nguồn: nytimes
biên dịch: nguyễn quỳnh anh
Nhà báo Richard Behar trao đổi rất tích cực với nhà đầu tư tai tiếng này. Cuốn sách của nhà báo Behar tuy nghiêm khắc và có phần mỉa mai nhưng vẫn cho thấy tính nhân văn ở con người Madoff.
Bức chân dung Bernie Madoff là hình ảnh một người đàn ông trung niên mặc áo sơ mi sọc trắng xanh, đeo cà vạt xanh ở phía trước, phía sau ông ta là văn phòng bận rộn đầy những người trẻ tuổi ngồi trước màn hình máy tính.
Bức hình năm 1999 của Bernie Madoff tại sàn giao dịch Manhattan. Ông ta bị bỏ tù năm 2009 và qua đời năm 2021.
Tuy chúng ta vẫn chưa đến độ đưa Madoff ra làm nhạc kịch, nhưng nhiều năm sau khi ông ta qua đời do bệnh thận năm 2021 trong bệnh viện nhà tù liên bang, kẻ cầm đầu trò lừa đảo Ponzi vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận cho nền văn hóa đại chúng. Một bộ phim đang chiếu thử tại Trung tâm Lincoln. Loạt phim tài liệu của Netflix, “Quái vật phố Wall”. Và bây giờ, bổ sung vào chồng sách chất đầy về nhân vật này, trong đó đã có sách tô màu và cả bài tường thuật của phóng viên New York Times, sau này trở thành cơ sở cho ra đời bộ phim có Robert De Niro tham gia, chúng ta có thêm tác phẩm văn xuôi mới nhan đề “Madoff: The Final Word” (Madoff: Lời trăn trối).
Lời trăn trối? Chính tác giả cuốn sách, Richard Behar, cũng không chắc nữa.
Là nhà báo điều tra lâu năm, Behar từng đối đầu với nhiều tổ chức đáng gờm ưa thích kiện tụng chẳng hạn như Nhà thờ Scientology, tác giả trải qua 15 năm dường như vừa mắc kẹt vừa hưng phấn với cuốn sách đầu tiên của mình. Cùng với rất nhiều cuộc phỏng vấn phụ, tác giả đến thăm Madoff trong tù ba lần; trò chuyện với ông ta qua điện thoại khoảng 50 lần; và nhận được hàng chục bức thư viết tay cùng hàng trăm email của Madoff. (Tác giả không phải nhà báo đầu tiên hoặc duy nhất đến thăm nhân vật tù tội này, nhưng thời gian trôi qua nhiều người sẵn lòng chia sẻ thêm thông tin hơn — mặc dù cái chết cũng khiến nhiều người không còn có thể lên tiếng.)
Với mỗi đô-la Madoff lấy được, ông ta lại tạo ra ít nhất một chứng từ giấy tờ. Theo Behar, kho chứa 30 triệu tài liệu Madoff không thể tiêu hủy “gần bằng một nửa tổng số tài liệu in của Thư viện Quốc hội Mỹ”. Hoạt động băm nhỏ tài liệu được Madoff thực hiện bắt đầu từ giữa những năm 90, tại một cơ sở ở Brooklyn hiện có tên là Tuck-It-Away (nghĩa là Giấu đi), giống như một bữa tiệc âm thanh ASMR: hàng đống bao tải bố đựng mảnh vụn giấy được đưa đến nhà máy tái chế gần đó, bí mật của ông ta “tan thành mùn giấy”.
Ai mà biết được Madoff lại có ý thức về môi trường đến vậy?
Tác giả Behar tiếp cận ngọn núi tài liệu hùng vĩ này với thái độ nghiêm túc nhưng không bị gò bó. Behar tỏ ra thích thú với những vách đá kỳ dị trên ngọn núi cao này, chẳng hạn như cuộc bán đấu giá hàng hóa của Madoff, để thu lại tiền cho những người bị ông ta lừa đảo, thậm chí đem cả quần đùi của ông ta ra bán. Andres Serrano, nghệ sĩ nổi tiếng với tác phẩm “Piss Christ”, đã trả 700 đô-la (“có vẻ rẻ bèo”) cho 22 đôi giày trong bộ sưu tập đồ sộ của Madoff, trong đó có cả giày lười họa tiết da báo.
Theo Behar, những gì Madoff đọc trong tù có cuốn tiểu thuyết “Battle Cry” năm 1953 của Leon Uris. Nhưng những cái chết khủng khiếp của nhiều người liên quan trong câu chuyện Madoff — một tỷ phú dùng thuốc quá liều nổi lềnh phềnh trong hồ bơi ở Palm Beach; giỏ rác văn phòng của nhà tài chính người Pháp chứa đầy máu từ cổ tay bị cắt của ông ta — lại giống với tác phẩm của John Grisham hơn.
