Search This Blog

Sunday, December 22, 2024

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,




Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho chúng ta thấy lịch sử đầy biến động của nghệ thuật, khoa học và đại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Chúa phù hộ Donald Fagen vì đã rủa xả những “chiên” gia làm phim tài liệu về dòng nhạc “Yacht Rock”. Và Chúa phù hộ Fagen vì đã sáng tác bài hát hay nhất về viễn cảnh tương lai nhìn từ quá khứ và mọi thứ đã trở nên tồi tệ ra sao: “I.G.Y. (What a Beautiful World)”, được đặt theo tên Năm Địa-Vật lý Quốc tế 1957-58, khi các nhà khoa học trên khắp thế giới hợp tác trong những dự án khám phá đầy tham vọng.

So sánh một cuốn sách với một bài hát thật không công bằng. Song cái tên "I.G.Y." [viết tắt của International Geophysical Year – Năm Địa-Vật lý Quốc tế] tối giản đó lướt qua như một kiểu đối âm trong cái thủ đang ong ong của tôi khi tôi đọc "A Century of Tomorrows" của Glenn Adamson, câu chuyện lịch sử có tiết tấu nhanh về ngành tương lai học được nhồi chặt hơn một viên nang thời gian Westinghouse[1] với những cái tên, những địa điểm, những ngày tháng, những vật thể và những viễn cảnh đầy xung đột và hy vọng.

Vậy tương lai học là gì? Được quy nguồn gốc cho nhà khoa học chính trị Ossip Flechtheim thời những năm 1940, từ này gợi lên những suy nghĩ mơ hồ về những quả cầu pha lê quay tít và Faith Popcorn, nhà tư vấn tiếp thị đã phổ cập thuật ngữ “cocooning” (“bọc kén”). (Ở đây bà là một nhân vật bị khinh miệt, những tuyên bố của bà “sáo rỗng, không thể xác thực về mặt thống kê và chắc chắn mời gọi sự thách thức”.) Đừng nhầm lẫn tương lai học với Chủ nghĩa vị lai, trào lưu tiên phong của Italy được khởi xướng đầu thập kỷ 1900 bởi một nhà thơ cho rằng các thư viện và món mì pasta đang lôi mọi người xuống dốc.

Adamson định nghĩa đại để nó là hoạt động dự đoán những gì sẽ xảy ra với xã hội trong một khoảng thời gian mở rộng, sử dụng bất kỳ hình thức nào, từ khoa học viễn tưởng đến các bảng tính toán tuổi thọ (bảo hiểm). Theo ý tưởng của ông thì Ridley Scott, Octavia Butler, Frank Lloyd Wright, Shulamith Firestone và Sun Ra đều đủ tư cách là các nhà tương lai học.

Nate Silver và Elon Musk chắc chắn cũng đủ tư cách như vậy, theo kiểu của họ, nhưng Adamson lại kết thúc nghiên cứu của mình ở năm 2000, con số dương lịch này được coi là hình ảnh thu nhỏ của Tương lai trong một thời gian khá là dài – ít nhất là từ cuốn tiểu thuyết "Looking Backward" (“Nhìn lại phía sau”) của Edward Bellamy ra mắt năm 1888 suốt cho đến tận cơn hoảng loạn Y2K – đến đỗi rốt cuộc khi nó đến lại thành ra cụt hứng.

Những người bói toán vẫn tồn tại từ xưa đến nay. Nhưng Adamson, nhà sử học và nhà giám tuyển từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Bảo tàng Victoria và Albert, cho chúng ta biết việc dự đoán tương lai đã trở thành một đại doanh nghiệp như thế nào.

Ông mở đầu bằng việc một hãng xuất bản ở London đã thương mại hóa bộ bài tarot năm 1909, những lá bài do Pamela Colman “Pixie” Smith thiết kế vẫn được dùng cho đến ngày nay. Ông miêu tả sự nổi lên của dự đoán bằng màu sắc – hãy nghĩ đến “màu hồng thiên niên kỷ” và “màu xanh brat” [xanh nõn chuối] – mà tại một thời điểm còn có cả một cố vấn cho chính phủ Mỹ đề xuất màu đỏ, trắng và xanh lam của lá cờ phải được chuẩn hóa. Ông đưa chúng ta trở lại buổi bình minh của máy tính cá nhân, cách thức mà cái gọi là Mẹ của mọi bản Demo của Doug Engelbart thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hồi năm 1968 đã gieo mầm cho thực tế ngày nay, một Quả táo (Apple) trong mỗi lòng bàn tay, được dự kiến sẽ hư hỏng và bị thay thế trong vòng vài năm.

Và ông miêu tả trào lưu phản văn hóa của cùng thời kỳ đó đã chống lại tương lai học để thuận theo tự nhiên và sống với hiện tại như thế nào. “Không được có một kế hoạch nào cả!” tờ The Oracle ở San Francisco khuyên như vậy. “Kế hoạch chính là cái luôn khiến chúng ta thất bại.” Khi Tổng thống Lyndon Johnson xuất hiện để diễn ngôn một cách khoa trương về hòa bình tại Hội chợ Thế giới năm 1964, những người biểu tình đã thét vang với ông ta, một người giơ cao tấm biển có dòng chữ: “Hội chợ Thế giới là thứ xa xỉ nhưng Thế giới Công bằng là thứ cần thiết”.

