Search This Blog

Showing posts with label economics. Show all posts
Showing posts with label economics. Show all posts

Thursday, October 10, 2024

Theo dấu toàn cầu hoá trong hơn một thiên niên kỷ qua

nguồn: Washington Post,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Cuốn sách hấp dẫn nhưng có cái tên gây hiểu lầm lạ kỳ này là câu chuyện về "những Con đường tơ lụa" và gần như là về "Lịch sử thế giới”. Peter Frankopan, chuyên gia người Oxford về Byzantium, trình bày khoảng hai chục "con đường" hoặc các giai đoạn trong lịch sử châu Âu và châu Á trong hơn hai thiên niên kỷ, trong đó Con đường tơ lụa chỉ là một giai đoạn. Và trong khi tác giả tuyên bố viết về lịch sử thế giới, toàn bộ các nền văn minh và các lục địa (bao gồm cả châu Phi và châu Mỹ) chỉ xuất hiện trong câu chuyện của ông khi các châu lục này phải chịu ảnh hưởng từ người châu Âu. Nhật Bản hầu như không đáng đề cập đến. Trọng tâm thực sự của tác giả là lục địa Á-Âu, và mục tiêu của ông là thuyết phục người đọc rằng những câu chuyện của châu Á và châu Âu thực ra chỉ là một câu chuyện lớn, và hai châu lục này liên tục tương tác với nhau trong quá khứ và càng như vậy ngày nay.

Được nghiên cứu kỹ và viết rất hay, cuốn sách dày của Frankopan là tác phẩm đáng đọc,
với 2/5 nội dung dành cho những thế kỷ trước thời Columbus, một phần ba dành cho thời cận đại và 2/5 nói về thế kỷ 19 và 20. Cùng lúc đó, tác giả đưa ra nhiều kiến thức gây tranh cãi, ví dụ như tính châu Á trong Kitô giáo, cách thức quân Thập tự chinh kết hợp tôn giáo với thương mại, làm sao mà số vàng dùng để xây lăng Taj Mahal lại có thể truy nguồn từ Tân thế giới và việc người Anh Knox D'Arcy phát hiện ra dầu mỏ ở Ba Tư đã biến đổi chính trị thế giới như thế nào. Chủ đề thường xuyên của Frankopan là cách toàn cầu hoá do mậu dịch thúc đẩy đã là thực tế từ hàng thiên niên kỷ trước khi thuật ngữ này trở nên phổ biến. Đây không phải là khám phá mới, nhưng là điểm quan trọng, và Frankopan bảo vệ luận điểm này một cách hết sức thuyết phục.

Câu chuyện của ông đi vào nhiều lĩnh vực kì lạ sẽ khiến tất cả mọi người đều sẽ tìm thấy điều thú vị nào đó trong 500 trang sách này. Tuy nhiên, tác giả cũng có đôi chỗ thiên vị. Ông chỉ trích La Mã cổ đại là "nổi tiếng về bạo lực và giết chóc", nhưng lại không đánh giá như vậy khi nói đến nhiều chế độ độc tài phương Đông. Ông theo xu hướng hiện thời khi đánh giá cao chính sách mậu dịch tự do của Mông Cổ đồng thời tán dương việc họ sử dụng bạo lực “một cách có chọn lọc và thận trọng.” Tác giả giảm nhẹ tính nghiệm trọng từ sự tàn phá của quân Mông Cổ đối với toàn bộ những thành phố đã xây dựng và duy trì mậu dịch lục địa hàng thiên niên kỷ, vì ông cho rằng hầu hết các thành phố đã hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều trong số các thành phố lớn nhất đã không hồi phục, bởi người Mông Cổ đã hủy hoại hệ thống tưới tiêu và thủy lợi của họ.

Cũng theo tinh thần đó, tác giả đã dành một chương về sự tham gia của người Viking và những người Bắc Âu khác trong buôn bán nô lệ ở châu Á mà không đề cập đến chế độ nô lệ thời trung cổ, cũng giống như chế độ nô lệ hiện đại, được thúc đẩy bởi nhu cầu và rằng trong một thiên niên kỷ trước Vasco da Gama, nhu cầu đến từ các thị trường nô lệ lớn như Hồi giáo Trung Đông và Trung Á. Sự thật là, văn hóa sang trọng của các vị vua cai trị thời trung cổ được xây dựng trên nền tảng vững chắc của chế độ nô lệ, một thực tế Frankopan bỏ qua.

Khi viết về thời cận đại, ông đưa ra những nhận định có thể khiến nhiều người thấy khó nghe. Tác giả bác bỏ giá trị cuộc Cải cách châu Âu khi "sự cuồng tín và tôn giáo cực đoan đang nhanh chóng trở thành những đặc điểm nổi bật", nhưng ông ít đề cập đến sự phân chia của Hồi giáo Sunni và Shiite và những cuộc chiến tranh đẫm máu cùng với đàn áp tri thức mà nó gây ra, từ Địa Trung Hải đến Ấn Độ. Tương tự, hàm ý so sánh với chủ nghĩa thực dân Tây Âu, ông lập luận rằng sự mở rộng của Nga sang phía nam và đông đã được thực hiện bằng "sự can thiệp nhẹ nhàng hợp lý". Hãy nói những lời ấy với hàng ngàn người Caucasus đã thiệt mạng do đội quân Nga hoàng tấn công, hoặc 16.000 người Turk thiệt mạng chỉ trong một ngày trong cuộc bao vây Geok Tepe của Nga (hiện nay là Turkmenistan) vào năm 1881. Tác giả cũng miêu tả chiến dịch Liên Xô cướp đoạt ngành công nghiệp Đông Âu và ép các chuyên gia của Đông Âu phục vụ cho quân đội là "hợp lý."

