Cuốn sách mới của nhà báo chuyên đưa tin pháp lý Jeffrey Toobin đào xới lịch sử đáng ngờ của lệnh ân xá do tổng thống ban hành.
![]() |
Tổng thống Gerald Ford ban cho cựu Tổng thống Richard Nixon "lệnh ân xá hoàn toàn, tự do và tuyệt đối" ngày 8.9.1974. |
“Khi nói đến lệnh ân xá, các vị tổng thống là những vị vua”, nhà báo chuyên đưa tin pháp lý Jeffrey Toobin viết trong cuốn sách mới của ông “The Pardon: The Politics of Presidential Mercy” (“Lệnh ân xá: Đường lối chính trị trong sự khoan dung của tổng thống”). Không phải vô cớ mà Tổng thống Trump, người từ lâu bị lóa mắt với sự phù hoa của hoàng gia, lại nhiệt tình khoe khoang về quyền ân xá của ông ta trong nhiệm kỳ đầu tiên. “Tôi có quyền tuyệt đối để ÂN XÁ cho chính mình”, ông ta đăng tweet hồi năm 2018. “Nhưng sao tôi phải làm vậy khi tôi chẳng làm điều gì sai quấy?”
Ở một vài phương diện, cuốn sách của Toobin ra mắt đúng thời điểm một cách hoàn hảo. Hồi tháng 12 vừa rồi, tổng thống Joe Biden đã ân xá cho Hunter con trai ông bất chấp những cam đoan trước đó rằng ông sẽ không làm thế. Trong những giây phút cuối còn tại nhiệm, Biden tiếp tục ân xá cho năm thành viên khác trong gia đình. Trump, ngay khi vừa tiếp quản Nhà Trắng chiều hôm đó, ân xá hoặc giảm án cho hơn 1.500 người ủng hộ ông ta dấy loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021. Toobin hoàn thành cuốn sách này trước khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhưng trong lời bạt, ông đã dự đoán như tiên tri rằng Trump sẽ ban hành "lệnh ân xá hàng loạt" cho tất cả bị cáo trong vụ Ngày 6 Tháng Một: "Khi ân xá cho họ, thực tế là Trump tự ân xá cho chính ông ta".
Song cuốn “The Pardon” chủ yếu không viết về Trump hay Biden. Toobin giải thích “quyền hạn khoan hồng của tổng thống” có “nguồn gốc từ đặc quyền khoan thứ của hoàng gia” – tàn dư mang tính quân chủ rất kỳ quặc đối với nền dân chủ đã nổi loạn chống lại nhà vua. Thế nhưng những người ủng hộ quyền ân xá sớm nhất vẫn khăng khăng rằng cuối cùng nó cũng mang lại lợi ích cho nhân dân. Nhà lập quốc Alexander Hamilton gọi lệnh ân xá là “đặc quyền nhân từ”, điều sẽ giảm khinh những hình phạt khắc nghiệt của luật hình sự. Hamilton giải thích: “Nếu không có sự dễ dàng tiếp cận các ngoại lệ có lợi cho tội lỗi chẳng may phạm phải, công lý sẽ có diện mạo quá ư là khát máu và tàn nhẫn”.
Từ những khởi nguyên cao cả như vậy đã nảy sinh ra vô vàn rắc rối. Toobin viết rằng thực tế tình trạng "không có sự giám sát hoặc hạn chế nào" đối với quyền ân xá đã gây ra "tình trạng hỗn loạn trong nhánh hành pháp". Mặc dù các tổng thống thích ban hành lệnh ân xá như cử chỉ khoan dung hiển nhiên, nhưng ông vẫn cho rằng các lệnh ân xá này nên được hiểu là những hành động chính trị thì đúng hơn. Abraham Lincoln ân xá cho thường dân miền Nam để đổi lấy lời tuyên thệ trung thành với Liên bang vì ông muốn giữ gìn quốc gia thống nhất; Andrew Johnson ân xá cho các nhà lãnh đạo của Liên minh miền Nam mà chẳng màng quan tâm đến khả năng sự miễn trừng phạt như vậy có thể làm quốc gia tan nát. "Sự ân xá là hiện thân cho ‘cái tôi’ của tổng thống", Toobin viết. "Bản chất đơn phương của quyền lực này có nghĩa là một sự ân xá sẽ tiết lộ cái tôi thực nhất của một tổng thống."
