Search This Blog

Showing posts with label art. Show all posts
Showing posts with label art. Show all posts

Tuesday, November 19, 2024

Piet Mondrian: Một họa sĩ ngăn nắp, một con người cực kỳ lập dị

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,





Một cuốn tiểu sử mới về một trong những họa sĩ tinh hoa nhất của thế kỷ 20.

Họa sĩ David Salle có lần viết – ông trích lời một người bạn – rằng ta có thể nhận ra một trong những bức tranh sơn dầu của Alex Katz nếu nó rơi khỏi máy bay ở độ cao hơn 9.000 mét. Câu này cũng đúng với họa sĩ Hà Lan Piet Mondrian (1872-1944). Những đường kẻ ô và những mảng màu vàng, đỏ và trắng chói sáng của ông có thể được nhận biết tức thì.

Cuốn tiểu sử mới “Mondrian: His Life, His Art, His Quest for the Absolute” (“Mondrian: Cuộc đời, Mỹ thuật, Cuộc kiếm tìm điều tuyệt đối”) của Nicholas Fox Weber là cuốn sách lớn và cực đẹp được ấn hành bởi nhà xuất bản Knopf, nơi đã và đang xuất bản những cuốn sách đẹp trong hơn một thế kỷ nay. Chỉ cần nhìn thoáng qua cuốn “Mondrian” là muốn sở hữu và trưng nó lên. Những gì bên trong cuốn sách lại có ưu điểm đa dạng hơn.

Là người trước đây từng viết về thân thế sự nghiệp của các họa sĩ Balthus và Le Corbusier, Weber vừa cho ra mắt một cuốn sách thiết yếu, ở khía cạnh đây là cuốn tiểu sử đầy đủ hiếm có về Mondrian, nhà họa sĩ ẩn dật phiêu du từ hội họa biểu hình sang trừu tượng hình học và trừu tượng màu sắc táo bạo, và trong quá trình đó trở thành một trong những họa sĩ tinh hoa của thế kỷ 20.

Độc giả tầm thường – như Samuel Johnson gọi bạn và tôi – có thể thấy 600 trang về Mondrian là rất nhiều Mondrian. Điều này đặc biệt đúng vì lối hành văn của Weber khá đơn sắc. Hết bức tranh này đến bức tranh khác được miêu tả chi tiết. Những miêu tả này là chất ru ngủ trong văn chương.

Độc giả này bắt đầu cảm thấy như mình đang nhá một mảnh gỗ. Mỗi khoảnh khắc đều bị giữ nhịp quá lâu. Song Mondrian là một người cực kỳ lập dị, và những chi tiết về sự hiện tồn của ông giống như người ngoài hành tinh khiến ta phải lật giở từng trang.

Cha ông là hiệu trưởng một trường học, một người theo đạo Tin lành Chính thống nghiêm khắc và khắt khe, không muốn con trai mình trở thành họa sĩ. Nhưng một trong những người chú của Mondrian là họa sĩ mỹ thuật công nghiệp thành đạt, người chú này đã dạy ông học và thúc giục ông.

Những năm khởi đầu sự nghiệp tại Amsterdam, Mondrian vẽ những bức tranh dễ bán để sống trong khi thu hẹp [tiêu điểm] và giản lược tác phẩm của mình, đặc biệt là trong những bức tranh ông vẽ những bông cúc đại đóa đơn sắc. Phong cách ngày càng trừu tượng của ông có nguồn gốc Lập thể.

Năm 1917, ông chung tay khởi lập tạp chí de Stijl (“Phong cách”) rất có ảnh hưởng của Hà Lan và trường phái nghệ thuật cùng tên. Đặc trưng của trường phái này là tuyệt đối sử dụng những đường thẳng và màu cơ bản; tìm kiếm sự hài hòa thông qua bố cục và sự đơn giản.

Mondrian rời Amsterdam đến Paris rồi đến London. Ông là người theo chủ nghĩa bài Do Thái nhưng dù vậy vẫn chẳng vui gì khi bị đội quân xâm lăng của Hitler buộc phải rời khỏi cả hai thành phố đó. Ông chuyển đến Manhattan năm 1940, nơi ông sống suốt phần đời còn lại, ngày càng nổi tiếng và làm lu mờ các đối thủ. Thế nhưng ông đã phải vật lộn về mặt tài chính cho đến gần cuối đời.



