nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
“Người ta có cảm nhận về hiệu sách khác với cảm nhận của họ về cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng điện tử,” Evan Friss viết như vậy khi ca ngợi truyền thống bán lẻ đã bị Internet đè bẹp.
Chúng ta ai cũng biết về những nơi được gọi là “sa mạc lương thực”: những khu vực không thể tiếp cận được sản phẩm tươi sống, chỉ có một vài tiệm fastfood Taco Bell. Những “hoang mạc sách” thì ít khiến người ta quan ngại hơn.
Bây giờ có thể đi thăm nhiều địa điểm trong quốc gia dân chủ vĩ đại của chúng ta mà bất kỳ nơi đâu cũng không đến gần một hiệu sách nào. (Các thư viện công cộng vẫn đang kiên trì bám trụ ở đó – trong thời điểm hiện tại – mặc dù lớp người trẻ hơn không cưỡng lại được trải nghiệm thư viện bằng điện thoại thông minh.)
Lẽ dĩ nhiên, cùng với các đơn đặt hàng số lượng lớn cà phê Folgers và giấy vệ sinh Cottonelle, người ta có thể đặt thêm nhiều đầu sách thú vị để được giao hàng với giá rẻ – thậm chí chỉ ngày một ngày hai là nhận được! – từ cái thực thể trực tuyến đáng kinh ngạc này được đặt tên theo một con sông ở Nam Mỹ. Có lẽ bạn đã nghe đến tên nó. …
Hoàn toàn không thỏa đáng, Evan Friss – nhà sử học đồng thời là chồng của một cựu nhân viên bán hàng tại hiệu sách Three Lives ở Manhattan – khẳng định như vậy trong cuốn “The Bookshop” (“Hiệu sách”), một sự bảo vệ hăng hái cho danh mục bán lẻ quan trọng, khác biệt và bất chấp mọi thách thức này của Mỹ. (Trước cuốn này anh viết về xe đạp, một lợi ích cộng đồng khác cần được hỗ trợ nhiều hơn.)
Một cuốn sách viết về hiệu sách có nguy cơ trở thành một trò chơi chữ, giống như cuốn sách ảnh để trưng bày trên bàn cà phê của Kramer có nội dung về những chiếc bàn cà phê. Nó có vẻ như sự sắp đặt được đảm bảo từ trước với những chiếc túi vải có quai, những chiếc cốc sứ và các mặt hàng không thiết yếu khác mà các cửa hàng trữ sẵn để tăng tỷ suất lợi nhuận thường là ảm đạm của họ.
Thế nhưng đã có rất nhiều cuốn hồi ký hấp dẫn được viết bởi những người bán sách, gần đây nhất là hồi ký của Paul Yamazaki trưởng phòng mãi vụ hiệu sách huyền thoại City Lights ở San Francisco, và một cuốn khác của nhà bán sách cổ Marius Kociejowski. Người ta cũng không nên bỏ qua tác phẩm kinh điển ở dạng thư từ là cuốn 84, Charing Cross Road (“Số 84 Đường Charing Cross”) của Helene Hanff.
Không chỉ đơn giản vì những người dành nhiều thời gian bên văn chương chắc chắn sẽ hấp thụ được phần nào khả năng viết bằng sự thẩm thấu, mà còn vì nơi làm việc của họ – như nhà văn Christopher Morley vĩ đại đã được chuỗi cửa hàng bách hóa Marshall Field ở Chicago trả 300 USD để viết – là “những chốn nhiệm màu”, nơi cuộc sống có thể được thay đổi thông qua những cuộc gặp gỡ tình cờ của cả trang sách lẫn con người mà không cần thuật toán. (Marshall Field có gian hàng sách khổng lồ của riêng nó – “cái siêu thị sách đầu tiên,” như Friss viết – được điều hành trong thời gian rất dài bởi bà Marcella Burns Hahner nhỏ nhắn nhưng đáng gờm, nổi tiếng với biệt danh “Czarina” [“Hoàng hậu”] và là một nhân vật quan trọng trong ngành xuất bản Mỹ.)
Như Friss thừa nhận, hiệu sách là “nơi để đánh mất và tìm lại chính mình” và do đó thường là bối cảnh cho những bộ phim hài lãng mạn “sến súa và sáo mòn”. Fred Astaire đang âu yếm Audrey Hepburn trong phim “Funny Face” (“Khuôn mặt khôi hài”) khi họ cùng được xếp ngăn nắp trên kệ ở West Village. Hugh Grant, trong vai chủ hiệu sách có tên William Thacker, đang giúp Julia Roberts lướt qua những cuốn sách trong phim “Notting Hill”. Nữ nhân vật Sally của nhà văn kiêm nhà sản xuất phim Nora Ephron tình cờ gặp Harry tại một hiệu sách của Shakespeare & Co. ở Upper West Side (“ai đó đang nhìn chằm chằm vào cậu từ kệ sách Phát triển Cá nhân kìa!”). Và nổi tiếng nhất là bộ phim “You’ve Got Mail” (“Bạn có thư mới”) của Ephron, nó đã biến một chuỗi hiệu sách khổng lồ kiểu Barnes & Noble thành quỷ dữ. Ai đó nên bật đèn xanh cho tập tiếp theo về cảnh khách hàng bắt đầu cầu xin cứu lấy những hiệu sách Barnes & Noble tại địa phương của họ sau khi Jeff Bezos an cư lạc nghiệp với triều đại trường tồn của loại hộp carton cán sóng.