Hết chương này đến chương khác, người châu Âu nổi lên như những kẻ phản diện. Không rõ vì sao, có nhiều điều để biện minh cho quan điểm này, và chúng ta có nhiều nghiên cứu xuất sắc cho thấy các hành động tàn ác của người châu Âu ở Trung Đông, Châu Phi và Tân Thế giới. Nhưng Frankopan không hài lòng với việc chỉ kể lại câu chuyện. Thay vào đó, tác giả kể không ngừng về cách thức các quốc gia hiện đại của châu Âu trỗi dậy như "kẻ mạnh (nghĩa là phương Tây) nuốt chửng kẻ yếu đuối", họ đã thành công như thế nào qua "việc củng cố sức mạnh và tính tham lam", làm thế nào mà phương Tây thành công đặt mình vào trung tâm thế giới nhờ "mối quan hệ chặt chẽ với bạo lực và chủ nghĩa quân phiệt". Như thể sợ chúng ta vẫn chưa hiểu, ông kết luận rằng "đặc điểm của châu Âu là ngày càng hung hăng, không ổn định, và kém hòa bình hơn các khu vực khác trên thế giới và giờ phải trả giá.”

Càng viết càng giận dữ, tác giả bác bỏ giá trị của nghệ thuật châu Âu vào thế kỷ 17 và 18 là "hình thành bởi bạo lực", một dấu hiệu phản đối ông đã không thể hiện đối với hầu hết các tác phẩm được tạo ra dưới cai trị của các bạo chúa từ phương Đông cho đến người Mughal ở Ấn Độ . Ở đây, vấn đề không phải là tác giả đã sai mà là ông không tính đến phần còn lại của câu chuyện, dù đó là sự nổi lên của du mục Seljuks hay những kẻ cực đoan châu Á như Mahmud của Ghazni, Tamerlane hay Babur, đều hoàn toàn xuất phát từ sự tàn bạo. Thật vậy, có rất ít sự khác biệt giữa Nhà nước Hồi giáo ngày nay với sự tàn bạo của những kẻ Hồi giáo cực đoan đối với Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Các trường hợp xấu cá biệt vốn có thể khiến tác giả suy ngẫm về bản chất con người, thì lại khiến ông đưa ra các ưu nhược điểm theo cách vừa phiến diện vừa phải đạo chính trị.

Ta thấy rằng Frankopan đưa ra một loạt những nhận xét gay gắt (và thường tức cười) của người châu Âu về tính dối trá, tàn bạo hoặc bốc mùi của nhiều dân tộc Đông phương mà không động chạm đến những câu nhận xét đáng chú ý tương tự được tìm thấy trong các tác phẩm của Ả Rập và các nhà văn Đông phương khác khi nói về người phương Tây hay, ở phạm trù này, nói về người dân Nga hoặc dân tiểu lục địa Ấn Độ. Khi học giả thế kỷ 11 al-Biruni dám viết một tác phẩm đánh giá cao Hindu giáo, ông đã nêu rõ quan điểm khi đối lập cuốn sách của mình với thái độ thô bạo mà các nhà văn tiếng Ả rập trước đây vẫn dồn lên người Ấn Độ và tôn giáo của họ.

Cuộc đua giành vai nhân vật phản diện chính của Frankopan rất hấp dẫn, nhưng ít nhất người Mỹ có thể sánh ngang với người Huns, Tamerlane, Cortes và Anh. Tác giả bắt đầu nhẹ nhàng, dẫn dắt chúng ta rằng lễ Tạ ơn đầu tiên của Những người hành hương, vào năm 1621, đã được tổ chức "để đánh dấu việc cập bến an toàn tới vùng đất rộng lớn đồng thời còn là sự tưởng niệm chiến dịch chống lại toàn cầu hóa". Khi viết đến thế kỷ 20, ông rất hăng say, cho rằng — không phải không có cơ sở — với Iran, nước Mỹ luôn sẵn sàng "chơi trò hai mặt và lừa gạt" ở mọi thời điểm, và lên án các cuộc tấn công vào Afghanistan và Iraq, nhưng không có sự phân biệt giữa hai trường hợp này hoặc tìm hiểu sâu hơn về bối cảnh trong nước ở cả hai quốc gia trên. Frankopan sau đó, một cách hợp lý, cáo buộc Washington về việc "thỏa thuận và giao kèo theo kiểu được chăng hay chớ, giải quyết các vấn đề trước mắt mà không lo lắng về hậu quả tương lai."

