Search This Blog

Wednesday, October 2, 2024

August Wilson, người khổng lồ kịch nghệ đã quay tơ thành vàng trong các quán ăn

nguồn: New York Times,

biên dịch: Takya Đỗ,


Cuốn tiểu sử lớn đầu tiên về nhà viết kịch này thuật chuyện về cuộc đời và tầm nhìn vô hạn của ông.

Năm 1986, David Mamet xuất bản cuốn sách hay nhất của mình, một chuyên luận mỏng kiểu bán-trinh-thám về kịch nghệ sân khấu và đời sống có tựa đề “Writing in Restaurants” (“Viết lách trong nhà hàng”). Đó là câu chuyện hàng thập kỷ trước khi ông trở thành “Kanye West của giới văn chương Mỹ”, theo cách diễn đạt của hãng truyền thông The Forward hồi năm ngoái. Hỡi ôi, cuốn sách chỉ loáng thoáng đề cập đến các nhà hàng.

Tiêu đề cuốn sách của Mamet trở lại với tôi khi tôi đang đọc cuốn tiểu sử của Patti Hartigan về August Wilson, một nhà viết kịch quan trọng khác của Mỹ. Wilson, qua đời năm 2005, đã bỏ ra nhiều thời gian nấn ná ở các quán ăn đến mức “Writing in Restaurants” là phụ đề hợp lý có thể lựa chọn để thay thế cho “August Wilson: A Life” (“August Wilson: Một cuộc đời”) của Hartigan.

Wilson là người đàn ông to lớn, để râu, thường mặc com-lê vải tuýt-xi và đội mũ cát-két. Ông thường ngồi ở phía trong cùng với tách cà phê và chiếc gạt tàn đầy ắp. (Ông hút năm bao thuốc mỗi ngày và không ngừng hút kể cả khi đang tắm.) Ông viết lên giấy ăn hoặc hóa đơn, bất kỳ thứ gì thuận tay vớ được.

Một trong những vở kịch đầu tay của ông là “Jitney” (“Taxi dù”) được viết trong nhà hàng fast-food Arthur Treacher’s Fish & Chips. Khi danh tiếng của ông ngày càng lên, ông tìm một địa điểm ở mỗi thành phố nơi các vở kịch của ông được trình diễn. Ông gọi chỗ này là “the Spot” (“Nơi chốn”). Ở thành phố New York, ông thích vẻ đẹp hoang tàn của quán cà phê tại Hotel Edison, nơi thường được những vị khách hàng thân thiết gọi là Phòng trà Ba Lan. Ở Boston là quán Ann's Cafeteria. Ở Seattle là Caffe Ladro. Ông mang theo mấy tờ báo, và đôi khi là một người bạn. Suốt bữa sáng, ông nói năng hùng hồn thú vị khiến mọi người vây quanh chăm chú lắng nghe bốn hoặc năm giờ mỗi bận. Đó là phần sân khấu thể nghiệm hằng ngày của ông.

Wilson là người có tài kể chuyện, có óc tò mò nhanh nhạy của một người tự học. Ông sinh ra ở Pittsburgh năm 1945, con của một bà mẹ da đen đơn thân, người đã nuôi nấng ông và các anh chị em ruột của ông chủ yếu bằng tiền phúc lợi. Ông khai thác thành phố đó, đặc biệt là Quận Hill với bề dày lịch sử của người Mỹ gốc Phi, như thể nó là mỏ than; ông đang bòn rút một vỉa than. Ngôi nhà đầu tiên của gia đình ông không có nước nóng và có một nhà vệ sinh ở sân sau. Wilson bỏ trường trung học và tại ngũ một thời gian ngắn. Ông tự học trong các thư viện ở Pittsburgh theo cùng một cách mà Ta-Nehisi Coates kể về việc anh tự học ở Đại học Howard: “ba phiếu mượn sách mỗi lần”.

