Search This Blog

Friday, December 13, 2024

Thiên tài nghèo túng mà thấu hiểu vũ trụ (người ta thì không)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,
Roger Penrose tại Oxford University năm 1982.

Cuốn “The Impossible Man” (“Con người bất khả”) của Patchen Barss miêu tả Tôn ông Roger Penrose, nhà vật lý toán học người Anh và là người đoạt giải Nobel, với toàn bộ sự phức tạp phản truyền thống của ông.

Bảo tàng Khoa học ở Anh quốc lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Tôn ông Roger Penrose nhà vật lý toán học đoạt giải Nobel: những cuốn sách về ý thức và bản chất của không gian và thời gian; một bộ trò chơi trí uẩn bằng gỗ do vị bác sĩ cha ông chế tạo; mô hình của một trong những "vật thể bất khả" của gia đình Penrose – chiếc cầu thang mà người ta có thể đi lên hoặc đi xuống vô cùng tận.

Nhưng có lẽ đồ vật phi thường nhất cũng là đồ vật bình thường nhất: lốc bốn cuộn giấy vệ sinh Kleenex Quilted Peach. Kiểu chần ô trên mặt giấy phỏng theo một trong những mẫu họa tiết gạch lát không lặp lại của Penrose để tránh sự "lồng vào nhau", tức là nguy cơ có thể làm kẹt các ô vuông và các chỗ phồng không đẹp mắt trên cuộn giấy – thế nhưng chẳng có ai từ hãng Kleenex đã hỏi ý kiến ​​Penrose. Năm 1997, Pentaplex, công ty được thành lập để phát triển các ứng dụng thương mại thuộc công trình của ông, đã khởi kiện nhà sản xuất giấy vệ sinh Kimberly Clark. Theo lời tuyên bố của một giám đốc Pentaplex thời điểm đó: "Khi nói đến việc người dân xứ Đại Anh được mời chùi mông bằng thứ xem ra là công trình của một hiệp sĩ xứ này mà không được ông cho phép, thì phải kháng cự đến cùng".

Sau khi vụ kiện được giải quyết bằng thỏa thuận không thông qua tòa án, “Những mẫu gạch lát Penrose không còn làm bất kỳ ai bước vào nhà vệ sinh ngạc nhiên nữa”, Patchen Barss viết trong “The Impossible Man”, cuốn tiểu sử mới của anh về Tôn ông Roger. Barss đã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp gỡ Penrose, lúc này 93 tuổi, và trò chuyện với ông qua cuộc gọi video hoặc điện thoại hầu như hằng tuần trong suốt năm năm. Trong khi phần về giấy vệ sinh kết thúc có hậu, nhiều phần khác trong cuốn sách này lại chẳng được như vậy. “Ông luôn sẵn lòng trả lời các câu hỏi của tôi”, Barss viết trong một ghi chú của tác giả, “thậm chí khi trả lời là khó khăn hoặc đau khổ”.

Kết quả là một bức chân dung gây xúc động và gần gũi về một nhân vật đã mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về vũ trụ – và là người đã đưa ra một sự thay thế gây tranh cãi cho thuyết Vụ nổ lớn về nguồn gốc của vũ trụ – song vẫn phải chật vật để kết nối với những người đồng loại của mình. Barss gắn công trình của ông vào cuộc sống, nắm bắt mọi cơ hội mà anh có được để liên kết các khái niệm lý thuyết trừu tượng với những thứ chúng ta có thể nhìn thấy và chạm vào trong thế giới hữu hình. Ngay trang đầu tiên, anh cho ta thấy một cảnh tượng ấm cúng khi Penrose thêm một chút sữa vào tách cà phê, "những giọt lactose, protein và chất béo lành lạnh" cuối cùng hòa tan vào chất lỏng nóng hơn kia – hình ảnh sống động về cách thức "vũ trụ không ngừng chuyển dịch hướng về entropy[1] lớn hơn" cho đến khi "ngay cả những lỗ đen cuối cùng còn lại rốt cuộc cũng sẽ sôi đến bốc hơi thành sự hủy diệt của bức xạ khuếch tán".

Đa phần văn phong trong “The Impossible Man” cũng khơi gợi tương tự. Là nhà báo chuyên viết về khoa học sống và làm việc tại Toronto, Barss luôn thấu hiểu cách thức các câu văn và cách kể chuyện, như các phương trình toán học và những bức phác họa đường nét của Penrose, có thể đưa chúng ta đến gần hơn với cái “thế-giới-đằng-sau-thế-giới”. Bản thân Penrose từ lâu đã nổi tiếng là người nhạy bén về thị giác. Ông kể lại lần đầu tiên được làm quen với sức mạnh của hình học khi mới là một đứa trẻ sáu tuổi kén cá chọn canh, ông đã rê một viên rau xanh hầm trên đĩa ăn trưa của mình thành hình bán nguyệt – bằng cách đó ông đánh lừa để bà bảo mẫu tin rằng ông đã ăn hết một nửa suất rau bina và cho phép ông ra ngoài chơi.



