Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Charles Dickens: Con người, Huyền thoại, Danh tiếng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong tác phẩm “The Life and Lies of Charles Dickens” (Cuộc đời và những lời nói dối của Charles Dickens), tác giả Helena Kelly xem xét lại hình ảnh được nhà văn tỉ mỉ xây dựng trong suốt cuộc đời mình.

Bóng ma sách tiểu sử từ lâu gieo rắc nỗi sợ trong lòng những huyền thoại còn sống. Martha Washington, Henry James và Somerset Maugham từng cố gắng ngăn cản những người muốn viết tiểu sử bằng cách ném hết tài liệu cá nhân vào lò lửa — hành động phản kháng vô ích đến đau lòng. Những người thân tín hay thư từ qua lại không làm theo lời dặn của James là “đốt, đốt, đốt.”

Tuy vậy Charles Dickens có được kết cục tốt đẹp hơn nhiều trong cuốn tiểu sử ba tập của người bạn John Forster, xuất bản từ năm 1871 đến năm 1874. Theo cuốn sách mới của Helena Kelly, “The Life and Lies of Charles Dickens,” vấn đề chỉ “đơn giản là Forster không phải người viết tiểu sử giỏi.”

Trong nhiều thập kỷ, Forster, nhà văn và nhà phê bình có thành công tương đối khiêm tốn, gần như là bạn đồng hành văn chương của Dickens. Foster lắng nghe những lo lắng của Dickens, đọc bản thảo thô và sắp xếp nhiều vấn đề cuộc đời ông, bao gồm cả vấn đề ly hôn với Catherine Hogarth, mẹ của 10 đứa con ông, người ông rời bỏ để đến với Ellen “Nelly” Ternan, nữ diễn viên kém ông 27 tuổi. Đây là lần đầu tiên Dickens — người "nổi tiếng đến độ đáng kinh ngạc khắp thế giới", Kelly viết, "một sản phẩm, một thương hiệu" — gặp phải điều tiếng trong mắt công chúng.

Và trước khi qua đời năm 1870, Dickens giao cho Forster bản thảo của mình. Luôn là người “trợ lý trung thành”, Forster ghi lại “câu chuyện Dickens kể cho ông” và xuất bản tập đầu tiên “The Life of Charles Dickens” (Cuộc đời Charles Dickens) 18 tháng sau khi nhà văn qua đời, đó quả là thời điểm tốt nhất để tận dụng cơ hội.

Một thế kỷ rưỡi sau, hồ sơ lưu trữ dễ tiếp cận hơn nhiều so với trước đây và tác giả Kelly sẵn sàng thách thức “Ảo thuật gia Dickens” trong cuốn sách có thể được coi là “quản lý thương hiệu sau khi qua đời”. Trong số hàng loạt cáo buộc gian dối, tiết lộ lớn nhất của Forster là: cuốn tiểu thuyết “David Copperfield” mang tính bán tự truyện, lấy cảm hứng từ thời thơ ấu của Dickens lao động trong nhà máy đánh giày trong khoảng thời gian cha của ông, John, (lần đầu) ngồi tù vì nợ nần. Dickens tự viết thông cáo báo chí cho bản thân, cố gắng che giấu sự thật cơ bản nhất trong lý lịch của mình; giờ đây độc giả đã có Forster “xác nhận” những gì họ nghi ngờ từ lâu.

“Hình ảnh cậu bé Charles khi còn nhỏ bị bỏ bê đến khó tả, khổ sở lao động tại một nhà kho bên bờ sông trong khi cha cậu mòn mỏi trong nhà tù Marshalsea, quả là xúc động sâu sắc,” tác giả Kelly viết, “nhưng chúng ta có chắc được rằng điều đó chính xác hay không?” Đây không phải câu hỏi mới — cũng không phải là câu trả lời cuối cùng của tác giả. Trong số ra năm 1872 của The North American Review, một nhà phê bình từng gọi lời bịa đặt này là “ví dụ điển hình về chỗ kỳ lạ trong tính cách của Dickens, và ông Forster rõ ràng không có khả năng phát hiện ra điểm này”.


Trên thực tế, nhiều điểm mâu thuẫn, thiếu sót và những lời nói dối trắng trợn được Forster nhại theo sau này được chỉnh sửa và làm rõ; và tác giả Kelly — tiến sĩ Oxford, tác giả cuốn sách trước đó có nhan đề “Jane Austen, the Secret Radical” (Jane Austen, nhà cấp tiến bí ẩn) — rõ ràng không trích dẫn nhiều tài liệu, chủ yếu chỉ dùng các nguồn từ thế kỷ 19, hiển nhiên đã bỏ qua các thế hệ học giả đi trước tác giả cũng muốn làm rõ sự không trung thực của Dickens.

Khi tác giả Kelly giải phóng nhà phê bình văn học trong mình, bà mang đến cho độc giả niềm vui qua những trang sách minh họa ảnh hưởng kéo dài từ tiểu sử hư cấu của Dickens đối với tiểu thuyết của ông: Người tù John Barsad trở về với gia đình trong “A Tale of Two Cities”; cô bé mồ côi Esther Summerson chôn cất con búp bê là dấu tích cuộc đời trước đây của cô trong “Bleak House”; nhân vật chính trong cuốn sách “Dorrit bé nhỏ” được sinh ra và lớn lên ở Marshalsea.

Đặt bản thân vào vai trò người nói lên sự thật — “Những sự thật khó chịu lờ mờ xuất hiện từ trong sương mù,” tác giả viết; “không đủ cơ sở để đưa ra lập luận nào” — Kelly không ngần ngại suy diễn những giả thuyết không có căn cứ của riêng mình từ các manh mối trong văn bản của Dickens. Dựa trên kiến thức sâu rộng của bản thân về bệnh tật thời Victoria, tác giả Kelly nghi ngờ nhà văn mắc bệnh giang mai và giống như “những người đàn ông mặc cảm tội lỗi xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông”, ông truyền bệnh cho gia đình mình mà họ không hề hay biết, kể cả Catherine, đứa trẻ chết từ trong bụng mẹ và đứa con khác, Walter, đột ngột qua đời ở tuổi 22. “Bằng chứng ư? Không, không có,” Kelly thừa nhận. “Đây là giả thuyết.”

Tựa đề cuốn sách cho thấy tác giả có ý định gây nên phẫn nộ, và nếu thật sự thành công, có thể không theo cách tác giả mong muốn. Trong truyền thống lâu dài của dòng sách tiểu sử, những lỗi lầm của Dickens chỉ ở mức trung bình. Và với tác phẩm của chính mình, ông dành cả đời để tưởng tượng lại và tái sử dụng trải nghiệm cá nhân thành những câu chuyện hư cấu — đó là điều những người kể chuyện thường làm.

Đối với tiểu thuyết của Dickens, khi bàn đến phân tích văn học, không có chỗ nào chê trách được tác giả Kelly — bà ấy còn truyền cảm hứng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi rất hào hứng muốn đọc lại “David Copperfield” và “Oliver Twist”. Tôi có thể hình dung các học giả nghiên cứu Dickens truyền lại những câu hỏi lớn táo bạo nhưng lỗi thời cho thế hệ sau, bản thân điều này cũng đáng là thành tựu.

THE LIFE AND LIES OF CHARLES DICKENS | By Helena Kelly | Pegasus | 272 pp. | $29.95

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...