Search This Blog

Sunday, October 6, 2024

Vị trữ quân dự bị không giữ gì cho mình

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “George VI and Elizabeth: The Marriage That Saved the Monarchy (George VI và Elizabeth: Cuộc hôn nhân đã cứu chế độ quân chủ)” của tác giả Sally Bedell Smith khám phá một kỷ nguyên hoàn toàn khác trong truyền kỳ về gia tộc Windsor.

Lẽ ra lễ đăng quang sắp tới của Charles III cần phải mở ra một chương mới huy hoàng cho Nhà Windsor, thì sự kiện này thu hút truyền thông lá cải quan tâm quá mức khiến ngày càng nhiều người cùng thấy phát chán hoàng gia. Rốt cuộc, trong thời điểm hỗn loạn này, chẳng phải chúng ta có nhiều điều thiết thực cần suy nghĩ hơn là chút hào nhoáng hay nhỏ nhen, huy hoàng hay tai tiếng mới nhất, xuất phát từ chế độ quân chủ nổi tiếng nhất thế giới còn tồn tại hay sao? Và khi nhìn ngẫm những nhân vật chủ chốt trong câu chuyện này, họ thực sự dạy chúng ta bài học gì, ngoại trừ đặc quyền hoàng gia hiếm khi khiến những người đang có, khao khát có hoặc đánh mất nó trở thành người tốt hơn?


Cuốn sách mới nhất của tác giả Sally Bedell Smith, “George VI và Elizabeth,” đưa ra một bài học khác. Là tác giả của những tác phẩm như “Diana in Search of Herself” (Diana đi tìm chính mình), “Prince Charles” (Hoàng tử Charles) và “Elizabeth the Queen” (Nữ vương Elizabeth), Smith tránh xa vũng bùn Megxit (chỉ việc vợ chồng Hoàng tử Harry rời khỏi gia đình hoàng gia). Thay vào đó, tác giả có lựa chọn mới mẻ là tập trung vào “trữ quân dự bị” thời trước của nhà Windsor, ngài Bertie, Công tước xứ York — con trai thứ hai của George V — và người vợ gốc Scotland của ông, nhũ danh Elizabeth Bowes-Lyon. Cặp đôi này, phụ mẫu của nữ vương Elizabeth II, là đối trọng đầy cảm hứng, nếu không muốn nói là đối lập với con cháu ngày nay của họ. Ngai vàng mà họ bất ngờ ngồi lên lại giúp bộc lộ những phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất, thay vì những đặc điểm kém hơn: “phẩm chất về nghĩa vụ và phục vụ”, theo lời tác giả, “trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”.

Mặc dù câu chuyện về cặp vợ chồng này trước đây đã được kể nhiều, nhưng vẫn mang đến điều mới mẻ mới trong bối cảnh báo chí ngày nay đưa tin không ngừng về thị phi gia tộc Windsor. Lời tường thuật sống động của tác giả Smith nhắc độc giả ghi nhớ ở thời khắc quyết định — bất kể tội lỗi lịch sử hay tội ác trường tồn của chính Đế quốc Anh — hoàng gia đã thể hiện sự lãnh đạo vị tha, kiên cường và lòng trắc ẩn đối với người dân của mình.

Chuyện tình của Bertie và Elizabeth có khởi đầu khó tin: Cô từ chối anh hai lần rồi cuối cùng mới đồng ý kết hôn. Nhưng Bertie vẫn kiên trì, và họ kết hôn năm 1923. Sự tận tâm sâu sắc và lâu dài họ dành cho nhau giúp hai người vượt qua nhiều khó khăn phải đối mặt trong suốt cuộc sống hôn nhân — bắt đầu từ cuộc khủng hoảng hiến pháp do Edward VIII thoái vị năm 1936.

Trong vương thất ông thường được gọi là David, sau này trở thành tay chơi lôi cuốn nhưng hư hỏng, yếu đuối với chính trị của Đức Quốc xã và phụ nữ đã có gia đình. Nhà vua cũng là người đứng đầu chính thức của Giáo hội Anh, ngay từ đầu rõ ràng tình trạng sắp ly hôn lần hai của Wallis Simpson khiến cô không đủ điều kiện kết hôn theo hiến pháp với nhà vua. Thế nhưng, David dành 326 ngày làm vua cố gắng phớt lờ, đi ngược lại hoặc phá vỡ quy tắc này, để rồi kết luận trong bài phát biểu tai tiếng trên đài phát thanh rằng ông không sẵn lòng hy sinh “người phụ nữ tôi yêu” vì nghĩa vụ. Quả thực, hàng chục năm được nuông chiều nhàn nhã với tư cách là người thừa kế hiển nhiên (một cận thần suy đoán “một số tế bào trong não của ông ấy chưa bao giờ trưởng thành”) dường như khiến ông không sẵn lòng hy sinh bất kỳ điều gì vì nghĩa vụ.

