nguồn: Japan Times,
biên dịch: Quỳnh Anh,
Cảnh giác trước giấc mộng trở thành tâm điểm chú ý của Trung Quốc.
bài bình sách của Tyler Rothmar
Hiện nay, ngay cả những người quan sát bình thường nhất về các diễn biến ở châu Á cũng phải chú ý tới vận động địa chính trị hung hãn của Trung Quốc, có kênh thông tin quốc gia đã bắt đầu gọi đó là "trỗi dậy."
Để hiểu cụm từ này thích hợp ra sao, cần nhìn lại quá khứ xa xôi của Trung Quốc. Qua việc
xem xét nguồn gốc từ thời cổ đại về tính tự tôn của Trung Quốc, ta có thể soi rõ bản chất các mối quan hệ của quốc gia này với các nước láng giềng. Đây là nội dung chính của “Everything Under the Heavens: How the Past Helps Shape China’s Push for Global Power,” (tạm dịch "Thiên hạ: Lịch sử góp phần định hình Trung Hoa mộng về Quyền lực toàn cầu như thế nào"), cuốn sách mới của tác giả Howard W. French, từng giữ chức vụ cựu giám đốc văn phòng New York Times (bao gồm việc phụ trách cả Tokyo và Thượng Hải).
Sau hơn một thiên niên kỷ là lực lượng văn hoá thống trị ở châu Á, Trung Quốc đã trải qua thế kỷ 20 trong tình trạng hoặc bị kẹt trong xung đột với thế lực nước ngoài hoặc sa lầy trong tranh chấp nội bộ. Sau khi trở lại ổn định tương đối hồi những năm 1980 sau cơn ác mộng tự hủy diệt của Cách mạng Văn hoá, đất nước này bắt đầu một thời kỳ tăng trưởng đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, mang lại sự bành trướng ngoạn mục trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự mà hiện vẫn đang tiếp diễn. Lần đầu tiên trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang liều lĩnh giành lại quá khứ vinh quang của mình.
Trong cuốn sách này, tác giả French đã chọn lọc lịch sử quan hệ ngoại giao của Trung Quốc để qua đó thấy được các sự kiện hiện tại, lấy chủ đề thiên hạ như trong tiêu đề làm sợi chỉ xuyên suốt. Trải qua khắp các triều đại và hệ thống chính trị thay đổi, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dần coi thế giới là "thiên hạ", thuộc quyền thống trị thiên mệnh của mình. Quan điểm cho rằng quyền lực và sự cai trị của Trung Quốc đơn thuần có nguồn gốc từ một nền văn hoá vượt trội và tư tưởng "thiên mệnh" đã bám rễ rất sâu, theo tác giả French.
Lập luận của tác giả dựa trên nhiều tài liệu tham khảo toàn diện và sâu rộng, ông lần theo dấu tư tưởng vận mệnh này của phương Đông qua lịch sử, qua bang giao của Trung Quốc với các quốc gia và dân tộc khác — từ việc đòi cống nạp và thuần phục từ triều đình Okinawa trong hầu hết thời kỳ Edo ( 1603-1868) đến việc thao túng khiến Việt Nam và Campuchia mâu thuẫn lợi ích trong những năm 1970 — Trung Quốc đã tự coi mình là trung tâm về văn hoá và kinh tế còn tất cả quốc gia khác đều ở ngoại biên.