Adamson luôn cảnh giác với việc đề xuất về xã hội không tưởng của một nhóm có thể phải trả giá bằng sự xóa sổ của nhóm khác như thế nào: chẳng hạn như vụ thảm sát tại Wounded Knee, "cuộc va chạm của hai quan niệm xung khắc về ngày mai," niềm hy vọng trong Vũ điệu Ma[2] được tiên đoán bởi Wovoka nhà tiên tri người Mỹ bản địa và sự bạo lực trong Vận mệnh Hiển nhiên[3]. Theo lời ông, một số nhà tương lai học – Lewis Mumford, Alvin Toffler, John Naisbitt — không có tư tưởng tiến bộ đến mức dành lời khen ngợi những cộng sự nữ của họ.



Sự uyên bác và tiêu chuẩn đạo đức của ông rất rõ ràng; chúng ta hiển nhiên đang “trở lại tương lai” với những chuyến đi tư nhân hóa ra ngoài vũ trụ, đối đầu với A.I. và những khái niệm mới nguy hiểm về sự vĩ đại của nước Mỹ. Thế nhưng có quá nhiều thứ chồng chất trong “A Century of Tomorrows” đến nỗi bạn bắt đầu băn khoăn liệu công nghệ lỗi thời của cuốn sách này giữa các trang bìa có đủ để truyền tải thông điệp của nó hay không.

Nhưng nhiều nhân vật đã quá cố cũng được hồi sinh một cách thú vị ở đây, như nhà thiết kế công nghiệp Norman Bel Geddes, người có cuốn tự truyện “Miracle in the Evening” ("Phép màu buổi tối") đang nằm trong danh sách quà tặng Giáng sinh của tôi.

Trong cơn nhiệt huyết của mình đối với thế giới “được sắp xếp hợp lý” mà sau này Fagen có đề cập đến, Bel Geddes đã mường tượng ra “những chiếc ô tô, xe buýt và tàu hỏa phình to một cách đáng kể về phía đầu xe, như thể chúng chắc chắn không chờ đợi được để đến nơi chúng muốn đến”. (Ai còn cần đến thư viện – tôi nói giỡn – khi một cuộc tìm kiếm nhanh trên Google khẳng định rằng Barbara con gái ông đóng vai Midge, nhà thiết kế đồ lót đeo kính, đã khoe một chiếc áo nịt ngực không dây với nguyên lý tương tự trong bộ phim “Vertigo” của Alfred Hitchcock?)

Có gì đó của thứ cảm xúc được tập trung chủ yếu ở phần đầu trong "A Century of Tomorrows". Đó là một chiếc lều lớn, căng phồng với rất nhiều ý tưởng thú vị chen chúc bên trong, và bạn sẽ không phản đối nếu có một vài ống khí nén để phân loại và hút chúng ra.

[1] Nguyên văn “Westinghouse time capsule”: một trong hai ống kim loại hình con nhộng dài 90 inch, đường kính khoảng 9 inch, do Công ty Westinghouse Electric & Manufacturing (sau này là Westinghouse Electric Corporation) chế tạo. Một ống được chế tạo năm 1939 và ống còn lại được chế tạo năm 1965. Các ống này chứa đầy những đồ vật đương đại được sử dụng trong cuộc sống ở thế kỷ 20 tại Mỹ. Những đồ vật này được dự định để những người ở thiên niên kỷ thứ 7 (~ năm 6900) nhận được vì ý nghĩa lịch sử.

[2] Nguyên văn “Ghost Dance”: là nghi lễ được đưa vào nhiều hệ thống tín ngưỡng của người Mỹ bản địa. Theo lời giáo huấn của nhà lãnh đạo tinh thần của bộ tộc Paiute Phương Bắc là Wovoka, việc thực hành điệu nhảy này đúng cách thức sẽ tái hợp người sống với linh hồn người chết, đưa các linh hồn đi chiến đấu thay mặt họ, chấm dứt sự bành trướng về phía Tây của người Mỹ, và mang lại hòa bình, thịnh vượng và thống nhất cho người Mỹ bản địa trên khắp khu vực.

[3] Nguyên văn “Manifest Destiny”: là cụm từ thể hiện niềm tin ở nước Mỹ hồi thế kỷ 19 rằng những người sang định cư ở Mỹ có định mệnh bành trướng về phía tây sang Bắc Mỹ. Niềm tin này bắt nguồn từ chủ nghĩa biệt lệ và chủ nghĩa dân tộc lãng mạn của Mỹ, ngụ ý sự lan tràn không thể tránh khỏi của hình thức cai trị Cộng hòa. Đây là một trong những biểu hiện sớm nhất của chủ nghĩa đế quốc Mỹ tại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

A CENTURY OF TOMORROWS: How Imagining the Future Shapes the Present | By Glenn Adamson | Bloomsbury | 352 pp. | $32.99

Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010.

From Tarot Cards to Streamlined Design, We Can’t Stop Predicting the Future
https://www.nytimes.com/2024/12/08/books/review/a-century-of-tomorrows-glenn-adamson.html
Những người biểu tình trong ngày khai mạc Hội chợ Thế giới năm 1964 tại New York.

Friday, December 13, 2024

Thiên tài nghèo túng mà thấu hiểu vũ trụ (người ta thì không)

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,
Roger Penrose tại Oxford University năm 1982.

Cuốn “The Impossible Man” (“Con người bất khả”) của Patchen Barss miêu tả Tôn ông Roger Penrose, nhà vật lý toán học người Anh và là người đoạt giải Nobel, với toàn bộ sự phức tạp phản truyền thống của ông.