Tác giả Smith kể lại trong thời gian ngự ngai vàng ngắn ngủi của mình, David 42 tuổi, luôn chùn bước trước “những việc thường ngày đơn giản nhất của vương quyền — tiếp kiến quan chức, ký văn bản chính phủ trong hộp thư hằng ngày của ông” — và thực hiện những việc ấy rất vô tâm nếu ông có làm đi nữa. Ông phàn nàn về việc “luôn bị nhốt trong song sắt Cung điện Buckingham” và chỉ trích “sự vô nghĩa giả tạo” của các nghi lễ đính hôn hoàng gia. Wallis có vẻ giống như triệu chứng hơn là nguyên nhân khiến nhà vua bất mãn, mặc dù cô sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm về việc ông thoái vị.

Việc vua Edward VIII từ bỏ ngai vàng gây ra làn sóng chấn động khắp Vương quốc Anh và Nhà Windsor. Nó giáng một đòn đặc biệt nặng nề vào Bertie, một người rất đỗi nghiêm túc và nhút nhát trong vương thất, người thiếu sức mạnh ngôi sao bẩm sinh và thái độ tự tin vô tư của anh trai mình, đồng thời là người sợ hãi viễn cảnh kế vị ông anh làm vua đến nỗi khi rốt cuộc biết mình phải lên ngôi đã gục xuống khóc nức nở trên vai mẹ. Vấn đề ông bị lắp bắp khi lo lắng, khiến việc phát biểu trước công chúng trở thành nỗi khiếp đảm, càng làm tăng thêm tình trạng lo âu của ông.

Tuy nhiên, trái ngược với anh trai, Bertie không coi những nghĩa vụ ở vị trí cao của ông là không thể tách rời khỏi những đặc quyền đi kèm. Ông cam kết miễn cưỡng nhưng dũng cảm, như viết trong thư gửi cho David, “đảm nhận ngai vàng bấp bênh và cố gắng khiến nó vững vàng trở lại”. Vợ ông — bề ngoài ngọt ngào nhưng cứng rắn — đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này: người ủng hộ không mệt mỏi cho chồng, người bạn tâm giao chính của ông, và là pháo đài bảo vệ trạng thái bình thường trong một thế giới điên loạn.

Cam kết thực hiện nghĩa vụ của vua George VI mang tầm vóc anh hùng khi Thế chiến II bùng nổ, khi nước Anh đứng một mình ở châu Âu chống lại mối đe dọa của Đức Quốc xã. Giống như nhân dân mình, ông và vợ phải chịu đựng bao khó khăn của thời chiến: đánh bom, mất điện, thiếu lương thực và xa cách các con gái (được sơ tán đến vùng nông thôn tương đối an toàn ở Windsor). Nhờ sự hiện diện kiên cường ở London trong suốt giai đoạn Chiến tranh chớp nhoáng, cùng những chuyến viếng thăm không mệt mỏi cũng như thái độ đồng cảm rõ rệt đối với những cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cỗ máy chiến tranh Đức, cặp đôi hoàng gia nhận được sự tôn trọng và tình cảm của nhân dân, những người mà theo một nhà báo, đã dần coi họ như người bạn “mà họ biết là đồng hành cùng với họ không chỉ trong trái tim mà còn cùng kinh qua bao nhọc nhằn.”

Về phần mình, nhà vua và hoàng hậu bất ngờ cảm thấy bản thân hoàn thiện hơn nhờ nỗ lực trợ giúp nhân dân và làm gương cho họ. Khi nghĩ về những người Anh bị Không quân Đức san bằng cả thị trấn, Elizabeth ngẫm rằng: “Nếu một người có thể giúp đỡ những con người quả cảm ấy thì mọi thứ đều đáng giá”. Mặc dù người ta cho rằng bà vẫn thầm đổ lỗi những căng thẳng từ gánh nặng vương quyền bất ngờ dẫn đến cái chết sớm của người chồng bà yêu dấu — và phẫn nộ với David và Wallis cho đến cuối những ngày dài của bà — phẩm chất vị tha này trở thành khẩu hiệu của con gái bà Elizabeth II và là chìa khóa cho sự nổi tiếng lâu dài của bà ấy. Con cháu của bà chọn tôn vinh hay bỏ qua di sản này đến mức độ nào vẫn còn là câu chuyện tương lai.

GEORGE VI AND ELIZABETH: The Marriage That Saved the Monarchy | By Sally Bedell Smith | Illustrated | 703 pp. | Random House | $40

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...