nguồn: New York Times,
biên dịch: Takya Đỗ,
Cuốn “Invitation to a Banquet” (“Thiệp mời dự tiệc”) của Fuchsia Dunlop là công trình nghiên cứu văn hóa về nền ẩm thực cực kỳ rộng lớn và thường bị hiểu sai.
“Một cuốn sách dạy nấu ăn thực sự hay,” Jan Morris viết, “thì về mặt tri thức nó còn mạo hiểm hơn cả cuốn cẩm nang tình dục Kama Sutra.” Cuốn sách mới vào loại bậc thầy của Fuchsia Dunlop “Invitation to a Banquet: The Story of Chinese Food” (“Thiệp mời dự tiệc: Câu chuyện về ẩm thực Trung Hoa”) thực chất không phải là một cuốn sách dạy nấu ăn. Nhưng nó có sự liên quan trực tiếp đến dục tính gợi cho ta nhớ đến nhận xét trên của Morris.
Khó mà viết về ẩm thực dài hơn một hoặc hai trang sách mà không thêm nếm những so sánh và ám chỉ đến một dạng hành vi tính dục khác. Ẩm thực và tình dục: phương pháp và sự đa dạng của chúng vay mượn từ cùng một nguồn ngôn ngữ. Những gì ta ăn cũng bộc lộ bản thân ta y như những gì ta làm trên giường, và khi ta già đi thì ăn uống là sự bù đắp cho tình dục.
Những mô tả của Dunlop nghiên cứu mối liên kết này. Những chiếc lá xanh thẫm trên cây cải làn “mượt mà và rũ xuống như mái tóc nàng tiên cá”. Các đầu bếp ở Thiểm Tây rất lành nghề trong việc “thọc ngón cái, đùn ra, bấu véo, nhỏ giọt, giằng giật, căng ra, xoa bóp” sợi mì của họ. Những thực đơn nhằm vào khách hàng phương Tây, với những món ăn rõ rành rành, giống như “các cô gái hộp đêm đang xếp hàng khoe chân”. Mô tả kết cấu thành phần trong những cuốn sách dạy nấu ăn của Trung Quốc gợi cho Dunlop nhớ đến những cảnh trong “Fanny Hill”, cuốn tiểu thuyết khiêu dâm kinh điển. Một món hầm bữa sáng đơn giản “mơi khách bằng ớt và dưa chua”. Nếu tôi được một xu cho mỗi lần Dunlop dùng từ “mê mẩn” hoặc “si mê”, tôi hoàn toàn có thể trả tiền cho 40 phút đỗ xe ở bãi đỗ của một thị trấn nhỏ.
Sự hùng hồn này bổ sung thêm nhân tố con người cho cái vốn là một tác phẩm lịch sử ẩm thực nghiêm túc và mạo hiểm. Là một cuộc điều nghiên về văn hóa, tri thức và chính trị, “Invitation to a Banquet” được xếp ngang hàng với cuốn “The Food of France” (“Ẩm thực Pháp” – ra mắt năm 1958) của Waverley Root và cuốn “High on the Hog” (“Sơn hào hải vị” – ra mắt năm 2011) của Jessica B. Harris. Nó là cuốn từ điển chuyên đề về các giác quan. Cuốn sách nâng Dunlop, nhà văn và đầu bếp người Anh tốt nghiệp Đại học Cambridge, lên tầm cao mới với tư cách là nhà bình luận ẩm thực. Văn phong của chị cũng phong phú và sinh động như văn phong của M.F.K. Fisher và Betty Fussell. May thay, chị thiếu sự tự tin của Fisher, và có sự sôi nổi của Fussell.