Bảo tàng Khoa học ở Anh quốc lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Tôn ông Roger Penrose nhà vật lý toán học đoạt giải Nobel: những cuốn sách về ý thức và bản chất của không gian và thời gian; một bộ trò chơi trí uẩn bằng gỗ do vị bác sĩ cha ông chế tạo; mô hình của một trong những "vật thể bất khả" của gia đình Penrose – chiếc cầu thang mà người ta có thể đi lên hoặc đi xuống vô cùng tận.

Nhưng có lẽ đồ vật phi thường nhất cũng là đồ vật bình thường nhất: lốc bốn cuộn giấy vệ sinh Kleenex Quilted Peach. Kiểu chần ô trên mặt giấy phỏng theo một trong những mẫu họa tiết gạch lát không lặp lại của Penrose để tránh sự "lồng vào nhau", tức là nguy cơ có thể làm kẹt các ô vuông và các chỗ phồng không đẹp mắt trên cuộn giấy – thế nhưng chẳng có ai từ hãng Kleenex đã hỏi ý kiến ​​Penrose. Năm 1997, Pentaplex, công ty được thành lập để phát triển các ứng dụng thương mại thuộc công trình của ông, đã khởi kiện nhà sản xuất giấy vệ sinh Kimberly Clark. Theo lời tuyên bố của một giám đốc Pentaplex thời điểm đó: "Khi nói đến việc người dân xứ Đại Anh được mời chùi mông bằng thứ xem ra là công trình của một hiệp sĩ xứ này mà không được ông cho phép, thì phải kháng cự đến cùng".

Sau khi vụ kiện được giải quyết bằng thỏa thuận không thông qua tòa án, “Những mẫu gạch lát Penrose không còn làm bất kỳ ai bước vào nhà vệ sinh ngạc nhiên nữa”, Patchen Barss viết trong “The Impossible Man”, cuốn tiểu sử mới của anh về Tôn ông Roger. Barss đã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp gỡ Penrose, lúc này 93 tuổi, và trò chuyện với ông qua cuộc gọi video hoặc điện thoại hầu như hằng tuần trong suốt năm năm. Trong khi phần về giấy vệ sinh kết thúc có hậu, nhiều phần khác trong cuốn sách này lại chẳng được như vậy. “Ông luôn sẵn lòng trả lời các câu hỏi của tôi”, Barss viết trong một ghi chú của tác giả, “thậm chí khi trả lời là khó khăn hoặc đau khổ”.

Kết quả là một bức chân dung gây xúc động và gần gũi về một nhân vật đã mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về vũ trụ – và là người đã đưa ra một sự thay thế gây tranh cãi cho thuyết Vụ nổ lớn về nguồn gốc của vũ trụ – song vẫn phải chật vật để kết nối với những người đồng loại của mình. Barss gắn công trình của ông vào cuộc sống, nắm bắt mọi cơ hội mà anh có được để liên kết các khái niệm lý thuyết trừu tượng với những thứ chúng ta có thể nhìn thấy và chạm vào trong thế giới hữu hình. Ngay trang đầu tiên, anh cho ta thấy một cảnh tượng ấm cúng khi Penrose thêm một chút sữa vào tách cà phê, "những giọt lactose, protein và chất béo lành lạnh" cuối cùng hòa tan vào chất lỏng nóng hơn kia – hình ảnh sống động về cách thức "vũ trụ không ngừng chuyển dịch hướng về entropy[1] lớn hơn" cho đến khi "ngay cả những lỗ đen cuối cùng còn lại rốt cuộc cũng sẽ sôi đến bốc hơi thành sự hủy diệt của bức xạ khuếch tán".

Đa phần văn phong trong “The Impossible Man” cũng khơi gợi tương tự. Là nhà báo chuyên viết về khoa học sống và làm việc tại Toronto, Barss luôn thấu hiểu cách thức các câu văn và cách kể chuyện, như các phương trình toán học và những bức phác họa đường nét của Penrose, có thể đưa chúng ta đến gần hơn với cái “thế-giới-đằng-sau-thế-giới”. Bản thân Penrose từ lâu đã nổi tiếng là người nhạy bén về thị giác. Ông kể lại lần đầu tiên được làm quen với sức mạnh của hình học khi mới là một đứa trẻ sáu tuổi kén cá chọn canh, ông đã rê một viên rau xanh hầm trên đĩa ăn trưa của mình thành hình bán nguyệt – bằng cách đó ông đánh lừa để bà bảo mẫu tin rằng ông đã ăn hết một nửa suất rau bina và cho phép ông ra ngoài chơi.



Hình học cũng đem lại cho chàng trai trẻ Penrose phương tiện để kết nối với người cha lạnh nhạt về cảm xúc của mình là Lionel. Ông kể lại Lionel đã kinh ngạc trước những cái bóng trên chiếc đồng hồ mặt trời, và dù Roger khi đó vẫn chưa có ngôn từ "để miêu tả một cái bóng hai chiều diễu hành qua một cấu trúc ba chiều đánh dấu chuyển động qua không-thời-gian bốn chiều", ông vẫn nhớ niềm vui hiện rõ trên mặt cha mình. "Ông đã thoáng thấy một thứ gì đó tuyệt vời đến nỗi thậm chí Lionel cũng xúc động vì thứ đó."