Ông nghĩ mình có thể là một nhà thơ. Bài thơ đầu tiên của ông rất hoa mỹ và nhờ ơn Dylan Thomas; nó biến ông thành nhân vật bị chế nhạo nhẹ nhàng. Ông phát hiện ra ca sĩ Bessie Smith và dòng nhạc blues, và ông bất chợt rẽ ngang sang kịch nghệ sân khấu. Amiri Baraka là người có ảnh hưởng quan trọng; nhà thơ kiêm nhà soạn kịch và nhà hoạt động này đến Pittsburgh năm 1968, vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào Quyền lực cho người Da đen, và đọc một bài diễn văn đầy khích động. Khi đó Wilson 23 tuổi.

Baraka thành lập Nhà hát/Trường Nghệ thuật Kịch mục Da đen ở Harlem năm 1965. Wilson và những người bạn trong giới nghệ thuật của ông quyết định khởi lập nhà hát của riêng họ, gọi là Black Horizons (Những chân trời Đen). Không ai tình nguyện lãnh đạo nó, và Wilson mặc nhiên được chọn. Có bột mới gột nên hồ, và Wilson bắt đầu viết. Lời thoại hoàn toàn có sẵn đó rồi; tiếng nói người Mỹ gốc Phi của cả một thành phố tuôn trào từ ông. Ông có một sức tưởng tượng tự-làm-đầy.


Đây là cuốn tiểu sử quan trọng đầu tiên về Wilson, tác giả của một bộ 10 vở kịch có tên gọi Chu kỳ Thế kỷ (còn gọi là Chu kỳ Pittsburgh) đã khiến người ta cho rằng ông là nhà soạn kịch quan trọng và thành công nhất vào cuối thế kỷ 20. Những vở kịch này, mỗi vở kịch đại diện cho mỗi thập kỷ của thế kỷ 20, bao gồm “Fences” (“Hàng rào”) và “The Piano Lesson” (“Bài học Dương cầm”), cả hai vở đều đoạt giải Pulitzer, cũng như “Ma Rainey's Black Bottom” (“Điệu nhảy Black Bottom của Ma Rainey”) và vở kịch có lẽ được coi là náo nhiệt nhất của ông “Joe Turner’s Come and Gone” (“Joe Turner Đến và Đi”.)

“Fences” và “Ma Rainey’s Black Bottom” được dựng thành phim với sự tham gia của Denzel Washington và Viola Davis trong “Fences”, và Davis và Chadwick Boseman trong phim còn lại. Những vở kịch của ông mang đến những vai diễn khiến sự nghiệp thăng hoa cho Angela Bassett, Delroy Lindo và Samuel L. Jackson, cùng nhiều diễn viên khác. Họ đắm mình vào ngôn ngữ của ông. Ông có năng khiếu đặc biệt về lời thoại và tinh thần bạn bè thân thiện với tầng lớp thấp trong xã hội – tiếng kêu của những nhân vật khao khát được thấu hiểu.

Hartigan nguyên là nhà phê bình sân khấu của tờ Boston Globe. Cuốn sách của chị là một thành tựu: Nó được viết chặt chẽ và trần thuật hay. Nhưng nó mực thước quá. Nó thiếu sự sôi nổi và sự thấu thị cực kỳ quan trọng. Văn phong lỏng lẻo, và đến nửa sau cuốn sách, những lời sáo rỗng tuôn ra ào ào đến mức bạn cần phải ngả mũ. Một vở kịch là “một viên kim cương thô” hay “một cỗ máy được tra dầu tốt”. Chỉ cần lấy một ví dụ ngẫu nhiên thế này: một sự kiện là “có khả năng xảy ra như tuyết rơi vào tháng Bảy”.

Tuy thế, câu chuyện về Wilson sẽ cuốn hút bạn. Hartigan mô tả hệ thống mà vào thời ấy còn mới lạ do Wilson và nhà đạo diễn quan trọng nhất của ông là Lloyd Richards đã phát triển để hỗ trợ các vở kịch của ông. Trước khi đến New York, họ sẽ mở màn tại một chuỗi nhà hát phi lợi nhuận của địa phương, ở Minneapolis, Chicago, Seattle và những nơi khác, việc này cho phép Wilson cắt bớt một số đoạn (các bản thảo đầu tiên của ông có xu hướng cồng kềnh) và chau chuốt chất liệu của mình.