Ông dành gần như cả cuốn sách để kể lại điều gọi là – ít nhất là đến tận gần đây – “lệnh ân xá tổng thống gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ”: lệnh ân xá Gerald Ford ban cho Richard Nixon. Ngày 9.8.1974, Nixon từ chức tổng thống sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện khuyến nghị buộc tội ông cản trở công lý trong vụ bê bối Watergate. Chỉ một tháng sau, Tổng thống Ford, người tiếp quản Nhà Trắng sau khi giữ chức phó tổng thống của Nixon, tuyên bố ông sẽ ban hành “lệnh ân xá toàn diện, vô điều kiện và tuyệt đối cho Richard Nixon”, bởi vị cựu tổng thống này “và những người thân của ông đã phải chịu đựng đủ rồi”.
Toobin cho ta câu chuyện rất chi tiết về tất cả những mưu đồ bí mật dẫn đến ngày hôm đó. Nixon biết ông không thể là người gợi ý việc ân xá với Ford. Một thỏa thuận kiểu ấy sẽ là khiếm nhã, khiến Ford có vẻ như đang dùng lệnh ân xá để đổi lấy chức tổng thống. Nhưng như Toobin làm sáng tỏ, ở đây còn có vấn đề về tính cách né tránh của Ford. Nixon là kẻ mưu mô tột bậc, Ford vừa được ban phước vừa bị nguyền rủa bởi "tính điềm tĩnh và sự đúng mực hiển nhiên" của ông.
Trước khi Nixon từ chức, Ford rất cố gắng để không bao giờ hỏi Nixon về vụ Watergate; sau này, Ford vẫn không đả động gì đến vụ đó. Ông đưa ra câu tuyên bố nổi tiếng nhất của mình ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức: "Hỡi đồng bào Mỹ của tôi, cơn ác mộng quốc gia dài đằng đẵng của chúng ta đã chấm dứt." Lời tuyên bố này gây được tiếng vang lớn với công chúng, song Ford vẫn là Ford, ông lo rằng đối với Nixon, câu này quá ác ý.
Toobin lần theo những bước nhảy của vũ điệu xoắn não này. Nixon muốn có lệnh ân xá và giả bộ không muốn; Ford muốn ban hành lệnh ân xá và gặp khó khăn để che giấu sự thật đó. Thông qua trung gian, Nixon sử dụng các giấy tờ tài liệu và băng ghi âm làm đòn bẩy, khẳng định chúng thuộc về ông chứ không hề thuộc về chính phủ như Ford vẫn khăng khăng tuyên bố. Toobin gọi nước thí tốt của Nixon là "một dạng tống tiền". (Cho đến khi có Đạo luật về Hồ sơ Tổng thống năm 1978, các giấy tờ tài liệu của tổng thống được coi là tài sản riêng của tổng thống.)
Ford đã thắng thế về những giấy tờ tài liệu ấy, nhưng rồi lại cảm thấy, theo cách diễn đạt của Toobin, "ông mắc nợ Nixon một điều". Bằng việc ân xá cho Nixon, Ford cũng nghĩ ông có thể "cứu quốc gia này" và vượt qua sự xấu xa của vụ Watergate. Toobin gọi đó là "lệnh ân xá tệ hại vì một lý do danh dự"; nó đã đổ thêm dầu vào chính ngọn lửa hoài nghi mà nó có nhiệm vụ dập tắt. (Sau nhiều năm tranh cãi pháp lý, rốt cuộc các giấy tờ tài liệu và băng ghi âm được coi là tài sản của Nixon, và năm 2000, chính phủ liên bang đã trả 18 triệu USD để mua chúng từ di sản của ông ta.)
