta viết thư cho Muir từ văn phòng tạp chí New York City.

Chúng ta bắt gặp Muir là nhà thám hiểm và nhà điều tra khoa học táo bạo, đang đóng cọc vào Sông băng Nisqually và vượt qua những cơn bão trên Núi Shasta. Nhưng khi Johnson di chuyển về phía tây để phát triển số đặc biệt của tạp chí Century về Cơn sốt vàng California, Muir bị cuốn vào thế giới của nhà biên tập này, mở màn bằng cuộc gặp đầu tiên với Johnson tại một khách sạn hoa lệ ở San Francisco. Muir, người vẫn thường viết bài cho các báo như The Oakland Ledger, The San Francisco Daily Evening Bulletin và thậm chí cả The San Francisco Real Estate Notice, về phần mình sẽ đưa Johnson đi thăm thú Thung lũng Yosemite. Những câu chuyện Muir kể trên đường đi khiến Johnson coi việc bảo tồn thung lũng đó là đại nghiệp của mình.

Johnson quay trở lại New York và bắt đầu nỗ lực vận động hành lang Quốc hội trên Đồi Capitol. Và ông này bắt đầu nài nỉ Muir gửi thêm những bài báo mà ông dùng như công cụ để gây ảnh hưởng đến các chính trị gia hòng thành lập công viên quốc gia bao quanh thung lũng Yosemite. Muir là người hay lần lữa, phải bị nhắc nhở nhiều lần mới gửi bài, thư từ và bản đồ. Dựa trên văn phong hùng hồn của Muir, các nhà báo miền Đông khác tại các báo chí lớn hơn nhập cuộc để ủng hộ việc bảo tồn thung lũng đó. Johnson mau chóng thành thạo việc thao túng luật pháp và quyền lực, trong việc này giới truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Ngày xưa tươi đẹp của ngành xuất bản sách, những ly Martini và mọi thứ

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



“Among Friends” (“Giữa chốn bạn bè”) là cuốn lịch sử về một ngành đã biến đổi do sự hợp nhất và thay đổi thị hiếu.

Nếu phim ảnh là thứ ta có thể tin được, thì một số những người trẻ tuổi phải chịu áp lực căng nhất ở Mỹ đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản. Cơ sở dữ liệu trực tuyến IMDb gộp các bộ phim này lại với nhau thành một thể loại.

Cũng phải thôi. Những người trẻ tuổi trong lĩnh vực xuất bản nhận mức lương rất thấp; một số buộc phải chịu đựng tình trạng luồn cúi đến mức mất ý thức về giá trị bản thân; họ sợ rằng họ sẽ không bao giờ nắm được nghệ thuật ninja để leo lên bậc thang xã hội trong ngành văn chương. Những người lớn tuổi hơn và chắc chân hơn trong lĩnh vực xuất bản phải trèo qua cả núi xác người khác để lên được vị trí hiện tại. Họ không nhảy nếu không bị đẩy – như một số người gần đây đã và đang làm như vậy.

Không một ai biết chắc điều gì, thực sự là không. Mọi người đều đang dò dẫm đi tìm một cuốn best-seller, hoặc lang thang vơ vẩn như con lừa Eeyore đi tìm lại chiếc đuôi bị mất của nó. Các biên tập viên đang sống chết với các báo cáo lỗ lãi, hay các bảng P&L của họ. Tất cả bọn họ đều hy vọng thỉnh thoảng có thể nói, như John Le Carré đã nói bất kỳ khi nào ông kiếm được một hợp đồng xuất bản tốt, “Tối nay em yêu sẽ được ăn.”

Vì vậy thật thích thú biết bao khi hòa mình vào “Among Friends: An Illustrated Oral History of American Book Publishing and Bookselling in the 20th Century” ( “Giữa chốn bạn bè: Câu chuyện lịch sử truyền miệng có minh họa về ngành xuất bản và bán sách của Mỹ ở thế kỷ 20”, cuốn sách nghệ thuật kích cỡ khủng với giá bán khủng (200 đô la) chủ yếu là quay về thời thập kỷ 1960 cho đến thập kỷ 1990. Nếu có thể tin vào lời những người đóng góp cho cuốn sách này, đây là thời mà tất cả các ly martini đều mạnh gấp ba, những thanh niên hippy điềm đạm ở miền Tây kiếm bộn tiền khi xuất bản những cuốn sách về “thủy canh” trước khi ta có thể nói rằng đó là về “trồng chậu” và tất cả các loại thị trường đại chúng và những vụ cá cược kiểu mới – chẳng hạn như cuốn “Juggling for the Complete Klutz” (“Tung hứng với bộ Klutz hoàn chỉnh”) đi kèm với ba túi đậu, và cuốn “How to Keep Your Volkswagen Alive” (“Cách giữ cho chiếc Volkswagen của bạn chạy tốt”) – đã rất thành công.

