nguồn: New York Times,
biên dịch: Nguyễn Quỳnh Anh,
Daphne Caruana Galizia cống hiến cả cuộc đời mình để vạch trần nạn tham nhũng tràn lan ở Malta, con trai bà, nhà báo Paul Caruana Galizia, kể lại câu chuyện ấy trong cuốn sách “A Death in Malta” (Cái chết ở Malta).
Daphne Caruana Galizia vừa nổi tiếng vừa khét tiếng ở Malta, bà là nhà báo thẳng thắn từng viết “kẻ thù lớn nhất của tự do ngôn luận” là nỗi sợ hãi, bởi nó dẫn đến “tình trạng nguy hiểm khi các cá nhân bị bịt miệng”. Bị bịt miệng là điều cuối cùng Caruana Galizia có thể chịu đựng được. Rốt cuộc, sự dũng cảm ấy khiến bà bị sát hại.
Bà viết bằng tiếng Anh cho các tờ báo, và rõ ràng hơn, viết cho blog cá nhân có tên “Running Commentary”, để vạch trần nạn tham nhũng ở tầng lớp thượng lưu trong xã hội và chính phủ Malta. Hàng trăm nghìn người chú ý đến lời bà viết, đây là lượng độc giả đặc biệt lớn đối với một quốc gia chỉ có nửa triệu dân. Người ta theo dõi bà không chỉ vì những bài báo, có lẽ còn hơn thế nữa, vì những quan điểm không khoan nhượng của bà đối với giới tinh hoa chính trị. Bà ấy gọi một thủ tướng tại vị lâu năm là “kẻ hoàn toàn tâm thần vô cảm xã hội”, kẻ lãnh đạo một “chính phủ vô năng” và vây quanh hắn là lũ “thiểu năng trí tuệ”. Các nhà báo đồng nghiệp có thể bị nói là “nhu nhược, ngớ ngẩn và thậm chí ngu ngốc”. Người Malta bình thường cũng không được tha; “ngu dốt”, “vô đạo đức” và “hám lợi” là một vài từ được dùng để miêu tả họ.
Không có gì ngạc nhiên, Caruana Galizia thu hút nhiều kẻ thù — rất nhiều. Bà và gia đình chịu đựng nhiều mối đe dọa đến độ bà phải tránh xa chỗ công cộng hết sức có thể. Con chó của bà bị giết. Kẻ thù cố đốt ngôi nhà của bà ở làng Bidnija. Phân được gửi cho bà qua thư. Một ngân hàng phong tỏa tài khoản thanh toán của bà. Hàng chục vụ kiện được đệ trình chống lại bà, vì tội phỉ báng cả dân sự và hình sự.
Cuối cùng, vào một buổi chiều tháng 10.2017, bà bị sát hại ở tuổi 53 khi vừa rẽ ra khỏi đường vào nhà. Một quả bom bị cài trong đêm, được kích hoạt từ xa, thổi bay bà cùng chiếc Peugeot màu xám thành từng mảnh. Con trai út của bà, Paul Caruana Galizia, dẫn lời một người nông dân lái xe ngang qua chứng kiến giây phút cuối cùng ấy. “Tôi thậm chí còn nghe thấy tiếng bà ấy hét,” anh ta kể. “Một tiếng hét lớn.”
Cuộc đời và di sản bà để lại được tái hiện xuất sắc trong cuốn sách “A death in Malta” của người con trai út, cuốn sách khám phá không chỉ sự nghiệp của bà mà còn cả tác động từ sự nghiệp ấy đối với gia đình anh cũng như những biện pháp mà anh và các anh trai, Matthew và Andrew, thực hiện để khuyến khích điều tra vụ giết người kinh hoàng của mẹ. Nhà báo thường không bị giết ở Tây Âu. Trong số 67 trường hợp tử vong trên toàn thế giới được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York ghi nhận năm 2017, chỉ có hai trường hợp là người Tây Âu: Caruana Galizia và Kim Wall, người Thụy Điển bị giết hại ở Copenhagen. Kết quả từ những nỗ lực của anh em nhà Caruana Galizia là một báo cáo nghiêm trọng năm 2021 của hội đồng thẩm phán cho thấy nhà nước Malta “không nhìn nhận những rủi ro thực sự và trước mắt” mà Daphne phải đối mặt. Tệ hơn nữa, họ nói rằng “quốc gia này đang tiến tới tình trạng có thể được coi là nhà nước mafia. Chính vụ ám sát nhà báo đã ngăn chặn thảm họa thấy được này.”
