Search This Blog

Saturday, October 5, 2024

Trong tác phẩm 'Airplane Mode', không phải tất cả lữ khách đều đi cùng hướng

nguồn: New York Times,

biên dịch: Giang Minh Anh; hiệu đính: Nguyễn Quỳnh Anh,



Tác giả Shahnaz Habib kể lại “irreverent history” (những chuyện bên lề) dí dỏm nhưng đôi khi tàn nhẫn về việc ai được đi đâu và điều gì bị che giấu trong hành trình của họ.

Giống như việc tập thể dục, đánh răng và học đại học, du lịch từ lâu vẫn được coi là điều tốt đẹp không thể chối cãi — một phần thiết yếu trong trải nghiệm sống hiện đại. Tuy nhiên, gần đây một số người thông minh, và ngay cả những người thường xuyên đi máy bay, bắt đầu có thái độ dè dặt.

Du lịch tại chỗ (staycation), cụm từ này theo từ điển Merriam-Webster bắt nguồn từ quảng cáo thời Thế chiến II, đã hoàn toàn được chấp nhận trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, khi bầu không khí bỗng nhiên trong lành không còn ô nhiễm giao thông và tiếng chim hót líu lo ngay trong sân nhà. Trên tờ The New Yorker mùa hè năm ngoái, nhà triết học Agnes Callard có bài “Lý lẽ phản đối đi du lịch”, dẫn đến một loạt bài đáp trả hăng hái, thậm chí giận dữ, và bị những người thích đi đến những nơi xa lạ gọi là “giật tít câu khách”, một số người còn phẫn nộ viết bài khi đang trên từng cây số.

Và tác phẩm “Airplane Mode” của Shahnaz Habib đến với độc giả, cuốn sách sống động và, đúng vậy, có phạm vi rộng, đặt ra vấn đề với một số quy ước thông lệ và cả những tác giả nổi tiếng nhất viết về thú tiêu khiển này.

Cuốn sách bắt đầu bằng giả định liệu “du lịch” có phải là thú giải trí hay không, hay đó là biến động bạo lực tiềm ẩn, hoặc cuộc chiến với bộ máy chính quyền. “Chỉ có người Mỹ, người Anh, người Úc và người Nhật mới đi du lịch,” một chủ cửa hàng bán thảm nói với tác giả Habib ở Konya, Thổ Nhĩ Kỳ; lời này cũng diễn tả cùng ý với một tuyên bố tác giả từng nghe thấy, với thái độ trịch thượng hơn, ở trường đại học: “Những người từ thế giới thứ ba không đi du lịch; họ đi di cư.”

Habib ưa thích thuật ngữ “thế giới thứ ba” hơn các từ thay thế “phải đạo chính trị” khác, tác giả giải thích rất rõ ràng trong phần lời bạt, ca ngợi “sự táo bạo của vần điệu thú vị chứa trong cụm từ” mà Steely Dan cũng nhận thấy. Tác giả từng làm dịch giả cho Liên Hợp Quốc, và tiếng Anh là nguồn cảm hứng say mê. Habib thấy hành vi thường bị coi là bất hợp pháp “lảng vảng” (loitering), chẳng hạn, “giống với xả rác (littering) hàm ý về thứ không nên có ở đó, đồng thời cũng dễ liên tưởng đến trò xổ số (lottery) và canh bạc chờ đợi điều gì đó xảy ra”.


Sinh ra ở Kozhikode, Ấn Độ, Habib lớn lên trong một khu vực bình thường tại thành phố ven biển Kochi: hỗn độn những chợ cá, cửa hàng may vá và đồ kim khí mà tác giả thầm cảm ơn Robinson Crusoe đã không để ý đến. Giống như Macon Leary trong “The Accidental Tourist” (“Du khách tình cờ”) của Anne Tyler, cha của Habib ghét đi du lịch, ông thích chiếc giường quen thuộc và đọc tin tức trực tuyến. Ông từ chối chuyến xe tham quan đi ngang qua Nhà Trắng (“Vì sao? Ở đó có gì?”) và tuyên bố chuyến trực thăng ngắm cảnh Manhattan “hoàn toàn bỏ qua được”. Ông tìm hiểu những nơi xa lạ nhờ quan sát rau củ quả của họ. Tôi rất yêu thích người đàn ông này.

Habib kết hôn với một người đàn ông Mỹ da trắng, ông chồng vô tư tưởng là chuyến du lịch khi mang bầu đến Paris trong khi thẻ thường trú nhân của tác giả vẫn đang trong quá trình xử lý sẽ không thành vấn đề. Tác giả viết: “Ta không thể nào kể được câu chuyện hay nếu nhân vật phản diện là giấy tờ hành chính”, nhưng quả là nhầm lẫn. Hành trình hai người có được Giấy thông hành tạm thời, loại giấy tờ nghe có vẻ nghiêm trọng cho người không phải là công dân, cộng với một thị thực Pháp cho phép tác giả thực hiện hành trình đơn giản này — “như trò chơi điện tử với cấp độ khó tăng dần là điền vào biểu mẫu giấy tờ” — là chuyện bi hài gia đình sánh với “Lucy & Desi”.