Các nhà biên soạn cuốn sách này tập hợp được dàn hợp xướng đủ các giọng. Một số là những nhà biên tập nổi tiếng như Robert Gottlieb, người một thời là chim bồ nông dẫn đầu trong đội hình bay chữ V của tinh hoa ngành xuất bản, và Nan A. Talese và Morgan Entrekin. Nhưng nhiều người khác không nổi tiếng bằng họ. Thêm vào đó còn có tiếng nói từ ngành kinh doanh này, cũng như từ các chủ hiệu sách, các biên tập viên sách thiếu nhi, các nhà xuất bản ở xa của các nhà xuất bản độc lập, các đại diện bán hàng, v.v.

Tôi chẳng kỳ vọng vào mọi cảm xúc vui vẻ trong “Among Friends”. Cái đầu tiên phát sinh ra từ bất kỳ câu chuyện lịch sử nào là nỗi sợ hãi. Nhưng tôi thích những cảm xúc vui vẻ đó. Trong một bài tiểu luận, vị chủ tịch và chủ nhà xuất bản của Tập đoàn xuất bản St. Martin là Jennifer Enderlin kể lại việc bước chân vào ngành xuất bản vào cuối thập kỷ 80 và chứng tỏ bản lĩnh của mình bằng cuốn tiểu thuyết kinh dị dành cho thị trường đại chúng (chị viết rằng chị yêu thích nó, với “niềm đam mê cuồng nhiệt”) có tên là “Voodoo Fury” (“Sức mạnh tà thuật”) Ấn bản đầu tiên là 65.000 cuốn, đủ cho một sân vận động bóng bầu dục!

Song do sự hợp nhất của ngành và những nhân tố khác, phân khúc thấp nhất của loại sách thị trường đại chúng bị loại bỏ. Các kệ xoay bày sách bìa mềm trong các hiệu thuốc và siêu thị biến mất. Và rồi, dành cho một loại độc giả nhất định, Câu lạc bộ Sách của Oprah xuất hiện. Enderlin viết:

Về cuốn ‘Fancy Bear Goes Phishing’ – chuyện kể về những vụ tin tặc tai hại.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Cuốn sách mới ra mắt này của Scott J. Shapiro, vị giáo sư luật và triết học tại Đại học Yale, nghiên cứu những hành vi vi phạm an ninh mạng và hậu quả của chúng đối với việc giữ thông tin an toàn.

Đừng để cái tiêu đề đáng yêu kia đánh lừa bạn: Như Scott J. Shapiro thừa nhận trong “Fancy Bear Goes Phishing” (“Fancy Bear thích tấn công mạng”), cuốn sách mới của ông về an ninh mạng, hành động tin tặc có thể gây tai hại khủng khiếp. Shapiro cùng Oona A. Hathaway là đồng tác giả của cuốn “The Internationalists” (“Những người theo chủ nghĩa quốc tế” – xuất bản năm 2017), cuốn sách thuật lại chi tiết những nỗ lực trong thế kỷ 20 nhằm ngăn cấm chiến tranh; câu hỏi liệu có phải hành động tin tặc đã mở cánh cửa dẫn đến chiến tranh bằng cách thức khác hay không nằm trong vô số những câu hỏi khiến cuốn sách “Fancy Bear Goes Phishing” trở nên sinh động.

Suy cho cùng, những cái tên “Fancy Bear” và “Cozy Bear” đề cập đến các đơn vị gián điệp mạng có liên quan đến tình báo Nga chiếm được quyền truy cập vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Fancy Bear gửi đi một loạt email chứa những bài phát biểu mang tính nội bộ của Hillary Clinton với Goldman Sachs và những mẹo vặt về cách làm món cơm Ý risotto của giám đốc chiến dịch tranh cử của bà.

Vụ tin tặc này hiển nhiên gây rắc rối, và kết quả cuộc bầu cử năm 2016 về sát nút đến mức không thể bảo rằng liệu các email bị rò rỉ nhỏ giọt đó có phải là yếu tố giúp lật ngược tình thế theo hướng có lợi cho Donald J. Trump hay không. Đó là còn chưa nói việc xâm nhập trái phép vào hệ thống của DNC “là hành động được thừa nhận là gián điệp”, theo lời Shapiro, và hoạt động gián điệp lại là hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Bọn gián điệp thích tấn công mạng – thì đã sao? Chúng làm gì với thứ chúng bắt được mới thực sự là vấn đề. Khi “công bố thông tin ăn cắp được” cho cả thế giới xem, “có lẽ Fancy Bear đã tham gia vào một hành động chiến tranh.”

