nguồn: nytimes
biên dịch: nguyễn quỳnh anh
Trong cuốn "Adventures in Volcanoland" (Những cuộc phiêu lưu ở vùng đất núi lửa) nhà địa chất Tamsin Mather đưa chúng ta vào hành trình thám hiểm khắp toàn cầu và lịch sử cùng với niềm đam mê cả đời bà.
Ngọn Momotombo ở Nicaragua chỉ là một trong số nhiều núi lửa tác giả Tamsin Mather từng đến thăm trong sự nghiệp khởi nguồn từ niềm đam mê thời thơ ấu.
Tôi sống trên nền đá granit hồng, thuộc cấu trúc địa chất trải dài khắp miền nam Connecticut, nhô lên khỏi mặt đất đây đó giống như một đàn cá voi đang nổi lên mặt biển.
Trước khi tôi và vợ mua nhà, chúng tôi nhờ một vị chuyên gia thẩm định đến xem. "Chà," ông ấy nói, "nền đá của anh đi xuống cả nghìn dặm sâu trong lòng đất — nên không có gì phải lo lắng đâu."
Chúng tôi sinh sống trên nền đá yên bình này hơn hai thập kỷ, qua từng năm, tôi lại càng khó tưởng tượng cư trú ở vùng đất như Iceland hay Indonesia — nơi có nhiều nguy cơ khiến người ta lo lắng, bởi vì chất rắn của Trái đất biến thành chất lỏng, tro tàn hoặc khí rồi bay ra khỏi núi lửa.
Trang bìa cuốn sách "Adventures in Volcanoland" minh họa dòng sông dung nham nóng chảy màu cam và vàng, chảy ra từ giữa những ngọn núi đen thẫm. Chữ trên bìa có màu trắng và vàng.
Tác giả Tamsin Mather, nhà địa chất học tại Đại học Oxford, không gặp khó khăn nào như thế. Bà dành cả sự nghiệp đến thăm các ngọn núi lửa, tìm hiểu cách thức chúng hoạt động. Cho nên tác giả nhận ra Trái đất không phải một thế giới yên bình bao bọc trong một lớp vỏ ổn định, mà là một quả cầu của những cơn bão địa chất khó có thể chế ngự nổi.
Cuốn sách "Adventures in Volcanoland" sắp xếp theo những chuyến đi tác giả Mather từng thực hiện trong suốt sự nghiệp, bắt đầu với Vesuvius, nơi bà lần đầu tiên đến thăm từ khi còn nhỏ trong kỳ nghỉ cùng gia đình. Tiếp theo là núi lửa Masaya của Nicaragua, nơi bà thực hiện nghiên cứu khi còn là sinh viên cao học, và sau đó là núi lửa ở các lục địa khác.
Cuốn sách của Mather dành cho những độc giả như tôi: người ngoại đạo không phân biệt được đá bọt với đá mạt vụn núi lửa (tephra) nếu cả hai thứ này rơi vào đầu. Tuy nhiên, đôi khi đọc cuốn sách cứ như đọc sách giáo khoa, lời văn đầy nội dung như thể bách khoa toàn thư.
Trong đoạn trích như dưới đây, tác giả dường như đang giảng bài cho các nhà núi lửa học tập sự: "Sử dụng những tổng hợp về quy mô và thời gian (thường được xác định bằng cách đo hoạt động hoặc nồng độ các nguyên tố phóng xạ trong các loại đá liên quan đến phun trào) của các dạng phun trào khác nhau, chúng ta có thể rút ra xu hướng", Mather viết. "Chúng ta" ấy hả ? Không phải tôi đâu.
Ở những đoạn khác, "Adventures in Volcanoland" lại có chất trữ tình. Trong một chuyến đi chơi cùng gia đình ở tây nam nước Anh, tác giả Mather đưa cho lũ trẻ xem nắm tay đầy cát "để từ những hạt cát lấp lánh dưới ánh nắng hè, lũ trẻ có thể mường tượng ra khối magma batholith khổng lồ, bên trong đó hình thành nên những tinh thể này". Trong những chuyến thăm Masaya, tác giả quan sát lũ vẹt xanh bay ngang miệng hố núi lửa và lắng nghe tiếng ong vo ve trong lớp đất núi lửa mềm.