Đây không phải cuốn sách đầu tiên coi cư dân đa dạng của khối lục địa Âu Á như một thể duy nhất chứ không phải là tập hợp các tiểu vùng và dân tộc tự trị lớn. Tuy nhiên, điểm mạnh chính yếu của nó là ở chỗ tập trung trực tiếp và nhất quán vào mậu dịch như là động cơ chính cho hội nhập trong khu vực. Frankopan nhấn mạnh luận điểm quan trọng này với sự kiên trì và tính rõ ràng. Người ta có thể châm chọc hoặc cười khẩy một số thành kiến và tính lập dị của tac giả, nhưng rút cuộc ông cũng đã đem lại ích không nhỏ cho chúng ta.

Toàn cầu hóa và bất bình đẳng: Làn sóng mới

nguồn: The Economist,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Thật đáng ngạc nhiên khi nguyên nhân của sự bất bình đẳng vẫn ít được biết đến. Một nhà kinh tế người Mỹ gốc Serbia đã đề xuất một giả thuyết thú vị.

Đây là thời đại vàng để nghiên cứu sự bất bình đẳng. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp, đã thiết lập tiêu chuẩn từ năm 2014 khi cuốn sách "Tư bản trong thế kỷ 21" của ông được xuất bản bằng tiếng Anh và bán rất chạy. Cuốn sách đã chỉ ra những đường nét chính về cuộc khủng hoảng bằng lý thuyết sâu rộng về lịch sử kinh tế. Ông cho rằng sự bất bình đẳng, vốn đã giảm trong khoảng những năm 1930 đến những năm 1970, đã tăng mạnh trở lại lên mức độ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp. Gần đây, Branko Milanovic, nhà kinh tế học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thu nhập Luxembourg và trường Đại học Thành phố New York, đã viết một cuốn sách toàn diện tiếp nối vấn đề trên. Cuốn sách này củng cố thêm rằng chúng ta biết rất ít về các lực kinh tế trong thời gian dài.

Trên một số phương diện, cuốn "Bất bình đẳng toàn cầu" ít tham vọng
hơn cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21". Cuốn sách này ngắn hơn, và được viết như một bài nghiên cứu chứ không nặng về kiến thức uyên thâm chuyên sâu và phù hợp với đối tượng độc giả rộng hơn.

Giống như Piketty, tác giả Branko Milanovic bắt đầu với hàng chồng dữ liệu thu thập qua nhiều năm nghiên cứu. Ông xác định xu hướng của từng quốc gia khác nhau trong bối cảnh toàn cầu. Trong 30 năm qua, thu nhập của người lao động ở khoảng giữa thang phân phối thu nhập toàn cầu—chẳng hạn như công nhân tại công xưởng ở Trung Quốc—đã tăng mạnh, cũng như thu nhập của những người giàu nhất 1% (xem biểu đồ). Đồng thời, thu nhập của tầng lớp lao động trong các nền kinh tế phát triển đã chững lại. Động lực này đã giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều này cũng khiến sự bất bình đẳng kinh tế toàn cầu chững lại, và thậm chí có lẽ còn giảm xuống lần đầu tiên kể từ khi công nghiệp hóa bắt đầu.

Để giúp giải thích vấn đề này, tác giả Milanovic cung cấp cho người đọc rất nhiều mô hình trí tuệ sắc sảo. Ông cho hay, chẳng hạn, vào buổi bình minh của thời công nghiệp hóa, bất bình đẳng trong các quốc gia (hay bất bình đẳng do giai cấp) là nhân tố chính gây nên khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo. Sau công nghiệp hóa, bất bình đẳng giữa các quốc gia (hay bất bình đẳng do vị trí địa lý) trở nên hệ trọng hơn. Nhưng khi khoảng cách giữa các quốc gia hẹp lại, bất bình đẳng do giai cấp sẽ trở nên đáng ngại hơn khi hầu hết những khác biệt về thu nhập giữa người giàu và người nghèo sẽ lại một lần nữa là do chênh lệch trong chính các quốc gia. Giữa phần thảo luận, tác giả thêm thắt những nhận xét lý thú, chẳng hạn như làm thế nào thu nhập và bất bình đẳng giảm trong thời Đế chế La Mã.

Đóng góp táo bạo nhất của tác giả Milanovic là về "làn sóng Kuznets" thay thế cho hai lý thuyết hiện hành khác về bất bình đẳng. Simon Kuznets, nhà kinh tế học thế kỷ 20, đã lập luận rằng bất bình đẳng thấp ở mức phát triển thấp, tăng lên trong thời công nghiệp hóa và giảm xuống khi các nước đạt đến mức phát triển kinh tế nhất định; bất bình đẳng cao là tác dụng phụ tạm thời của quá trình phát triển. Nhà kinh tế Piketty đưa ra giải thích khác: bất bình đẳng cao là trạng thái tự nhiên của nền kinh tế hiện đại. Chỉ có những sự kiện bất thường, như hai cuộc thế chiến và Đại suy thoái những năm 1930, mới làm gián đoạn cân bằng bình thường này.

