Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Cuốn tiểu sử tiết lộ về cuộc đời người anh hùng Brazil vô danh

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Into the Amazon” (Hành trình Amazon) của tác giả Larry Rohter tôn vinh cuộc phiêu lưu của Cândido Rondon, nhà thám hiểm, nhà khoa học, chính khách tiên phong và còn hơn thế nữa.

Muốn thực sự tiến bộ, ta buộc phải nhìn về quá khứ. Gần đây, có nhiều cuốn sách tiết lộ câu chuyện phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta được dạy — về những nhân vật ẩn danh và những dân tộc từng bị gạt ra ngoài lề xã hội nhưng họ góp phần định hình nên thế giới chúng ta. Trong “Into the Amazon”, nhà báo Larry Rohter kể câu chuyện được nghiên cứu kỹ lưỡng về nhân vật quan trọng, đáng suy ngẫm, nhưng thế giới nói tiếng Anh thường ít biết đến.

Những thăng trầm trong cuộc đời nhà thám hiểm, nhà khoa học và người bảo vệ dân tộc bản địa này làm nổi bật lên sự thật thú vị: Luôn có nhà tư tưởng chống lại thái độ thành kiến của thời đại. Trong câu chuyện về Cândido Rondon, ông xuất sắc chơi trò tay trong, dùng quyền lực để bảo vệ những người không thể tự vệ.


Rondon vẫn được coi là anh hùng Brazil. Mồ côi cha mẹ khi mới biết đi từ năm 1865 tại vùng đất xa xôi trên đất nước rộng lớn, ông là hiện thân cho khát vọng của quốc gia đang phát triển. Cha của ông là hậu duệ người châu Âu, người châu Phi và người bản địa. Tổ tiên mẹ ông là người Bororo và Terena, hai nhóm Bản địa nổi bật nhất trong nước.

Rondon được ông ngoại nuôi dạy nói tiếng Bồ Đào Nha, nhưng phần lớn tuổi trẻ Rondon ở cùng dân bản địa săn bắn, câu cá và lần theo dấu vết muông thú, sống giữa thiên nhiên hoang dã. Cậu bé lĩnh hội kiến thức từ người lớn tuổi — tên gọi và cách sử dụng thực vật và nấm bản địa — và được coi là thần đồng.

Trí thông minh, óc tò mò và khao khát vươn lên thúc đẩy Rondon nộp đơn vào học viện quân sự của Quân đội Brazil ở Rio de Janeiro; nơi đây có chương trình giáo dục tốt nhất người Brazil nghèo có thể đạt được. Ở đó, anh chứng tỏ năng lực xuất sắc, đồng thời kết bạn với những nhà tư tưởng tiến bộ nhất thủ đô. Đất nước Brazil thời trai trẻ của Rondon là nơi đầy biến động hỗn loạn. Năm 1888, chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Một năm sau, chế độ quân chủ bị lật đổ bằng cuộc đảo chính quân sự không đổ máu dựa trên học thuyết Thực chứng.

Giống như chúng bạn, Rondon say mê với tác phẩm của nhà toán học và triết gia Pháp Auguste Comte, người sáng lập nên phong trào này. Đi ngược xu thế đương thời hướng tới thuyết ưu sinh, chủ nghĩa Thực chứng đưa ra nhiều luận điểm, trong đó có nội dung mọi người đều bình đẳng, bất kể chủng tộc, đây là ý tưởng đặc biệt hấp dẫn ở Brazil đa sắc tộc, nơi đây hôn phối khác chủng tộc không bị lên án như nhiều chỗ khác. Những người theo Comte giữ niềm tin sâu sắc vào khả năng của khoa học trong việc giải quyết đau khổ của nhân loại.

May mắn cho chàng Rondon mang tư tưởng hòa bình, quân đội Brazil hoạt động khá giống Sư đoàn kỹ sư quân đội Mỹ, ngay trước khi tốt nghiệp năm 1889, anh được thăng chức để hỗ trợ dẫn dắt nhiệm vụ to lớn nguy hiểm là lắp đặt đường dây điện báo dài hàng nghìn dặm. Thời điểm đó, điện báo là phương tiện liên lạc nhanh chóng duy nhất ở khoảng cách xa, và mở rộng đường dây giúp kết nối những vùng xa nhất đất nước — phần việc quan trọng trong quá trình xây dựng quốc gia.

Nhưng công việc giăng sợi dây nặng nề xuyên qua Amazon, đồng thời tỉ mỉ lập bản đồ rừng núi, đồng nghĩa phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Rắn độc, bệnh chết người do muỗi truyền, đám bò sát và cá khát máu. (Giai thoại đáng nhớ nhất kể về nhà thám hiểm xấu số trong chuyến thám hiểm của Rondon, người này bị cá piranha ăn sạch, xương cũng bị gặm sạch — ngoại trừ đôi chân còn nguyên vẹn trong đôi ủng da dày dặn.)

Tuy nhiên, có lẽ điều đáng sợ nhất đối với người lính thành thị là dân bản địa Amazon. Những nhóm này, kể từ khi người châu Âu đến khoảng 200 năm trước, thường gây chiến với kẻ tìm vận may, đặc biệt là chủ khai thác mỏ và cao su, những kẻ từng bắt tất cả dân bản xứ có thể làm nô lệ, và giết chết người còn lại. Thời điểm Rondon tiến vào Amazon cùng quân đội, dân bản địa đã chuẩn bị sẵn sàng chống trả — bằng loạt mũi tên tẩm độc.