Những từ ngữ như “niềm hân hoan”, “cái đẹp” và “đẹp đẽ” xuất hiện nhiều lần trong “The Impossible Man”; Barss tao nhã truyền tải sự hồi hộp của việc khám phá, mà đối với Penrose đầy dự cảm thì khám phá ấy thường có xu hướng không đến bằng cách nghiền ngẫm các phương trình mà đến dưới dạng đốn ngộ. Công trình đoạt giải Nobel của ông về các điểm kỳ dị và lỗ đen phải mất nhiều năm nghiên cứu, nhưng rốt cuộc sự thấu thị đột phá đã đến với ông khi ông băng qua một con phố ở London.

Suy nghĩ về những bí ẩn ở giữa các thiên hà trong bốn chiều không gian là một chuyện, làm chồng và làm cha lại là chuyện khác. Barss cho ta thấy một bức tranh khắc nghiệt về cuộc sống gia đình đầy rắc rối của Penrose. Joan, người vợ đầu tiên, đã theo ông đến nhiều nơi giảng dạy nghiên cứu khác nhau trên khắp thế giới và nuôi dạy ba cậu con trai của họ. Ông có vẻ bối rối trước chứng trầm cảm của bà và thường rút lui vào văn phòng trong tầng hầm của mình, nơi ông bước vào qua một cánh cửa sập mà ông đã đục ra từ sàn phòng khách của họ. Các con trai miêu tả ông là người cha lãnh đạm, "hung hăng về mặt thể chất" với Joan. Khi Barss hỏi ông về hành vi bạo lực đó, Roger miêu tả người vợ phải chịu đựng đã lâu của mình thành một kẻ đã ép ông phải hành động như vậy. "Có lẽ đã có những lúc không còn lựa chọn nào khác," ông nói. "Tình trạng đó chẳng khác gì mạng nhện."

Barss cho thấy Penrose đã chất gánh nặng lên những người phụ nữ trong cuộc đời mình bằng những đòi hỏi và kỳ vọng lớn lao về mặt cảm xúc trong khi đền đáp cho họ rất ít ỏi. Hầu như suốt cuộc hôn nhân với Joan, ông cùng lúc theo đuổi một người phụ nữ trẻ hơn mà ông coi là nàng thơ của mình, dù cô không đồng cảm với những cảm xúc mãnh liệt của ông. Người vợ thứ hai của ông, Vanessa, là cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông và kém ông 34 tuổi; bà kể lại rằng ông ngày càng bị ám ảnh với những ý tưởng gây tranh cãi của mình về ý thức và sự sụp đổ lượng tử, tự liên kết mình với hầu như bất kỳ ai chịu lắng nghe. Vanessa đã vạch ra giới hạn ở lần xuất hiện đầu tiên của ông trên podcast của Joe Rogan năm 2018, sự xuất hiện này "thách thức niềm tin cơ bản của bà rằng bà và Roger vẫn còn bất kỳ giá trị chung nào". Họ đã chia tay sau hơn 30 năm bên nhau.

“Không-thời-gian hiện hữu ngoài kia,” chàng Penrose trẻ tuổi đã nói với một trong những giáo viên của mình. “Và em đang khám phá nó bằng cuộc đời mình.” Barss nhìn thấy vẻ đẹp trong khái niệm này đồng thời cũng ghi nhận thói quen của Penrose là viện dẫn vũ trụ để trốn tránh trách nhiệm. Cuốn tiểu sử này miêu tả Tôn ông Roger theo nhiều chiều; chỉ một nhà văn sắc sảo về mặt tâm lý như Barss mới có thể cho chúng ta thấy một người đàn ông bất khả một cách trọn vẹn.

[1] Entropy: là một khái niệm khoa học thường gắn liền với trạng thái hỗn loạn, ngẫu nhiên hoặc không chắc chắn.

THE IMPOSSIBLE MAN: Roger Penrose and the Cost of Genius | By Patchen Barss | Basic Books | 337 pp. | $32

Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.

The Needy Genius Who Understood the Cosmos (People, Not So Much)

https://www.nytimes.com/2024/11/13/books/review/impossible-man-patchen-barss.html

Tuesday, December 3, 2024

Robert Smith của ban nhạc The Cure đã trở thành nhà hoạt động ngoan cường nhất vì nhạc rock như thế nào?

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Với album mới đầu tiên của ban nhạc của mình sau 16 năm ra mắt hôm thứ Sáu, ông hoàng áo đen của dòng nhạc post-punk bàn luận về việc phải chịu đựng theo cách chính ông lựa chọn và xung đột với công ty quyền lực nhất trong giới nhạc sống.

Tại Brighton Electric, mê cung của những không gian diễn tập nhạc rock trong một nhà ga xe điện cũ xây gạch ở thị trấn duyên hải nước Anh này [Brighton], những người trẻ tuổi vận chuyển lắp đặt đàn guitar chạy ra chạy vào trong khi tiếng nhạc thình thịch của các ban nhạc còn non trẻ vang vọng khắp tòa nhà.

Nhưng một hành lang phía sau dẫn đến một phòng thu riêng rộng rãi, chứa đầy thiết bị được sử dụng bởi The Cure – ban nhạc đoạt nhiều đĩa bạch kim đã định hình nên một nhánh u ám của dòng nhạc post-punk của Anh quốc, và đã phối âm những bản hit quốc tế với những tác phẩm gai góc như "Friday I'm in Love". Một tối Chủ Nhật gần đây, ban nhạc tụ họp để chuẩn bị cho những buổi biểu diễn quảng bá cho "Songs of a Lost World", album phòng thu đầu tiên của ban nhạc này sau 16 năm, ấn định ra mắt vào thứ Sáu này.