Tác giả Milanovic cho rằng cả hai đều nhầm lẫn. Ông cho rằng: xuyên suốt lịch sử bất bình đẳng có xu hướng theo chu kỳ: Làn sóng Kuznets. Trong thời kỳ trước cách mạng công nghiệp, các làn sóng này bị chi phối bởi động lực Malthusian: bất bình đẳng sẽ tăng khi các quốc gia thịnh vượng và có thu nhập cao, sau đó sẽ giảm khi chiến tranh hay nạn đói kéo thu nhập trung bình trở lại mức chỉ vừa đủ sống. Cùng với công nghiệp hóa, các lực tạo ra sóng Kuznets cũng thay đổi: do công nghệ, sự cởi mở và chính sách (technology, openness, và policy viết tắt là TOP). Trong sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào thế kỷ 19, toàn cầu hóa và thay đổi chính sách đã cùng tăng cường lẫn nhau đem tới thay đổi kinh tế mạnh mẽ. Người lao động được chuyển từ trang trại sang nhà máy, thu nhập trung bình và bất bình đẳng tăng vọt và thế giới trở nên kết nối theo cách trước đây chưa từng thấy. Sau đó, nhiều lực tác động, một số tiêu cực (chiến tranh và biến động chính trị) và một số tích cực (giáo dục tăng lên) ép bất bình đẳng xuống mức thấp thời những năm 1970.

Kể từ đó, các nước giàu đã trải qua một đợt sóng Kuznets mới, do một kỷ nguyên thay đổi kinh tế khác thúc đẩy. Tiến bộ công nghệ và thương mại liên kết với nhau vắt kiệt người lao động, tác giả lập luận; công nghệ giá rẻ được thực hiện tại nước ngoài, làm suy yếu khả năng thương lượng trực tiếp của công nhân ở các nước giàu, và khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng thay thế con người bằng máy móc. Sức mạnh kinh tế của người lao động suy giảm kéo theo quyền lực chính trị bị mất do giới rất giàu sử dụng tài sản gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên và các cuộc bầu cử.

Phân tích này mang theo yếu tố dự báo. Tác giả Milanovic dự đoán rằng bất bình đẳng ở các nước giàu sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Mỹ, trước khi bắt đầu giảm. Quan trọng hơn, ông cho rằng chiều hướng đi xuống của bất bình đẳng sau một đợt sóng Kuznets là kết quả tất yếu của thời kỳ gia tăng trước đó. Trong khi nhà kinh tế Piketty nhìn nhận các sự kiện lịch sử đầy sự bất bình đẳng đầu thế kỷ 20 là điều ngẫu nhiên, thì tác giả Milanovic lại tin rằng chúng là kết quả trực tiếp do bất bình đẳng tăng cao. Việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư nước ngoài gây nguy hại đến chủ nghĩa đế quốc và đã châm ngòi cho chiến tranh. Có sự tương đồng, tuy không hoàn toàn, với kinh tế hiện đại; các nền kinh tế giàu có dường như chững lại do giới siêu giàu đang gặp khó khăn tìm nơi đầu tư kiếm lợi cho khối tài sản lớn họ sở hữu.

Phân tích của tác giả Milanovic cho thấy một số khả năng xấu khi nhìn về tương lai. Nước Mỹ đang có khả năng rơi vào chế độ tài phiệt phi dân chủ, dựa trên tình trạng an ninh ngày càng mở rộng. Tại châu Âu cánh hữu ủng hộ người bản xứ đang gia tăng. Tin tốt là các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ tiếp tục con đường tiến tới mức thu nhập của các nước giàu—dù vậy, tác giả thừa nhận rằng điều đó không được đảm bảo, và có thể bị đe dọa bởi khủng hoảng chính trị ở Trung Quốc hay ở các thị trường khác.

Kết luận của cuốn sách có thể khiến độc giả không mấy hài lòng. Lý thuyết về bất bình đẳng gia tăng cuối cùng sẽ dẫn đến những điều chỉnh xã hội bù lại nghe có vẻ đúng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. Khi nào thì chiến tranh, chứ không phải cách mạng, kết quả có thể có của bất bình đẳng, sẽ xảy ra? Liệu các chính phủ có bị động trong các chu kỳ, hay liệu họ có thể hành động trước để san bằng những con sóng và tránh khủng hoảng do bất bình đẳng tăng cao? Những đóng góp của tác giả Milanovic cuối cùng cũng giống như của tác giả Piketty. Các dữ liệu nhà kinh tế này đưa ra cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về những vấn đề kinh tế hóc búa, và lý thuyết táo bạo của ông đã phá bỏ những lý thuyết kinh tế chính thống nhàm chán. Nhưng bên cạnh việc làm sáng tỏ cơ chế của kinh tế toàn cầu, lý thuyết tổng quát này cũng cho thấy rõ mức độ thiếu hiểu biết hiện nay của chúng ta ra sao.

Những bộ óc chiết trung đằng sau sự chuyển mình của châu Á

nguồn: New York Times,

biên dịch: Quỳnh Anh,

Trong vài năm qua, Bill Gross, giám đốc quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới và là một người nhạy bén thị trường, đã so sánh người Mỹ với Blanche DuBois, cô đào luống tuổi người miền nam trong phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng", khi cô nói rằng mình "luôn dựa vào lòng tốt của người lạ."

Ông Gross lo ngại rằng tương lai nền kinh tế của chúng ta cũng đang dần rơi vào tay những người xa lạ. Ông lưu ý rằng Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia nắm giữ nhiều nhất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Các cường quốc châu Á — và, ở một mức độ thấp hơn là hàng xóm của họ như Ấn Độ, Đài Loan và Singapore — đã cho phép chúng ta vung tay quá trán trong một thời gian bởi các quốc gia này đã tốt bụng mua lại núi nợ của chúng ta.