Có vài vụ bắt giữ. Hai anh em, George và Alfred Degiorgio, đang đi tù vì tội làm sát thủ; và một kẻ có tên Vincent Muscat đi tù vì tội tòng phạm. Một số kẻ khác cũng bị buộc tội, đặc biệt là một doanh nhân người Malta, Yorgen Fenech, hắn bị bắt khi cố gắng chạy trốn trên du thuyền của mình và hiện đang chờ xét xử do bị buộc tội kẻ chủ mưu toàn bộ âm mưu.
Về phần hậu quả chính trị, thủ tướng Malta, Joseph Muscat (không có quan hệ gì với Vincent), tuyên bố từ chức cuối năm 2019. Ông ta không bị liên quan đến vụ giết người. Nhưng có lẽ ông ta cảm thấy bị trừng phạt đủ rồi, bị Daphne vùi dập không thương tiếc trong các bài viết, bị gọi là “con chó xù”.
Cuốn sách này có lẽ giúp những ai ít biết về đất nước Malta mở mang tầm mắt. Bức tranh mở ra trong những trang sách này không hề đẹp đẽ, đầy rẫy nạn tham nhũng tràn lan và mối đe dọa rình rập, càng gây sửng sốt hơn vì nó liên quan đến một thành viên Liên minh châu Âu.
Làm nhà báo ở Anh, Paul Caruana Galizia thiên về câu văn ngắn và phong cách ngắt âm. Có lúc trong mạch kể chuyện của tác giả, hành vi tham nhũng mà mẹ anh theo đuổi, chẳng hạn như vụ việc một công ty điện lực nhận được khoản vay đáng ngờ từ chính phủ Malta trị giá 400 triệu đô la, có thể khó theo dõi trong rừng rậm những luồn lách và thỏa thuận. Nhưng tác giả tập trung sắc bén và rõ ràng vào những gì đang bị đe dọa: “Trong một đất nước nhỏ bé, bạn không bao giờ cách xa kẻ thù của mình”.
Đó là bài học mà anh và các anh em phải học được từ rất sớm. Sau khi mẹ anh viết về những kẻ buôn bán ma túy người Malta năm 1993, bà có quyết định khôn ngoan là không cho các anh em họ lên xe buýt thường lệ và tự mình đưa các con đến trường — sau khi kiểm tra gầm xe, việc mà dường như bà quên làm vào ngày định mệnh. Sau khi bà qua đời, các anh em tác giả được đào tạo riêng về cách phát hiện bom xe và thực hiện sơ cứu.
“Sự xấu xí ở Malta luôn khó giải thích ở bên ngoài đất nước này”, Paul viết. “Nó đương nhiên và cứ thế tồn tại. Việc xóa bỏ nhân tính của một nhà báo cho phép vụ án sát hại bà ấy xảy ra, và vụ giết người cho phép xóa bỏ tác phẩm bà thực hiện cũng như bất kỳ ai tiếp tục con đường ấy. Chuẩn mực thay đổi, nền tảng sụp đổ, sự xấu xí càng sâu đậm hơn.”
Chắc chắn đây không phải câu chuyện đầy đủ mọi khía cạnh. Nếu Daphne có khuyết điểm trong tư cách nhà báo — một số người có thể đặt ra nghi ngờ hợp lý với phong cách viết báo luận chiến của bà — thì con trai bà không phải người ghi chép về những khuyết điểm đó. Mà vì sao anh ấy phải làm vậy? Sự thật không thể chối cãi là vụ giết người tạo nên làn sóng mạnh mẽ gây tiếng vang khắp Malta, với hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình và cầu nguyện. Họ treo lên nhiều biểu ngữ thường xuyên bị chính quyền dỡ bỏ, để rồi họ lại treo lên. Một số người còn mang theo những tấm bảng và mặc áo phông có dòng chữ định mệnh cuối cùng mà Daphne viết trên blog của bà nửa giờ trước khi lên xe:
“Kẻ gian ở khắp mọi nơi. Tình hình thật sự tuyệt vọng.”
A DEATH IN MALTA: An Assassination and a Family’s Quest for Justice | By Paul Caruana Galizia | Riverhead | 304 pp. | $29
No comments:
Post a Comment