Search This Blog

Friday, October 4, 2024

Vì sao chế độ chuyên chế lại phát triển mạnh?

Là do kinh tế, ngốc ạ.

nguồn: nytimes

biên dịch: nguyễn quỳnh anh

Trong cuốn “Autocracy, Inc.” (Tập đoàn chuyên chế), nhà sử học đoạt giải Pulitzer bàn về việc các tổ chức tài chính và thỏa thuận thương mại góp phần lan truyền chế độ chuyên quyền trên khắp thế giới.

[Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, giữa, và Igor Sechin, CEO công ty dầu mỏ Rosneft của Nga, bên phải, năm 2023.]

Có hiện tượng mới đang xảy ra trong thế giới của những người bị áp bức, theo nhà sử học Anne Applebaum. Nếu như mâu thuẫn ngầm của thế kỷ 20 diễn ra giữa các “khối” đồng minh chính thức có liên kết về mặt ý thức hệ, thì giới lãnh đạo chuyên chế ngày nay đa dạng hơn—pha trộn giữa những người tự cho là theo chủ nghĩa Marx, người mị dân phi tự do, băng đảng tội phạm tham nhũng, bạo chúa kiểu cũ và những kẻ thần quyền kiểu mới.

Tất nhiên, họ có cùng quan điểm nếu không muốn nói là cùng hệ tư tưởng, trong đó chủ nghĩa quốc tế tự do là được coi là vỏ bọc cho chủ nghĩa đế quốc, là phương tiện để Washington và Brussels áp đặt lợi ích và văn hóa suy đồi (đặc biệt là thái độ khoan dung đối với nhóm LGBTQ) lên phần còn lại của thế giới. Nhưng tác giả Applebaum cho rằng các nhà lãnh đạo chuyên chế ngày nay chủ yếu gắn kết thông qua “thỏa thuận chứ không phải hệ tư tưởng”. Nhờ hệ thống tài chính toàn cầu mờ ám, họ thực hiện hoạt động buôn bán sôi nổi đối với công nghệ giám sát, vũ khí và khoáng sản quý giá, rửa tiền bẩn cho nhau và thông đồng để trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tác giả gọi đây là “Autocracy, Inc.” (Tập đoàn chuyên chế)

Trong khoảng một thập kỷ qua, tác giả Applebaum theo đuổi quỹ đạo khá quen thuộc, đi từ người theo chủ nghĩa tân bảo thủ Đại Tây Dương đến người theo chủ nghĩa chống dân túy Jeremiah. Cuốn sách trước của tác giả, “Twilight of Democracy” (Hoàng hôn của Dân chủ), đặt ra vấn đề vì sao rất nhiều đồng minh cũ bên cánh hữu cũ của bà – các nhà hoạt động và nhà báo thời Thatcher và Reagan ở London, Washington, Budapest và Warsaw – từ bỏ chủ nghĩa tự do cổ điển để theo đuổi một dạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Vì sao John O'Sullivan, từng phụ trách viết diễn văn cho Margaret Thatcher, lại tuyên truyền ủng hộ nhà độc tài Hungary Viktor Orban? Vì sao Rafael Bardají trước đây là nhà xã hội học trung hữu lại làm việc cho đảng Vox cực hữu của Tây Ban Nha? Thái độ của Applebaum trong cuốn sách ấy chính là kinh ngạc phẫn nộ: Vì sao bằng hữu của tác giả lại từ bỏ các giá trị (“ủng hộ châu Âu, ủng hộ pháp quyền, ủng hộ thị trường”) mà bà tưởng họ cùng chia sẻ? Có lẽ lâu nay họ chỉ là những kẻ tự ái bị tổn thương và những kẻ dối trá hám danh, đang khai thác “khuynh hướng độc đoán” trong tâm lý quần chúng.

Công bằng mà nói, cuốn sách mới của Applebaum mạo hiểm đưa ra câu trả lời phức tạp hơn và phũ phàng hơn: Toàn cầu hóa có tác dụng, chỉ có điều nó không như tác giả và bạn bè từng nghĩ. Các chế độ chuyên quyền dần trở nên liên kết với nhau hơn, trong khi thương mại của Mỹ và châu Âu phụ thuộc vào các quốc gia chuyên chế — chẳng hạn như vào ngành sản xuất của Trung Quốc và dầu mỏ của Nga — từ đó trở thành vũ khí được sử dụng để chống lại phương Tây. Tác giả Applebaum viết: “Người ta cho rằng trong một thế giới cởi mở hơn, kết nối hơn, tư tưởng dân chủ và tự do sẽ lan rộng đến các quốc gia chuyên chế”. Không ai tưởng tượng nổi tư tưởng chuyên quyền và phi tự do “sẽ lan sang thế giới dân chủ”.

