Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Nhà báo chuyện gì cũng viết

nguồn: New York Times,

biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,



Trong cuốn “Bartleby and Me (Bartle và tôi)”, tác giả Gay Talese nhớ lại những đồng nghiệp nghề viết lách, chia sẻ bí mật trong ngành và đào sâu những gì sót lại của cuộc hôn nhân từng rất bùng nổ ở Manhattan.

Gay Talese có chút tật. Tôi muốn làm rõ vấn đề này vì nhìn chung, tôi vô cùng ngưỡng mộ con người ông: con người tài hoa đáng kính của thời kỳ Báo chí Mới ngày trước, ông vừa là biểu tượng sống động của Manhattan vừa là nhân vật xuất sắc nhất của chính mình.

Đó là tật của người viết văn, thói quen cũ thường gọi phụ nữ bằng màu tóc của họ, nhưng dưới dạng danh từ thay vì tính từ. “Tóc nâu mảnh khảnh quyến rũ.” “Tóc vàng mật ong mảnh khảnh và sành điệu buộc đuôi ngựa.” “Tóc nâu trẻ tuổi thích giao du.” “Tóc nâu vui tươi và thơm ngát trong chiếc váy cocktail màu đỏ.”

Ít ra hình ảnh lũ cáo bạc, trong đó có cả Talese đỏm dáng 91 tuổi, là ví dụ điển hình được lịch sự so sánh với loài vật thông minh.

Nếu thỉnh thoảng cảm thấy như thể bạn mắc kẹt trong bộ phim hoạt hình của Peter Arno là cái giá phải trả khi đọc tác phẩm mới của Talese, hãy cho tôi tham gia. Nhưng chỉ có một đoạn trong cuốn sách mới nhất của ông, “Bartleby and Me”, chứa những trích dẫn trên, có thể được coi là khá mới. Đó là Phần 3, câu chuyện về Nicholas Bartha, người nhập cư gốc Romania và là bác sĩ đã cho nổ tung ngôi nhà phố trị giá hàng triệu đô la của mình ở khu Upper East Side năm 2006, rồi tự sát, còn hơn bán nhà để cho vợ cũ hưởng số tiền thu được theo lệnh của thẩm phán.

Điều gì đã xảy ra sau khi tổng cộng hơn 408 tấn mảnh vụn được dọn sạch liên quan đến “một tóc vàng 40 tuổi quyến rũ gốc Nga có tên Janna Bullock”, nhà phát triển bất động sản và cố vấn của Page Six mà Talese, cũng là cư dân Upper East Sider, ban đầu thường gọi là “phu nhân chân vịt bơi”. Đó quả là câu chuyện rất đáng chú ý, và xảy ra ngay sân sau nhà tác giả.

Cuốn sách được đặt tên để tỏ lòng kính trọng với truyện ngắn kinh điển của Herman Melville, “Bartleby and Me” có hàm ý tự thấy địa vị của Talese giống như “người viết văn cũ” và những nhân vật khiêm tốn hơn lại thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của tác giả trong suốt sự nghiệp lâu dài: người gác cửa, tài xế, đầu bếp, nhân viên, người dọn dẹp, cảnh sát, mèo trong ngõ, người diễu hành cuối cùng trong cuộc diễu hành. (Đây là một nhà văn dường như chuyên tập hợp hồ sơ tiểu sử ngay cả tiểu sử của mảnh đá vôi.) Jack Vergara — bồi bàn kỳ cựu tại Câu lạc bộ Links gần đó, nghe mùi gas tỏa ra từ ngôi nhà phố tồi tàn, có tên Con Ed, và khăng khăng chỉ phục vụ bữa sáng nguội cho các thành viên câu lạc bộ vào sáng hôm đó — là kiểu “nhân vật phụ” không thể xóa nhòa mà tác giả Talese chuyên viết về.