Sau đây chúng ta sẽ biết rõ thêm về các quốc gia này. Đã có thời chúng ta có thể tự mãn chỉ bảo cho họ về cách điều hành nền kinh tế như thế nào. Giờ đây các chủ nợ châu Á lại có thể sai bảo chúng ta.

Nếu bạn quan tâm đến câu chuyện châu Á đã trở thành một con hổ kinh
tế như thế nào, hãy tìm đọc cuốn “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth” ("Châu Á thần kỳ: Thiên sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của châu Á") (Collins Busines), câu chuyện sống động của tác giả Michael Schuman về sự chuyển đổi kinh tế của khu vực này trong hơn 60 năm qua. Tác giả Schuman có hiểu biết rất gần gũi với đề tài này. Ông là phóng viên kinh tế khu vực châu Á của tạp chí Time; trước đó, ông là phóng viên cho tờ The Wall Street Journal ở Hàn Quốc và Indonesia. Ông Schuman không chỉ là một phóng viên lành nghề — ông cũng là một nhà báo kể chuyện đầy tài năng.

Một số người cho rằng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của châu Á. Suy cho cùng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đều thấm đẫm văn hóa tự lực Nho giáo.

Cũng không nên xem nhẹ yếu tố chính trị. Chính phủ châu Á thường bảo vệ các công ty được ưu tiên tại nội địa để họ có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Độc giả có nhớ khi Lee Iacocca, giám đốc điều hành của Chrysler, nổi giận khi ông cho rằng mình không chỉ phải cạnh tranh với "ngài Honda và ngài Toyota", mà còn với cả bộ máy chính phủ Nhật Bản? Ông Iacocca có thể hơi phóng đại một chút nhằm gây chú ý, nhưng ông không hề hoang tưởng.

Tuy nhiên, tác giả Schuman cho rằng các nhà kinh tế đã bỏ qua yếu tố thứ ba trong sự thần kỳ kinh tế châu Á. Ông lý giải rằng kể từ năm 1950, khu vực này đã "may mắn" có được những chính trị gia vô cùng tài năng và những lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm thành công về mặt kinh tế.

Những chính trị gia và lãnh đạo ấy thật ra vốn rất khác nhau. Một số người là nhà độc tài như Park Chung Hee của Hàn Quốc và Suharto của Indonesia; một số khác thì xây dựng lại Chủ nghĩa Cộng sản như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc.

Ngoài ra, đã có những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc như Soichiro Honda của Nhật Bản, công ty sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên mở nhà máy ở Mỹ; Stan Shih của Đài Loan, người sáng lập công ty máy tính Acer; và Azim Premji của Ấn Độ, một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách đi tiên phong trong ngành công nghiệp gia công phần mềm.

Cuốn "Châu Á thần kỳ" sẽ được phát hành vào ngày 30 tháng 6, là câu chuyện về những đại gia Gatsby của châu Á và nhiều điều khác nữa. Và không phải tất cả họ đều là thánh nhân. Vài người trong số đó đã cho hoạt động những xưởng gia công bóc lột gây nhiều tranh cãi. Những người khác thì đàn áp đối thủ khác ý thức hệ. Nhưng, tác giả Schuman viết rằng, "tất cả họ đều chia sẻ mục tiêu chung là: đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, xây dựng quốc gia mới từ các thuộc địa bị phân tách, đưa châu Á vào đúng chỗ của mình trên trường quốc tế."

Tác giả Schuman khiến người đọc khó mà không ủng hộ hầu hết các cá nhân đáng chú ý ấy.

Ông kể lại bản thân mình đã kinh hãi thế nào khi lần đầu tiên ông đến thăm Ấn Độ vào năm 1991 và chứng kiến mọi người đánh răng trong dòng nước bẩn thỉu của sông Hằng. Giờ đây ông say sưa kể lại cách châu Á "những người vốn sẽ mãi ngập gối sâu trong cánh đồng lúa lầy lội, sống trong những túp lều tranh với chế độ ăn chỉ đủ qua ngày giờ đây làm việc trong những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép có điều hòa không khí, sống xa hoa trong những tòa cao ốc với tủ lạnh chất đầy đồ ăn và nhâm nhi những chén cà phê cappuccino Starbucks."

Nhưng sự thịnh vượng của châu Á đã khiến chúng ta phải trả giá, và cuốn sách không bàn đầy đủ về điều này. Tác giả Schuman cho rằng điều thần kỳ của châu Á cũng mang lại lợi ích cho người Mỹ. Ông chỉ ra rằng nhờ vào phép lạ ấy mà chúng ta có thể mua được quần jean giá rẻ tại Wal-Mart. Ông cho rằng hiện giờ chúng ta có quan hệ tốt với Trung Quốc do hai nền kinh tế đang thắt chặt với nhau.

Ông Gross lại đưa ra một luận điểm tinh tế hơn. Một số các quốc gia trong số đó đang bỏ vốn bù thâm hụt của chúng ta và cung cấp cho chúng ta rất nhiều hàng hóa sản xuất sang trọng giá rẻ. (Bạn nghĩ ai đang lắp ráp những chiếc iPhone cho Apple? Là người Trung Quốc, tất nhiên rồi).