Và không chỉ có tư tưởng. Trước và sau khi Liên Xô sụp đổ, tiền mặt cướp từ kho bạc các nước Đông Âu chảy vào tài khoản ngân hàng ở London và Caribe. Gần đây hơn, các công ty vỏ bọc ở Delaware mua bất động sản ở New York thay cho tài phiệt Nga và Trung Quốc. Khi đó kế toán viên, đại lý bất động sản và luật sư châu Âu và Mỹ được hưởng những khoản phí khổng lồ cho việc che giấu tài sản bất chính của những kẻ tham nhũng quốc tế. Nói tóm lại, hệ thống toàn cầu phục vụ cho nhu cầu của chế độ chuyên chế; còn những kẻ chuyên quyền không bị ai ép phải thay đổi.

Tác giả Applebaum nhận thức rõ khó khăn trong quá trình khắc phục tình trạng này: “Những người có quyền lực được hưởng lợi từ hệ thống hiện tại, muốn giữ tình trạng này như cũ, và có mối liên kết sâu rộng trên toàn bộ phạm vi chính trị”. Tác giả không phải người theo chủ nghĩa chống tư bản, nhưng tác giả đề nghị cải cách hệ thống tài chính — chẳng hạn như yêu cầu công ty phải đăng ký dưới tên chủ sở hữu thực sự, đó là điểm rất xác đáng và có giá trị.

Tuy nhiên, phần khuyến nghị về chính sách đối ngoại của tác giả lại có phần mang chủ nghĩa yêu nước mơ hồ. Applebaum giải thích, cuộc đối đầu hiện tại có thể không trực diện đơn giản như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng thế giới vẫn có thể chia thành kẻ tốt và kẻ xấu. Những kẻ chuyên quyền hiện đại và những kẻ muốn theo đuổi phi tự do, “dù hệ tư tưởng của họ có khác nhau đến đâu, vẫn có kẻ thù chung”, Applebaum viết. “Kẻ thù đó chính là chúng ta. Nói chính xác hơn, kẻ thù đó là thế giới dân chủ, 'phương Tây', NATO, Liên minh châu Âu, những đối thủ dân chủ nội bộ của chính họ và những tư tưởng tự do truyền cảm hứng cho tất cả.”

Tôi nghĩ nhiều độc giả sẽ không phản đối cách nhìn này, đặc biệt là kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine năm 2022, từ đó củng cố quan hệ thương mại và an ninh trong phạm vi của Nga (và giữa Nga và Trung Quốc), đồng thời khôi phục lại sức mạnh và sự tự tin về mặt đạo đức của NATO.

Vấn đề là, đồng minh của NATO không phải lúc nào cũng hành xử đúng đắn có đạo đức. Ả rập Saudi, quốc gia theo chế độ quân chủ tuyệt đối, ít được quan tâm hơn nhiều trong cuốn sách này so với các nền dân chủ phi tự do nhưng đang hoạt động gần gũi hơn với Nga. Tác giả Applebaum xếp Ả rập Saudi vào nhóm chế độ chuyên chế “hầu như không tìm cách làm suy yếu thế giới dân chủ”, nhưng thật khó để hiểu nổi vì sao một quốc gia nổi tiếng nhắm vào và giết hại những người bất đồng chính kiến ở hơn chục quốc gia lại không đóng góp đáng kể vào bầu không khí áp bức trên toàn cầu.


Tác giả Applebaum đặt nhiều hy vọng vào chế độ trừng phạt mạnh mẽ hơn và có hiệu lực thực thi hơn để chống lại trật tự thế giới độc tài. Tác giả liên tục lên án Venezuela và Iran vì giúp đỡ nhau thực hành “kỹ nghệ đen tối trốn tránh lệnh trừng phạt”. Tác giả chưa từng nghi ngờ liệu các biện pháp trừng phạt có thực sự là cơ chế hiệu quả (chưa kể kém nhân đạo hơn nhiều) để phổ biến dân chủ tự do hay không.

Có một số bằng chứng cho thấy trừng phạt có thể gây ra tác động ngược. Theo nhà kinh tế Agedit Demarais, các biện pháp trừng phạt có thể hiệu quả khi cú sốc diễn ra nhanh chóng và có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân quốc gia; nhưng thường kém thành công hơn khi tác động gây tổn gại kéo dài vô tận và tập trung vào mục tiêu lớn lao trừu tượng, như cách mạng chính trị. Trong trường hợp thứ hai, người dân của quốc gia bị trừng phạt thường đổ lỗi cho kẻ trừng phạt gây ra khó khăn cho đời sống của họ, và chính phủ tăng cường thương mại với các quốc gia bị trừng phạt khác — chính xác là hiện tượng Applebaum đang miệt mài ghi nhận. Cuộc chơi đẫm máu o ép kinh tế toàn cầu tạo ra những kẻ đồng bệnh tương lân kỳ lạ có thể cùng nhau hợp tác.