Weber viết Mondrian “chưa bao giờ tỏ ra tự phụ dù chỉ là mảy may”. Bình luận này khó mà tương đồng với nội dung cuốn “Mondrian” được. Đây là cuốn sách nhắc nhở ta về quan hệ gần gũi đến mức nguy hiểm giữa phẩm giá và tính tự đắc. Mondrian sống như một vị sứ thần từ vương quốc của những quan niệm tức cười.Ông say mê thuyết duy linh, tướng số học và những chế độ ăn kiêng dị thường. Ông không có óc hài hước và hiếm khi mỉm cười. Cách khiêu vũ kỳ cục của ông khiến người khác cười sau lưng ông. "Ông chỉ di chuyển mỗi đôi chân và giữ cho phần còn lại của cơ thể cứng ngắc, cái đầu nghểnh lên", tác giả viết.

Mondrian không tin tưởng những viên đá vì đồ ăn lạnh không tốt cho sức khỏe. Ông đứng thẳng như tượng và dáng vẻ luôn chỉn chu gọn ghẽ, từ chối cởi áo khoác khi đi cùng người khác ngay cả trong những đêm nóng nực. Ông rất hay độc thoại không ai hiểu nổi và nói những câu kiểu-Garbo như "Dường như anh không hiểu rằng tôi muốn được một mình". Đưa ông vào những tình huống giao tế nhất định chẳng khác gì ném một con mèo xuống bể bơi. Có lần ông bước vào một căn phòng, nheo mũi và nhận xét với chủ nhà rằng "Trong này bốc mùi cũ kỹ".

Mondrian nổi tiếng vì đặt lên môi phụ nữ những nụ hôn kỳ cục, mạnh mẽ và một chiều, có khi kéo dài đến 30 phút. Thế nhưng ông thường cảm thấy phụ nữ là kỳ đà cản mũi đàn ông; nữ giới là "kẻ thù của tinh thần". Có lần ông nhận xét: "Mỗi chút tinh dịch bị xài phí là một kiệt tác bị mất".

Ông xem ra là người vô tính nhưng lại có một loạt tình bạn thân thiết với những người trẻ tuổi đẹp trai. Một số trong những mối quan hệ này có thể là quan hệ thể xác.

Mondrian “từ bỏ màu sắc tự nhiên để đến với màu sắc tinh khiết”, như ông phát biểu trong một bài luận năm 1941. Ông ác cảm với màu sắc tự nhiên đến nỗi ít nhất có ba lần, lúc ăn trưa với bạn bè, ông từ chối ngồi quay mặt ra cửa sổ vì sợ rằng sẽ buộc phải nhìn vào một mẩu nhỏ nhất của một cội cây. Weber lập luận, mà chẳng làm cho ai tin được, rằng điều này là do ông yêu thiên nhiên quá đỗi. Việc phát hiện ra băng keo cách điện đã thay đổi cuộc đời của Mondrian. Trước đó, ông đã mất rất nhiều thời giờ để vẽ, tẩy xóa và di chuyển các đường kẻ trong tác phẩm của mình.

Những căn hộ nhỏ và sơ sài của ông được thiết kế để trông giống như những bức tranh của ông, và ông hiếm khi rời khỏi đó. Ông là người theo thuyết duy ngã, người có thể lao đè lên một quả lựu đạn mà chẳng vì ai cả. Ông có một bản ngã phải được trưng bày tại bảo tàng Smithsonian, trong một chiếc hộp sáng trưng.

Ở ông có điều gì đó như đứa trẻ bị lạc lối, một nét mà cả nhà tài phiệt Howard Hughes và Michael Jackson đều có. Patricia Highsmith có lẽ đã đúng khi bà nhận xét trong nhật ký: "Những nghệ sĩ vĩ đại nhất luôn có tính trẻ con."

Bạn phải tiếp cận cuốn sách này với óc hài hước vì Weber, giống như nhân vật chính của ông, rất ít hoặc không hài hước chút nào. Ông chỉ trích những người thậm chí chỉ nhẹ nhàng phê phán tài năng mỹ thuật hoặc tính cách của Mondrian.

Tác phẩm quan trọng hơn cuộc đời, nhưng cuộc đời đó là thế. Weber đã khiến cho câu chuyện này được kể ra, dù có phần khập khiễng, và ông đính chính lại những lỗi đã vô tình lọt vào những câu chuyện khác. Ông là người giỏi truy tìm dấu hiệu ảnh hưởng của Mondrian, không chỉ đối với các họa sĩ khác mà còn đối với các kiến ​​trúc sư. Chẳng hạn như ta khó có thể tưởng tượng ra kiến trúc sư đại tài Frank Lloyd Wright nếu thiếu Mondrian.