Toobin khéo léo kết nối tất cả những đầu dây mối nhợ này. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất về cuốn “The Pardon” là toàn bộ tranh cãi ồn ào về vụ Watergate lúc này có vẻ kỳ quặc biết bao, so với cuộc công kích dữ dội trong thời điểm chính trị điên cuồng của chúng ta. Lấy ví dụ như sự kiện khét tiếng ngày 20/10/1973, được gọi là Cuộc Tàn sát Đêm Thứ Bảy, khi Nixon ra lệnh cho vị Bộ trưởng Tư pháp của mình sa thải Archibald Cox, công tố viên đặc biệt đang giám sát cuộc điều tra Watergate. Bộ trưởng Tư pháp đã từ chối và từ chức; rồi đến Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng từ chối và từ chức.
Hồi năm 1973, vụ Nixon lạm dụng quyền lực là việc gây chấn động, song những nạn nhân trực tiếp của Cuộc Tàn sát Đêm Thứ Bảy có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hãy đối chiếu vụ này với những gì vừa xảy ra trong ba tuần qua: chính quyền Trump đã và đang sa thải nhân sự với tốc độ chóng mặt đến mức công chúng hoang mang khó lòng nắm bắt kịp.
Chỉ trong ít ngày sau khi nhậm chức, Trump đã sa thải ít nhất là 17 tổng thanh tra. Một tuần sau, tin đồn lan truyền về việc sa thải hơn một tá công tố viên đã làm việc với các vụ án bạo loạn Ngày 6 Tháng Một. Cùng ngày hôm đó, công chúng được biết các viên chức của Trump đang "xúc tác cho cuộc thanh trừng có thể xảy ra" tại FBI bằng cách ra lệnh cho cơ quan này lập danh sách toàn bộ nhân sự đã làm việc với các vụ án Ngày 6 tháng Một. Số lượng những cái tên trong danh sách này có khả năng lên đến khoảng 6.000.
Trump có tiếng là thiếu nhất quán, nhưng ông ta đã thể hiện trạng thái say mê nhất quán với việc ra giá cho quyền lực tổng thống không bị kiềm chế. Thu hồi quyền công dân theo nơi sinh, đơn phương đóng cửa các cơ quan liên bang, sa thải nhân viên liên bang một cách tùy tiện, trao các chức năng then chốt của chính phủ cho tỷ phú Elon Musk: Trump đã và đang thách đố tòa án ngăn cản ông ta; J.D. Vance Phó Tổng thống của ông ta đã phô bày khả năng thách thức các tòa án đó nếu họ cố làm điều ấy; và hôm thứ Hai, một thẩm phán đã phán quyết rằng chính quyền Trump đã từ chối tuân thủ lệnh của tòa án yêu cầu giải ngân hàng tỷ đô-la tiền tài trợ liên bang đã được Quốc hội phân bổ.
Cuốn sách của Toobin hầu như không cho ta chút niềm an ủi nào. Thậm chí là trong một nền dân chủ, “đặc quyền khoan thứ của hoàng gia” vẫn có sức hấp dẫn của nó, đặc biệt là trong thời kỳ khốc liệt. Nhưng như “The Pardon” chỉ ra rất rõ, đặc quyền ấy cũng có thể là vũ khí cho một nhà lãnh đạo luôn khăng khăng rằng ông ta có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn.
THE PARDON: The Politics of Presidential Mercy | By Jeffrey Toobin | Simon & Schuster | 287 pp. | $29.99
Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
What a President’s Pardon Says About His Soul
https://www.nytimes.com/2025/02/12/books/review/the-pardon-jeffrey-toobin.html
shared via nytimes,
No comments:
Post a Comment