Search This Blog

Friday, October 4, 2024

Bị đánh giá tệ à? Kiện nhà phê bình đi. Whistler từng làm như thế.

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Cuốn sách “Falling Rocket” (Pháo hoa) của Paul Thomas Murphy tập trung vào phiên tòa đầy kịch tính gây chia rẽ giới nghệ thuật London.

“Trước đây tôi đã chứng kiến, và nghe thấy nhiều điều về sự trơ tráo của Cockney; nhưng chưa từng ngờ được sẽ nghe đến chuyện một gã hợm hĩnh đòi những 200 đồng guinea để hất lọ sơn vào mặt công chúng.” Những lời này là của John Ruskin, nhà phê bình nổi tiếng thời Victoria ở Anh, viết năm 1877 nhận xét về “Nocturne in Black and Gold— The Falling Rocket” (Khúc đêm đen và vàng: Pháo hoa), bức tranh của James Abbott McNeill Whistler, họa sĩ hào hoa nhất thời bấy giờ.

Và việc này dẫn đến phiên tòa nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật, khi Whistler quyết định có bước đi gây sốc là kiện nhà phê bình vì bài đánh giá của ông ta — vừa thu hút sự chú ý của công chúng vừa đòi bồi thường một nghìn guinea.


Cả họa sĩ và nhà phê bình khi đó đều rất nổi tiếng; Whistler, gốc Mỹ, bảnh bao, có khiếu thẩm mỹ và tính cách thích khiêu khích, tạo nên sự tương phản thú vị với Ruskin, người đóng vai trò trong hàng thập kỷ là kẻ bảo vệ đạo đức cho những vẻ đẹp tinh thần bắt nguồn từ thời Trung Cổ. Tuy bức tranh khiến Ruskin phẫn nộ được cho là miêu tả một màn bắn pháo hoa — là bức tranh u ám và u buồn nhất trong số “những khúc nhạc đêm” của Whistler — nó lại gần chạm tới tính trừu tượng thuần túy nhất mà nghệ thuật chưa từng khám phá.

Whistler lần đầu tiên trưng bày bức tranh sơn dầu gây sốc tại Phòng trưng bày Grosvenor ở London; bài đánh giá gay gắt của Ruskin ban đầu xuất hiện trong bản tin Fors Clavigera của ông, ấn bản tháng 7 năm 1877. Thế giới nghệ thuật rộn ràng náo nhiệt hẳn.

Whistler coi đây là cơ hội có thêm nguồn tài chính đang rất cần thiết và công khai thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình, đối lập với nhà lý luận văn hóa danh tiếng nhất thời bấy giờ. Nhưng bản thân Ruskin chưa bao giờ xuất hiện ở phiên tòa, ông đang trong tình trạng tê liệt bởi một loạt suy sụp tâm lý, thay vào đó, ông nhờ Edward Burne-Jones, họa sĩ thời tiền Raphael, làm chứng thay mặt cho ông. Phiên tòa tháng 11.1878 chỉ kéo dài hai ngày, nhưng ngay lập tức gây xôn xao dư luận quốc tế.

Whistler có phong độ hăng hái, những câu châm biếm dí dỏm của ông được đón nhận bằng tràng pháo tay. Khi tiết lộ ông chỉ mất hai ngày hoàn thành bức tranh, Whistler bị chất vấn liệu có quá tự cao khi định giá nó ở mức 200 guinea hay không. “Không,” Whistler trả lời, “đó là giá trị kiến thức tôi tích lũy suốt cả cuộc đời.”

Phong cách tự tin ngạo nghễ của ông được đền đáp — chút xíu. Cuối cùng, mặc dù về mặt pháp lý, Whistler thắng kiện, nhưng bồi thẩm đoàn chỉ trao cho ông một đồng farthing — ít đến mức nực cười, cho thấy rõ ràng họ đều đồng cảm với Ruskin.

Tuy thế Whistler tự hào coi đó là chiến thắng toàn diện và đeo đồng farthing trên dây đồng hồ, thường kể lại chiến thắng trong phòng xử án của mình cho bạn bè — và chắc chắn ông ấy tiếp tục gặt hái danh tiếng và thành công ngày càng lớn, chủ nghĩa tối giản tiên phong trong tác phẩm của ông cuối cùng cũng đến thời tỏa sáng.

