Search This Blog

Wednesday, November 6, 2024

Sự đột nhập của một người vào khu vực đầu não của phe cực hữu

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Quan ngại trước sự chia rẽ chính trị của nước nhà, Jeff Sharlet dấn thân vào cuộc tìm kiếm đầy thống khổ nhằm hiểu được nguyên nhân sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan phản dân chủ. Trong cuốn “The Undertow” (“Sóng dội”), ông ghi lại những điều ông đã khám phá ra.

Tiền đề của “The Undertow”, cuốn sách phóng sự mới đầy thống khổ của Jeff Sharlet, là Hợp chúng quốc đang “tan rã”. Sự tan rã là về mặt chính trị. Nó liên quan đến sự nổi dậy của Donald Trump có khuynh hướng chuyên quyền, đến nỗ lực của các thành viên Đảng Cộng hòa nhằm lật ngược kết quả bầu Tổng thống Joe Biden hồi tháng 1/2021 và, trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden, liên quan đến việc Tòa án Tối cao lật ngược lại phán quyết về vụ Roe kiện Wade.

Sự thao túng cực đoan của các quan chức cánh hữu, nếu có thể nói rằng thế, chỉ càng thêm mãnh liệt. Trong vài tuần vừa qua, các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa đã đưa ra các dự luật quy định, thật chứ chẳng bỡn, xóa sổ Đảng Dân chủ ở Florida và tử hình những phụ nữ phá thai ở Nam Carolina. Tòa án Tối cao yêu cầu cung cấp thêm thông tin tóm tắt trong vụ án về “học thuyết cơ quan lập pháp bang độc lập”, một học thuyết pháp lý-chính trị sai trái, mà nếu được thông qua thành luật, sẽ cho phép các cơ quan lập pháp của Đảng Cộng hòa (được phân chia gian lận để giành phần thắng trong bầu cử) thực sự chấm dứt các cuộc bầu cử liên bang dân chủ ở các bang của họ. Nghị sĩ Hạ viện Marjorie Taylor Greene, thành viên Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện, đã đề xuất ý tưởng về một cuộc “chia tách quốc gia” dọc theo giới tuyến các bang đỏ và xanh. Tiền đề của Sharlet xem ra có vẻ có cơ sở vững chắc.

Sharlet thừa nhận cách đây chưa lâu ông không chịu miêu tả mối đe dọa đối với nền Cộng hòa là “chủ nghĩa phát xít”. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự ​​phản đối việc miêu tả chủ nghĩa Trump hiếu chiến là phát xít dần dà biến mất. Ngoài “nhân cách” của Trump, phong trào mà nhiệm kỳ tổng thống của ông ta đẩy mạnh hiện đang nuôi dưỡng các lực lượng bán quân sự và tôn vinh bạo lực như phương tiện thanh lọc, phát triển mạnh mẽ nhờ việc phân biệt chủng tộc đối với kẻ thù, tuyên bố mình bị ngược đãi vì là “Da trắng”, chẩn đoán nước nhà là suy đồi và ôm chặt lấy huyền thoại của chủ nghĩa xét lại về một quá khứ HÃY LÀM NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI THÊM LẦN NỮA.

Thế sự thu hút của chủ nghĩa phát xít này đối với hàng triệu người Mỹ bình thường sẽ được lý giải bằng cái gì? Đây là câu hỏi quan trọng, đặc biệt là vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa cuồng tín phản dân chủ của cánh hữu ở Mỹ không có tiền lệ chính đáng. Chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và các quốc gia hậu thuộc địa hồi sinh là phản ứng đối với sự suy sụp kinh tế xã hội và tình trạng nghèo đói thảm khốc. Trái lại, phiên bản Mỹ phát triển mạnh mẽ trong một xã hội rất giàu có theo các tiêu chuẩn lịch sử và toàn cầu. Đảng phái chính trị của nó – Đảng Cộng hòa – đang hưởng quyền lực đã được củng cố vững bền, và những kẻ ủng hộ nó cùng các đồng minh doanh nghiệp khó lòng là nạn nhân của tình trạng xã hội hiện tại. Các yếu tố phi vật chất – văn hóa, chủng tộc, địa lý, hệ tư tưởng – phải tham gia vào. Những yếu tố này có thể là gì? “Thuyết thần học” về nguyên nhân đó, phỏng theo thuật ngữ của Sharlet, là gì?

Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này, ông lao vào cuộc thám hiểm nhân chủng học một-mình kéo dài nhiều năm vào khu vực đầu não của phe cực hữu. Là tác giả của hai cuốn sách về những mối nguy hiểm chính trị do chủ nghĩa Toàn thống Thiên chúa giáo gây ra, ông hiểu rõ lĩnh vực của mình. Ông tham dự các cuộc vận động tranh cử cho Trump (với tư cách là ứng cử viên và tổng thống); ông lái xe khắp đất nước với nỗ lực lần theo dấu vết di sản chính trị-tinh thần của Ashli ​​Babbitt, người nổi dậy bị bắn chết tại Điện Capitol vào Ngày 6/1; ông giao thiệp với các mục sư, những kẻ cuồng súng ống, những tín đồ của phong trào QAnon, các loại lực lượng dân quân và những nghi phạm thông thường khác. Kết quả là một bức tranh cắt dán tỉ mỉ sinh động và hấp dẫn về sự rối loạn chính trị và đạo đức ở Mỹ, một bức tranh phù hợp một cách kinh hoàng với nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của những người theo chủ nghĩa tự do.