Hình học cũng đem lại cho chàng trai trẻ Penrose phương tiện để kết nối với người cha lạnh nhạt về cảm xúc của mình là Lionel. Ông kể lại Lionel đã kinh ngạc trước những cái bóng trên chiếc đồng hồ mặt trời, và dù Roger khi đó vẫn chưa có ngôn từ "để miêu tả một cái bóng hai chiều diễu hành qua một cấu trúc ba chiều đánh dấu chuyển động qua không-thời-gian bốn chiều", ông vẫn nhớ niềm vui hiện rõ trên mặt cha mình. "Ông đã thoáng thấy một thứ gì đó tuyệt vời đến nỗi thậm chí Lionel cũng xúc động vì thứ đó."

Những từ ngữ như “niềm hân hoan”, “cái đẹp” và “đẹp đẽ” xuất hiện nhiều lần trong “The Impossible Man”; Barss tao nhã truyền tải sự hồi hộp của việc khám phá, mà đối với Penrose đầy dự cảm thì khám phá ấy thường có xu hướng không đến bằng cách nghiền ngẫm các phương trình mà đến dưới dạng đốn ngộ. Công trình đoạt giải Nobel của ông về các điểm kỳ dị và lỗ đen phải mất nhiều năm nghiên cứu, nhưng rốt cuộc sự thấu thị đột phá đã đến với ông khi ông băng qua một con phố ở London.

Suy nghĩ về những bí ẩn ở giữa các thiên hà trong bốn chiều không gian là một chuyện, làm chồng và làm cha lại là chuyện khác. Barss cho ta thấy một bức tranh khắc nghiệt về cuộc sống gia đình đầy rắc rối của Penrose. Joan, người vợ đầu tiên, đã theo ông đến nhiều nơi giảng dạy nghiên cứu khác nhau trên khắp thế giới và nuôi dạy ba cậu con trai của họ. Ông có vẻ bối rối trước chứng trầm cảm của bà và thường rút lui vào văn phòng trong tầng hầm của mình, nơi ông bước vào qua một cánh cửa sập mà ông đã đục ra từ sàn phòng khách của họ. Các con trai miêu tả ông là người cha lãnh đạm, "hung hăng về mặt thể chất" với Joan. Khi Barss hỏi ông về hành vi bạo lực đó, Roger miêu tả người vợ phải chịu đựng đã lâu của mình thành một kẻ đã ép ông phải hành động như vậy. "Có lẽ đã có những lúc không còn lựa chọn nào khác," ông nói. "Tình trạng đó chẳng khác gì mạng nhện."

Barss cho thấy Penrose đã chất gánh nặng lên những người phụ nữ trong cuộc đời mình bằng những đòi hỏi và kỳ vọng lớn lao về mặt cảm xúc trong khi đền đáp cho họ rất ít ỏi. Hầu như suốt cuộc hôn nhân với Joan, ông cùng lúc theo đuổi một người phụ nữ trẻ hơn mà ông coi là nàng thơ của mình, dù cô không đồng cảm với những cảm xúc mãnh liệt của ông. Người vợ thứ hai của ông, Vanessa, là cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông và kém ông 34 tuổi; bà kể lại rằng ông ngày càng bị ám ảnh với những ý tưởng gây tranh cãi của mình về ý thức và sự sụp đổ lượng tử, tự liên kết mình với hầu như bất kỳ ai chịu lắng nghe. Vanessa đã vạch ra giới hạn ở lần xuất hiện đầu tiên của ông trên podcast của Joe Rogan năm 2018, sự xuất hiện này "thách thức niềm tin cơ bản của bà rằng bà và Roger vẫn còn bất kỳ giá trị chung nào". Họ đã chia tay sau hơn 30 năm bên nhau.

“Không-thời-gian hiện hữu ngoài kia,” chàng Penrose trẻ tuổi đã nói với một trong những giáo viên của mình. “Và em đang khám phá nó bằng cuộc đời mình.” Barss nhìn thấy vẻ đẹp trong khái niệm này đồng thời cũng ghi nhận thói quen của Penrose là viện dẫn vũ trụ để trốn tránh trách nhiệm. Cuốn tiểu sử này miêu tả Tôn ông Roger theo nhiều chiều; chỉ một nhà văn sắc sảo về mặt tâm lý như Barss mới có thể cho chúng ta thấy một người đàn ông bất khả một cách trọn vẹn.

[1] Entropy: là một khái niệm khoa học thường gắn liền với trạng thái hỗn loạn, ngẫu nhiên hoặc không chắc chắn.

THE IMPOSSIBLE MAN: Roger Penrose and the Cost of Genius | By Patchen Barss | Basic Books | 337 pp. | $32

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.

The Needy Genius Who Understood the Cosmos (People, Not So Much)

https://www.nytimes.com/2024/11/13/books/review/impossible-man-patchen-barss.html

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...