Trong cuốn “Taking Manhattan” (“Chiếm Manhattan”), tác giả Russell Shorto chú mục vào những khía cạnh đen tối hơn trong cuộc sống thuộc địa trên hòn đảo ở trung tâm thế giới này.
![]() |
Một bản đồ được tạo ra vào thế kỷ 19 miêu tả Lower Manhattan vào thế kỷ 17. Ảnh: Thư viện công cộng New York |
Người Anh đang đến.
Cụ thể là Đại tá Richard Nicolls – đã chiến đấu ở Pháp, bị Cromwell bỏ tù, từng tiệc tùng với Công tước xứ York – đang giong buồm tiến vào để chiếm New Amsterdam từ tay người Hà Lan.
Người đang chạy vội đến điểm cực nam của Manhattan cố gắng cứu ngôi làng của mình là Peter Stuyvesant, một nhân viên trung thành của Công ty Tây Ấn Hà Lan, người mà lịch sử công tác bao gồm việc bị cưa một chân sau một trận chiến ở Caribe và đang tiến về phía bắc để điều hành trạm giao dịch ở cửa sông Hudson.
Chúng ta đọc được rốt cuộc ai sẽ chiếm cứ hòn đảo này vào năm 1664 – chúng ta đâu có ngồi không mà ăn bánh quế stroopwafel ở đây – nhưng trong "Taking Manhattan", Russell Shorto thuật lại câu chuyện này hay một cách xuất sắc và đưa ra luận cứ rất thuyết phục về tầm quan trọng lâu dài của nó.
Trên thực tế có đến hai cuộc chiếm cứ diễn ra liên tiếp: Năm 1626 người Hà Lan chiếm Manhattan từ thổ dân Lenape, để rồi 38 năm sau người Anh chiếm lại nó từ người Hà Lan.
Cuộc chiếm đóng thứ hai là tâm điểm của cuốn sách này. Phục hồi sau nhiều thập kỷ đấu đá nội bộ (vụ chặt đầu vua Charles I, sự cai trị của Cromwell, thời kỳ Trung hưng nền quân chủ), người Anh muốn mở rộng việc chiếm đất ở Bắc Mỹ của họ. Người Hà Lan đã khẳng định quyền sở hữu lãnh thổ từ Albany hiện tại cho đến Delaware, và trung tâm của mọi hoạt động, thời ấy cũng như bây giờ, là Manhattan.
Công ty Tây Ấn Hà Lan bắt đầu lập cơ sơ kinh doanh trên đảo này để chuyên chở những bộ da hải ly qua Đại Tây Dương bằng tàu biển, và theo lời kể của Shorto thì ngôi làng mọc lên nhanh chóng đó về căn bản là của người Hà Lan: cực kỳ tư bản chủ nghĩa và cũng – xét về mặt tương đối và có giới hạn thôi – bền bỉ khác thường so với thời bấy giờ.
Vào một thời đại mà chế độ quân chủ thịnh hành, người Hà Lan đã thiết lập một nền cộng hòa mới ở châu Âu. Bản hiệp định thống nhất xứ sở này năm 1579 ghi rõ rằng "không ai bị điều tra hoặc bị ngược đãi vì tôn giáo của mình", quan điểm cấp tiến mà các quốc gia khác coi là một ý tưởng tệ hại. Nền tự do này mở rộng đến New Amsterdam, và thu hút những kẻ cơ hội từ khắp châu Âu – những kẻ nhập cư đã biến thuộc địa này từ một văn phòng khu vực của Công ty Tây Ấn thành một ngôi làng quốc tế là mầm mống của đô thị hiện đại. Theo lời của Shorto thì "New York đã là New York ngay cả trước khi nó là New York".
Câu này gần như là lập luận mà Shorto đưa ra 21 năm trước trong “The Island at the Center of the World” (“Hòn đảo ở trung tâm thế giới”), cuốn sách ông viết về Manhattan của Hà Lan đã trở thành một tác phẩm kinh điển nhỏ trong số những cuốn lịch sử nổi tiếng của New York và là một cuốn sách góp mặt lâu năm trong những đống sách cho miễn phí trên bậc tam cấp của những ngôi nhà. Cuốn sách mới của ông là bản khởi động lại thì đúng hơn là phần tiếp theo; nó bao quát chủ đề tương tự theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng trong “Taking Manhattan”, Shorto dựa vào những kiến thức gần đây để miêu tả cuộc sống của những người bình thường mà hầu hết đã bị cuốn sách trước bỏ qua, ông nhắc chúng ta nhớ rằng một thành phố dựa trên thương mại đã dẫn đến nền tự do cho một số người và sự bóc lột khủng khiếp cho những người khác.
