Search This Blog

Wednesday, October 2, 2024

Bói lá trà xem cái kết cuộc chiến ở Ukraine

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,



Trong một số cuốn sách gần đây, các chuyên gia về Nga và Ukraine cân nhắc tầm quan trọng của Tập đoàn Wagner và cố gắng tiên đoán cuộc xâm lược của Putin sẽ diễn tiến ra sao.

Cuộc xâm lược của Nga vào đất Ukraine khởi đầu từ Tháng Hai năm ngoái đã dẫn đến cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thế hệ. Thậm chí trước khi Tập đoàn Wagner – lực lượng bán quân sự với 50.000 lính tinh nhuệ trước đó từng chiến đấu sát cánh cùng binh lính Nga – tuần trước giành quyền kiểm soát các địa điểm quân sự ở thành phố Rostov trên sông Đông ở phía tây nam nước Nga, với mục đích tuyên bố ra ngoài là để lật đổ bộ chỉ huy quân sự của Moscow, thì cuộc xâm lược Ukraine có vẻ như là một thất bại lớn đối với kẻ châm ngòi chiến tranh: Tổng thống Vladimir Putin. Trong vòng một tháng kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, nó đã trở thành “sai lầm có tầm vóc lịch sử”, như cách diễn đạt của một phóng viên kỳ cựu của Ukraine gần đây. Thế nên chẳng lấy gì làm lạ khi năm nay đã xuất hiện một số cuốn sách mới nhằm tóm lược cuộc xung đột đó và suy ngẫm xem cái kết của nó có thể sẽ như thế nào.

Khi cân nhắc xem cuộc chiến sẽ đi đến đâu, thật hữu ích nếu bắt đầu bằng cách ghi nhớ cho đến nay nhiều nhà quan sát Nga đã sai lầm đến thế nào về diễn biến của nó. Quay lại thời điểm cuộc chiến mới bắt đầu, tờ báo Nga Izvestia đảm bảo Ukraine sẽ thất bại trong vòng năm ngày kể từ cuộc tấn công đầu tiên. Năm tuần sau cuộc xâm lược đó, người phát ngôn của Putin tuyên bố rằng quân đội Ukraine “đã bị tiêu diệt phần lớn”.

Song một cuộc chiến nhằm làm suy yếu các nhà lãnh đạo của Ukraine và NATO trái lại đã khiến cả hai trở nên mạnh mẽ hơn. Bulgaria, Romania và ba quốc gia vùng Baltic đều lên tiếng cực lực phản đối những hành động của Putin. Một thực tế ít được phương Tây chú ý hơn là cuộc chiến của Nga cũng khiến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Azerbaijan và Kazakhstan trở nên kém thân thiện với Nga đến mức nào.

Công bằng mà nói, nhiều nhà phân tích không phải của Nga cũng đoán trật lất. Ngay trước cuộc chiến này, nhà sử học người Mỹ gốc Scotland Niall Ferguson viết rằng Ukraine sẽ "không nhận được sự hỗ trợ quân sự đáng kể nào từ phương Tây" và phỏng đoán về địa điểm diễn ra lễ duyệt binh mừng chiến thắng của Putin. Khi cuộc xâm lăng mở màn, có tin là vị Bộ trưởng tài chính Đức và cũng là một sĩ quan trong Lực lượng Dự bị Không quân Đức nói với vị đại sứ Ukraine rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc chỉ sau vài giờ. Vị đại sứ đã rơi nước mắt.

Vậy thì bây giờ xem ra ai là người đoán trúng?

Cuốn sách kích thích tư duy nhất trong loạt sách mới về cuộc chiến ở Ukraine là cuốn RUSSIA AGAINST MODERNITY (NƯỚC NGA CHỐNG LẠI SỰ HIỆN ĐẠI), cuốn sách ngắn gọn và sâu sắc của Alexander Etkind (NXB Polity, 166 trang, bìa mềm, giá 19.95 USD). Cuốn sách được đặt vào bối cảnh tương lai và được coi là phân tích hậu chiến về nguyên nhân vì đâu Nga bị chiến bại ở Ukraine. Etkind, giáo sư tại Đại học Trung Âu ở Vienna, phát triển những phỏng đoán của mình từ những khiếm khuyết của xã hội mà Putin xây dựng – một quốc gia phản dân chủ, sống nhờ vào dầu mỏ với bề dày lịch sử 2/3 kim ngạch xuất khẩu dựa vào nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí đốt. Việc khai thác dầu khí chủ yếu được kiểm soát ở Nga bởi các chính trị gia và cựu nhân viên an ninh, những người coi trọng lòng trung thành chính trị hơn năng lực quản lý rất nhiều.