Dù đôi khi bị hạn chế không thể tự do du ngoạn thế giới, Habib vẫn tìm mọi cách để du hành theo nghĩa bóng, từ Brooklyn nơi tác giả sống. Sau khi sinh con, tác giả thường đi những chuyến xe buýt dài lang thang qua các khu phố với đứa bé mới sinh, nhận ra làm mẹ khiến cô ít gặp phải sự chú ý của đàn ông hơn. (Cuốn sách còn thật nhiều điều để mong đợi!)

Habib là người đọc nhiều và hay hoài nghi, cô đặt nữ hoàng Sheba trái ngược với “The Hero With a Thousand Faces” (Thiên diện anh hùng) của Joseph Campbell, hoặc chú ý đến những nhân vật bị tách biệt khỏi xã hội trong tiểu thuyết trinh thám nhuốm màu chủ nghĩa thực dân của Agatha Christie và băn khoăn về câu chuyện của họ. Habib phân tích sách hướng dẫn du lịch, từ Baedeker đến Lonely Planet. “Mỗi lần tôi cầm cuốn sách hướng dẫn lên, Lucy Honeychurch và Miss Lavish lại tranh đấu trong hồn tôi,” tác giả viết, nhắc đến nhân vật trong tiểu thuyết “A Room With a View” (Phòng có tầm nhìn) của E.M. Forster, những người phụ thuộc vào thông lệ và may mắn tình cờ trên hành trình của bản thân. (Nhân tiện, thật tuyệt khi lấy lại được từ “hành trình” từ những ngôn ngữ lảm nhảm của Thời đại Mới.)

Ngay cả khi xem chương trình “The Great British Bake Off” (Cuộc thi làm bánh ở Anh), “có lẽ là chương trình xem thoải mái nhất trong lịch sử truyền hình”, cũng là dịp để Habib ngẫm về chế độ nô lệ, sau khi cưỡng ép người ta di chuyển trong những điều kiện tồi tệ nhất, đã thúc đẩy ngành buôn bán đường như thế nào.

Với những cây viết về du lịch khác, tác giả có vẻ đồng tình với Paul Theroux và gay gắt với bài báo của Evan Osnos trên tờ The New Yorker, về chuyến du lịch trọn gói đến châu Âu của Trung Quốc, trong đó ông ta là người da trắng duy nhất.

Nhưng “Airplane Mode” không phải cuốn sách chỉ trích tẻ nhạt — sách chỉ là lời kêu gọi người đọc tỉnh táo với những bất công và thảm họa sắp xảy ra trên thế giới khi họ tận hưởng những chuyến đi vui vẻ. Habib nhắc chúng ta nhớ về Amartya Sen, người đoạt giải Nobel, bị giam giữ năm 1999 trên đường đi phát biểu tại Davos và nhắc nhở tấm hộ chiếu đang dần trở thành “hàng hóa trao đổi hơn là bản sắc quốc gia”. (Đúng vậy, trong khi một số người du lịch tại chỗ thời đại dịch, một số khác lại nộp đơn xin hộ chiếu thứ hai). Cuốn sách có những cung đường vòng thú vị về hoa giấy, con đỉa, và trò chơi đu quay.

Habib nhận thức rõ biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng thế nào đến du lịch — Venice, ai nghĩ đến không? – và việc du hành làm biến đổi khí hậu ra sao, đây là điều hầu hết hội viên “Triệu dặm bay” không muốn nghĩ tới. (Chồng tôi quyết định giảm hẳn di chuyên bằng máy bay vì môi trường khiến nhiều thành viên trong gia đình tức giận, người tham gia tiệc cocktail há mồm kinh ngạc, và chúng tôi mất đi ít nhất một tình bạn quý giá. Còn tôi rất thích ở nhà xem liên tục loạt phim “Air Disasters” (Thảm họa trên không) trên kênh Smithsonian, quả là biện pháp trị liệu kỳ lạ dành cho những người sợ bay.)

Khi Habib thật sự thoát được mọi cản trở, tác giả trở thành người quan sát trung thực đến độ không khoan nhượng và rất hài hước, so sánh “giọng nói yếu ớt như động vật ăn cỏ” của mình với tính phiêu lưu liều lĩnh của Anthony Bourdain; thừa nhận bản thân thèm đồ ăn Thái trong chuyến đi đến Tây Ban Nha, rồi khám phá những lực lượng mang món ăn này đến đó; thú nhận thực ra mình không thích đi tham quan di tích.

Thú vị là cuốn sách lấy tiêu đề từ chế độ cài đặt trên điện thoại iPhone, “Airplane Mode” (Chế độ trên máy bay) không bàn nhiều đến việc những ứng dụng siêu la bàn như Google Maps, Yelp và các phần mềm tương tự thay đổi du lịch mãi mãi ra sao. Nhưng trong thời đại quà lưu niệm gần như lỗi thời, mọi món đồ trang trí trên Trái đất đều chỉ cần một cú nhấp chuột là mua được, cuốn sách này là quả cầu tuyết nhỏ xinh xắn, lay động những quan điểm cứng nhắc.

AIRPLANE MODE: An Irreverent History of Travel | By Shahnaz Habib | Catapult | 288 pp. | $27

No comments:

Post a Comment

Từ những lá bài Tarot đến thiết kế tối giản, chúng ta không đừng được việc dự đoán tương lai

nguồn: New York Times, biên dịch: Takya Đỗ, Trong cuốn “A Century of Tomorrows” (“Một thế kỷ trong tương lai”), tác giả Glenn Adamson cho ch...