Sức lôi cuốn của Mondrian không có dấu hiệu suy giảm. Năm 2022, một trong những bức tranh của ông được bán với giá 51 triệu USD. Đôi khi, những người đã mua tranh của ông không biết phải treo chúng như thế nào. Phía nào với màu sắc và hình học thuần túy phải được treo lên trên?

MONDRIAN: His Life, His Art, His Quest for the Absolute | By Nicholas Fox Weber | Knopf | 639 pp. | $40

Dwight Garner has been a book critic for The Times since 2008, and before that was an editor at the Book Review for a decade. 

Piet Mondrian: An Orderly Painter, a Deeply Eccentric Man 
https://www.nytimes.com/2024/10/28/books/review/piet-mondrian-biography.html

Thursday, October 24, 2024

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã vượt xa những ranh giới vốn đã bị xóa mờ của sự quảng cáo thổi phồng trên thị trường nghệ thuật và “tham gia một cách có chủ ý” vào một âm mưu lừa đảo, đã có lần bán cổ phần của một bức tranh lên đến 220% giá trị tác phẩm.

Cuốn hồi ký của một cựu thương nhân buôn bán những tác phẩm đắt giá nhất miêu tả một ngành hầu hết không bị quản lý, nơi sự chơi ngông của các đại gia thường đi đôi với thủ đoạn xảo quyệt và gian manh.

Chẳng ai thích thú với việc bị coi là kẻ ngu ngốc, nhưng trong số chúng ta có vô khối người thích thú với những câu chuyện về những kẻ lợi dụng lòng tin để thực hiện việc lừa đảo: bọn lừa đảo và bọn bịp bợm đồng lõa lập mưu với nhau để trở thành những kẻ vô cùng giàu có – đặc biệt nếu những câu chuyện đó cho chúng ta một kết cục thỏa mãn về một sự sụp đổ ngoạn mục.

Hồi tháng 10/2019, khi một thương nhân trẻ tuổi kinh doanh các tác phẩm mỹ thuật có cái tên rất kịch nghệ là Inigo Philbrick bị buộc tội lừa đảo hàng triệu đô-la của các nhà đầu tư, nhà sưu tập và người cho vay, gã đã trốn khỏi Miami đến đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương. Từ nơi đó, gã bắt đầu gửi tin nhắn và tài liệu cho Orlando Whitfield, bạn học cũ ở trường mỹ thuật, và cũng là đối tác kinh doanh một thời gian ngắn.

“Tôi không biết liệu mình có bị liên can đến những cáo buộc chống lại anh ta hay không,” Whitfield viết trong “All That Glitters” (“Những gì lóng lánh”), cuốn hồi ký thú vị về tình bạn kỳ lạ và ngoắt ngoéo của họ. Ngoài “mối quan tâm bè bạn”, Whitfield – người tự nhận trong tiểu sử là “một thương nhân mỹ thuật thất bại” – cũng thừa nhận cảm thấy hãnh diện khi một kẻ chạy trốn đã gửi tin nhắn trên Telegram cho mình từ “nơi ẩn náu trên đảo hoang của anh ta”. “Thật ly kỳ gay cấn,” Whitfield nhớ lại, “cứ như được mời vào hội kín vậy”.

Đó là thứ tình cảm có thể cũng diễn tả phần lớn mối quan hệ của họ qua năm tháng: Philbrick bảnh bao lịch lãm dẫn dắt Whitfield dễ bị ấn tượng vào những bí ẩn của thị trường mỹ thuật đương đại. Chí ít thì đó là cách Whitfield kể câu chuyện này – đa phần là thuyết phục, dẫu rằng bức chân dung tự họa tô đậm sắc màu vẽ anh ta như một kẻ Hồn nhiên Vô tội [Innocent Naïf] được cường điệu hơi quá mức. Whitfield biết rằng anh ta không thể khẳng định một cách đáng tin rằng anh ta hoàn toàn mù tịt về cách thức thị trường mỹ thuật vận hành ra sao. Cha anh ta là giám đốc điều hành của Christie’s, nhà đấu giá danh tiếng của Anh quốc; ngay sau khi gặp Philbrick, Whitfield đã có một kỳ thực tập mùa hè tại Christie's ở New York.