Ngồi cạnh hệ thống phần mềm mô phỏng cho đàn guitar của mình là Robert Smith, người đứng đầu ban nhạc, đang giải thích về sự miễn cưỡng của ông trong những năm gần đây khi trả lời phỏng vấn. "Thực ra tôi không muốn đầu óc mình bị cuốn trở lại với ý niệm rằng tôi là 'Robert Smith của The Cure'", ông vừa nói vừa nhướng một bên lông mày tô quầng xanh. "Nó không còn phù hợp với tôi nữa."



Robert Smith trên sân khấu năm 1989. “Songs of a Lost World” – album phát hành mới nhất của The Cure – là album phòng thu đầu tiên của ban nhạc này sau 16 năm.

Thế nhưng ở tuổi 65, ông vẫn là Robert Smith của The Cure không lẫn vào đâu được, trang phục đen tuyền một màu, môi tô son và mớ tóc đen rối tung là phong cách đặc trưng của ông, ​​giờ đã ngả sang màu tro xám. Ở thời kỳ đỉnh cao thương mại của ban nhạc The Cure hồi thập kỷ 1980 và 1990, ông là một ông hoàng sang trọng của sân khấu nhạc alternative, mái tóc cỏ khô bù xù của ông đã truyền cảm hứng không chỉ cho một phong cách ngoại hình mà còn cho toàn bộ kiểu cá tính indie-kid [thế hệ trẻ độc lập xa rời văn hóa chính thống] – một nghệ sĩ gothic rock si tình – trong khi ban nhạc này đã vạch một hướng đi xuyên qua nỗi lo âu sầu muộn ("Boys Don't Cry"), giai điệu du dương ("Just Like Heaven") và phác họa một phong cách neo-psychedelia mở rộng đầy tâm trạng ("Pictures of You") khiến ban nhạc này trở thành hình mẫu cho nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Khi giới thiệu The Cure vào Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll năm 2019, nhạc sĩ-ca sĩ Trent Reznor của ban nhạc Nine Inch Nails phát biểu rằng Smith đã sử dụng "tầm nhìn độc đáo của mình để tạo ra thứ hiếm có nhất – một thế giới tuyệt đối hoàn chỉnh và độc lập với âm thanh riêng, phong cách riêng, rung cảm riêng, tính thẩm mỹ riêng, các quy tắc riêng".

Được thành lập năm 1976, The Cure – với Smith là thành viên duy nhất chưa từng ra khỏi ban nhạc – vẫn đầy sức sống sau khi rời khỏi các thứ bậc cao của bảng xếp hạng, với lượng người hâm mộ trung thành đổ xô đến các buổi biểu diễn trực tiếp kéo dài ba giờ đồng hồ của nó. Gần đây, Smith cũng bất ngờ trở thành một tiếng nói nổi bật kêu gọi cải cách trong cái thế giới bán vé hòa nhạc như mê hồn trận, nơi giá cả quay cuồng ngoài tầm kiểm soát và thường khiến người hâm mộ cảm thấy nản lòng, bối rối hoặc bị lừa đảo.

Trong loạt bài đăng trên mạng xã hội năm ngoái – những bài đăng đã củng cố tinh thần người hâm mộ và thu hút sự quan tâm của ngành âm nhạc – Smith đã khiến mọi người tập trung chú ý đến những vấn đề xung quanh việc bán vé cho chuyến lưu diễn gần đây nhất của ban nhạc. Ông đã xoáy vào những lời phàn nàn của người hâm mộ, xỉ vả bọn đầu cơ vé và phàn nàn với công ty bán và phân phối vé Ticketmaster về các khoản phí mà trong một số trường hợp đã tăng gấp đôi giá phải trả cho một đơn hàng. "Tôi cũng phát ớn không kém gì tất cả các bạn", ông nói với người hâm mộ trong một bài đăng đặc trưng toàn chữ in hoa trên mạng xã hội X.

Lên tiếng chỉ vài tháng sau vụ thảm họa của Ticketmaster trong đợt bán vé trước cho chuyến lưu diễn Eras Tour của Taylor Swift, những nỗ lực của ông đã chất thêm áp lực lên công ty này và Live Nation công ty mẹ của nó, và thể hiện quyền lực mà một ngôi sao có thể sử dụng, chỉ cần họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Chỉ trong vòng một ngày sau khi Smith khiếu nại, Ticketmaster đã đồng ý xuất tiền hoàn lại một phần cho người hâm mộ.

“Đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi nghĩ rằng ‘Không, tôi sẽ không cho qua chuyện này’,” Smith hồi tưởng lại. “Và thế là tôi đã không cho qua.”

Trong hơn hai giờ đồng hồ trò chuyện, Smith nói về quá trình ấp ủ ý tưởng rất dài cho "Songs of a Lost World", cuộc chuyển đổi sự nghiệp muộn màng của ông sang quản lý trực tiếp việc kinh doanh của The Cure và những bài học ông rút ra từ cuộc đụng độ với công ty quyền lực nhất trong lĩnh vực nhạc sống. Khác xa với hình ảnh con người buồn rầu u ám mà người nghe có thể mường tượng qua các bài hát của ông, Smith thích tán gẫu và cởi mở, trả lời bằng những câu dài, sâu sắc và mỉm cười với sự hài hước tự trào của mình.