Chắc hẳn do chủ ý, cuốn sách của Friss được cấu trúc giống như cửa hiệu xịn nhất trong số những cửa hiệu văn chương như vậy: hơi lộn xộn một chút, với những chuyển hướng bất ngờ chỗ này chỗ kia. Anh xem xét một cách tán thành tường nhà của Books Are Magic trên Instagram, cửa hàng của tiểu thuyết gia Emma Straub ở khu phố Cobble Hill của Brooklyn, và ít tán thành hơn là mùi hương của sách [bibliosmia] được đóng chai bởi chuỗi hiệu sách Powell's, dấu ấn của Portland, Oregon.
Có những đoạn ngắn về những thứ hấp dẫn như WonTon, chú mèo tuxedo đã ngự trị trong một cửa hàng tại Richmond, Virginia, từng là nhân vật trong tiểu thuyết “Lake Success” của Gary Shteyngart. Những con mèo trong các hiệu sách, trong những ngày làn sóng chính trị đột ngột dâng cao này, có thể là cả một cuốn sách khác; “The Bookshop” nhất thiết phải là cuốn sách chọn lọc cẩn thận, và tôi đã tìm kiếm mà không thấy những con mèo như Bartleby, Mr. Eliot và Skimbleshanks – những nhân viên lười biếng của hiệu sách E. Shaver ở Savannah, Georgia.
Sự thất vọng khi không tìm được những thứ bạn yêu thích trong danh mục phong phú của anh, như Friss viết, nói lên tầm quan trọng của các cơ sở này: “Việc rất nhiều người có cảm nhận về hiệu sách khác với cảm nhận của họ về cửa hàng tạp hóa, cửa hàng điện tử hoặc bất kỳ cửa hàng nào khác là một phần của vấn đề đó”.
Một trong nhiều chức năng của hiệu sách mà Amazon không thể thực hiện được, kể từ khi các cửa hàng hữu hình của nó đóng cửa, là tổ chức một buổi họp mặt chính thức. Friss kể câu chuyện đằng sau bức ảnh nổi tiếng của một nhóm gồm hầu hết các nhà thơ trong một bữa tiệc ở hiệu sách Gotham Book Mart được nhiều người nhớ đến, với Gore Vidal chen vào và William Carlos Williams không được vào ảnh. (W.H. Auden, leo lên vị trí cao nhất, “là một trong vài người có vẻ vui thích”.) Và anh đã làm sống lại Burt Britton, một người Brooklyn có bộ râu kỳ cục và là một người không chắc đã quen giao tế, ông này từng làm việc ở tầng hầm của hiệu sách Strand và đã có bữa tiệc vui cuồng nhiệt nhớ đời của riêng mình sau khi ông đã thuyết phục được rất nhiều tác giả vẽ chân dung tự họa và biên soạn chúng thành sách.
Những người quảng bá cho chữ nghĩa bản thân họ không chỉ là những “nhân vật” đáng kinh ngạc mà đôi khi còn là những nhà cách mạng, bắt đầu từ Benjamin Franklin. Friss ghi lại cách các hiệu sách hiện đã đóng cửa như Drum & Spear ở Washington, D.C., đã hướng tới độc giả da đen và giới L.G.B.T.Q ra sao. Hiệu sách Oscar Wilde trên Phố Mercer từng là nơi tụ tập của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị tước quyền công dân. Anh cũng tái hiện lại những hang ổ của lòng thù hận như Hiệu sách Aryan ở Los Angeles. Giờ đây, những tư tưởng dù tốt hay xấu đều được giao đến cho khách hàng trong cùng một lớp giấy gói trơn một màu nâu.
Dẫu vậy, không thể đổ lỗi cho Amazon về sự sa sút chung trong nền văn chương Mỹ, cũng như về sự phát cuồng công nghệ ngày càng tăng. Friss chỉ ra rằng, nếu ngành kinh doanh sách là thứ đã tàn được phục hồi một cách kém ngoạn mục hơn một chút so với rạp hát, thì chí ít về tổng thể nó vẫn cơ động và nhanh nhẹn hơn, và đó là lý do để lạc quan. Từ Caravan Bookshop (Hiệu sách Lưu động) của Bertha Mahony năm 1920 – “chiếc xe tải có động cơ với hai tấm bạt căng rộng xòe ra như đôi cánh” – đến quầy sách ngoài đường VorteXity của Jen Fisher trên Đại lộ A, cuốn “The Bookshop” cân nhắc xem để thỏa mãn cơn đói kiến thức cơ bản của con người đòi hỏi chi phí ít đến mức nào.
THE BOOKSHOP: A History of the American Bookstore | By Evan Friss | Viking | 416 pp. | $30
Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010.
Browsing Is a Pleasure in This History of the Bookstore https://www.nytimes.com/2024/08/04/books/review/the-bookshop-evan-friss.html
No comments:
Post a Comment