Search This Blog

Sunday, December 22, 2024

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,




Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho chúng ta thấy lịch sử đầy biến động của nghệ thuật, khoa học và đại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Chúa phù hộ Donald Fagen vì đã rủa xả những “chiên” gia làm phim tài liệu về dòng nhạc “Yacht Rock”. Và Chúa phù hộ Fagen vì đã sáng tác bài hát hay nhất về viễn cảnh tương lai nhìn từ quá khứ và mọi thứ đã trở nên tồi tệ ra sao: “I.G.Y. (What a Beautiful World)”, được đặt theo tên Năm Địa-Vật lý Quốc tế 1957-58, khi các nhà khoa học trên khắp thế giới hợp tác trong những dự án khám phá đầy tham vọng.

So sánh một cuốn sách với một bài hát thật không công bằng. Song cái tên "I.G.Y." [viết tắt của International Geophysical Year – Năm Địa-Vật lý Quốc tế] tối giản đó lướt qua như một kiểu đối âm trong cái thủ đang ong ong của tôi khi tôi đọc "A Century of Tomorrows" của Glenn Adamson, câu chuyện lịch sử có tiết tấu nhanh về ngành tương lai học được nhồi chặt hơn một viên nang thời gian Westinghouse[1] với những cái tên, những địa điểm, những ngày tháng, những vật thể và những viễn cảnh đầy xung đột và hy vọng.

Vậy tương lai học là gì? Được quy nguồn gốc cho nhà khoa học chính trị Ossip Flechtheim thời những năm 1940, từ này gợi lên những suy nghĩ mơ hồ về những quả cầu pha lê quay tít và Faith Popcorn, nhà tư vấn tiếp thị đã phổ cập thuật ngữ “cocooning” (“bọc kén”). (Ở đây bà là một nhân vật bị khinh miệt, những tuyên bố của bà “sáo rỗng, không thể xác thực về mặt thống kê và chắc chắn mời gọi sự thách thức”.) Đừng nhầm lẫn tương lai học với Chủ nghĩa vị lai, trào lưu tiên phong của Italy được khởi xướng đầu thập kỷ 1900 bởi một nhà thơ cho rằng các thư viện và món mì pasta đang lôi mọi người xuống dốc.

Adamson định nghĩa đại để nó là hoạt động dự đoán những gì sẽ xảy ra với xã hội trong một khoảng thời gian mở rộng, sử dụng bất kỳ hình thức nào, từ khoa học viễn tưởng đến các bảng tính toán tuổi thọ (bảo hiểm). Theo ý tưởng của ông thì Ridley Scott, Octavia Butler, Frank Lloyd Wright, Shulamith Firestone và Sun Ra đều đủ tư cách là các nhà tương lai học.

Nate Silver và Elon Musk chắc chắn cũng đủ tư cách như vậy, theo kiểu của họ, nhưng Adamson lại kết thúc nghiên cứu của mình ở năm 2000, con số dương lịch này được coi là hình ảnh thu nhỏ của Tương lai trong một thời gian khá là dài – ít nhất là từ cuốn tiểu thuyết "Looking Backward" (“Nhìn lại phía sau”) của Edward Bellamy ra mắt năm 1888 suốt cho đến tận cơn hoảng loạn Y2K – đến đỗi rốt cuộc khi nó đến lại thành ra cụt hứng.

Những người bói toán vẫn tồn tại từ xưa đến nay. Nhưng Adamson, nhà sử học và nhà giám tuyển từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Bảo tàng Victoria và Albert, cho chúng ta biết việc dự đoán tương lai đã trở thành một đại doanh nghiệp như thế nào.

Ông mở đầu bằng việc một hãng xuất bản ở London đã thương mại hóa bộ bài tarot năm 1909, những lá bài do Pamela Colman “Pixie” Smith thiết kế vẫn được dùng cho đến ngày nay. Ông miêu tả sự nổi lên của dự đoán bằng màu sắc – hãy nghĩ đến “màu hồng thiên niên kỷ” và “màu xanh brat” [xanh nõn chuối] – mà tại một thời điểm còn có cả một cố vấn cho chính phủ Mỹ đề xuất màu đỏ, trắng và xanh lam của lá cờ phải được chuẩn hóa. Ông đưa chúng ta trở lại buổi bình minh của máy tính cá nhân, cách thức mà cái gọi là Mẹ của mọi bản Demo của Doug Engelbart thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hồi năm 1968 đã gieo mầm cho thực tế ngày nay, một Quả táo (Apple) trong mỗi lòng bàn tay, được dự kiến sẽ hư hỏng và bị thay thế trong vòng vài năm.

Và ông miêu tả trào lưu phản văn hóa của cùng thời kỳ đó đã chống lại tương lai học để thuận theo tự nhiên và sống với hiện tại như thế nào. “Không được có một kế hoạch nào cả!” tờ The Oracle ở San Francisco khuyên như vậy. “Kế hoạch chính là cái luôn khiến chúng ta thất bại.” Khi Tổng thống Lyndon Johnson xuất hiện để diễn ngôn một cách khoa trương về hòa bình tại Hội chợ Thế giới năm 1964, những người biểu tình đã thét vang với ông ta, một người giơ cao tấm biển có dòng chữ: “Hội chợ Thế giới là thứ xa xỉ nhưng Thế giới Công bằng là thứ cần thiết”.