Và ông đã nói với sự ngạc nhiên nào đó chỉ vì đã sống qua một cuộc đời nhạc rock, đến thời điểm mà The Cure hiện đang tiến gần đến dấu mốc nửa thế kỷ – một dấu mốc kỳ lạ đối với một người đã hát những lời "Hôm qua tôi đã già đến thế, tôi cảm thấy như mình có thể chết" từ năm 1985.

“Nếu tôi quay lại thời trẻ tuổi, dự định của tôi là cứ tiếp tục làm việc này cho đến khi tôi ngã xuống,” Smith nói trong phòng thu. “Ý niệm của tôi về thời điểm ngã xuống tôi đâu có già đến thế này.”

“SONGS OF A LOST WORLD”, album phòng thu thứ 14 của The Cure, suýt chút nữa đã chẳng bao giờ xuất hiện.

Khi đội hình cuối cùng của The Cure tan rã, sau chuyến lưu diễn tiếp theo album "4:13 Dream" ra mắt năm 2008 của ban nhạc này, Smith nói rằng ông cảm thấy kiệt quệ. Ông không còn muốn tham gia ban nhạc nữa và đã cân nhắc đến việc thực hiện một album đơn ca. Nhưng sau một thời gian nghỉ ngơi, ông đã tái cấu hình ban nhạc và đến năm 2011 đã tái khởi động nó như một phương tiện biểu diễn nhạc sống; trong gần một thập kỷ, The Cure chỉ lưu diễn bằng danh mục cũ dày đặc của mình, không có bản thu âm mới nào (mặc dù có một số lời châm chọc trong suốt thời gian đó).

Smith vẫn đang viết ca khúc, và sau khi tổ chức và giám sát đại nhạc hội Meltdown ở London năm 2018 – kỷ niệm 40 năm đĩa đơn đầu tiên của The Cure – ông cảm thấy được tiếp thêm sinh lực. Các buổi thu âm vào năm sau đó đã tạo ra đủ tư liệu cho nhiều album, mặc dù đại dịch covid đã trì hoãn việc hoàn thành chúng.

Sau khi rời khỏi London, Smith làm việc ở studio tại nhà ông tọa lạc trên bờ biển phía nam Anh quốc: ông đã đi qua hơn 30 năm trong cuộc thay đổi lối sống quyết liệt sau nhiều năm uống rượu và sử dụng ma túy ở cấp-độ-ngôi-sao-nhạc-rock. Ông đã kết hôn 36 năm và cuộc sống hàng ngày của ông khiến ta liên tưởng đến những cuốn nhật ký lộn xộn của một người trung lưu về hưu và một đạo diễn có phong cách cá nhân mạnh mẽ bị ám ảnh. Ông vừa đi bộ đường dài vừa nghe nhạc trên iPod và chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh.

“Tôi có phòng nhạc ở nhà,” ông nói. “Đêm thứ Bảy lý tưởng với tôi thường chỉ là uống vài ly và tạo ra tiếng ồn thật ầm ĩ. Tôi muốn nói đó là lý do vì sao tôi muốn tham gia một ban nhạc.”

Nhưng “Songs of a Lost World,” mà theo lời Smith là album mở đầu cho một bộ ba album có khả năng được thực hiện, là một trong những album đen tối nhất mà ông từng thực hiện. Đây là một chuỗi tám ca khúc về nỗi tuyệt vọng, giận dữ và những suy nghĩ u ám về một cuộc đời – và có thể là về một hành tinh – đã rơi vào cái mà ông gọi là “sự trượt dốc không phanh”. Ca khúc mở đầu “Alone” gợi nhớ đến “Disintegration”, kiệt tác psychedelic u ám của ban nhạc này từ năm 1989. Với một tiết tấu đều đều chậm rãi của các nhạc cụ điện tử, bass và piano tạo nên một cảnh nền hoành tráng bị vỡ vụn, Smith hát những câu được chuyển thể từ thơ của thi sĩ Ernest Dowson thời Victoria (“Đây là dấu chấm hết cho mọi bài ca mà chúng ta hát”) bằng giọng tenor thổn thức có thể nhận ra ngay của ông.

"Mọi người rất sợ chọc giận Live Nation và Ticketmaster,” Smith nói. “Trên thực tế, điều đó thật kỳ cục, bởi vì quyền lực của người nghệ sĩ, đó mới là quyền lực tối thượng."



"Tôi cho rằng lẽ đương nhiên khi bạn già đi, bạn sẽ cảm thấy ngày càng thất vọng với những gì đang diễn ra,” Smith nói. “Vì rằng trước đây bạn đã chứng kiến ​​tất cả những thứ đó và bạn thấy những sai lầm tương tự đang lặp lại. Và tôi cảm thấy như chúng ta đang đi giật lùi."

Ca khúc “A Fragile Thing” nói về một mối quan hệ căng thẳng lên đến đỉnh điểm, có một nhịp điệu bass kiểu The Cure kinh điển – sôi động và dầy dặn – do Simon Gallup chơi, người đã là một thành phần của ban nhạc này hầu như suốt thời kỳ hoạt động gần năm thập kỷ của nó. Đội hình trong “Songs of a Lost World” cũng bao gồm hai nhạc công lâu năm, Jason Cooper chơi trống và Roger O’Donnell chơi keyboard, cùng tay guitar Reeves Gabrels, người đã có mối quan hệ lâu dài với David Bowie và đã tham gia The Cure từ năm 2012.