Nếu bạn quan tâm đến ẩm thực, hẳn bạn từng nghe danh Dunlop. Chị là sinh viên kỳ cựu, và là người làm sáng tỏ ý nghĩa của nền ẩm thực Trung Quốc cho độc giả phương Tây. Chị là người phương Tây đầu tiên được đào tạo tại Học viện Ẩm thực Tứ Xuyên. Chị giành được bốn giải thưởng James Beard. (Như tất cả mọi cư dân New York sành sỏi, Beard biết rằng lang thang ở khu phố Tàu để ăn trưa là phần hay ho nhất trong lúc làm nhiệm vụ giám khảo.) Chị viết nhiều cuốn sách, trong đó có “The Food of Sichuan” (“Ẩm thực Tứ Xuyên”), “Every Grain of Rice” (“Từng hạt gạo”) và cuốn hồi ký “Shark’s Fin and Sichuan Pepper.” (“Vi cá mập và ớt Tứ Xuyên”). Cuốn sách mới này là tác phẩm để đời của chị.
Dunlop tiếp cận ẩm thực Trung Hoa với sự hiếu kỳ, lòng tôn trọng và nhiệt huyết hòa quyện với nhau. Lorrie Moore viết: “Bản lĩnh là một phẩm chất đẹp đẽ ở một con người”, và Dunlop có rất nhiều phẩm chất đó. Quan trọng là chị không bị hoang mang lo sợ bởi chủ đề của mình. Chị gọi ra những thủ đoạn mà chị lên án, chẳng hạn như việc Trung Quốc rất thèm muốn các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Thế nhưng, chị viết:
Nhiều năm khéo léo cân bằng giữa “phương Tây” và Trung Quốc biến tôi thành một nhà ngoại giao dày dạn, người theo chủ nghĩa tương đối về văn hóa, người luôn giữ thái độ trung lập và hết lòng kìm nén những lời phán xét. Đó là cái mà sự hòa nhập vào nền văn hóa khác gây ra cho ta. Đó có lẽ là lý do vì sao những người như tôi làm thế: phá vỡ những quan điểm không gì lay chuyển nổi của chúng ta và nhìn mọi thứ qua con mắt hình lăng kính của một con côn trùng, từ nhiều góc độ.
Dunlop chia cuốn sách của mình thành bốn phần: Lò sưởi, Trang trại, Nhà bếp và Bàn ăn. Các phần này lại được chia nhỏ thành 28 chương, hầu hết các chương đều phân tích một công thức hoặc một phương pháp: Gà Trùng Khánh xào ớt khô, Mì xắt bằng dao, Đậu phụ Tứ Xuyên, Cùi bưởi nấu với trứng tôm, Thịt kho tàu, Cá vược thái lát và Canh Thủy khiên, Tiểu long bao hấp, v.v… Đa phần các chương đều bắt đầu bằng một bữa ăn, hay một chuyến thăm trang trại hoặc nhà máy sản xuất rượu vang, hoặc thăm một đầu bếp đáng kính. Rồi từ đó chị mở rộng ra lịch sử của những gì nằm trên đĩa ăn của chị.
Chị giới thiệu ta với những người mà ta sẽ vui lòng gặp gỡ, chẳng hạn như vị đầu bếp ở Dương Châu nổi tiếng với tài năng “biến một con gà sống thành đĩa ức gà xào trong đúng ba phút bảy giây”.
Trung Quốc là một lục địa thì đúng hơn là một quốc gia, theo lời chị, và gần như không thể khái quát hóa về ẩm thực xứ này. Chị rất cảnh giác với thái độ trịch thượng đối với ẩm thực Trung Hoa, thái độ luôn xuất phát từ những người chưa từng nếm thử món ăn Tàu đích thực bao giờ. Chị nêu quan điểm thú vị rằng ngày nay ẩm thực Trung Hoa gần như chắc chắn sẽ được tôn sùng như ẩm thực của Tây Ban Nha, Pháp, Ý và California nếu Mao Trạch Đông không thanh trừng những đầu bếp giỏi nhất và đẩy họ đi làm nông dân hay công nhân trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa hồi những năm 1960 và 1970.
Chúng ta tình cờ gặp một số món ăn xa lạ. Có một chương nói về món chân gấu, một món cao lương mỹ vị – đặc biệt là bàn chân trước, ngon hơn. Dunlop chuẩn bị món súp ngẩu pín hươu cho bạn bè ở London, chị dùng chân lạc đà và vui vẻ loay hoay với những món khác có “yếu tố chật vật cao”. Chị học được cách “nhìn bất kỳ thứ gì có vẻ ăn được bằng con mắt lạnh lùng và bình thản”.