Đối với Nhật Bản và các quốc gia lân cận, điều này trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Viện dẫn lịch sử cổ đại, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với mọi thứ trong cái gọi là đường-lưỡi-bò thuộc Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông), nơi có những tuyến đường vận tải quan trọng. Ngoài việc không thừa nhận phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố này, Trung Quốc đã bắt đầu các dự án cải tạo đất quy mô lớn gần quần đảo Trường Sa trong đường-lưỡi-bò, và đến năm 2016 đã thiết lập hệ thống chống máy bay và chống tên lửa tại một số hòn đảo nhân tạo này. Trong khi đó, căng thẳng thường xuyên ở mức cao quanh quần đảo Senkaku, nằm gần Okinawa và Đài Loan và được Nhật Bản (hiện đang kiểm soát các đảo này), Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
"Ngày nay, theo những phương thức ngày càng không thể nhầm lẫn, trò chơi địa chính trị của Trung Quốc dựa trên các khái niệm về thế giới và quyền lực trước đây của họ," tác giả French viết, hiện ông là giáo sư tại Trường Đại học Báo chí Columbia. "Mọi thứ trong ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc cho thấy cách nước này nhìn nhận Tây Thái Bình Dương giống như đã từng nhìn nhận thế giới cổ xưa của mình, thiên hạ của Trung Hoa đế quốc, và họ dự định đưa khu vực này trở lại là nơi vị thế tối cao của Trung Quốc không bị cản trở."
Tác giả French dừng lại ở vài thời điểm trong lịch sử nhằm nghiên cứu thái độ của Trung Quốc. Tác giả nhắc đến Trịnh Hòa, vị đô đốc thái giám thống lĩnh một hạm đội khổng lồ có chuyến hành trình vào đầu những năm 1.400 đi qua Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi và đã được thêm thắt để làm ví dụ về sự kiểm soát trong lịch sử của Trung Quốc đối với các tuyến đường biển và tính nhân văn của văn hóa Trung Quốc. Và ông dành nhiều giấy mực kể chi tiết mối quan hệ cổ xưa và đầy căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Đọc những dòng viết của tác giả French về sự chuyển đổi đồng minh bất ngờ của Trung Quốc trong những năm 1970 từ Hà Nội sang Khmer Đỏ của Campuchia, thật khó để không nghĩ đến Bắc Triều Tiên: "Ý thức hệ không giải thích được các lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực. Động cơ thực sự của nước này bắt nguồn từ một hệ phân tích lâu đời và thâm sâu hơn nhiều. Bản năng gốc của Trung Quốc, vẫn còn đến ngày nay, là giữ và che chở những lãnh thổ cư xử như chư hầu và chống lại, lừa phỉnh, lật đổ, và chinh phục những kẻ đang ngáng đường Trung Quốc chiếm giữ thiên hạ như thời cổ đại."
Tác giả French kết thúc bằng tổng kết chi tiết về những diễn biến gần đây và phân tích nhân khẩu học. Ông kết luận, chúng ta có lẽ đang ở đỉnh điểm của thời kỳ căng thẳng nhất từ những nỗ lực kiểm soát khu vực biển của Trung Quốc. Tác giả tin rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực trên trước khi quốc gia này phải chịu những biến chứng do dân số già đi có thể làm nảy sinh những vấn đề tương tự Nhật Bản.
Cuốn sách "Thiên hạ" được hoàn thành ngay trước khi chính quyền Trump lên nắm quyền, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với The Japan Times, tác giả French đã nói như sau về quan điểm của Trung Quốc với lãnh đạo hiện nay của Mỹ: "Tôi nhớ trong thời gian còn làm phóng viên tại Tokyo, tôi đã được một nhà ngoại giao Nhật chia sẻ rằng điều nổi bật nhất ở Mỹ là khả năng sửa sai, đổi mới và kiên định đường lối chính sách. Chắc chắc có những người trong giới trí thức Trung Quốc có cùng suy nghĩ này và cảnh giác với việc đọc quá nhiều tin tức về tình hình hiện tại của Washington. Người ta phải hy vọng rằng năng lực này sẽ luôn nguyên vẹn."
Dù thế nào, cuốn sách này sẽ vẫn là tài liệu có giá trị về tính liên tục trong cách tiếp cận của Trung Quốc theo thời gian mà cuốn sách đã chỉ ra rất rõ. "Điều quan trọng là không bao giờ được quên lãng các khái niệm nền tảng như vậy, bởi chúng mang lại cái nhìn sâu sắc về cách (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình hình dung trật tự thế giới ngày nay và tương lai", tác giả French viết. "Những khái niệm này giúp ta hiểu được chính Trung Hoa mộng."
No comments:
Post a Comment