Cuốn sách “Madoff: The Final Word” giải thích cẩn thận những vấn đề phức tạp như thái độ quay mặt của J.P. Morgan Chase, mà Behar gọi là “con thủy quái khát máu khi liên quan đến Bernie Madoff”, hay phiên tòa xét xử Madoff Five, và còn có cả những lời cảm thán, lời bình và biểu cảm như “Bụp!” và “thấy chưa”. Những cuộc trò chuyện gần gũi của tác giả với Madoff — chẳng hạn, tác giả tiết lộ nhà trị liệu tâm lý của Madoff trong tù trấn an rằng ông ta chỉ đang biểu hiện cơ chế ngăn cách tâm lý chứ không phải tâm thần rối loạn nhân cách chống xã hội — sẽ được củng cố rất nhiều bằng chú thích cuối trang để phân biệt giữa tài liệu mới và tài liệu cũ.
Mãi đến giữa cuốn sách, chúng ta mới biết tiền đầu tư của Madoff đã được sử dụng để chi trả cho khoản đặt cọc khiêm tốn của chính tác giả để mua một căn hộ; bà dì Adele của tác giả là một trong những người mất hết tiền tiết kiệm cả đời, vậy mà bà đã chấp nhận được sự việc một cách đáng kinh ngạc. “Tôi gọi Bernie là 'Gonif bé nhỏ của tôi '," bà dì nói, "đó là từ ngữ tiếng Yiddish để chỉ một tên trộm hoặc một tên lừa đảo. 'Con gonif ăn trộm kẹo mút của người khác nhưng ăn trộm theo cách cực kỳ dễ thương.'”
Behar cũng có vẻ quyết tâm nhìn ra nhân tính ở Madoff và bi kịch của gia đình ông ta.
Người con trai lớn, Mark, tự sát năm 2010, đúng một năm sau ngày cha anh ta bị bắt; người con nhỏ hơn, Andrew, qua đời vì bệnh ung thư hạch 4 năm sau đó, và Bernie không được phép tham dự cả hai đám tang. Behar viết: “Mất đi những đứa con đã là bản án chung thân, nhưng phải khóc thương khi ngồi trong cái lồng giam nghĩa đen là điều không thể chịu đựng được, ngay cả đối với một dã thú ăn thịt người trong lĩnh vực tài chính”.
Tác giả nhận thấy có sự hài hước nghiệt ngã ở góa phụ của Madoff, bà Ruth, mức độ đồng lõa của bà hiện vẫn chưa xác định được. Behar phỏng vấn vị luật sư đang cố gắng trả lại cho bà Ruth chiếc giường cưới có vòm che — "ngắn hơn cỡ giường nữ hoàng" — và trích lời vị cảnh sát FBI cứng rắn đã mắng bà vì hút thuốc. “Ruth, cứ như thế sẽ chết đấy,” anh ta nói. “Giá mà như thế được,” bà đáp lời.
“Không có gì ngạc nhiên khi Bernie chẳng e ngại nhà tù,” viên cảnh sát kể sau đó. “Bà ta không bao giờ chịu câm [**] họng lại.”
Có lẽ gây tranh cãi nhất là việc tác giả Behar dành cả chương dài phản đối người ta mô tả những khách hàng bị mất trắng của Madoff là “nạn nhân”, thay vào đó tác giả thích dùng thuật ngữ “kẻ thua cuộc”. Rốt cuộc, tác giả viết, “những kẻ tội nghiệp bất hạnh này kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ, ổn định đến mức không thể tin được mà chẳng hề kêu ca — thường là trong nhiều thập kỷ”.
Tác giả nói đúng khi cho rằng nhà đầu tư nên thực hiện thẩm định kỹ lưỡng. Nhưng cách tác giả lặp lại mà tự mình không nhận thức được những lời chỉ trích thường thấy của Donald J. Trump khiến cho nỗ lực ở cuối cuốn sách, muốn đưa Madoff và cựu tổng thống Trump trở thành biểu tượng minh họa cho cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của cả quốc gia, có vẻ nông cạn.
Trong một đám đông nhiều con người bao gồm kế toán, nhân viên đánh máy, thư ký, thương nhân, kẻ phản bội, chuyên gia phân tích, quan chức Sở chứng khoán, luật sư, nhân viên tòa án và dì Adele thân yêu đã qua đời — bà từng làm việc với các nhà thần kinh học và kêu gọi giám định pháp y các nếp gấp ngoằn nghèo trên não của Bernie Madoff — nhà trị liệu tâm lý mà tác giả Behar tham vấn có vẻ giống như người được mời vào phút cuối và có phần lạc quẻ.
Dù có nhiều đoạn kỳ lạ và giật gân, cuốn sách “Madoff: The Final Word” vẫn chắt lọc được tinh túy của câu chuyện có tầm cỡ rất lớn. Nếu đây là lần đầu tiên bạn thưởng thức câu chuyện thì lại càng tuyệt vời.
MADOFF: The Final Word | By Richard Behar | Avid Reader Press | 384 pp. | $35
Alexandra Jacobs is a Times book critic and occasional features writer. She joined The Times in 2010.
_____
From The New York Times:
Jailhouse Correspondence Gives Bernie Madoff the ‘Final Word’
The journalist Richard Behar communicated extensively with the disgraced financier. His rigorous if irreverent book acknowledges his subject’s humanity.
https://www.nytimes.com/2024/06/30/books/review/madoff-the-final-word-richard-behar.html
No comments:
Post a Comment