Theo lời Smith, ca từ của album mới này phản ánh những câu chuyện cá nhân về mất mát và cái chết; ca khúc "I Can Never Say Goodbye" nói về cái chết của anh trai Smith là Richard, người đã đưa ông đến với âm nhạc của Jimi Hendrix, thần tượng từ thời thơ ấu của Smith. "Songs of a Lost World" mới chỉ là album thứ hai của The Cure (sau album "The Head on the Door", ra mắt 39 năm trước) mà Smith là người duy nhất sáng tác tất cả các ca khúc cho nó.

Thế nhưng cảm giác về một sự tan vỡ rộng khắp hơn thấp thoáng đằng sau hầu hết mọi ca khúc. Một phiên bản ban đầu của "Warsong", về mối quan hệ xung đột triền miên, đã động chạm trực tiếp hơn đến những chủ đề chiến tranh bất tận của thế giới. Song Smith đã cố gắng giữ cho các ca khúc đó không mang màu sắc chính trị rõ rệt. Một trong những lý do, theo lời ông, ông sẽ là mục tiêu dễ dàng cho những lời phàn nàn.

"Tôi tô son môi, tôi 65 tuổi ," ông nói. "Tôi đâu phải là người đứng lên để nói thế giới này đang gặp vấn đề gì."

NHƯNG SMITH KHÔNG lùi bước trước tranh đấu, như đã thấy rõ từ vụ ông đấu tranh với Ticketmaster năm ngoái.

Đối với chuyến lưu diễn ở Bắc Mỹ đầu tiên của The Cure sau bảy năm, Smith kiên quyết giữ giá vé vừa phải, đảm bảo rằng mỗi địa điểm tổ chức đều có chỗ ngồi với giá vé 20USD hoặc 25USD – mức giá khởi điểm cực kỳ thấp đối với một chương trình biểu diễn tại sân vận động vào thời điểm mà giá phải trả trung bình cho một vé ngồi tại một trong 100 chuyến lưu diễn hàng đầu là 131USD, theo tạp chí thương mại âm nhạc Pollstar.

Một phần, ông nghĩ đến những người hâm mộ trẻ tuổi nhất của mình. Mặc dù ông không có con cái, "Tôi hiện có một gia đình rất lớn, một gia đình rộng mở hơn", ông nói. "Và tôi biết họ phải chật vật đến thế nào để sống được."

Đã có dấu hiệu rắc rối ngay từ đầu. Các đối tác kinh doanh của ban nhạc này khăng khăng một mực rằng giá vé đó không thực tế, rằng kế hoạch của Smith "đi ngược lại mọi thông lệ kinh doanh đã được chứng minh và rằng đó sẽ là một thảm họa hoàn toàn", Smith nói.

Nhưng ông không chấp nhận điều ấy. Những năm sau album "4:13 Dream", The Cure không có thương hiệu hoặc ban quản lý, và Smith bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng về nguyên lý kinh tế của ngành kinh doanh mà ông tham gia từ thuở thiếu thời. Ông quyết định rằng một chuyến lưu diễn có thể được thực hiện có lãi với ngân sách thấp và giá vé khiêm tốn. Để đảm bảo rằng vé đến tay người hâm mộ chứ không phải bọn đầu cơ vé, ông sử dụng hệ thống đăng ký Người hâm mộ được xác nhận của Ticketmaster và không cho phép chuyển nhượng vé. Ban nhạc cũng không sử dụng cách định giá động, tức là cho phép giá dao động (thường là tăng) theo nhu cầu – một mưu mẹo được các ngôi sao như Bruce Springsteen, Beyoncé và Oasis sử dụng, và Smith cay đắng gọi cách này là "lừa đảo".

Ngay sau khi vé được bán ra, mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn. Người hâm mộ phàn nàn về các vấn đề, và những kẻ đầu cơ vé thậm chí còn giao dịch các tài khoản Ticketmaster "quá hạn" để kiếm được vé của The Cure. Rồi sau đó, một ảnh chụp màn hình nảy ra qua mạng xã hội cho thấy phí đã bị cộng thêm 92 USD vào đơn hàng bốn vé 20USD. Ngày 15/3/2023, Smith tuyên bố ông đã yêu cầu Ticketmaster làm rõ các khoản phí đó; ngày hôm sau, ông cho biết công ty này đồng ý trả lại đến 10USD cho mỗi đơn hàng của Người hâm mộ đã được xác nhận. Trong cuộc phỏng vấn podcast hồi năm ngoái, giám đốc điều hành của Live Nation là Michael Rapino cho biết quyết định này khiến công ty mất "khoảng một triệu USD".

Nói đến chuyện này, Smith vẫn giận sôi sùng sục khi nghĩ đến những lần tương tác với những gã khổng lồ trong ngành nhạc sống đó.

“Điều thúc đẩy tôi hành động là vì họ không coi trọng tôi. Chỉ có vậy thôi,” Smith nói. “Một cá nhân nào đó đã nói chuyện với tôi theo một kiểu nào đó. Và có gì đó trong tôi nói: Thế à? Bạn biết đấy, nó như kiểu một khoảnh khắc trong bức biếm họa ‘Run along, Sonny’ (‘Biến đi, Sonny’) vậy.”