Đúng vậy, là do chúng ta tự chuốc lấy. Nhưng giờ đây khi Mỹ đang gắn chặt với Trung Quốc và Nhật Bản, tại sao chúng ta lại nghĩ họ sẽ đối xử nhẹ nhàng với chúng ta? Nếu các ông chủ châu Á đang sở hữu trái phiếu Mỹ bắt đầu bán các khoản nợ của chúng ta, thì tình hình nước Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Cuốn sách bỏ qua điều này.

Hãy nhớ rằng Blanche DuBois rõ ràng đã lao đầu vào rắc rối ở phần cuối phim "Chuyến tàu mang tên Dục vọng." Đó là điều sẽ xảy đến khi bạn dựa vào lòng tốt của người lạ. Hy vọng chúng ta sẽ không có số phận tương tự. Nếu không, chúng ta sẽ cần điều thần kỳ của riêng mình để có thể tồn tại.

Lịch sử kinh tế Mỹ: Gia tốc

nguồn: The Economist, 

biên dịch: Quỳnh Anh,
   
Vì sao tăng trưởng kinh tế vọt lên ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20, và vì sao nó sẽ không sớm tăng trở lại.

Ngày 20 tháng 1, những người tự coi mình là tầng lớp thượng lưu của
thế giới sẽ tập trung ở thị trấn nghỉ mát Alpine tại Davos để chiêm ngưỡng "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư", chủ đề được chọn bởi ông Klaus Schwab, người cầm trịch tại sân khấu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ lớn hơn hết thảy những gì thế giới đã chứng kiến trước đây, ông cho biết. Đây sẽ là một cơn sóng thần nếu so với những cơn gió trước đó. Và sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn. Nó sẽ liên thông nhiều hơn; thực chất, cuộc cách mạng sẽ diễn ra "bên trong một hệ sinh thái phức tạp". Cuộc cách mạng sẽ không chỉ thay đổi những việc con người làm mà còn thay đổi chính bản chất con người.

Bất kỳ ai thấy hứng thú với ý kiến này hãy đọc cuốn sách mới rất tuyệt vời của Robert Gordon. Là một nhà kinh tế học người Mỹ giảng dạy tại Đại học Northwestern, tác giả Gordon từ lâu đã nổi tiếng trong giới học thuật do thúc đẩy ba lập luận công kích vào niềm tin của đa số. Thứ nhất là cuộc cách mạng internet đã bị thổi phồng. Thứ hai là cách tốt nhất đánh giá mức độ thổi phồng là nhìn vào những thập kỷ sau cuộc nội chiến, khi nước Mỹ biến đổi nhờ các phát minh như xe có động cơ và điện. Thứ ba là thời hoàng kim của sự tăng trưởng Mỹ có thể đã qua.

Trong cuốn “The Rise and Fall of American Growth” ("Sự thăng trầm của tăng trưởng kinh tế ở nước Mỹ"), tác giả Gordon hướng tới độc giả bình dân—và ông viết với phong cách tự tin đặc biêt, củng cố các lập luận của mình bằng nhiều ví dụ sinh động cũng như các dữ liệu kinh tế lượng, trong khi vẫn thận trọng về tác động của thay đổi kinh tế đối người dân Mỹ bình thường. Ngay cả khi lịch sử đổi hướng, và thuyết thăng-trầm của ông Gordon có vẻ sai, cuốn sách này vẫn sẽ tồn tại như một sự tái hiện tuyệt vời về đời sống vật chất ở Mỹ trong thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.

Các cuộc cách mạng công nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đã thay đổi thế giới. Không thể nhận ra cuộc sống của người Mỹ thời kỳ trước đó. Ý niệm của họ về tốc độ được xác định bằng ngựa. Nhịp điệu hằng ngày được quyết định bằng chuyển động của mặt trời. Nhiệm vụ cơ bản nhất hằng ngày—lấy nước để tắm hoặc giặt quần áo—là công việc chân tay vô cùng vất vả. Như tác giả Gordon cho thấy, một loạt các cuộc cách mạng đã thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Phát minh ra điện mang lại ánh sáng cho buổi tối. Phát minh ra điện thoại đã giết chết khoảng cách. Việc phát minh ra điều General Electric gọi là "đầy tớ chạy bằng điện" đã giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng việc nhà. Tốc độ thay đổi cũng rất đáng chú ý. Trong khoảng 30 năm từ năm 1870 đến năm 1900, các công ty đường sắt xây thêm 20 dặm đường mỗi ngày. Bước sang thế kỷ mới, Sears Roebuck, công ty đặt hàng qua thư thành lập năm 1893, hoàn thành 100.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ cuốn ca-ta-lô dày 1.162 trang. Giá xe giảm mạnh 63% từ năm 1912 đến năm 1930, trong khi tỷ lệ hộ gia đình Mỹ sở hữu một chiếc xe tăng từ 2% đến 89,8%.

