nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trận hỏa hoạn thảm khốc năm 2020 trên đảo Lesbos là cú huých để suy ngẫm về những câu chuyện về nguồn gốc, biên giới và cuộc di cư trong cuốn sách “A Map of Future Ruins” (“Bản đồ tàn tích tương lai”) của Lauren Markham.
Hơn ba năm sau sự cố đó, chúng ta vẫn chẳng biết gì nhiều về vụ việc đã xảy ra ngày 8/9/2020 ở trại di tản có tên Moria trên hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Đêm đó, một ngọn lửa bùng phát ở Khu 6 của trại Moria, một trong những khu vực tạm thời tiếp giáp các bức tường của khu trại chính. Ngọn lửa thiêu rụi những căn lều, than hồng bị gió cuốn đi, khiến hầu hết trong số 11.000 cư dân của Moria trở thành vô gia cư.
Gần như mọi thứ khác về vụ hỏa hoạn này đều gây tranh cãi. Chỉ trong vài ngày, chính quyền Hy Lạp bắt giữ sáu thanh niên Afghanistan, kết án họ trong hai phiên tòa gấp gáp trong vòng chín tháng tiếp theo. Trong một phiên tòa, các thẩm phán nghị án chỉ chưa đầy 10 phút trước khi đưa ra phán quyết có tội; trong phiên tòa còn lại, nhân chứng duy nhất của chính phủ, lời khai của người này vốn đã hổng lỗ chỗ, thậm chí còn chẳng có mặt tại tòa.
Theo lời Lauren Markham, thời điểm đó do những cấm chế vì đại dịch Covid, nên đây là những tháng cô phải “theo dõi vụ án từ xa”. Cô đã đến trại Moria hồi năm 2019, trải nghiệm mà cô miêu tả trong “A Map of Future Ruins”, cuốn sách mới đầy suy tư của cô về biên giới và danh tính. Năm 2021, cô quay trở lại Hy Lạp, nơi các giới chức “hết lần này đến lần khác từ chối cung cấp bằng chứng hoặc sự thật về vụ án”, ngăn chặn nỗ lực tường thuật của cô. (Phiên phúc thẩm của các bị cáo, ban đầu được lên lịch vào năm ngoái, nay được cho là sẽ diễn ra vào tháng Ba.) Cô kết luận rằng sáu bị cáo “không phóng hỏa – tuyệt đối không có bằng chứng”.
Vụ hỏa hoạn ở trại Moria hóa ra chỉ là một phần của câu chuyện cô muốn kể. Markham là tác giả của “The Far Away Brothers” (“Anh em từ viễn xứ” – xuất bản năm 2017), câu chuyện tuyệt hay được kể một cách hùng hồn về cặp anh em song sinh người Salvador đã đến Mỹ khi còn niên thiếu, chạy trốn bạo lực ở quê hương. “A Map of Future Ruins” tham vọng hơn và cũng lan man hơn, đan xen các bối cảnh từ Hy Lạp đương đại với câu chuyện lịch sử về cuộc di cư của chính gia đình Markham từ Hy Lạp một thế kỷ trước, cùng chuyến vòng vèo đến một khách sạn băng ở vùng biên giới giữa Nga và Na Uy và một chương ngắn viết về những gì con người có thể học được từ cây cối.
“Rốt cuộc câu chuyện về trại tị nạn Moria không chỉ kết nối với mà còn là trung tâm giữa cuộc điều tra sâu rộng hơn của tôi về cơ chế thuộc về, loại trừ và da trắng trong một thế giới dầy đặc những đường biên giới, là cuộc điều tra đã đưa tôi đến Hy Lạp ngay từ đầu – và là trung tâm cho cuốn sách mà cuối cùng tôi sẽ viết, chính là cuốn sách này mà bạn đang cầm trên tay, khác xa so với những gì thoạt đầu tôi tưởng tượng về nó,” Markham giải thích ngay đầu cuốn sách. Đây là câu văn phức rối, truyền tải những hiểm họa của cách tiếp cận mở rộng đến thế. Khi cô miêu tả những gì mình chứng kiến, những quan sát của cô rất sinh động; khi cô bắt đầu suy tưởng, câu văn trở nên lê thê. Trong khi cuốn sách trước của cô đầy sức sống bởi một nét đặc trưng kiên định, thì “A Map of Future Ruins” đôi khi lại vòng vèo quá xa đến nỗi mất phương hướng.
Hy Lạp là chủ đề phong phú không cần phải bàn cãi, với tư cách một địa điểm cũng như tư cách một phép ẩn dụ. Là “nơi khai sinh ra nền dân chủ” được ngợi ca, xứ sở này, với quá khứ thần thoại của mình, đã trở thành chất liệu cho sự hoài cổ, hình tượng của nó trở thành chất liệu cho sự kính ngưỡng. Bọn Đức Quốc xã và những kẻ ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng đã đưa ra những phiên bản bị bóp méo của Hy Lạp cổ đại để khẳng định tính ưu việt của phương Tây. Thế nhưng như Markham ám chỉ, những rắc rối hiện tại của xứ sở này khiến toàn bộ sự thần thoại hóa dường như càng vô vọng và kỳ quái hơn.