Song sự tinh thông thành thạo của người cha “về đồ nội thất cổ và đồ đồng thời Phục hưng” chẳng mang lại lợi thế nào cho “sự phi lý sến súa tầng tầng lớp lớp và chủ nghĩa tư bản muộn phù phiếm mà bối cảnh mỹ thuật quốc tế hiện nay đang thể hiện”, theo lời Whitfield. Anh ta đến Goldsmiths, ngôi trường ở London nổi tiếng với các chương trình nghệ thuật, với mong muốn thoát khỏi thế giới lỗi thời của “những Tarquin[1] mặc quần đỏ và những Camilla ở Home Counties có bộ ngực nở nang”. Khi gặp Philbrick lần đầu hồi năm 2007, Whitfield vẫn đang tìm hiểu về sở thích của chính mình. “Tôi hầu như chẳng biết cái tôi thích là gì,” anh ta viết trong khi hồi tưởng lại những bất an và bối rối thời đầu xanh tuổi trẻ của mình. “Tôi đã luôn khao khát sự tự tin mà Inigo dường như đã có sẵn.”

Philbrick tạo ra một vẻ ngoài thật hấp dẫn: một người Mỹ có quan hệ với những người quan trọng và quyền lực, có dòng dõi tổ tiên và sở hữu giọng nói vùng Trung Đại Tây Dương cho phép gã qua lại với giới nhà giàu ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Mẹ gã là một nghệ sĩ; cha gã là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Aldrich ở Connecticut. Philbrick và Whitfield nhanh chóng chuyển từ việc hít cocaine trên bìa một cuốn tiểu thuyết của Edward St. Aubyn sang môi giới các vụ giao dịch thông qua một hãng tồn tại không lâu mà họ đặt tên là I & O Fine Art.

Whitfield kể lại một cách tài tình những chiến công của họ khi di chuyển các tác phẩm nghệ thuật và tiền bạc vòng quanh thế giới, cũng như những nỗ lực rất ngớ ngẩn của họ để mua được một tác phẩm của Banksy. (Một tác phẩm được vẽ bằng khuôn giấy stencil trên một cánh cửa kim loại lem nhem; một tác phẩm khác trên tường của một cửa hàng xe scooter.) Thậm chí sau khi họ giải thể đại lý ủy quyền của mình, Philbrick vẫn thuê Whitfield làm việc tại một công ty kinh doanh tác phẩm nghệ thuật mua đi bán lại được thành lập bởi Jay Jopling, nhà sáng lập phòng trưng bày White Cube ở London.

“Tôi hoàn toàn không đủ trình độ,” Whitfield nói về công việc mà Philbrick thuê anh ta làm, công việc này đòi hỏi phải quản lý danh mục tác phẩm và các cuộc triển lãm. Nhưng Whitfield có thể bám trụ được khi kinh qua những tình huống cực kỳ căng thẳng. Một phân cảnh hấp dẫn cho thấy anh ta toát mồ hôi tại sân bay Heathrow, bộ âu phục của anh ta dính chặt vào một vết thương không đúng lúc trên ống chân. Anh ta được giao nhiệm vụ mang lậu một bức tranh của Lucien Freud trên chuyến bay đến New York (bức tranh không có giấy tờ chứng nhận) và buộc phải băng bó vết thương của mình dưới ánh mắt nghi ngờ của một sĩ quan cảnh sát rất to con.

Từ đầu đến cuối cuốn sách, Whitfield liên tục tỏ ý cho độc giả biết trước về “sự miễn cưỡng và nỗi lo âu” của anh ta, mặc dù anh ta đã tự mình mở phòng trưng bày của riêng mình cùng với một người bạn, mà biết chắc rằng sẽ chẳng cho Philbrick hay đến tận phút cuối. Chẳng mấy chốc Whitfield sẽ nói dối Philbrick và một bên khác để tạo điều kiện thuận lợi cho một vụ mua bán trị giá hàng trăm nghìn đô-la.