Etkind mô tả cuộc xâm lược của Putin là "cuộc chiến tranh giữa các thế hệ", ông lưu ý rằng nội các Ukraine được cấu thành với đa số là những người dưới 50 tuổi, trong khi đó hầu hết thành viên trong nội các Nga đều lớn tuổi hơn. Ông ám chỉ rằng các quan chức điều hành nước Nga của Putin biết rõ họ không thể cạnh tranh trong một thế giới hậu-dầu-mỏ, và bởi vậy họ thấy bị sự hiện đại đe dọa về mọi mặt, từ nền dân chủ đến biến đổi khí hậu cho đến sự khoan dung đối với giới đồng tính luyến ái. Etkind mô tả các nhà lãnh đạo Nga như những hóa thạch sống đang sống nhờ vào nhiên liệu hóa thạch. Quan điểm của ông có lý: Lần cuối cùng người ta mua một con chip máy tính do Nga sản xuất là khi nào vậy?


Góc nhìn hay nhất về cuộc chiến thực sự có lẽ là cuốn OVERREACH: The Inside Story of Putin’s War Against Ukraine (MƯU CAO: Câu chuyện nội tình về cuộc chiến của Putin chống lại Ukraine) (NXB Mudlark, 414 trang, bìa mềm, gia 21.99 USD) của nhà báo Owen Matthews. Ông cho chúng ta góc nhìn bao quát trung thực, sáng rõ về các cấp độ khác nhau của cuộc xung đột này, từ mặt trận đến lập trường của các chính phủ tham chiến cho đến tác động lên thường dân.

Matthews, phóng viên thường trú ở Nga của tạp chí tuần tin tức The Spectator, trước đây từng làm việc ở Nga cho cả tờ The Moscow Times và tạp chí tuần tin tức Newsweek. Cuộc bàn luận bi quan của ông về nguyên nhân vì sao hầu hết người Nga ủng hộ cuộc chiến của Putin, chí ít là cho đến gần đây, đang dóng hồi chuông cảnh tỉnh. Sự phụ thuộc của quân đội Nga vào bọn lính đánh thuê cấu thành Tập đoàn Wagner là then chốt của vấn đề. Wagner chiêu mộ tân binh trong số “những tên trộm cắp và những kẻ giết người, những đứa trẻ nghèo từ các tỉnh vùng xa và lính tráng từ các nước cộng hòa dân tộc thiểu số hẻo lánh”, Matthews viết. “Việc dành riêng thương vong cho một đội quân cảm tử đã làm giảm khả năng xảy ra phản ứng dữ dội của quần chúng.”

Một nỗ lực báo chí khác, không triệt để bằng nỗ lực của Matthews, là cuốn THE WAR CAME TO US: Life and Death in Ukraine (CUỘC CHIẾN ĐÃ ĐẾN CHỖ CHÚNG TÔI: Sống và chết ở Ukraine) (NXB Bloomsbury, 374 trang, giá 28 USD) của Christopher Miller. Miller, phóng viên thường trú ở Ukraine của tờ The Financial Times, dành hơn một thập kỷ cho việc đưa tin từ đất nước này. Cuốn sách cho tôi cảm tưởng giống như “bản sắp xếp lại sổ tay ghi chép” của một phóng viên, mà trong đó tác giả đơn giản chỉ ném những ghi chú hiện trường cũ vào bản thảo mới. Cũng như nhiều cuốn sách khác về chiến tranh, Miller không đi sâu vào cuộc xâm lược của Nga ở quy mô toàn diện cho đến hơn một nửa cuốn sách của anh – nhưng khi đã đi sâu vào, anh đặc biệt tài tình trong việc kể lại những ngày đầu hỗn loạn, bấp bênh của cuộc chiến. Theo tường thuật của Miller, một số quan chức an ninh Ukraine đang hợp tác với người Nga và các phần tử nằm vùng của Nga ở Kyiv được kích hoạt để tiến hành những vụ ám sát và phá hoại.