Bất chấp vẻ đẹp tác giả Mather nhìn thấy ở núi lửa, bà không bao giờ quên mối nguy hiểm của chúng. "Trong khi những ngọn núi lửa khiến người ta kinh ngạc đến nghẹt thở, luôn có nguy cơ một ngày nào đó chúng sẽ khiến ta không còn thở được nữa", bà viết.
Loài người chúng ta tồn tại có thể là nhờ ơn núi lửa. Mather suy đoán có khả năng nhiệt núi lửa dưới đáy biển, hoặc sét đánh trong quá trình phun trào, "đã giúp tái cấu trúc một số nguyên tử của Trái đất thành các phân tử cơ bản nguyên thủy đầu tiên, cho phép sinh vật bằng cách nào đó bắt đầu hình thành".
Trong nghiên cứu của mình, tác giả Mather có chuyên môn về đo các loại khí phát ra từ núi lửa. Ngay cả khi không phun trào, núi lửa cũng giải phóng lượng lớn khí carbon dioxide. Nếu không có loại khí giữ nhiệt này, hiệu ứng nhà băng sẽ thay thế hiệu ứng nhà kính, và nhiệt độ của hành tinh sẽ giảm gần 60 độ.
Nhìn chung, Trái đất có thể giữ cho khí hậu ổn định. Núi lửa làm nóng hành tinh, còn các phản ứng hóa học lại hút khí carbon dioxide từ không khí, cuối cùng đưa nó xuống sâu dưới lòng đất.
Tuy vậy, cơ chế điều nhiệt toàn hành tinh này không đủ sức ngăn cản núi lửa định kỳ giải phóng sức tàn phá. Các vụ phun trào lớn có thể là nguyên nhân gây ra hầu hết các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử sự sống.
Những người phủ nhận biến đổi khí hậu chỉ ra lượng khí carbon dioxide khổng lồ do núi lửa phát ra để hạ thấp tác động của chúng ta lên khí hậu. Nhưng đối với tác giả Mather, sự so sánh này càng nhấn mạnh mức độ khủng khiếp của cuộc khủng hoảng chúng ta đang tự đặt mình vào. Tác giả đưa ra lời cảnh báo, "lượng khí phát thải tự nhiên này trở nên chẳng đáng kể so với những gì con người gây ra".
Với ô tô và nhà máy nhiệt điện than, chúng ta đã tạo ra một siêu núi lửa. Và nếu nhìn được dấu hiệu từ quá khứ, chúng ta sẽ thấy mình đang đe dọa hàng triệu loài rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, có lẽ bao gồm cả chính loài người. "Nếu sự kiện tuyệt chủng hàng loạt xảy ra ngày nay, nó sẽ diễn ra cùng với loài người, và khi kết thúc, những ngọn núi lửa của Trái đất vẫn sẽ ở đây, thống trị hành tinh chúng ta bỏ lại", Mather viết.
Cuốn sách của tác giả Mather khiến tôi có phần bối rối về ngôi nhà của mình. Nền đá granit hồng bên dưới nhà mang lại cho tôi nền móng vững chắc tôi hằng mong muốn, nhưng ban đầu đây cũng là một khối chất lỏng nóng chảy khổng lồ đẩy lên qua lớp vỏ Trái đất hàng trăm triệu năm trước. Rồi nguội đi thành một loại đá cứng, kết tinh, và khi các lớp phủ mềm hơn bên trên bị xói mòn, nền đá granit phơi ra dưới ánh mặt trời.
Nền đá sẽ vẫn rắn chắc trong suốt cuộc đời tôi, nhưng hàng triệu năm sau, vùng đất núi lửa có thể sẽ phun ra một khối magma khác, bao phủ vùng đất này bằng một đợt tàn phá mới.
ADVENTURES IN VOLCANOLAND: What Volcanoes Tell Us About the World and Ourselves | By Tamsin Mather | Hanover Square | 374 pp. | $30
Carl Zimmer covers news about science for The Times and writes the Origins column. More about Carl Zimmer
https://www.nytimes.com/2024/06/19/books/review/adventures-in-volcanoland-tamsin-mather.html
No comments:
Post a Comment