nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Trong “The Washington Book” (“Sách Washington”), nhà phê bình đoạt giải Pulitzer Carlos Lozada đã khai thác thể loại nổi tiếng do thứ văn xuôi đã được tinh lọc để tạo hiệu ứng khám phá.
Thủ đô nước ta là nơi bắt nguồn của một thể loại văn học buồn tẻ – loại sách Washington: hồi ký chính trị, tiểu sử các ứng viên tranh cử tổng thống, chuyên luận về chính sách và các tác phẩm khác của các chính trị gia, quan chức chính phủ và những kẻ theo đóm ăn tàn ở thủ đô Washington. Những thứ này thường là tự tô vẽ bản thân, viết kém hoặc cực kỳ nhàm chán. Nhiều người mua và bàn luận về những cuốn sách này, song thực tế ít người đọc chúng (ngoại trừ việc đọc lướt phần mục lục để tìm tên của họ).
Trò chơi đố chữ đó đã thu hút sự chú ý hồi năm 1985 khi Michael Kinsley, thời đó là nhà biên tập của tạp chí The New Republic, cài một tờ giấy lưu ý sâu bên trong các ấn bản của những cuốn sách chính trị nổi tiếng tại một hiệu sách ở khu vực Washington, treo giải thưởng 5 USD cho bất kỳ ai tìm thấy tờ lưu ý ấy. Chẳng ai gọi đến để đòi phần thưởng.
Carlos Lozada, nhà báo chuyên mục của tờ New York Times, nguyên là nhà phê bình và biên tập của tờ Washington Post, cho rằng loại sách Washington đã bị mang tiếng xấu. Ông lập luận rằng, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng bằng con mắt tinh tường phù hợp, những cuốn sách đó có thể cho ta những hiểu biết sâu sắc bất ngờ về nền chính trị Mỹ và những người bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Ông đề cao không chỉ việc đọc hết những cuốn sách như vậy mà cả việc lục lọi ra những chi tiết gây ấn tượng, những thói khoa trương, những thứ mà các chính trị gia có thể không muốn bị để ý đến – và là những thứ mà họ thậm chí không nhận ra ở chính bản thân họ. Trong tuyển tập mới của mình, “The Washington Book: How to Read Politics and Politicians” (“Sách Washington: Cách đọc vị các hoạt động chính trị và các chính trị gia”), Lozada tập hợp các bài tiểu luận ông viết từ năm 2013 đến năm 2023, một số trong các bài đó đã mang về cho ông Giải Pulitzer về phê bình năm 2019.
Ông có lợi thế đặc biệt về thập kỷ này: cảm nhận của người trong cuộc về động lực chính trị và tính khách quan của một nhà phê bình văn học. Những quan sát mang dấu ấn của ông – về các chủ đề khác nhau từ George H. W. Bush cho đến Vladimir Putin và Ron DeSantis – đều là những sự “vạch trần” ở cấp độ cao, mang tính trí tuệ.
“Cho dù các chính trị gia này có cẩn thận làm sạch kinh nghiệm, vị trí và hồ sơ của họ đến mức nào, cho dù họ có siêng năng trình diện bản thân với vẻ ngoài đẹp nhất, an toàn nhất, được lòng dân nhất hoặc dễ xác minh thật giả nhất ra sao – rốt cuộc hầu hết bọn họ cũng luôn tự bộc lộ bản thân,” ông viết. “Dù họ có ý định làm thế hay không, trong những cuốn sách của họ, họ cho chúng ta biết họ thực sự là ai.”
Lấy ví dụ lời giải thích của Donald Trump, trong cuốn sách xuất bản năm 2004, về lý do vì sao mái tóc của ông ta luôn gọn gàng chải chuốt như vậy. Bởi vì ngày ngày ông ta chỉ đi lại giữa nhà mình – cũng là văn phòng của ông – và một chiếc xe limo dài, câu lạc bộ dành riêng, máy bay phản lực và trực thăng, theo những lời huênh hoang của Trump, nên ông ta hiếm khi ra ngoài. Lozada nhận ra ẩn ý ở đây: Trump đã sống trong vỏ bọc tự tạo từ rất lâu trước khi bước chân vào Nhà Trắng. “Trong một đoạn độc thoại về mái tóc, Trump bộc lộ sự cô lập hoàn toàn được tạo ra một cách có chủ ý của mình – kiểu cô lập cho phép ta đưa ra bất kỳ câu chuyện nào ta đã sáng tác cho chính mình,” là nhận định của Lozada, tác giả cuốn sách “What Were We Thinking: A Brief Intellectual History of the Trump Era” (“Chúng ta đang nghĩ gì: Lược sử trí tuệ về thời đại Trump”) ra mắt năm 2020, cuốn sách là sự đọc kỹ có phân tích diễn giải hàng chục cuốn sách do Trump viết hoặc viết về Trump.