Ruskin cảm thấy bị xúc phạm và bị ràng buộc về mặt pháp lý trước phán quyết này. Ngay cả cuộc quyên góp công khai giúp trang trải chi phí pháp lý cũng không làm dịu đi nỗi u ám sâu thẳm hơn đang bao trùm lấy ông.

Thường bị hiểu nhầm là chiến thắng hiển nhiên của nghệ thuật mới trước những lời phê bình cổ hủ, vụ kiện này cũng là tiền đề đáng chú ý cho nhiều tranh luận hiện đại, cả trong tòa án và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Phiên tòa đặt tiền lệ cho việc đi kiện nhà phê bình vì có ý kiến tiêu cực, góp phần tạo ra thế giới chúng ta đang sống ngày nay. Sau khi Whistler kiện Ruskin, có lẽ trường hợp gây tranh cãi nhất là Dan Moldea, tức giận vì bài phê bình cuốn sách của mình, kiện một ấn phẩm đòi bồi thường thiệt hại 10 triệu đô la, vụ việc còn được đưa lên tận Tòa án Tối cao; ấn phẩm được đề cập là The New York Times Book Review.

Tiền lệ như vậy hẳn sẽ xoa dịu bớt những chỉ trích về tác phẩm mới nhất của tác giả Paul Thomas Murphy, cuốn sách hoàn toàn thú vị nhờ mang đến niềm hứng khởi nhẹ nhàng, nhưng có lẽ cũng không cần thiết. Tuy bìa sách tuyên bố đây là “câu chuyện chưa kể”, nhưng danh mục tài liệu tham khảo cho thấy rõ chủ đề này được viết khá nhiều, với nhiều tác phẩm mang tính văn chương hoặc học thuật cao hơn.

Nhưng đây là cuốn sách “đọc vui” dễ tiếp cận không e ngại (xứng đáng với một tác giả sở hữu nhiều bằng cấp cao về nghiên cứu thời Victoria), chỉ có chút xíu vài chỗ giống như nhặt nhạnh thiếu sáng tạo, dùng thứ văn miêu tả bức tranh là “đẹp choáng váng” và tuyên bố Gandhi đọc Ruskin với “tác động kinh thiên động địa”.

Có lẽ ẩn ý mang tính thời sự nhất của cuốn sách này là chủ đề “Đen”— cả về chính trị lẫn hình ảnh. Từ “đen” hiện diện khắp nơi trong suốt mạch kể chuyện; đối với Whistler, đó là “chất hài hòa toàn vẹn”, là cốt lõi trong phong cách nghệ thuật của ông, màu sắc ông yêu thích — trong tranh.

Ẩn dưới đó chính là bóng đen Nội chiến Mỹ phủ lên câu chuyện của Whistler: Anh trai ông là lính và gián điệp của Hợp bang miền Nam; bản thân ông biết gia đình Robert E. Lee. Chính Whistler có tai tiếng từng đặt biệt danh cho một người Haiti là “Hầu tước mứt cam”, tát một người theo chủ nghĩa bãi nô phản đối cách phát ngôn của ông, và cho khách ăn món “Crème Oncle Tom” (Kem bác Tom).

Đối với Ruskin, màu đen là trạng thái tinh thần được biểu tượng bằng thời tiết “sương đen lụi tàn”. Nếu Whistler có dáng dấp hiện đại hơn trong hai người, đặc biệt là nhờ tài năng gây sốc tự quảng bá bản thân, cần nhớ rằng Ruskin u ám lại là người có tầm nhìn xa trông rộng đến bất ngờ. Chính vào năm 1875, ông đã cảnh báo về “một sự thay đổi khí hậu khủng khiếp nào đó sẽ xảy ra với thế giới vì tội lỗi của nhân loại, giống như một trận đại hồng thủy nữa”.

FALLING ROCKET: James Whistler, John Ruskin, and the Battle for Modern Art | By Paul Thomas Murphy | Pegasus | 394 pp. | $29.95

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...