nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Cuốn tiểu sử mới làm sống lại cuộc đời bi thảm đầy màu sắc của Mal Evans: người quản lý chuyến lưu diễn, bạn tâm giao, kẻ mối lái, và người chơi nhạc cụ cowbell.
Evans là kiểu “gã khổng lồ hiền lành”. Là chú “gấu bông” từng chụp ảnh với con gấu kola. Là “anh chàng đáng yêu, âu yếm”. Trong số tất cả nhân viên thuộc đoàn lưu diễn của The Beatles, không thể chối cãi Mal Evans là người giống chú rối Muppet nhất.
Bạn có thể trông thấy Evans cao 1m9 đứng thấp thoáng trong phim “Get Back”, bộ phim tài liệu bom tấn năm 2021 của Peter Jackson. Anh ta mặc chiếc áo khoác có tua rua bằng da lộn màu xanh lá cây, đang giúp Paul McCartney chuẩn bị cho bài “The Long and Winding Road”, và đập lên đe bằng “Maxwell's Silver Hammer” (Chiếc búa bạc của Maxwell) với niềm vui trẻ thơ trong đôi mắt đằng sau cặp kính.
Anh ta gắn bó với ban nhạc từ những ngày đầu — đầu tiên là người bảo vệ tại Câu lạc bộ Cavern ở Liverpool, sau đó là tài xế, nhân viên đoàn lưu diễn và nhân viên đa năng như anh chàng Thứ Sáu (nhân vật trong truyện Robinson Crusoe) — cho đến tận kết cuộc cay đắng. Chẳng mấy ai gọi anh là thành viên Beatle thứ năm, như người ta gọi người đồng nghiệp cũng đa năng của anh là Neil Aspinall, nhưng chắc chắn anh đủ tiêu chuẩn làm thành viên thứ sáu hoặc thứ bảy.
Thế nhưng, không giống như Aspinall và rất nhiều cộng sự khác của Beatles, Evans không được cáo phó trên tờ The New York Times khi qua đời ở tuổi 40 ngày 4 tháng 1 năm 1976. Cũng không có bản tin nào về nguyên nhân tử vong giật gân: do loạt đạn của cảnh sát, họ được gọi đến vì anh ta, kẻ luôn thần tượng các chàng cao bồi và ngôi sao nhạc rock, khua khắng khẩu súng trường Winchester đã lên đạn trong căn hộ của cô bạn gái tại Los Angeles.
Thời điểm đó, Evans đang có hợp đồng với Grosset & Dunlap để viết cuốn hồi ký đã lên kế hoạch từ lâu (và được Beatles đồng ý) về khoảng thời gian anh ta làm việc cùng nhóm, ban đầu tựa sách tên là “200 Miles to Go” (200 dặm phía trước) sau cái đêm anh đấm vỡ kính chắn gió bị nứt nguy hiểm và lái xe hàng giờ chở mọi người đi trong cái lạnh thấu xương.
Gần 50 năm sau, sau khi bản thảo và nhiều tài liệu khác được nhân viên xuất bản phát hiện bị bỏ quên trong tầng hầm lưu trữ và trả lại cho gia đình Evans với sự trợ giúp của Yoko Ono, tác giả Kenneth Womack mới hoàn thành nốt cuốn sách, với thái độ nghiêm túc và cẩn thận bằng phong cách văn xuôi sắc sảo. (Trong các trang sách, cảm xúc luôn đạt đến mức độ “phát sốt” và thực sự có thể thấy “làn gió đổi mới” đang thoáng qua.) Là nhà nghiên cứu Beatles kinh nghiệm, tác giả lau sàn sạch bong rất khéo léo nhưng không nhảy múa với cây lau nhà.
“Living the Beatles Legend” (Sống trong huyền thoại Beatles), tựa đề hơi ảm đạm này có lẽ lấy từ phần sau kế hoạch trong dự án Evans, là nghiên cứu điển hình thú vị về hai vấn đề: tổn hại đi kèm danh tiếng và quá trình khó khăn khi viết tiểu sử cuộc đời. Các trang nhật ký và những bức ảnh trước đây chưa từng thấy (ít nhất là đối với tôi) được in lại, chẳng hạn như cảnh McCartney tắm nắng trên một chiếc ô tô ở dãy núi Rocky, mang lại cảm giác kích thích như khi lục lọi cuốn sổ kỷ niệm riêng tư, mặc dù nhiều câu chuyện chỉ là chuyện thông thường.
Sinh năm 1935, Evans lớn hơn và bảnh tỏn hơn một chút so với bốn thành viên Beatles. Gia đình anh trải qua trận Blitz ở xứ Wales; anh được cấp cho chiếc mặt nạ phòng độc hình chuột Mickey. Hồi đi học Evans nhút nhát có biệt danh “Hà mã” — “Tôi không bận tâm,” anh ta viết, “bởi vì dường như nó luôn là loài động vật ăn cỏ đáng yêu, không làm hại ai cả” — anh có một vợ, đứa con mới biết đi và có vị trí đáng trọng làm kỹ sư viễn thông cho Tổng cục Bưu điện khi mới đến Cavern.