Cuốn THE RUSSO-UKRAINIAN WAR: The Return of History (CUỘC CHIẾN TRANH NGA- UKRAINE: Lịch sử lặp lại) (NXB Norton, 376 trang, giá 30 USD) của nhà sử học Ukraine Serhii Plokhy có phần khô khan hơn, dù ông chắc hẳn đã đúng khi lưu ý rằng một tác động của cuộc xâm lược đó đã nhìn thấy rõ: “Dân tộc Ukraine sẽ trỗi dậy sau cuộc chiến này đoàn kết hơn và chắc chắn về bản sắc của mình hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử hiện đại của dân tộc ấy”.

Cuốn sách PUTIN’S WAR ON UKRAINE: Russia’s Campaign for Global Counter-Revolution (CUỘC CHIẾN CỦA PUTIN VỚI UKRAINE: Chiến dịch phản cách mạng toàn cầu của Nga (NXB Đại học Oxford, 603 trang, giá 29,95 USD) của Samuel Ramani là cuốn sách khó đọc, nhưng những mô tả bách khoa của nó có thể cho ta những chi tiết thú vị và phân tích chiến thuật đáng tin cậy nào đó. Thật thú vị khi anh lưu ý rằng sự phụ thuộc của Putin vào Tập đoàn Wagner “cho phép ông ta tạo ra một quyền lực từ trên xuống để thay thế , quyền lực này củng cố sự kiểm soát của cá nhân ông ta đối với chính sách an ninh” và “che chở cho Putin khỏi một cuộc đảo chính nội bộ khi chiến tranh không diễn tiến theo đúng kế hoạch”.

Là chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Oxford, Ramani lập luận rằng các đồng minh kém hiệu quả nhất của Nga trong cuộc chiến là các đơn vị Chechnya. Điểm yếu của quân Chechnya, như anh nói, là họ đã quen với việc đàn áp dân thường và không chiến đấu với các đối thủ có vũ trang trên chiến trường. Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine vẫn sống sót sau hàng chục vụ mưu sát. Thật may cho ông này, nhiều vụ trong số đó, như tin đã đưa, là do các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Chechnya được Putin giao nhiệm vụ ám sát thực hiện, trong khi những vụ khác do Tập đoàn Wagner tiến hành.

Một câu hỏi cứ ám ảnh mọi nơi là liệu Nga cuối cùng có sẽ chiến bại hay không. Tuyên ngôn chính thức trong chính quyền Putin là Nga sẽ thắng thế nhờ “các quá trình lịch sử khách quan”, theo cách diễn đạt của Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Kết luận của Ramani cũng tờ mờ gần như thế: “Nga không thể chiến thắng và không thể để mình chiến bại trong cuộc chiến này.”

Matthews, sáng tỏ hơn chút ít, lập luận rằng cuộc chiến tranh này chỉ có thể kết thúc bằng một cuộc thương lượng hòa giải, mà Putin sẽ tô hồng là một chiến thắng. Ông cũng phỏng đoán dẫu rằng sau đó Putin có bị hạ bệ, thì ông ta có thể sẽ bị thay thế bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu cứng rắn, hàm ý một Putin bị tổn hại còn tốt hơn một Putin bị lật đổ.

Plokhy, bất chấp dự đoán của mình về dân tộc Ukraine đoàn kết lại, lập luận rằng Ukraine sẽ mất một phần lãnh thổ của mình vào phạm vi ảnh hưởng của Trung-Nga, với đường phân chia tượng trưng cho Bức màn sắt của thế kỷ 21.

Etkind, người có sức thuyết phục nhất trong số này, dự đoán một kết quả khác xa: Không những Putin sẽ thua mà hậu quả là Liên bang Nga sẽ tan rã, hàm ý rằng Chechnya và các khu vực khác sẽ lơi lỏng quan hệ với Moscow hoặc trở nên hoàn toàn độc lập. Tôi đồ rằng ông đoán đúng. Năm 2005, ai cũng biết là Putin đã than thở rằng sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị vô cùng to lớn” của thế kỷ 20. Sẽ thật mỉa mai nếu cuộc chiến của ông ta hoàn tất sự tan rã của Liên Xô.

Song cuộc chiến ở Ukraine cho tới giờ đã bỡn cợt nhiều nhà quan sát và những người tham gia, vậy nên chúng ta cần cẩn trọng đừng đặt quá nhiều niềm tin vào bất kỳ lời tiên đoán nào.

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...