nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Những nghệ sĩ ở thế kỷ 19 như Viktor Oliva biến “nàng tiên xanh” thành bất tử, vừa như nàng thơ vừa như cô nhân tình hay ghen, gây nghiện. |
Cuốn “The Absinthe Forger” (“Kẻ làm giả rượu Absinthe”) của Evan Rail dẫn người đọc vào chuyến đi kiểu du thủ du thực xuyên qua thế giới của những nhà sưu tập rượu cổ điển để truy đuổi một kẻ lừa đảo.
“Nếu bạn nếm thử loại rượu absinthe mà người ta cho là đã được cất cách đây một thế kỷ hoặc hơn, bạn thậm chí có biết mình phải trông đợi điều gì không?” Evan Rail hỏi. Đây là câu hỏi then chốt khiến anh viết cuốn sách mới “The Absinthe Forger: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit” (“Kẻ làm giả rượu absinthe: Câu chuyện có thật về sự lừa dối, phản bội và loại rượu nguy hiểm nhất thế giới”), cuốn sách mà, cùng với câu chuyện trinh thám đầy hứa hẹn, dẫn đến cuộc hội thảo độc lập sôi nổi về sự cám dỗ – cũng như văn hóa và lịch sử của loại rượu rất hiểm độc này và tai tiếng gây ra sự điên loạn và giết người của nó.
Được đặt cho biệt danh là Nàng tiên xanh vì màu sắc thường thấy nhất của nó, rượu absinthe đã truyền cảm hứng cho Oscar Wilde, Vincent van Gogh, Henri de Toulouse-Lautrec, Ernest Hemingway và nhiều tác gia, nghệ sĩ khác, những người tìm thấy ở nó một nàng thơ bằng chất lỏng – chưa kể đến một đám đông công chúng chỉ thích uống. Cách truyền thống của Pháp để thưởng thức món đồ uống pha chế đặc biệt (thêm hương vị hồi, thì là và loại ngải tây Artemisia absinthium) thường bao gồm nghi thức liên quan đến đồ dùng chuyên dụng lấy cảm hứng từ phong cách Art Nouveau [Tân Nghệ thuật]: Người uống rượu khui hương vị của rượu absinthe bằng nước đá chảy nhỏ giọt tưới lên một viên đường, đặt trên một chiếc thìa có khe thủng trên mặt ly rượu.
Bị cấm ở Pháp sau năm 1915, rượu absinthe bấy lâu đã trở thành nguồn gốc của huyền thoại và nỗi ám ảnh. |
Rượu absinthe đã bị pháp luật cấm tại Mỹ và một số vùng của châu Âu hầu như suốt thế kỷ 20, do tin bài trên phương tiện truyền thông nói về những hậu quả ghê gớm và thứ khoa học vô căn cứ liên quan đến thujone, loại độc tố thần kinh hóa học được tìm thấy trong cây ngải tây. Áp lực từ các nhà sản xuất rượu vang đối thủ (muốn có đông người uống hơn) và các nhà hoạt động vì cữ rượu (muốn hoàn toàn không có người uống) đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống-absinthe.
Còn như cái tai tiếng rượu absinthe gây ra chứng loạn óc thì sao? Khoa học ngày nay chứng minh rằng có lẽ chẳng phải cây ngải tây khiến mọi người phê pha hoặc có hành vi sai quấy, mà chính là nồng độ cồn cực cao của thứ rượu này. Thế nhưng, nhiều biến thể hiện đại đang giảm bớt chất thujone.
Những người hâm mộ tận tụy với loại rượu màu ngọc lục bảo táo bạo này coi những chai rượu được sản xuất trước lệnh cấm năm 1915 của Pháp là đặc biệt đáng mơ. Chính những người chuộng rượu absinthe này và nền văn hóa nhánh gắn kết chặt chẽ của họ (bao gồm, như lẽ đương nhiên, các nhóm trên Facebook) – cũng như thông tin đầu vào từ các nhà chưng cất hiện đại – đã thúc đẩy câu chuyện khi Rail cố gắng liên lạc với kẻ làm giả nhãn hiệu này, một chuyên gia bị cáo buộc đã làm giả những thứ pha trộn hiện đại thành rượu mạnh cổ điển.