“Có lẽ” – giờ đây là cụm từ nhỏ xíu với rất nhiều cách hiểu khác nhau và Shapiro chẳng vội vàng xác định. Một trong những chủ đề của ông là cách thức tin tặc “khai thác nguyên lý đối ngẫu”, hoặc “sự mơ hồ giữa code và data”, cả hai đều có thể được biểu thị bằng những con số. Tôi muốn lập luận rằng Shapiro, giáo sư luật và triết học tại Trường Luật của Đại học Yale, cũng làm điều gì đó tương tự với cuốn sách này – dù không giống như phần đông tin tặc mà ông miêu tả, ông sử dụng sự mơ hồ để tạo ra hiệu ứng nhân ái hơn nhiều. Sách thường được viết ra bằng từ ngữ và bất kỳ ai đang tìm kiếm những từ ngữ mà chung quy là hướng dẫn toàn diện về an ninh mạng hoặc bộ phim hồi hộp ly kỳ về trận chiến Armageddon kỹ thuật số vào ngày tận thế sẽ được thỏa mãn hơn nhiều ở nơi nào đó khác. Shapiro có thể có đôi điều muốn nói về tội phạm mạng và chiến tranh mạng, nhưng cái ông thực sự muốn thể hiện bằng từ ngữ của mình là kể cho chúng ta câu chuyện về năm vụ tin tặc.

Vụ tin tặc xảy ra với DNC là một. Những vụ khác gồm: virus Morris Worm, thứ làm internet thời kỳ đầu lây nhiễm năm 1988 và tình cờ lại được tạo ra bởi con trai của nhà khoa học đứng đầu bộ phận an ninh máy tính tại Cục An ninh Quốc gia (NSA); phần mềm độc hại tự tạo những năm 1990 của tin tặc người Bulgari nổi tiếng Dark Avenger; vụ xâm nhập vào điện thoại di động của Paris Hilton năm 2005 do cậu bé 16 tuổi thực hiện; và “Mirai botnet”, siêu máy tính nối mạng được phát triển năm 2016 bởi ba thanh thiếu niên tập trung nỗ lực bằng cách bí mật chiêu tập những cái được gọi là thiết bị thông minh, như camera an ninh và máy nướng bánh.

Được lập ra để chăm sóc những người bị bỏ rơi, bệnh viện này đang dẫn đầu

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong cuốn “The People’s Hospital” (“Bệnh viện Vì dân”), Ricardo Nuila thực hiện cuộc khảo sát tỉ mỉ những phương thức mà theo đó một nơi chốn dành cho những người bị hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ bỏ rơi sẽ phục vụ họ như một mô hình vô tiền khoáng hậu.

Năm 1963, nhà văn người Hà Lan là Jan de Hartog chuyển đến sống ở Mỹ để giảng dạy một khóa học tại Đại học Houston và bắt đầu công việc tình nguyện viên tại Jefferson Davis, bệnh viện từ thiện công ở Fourth Ward, khu vực đa phần là Người da đen của thành phố này.

Những gì de Hartog nhìn thấy ở đó đã làm nền tảng cho “The Hospital” (“Nhà thương”), cuốn sách chỉ trích gay gắt xuất bản năm 1964 của ông. Cùng với sự xúc phạm đáng kinh ngạc đối với những người dân Da đen cư trú ở đây buộc phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế tại một nhà thương mang tên vị Tổng thống của Liên minh miền Nam [Jefferson Davis], nơi này, theo lời de Hartog, là “điển hình của sự khốn cùng”. Khi đi dọc theo những hành lang đông nghẹt của nhà thương này, trên sàn nhà trơn trượt vì những bãi nôn và máu, ông nhìn thấy những bệnh nhân trong những tình trạng trần truồng khác nhau, một số ngồi trên xe lăn, một số đông “những con người tàn phế, còng xuống, những hiện thân vô vọng của sự khốn khổ đến cùng cực”. Nhưng mùi nơi đó mới là thứ làm ông sốc nhất. Ông so sánh nó với mùi hôi hám sộc vào mũi ông khi ông gặp những tù nhân trở về từ các trại tù của Đức Quốc xã sau Thế chiến II, cuộc thế chiến mà ông tham gia lực lượng kháng chiến của Hà Lan: “cái mùi khăm khẳm đó tràn ngập khắp nơi, át lên tất cả, cái mùi của nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ mặc, mùi của những bàn chân không được rửa ráy, quần áo không được giặt giũ, hơi thở hôi hám, mùi của nôn mửa và tiêu chảy”. Ông nghe nói ở Houston mùi này có tên hẳn hoi: “mùi J.D." [mùi Nhà thương Jefferson Davis].