Dorothea Angola, như Shorto kể với chúng ta, đến New Amsterdam với thân phận nô lệ, có lẽ là vào năm 1627. Bà kết hôn và sinh con cái, và năm 1644, chồng bà thỉnh cầu Công ty Tây Ấn Hà Lan xin cho vợ chồng họ được tự do, và được chấp thuận. Liền sau đó, họ được cấp một khu đất rộng sáu mẫu Anh để canh tác ở nơi sau này trở thành Làng Greenwich.
Song con cái của họ lại không được trả tự do. Không có bằng chứng nào cho thấy con cái họ bị ép lao động cưỡng bức, nhưng Shorto viết rằng "lời cảnh báo tàn nhẫn đến khó tin ấy chắc chắn sẽ đảm bảo rằng cặp cha mẹ đó sẽ làm bất kỳ điều gì mà công ty đó yêu cầu". (Sau này, Angola đã thỉnh nguyện cho con trai nuôi của họ tự do và được chấp thuận.)
Câu chuyện về thổ dân bản địa đầy cảnh chết chóc và tước đoạt đất đai, nhưng động lực quyền lực ở thế kỷ 17 rất phức tạp. Ở một thời điểm quan trọng, như Shorto viết, một thủ lĩnh bộ lạc Montaukett tên là Quashawam đang phải đối phó với những kẻ khai khẩn người Anh xâm chiếm Long Island nên muốn liên minh với người Hà Lan. Có vẻ như bà đã cố gắng cảnh báo Stuyvesant rằng những con tàu Anh quốc đang đến để chiếm cứ Manhattan, nhưng ông này đã bỏ qua thông điệp đó. Rốt cuộc, thay vì liên minh với Hà Lan, Quashawam lại hợp lực với người Anh và Shinnecock.
Đây là lý do vì sao khi Đại tá Nicolls cùng quân Anh giong buồm tiến vào lại bất ngờ đối với người Hà Lan. Nicolls cho Stuyvesant hai ngày để đầu hàng hoặc bị tấn công. Trong khi đó người Hà Lan đấu đá lẫn nhau. Quân Anh gửi cho Stuyvesant một bức thư, và ông này đã xé tan nó ra trước khi hội đồng thành phố kịp đọc. Nhưng vào lúc nguy ngập nhất, theo luận điểm của Shorto, Stuyvesant đã tự chuộc lỗi. Ông nhận ra bổn phận của mình không chỉ đối với các chủ nhân của mình tại Công ty Tây Ấn, mà còn đối với thành phố mới lạ này, thành phố đang phát triển độc lập mang bản sắc riêng của nó. Một giờ trước khi tối hậu thư của Nicolls hết hạn, Stuyvesant đã viết thư trả lời. Ông sẵn sàng đàm phán để cứu lấy thành phố.
Nicolls muốn chiếm New Amsterdam không những vì vị trí chiến lược của thành phố này mà còn vì văn hóa thương mại cởi mở của nó. Vì vậy, như Shorto viết, ông ta đã chấp nhận một thỏa thuận "giống một vụ sáp nhập doanh nghiệp hơn là một hiệp ước đầu hàng".
Thỏa thuận này đảm bảo rằng người Hà Lan có thể tiếp tục đến New Amsterdam và tận hưởng quyền tự do tôn giáo. Tàu thuyền Hà Lan vẫn có thể tự do ra vào và chính quyền địa phương có thể tiếp tục hoạt động phần lớn như trước.
Nicolls đổi tên nó thành New York vì ông mong nó tốt hơn theo cách đó; vinh danh người bạn của ông là Công tước xứ York, người sau này trở thành Vua James II. Cái tên đó mới, nhưng thành phố này – đang trên đà phát triển, nói bằng nhiều thứ tiếng, phân biệt chủng tộc về một số mặt và khoan dung ở những mặt khác – sẽ trường tồn.
Khó mà vừa yêu thành phố này vừa nhận diện những nỗi kinh hoàng của nó. Nhưng điều đó là khả thể, có bằng chứng đây: Russell Shorto đã làm được điều đó.
TAKING MANHATTAN: The Extraordinary Events That Created New York and Shaped America | By Russell Shorto | Norton | 390 pp. | $29.99
Jacob Goldstein is the host of “What’s Your Problem?,” a podcast about business and technology, and the author of “Money: The True Story of a Made-Up Thing.”
320 Years Before the Muppets, the English Took Manhattan
https://www.nytimes.com/2025/03/02/books/review/taking-manahattan-russell-shorto.html
shared via nytimes,
No comments:
Post a Comment