nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
“Daughter of the Dragon” (“Long nữ”), cuốn tiểu sử mới về Anna May Wong nữ diễn viên chính trong bộ phim cùng tên, được dự định như một hình thức phục hồi và lật lại.
Theo nhà sử học điện ảnh Kevin Brownlow, đây là “một trong những bộ phim phân biệt chủng tộc nhất từng được sản xuất ở Mỹ”. Bộ phim “Old San Francisco” (“San Fransisco thời xưa”, trình chiếu năm 1927) có một nam diễn viên da trắng đóng vai một nhân vật phản diện Trung Hoa đội lốt một người đàn ông da trắng (bạn hiểu chứ?) định bán một cô gái da trắng vô tội làm gái mại dâm da trắng trước khi hắn bị đè bẹp bởi một trận động đất rất đúng lúc. Trước khi cái kết khủng khiếp của hắn xảy ra, kế hoạch hiểm độc của hắn được một nhân vật châu Á mà ta chỉ biết mỗi biệt danh là “đóa hoa phương Đông” trợ giúp, nhân vật này do diễn viên chuyên đóng vai cô gái ngây thơ có tên là Anna May Wong thủ vai.
Như Yunte Huang nhận định trong cuốn “Daughter of the Dragon” – câu chuyện ông kể về cuộc đời của Wong và thời đại mà cô sống – Hollywood bị phong cách ngoại lai của khu phố Tàu ám ảnh, tuy vậy vai diễn dành cho diễn viên châu Á lại cực kỳ ít ỏi; vì vậy khi Wong, một cô gái sinh ra ở tiệm giặt là của cha mình tại Los Angeles năm 1905, được phân nhiều vai như thế là điều lại càng đặc biệt hơn. Sự nghiệp của cô trải dài từ phim câm, phim nói và cuối cùng là truyền hình. Cô biểu diễn tại các chương trình tạp kỹ và sân khấu trình diễn. Cô sống ở châu Âu một thời gian ngắn hồi cuối những năm 1920, nơi cô gặp triết gia và nhà phê bình văn hóa Walter Benjamin (người gọi đùa cô là “một phong cách Trung Hoa xuất xứ Miền Tây”) và được chụp ảnh cùng Leni Riefenstahl và Marlene Dietrich (người sau đó sẽ xuất hiện cùng Wong trong bộ phim “Shanghai Express” (“Chuyến tàu tốc hành đi Thượng Hải”). Wong thậm chí còn biểu diễn tại nhà hát West End ở London, gây ấn tượng với các nhà phê bình bằng vũ điệu của cô trong khi bạn diễn của cô – chàng diễn viên Laurence Olivier trẻ tuổi – bị chỉ trích vì diễn xuất dở tệ.
Huang thích thú với những tình tiết kiểu này – đáng nhớ song hầu như đã bị lãng quên. Ông thừa nhận có những cuốn tiểu sử khác về Wong, bao gồm cuốn “tiên phong” của Graham Hodges và cuốn “Perpetually Cool” (“Vĩnh viễn sáng ngời”) của Anthony Chan. Với cuốn “Daughter of the Dragon”, Huang mang đến cho chúng ta một thứ gì đó khác, ông cho ra mắt cuốn sách như tập thứ ba trong bộ sách ba cuốn Rendezvous With America (“Cuộc hẹn hò với nước Mỹ”) của ông, gồm các cuốn sách về vị thám tử lừng danh Charlie Chan và cặp song sinh dính liền Chang và Eng Bunker. “Daughter of the Dragon” là cuốn tiểu sử đượm chất phê bình văn hóa; chính tựa đề của cuốn sách được mượn từ một trong những vai diễn mang tính biểu tượng (và hoạt hình) nhất của Wong, vai cô con gái tàn nhẫn và đầy thù hận của tiến sĩ Fu Manchu ác quỷ trong bộ phim cùng tên trình chiếu năm 1931.
Không giống như bộ phim “Daughter of the Dragon”, cuốn sách “Daughter of the Dragon” rõ ràng được dự định như một hình thức phục hồi và lật lại. Huang trích dẫn các học giả khác, những người nhấn mạnh rằng việc Wong đóng vai một nhân vật – mà theo cách nói thẳng tuột của Huang là “phi nhân tính” – trên thực tế là hành động thâm hiểm để phá hoại văn hóa.
“Anna May đã thu hút sự chú ý hoặc thậm chí đập tan khuôn mẫu bằng cách cường điệu những vai diễn này,” Huang viết, không hoàn toàn thuyết phục. Sau rốt, có rất ít dấu hiệu cho thấy khán giả da trắng vào những năm 1930 sẵn sàng để cho những khuôn mẫu như thế “bị đập tan”. Bản thân Huang đưa ra bằng chứng về kiểu thiếu hiểu biết thông thường và sự cố chấp cực độ mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt thời điểm đó. Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn đang có hiệu lực. Theo lời Julian Barnes, nghịch lý [ở đây] “có thể được định nghĩa là điều mà mọi người thấy thiếu vắng”.