Hầu hết các cuộc gặp gỡ của Sharlet đều theo cùng một kiểu cấu trúc cơ bản: ông tiếp cận đối tượng cánh hữu của mình với sự khiêm nhường, thân thiện và tinh thần rộng lượng. Cuộc tương tác là ví dụ minh họa ngắn gọn cho lý tưởng xưa về sự đồng quan điểm đầy thiện chí với nhau; và sau đó là những tín điều của người đối thoại với ông (về ý Chúa, về những đảng viên Đảng Dân chủ thích ấu dâm, về những quyền lực của Trump mà người ta không biết đến, về sự cần thiết của vũ trang tự vệ, v.v.) tự bộc lộ trong lối suy nghĩ tuyệt đối khoan nhượng, đe dọa và ảo tưởng của họ. Sharlet rời khỏi nơi gặp gỡ đó mà cảm thấy rúng động và bi quan hơn bao giờ hết.

Một cốt truyện phụ của cuốn sách là trạng thái thể chất và tinh thần yếu ớt của tác giả. Là người đàn ông trung niên đã trải qua hai cơn nhồi máu cơ tim, ông bị huyết áp cao khi lo lắng và khi đi lại phải mang theo những viên thuốc chữa bệnh tim mạch. (Ông cũng đang cư tang người mẹ kế mà ông yêu quý, tro cốt của bà này được ông chở theo trong ô tô của mình.) Ông thoải mái thừa nhận tình trạng yếu ớt và những nhược điểm của mình, nói không với quan điểm ngạo mạn đặc trưng của các bậc tiền bối văn chương như Joan Didion và V.S. Naipaul. Thật vậy, là một nhà viết tiểu luận, tính chân thực và nghiêm túc của Sharlet bắt nguồn từ tính cách sợ sệt, dễ bị tổn thương của ông, điều này mang lại cho ông sự tín nhiệm về mặt đạo đức mà một nhà văn có vẻ trung lập có lẽ không có.

Sharlet đưa ra một số ý tưởng, hay ho nhất là Chủ nghĩa Trump, với việc nó theo đuổi các thuyết âm mưu, với việc nó không tin tưởng vào kiến ​​thức khoa học và học thuật, với việc nó phân chia thế giới thành những tín đồ và phi tín đồ, tương đồng với hoặc cùng dự phần vào truyền thống Ngộ đạo, với việc nó nhấn mạnh vào ảo tưởng và sự giác ngộ, vào sự thông thái nghịch lý, vào sự thấu thị bí truyền. Song rốt cục ông không bị sa đà vào bất kỳ cái gì trong số đó. Cứ như thể chủ đề của ông không mang quá nhiều suy ngẫm về khái niệm, nên những thách thức chính trị thực tế mà nó gợi ra rất nghiêm trọng và cấp bách.

Như tiêu đề cuốn sách của ông ngụ ý, Sharlet tin rằng những gì ông đang ghi lại có thể chẳng là gì khác ngoài “sóng dội lại từ cuộc nội chiến”. Ông phát hiện ra rằng dự đoán về cuộc nội chiến đã khích động mạnh các nhóm cực hữu. Mặc dù giữ vững lòng tin vào tấm gương đạo đức và chính trị của các ca sĩ kiêm nhà hoạt động Harry Belafonte và Lee Hays (những người mà ông lần lượt dành toàn bộ chương đầu tiên và cuối cùng tuyệt đẹp của cuốn sách này viết về họ), Sharlet thừa nhận ông vẫn quan ngại sâu sắc.

Có thể nói rằng bất cứ ai dành quá nhiều thời gian với những kẻ cực đoan chính trị sẽ nảy ra nỗi lo sợ quá mức về chủ nghĩa cực đoan chính trị. Nhưng cũng có thể nói rằng sự tự mãn đã là một nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta phải đối mặt với tình huống một trong hai đảng chính trị của chúng ta không còn tận tâm với nền dân chủ tự do nữa. Jeff Sharlet không đề xuất một giải pháp thiết thực nào cho vấn đề này, song cuốn sách này là cách ông gióng lên tiếng chuông cảnh báo.

THE UNDERTOW: Scenes From a Slow Civil War | By Jeff Sharlet | Illustrated | 337 pp. | W.W. Norton & Company | $28.95

Joseph O’Neill’s novels include “Netherland,” which received the PEN/Faulkner Award for fiction, and “Godwin,” forthcoming next year.

https://www.nytimes.com/2023/03/21/books/review/the-undertow-jeff-sharlet.html

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...