Bởi Rondon có mối đồng cảm với người dân do gốc gác Bản địa, anh hết sức mong muốn tìm ra con đường tiến đến hòa bình. Rất nhanh chóng, anh hình thành nên phong cách lãnh đạo và tôn chỉ xác định sự nghiệp lâu dài và đa dạng của mình: “Cứ chết nếu phải chết, nhưng không bao giờ giết”.

Không lời nào diễn tả nổi tầm quan trọng của phương thức Rondon thực hiện. Trong thời kỳ nạn diệt chủng được coi là cái giá phải trả cho tiến bộ, Rondon là người môi giới hòa bình. Ông phát triển hệ thống giao tiếp thân thiện với người dân bản địa, ngay cả khi ông không thể nói được ngôn ngữ của họ, và không quen với văn hóa cũng như phong tục của họ. Ông cũng thuyết phục quân đội của mình ngừng nổ súng. Trong khi dân định cư ở Mỹ tiêu diệt bò rừng theo cách có tổ chức, khi đó là nguồn thực phẩm quan trọng với thổ dân Mỹ bản địa, Rondon lại xây dựng mối quan hệ then chốt giữa các bộ lạc vùng sâu vùng xa với chính phủ nơi thủ đô, kẻ sẽ quyết định số phận của họ.

Cách tiếp cận bất thường của Rondon cứu được vô số mạng sống. Trong nhiều thập kỷ, trải qua nhiều chế độ độc tài, ông tỉ mỉ lập bản đồ vùng nội địa rậm rạp của Brazil, lập danh mục động thực vật, xây dựng tình bạn chân thành với nhiều bộ lạc khác nhau và truyền cảm hứng cho thế hệ nhà tư tưởng và nhà thám hiểm tiếp theo của Brazil. Năm 1913, Rondon được kính trọng đến mức ông được giao nhiệm vụ tiếp đón Theodore Roosevelt và con trai Kermit, trong chuyến thám hiểm lập bản đồ sông của ông, hành trình kéo dài 5 tháng gian khổ suýt cướp đi mạng sống của vị cựu tổng thống. (Theo tài liệu đương thời, Rondon được gọi là hướng dẫn viên bản địa.)

Rondon luôn tập trung chú ý vào cư dân bản địa Amazon, những người ông ngày càng kính trọng như bằng hữu ngang hàng. Trong suốt sự nghiệp của mình — ông tiếp tục lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ người da đỏ còn non trẻ của Brazil (sau này là FUNAI) — ông khéo léo và kiên nhẫn vận dụng đòn bẩy quyền lực để tạo ra thay đổi.

Đọc câu chuyện của tác giả Rohter ngày nay, người ta lần nữa nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác với chính phủ đàn áp để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương. Brazil từng trải qua nhiều chính phủ như vậy; người liêm khiết như Rondon, dù từ chối tranh cử, từng bị coi là mối đe dọa. Và, một phần nhờ nỗ lực của ông, Brazil vẫn là quê hương của nhiều nhóm dân tộc bản địa.

Những năm tháng cuối đời, Rondon trăn trở nhiều với di sản mình để lại. Ông lo lắng nỗ lực ban đầu nhằm hòa nhập người Brazil bản địa vào xã hội hiện đại là sai lầm đáng tiếc. Hơn chín thập kỷ qua, ông chứng kiến quá trình hiện đại hóa khiến văn hóa và ngôn ngữ của họ mai một thế nào, và ông nhận thấy họ là người bảo vệ tận tâm nhất đối với Amazon rộng lớn, kỳ diệu, hiện đang bị đe dọa từ mọi phía. Cuối cùng, dù vẫn là người theo chủ nghĩa Thực chứng lạc quan, Rondon mong muốn các bộ lạc bản địa được yên ổn và nỗ lực xây dựng khu bảo tồn rộng lớn.

Năm Rondon 91 tuổi, người ta thành lập liên minh đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1957. Lý lẽ đề cử rất rõ ràng: nỗ lực vận động không mệt mỏi của Rondon mang lại cho ông danh hiệu “Gandhi xứ Brazil”. Nhiều thập kỷ trước, chính Albert Einstein tiến cử ông với ủy ban Nobel. Nhưng ủy ban nhìn vào thành tựu phiêu lưu khám phá của Rondon hơn là nỗ lực nhân đạo của ông, và giải thưởng thuộc về chính khách Canada Lester Bowles Pearson.

“Into the Amazon” là tác phẩm đáng đọc. Chúng ta có xu hướng bào chữa cho hành vi thối nát của nhân vật lịch sử, bằng cách giải thích niềm tin của họ qua bối cảnh thời đại họ sống. Nhưng trên thực tế, thời đại nào cũng tồn tại tất cả quan điểm, từ định kiến hẹp hòi đến chủ nghĩa duy tâm không tưởng. Chỉ riêng lý do đó, cuốn tiểu sử sắc nét của tác giả Rohter là tác phẩm đáng hoan nghênh thêm vào kho tàng tác phẩm mới công bằng toàn diện hơn.

INTO THE AMAZON: The Life of Cândido Rondon, Trailblazing Explorer, Scientist, Statesman, and Conservationist | By Larry Rohter | Illustrated | 465 pp. | W.W. Norton & Company| $38

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...