Quả thực, sự thờ ơ tương đối của Talese đối với người nổi tiếng chính là điều kéo dài danh tiếng của ông. Rất lâu trước khi có trào lưu “bỏ việc im lặng”, Bartleby đã nói “Tôi không muốn làm như vậy”, và đó là nội dung cốt lõi câu trả lời đầu tiên của Talese với Harold Hayes, biên tập viên của tờ Esquire hùng mạnh lúc bấy giờ, khi ông được yêu cầu viết đoạn tiểu sử sẽ trở thành bài viết được coi trọng nhất trong lịch sử tạp chí, “Frank Sinatra Has a Cold” (Frank Sinatra bị cảm lạnh) (1966). Bài báo sẽ truyền cảm hứng cho vô số kẻ kém tài hơn chạy quanh bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào mà họ không thể hẹn gặp nổi chỉ 40 phút cùng ăn món salad và biến kết quả thành câu chuyện hoa mỹ cho những tạp chí in giấy bóng.

Phần 2 của “Bartleby and Me” là câu chuyện đằng sau câu chuyện Sinatra, và thậm chí cả câu chuyện đằng sau câu chuyện đằng sau câu chuyện Sinatra: biểu đồ ghi chú của Talese được xuất bản trong cùng số báo, trong đó tác giả tức giận và bày tỏ thái độ không tin tưởng đối với Hayes.

Một số công cụ và thủ thuật trong nghề theo kiểu Talese được hé lộ, trong số đó có những ô vuông bằng bìa cứng kích thước 7 x 3, cắt ra từ áo sơ mi đã giặt của ông, được ông sử dụng để ghi chú, đôi khi trong lúc ngồi một mình ở nhà vệ sinh. (Thói quen bỏ bê việc sử dụng máy ghi âm của Talese, cùng với những sở thích đặc biệt có thể gọi là không lành mạnh — trong số đó có tiệm mát-xa và thói thích xem khiêu dâm ở nhà trọ — khiến một số cơ quan giám sát báo chí lên tiếng.) Một tật khác của ông, còn hấp dẫn hơn: đó là phương pháp quen thuộc của Talese liên kết những cá nhân hỗn tạp theo kiểu tiếp nối nhau từ chương này sang chương khác.

Phần 1 kể về nhiệm kỳ của Talese tại The New York Times, ở đây một phóng viên dày dạn kinh nghiệm hơn từng khuyên ông, “Anh bạn trẻ, nếu có thể thì đừng bao giờ phỏng vấn bất kỳ ai qua điện thoại”. (Tất nhiên, so với email, tin nhắn và Gchat, điện thoại thời nay chẳng khác nào báu vật.)

Nổi tiếng với cuốn sách hoành tráng về tờ báo này và các nhà lãnh đạo tờ báo, “The Kingdom and the Power” (Vương quốc và quyền lực) (1969), văn bản kinh điển về nghiên cứu truyền thông, ở đây tác giả Talese quan tâm đến những người cấp dưới và bị đánh giá thấp — người điều hành kiểu in và máy in, phần lớn họ là “những người câm điếc”, những người sẽ làm đồ uống cho Gough's Chop House trong những chiếc mũ bốn góc dính đầy mực; và những người đọc bản sao, những “cá nhân riêng tư, trầm ngâm và suy ngẫm.”

Tác giả tập trung vào một trong số họ, Alden Whitman, người này trở thành người viết cáo phó chính (ông ấy tự gọi mình là “người chèo thuyền hạnh phúc trên sông Styx”), Talese viết tiểu sử ông này đăng lên Esquire, với khả năng tiếp cận nhiều hơn đáng kể so với Sinatra. Tác phẩm giúp Whitman có được chỗ ngồi cạnh Johnny Carson trên “The Tonight Show”. Thời kỳ này rất khác so với ngày nay.

Talese đã thử, và thất bại ở nhiều khía cạnh, với cuốn hồi ký thẳng thắn cởi mở trước đây, cụ thể là cuốn hồi ký lan man năm 2006 “A Writer's Life” (Cuộc đời của thợ viết). Cuốn “Bartleby and Me” có phần thong dong hơn, trong cuốn này ông dường như tỏ thái độ dưới hình thức che đậy trang trí cho những cú đấm bằng sắt của mình rồi sau đó tuôn trào ra cả một câu chuyện mới. Ông làm theo cách của mình, và người ta có thể tưởng tượng ông cùng với linh hồn Sinatra đang hát và nhảy với nhau, cùng vài tay thủy thủ hài lòng trong thị trấn.

BARTLEBY AND ME: Reflections of an Old Scrivener | By Gay Talese | 320 pp. | Mariner Books | $28.99

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...