Ở đó, anh thường yêu cầu hát lại nhạc Elvis và The Beatles thể hiện với thái độ hết sức trêu chọc — ngẫm lại khá là ác ý — dành cho “Malcontent”, “Malfunctioning” hoặc “Malodorous”(chơi chữ tên Mal của Evans, nghĩa là “Kẻ bất mãn”, “Thứ hỏng hóc” hoặc “Người nặng mùi”) thời trước khi thuê anh làm việc với mức lương 25 bảng mỗi tuần, không chi trả cho nhiều khoản chi phí.
Evans vừa thích thú vừa khó chịu với vai trò cấp dưới của mình, hết sức tận tậm với những ý thích bất chợt của các vị nghệ sĩ trẻ con này; ví dụ: John Lennon chỉ cần hét lên “Mal, táo” vào lúc 3 giờ sáng và một hộp táo Golden Delicious của Covent Garden sẽ xuất hiện.
George Harrison cũng sắp có cuốn tiểu sử mới trong thời gian này, có đoạn nhớ về Evans —một người rắn rỏi đầy quyết tâm từng bị cá đuối đuổi theo và suýt bị hạ thân nhiệt khi chơi Channel Swimmer trong “Help!”— nhảy từ thuyền xuống để mua “chiếc áo choàng đẹp mắt” của người hâm mộ đang mặc. Anh ta từng phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại cây đàn ghi ta màu đỏ quý giá của Harrison, cây đàn tên “Lucy,” từ tay một tên trộm.
Phần thưởng, và rốt cuộc trở thành hình phạt, của Evans vì tận tâm phục vụ The Beatles là được chia sẻ những thói quen hưởng thụ của họ. Trong quỹ đạo của họ, anh ta gặp rất nhiều người nổi tiếng: Marlene Dietrich, từng để lộ lông vùng kín; mượn quần bơi của Burt Lancaster; gặp Keith Moon không mặc quần. Trách nhiệm của Evans thỉnh thoảng có cả việc xịt vòi nước vào người hâm mộ quá cuồng nhiệt và túm họ ném qua một bên rồi trục xuất ra ngoài và — thường xuyên hơn — tìm kiếm phụ nữ lẫn ma túy, trong việc này Evans cũng tham gia.
Giống như Mary Poppins của những trò tệ nạn, Evans quen mang theo chiếc túi thuốc chứa đầy miếng gảy đàn, thuốc lá, bao cao su, đồ ăn nhẹ và aspirin. Tác giả Womack kể rằng gã khổng lồ hiền lành này không khéo tách biệt công việc và cuộc sống cá nhân. Cô vợ Lily đau khổ của anh tìm thấy những tờ ghi chú (và đôi khi cả quần lót) từ những người có sở thích quan hệ tình dục với cả nhóm nhạc trong va li của chồng. Các con anh có lần tình cờ nghe được tiếng cô bạn gái quan hệ tình dục bằng miệng với cha mình khi anh gửi lời ghi âm chúc mừng sinh nhật cho một đứa con bằng băng cát-xét tái sử dụng. Một đứa con trai của Evans sinh với người hâm mộ bị cho đi làm con nuôi.
Evans nhiều lúc khéo léo để mình lọt vào những bức ảnh công khai hơn các nhân viên khác, việc này làm nhiều người khó chịu. Anh trở thành kẻ được người hâm mộ yêu thích. “Ai cũng biết Mal,” Ann Wilson của nhóm Heart, một trong nhiều người được tác giả Womack phỏng vấn thêm, thấy mọi người hò reo ầm lên khi Evans lên sân khấu chuẩn bị cho một buổi hòa nhạc ở Seattle.
Càng ngày, anh ta càng mong muốn được công nhận và thăng tiến. Đôi khi, anh bị lừa gạt công lao, chẳng hạn như đóng góp của anh cho “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band”; nhưng cũng có khi anh ta đi quá xa, tuyên bố mình giúp sắp đặt các bài hát trong đĩa nhạc đầu tay của Iveys, sau này là Badfinger.
Một trong những nỗi buồn lớn nhất của Evans – cùng với gia đình thường bị bỏ rơi của anh – là nỗi khao khát được tự mình biểu diễn. “Đối với tôi, người quản lý lưu diễn cho The Beatles là điều tuyệt vời thứ nhì,” anh viết. Giống như nhân vật Will Ferrell trong tiểu phẩm nổi tiếng trên chương trình “Saturday Night Live” về Blue Öyster Cult, Evans đã có cơ hội chơi nhạc cụ cowbell trong “With a Little Help From My Friends”.
Có một sự cứng rắn sâu sắc ghi lại trong cuốn nhật ký của Evans, có lẽ muốn để cho hậu thế, và bài thơ anh thử sức viết. Một người đàn ông bình thường có hành trình phi thường nhưng kết thúc cuộc đời bằng vụ tai nạn khủng khiếp — khao khát danh dự nhưng lại phải khuất phục trước ham muốn vô độ — ở đây Evans được phủi bụi và chào đón đúng mực, có một vị trí trên giá sách đầy ắp sách về Beatles.
Cho dù vô tình, tên của anh ta vẫn không có trên bìa sách có lẽ cũng nói lên điều gì đó.
LIVING THE BEATLES LEGEND: The Untold Story of Mal Evans | By Kenneth Womack | Dey Street Books | 592 pp. | $50
No comments:
Post a Comment