Hãy xem trứng cá muối và gan ngỗng, và cách người ta lấy được chúng như thế nào. Tại nơi làm việc, chị phát hiện ra một tiêu chuẩn kép trong cách nhiều người đánh giá ẩm thực Trung Hoa:
Ngày nay, khi đầu bếp Đan Mạch René Redzepi đưa món kiến hoặc ngẩu pín tuần lộc vào thực đơn tại nhà hàng Noma của mình, anh là một thiên tài nấu nướng và mọi người sẽ từ khắp nơi trên thế giới bay đến để nếm thử chúng. Khi Fergus Henderson người London hoặc Josh Niland ở Sydney nấu những món ăn gây bão với lòng bò hoặc bóng cá, họ là những nghệ sĩ tiên phong với vô số người hâm mộ trên khắp thế giới. Thế nhưng, nếu một đầu bếp Trung Hoa làm nên điều kỳ diệu với chiếc lưỡi vịt hay mặt nai sừng tấm, anh ta là một gã quê mùa liều lĩnh hoặc một kẻ man di độc ác. Trong khi các quý ông người Anh chén thịt “thú săn” thì người Trung Quốc luôn ăn “động vật hoang dã”.
Chị bảo vệ cái gọi là chợ tươi sống, tên này được đặt vì thực tế là cá tươi được bán ở đó được đặt trên đá tan chảy nhỏ giọt, và người ta phải thường xuyên dùng vòi nước xả sàn nhà cho sạch. Theo lời chị kể, những khu chợ đó là một trong những niềm vui lớn khi sống ở Trung Quốc. Thực chất chúng là chợ nông sản, những trung tâm cộng đồng chủ yếu bán sản phẩm tươi sống. Hiếm khi thấy thịt thú rừng.
Nhiều món có tiếng tăm trong ẩm thực Trung Hoa là những món đơn giản nhất: rau, nước dùng, cháo và các món cơm khác, đậu phụ và mì sợi. Trong cuốn “Invitation to a Banquet” có nhiều món ăn cho cảm giác an ủi hơn là bày biện cho đẹp mắt. Chị viết: “Nếu bạn chỉ ăn những món khoái khẩu và hấp dẫn, có thể bạn đang ăn món ăn Tàu – nhưng bạn không thực sự thưởng thức ẩm thực Trung Hoa”.
Dunlop đã đọc tất cả mọi thứ. Phạm vi tham khảo của chị rất rộng, từ những cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên của Trung Quốc đến tác phẩm của các nhà thơ, tiểu thuyết gia và triết gia Trung Quốc, cho đến các chương trình của BBC, Christopher Isherwood và nhà văn chuyên viết về khoa học ẩm thực Harold McGee. “Bức tranh biếm họa thích hợp về toàn bộ loài người,” chị viết, “sẽ là một kẻ háu ăn đang nhồi nhét những gì chứa đựng trong Chiếc thuyền Nô-ê vào họng mình.” Chị đã nhồi nhét rất nhiều kiến thức vào đầu mình.
Dunlop viết: “Tôi phải thú nhận rằng hàng thập kỷ hưởng đặc quyền ăn uống ở Trung Quốc đã biến tôi thành một kẻ hợm hĩnh kinh khủng về ẩm thực Trung Hoa. Càng ngày tôi càng không tin có nền ẩm thực nào khác có thể sánh được với nó”. Tôi sống ở thành phố New York, nơi người ta có thể trở thành một kẻ hơi hợm hĩnh về ẩm thực Trung Hoa theo cách khiêm tốn nhất. Nếu bạn không sống cách một nhà hàng Trung Quốc thực thụ, hoặc một siêu thị H Mart chuyên bán thực phẩm châu Á trong vòng 100 dặm, cuốn sách này không chỉ giúp bạn tiêu khiển và hướng dẫn bạn – nó có thể khiến bạn phát điên vì thèm muốn.
INVITATION TO A BANQUET: The Story of Chinese Food | By Fuschsia Dunlop | Norton | 466 pp. | $32.50
No comments:
Post a Comment