Frank Rich, lúc ấy là nhà phê bình sân khấu cho tờ The New York Times, là người ủng hộ quan trọng thời kỳ đầu. Đoạn hay nhất của cuốn tiểu sử này có thể là đoạn dẫn dắt đến cuộc tranh luận công khai hồi mùa đông năm 1997 tại Tòa thị chính Manhattan, giữa Wilson và nhà phê bình kém độ lượng hơn là Robert Brustein của tờ The New Republic. (Đứng bên ngoài nhà hát, Henry Louis Gates Jr. gọi cuộc tranh luận đó là “Thrilla in Manila” (“Hồi gay cấn ở Manila”.) Buổi tối hôm đó do Anna Deavere Smith chủ trì. Thậm chí trước sự kiện này, Wilson và Brustein đã tranh cãi về một số vấn đề khác trong đó có việc lựa chọn diễn viên không phân biệt màu da, mà Wilson tuyên bố là “sự xúc phạm đến trí thông minh của chúng ta”. Ông cho rằng phát triển các nhà viết kịch Da đen quan trọng hơn.

Wilson chưa bao giờ vượt qua được mặc cảm bị coi khinh vì chủng tộc thời thơ ấu. Trong một cửa hàng tại Pittsburgh, chỉ những người da trắng mua hàng mới nhận được hàng đựng trong túi giấy. Suốt quãng đời sau này của mình, Wilson yêu cầu bất kỳ thứ gì ông mua phải được đặt vào một chiếc túi giấy. Ông nóng tính. Ông rất ghét khi người phục vụ nói những câu kiểu như: “Các cậu muốn dùng thứ gì?” Da ông sáng màu. Người cha vắng mặt trong cuộc đời ông là một người da trắng. Ông không thích người ta đề cập đến thực tế này.

Wilson có ba đời vợ và hai con gái. Ông không phải là một người cha hay người chồng tận tâm; đối với ông quan trọng hàng đầu là công việc. Con gái thứ hai của ông lớn lên gọi ông là “kẻ trơn như lươn”. Theo câu chuyện của Hartiganthì ông cũng là một kẻ suốt đời trăng hoa, một kẻ hám gái.

Các nhà phê bình nhận định trong tác phẩm của ông khá thiếu vắng vai trò của những người phụ nữ mạnh mẽ. Một số nhà viết kịch da đen khác cảm thấy sự thành công quá tự mãn của ông khiến họ chìm nghỉm dưới cái bóng của ông – rằng nền văn hóa Mỹ chỉ có chỗ cho một trong số họ.

Chẳng dễ gì viết được cuốn sách này. Wilson có xu hướng thực hiện ba hoặc bốn dự án cùng lúc: một vở kịch ở New York, một dự án đang được phát triển ở đâu đó, dự án thứ ba ông đang bắt đầu viết. Hartigan rất giỏi phân định ranh giới rõ ràng.

Wilson tranh cãi với các đạo diễn, và thường xuyên tranh cãi với các diễn viên của mình. Ông mang đến những phần được viết lại vào phút cuối. Ông trì hoãn. Mọi người buộc phải chịu đựng điều mà họ gọi là “giờ giấc của August Wilson”. Ông chưa từng học cách lái xe.

Wilson hầu như tránh mặt Hollywood. Ông biết quá nhiều tài năng đã biến mất ở đó. Ông từ chối lời đề nghị viết kịch bản bộ phim “Amistad” cho Steven Spielberg. Ông là người phức tạp và thật vui khi được quen biết ông, dù chỉ là qua một cuốn sách chưa hoàn hảo.

AUGUST WILSON: A Life | By Patti Hartigan | Illustrated | 531 pp. | Simon & Schuster | $32.50

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...