Adamson luôn cảnh giác với việc đề xuất về xã hội không tưởng của một nhóm có thể phải trả giá bằng sự xóa sổ của nhóm khác như thế nào: chẳng hạn như vụ thảm sát tại Wounded Knee, "cuộc va chạm của hai quan niệm xung khắc về ngày mai," niềm hy vọng trong Vũ điệu Ma[2] được tiên đoán bởi Wovoka nhà tiên tri người Mỹ bản địa và sự bạo lực trong Vận mệnh Hiển nhiên[3]. Theo lời ông, một số nhà tương lai học – Lewis Mumford, Alvin Toffler, John Naisbitt — không có tư tưởng tiến bộ đến mức dành lời khen ngợi những cộng sự nữ của họ.



Sự uyên bác và tiêu chuẩn đạo đức của ông rất rõ ràng; chúng ta hiển nhiên đang “trở lại tương lai” với những chuyến đi tư nhân hóa ra ngoài vũ trụ, đối đầu với A.I. và những khái niệm mới nguy hiểm về sự vĩ đại của nước Mỹ. Thế nhưng có quá nhiều thứ chồng chất trong “A Century of Tomorrows” đến nỗi bạn bắt đầu băn khoăn liệu công nghệ lỗi thời của cuốn sách này giữa các trang bìa có đủ để truyền tải thông điệp của nó hay không.

Nhưng nhiều nhân vật đã quá cố cũng được hồi sinh một cách thú vị ở đây, như nhà thiết kế công nghiệp Norman Bel Geddes, người có cuốn tự truyện “Miracle in the Evening” ("Phép màu buổi tối") đang nằm trong danh sách quà tặng Giáng sinh của tôi.

Trong cơn nhiệt huyết của mình đối với thế giới “được sắp xếp hợp lý” mà sau này Fagen có đề cập đến, Bel Geddes đã mường tượng ra “những chiếc ô tô, xe buýt và tàu hỏa phình to một cách đáng kể về phía đầu xe, như thể chúng chắc chắn không chờ đợi được để đến nơi chúng muốn đến”. (Ai còn cần đến thư viện – tôi nói giỡn – khi một cuộc tìm kiếm nhanh trên Google khẳng định rằng Barbara con gái ông đóng vai Midge, nhà thiết kế đồ lót đeo kính, đã khoe một chiếc áo nịt ngực không dây với nguyên lý tương tự trong bộ phim “Vertigo” của Alfred Hitchcock?)

Có gì đó của thứ cảm xúc được tập trung chủ yếu ở phần đầu trong "A Century of Tomorrows". Đó là một chiếc lều lớn, căng phồng với rất nhiều ý tưởng thú vị chen chúc bên trong, và bạn sẽ không phản đối nếu có một vài ống khí nén để phân loại và hút chúng ra.

[1] Nguyên văn “Westinghouse time capsule”: một trong hai ống kim loại hình con nhộng dài 90 inch, đường kính khoảng 9 inch, do Công ty Westinghouse Electric & Manufacturing (sau này là Westinghouse Electric Corporation) chế tạo. Một ống được chế tạo năm 1939 và ống còn lại được chế tạo năm 1965. Các ống này chứa đầy những đồ vật đương đại được sử dụng trong cuộc sống ở thế kỷ 20 tại Mỹ. Những đồ vật này được dự định để những người ở thiên niên kỷ thứ 7 (~ năm 6900) nhận được vì ý nghĩa lịch sử.

[2] Nguyên văn “Ghost Dance”: là nghi lễ được đưa vào nhiều hệ thống tín ngưỡng của người Mỹ bản địa. Theo lời giáo huấn của nhà lãnh đạo tinh thần của bộ tộc Paiute Phương Bắc là Wovoka, việc thực hành điệu nhảy này đúng cách thức sẽ tái hợp người sống với linh hồn người chết, đưa các linh hồn đi chiến đấu thay mặt họ, chấm dứt sự bành trướng về phía Tây của người Mỹ, và mang lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất cho người Mỹ bản địa trên khắp khu vực.

[3] Nguyên văn “Manifest Destiny”: là cụm từ thể hiện niềm tin ở nước Mỹ hồi thế kỷ 19 rằng những người sang định cư ở Mỹ có định mệnh bành trướng về phía tây sang Bắc Mỹ. Niềm tin này bắt nguồn từ chủ nghĩa biệt lệ và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn của Mỹ, ngụ ý sự lan tràn không thể tránh khỏi của hình thức cai trị Cộng hòa. Đây là một trong những biểu hiện sớm nhất của chủ nghĩa đế quốc Mỹ tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

A CENTURY OF TOMORROWS: How Imagining the Future Shapes the Present | By Glenn Adamson | Bloomsbury | 352 pp. | $32.99

Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010.

From Tarot Cards to Streamlined Design, We Can’t Stop Predicting the Future
https://www.nytimes.com/2024/12/08/books/review/a-century-of-tomorrows-glenn-adamson.html
Những người biểu tình trong ngày khai mạc Hội chợ Thế giới năm 1964 tại New York.

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...