Vậy thì những người ở hạng thấp trong số những người biết thưởng thức rượu absinthe có thể tìm thấy những gì trong cuốn sách này – chẳng hạn như những người từng nếm thử sau khi xem bộ phim "Moulin Rouge!" (trong phim này Kylie Minogue đóng vai Nàng Tiên Xanh) và cho rằng rượu absinthe có mùi vị giống nước súc miệng hương cam thảo? May thay, "The Absinthe Forger" động chạm đến nhiều vấn đề chứ không chỉ hương vị mà người ta dần dần mới thích đối với một loại rượu mạnh được uống theo cách đầy nghi lễ.
“Tôi muốn biết thêm về tâm lý của nhà sưu tầm, điều gì khiến người ta mua những chai rượu cũ với giá hàng nghìn đô-la, và đồng thời tôi cũng cố gắng để hiểu vì sao Christian, cho dù anh ta là ai, lại làm những việc anh ta đã làm,” Rail viết. Những tội lỗi của Christian – kẻ làm giả trong tựa đề cuốn sách này sinh sống tại London – sớm được tiết lộ. Câu chuyện của Rail là câu chuyện lớn hơn – là câu chuyện về một người đam mê tận tụy với việc tìm hiểu lịch sử và bản chất của sự ám ảnh.
Là nhà báo sống và làm việc tại Prague và là cộng tác viên thường trực của tờ New York Times thường xuyên viết về ẩm thực và du lịch, hiển nhiên Rail có đủ kỹ năng cần thiết để kể câu chuyện này; thậm chí anh đã có lần viết một bài đặc biệt về rượu absinthe cho tờ The Times.
Trong quá trình lang thang nghiên cứu của mình, anh bắt gặp một người phụ nữ có dính líu đến “thế giới rượu absinthe ngầm” của những nhà sưu tập ở thị trường phi chính thức, bà này có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi vì sao có người trả giá cao cho một chai rượu bụi bặm được cất giấu trong tường hoặc chôn trong hầm rượu cả một thế kỷ. “Mọi người mua những chai rượu có niên đại trước-lệnh-cấm là vì họ muốn uống chúng,” bà nói với Rail. “Họ muốn biến nó thành một phần cuộc sống của họ, một phần cơ thể của chính họ.”
Niềm ham muốn có tính thể xác đó để kết nối với quá khứ nghe có vẻ cực đoan, song nó cũng là một khúc bi ca cho sự quá vãng của một kỷ nguyên văn minh hơn, dẫu nó có bị lý tưởng hóa đến đâu chăng nữa. Như Rail nhận xét: "Tôi nhận ra rằng thế giới này đã đánh mất văn hóa uống rượu absinthe, đến mức hầu hết mọi người thậm chí không biết cách phục vụ nó và bản thân những người sành rựou cũng phải chật vật nắm bắt cách sử dụng dụng cụ."
“The Absinthe Forger” sử dụng tội lỗi của Christian như một phương tiện để khám phá thế giới rượu mạnh, nhưng cuốn sách cũng giống như một cuộc tìm kiếm xuyên thời gian, cuộc tìm kiếm với ý định đi sâu vào cách thức rất ám ảnh của nhà sưu tầm. Như một tín đồ rượu absinthe nhiệt thành đã chỉ trích một cách đầy mỉa mai: “Về mặt nào đó, rượu absinthe quả thực đã dẫn đến sự điên loạn.”
THE ABSINTHE FORGER: A True Story of Deception, Betrayal, and the World’s Most Dangerous Spirit | By Evan Rail | Melville House | 368 pp. | $32
J.D. Biersdorfer has been writing about consumer technology for The Times since 1998. She also creates the weekly interactive literary quiz for the Book Review and occasionally contributes reviews.
Forgery, Fraud and Absinthe’s Enduring Mystique
https://www.nytimes.com/2024/10/18/books/review/the-absinthe-forger-evan-rail.html
No comments:
Post a Comment