Mỹ nhanh chóng đi trước phần còn lại của thế giới trong hầu hết tất cả các công nghệ mới—như tốc độ của một đầu máy so với tốc độ như ốc sên của châu Âu, theo lời Andrew Carnegie. Năm 1900, người Mỹ có số điện thoại trên đầu người gấp bốn lần người Anh, gấp sáu lần so với người Đức và 20 lần so với người Pháp. Chỉ riêng thành phố Chicago của Mỹ có tới gần một phần sáu lưu lượng giao thông đường sắt toàn thế giới đi qua. Ba mươi năm sau người Mỹ sở hữu hơn 78% xe ôtô toàn thế giới. Cho đến năm 1948 người Pháp mới tiếp cận được xe ôtô và điện như người Mỹ đã có từ năm 1912.

Cuộc Đại suy thoái đã một phần làm chậm đà nước Mỹ. Nhưng khu vực tư nhân tiếp tục đổi mới. Theo một số tính toán, những năm 1930 là thập kỷ có năng suất cao nhất về số lượng phát minh và sáng chế được cấp tương ứng với kích cỡ của nền kinh tế. Chính phủ Franklin Roosevelt đầu tư vào năng lực sản xuất bằng Cơ quan phát triển kinh tế khu vực Thung lũng Tennessee và đập Hoover.

Thế chiến II đã chứng minh sức mạnh đáng kinh ngạc của cỗ máy sản xuất nước Mỹ. Sau năm 1945, Mỹ củng cố tính ưu việt toàn cầu của mình thông qua việc xây dựng một trật tự thế giới mới, với Kế hoạch Marshall và các định chế Bretton Woods, và đổ tiền vào giáo dục đại học. Những năm 1950 và 1960 là thời kỳ vàng son thịnh vượng đến mức ngay cả những người chỉ học xong trung học cũng có thể có một công việc ổn định, một ngôi nhà ở ngoại ô và chế độ hưu trí an toàn.

Nhưng giọng văn của tác giả Gordon ảm đạm dần khi đi vào những năm 1970. Bất ổn kinh tế gia tăng khi các công ty nổi tiếng của Mỹ bàng hoàng trước sự cạnh tranh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, và giá nhiên liệu tăng do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng giá dầu. Bất bình đẳng kinh tế gia tăng do nhóm người giàu vượt xa phần còn lại. Năng suất tăng trưởng đã giảm: từng đạt bình quân 2,82% mỗi năm từ năm 1920 đến năm 1970, sản lượng mỗi giờ giữa năm 1970 và năm 2014 tăng với tỷ lệ hàng năm không quá 1,62%. Nước Mỹ ngày nay phải đối mặt với những cơn gió ngược rất mạnh mẽ: dân số lão hóa, chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục tăng cao, gia tăng bất bình đẳng và tệ nạn xã hội.

Liệu có cơ hội nào để đất nước khôi phục động lực đã mất? Tác giả Gordon không có thời gian cho những người tin vào thế giới công nghệ không tưởng với ý nghĩ rằng cuộc cách mạng thông tin sẽ cứu rỗi nước Mỹ khỏi "sự trì trệ kinh niên". Thái độ của ông với cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) cũng tương tự như của Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm, người nổi tiếng với câu nói: "Chúng ta muốn xe bay được nhưng thay vào đó chúng ta có 140 ký tự." Nước Mỹ đã thu hoạch hết thành quả của cuộc cách mạng CNTT. Tốc độ tăng trưởng tăng lên mỗi năm trong thập kỷ sau năm 1994, nhưng đà tăng không kéo dài được bao lâu và đã giảm trở lại kể từ đó.

Hiện nay tác giả Gordon cho rằng định luật Moore đang bắt đầu lu mờ dần và nền kinh tế mới đang trở thành ảo ảnh. Có thể hiểu được khi Gordon không mấy để ý đến những người kiểu Davos vốn không hiểu gì về lịch sử: ngay từ đầu xe không người lái sẽ chẳng thể thay đổi thế giới là bao so với phát minh xe hơi. Chắc chắn Gordon cũng đúng khi cho rằng nước Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn bất thường trong tương lai.

Tuy nhiên, tác giả đi quá xa khi xem thường cuộc cách mạng CNTT hiện nay. Nửa đầu cuốn sách rất xuất sắc, nửa sau có thể hơi gây thất vọng. Tác giả Gordon xem nhẹ khả năng CNTT thay đổi cuộc sống của con người và ông không nói nhiều về mức độ trí thông minh nhân tạo sẽ củng cố điều này. Ông cũng không chấp nhận mức độ mà, nhờ công nghệ in 3D và kết nối internet mọi vật, cuộc cách mạng thông tin đang lan rộng từ thế giới ảo đến thế giới vật chất thực. Tác giả Gordon có thể đúng khi cho rằng cuộc cách mạng CNTT sẽ không khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như nước Mỹ từng chứng kiến. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng chắc chắn ông đã sai khi đánh giá thấp mức độ cuộc cách mạng đang làm thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Saturday, October 5, 2024

Cuộc đời của Milton Friedman: kiếm tìm sắc thái trong triết lý thị trường tự do

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách mới của tác giả Jennifer Burns mong muốn mang đến góc nhìn phức tạp mới mẻ hơn về nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel.