Về phần mình, Wong biện hộ rằng cô sẵn lòng diễn những vai đó là do hoàn cảnh bắt buộc. “Khi một người đang cố gắng chắc chân trong nghề, người ấy không thể kén vai diễn,” cô nói. “Người ấy phải nhận những vai người ta phân cho.” Đặc biệt khi người ấy là một phụ nữ Mỹ gốc Á vào thời điểm mà các vai nhân vật châu Á thường về tay những diễn viên da trắng hóa trang bằng băng keo và bộ mặt da vàng. Bộ luật sản xuất phim ảnh năm 1930 – bộ luật cấm thể hiện trên màn ảnh các quan hệ hôn nhân dị chủng và giữa các chủng tộc – là “hình thức bó chân ảo đối với Anna May”, Huang viết. Điều này nghĩa là cô thường phải đóng vai một long nữ quỷ quyệt hoặc một Madame Butterfly bi thảm. Ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng ở Hollywood, Wong vẫn là “người đẹp không ai được phép hôn”.
Tức là, không một ai trên màn ảnh. Wong có một số cuộc tình với đàn ông da trắng và có lẽ với cả đàn bà nữa. (Bộ phim duy nhất trong đó cô được một nhân vật nam da trắng hôn là “Java Head” (“Mũi đất Java”), phim do Anh sản xuất.) Huang đặt câu hỏi liệu cô đã trải nghiệm “tình yêu đồng tính nữ” hay chưa – “Không chỉ một mình Dietrich coi Anna May là người tình đồng tính nữ của mình” – nhưng không đi xa đến mức đưa ra câu trả lời dứt khoát. Wong chưa từng kết hôn. Cô trở thành bà chủ có nhà cho thuê. Cô dành chín tháng ở Trung Quốc và vẫn luôn gần gũi với gia đình.
Năm 1940, em gái Mary của cô, một diễn viên tay mơ, tự sát. Huang cho rằng Mary tuyệt vọng trước triển vọng Hollywood đang dần mờ nhạt của mình. Vai diễn lớn nhất của cô là vai phụ không quan trọng trong bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “The Good Earth” (“Đất lành”) của Pearl Buck, bộ phim về những người nông dân Trung Quốc mà vai chính về tay các diễn viên da trắng hóa trang bộ mặt da vàng. Những diễn viên quần chúng châu Á được thuê để đóng các vai phụ và tạo “bầu không khí”. Anna May từ chối tham gia: “Tôi không hiểu vì sao tôi, ở giai đoạn này của sự nghiệp, lại phải bước thụt lùi và nhận một vai phụ trong một kịch bản Trung Quốc mà xung quanh tôi là một dàn diễn viên toàn người da trắng.”
Nhưng ngay cả khi Wong cố gắng tự thích nghi với thời đại truyền hình, sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính mà cô vẫn phải đối mặt đã lâu giờ lại cộng thêm một định kiến khác: sự phân biệt tuổi tác. Ở tuổi 47, cô bước vào thời kỳ mãn kinh, nó khiến cô mất dần sự tự tin và khiến chứng trầm cảm của cô ngày càng trầm trọng. Cô bắt đầu uống rượu nhiều đến mức bị bệnh xơ gan, đó có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau tim đã giết chết cô năm 1961, khi cô đang ngủ trưa. Cô vừa bước sang tuổi 56.
Huang là người kể chuyện dí dỏm và phóng khoáng; Anna May mà ông gọi về bước ra khỏi những vai diễn hạn chế mà cô được phân phó và chuyển sang viết lách như một cách thể hiện sự tò mò và hóm hỉnh thông minh. Những thư từ cô gửi từ Trung Quốc cho tờ The New York Herald Tribune gợi ra hình ảnh một người không chỉ quen với tình trạng được khán giả xem mà tình cờ còn là một người rất chăm chú quan sát thế giới. Cô ký trên những bức ảnh của mình “Người bạn phương Đông trân trọng” – chút phong cách ngoại lai được thể hiện một cách tinh nghịch.
Mẹ cô đã lo rằng nếu để người ta chụp ảnh quá nhiều, Anna May sẽ mất hồn mất vía. Nhưng cô gái trẻ Anna May biết rằng cô không thể đi theo con đường mà mẹ mình đã đi. “Đó có lẽ chẳng phải là một cuộc sống hạnh phúc hơn,” cô nói, “nhưng điều đó thì để thời gian trả lời.”
DAUGHTER OF THE DRAGON: Anna May Wong’s Rendezvous With American History | By Yunte Huang | Illustrated | 382 pp. | Liveright | $30
No comments:
Post a Comment