Trong nỗ lực kết nối kẻ thù của thế giới tự do, tác giả Applebaum đôi khi cũng đưa ra kết luận viển vông. Tác giả viết, các chế độ chuyên chế “theo dõi thất bại và chiến thắng của nhau, tính toán thời gian hành động của mình để tạo ra hỗn loạn tối đa”. Vì vậy, theo Applebaum, không phải ngẫu nhiên trong lúc viện trợ cho Ukraine đang bị Đảng Cộng hòa MAGA ở Mỹ và Viktor Orban ở Liên minh châu Âu cản trở, thì “hàng trăm nghìn công dân Venezuela, bị bần cùng hóa do chính sách của Maduro, đang vật lộn vượt qua Trung Mỹ hướng về biên giới Mỹ. Số lượng người dân nhiều chưa từng thấy đang góp phần thúc đẩy làn sóng phản ứng dữ dội theo kiểu dân túy, bài ngoại ở Mỹ và tăng cường sự ủng hộ cho phe MAGA của Đảng Cộng hòa, vốn đã công khai ủng hộ Putin trong cuộc chiến tiêu diệt Ukraine.”

Đoạn văn này muốn ám chỉ điều gì? Rằng tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cố tình bỏ đói công dân của mình và buộc họ rời khỏi đất nước để giúp đỡ Đảng Cộng hòa ở Mỹ hay sao? Applebaum gọi đó là ví dụ về việc “các chế độ chuyên chế khác nhau mở rộng ảnh hưởng của họ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và thông tin khác nhau như thế nào”, nhưng điểm này bề ngoài có vẻ vô lý, đặc biệt là vì các đảng viên Đảng Cộng hòa, bao gồm cả người yêu thích nhà lãnh đạo mạnh mẽ như Donald Trump, là những người chỉ trích gay gắt nhất chính phủ xã hội chủ nghĩa của Maduro.

Tôi không chấp nhận được nhiều khía cạnh của chế độ mà tác giả Applebaum đưa ra để chế giễu. Quan điểm của tôi về chủ nghĩa quốc tế tự do luôn tương đồng với thái độ của Gandhi (có lẽ trích dẫn không chính xác) đối với “Nền văn minh phương Tây” — đó là điều nên làm. Nhưng những câu chuyện tầm thường của Applebaum khiến độc giả khó nhìn nhận thế giới sao cho rõ ràng, khó hiểu vì sao một số quốc gia đứng về phía kẻ thù của Mỹ còn số khác thì không.

Một trong những thất bại lớn của chủ nghĩa tân tự do là cho rằng tất cả những điều tốt đẹp sẽ đến cùng nhau: Phương Tây sẽ có được thị trường mới và phương Đông sẽ có được nền dân chủ — chúng ta sẽ giàu có, còn họ sẽ được tự do — không có gì phải đánh đổi. Quan điểm mới của tác giả Applebaum không mơ mộng như vậy. Lần này sẽ phải có sự hy sinh. Chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng; Phố Wall sẽ la hét vì thuế quan. Nhưng nội dung cuốn sách “Autocracy, Inc.” quả thực mang lại một chút an ủi cho những ai đang than khóc về sự suy tàn của nước Mỹ: Những gì chúng ta đã mất trong quyền bá chủ kinh tế, chúng ta có thể bù đắp bằng tự tin về mặt đạo đức.

Nước Mỹ lại dẫn đầu thế giới tự do; chỉ là thế giới này nhỏ hơn trước đây.

By Sam Adler-Bell

Sam Adler-Bell is a co-host of the podcast “Know Your Enemy.”

AUTOCRACY, INC.: The Dictators Who Want to Run the World | By Anne Applebaum | Doubleday | 209 pp. | $27

Why Is Autocracy Thriving? Anne Applebaum Says: It’s the Economy, Stupid. 
https://www.nytimes.com/2024/07/20/books/review/autocracy-inc-anne-applebaum.html

No comments:

Post a Comment

Tài năng, ma lực, tiền bạc, lừa đảo: Chào mừng đến với Thế giới Mỹ thuật

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Orlando Whitfield (bên trái) và Inigo Philbrick. Philbrick thú nhận trước tòa rằng anh ta đã v...