Song toàn bộ việc này đã trở nên quá mức đối với Whitfield, người không thể nhượng bộ những thỏa thuận miệng và sự lừa dối thường nhật khiến anh ta cảm thấy tròng trành như người đi biển, chao đảo từ vận may sắp đến tới sự phá sản lơ lửng trên đầu. Năm 2018, anh ta phải vào khoa tâm thần điều trị sau một cơn suy sụp tinh thần. Ở đó, khi đang vật lộn với việc cai thuốc Xanax, anh gặp một bệnh nhân tóc bạc, tình cờ lại là một “nghệ sĩ rất nổi tiếng”. Lắng nghe những điều phiền muộn trong thế giới mỹ thuật của Whitfield, nghệ sĩ ấy nói với anh ta – bằng câu nói hầu như khuôn sáo dành cho bản chuyển thể thành phim HBO hình như đang được sản xuất – “Hãy thoát ra khi cậu vẫn còn có thể”.

Ở một phương diện, “All That Glitters” là câu chuyện về cách thức hoạt động của một thị trường không bị quản lý. Gã Philbrick khôn ngoan lọc lõi, kẻ luôn có khả năng nắm bắt các cơ hội và phần thưởng, đã định vị được những điểm yếu trong hệ thống và nhấn lên đó một cách thích hợp. “Một số hành động của anh ta – lúc này bị nhiều người chỉ trích – là thói thường xưa nay vẫn thế, thậm chí còn được khuyến khích,” Whitfield nhận xét. Những gì thị trường mỹ thuật coi là “sự khôn ngoan cẩn trọng” thường có nghĩa là “cố tình tung hỏa mù hoặc hoàn toàn dối trá”. Song Philbrick cuối cùng đã thú nhận trước tòa rằng anh ta đã vượt xa những ranh giới vốn đã bị xóa mờ của sự quảng cáo thổi phồng trên thị trường nghệ thuật và “tham gia một cách có chủ ý” vào một âm mưu lừa đảo, đã có lần bán cổ phần của một bức tranh lên đến 220% giá trị tác phẩm – “điều đó dĩ nhiên có nghĩa là vẽ thêm vào đó 120% so với giá trị thực,” Whitfield lưu ý một cách châm biếm.

Về phần mình, Whitfield không thể chịu đựng được hiện tượng bong bóng của một thị trường mỹ thuật đã không còn có lý nữa. Sau khi ra viện, anh ta học nghề với một nhà bảo tồn và phục chế, thấy tĩnh tâm và thích thú khi xử lý những mảnh giấy bị ố vàng chỉ bằng tay không và cạo sạch phân côn trùng bằng dao mổ. Anh ta đã để lại trò phù thủy về tài chính cho những kẻ thích bày đặt ra những cách mới để “buôn bán những thứ trừu tượng trong nghệ thuật”.

Rốt cuộc, Whitfield đã biết cái mình thích là gì: “Tôi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật và chỉ ngắm nhìn thôi”.

[1]Có thể ám chỉ: Lucius Tarquinius Priscus, vị vua huyền thoại thứ năm của Rome (616–578 TCN) hoặc Lucius Tarquinius Superbus, vị vua huyền thoại thứ bảy và cuối cùng của Rome (534–510 TCN)

ALL THAT GLITTERS: A Tale of Friendship, Fraud, and Fine Art | By Orlando Whitfield | Pantheon | 323 pp. | $29

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.

Talent, Glamour, Money, Fraud: Welcome to the Art World https://www.nytimes.com/2024/08/07/books/review/all-that-glitters-orlando-whitfield.html

Friday, October 4, 2024

Bị đánh giá tệ à? Kiện nhà phê bình đi. Whistler từng làm như thế.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Falling Rocket” (Pháo hoa) của Paul Thomas Murphy tập trung vào phiên tòa đầy kịch tính gây chia rẽ giới nghệ thuật London.

“Trước đây tôi đã chứng kiến, và nghe thấy nhiều điều về sự trơ tráo của Cockney; nhưng chưa từng ngờ được sẽ nghe đến chuyện một gã hợm hĩnh đòi những 200 đồng guinea để hất lọ sơn vào mặt công chúng.” Những lời này là của John Ruskin, nhà phê bình nổi tiếng thời Victoria ở Anh, viết năm 1877 nhận xét về “Nocturne in Black and Gold— The Falling Rocket” (Khúc đêm đen và vàng: Pháo hoa), bức tranh của James Abbott McNeill Whistler, họa sĩ hào hoa nhất thời bấy giờ.

Và việc này dẫn đến phiên tòa nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật, khi Whistler quyết định có bước đi gây sốc là kiện nhà phê bình vì bài đánh giá của ông ta — vừa thu hút sự chú ý của công chúng vừa đòi bồi thường một nghìn guinea.

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...