Cô viết: “Hy Lạp, với nạn tham nhũng không gì kiềm chế được, nghèo đói lan rộng và ngày càng ngả sang khuynh hướng chuyên quyền, giờ đây đã coi thường câu chuyện về nguồn gốc của chính nó”. Markham thấu hiểu những sự đảo ngược, những nghịch lý và những khác biệt về ý nghĩa. Thế giới càng trở nên toàn cầu hóa thì “rất nhiều người trong chúng ta càng nhiệt tình khao khát một hệ thống gốc rễ ràng buộc chúng ta”. Tuy vậy, rất nhiều thứ cô tình cờ bắt gặp là “phi lý”: những con hồng hạc (“những thứ ngớ ngẩn màu hồng rực rỡ trên hòn đảo khô cằn này của Hy Lạp”); đề xuất xây bức tường nổi trên mặt biển Aegea (“thứ gì đó từ một cuốn tiểu thuyết phi lý”); phản ứng của chính cô khi ai đó nói rằng trông cô như người Hy Lạp (“câu nói đó, thật phi lý, khiến tôi hởi dạ”).
Và rồi đến mối quan hệ dường như đầy cảm xúc của cô với chính cuốn sách của mình. “Tôi biết sẽ là phi lý và vô nhân đạo nếu cố đem so sánh câu chuyện của chính gia đình tôi với câu chuyện của những người tị nạn ngày nay,” cô viết, và cô (sáng suốt) không cố làm bất kỳ điều gì như vậy. Thế nhưng cuốn sách của cô lại bao gồm những tình tiết từ câu chuyện của gia đình cô và nó cũng bao gồm những tiết đoạn về những người tị nạn ngày nay. Cô bày tỏ rằng cô khước từ việc vạch ra các mối liên kết như một vấn đề nguyên tắc, đồng thời tuyên bố tại một số điểm rằng cô ngày càng thất vọng với ngành báo chí, “một ngành moi móc”, và cái “logic trình tự” chi phối cách kể chuyện tuyến tính.
Thế nên cô đưa ra một loạt các cảnh có chủ đề theo quy ước nhằm tạo ấn tượng, một số trong số đó là những đoản văn từ những chuyến đi của cô ở Hy Lạp – nơi chốn cô khao khát được biết rõ và thấy một phần của mình trong đó, trong khi nó dường như khiến cô bối rối ở mỗi lối rẽ. Cô thấy một người phụ nữ đang nói chuyện với một con vịt và gặp một người đàn ông nói rằng anh ta biết cách “nói tiếng chim”. Chồng cô bị một con lừa cắn, và ngay sau đó họ phát hiện ra một vài con rắn đang quằn quại trên mặt đất. “Con lừa bị phù phép này, những con rắn xoay tròn này, giống như những bức thư cần giải mã,” cô viết, “nhưng tôi lại ở đây lần nữa, cố nắm bắt ý nghĩa.”
Bị lạc lối là một chủ đề. Sự hoài cổ được thúc đẩy bởi những kiểu lạc lõng khác cũng vậy. Markham thường hay trích dẫn Svetlana Boym, nghệ sĩ và học giả: cuốn “The Future of Nostalgia” (“Tương lai của sự hoài cổ” – xuất bản năm 2001) của chị rõ ràng là nguồn cảm hứng cho cô. Tuy nhiên, ở nơi mà những suy ngẫm của Boym được củng cố bằng lập luận tài tình và độc đáo của chị về những cách mong nhớ khác nhau về một quá khứ có thể chưa từng tồn tại, Markham lại lạc lối trong sự lạc lõng của mình. “A Map of Future Ruins” là bức tranh cắt dán mà các mảnh ghép chẳng bao giờ hoàn toàn ăn khớp với nhau. Ngay cả vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria, mà cô gọi là “trung tâm” cho cuộc điều tra của mình, cũng không cung cấp được là mấy về mặt chỉ dẫn.
“Bất kỳ ai phóng hỏa – nếu quả thực đó là vụ phóng hỏa có chủ ý – hẳn là đã cố gắng phá hoại một trật tự nào đó của vạn vật đã được nhận biết, nghĩa là, để viết lại câu chuyện.” Lời khẳng định đó đáng tin cậy. Nhưng đây là cảm nghĩ chung chung đầy dè dặt đến nỗi nó khiến bạn giống như Markham trong những chuyến du hành của cô: nắm bắt ý nghĩa mà chẳng biết đi đâu.
A MAP OF FUTURE RUINS: On Borders and Belonging | By Lauren Markham | Riverhead | 259 pp. | $28
Jennifer Szalai is the nonfiction book critic for The Times.
https://www.nytimes.com/2024/02/14/books/review/lauren-markham-a-map-of-future-ruins.html
No comments:
Post a Comment