Trong cuốn hồi ký “So Help Me God” (“Xin Chúa giúp con” – xuất bản năm 2022) của Mike Pence, hành vi bộc lộ nằm ở những gì chưa được nói ra. Pence sử dụng đoạn trích dẫn bị cắt xén từ những bình luận của Trump ngày 6/1 để che giấu sự đồng cảm của ông ta đối với những kẻ bạo loạn ở Điện Capitol. Pence muốn được khen ngợi vì đã kháng lệnh của Trump đòi lật ngược cuộc bầu cử nhưng đưa ra chẳng được mấy bằng chứng về việc chống lại Trump trong bốn năm làm Phó tổng thống. Lozada phát hiện và vạch trần ông ta: “Ông không nên nhận sự vinh quang vì đã kéo nền dân chủ ra khỏi bờ vực nếu ngay từ đầu ông đã chung tay đưa nó đến đó.”
Điều hiếm thấy trong số những người bình sách là đôi khi Lozada quay lại những cuốn sách cũ hơn mà đột nhiên có được sự quan tâm mới. Đọc cuốn tự truyện về chiến dịch tranh cử năm 2019 của Kamala Harris khá lâu sau khi bà từ bỏ việc tranh cử tổng thống, ông phát hiện ra lý do thất bại của bà này nằm trong mấy từ: bà liên tục lên án “những lựa chọn sai lầm” trong chính sách và chính trị. Lozada coi cụm từ này như thứ dùng để che đậy cho sự miễn cưỡng của bà khi phải chọn phe phái trong những vấn đề hiểm hóc. Điều đó không ngăn cản Biden chọn bà làm người đồng tranh cử với mình nhưng có thể giúp lý giải những nỗ lực lớn của bà trong việc tìm kiếm một chỗ đứng thích hợp như vị trí phó tổng thống.
Tổng kết lại cách tiếp cận của mình, Lozada viết: “Nếu nghệ thuật chính trị có thể loại trừ ý nghĩa ra khỏi ngôn ngữ, để tạo ra ngày càng nhiều từ được nói ngày càng ít, mục đích của tôi là cố gắng tìm ra ý nghĩa đó và đem nó trở lại. ”
Lozada đáp ứng các độc giả rất tốt khi ông nỗ lực xử lý một đống sách về một chủ đề duy nhất để cung cấp bối cảnh rộng hơn. Điều này đặc biệt được hoan nghênh khi ông xem xét các báo cáo của chính phủ mà hiếm khi được đọc từ đầu đến cuối, chẳng hạn như việc ông so sánh ba báo cáo điều tra về Trump: báo cáo của Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016; báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện năm 2019 về việc ông ta gây áp lực buộc Ukraine điều tra Hunter Biden; và báo cáo của Ủy ban Chuyên môn của Hạ viện năm 2022 về vai trò của ông ta trong cuộc tấn công ngày 6/1 vào Điện Capitol.
Tài liệu gộp đó là biên niên sử phong phú về một vị tổng thống, người mà theo thời gian, ngày càng trở nên lành nghề và toan tính trong việc sử dụng các cơ chế của chính phủ để đạt được lợi ích chính trị. Những vụ bê bối của Trump được coi là những câu chuyện chồng chéo: Vụ bê bối Ukraine năm 2019, với mục đích làm mất uy tín của Joe Biden thông qua con trai ông ta, là nỗ lực nhằm thao túng cuộc bầu cử năm 2020 cũng chắc chắn như vụ bạo loạn ngày 6/1.
“The Washington Book’’ có nguy cơ là toàn bộ hợp tuyển của các bài báo đã xuất bản trước đó. Một số có vẻ hơi lỗi thời hoặc kém hấp dẫn hơn so với khi chúng ra mắt lần đầu. Giờ còn ai quan tâm đến “Người ẩn danh”, tác giả của bài báo đột phá nêu quan điểm chống Trump năm 2018 không? Chúng ta có thực sự cần phải đọc lại cả đống sách cay nghiệt tấn công Hillary Clinton hồi năm 2016 không?
“The Washington Book” đã không thuyết phục tôi đọc thêm loại sách Washington. Nhưng nó đã khuyến khích tôi đọc thêm Carlos Lozada và thấy biết ơn rằng, như người ta thường nói với ông, “Ông đọc những cuốn sách đó nên chúng tôi không cần phải đọc nữa!”
THE WASHINGTON BOOK: How to Read Politics and Politicians | By Carlos Lozada | Simon & Schuster | 390 pp. | $28.99
https://www.nytimes.com/2024/02/24/books/review/the-washington-book-carlos-lozada.html
No comments:
Post a Comment