Đối với phóng viên này, cuộc chiến ở Ukraine cũng là cuộc chiến của cá nhân ông

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Yaroslav Trofimov sinh trưởng ở Kyiv. Cuốn “Our Enemies Will Vanish” ( “Sẽ tan bóng giặc”) ghi lại trải nghiệm của ông với vai trò là nhà báo của tờ The Wall Street Journal được chỉ định đưa tin về cuộc chiến này.

“Kyiv vẫn đang là một thành phố yên bình,” Yaroslav Trofimov viết về buổi chiều ngày 23.2.2022, một ngày trước khi quân Nga xâm chiếm Ukraine. Mặt trời đang tỏa nắng, các quán bar đầy khách; ông không thấy cảnh tượng mua bán hoảng loạn ở các cửa hàng hay xếp hàng vòng trong vòng ngoài ở các máy ATM.

Song cũng giống như nhan đề cuốn sách mới của ông, “Our Enemies Will Vanish,” đoạn miêu tả của Trofimov về một Kyiv yên ả chỉ làm nổi bật hơn những thực tại tàn khốc của cuộc chiến xảy ra ngay sau đó. Trofimov là người đứng đầu bộ phận tin nước ngoài của tờ The Wall Street Journal và là tác giả của hai cuốn sách trước cuốn này: “Faith at War” (“Đức tin trong chiến tranh”, xuất bản năm 2005) và “The Siege of Mecca” (“Cuộc phong tỏa Mecca”, xuất bản năm 2007). Lần này, vì là người gốc Kyiv, ông có mối liên quan cá nhân sâu sắc với chủ đề của mình.

Trofimov viết: “Có cảm giác sai sai khi đi trên đường phố quê hương mà lại phải mang áo chống đạn và chiếc mũ sắt mà tôi đã mang hàng trăm lần ở Iraq, Afghanistan và các vùng chiến sự khác”, khi ông lái xe đi qua những nơi thân quen hồi niên thiếu từ thời Liên Xô cũ, gồm cả rạp chiếu phim nơi ông xem những bộ phim của đạo diễn Fellini và vườn bách thảo nơi ông đã hôn nụ hôn đầu tiên.

Trước cuộc xâm lược khá lâu, Vladimir Putin đã gọi Ukraine là một quốc gia “giả tạo” mà căn bản thuộc về Nga. Ông ta càng thêm nung nấu những tham vọng về lãnh thổ trong thời kỳ đại dịch, khi dùng nhiều tháng trời tự cách ly để “đọc những cuốn sách lịch sử không đúng sự thực”, như Trofimov cáo buộc một cách gay gắt. (Trofimov còn có mối liên quan cá nhân khác với cuộc chiến của Putin: phóng viên Evan Gershkovich đồng nghiệp của ông bị Nga giam giữ gần 300 ngày, đang chờ phiên tòa xét xử về những cáo buộc làm gián điệp mà tờ Wall Street Journal và chính phủ Mỹ kiên quyết bác bỏ.) Trofimov thẳng thắn bày tỏ cảm giác phẫn nộ của mình đối với quân đội Nga: “Tôi nghĩ, sao họ dám thế.”

“Our Enemies Will Vanish” hiển nhiên chẳng phải là câu chuyện của người ngoài cuộc, dù là một phóng viên đầy kinh nghiệm, Trofimov hầu như luôn tránh được hai sự cám dỗ song song là cá nhân hóa và khoa trương, thay vào đó ông bám chặt vào những gì quan sát thấy. Ông cũng đưa ra một số bối cảnh lịch sử cần thiết. Ngày cuộc chiến này thực sự nổ ra, theo lời ông, là từ hồi năm 2014, tám năm trước cuộc xâm lược năm 2022, khi Putin tuyên bố rằng miền đông và miền nam Ukraine phải được gọi là Novorossiya, hay “Nước Nga Mới” và chiếm quyền kiểm soát Crimea và Donbas.

Putin đã rút ra bài học sai lầm từ những chiến thắng ban đầu đó. Hồi năm 2022, Moscow cho rằng sẽ hoàn thành thắng lợi toàn bộ chiến dịch đó trong 10 ngày – điều rất có thể đã xảy ra nếu Putin hài lòng với việc giới hạn những chiến thắng của Nga ở miền đông Ukraine, thay vì dòm dỏ toàn bộ đất nước này.

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...