Search This Blog

Tuesday, November 19, 2024

Piet Mondrian: Một họa sĩ ngăn nắp, một con người cực kỳ lập dị

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,





Một cuốn tiểu sử mới về một trong những họa sĩ tinh hoa nhất của thế kỷ 20.

Họa sĩ David Salle có lần viết – ông trích lời một người bạn – rằng ta có thể nhận ra một trong những bức tranh sơn dầu của Alex Katz nếu nó rơi khỏi máy bay ở độ cao hơn 9.000 mét. Câu này cũng đúng với họa sĩ Hà Lan Piet Mondrian (1872-1944). Những đường kẻ ô và những mảng màu vàng, đỏ và trắng chói sáng của ông có thể được nhận biết tức thì.

Cuốn tiểu sử mới “Mondrian: His Life, His Art, His Quest for the Absolute” (“Mondrian: Cuộc đời, Mỹ thuật, Cuộc kiếm tìm điều tuyệt đối”) của Nicholas Fox Weber là cuốn sách lớn và cực đẹp được ấn hành bởi nhà xuất bản Knopf, nơi đã và đang xuất bản những cuốn sách đẹp trong hơn một thế kỷ nay. Chỉ cần nhìn thoáng qua cuốn “Mondrian” là muốn sở hữu và trưng nó lên. Những gì bên trong cuốn sách lại có ưu điểm đa dạng hơn.

Là người trước đây từng viết về thân thế sự nghiệp của các họa sĩ Balthus và Le Corbusier, Weber vừa cho ra mắt một cuốn sách thiết yếu, ở khía cạnh đây là cuốn tiểu sử đầy đủ hiếm có về Mondrian, nhà họa sĩ ẩn dật phiêu du từ hội họa biểu hình sang trừu tượng hình học và trừu tượng màu sắc táo bạo, và trong quá trình đó trở thành một trong những họa sĩ tinh hoa của thế kỷ 20.

Độc giả tầm thường – như Samuel Johnson gọi bạn và tôi – có thể thấy 600 trang về Mondrian là rất nhiều Mondrian. Điều này đặc biệt đúng vì lối hành văn của Weber khá đơn sắc. Hết bức tranh này đến bức tranh khác được miêu tả chi tiết. Những miêu tả này là chất ru ngủ trong văn chương.

Độc giả này bắt đầu cảm thấy như mình đang nhá một mảnh gỗ. Mỗi khoảnh khắc đều bị giữ nhịp quá lâu. Song Mondrian là một người cực kỳ lập dị, và những chi tiết về sự hiện tồn của ông giống như người ngoài hành tinh khiến ta phải lật giở từng trang.

Cha ông là hiệu trưởng một trường học, một người theo đạo Tin lành Chính thống nghiêm khắc và khắt khe, không muốn con trai mình trở thành họa sĩ. Nhưng một trong những người chú của Mondrian là họa sĩ mỹ thuật công nghiệp thành đạt, người chú này đã dạy ông học và thúc giục ông.

Những năm khởi đầu sự nghiệp tại Amsterdam, Mondrian vẽ những bức tranh dễ bán để sống trong khi thu hẹp [tiêu điểm] và giản lược tác phẩm của mình, đặc biệt là trong những bức tranh ông vẽ những bông cúc đại đóa đơn sắc. Phong cách ngày càng trừu tượng của ông có nguồn gốc Lập thể.

Năm 1917, ông chung tay khởi lập tạp chí de Stijl (“Phong cách”) rất có ảnh hưởng của Hà Lan và trường phái nghệ thuật cùng tên. Đặc trưng của trường phái này là tuyệt đối sử dụng những đường thẳng và màu cơ bản; tìm kiếm sự hài hòa thông qua bố cục và sự đơn giản.

Mondrian rời Amsterdam đến Paris rồi đến London. Ông là người theo chủ nghĩa bài Do Thái nhưng dù vậy vẫn chẳng vui gì khi bị đội quân xâm lăng của Hitler buộc phải rời khỏi cả hai thành phố đó. Ông chuyển đến Manhattan năm 1940, nơi ông sống suốt phần đời còn lại, ngày càng nổi tiếng và làm lu mờ các đối thủ. Thế nhưng ông đã phải vật lộn về mặt tài chính cho đến gần cuối đời.



Weber viết Mondrian “chưa bao giờ tỏ ra tự phụ dù chỉ là mảy may”. Bình luận này khó mà tương đồng với nội dung cuốn “Mondrian” được. Đây là cuốn sách nhắc nhở ta về quan hệ gần gũi đến mức nguy hiểm giữa phẩm giá và tính tự đắc. Mondrian sống như một vị sứ thần từ vương quốc của những quan niệm tức cười.Ông say mê thuyết duy linh, tướng số học và những chế độ ăn kiêng dị thường. Ông không có óc hài hước và hiếm khi mỉm cười. Cách khiêu vũ kỳ cục của ông khiến người khác cười sau lưng ông. "Ông chỉ di chuyển mỗi đôi chân và giữ cho phần còn lại của cơ thể cứng ngắc, cái đầu nghểnh lên", tác giả viết.