“Và nó cứ dần leo thang cho đến khi tôi nghĩ: ‘Không, tôi sẽ không lùi bước. Điều này quyết định cách tôi muốn nó được giải quyết,’” ông nói thêm. “Theo quan điểm không giống ai của tôi về thế giới, tôi cho rằng vì chúng tôi đang thực hiện các chương trình, và chúng tôi là chính chúng tôi, nên chúng tôi ở thế thượng phong.”

Sự kiện này lan truyền một phần vì nó rất hiếm. Trong ngành âm nhạc được hợp nhất rất chặt chẽ ngày nay, hầu như không có nghệ sĩ nào ngang hàng với Smith thực hiện vai trò người tố giác. Và Smith vẫn thất vọng vì sự im lặng công khai mà các nghệ sĩ khác dành cho ông.

"Mọi người rất sợ chọc giận Live Nation và Ticketmaster,” Smith nói. “Trên thực tế, điều đó thật kỳ cục, bởi vì quyền lực của người nghệ sĩ, đó mới là quyền lực tối thượng."

Sự kiện này cũng trở thành điểm nóng trong các khiếu nại từ lâu đã chồng chất về quyền lực rộng khắp của Live Nation trong ngành kinh doanh hòa nhạc, hiện là tâm điểm của vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp đệ đơn. Bộ này cáo buộc Live Nation là công ty độc quyền bất hợp pháp mà hoạt động kinh doanh của nó kìm hãm cạnh tranh và đẩy giá lên cao đối với người tiêu dùng.

Trong một tuyên bố, Ticketmaster cho biết: “The Cure thật đáng khen ngợi, giá vé của họ thấp hơn nhiều so với mức thông thường đến độ ngay cả mức phí thấp nhất do các địa điểm biểu diễn đặt ra cũng không hợp lý. Chúng tôi đã vào cuộc để giúp người hâm mộ bằng cách hoàn lại phí. Và kể từ đó, chúng tôi đã tích cực giám sát phí đối với những vé có giá thấp hơn. Khi các show diễn chính thức bắt đầu, một số địa điểm giảm phí, một số giữ nguyên và trong một số trường hợp, Ticketmaster đã vào cuộc để bù đắp một phần phí.”

Công ty này cũng lưu ý rằng hầu hết các khoản phí dịch vụ của họ được chi trả cho các địa điểm biểu diễn. Trong chuyến lưu diễn của The Cure, nhiều địa điểm trong số đó thuộc sở hữu hoặc được quản lý bởi Live Nation.

Rốt cuộc chuyến lưu diễn đó đã trở thành chuyến lưu diễn thành công nhất từ ​​trước đến nay của The Cure, bán ra được khoảng 37,5 triệu USD tiền vé ở Bắc Mỹ (bao gồm cả các chặng ở châu Âu và Nam Mỹ). Smith cũng tự hào về doanh số bán hàng hóa; bằng cách chào bán áo phông với giá 25USD thay vì 50USD, ông cho biết, The Cure đã bán được gấp đôi số lượng.

“Nếu tôi quay lại thời trẻ tuổi, dự định của tôi là cứ tiếp tục làm việc này cho đến khi tôi ngã xuống,” Smith nói. “Ý niệm của tôi về thời điểm ngã xuống tôi đâu có già đến thế này.”



Tuy thế, ông chế giễu một ý kiến cho rằng chiến dịch của ông là một thắng lợi. Ông gọi sự kiện đó chỉ là một "cuộc giao tranh", và nói rằng khoản hoàn tiền của Ticketmaster về cơ bản không thay đổi bất kỳ điều gì trong một hệ thống được thúc đẩy để tối đa hóa lợi nhuận bằng phí tổn mà người hâm mộ phải gánh.

“Live Nation được coi là đã nhượng bộ,” ông nói. “Nhưng quyết định của họ được đưa ra vì trông nó có vẻ tốt đẹp. Đó chỉ là cách công chúng nhìn nhận.” Ông nói thêm, với vẻ tức giận: “Trong bức tranh toàn cảnh, nó giống như khoản tiền thối lại vặt vãnh.”

Tuy nhiên, theo lời Kevin Erickson, giám đốc điều hành của nhóm vận động Future of Music Coalition, bằng cách thách thức hệ thống đó, Smith đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ cân nhắc thay đổi cách lưu diễn của họ.

“Ở điểm này Robert đã làm một việc đáng kinh ngạc,” Erickson nói. “Việc ấy đã khích lệ rất nhiều nghệ sĩ mà ông có ảnh hưởng tới họ, và họ đang bàn tán nhiều hơn về những điều này, dù rằng đây không phải là những cuộc trò chuyện đã đạt đến mức độ để phương tiện truyền thông đưa tin.”

Smith nói rõ rằng ông không hối tiếc.

“Ở mức độ khiêm tốn thôi, do thấu hiểu chúng ta làm thế nào và chúng ta làm cái gì,” Smith nói, “khi chúng tôi thực sự bước ra sân khấu và tôi trở thành người đứng hát kia, tôi cảm thấy rất vui với cách thức mà chúng tôi đã đạt được thành công.”

Ben Sisario, a reporter covering music and the music industry, has been writing for The Times for more than 20 years.

How Robert Smith of the Cure Became Rock’s Most Dogged Activist 
https://www.nytimes.com/2024/11/01/arts/music/robert-smith-cure-songs-of-a-lost-world-ticketmaster.html

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...