Tác giả Jennifer Burns chắc hẳn gặp phải thách thức lớn khi viết cuốn tiểu sử mới về nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman, ông nổi tiếng suốt cả cuộc đời mình nhiệt thành ủng hộ bãi bỏ quy định và thị trường tự do. Ngẫm thấy chủ đề cuốn sách rất gây tranh cãi, tác giả cho biết một trong những mục tiêu của mình là “khôi phục toàn vẹn tư tưởng của Friedman trong nhận thức của công chúng”. Tác giả miêu tả Friedman, qua đời năm 2006 ở tuổi 94, là nạn nhân của “cuộc tấn công từ hai phía”, bị bủa vây bởi những người cấp tiến ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu, những người chỉ trích “chủ nghĩa tân tự do” được ông nhiệt tình ủng hộ. “Khi ông ấy ngày càng trở thành biểu tượng cho phong trào chính trị,” tác giả viết, “các sắc thái và phức tạp trong tư tưởng của ông cũng mất đi.”

Nhưng chính tác giả Burns cũng phải thừa nhận việc chú trọng vào những “sắc thái và phức tạp” là điều Friedman nỗ lực ngăn cản. Ông dành nhiều thập kỷ tạo dựng hình ảnh người nổi tiếng trước công chúng, đưa ra những tuyên bố đầy tự tin về phép màu của thị trường, trong các chuyên mục của ông trên tờ Newsweek và trong loạt chương trình truyền hình năm 1980 “Free to Choose” (Tự do lựa chọn). Một cảnh quay nổi tiếng có nội dung Friedman đầu hói nhỏ bé cầm cây bút chì, kinh ngạc vì có hàng nghìn người không hề quen biết nhau cùng giúp tạo ra chiếc bút chì ấy. Những nguyên tắc cơ bản đằng sau sự hợp tác phức tạp như vậy “thực sự rất đơn giản”, ông nói. Hiệu quả và sự hài hòa có thể xuất hiện thông qua “phép màu của hệ thống giá cả”.

Để hiểu sâu hơn về Friedman người phổ biến ý tưởng ra công chúng, tác giả Burns — nhà sử học tại Stanford cũng từng viết tiểu sử về Ayn Rand — dành phần nhiều cuốn sách này phân tích công trình của Friedman trước năm 1970, khi ông vẫn đang chỉ trích học thuyết Keynes chính thống thời đó. Tại Đại học Chicago, nơi Friedman dành phần lớn cuộc đời giảng dạy, ông đã vượt mặt các học giả cánh tả tập hợp trong Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế Cowles, khéo léo thuyết phục Quỹ Rockefeller rút kinh phí cho ủy ban và thay vào đó tài trợ cho hội thảo của Friedman.

Cực kỳ cuốn hút trên giảng đường, Friedman không chỉ dạy học; ông còn tạo ra những môn đệ trung thành. Hệ quả là đội ngũ giảng viên được tác giả Burns miêu tả là “tư tưởng đồng thuận đến bất thường”. Dù Friedman phải chờ đợi thời cơ ở phạm vi nằm ngoài lĩnh vực của mình, nhưng bên trong Đại học Chicago, xung quanh ông có rất nhiều nhà kinh tế cùng chí hướng. Ông là một trong số ít nhà kinh tế học dự đoán được tình trạng lạm phát đình trệ thập kỷ 1970, khi bộ công cụ của Keynes dường như bất lực với mức lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

“Mô hình hồi quy càng phức tạp, tôi càng hoài nghi”, Friedman thường nói. Dù tác giả Burns hứa hẹn tiết lộ sự tinh tế tiềm ẩn trong ý tưởng của ông, điều rõ ràng trong cuốn sách này là ông thường bị thu hút bởi tính đơn giản nhất quán. Có khía cạnh chính trị ở điểm này. Mô hình kinh tế lượng phức tạp cho thấy có thể hoạch định một nền kinh tế phức tạp. Nhưng lý thuyết về giá cả — coi giá cả là cơ chế hiệu quả nhất điều phối hoạt động kinh tế — cho rằng việc hoạch định sẽ mang tính phá hoại hoặc vô nghĩa.

Quan điểm lạc quan tin vào một thị trường không ràng buộc sẽ là thế giới tốt nhất khả dĩ, hoàn toàn phù hợp với tính cách luôn lạc quan của Friedman. Friedman là đứa con trai duy nhất của cha mẹ nhập cư từ Đế quốc Áo-Hung, khi còn nhỏ ở New Jersey ông tự coi mình như “một hoàng tử nhỏ sôi nổi và tự tin,” tác giả Burns viết. Ông kết hôn với người yêu thời học cao học, Rose, bà từ bỏ sự nghiệp kinh tế đầy hứa hẹn của mình để nuôi dạy hai đứa con của họ. Theo mọi nguồn tin, họ dường như có cuộc hôn nhân hạnh phúc, đầy yêu thương và thậm chí còn cùng viết chung cuốn hồi ký, “Two Lucky People” (Hai người may mắn). Cuốn sách có nội dung được tác giả Burns gọi là “phiên bản làm sạch” về sự kiện khủng khiếp diễn ra một đêm năm 1955 khi Milton đi công tác ở Ấn Độ. Một kẻ đột nhập đã xâm nhập vào ngôi nhà của gia đình ở Chicago và cưỡng hiếp Rose.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...