Mondrian không tin tưởng những viên đá vì đồ ăn lạnh không tốt cho sức khỏe. Ông đứng thẳng như tượng và dáng vẻ luôn chỉn chu gọn ghẽ, từ chối cởi áo khoác khi đi cùng người khác ngay cả trong những đêm nóng nực. Ông rất hay độc thoại không ai hiểu nổi và nói những câu kiểu-Garbo như "Dường như anh không hiểu rằng tôi muốn được một mình". Đưa ông vào những tình huống giao tế nhất định chẳng khác gì ném một con mèo xuống bể bơi. Có lần ông bước vào một căn phòng, nheo mũi và nhận xét với chủ nhà rằng "Trong này bốc mùi cũ kỹ".

Mondrian nổi tiếng vì đặt lên môi phụ nữ những nụ hôn kỳ cục, mạnh mẽ và một chiều, có khi kéo dài đến 30 phút. Thế nhưng ông thường cảm thấy phụ nữ là kỳ đà cản mũi đàn ông; nữ giới là "kẻ thù của tinh thần". Có lần ông nhận xét: "Mỗi chút tinh dịch bị xài phí là một kiệt tác bị mất".

Ông xem ra là người vô tính nhưng lại có một loạt tình bạn thân thiết với những người trẻ tuổi đẹp trai. Một số trong những mối quan hệ này có thể là quan hệ thể xác.

Mondrian “từ bỏ màu sắc tự nhiên để đến với màu sắc tinh khiết”, như ông phát biểu trong một bài luận năm 1941. Ông ác cảm với màu sắc tự nhiên đến nỗi ít nhất có ba lần, lúc ăn trưa với bạn bè, ông từ chối ngồi quay mặt ra cửa sổ vì sợ rằng sẽ buộc phải nhìn vào một mẩu nhỏ nhất của một cội cây. Weber lập luận, mà chẳng làm cho ai tin được, rằng điều này là do ông yêu thiên nhiên quá đỗi. Việc phát hiện ra băng keo cách điện đã thay đổi cuộc đời của Mondrian. Trước đó, ông đã mất rất nhiều thời giờ để vẽ, tẩy xóa và di chuyển các đường kẻ trong tác phẩm của mình.

Những căn hộ nhỏ và sơ sài của ông được thiết kế để trông giống như những bức tranh của ông, và ông hiếm khi rời khỏi đó. Ông là người theo thuyết duy ngã, người có thể lao đè lên một quả lựu đạn mà chẳng vì ai cả. Ông có một bản ngã phải được trưng bày tại bảo tàng Smithsonian, trong một chiếc hộp sáng trưng.

Ở ông có điều gì đó như đứa trẻ bị lạc lối, một nét mà cả nhà tài phiệt Howard Hughes và Michael Jackson đều có. Patricia Highsmith có lẽ đã đúng khi bà nhận xét trong nhật ký: "Những nghệ sĩ vĩ đại nhất luôn có tính trẻ con."

Bạn phải tiếp cận cuốn sách này với óc hài hước vì Weber, giống như nhân vật chính của ông, rất ít hoặc không hài hước chút nào. Ông chỉ trích những người thậm chí chỉ nhẹ nhàng phê phán tài năng mỹ thuật hoặc tính cách của Mondrian.

Tác phẩm quan trọng hơn cuộc đời, nhưng cuộc đời đó là thế. Weber đã khiến cho câu chuyện này được kể ra, dù có phần khập khiễng, và ông đính chính lại những lỗi đã vô tình lọt vào những câu chuyện khác. Ông là người giỏi truy tìm dấu hiệu ảnh hưởng của Mondrian, không chỉ đối với các họa sĩ khác mà còn đối với các kiến ​​trúc sư. Chẳng hạn như ta khó có thể tưởng tượng ra kiến trúc sư đại tài Frank Lloyd Wright nếu thiếu Mondrian.

Sức lôi cuốn của Mondrian không có dấu hiệu suy giảm. Năm 2022, một trong những bức tranh của ông được bán với giá 51 triệu USD. Đôi khi, những người đã mua tranh của ông không biết phải treo chúng như thế nào. Phía nào với màu sắc và hình học thuần túy phải được treo lên trên?

MONDRIAN: His Life, His Art, His Quest for the Absolute | By Nicholas Fox Weber | Knopf | 639 pp. | $40

Dwight Garner has been a book critic for The Times since 2008, and before that was an editor at the Book Review for a decade. 

Piet Mondrian: An Orderly Painter, a Deeply Eccentric Man 
https://www.nytimes.com/2024/10/28/books/review/piet-mondrian-biography.html

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...